MỞ ĐẦU Trong nhiều năm qua, thiếu máu và thiếu vitamin A (Vit.A) vẫn là vấn đề ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam [1]. Thiếu máu do nhiều nguyên nhân như thiếu chất dinh dưỡng cần cho quá trình tạo máu (thiếu sắt, thiếu axit folic, thiếu vitamin B12…) hoặc do một số bệnh nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa Hemoglobin. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ có thai và trẻ nhỏ [2]. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2011 có đến 38% phụ nữ có thai trên toàn cầu bị thiếu máu, trong đó phần lớn là ở các nước đang phát triển [1]. Hơn một nửa các trường hợp thiếu máu ở phụ nữ có thai là do thiếu sắt [3]. Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và tác động không tốt đến quá trình tăng trưởng của trẻ sau này. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao thiếu máu cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ thiếu Vit.A [4]. Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có khoảng 140 triệu trẻ em trước tuổi đi học và trên 7 triệu phụ nữ có thai bị thiếu Vit.A tiền lâm sàng gây nên cái chết của 1,2 đến 3 triệu trẻ em [5, 6]. Thiếu Vit.A có thể gây mù lòa, chậm phát triển thể lực, giảm khả năng miễn dịch, dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng và tăng nguy cơ tử vong [7-9]. Tại Việt Nam, kết quả tổng điều tra toàn quốc năm 2015 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5%, ở phụ nữ có thai là 32,8%, thuộc mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng [10]. Tỷ lệ thiếu máu khác nhau ở các vùng sinh thái trong đó cao nhất là ở vùng núi Tây Bắc, Nam Miền Trung và Tây Nguyên [11]. Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu Vit.A tiền lâm sàng (Vit.A huyết thanh < 0,7 µmol/L) vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ [10]. Các yếu tố nguy cơ gây thiếu Vit.A vẫn tồn tại như lượng Vit.A trong khẩu phần còn thấp, các bệnh nhiễm trùng vẫn phổ biến đặc biệt ở các vùng khó khăn như vùng núi phía Bắc, Nam miền Trung [12, 13]. Dinh dưỡng của bà mẹ kém cả trước và trong khi có thai được biết là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt, thiếu Vit.A. Việc tăng cường dự trữ sắt, Vit.A của người mẹ trước khi có thai giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thai nhi [14, 15]. Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho con người. Các thực phẩm nguồn gốc động vật không chỉ là nguồn chất đạm mà còn cung cấp các vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao như sắt, kẽm, Vit.A, Vit B … những vi chất này đều rất quan trọng với sức khỏe sinh sản của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Việc tăng mức tiêu thụ thực phẩm giàu sắt, kẽm, Vit.A, Vit B 12 trước và trong khi có thai đối với các phụ nữ có nguy cơ thiếu hụt các vi chất do các thực phẩm này cung cấp sẽ có khả năng cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng, giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng, giảm tỷ lệ sinh non, cải thiện cân nặng sơ sinh và tăng trưởng của trẻ nhất là trong những tháng đầu đời [15]. 12 Mặc dù các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng cho phụ nữ khi có thai, nhưng các nghiên cứu về thử nghiệm bổ sung thực phẩm tự nhiên để cải thiện tình trạng vi chất của mẹ và kết quả thai nghén còn chưa nhiều [16]. Một số nghiên cứu hồi cứu trên thế giới đã đánh giá tác động của việc cung cấp thực phẩm tự nhiên cho phụ nữ trước và trong khi mang thai thông qua các chương trình bổ sung thực phẩm trong điều kiện khẩn cấp chứ không với chủ đích nghiên cứu [17, 18]. Mặt khác, các nghiên cứu can thiệp đánh giá tình trạng sắt, Vit.A mới chủ yếu dựa trên các chỉ số Hb, ferritin và nồng độ Vit.A huyết thanh. Do vậy, một nghiên cứu được thiết kế khoa học, sử dụng các chỉ số hóa sinh như Transferrin-receptor, Body Iron, Hepcidin và Retinol Binding Protein để đánh giá can thiệp bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng sẵn có tại địa phương cho phụ nữ từ trước khi có thai cho tới khi sinh, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng sắt và Vit.A ở phụ nữ có thai là thực sự cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện tại địa bàn huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, vì đây là một huyện nông thôn đặc trưng với dân số thuần nông chiếm 90%, có mạng lưới y tế cơ sở hoạt động tốt. Mặc dù kinh tế xã hội của huyện đã có nhiều phát triển trong nhưng năm qua, nhưng phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện vẫn thiếu dinh dưỡng [19]. Đây là một can thiệp đầu tiên triển khai bổ sung vi chất dựa vào thực phẩm tự nhiên từ trước khi có thai cho tới khi sinh và so sánh với việc chỉ bổ sung trong thời gian có thai. Mặc dù nhiều người đều nhận thấy thời kỳ có thai có thể là quá ngắn để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, nhưng điển hình của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng chỉ được thực hiện từ khi đi khám thai cho đến khi sinh con. Do vậy kết quả là một cảnh báo rộng rãi khi mà việc bổ sung cho bà mẹ chỉ được thực hiện khi bắt đầu có thai. Vì vậy đề tài "Nghiên cứu một số chỉ số hóa sinh liên quan đến tình trạng dinh dưỡng sắt, Vit.A ở phụ nữ mang thai được bổ sung thực phẩm" đã được triển khai với ba mục tiêu nghiên cứu: 1. Xác định tình trạng sắt, vitamin A ở phụ nữ trước khi có thai lần đầu tại huyện Cẩm Khê Phú Thọ. 2. Đánh giá hiệu quả bổ sung thực phẩm đến tình trạng sắt, vitamin A ở nhóm phụ nữ được bổ sung thực phẩm từ trước khi có thai đến khi thai được 32 tuần. 3. Đánh giá hiệu quả bổ sung thực phẩm đến tình trạng sắt, vitamin A ở nhóm phụ nữ có thai được bổ sung thực phẩm từ khi thai ở tuần 16 đến khi thai được 32 tuần.