Trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt hiện nay, khi mà thị phần của các ngân hàng dần bị chiếm chỗ bởi các định chế tài chính khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần một hướng đi để giữ vững vị thế của mình? Đó chính là chiến lược ngân hàng bán lẻ. Ngân hàng bán lẻ là ngân hàng chủ yếu cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ gia đình và các cá nhân, với quy mô các khoản giao dịch nhỏ, bao gồm tiền gửi tiết kiệm, tài khoản ATM, cho vay thế chấp, cho vay tiêu dùng cá nhân. Thị trường dành cho ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay là thị trường hiện hữu và sinh lời chứ không còn ở dạng tiềm năng nữa. Với số dân gần 87 triệu người, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam bình quân khoảng 900.000 đồng/người so với thu nhập quốc dân bình quân đầu người khoảng 17 triệu đồng/năm là khá thấp. Hơn nữa, với phần lớn dân số trẻ, năng động, thu nhập không ngừng được cải thiện nên Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thu hút được sự quan tâm không chỉ ngân hàng nội mà cả các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh. Vì thế, dù hiện nay, tình hình kinh tế tài chính toàn cầu đang ảm đạm, song nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới vẫn đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Thực tế, khoảng 3 năm trở lại đây hoạt động cho vay tiêu dùng liên tục biến động bất thường theo biến động của thế giới mà chủ yếu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng cho vay nhà của Mỹ, cùng với những thay đổi lớn trong chính sách về hoạt động cho vay tiêu dùng của Việt Nam. Năm 2007, lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở nước ta trở nên sôi động song những tháng đầu năm 2008, các ngân hàng đã thắt chặt hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh cả nước chung tay chống lạm phát. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm ngoái, trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế cộng với chủ trương kích cầu của Chính phủ, các ngân hàng đã nới rộng cho vay tiêu dùng, chủ yếu trong các lĩnh vực: cho vay mua, xây, sửa chữa nhà, mua xe… Dù mạnh tay, song trong tình hình hiện nay, các ngân hàng chỉ mở cửa đối với khách hàng cá nhân đủ điều kiện. Nhưng với tình trạng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao như hiện nay vô hình chung đã đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng lên cao gần 18%. Điều đó làm cho hoạt động cho vay tiêu dùng trở nên khó khăn hơn lúc nào hết. Vì vậy, hiện nay việc mở rộng cho vay tiêu dùng một cách hợp lý là điều cần thiết cho mỗi ngân hàng thương mại của Việt Nam. Xuất phát từ tính cấp thiết và thực tiễn như vậy, tôi đã chọn đề tài: “Mở rộng cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam-chi nhánh Quang Trung”