MỞ ĐẦU Đối ngoại là một lĩnh vực rất cơ bản của một quốc gia, là chiếc cầu nối giữa dân tộc và nhân loại, giữa đất nước và thế giới. Hoạt động đối ngoại không chỉ thể hiện ở tài năng, vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế, mà còn hàm chứa trong đó cả yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày nay, trước xu thế khách quan của toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng, vai trò và vị trí của nó càng trở nên quan trọng trong chiến lược quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Không có một quốc gia nào không quan tâm đến chiến lược đối ngoại. Đối với nước ta, trong thời chiến cũng như trong thời bình, Đảng ta đều coi trọng công tác đối ngoại, xem chính sách đối ngoại là một bộ phận không thể thiếu trong đường lối cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 121986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới đường lối đối ngoại của Đảng, công tác đối ngoại của Việt Nam đã mở ra một bước ngoặt mới, hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng hơn. Với đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng, hoạt động đối ngoại của Việt Nam có hiệu quả hơn, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên thế giới, bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Để góp phần vào việc nghiên cứu đường lối đối ngoại của Đảng nói chung, trong phạm vi tiểu luận này sẽ đi sâu nghiên cứu: Nội dung đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ 1986 – 2004.