MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Đề tài được chúng tôi lựa chọn với những lí do sau: + Lí do 1: Sử dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học (DH) nói chung, trong DH môn Toán nói riêng đã và đang được các quốc gia quan tâm, khuyến khích nghiên cứu, áp dụng nhiều hơn nữa. Vào những năm cuối của thế kỉ XX, CNTT đã thể hiện được vai trò và tầm quan trọng của nó trong mỗi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Bước sang thế kỉ XXI, CNTT ngày càng phát triển hơn và ngày càng được áp dụng nhiều hơn trong GD. Theo Daniels J. S. (2002) trong một thời gian rất ngắn CNTT đã trở thành một trong những nền tảng cơ bản của xã hội hiện đại. Nhiều quốc gia coi sự hiểu biết CNTT và việc làm chủ các kĩ năng cơ bản về CNTT như là một phần cốt lõi của giáo dục. [62] Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mạng toàn cầu Internet đã và đang làm thay đổi cách con người tiếp cận tri thức: Con người không chỉ học tập với nguồn thông tin duy nhất từ người đã biết đến người chưa biết, không chỉ đọc để biết, mà còn học tập với nhiều nguồn thông tin, có thể nghe, nhìn, cảm nhận các sự kiện xảy ra trên thế giới ngay trong tầm tay của mình. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay đã tạo ra một khối lượng thông tin khổng lồ, vậy không thể chờ đợi sự ban bố tri thức theo PPDH truyền thống, mà người học phải có khả năng tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin. Chính vì vậy, việc sử dụng CNTT trong DH nói chung, trong DH môn Toán nói riêng đang được sự quan tâm, khuyến khích của các quốc gia. Tại Seoul Hàn Quốc vào ngày 11 và 12 tháng 5 năm 2017 đã diễn ra Diễn đàn Bộ trưởng các nước Châu Á - Thái Bình Dương về Giáo dục và Truyền thông (APFIE), với chủ đề "Định hình việc học hỏi suốt đời vì sự trợ giúp của CNTT và truyền thông". Diễn đàn đã tập hợp các chuyên gia quốc tế và các nhà hoạch định chính sách giáo dục trong khu vực để xem xét và tinh chỉnh vai trò của công nghệ cho các nước thành viên Châu Á - Thái Bình Dương trong việc đạt được chương trình giáo dục 2030. Tại Việt Nam, đã có nhiều hội nghị, hội thảo về ứng dụng CNTT trong giáo dục nói chung, trong DH môn Toán nói riêng. Chẳng hạn như: Hội thảo khoa học “Sử dụng CNTT trong đổi mới PPDH”, tại Hà Nội năm 2002; Hội thảo quốc gia về “Chủ đề E-learning” tại Hà Nội năm 2005; Hội thảo quốc gia “Ứng dụng CNTT trong GD” tại Hà Nội năm 2008; Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý và điều hành ngành giáo dục thủ đô Hà Nội” năm 2010; Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo thành phố Cần thơ” năm 2011; Hội thảo “Ứng dụng CNTT trong hoạt động giáo dục và DH” tại Đà Nẵng năm 2014; Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành giáo dục tại Quảng Nam” tháng 3 năm 2017…. Có thể thấy tất cả các quốc gia đều quan tâm, khuyến khích nghiên cứu, áp dụng CNTT vào GD. + Lí do 2: Đã có nhiều công trình công bố về sử dụng CNTT trong DH môn Toán, nhưng do nhu cầu vẫn cần những kết quả nghiên cứu mới có thể vận dụng được một cách hiệu quả ở trường phổ thông. Đã có không ít công trình nghiên cứu sử dụng CNTT trong DH môn Toán ở tầm vĩ mô. Những nghiên cứu này đã đi đến kết luận: CNTT có thể tạo ra những môi trường học tập mới, như E-learning, tự học với máy tính, DH trên truyền hình, DH theo dự án, DH hợp tác; CNTT cũng mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các PP và hình thức DH như DH theo PP tiếp cận kiến tạo, PPDH phát hiện và giải quyết vấn đề, PP học khám phá…. Trong phạm vi lớp học, nhờ đa phương tiện (multimedia) như: văn bản (text), đồ họa (graphic), hình ảnh (image), âm thanh (sound), phim (video)… GV có thể xây dựng được những bài giảng sinh động, thu hút sự tập trung chú ý của HS.