LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của để tài Tỷ giá là một biến số vĩ mô quan trọng của mọi nền kinh tế vì nó có mối quan hệ mật thiết với các yếu tố khác như lạm phát, lãi suất và có tác động to lớn đến cán cân thanh toán, nợ nước ngoài và giá cả của một nước. Vì vậy, ngân hàng trung ương của mọi quốc gia đều coi trọng biến số này, dùng nó để định hướng thị trường. Và Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, tỷ giá hối đoái đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng như một trong những công cụ chủ yếu trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ, nhằm thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội đã đặt ra cho từng thời kỳ. Chính sách tỷ giá của Việt Nam đã thay đổi khá rõ nét qua thời gian. Thành quả đạt được từ những thay đổi, điều chỉnh đó là sự ổn định tương đối của tỷ giá VND/USD, góp phần quan trọng để thực hiện chủ trương khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát lạm phát, gia tăng dự trữ ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán cũng như ổn định các các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Có thể thấy, chính sách tỷ giá có tác động đến nhiều khía cạnh của một nền kinh tế, trong đó không thể không kể đến tác động to lớn của nó đến thị trường ngoại hối. Về thị trường ngoại hối, thị trường ngoại hối Việt Nam chính thức hình thành từ đầu những năm 90 và từ đó có không ít những thay đổi tích cực cả về lượng và chất với số lượng đối tượng tham gia đông đảo hơn và doanh số hoạt động tăng từng năm. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối Việt Nam cho đến nay vẫn bị đánh giá là kém phát triển so với thị trường ngoại hối tại nhiều nền kinh tế trên thế giới và khu vực. Sự kém phát triển của thị trường có thể coi là do các yếu kém từ cơ chế, trong đó có những yếu kém từ chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi như hiện nay với nhiều thuộc tính và đặc trưng mới của nền kinh tế đã xuất hiện nhưng chưa được định hình rõ ràng thì cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái trong quản lý vĩ mô ở nước ta vẫn chưa thể coi là được giải quyết thoả đáng, và từ đó đã tạo ra những tác động trái chiều lên thị trường tiền tệ nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng, gây ra không ít khó khăn cho những chủ thể tham gia. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thị trường ngoại hối, chính sách tỷ giá hối đoái và những tác động của chính sách đến thị trường là rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế như hiện nay nhằm tạo lập được một thị trường ngoại hối có tính thanh khoản cao, đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường tài chính thế giới. Đây cũng là lý do em quyết định chọn đề tài khoá luận là: Đánh giá tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến hoạt động của thị trường hối đoái Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế. 2. Mục tiêu nghiên cứu Trên cơ sở những lý luận về tỷ giá hối đoái, chính sách tỷ giá hối đoái, Khoá luận tập trung phân tích những diễn biến cơ bản trong việc điều hành tỷ giá ở Việt Nam qua các giai đoạn và nêu lên những tác động của chính sách đến hoạt động của thị trường ngoại hối qua từng giai đoạn nghiên cứu. Từ đó, Khoá luận cũng nêu ra những tác động tích cực đồng thời những mặt hạn chế cần khắc phục của chính sách nhằm đưa ra được những giải pháp hoàn thiện hơn cơ chế quản lý tỷ giá ở Việt Nam, đảm bảo xây dựng một thị trường ngoại hối phát triển bền vững. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Khoá luận lấy chính sách tỷ giá của Việt Nam qua từng thời kỳ và thị trường ngoại hối Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu chính để từ đó đưa ra được những tác động của chính sách đến hoạt động thực tiễn của thị trường. Phạm vi nghiên cứu của Khoá luận là những nội dung cơ bản trong chính sách tỷ giá của Việt Nam qua từng thời kỳ như việc lựa chọn cơ chế tỷ giá hối đoái, xác định và điều chỉnh tỷ giá hối đoái. 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu của Khoá luận là: - Thống kê - Phân tích tổng hợp - Kết hợp giữa lý luận và thực tiễn 5. Bố cục của Khoá luận Ngoài Lời mở đầu, Kết luận, Khoá luận có kết cấu làm ba chương: Chương 1: Tổng quan về chính sách tỷ giá hối đoái và tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến hoạt động của thị trường ngoại hối Chương 2: Phân tích tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến hoạt động của thị trường ngoại hối Việt Nam Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị về chính sách tỷ giá hối đoái nhằm nâng cao hiệu quả tác động của chính sách tỷ giá đến hoạt động của thị trường ngoại hối Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù đã rất cố gắng trong quá trình nghiên cứu nhưng do kiến thức về thị trường ngoại hối còn hạn chế nên Khoá luận chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Em rất mong nhận được những đóng góp quý báu từ phía các thầy cô nhằm hoàn thiện hơn Khoá luận của mình. Nhân dịp này, em muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Thạc sỹ Kim Hương Trang, người đã giúp đỡ em tận tình trong suốt quá trình thực hiện đề cương đến khi hoàn tất Khoá luận.