A. MỞ ĐẦU Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng ta luôn nhận thức về tầm quan trọng của công tác kiểm tra đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết và việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của đảng ta khẳng định: Kiểm tra là một tất yếu khách quan, là một biểu hiện nghiêm túc của hoạt động có ý thức của mọi tổ chức và con người trong xã hội. Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Kiểm tra cần thiết đối với mọi tổ chức và con người trong xã hội, đặc biệt là đối với chính Đảng của giai cấp vô sản và người cộng sản. Kiểm tra là một nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của toàn Đảng: Trong các văn kiện của Đảng, Đảng ta đã khẳng định: Công tác kiểm tra của Đảng là công tác của toàn Đảng. Trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phải coi trọng và tiến hành tốt công tác kiểm tra của Đảng. Trong thời kỳ CNH – HĐH, công tác kiểm tra có vai trò góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong thời kỳ đổi mới. Vì vậy, qua từng nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định: Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, “ Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, đa số đảng viên của Đảng giữ vững lập trường tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phát huy tính năng động sáng tạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng có biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới, vào con đường đi lên CNXH ở nước ta, do đó đã làm tăng thêm những vấn đề nhức nhối của tệ nạn xã hội, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, chà đạp lên nhân phẩm, đạo lý làm người, tham ô, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, sa sút nhân phẩm, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước. Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, một trong những yếu tố đảm bảo Đảng tự đổi mới là tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của UBKT. Từ nhận thức trên, với kiến thức đã được học tập và nghiên cứu, cùng với kiến thức thực tế tại các địa phương, với một số kinh nghiệm tích lũy được, em xin chọn đề tài “Nâng cao vai trò của Uỷ ban Kiểm tra trong Quản lý xã hội” để nghiên cứu.