MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài - Việc lựa chọn đề tài của Luận án này trước hết xuất phát từ thực tiễn quan hệ Việt – Mỹ: Việt Nam và Mỹ đã bình thường hoá quan hệ được 23 năm và đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện từ 2013 nhưng vì sao viện trợ của Mỹ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn còn rất hạn chế, khoảng 100 triệu USD/năm, chỉ tương đương với viện trợ của Mỹ dành cho Kosovo với dân số chưa đến 2 triệu người? Kể từ 1975 đến nay, vấn đề viện trợ tái thiết luôn là một trong những chủ đề quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ. Trong các cuộc tiếp xúc về bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ giai đoạn 1977-1978, vấn đề Mỹ viện trợ tái thiết 3,25 tỷ USD được Việt Nam đưa ra với lý do Mỹ đã cam kết theo điều 21 của Hiệp định Paris, song Mỹ từ chối đáp ứng. Việt Nam giữ lập trường trên cho đến nửa sau năm 1978, song phía Mỹ lại đưa ra điều kiện khác khiến đàm phán bình thường hoá giữa hai nước rơi vào bế tắc. Trong các cuộc tiếp xúc sau này, kể cả khi hai nước đã bình thường hoá quan hệ, Việt Nam đặt vấn đề theo cách khác: chiến tranh đã qua đi, nhưng việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là điều hai bên cần quan tâm giải quyết [6; tr.7]. Nói cách khác, Mỹ và Việt Nam cần hợp tác giải quyết hậu quả để đưa quan hệ phát triển phù hợp với lợi ích của hai bên. Cách đặt vấn đề trên dường như đã được phía Mỹ chấp nhận và từng bước đáp ứng nhu cầu của Việt Nam. Đáng chú ý, kể từ năm 2001 và đặc biệt là trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama, Mỹ đã tăng nỗ lực viện trợ tái thiết cho Việt Nam, góp phần xây dựng lòng tin, tạo động lực để hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013) và làm sâu sắc hợp tác giữa hai nước cả trên bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế tại Việt Nam và nếu so sánh với các quốc gia khác mà Mỹ tiến hành viện trợ tái thiết như Iraq, Afghanistan thì còn rất khiêm tốn. Việt Nam cần phải làm gì để tiếp tục tranh thủ hơn nữa nguồn viện trợ của Mỹ để góp phần vào nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề và tận dụng các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? - Chủ đề của Luận án còn được lựa chọn dựa trên nhu cầu tìm hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ. Kể từ khi nắm quyền vào 2017, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành điều chỉnh cơ bản và toàn diện chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có vấn đề viện trợ theo hướng cắt giảm ngân sách và điều chỉnh lại để phục vụ lợi ích của Mỹ. Trên thực tế, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến này, viện trợ luôn là một công cụ quan trọng, được các chính quyền Mỹ sử dụng linh hoạt để thực hiện mục tiêu chính sách gắn với quá trình vươn lên của Mỹ trở thành một siêu cường thế giới. Mỹ đã tiến hành một đợt viện trợ khổng lồ sau chiến tranh để trợ giúp các nước châu Âu thông qua Kế hoạch Marshall và tái thiết Nhật Bản, Hàn Quốc vào cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950. Trong giai đoạn tiếp theo, Mỹ tiếp tục là quốc gia viện trợ nước ngoài nhiều nhất thế giới, trong đó phần lớn viện trợ của Mỹ dành cho các quốc gia có chiến tranh. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ tiến hành một số chiến dịch quân sự lớn như Chiến tranh vùng Vịnh chống lại Iraq (2 lần), không kích Kosovo, chiến tranh Afghanistan (2003). Chủ đề viện trợ tái thiết lại nổi lên trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi Mỹ tiến hành một đợt viện trợ lớn cho Iraq nhằm biến nước này thành một “nền dân chủ” trong kế hoạch dân chủ hoá khu vực Trung Đông. Vậy những điều chỉnh của Chính quyền Trump nói trên có phải đi ngược lại chủ trương của các chính quyền trước đây, tức là Mỹ sẽ không còn sử dụng công cụ này trong quan hệ quốc tế nữa hay không?