PHẦN I MỞ ĐẦU 1.1 Đặt vấn đề Đối với mỗi doanh nghiệp tình hình tài chính luôn được chú trọng bởi nó là xương sống của doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó. Để biết được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hay không thì chúng ta cần xem xét tổng thể khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Với mỗi doanh nghiệp sản xuất bán được hàng đã khó nhưng vấn đề thu nợ được còn khó hơn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã và đang sử dụng nhiều chiến lược tiêu thụ khác nhau như quảng cáo, tiếp thị, giá cả….để dành được thắng lợi trong cạnh tranh thị phần . Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường khốc liệt, việc mua bán chịu hàng hóa sản phẩm, dịch vụ cũng là một chiến lược của các doanh nghiệp để giữ chân khách hàng. Từ đó, có thể tăng được lượng sản phẩm bán ra, tăng doanh thu bán hàng nhưng đồng thời làm tăng rủi ro về các khoản nợ phải thu, phải trả tăng lên. Các doanh nghiệp ở Việt Nam,do tiềm lực tài chính của hầu hết các DN đều khá hạn hẹp và phần lớn các DN đang trong giai đoạn phát triển cho nên ưu tiên hàng đầu là mở rộng thị trường, tăng quy mô, tăng khối lượng sản phẩm tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu, đồng thời để tạo ra cho mình lợi thế trong cạnh tranh, một số DN đã chấp nhận rủi ro khi bán hàng bằng cách cho khách hàng mua chịu với thời gian và tỷ lệ nợ cao hơn. Do đó kế toán công nợ phải nắm vững về nội dung và có các cách quản lý các công nợ nhằm tránh các hao hụt ngân sách, có những điều chỉnh tình hình tài chính phù hợp, chủ động trong các giao dịch, duy trì tốt các mỗi quan hệ với đối tác, đảm bảo không vi phạm pháp luật…phát triển các mối quan hệ trong và ngoài nước. mặt khác, căn cứ vào tình hình công nợ phải thu nợ phải trả ta có thể đánh giá được tình hình tài chính của doanh nghiệp về khả năng thanh toán, khả năng huy động vốn, tình hình chiếm dụng vốn và bị chiếm dụng vốn. Chi nhánh Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Hoa Sen tại Hà Giang là một chi nhánh chủ yếu buôn bán các mặt hàng Tôn mạ và thép ống. Để bán được nhiều hàng hóa thu được lợi nhuận cao, Chi nhánh đã thực hiện nhiều chiến lược nhằm mở rộng thị trường cạnh tranh, tăng lương tiêu thụ sản phẩm… cụ thể bằng chính sách bán chịu đã làm phát sinh thêm nhiều khoản nợ phải thu và khoản nợ phải trả. Do đó Chi nhánh không thể không đề cập đến công tác quản lý công nợ bởi khả năng thanh toán công nợ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, các nhà cung ứng, các tổ chức tín dụng trước khi họ đưa ra quyết định đầu tư của mình. Đi cùng với những cơ hội rất lớn thì rủi ro thất thoát nợ cũng rất cao nếu không có những chính sách quản lý công nợ chặt chẽ, hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý công nợ và xuất phát từ thực trạng về công tác quản lý công nợ tại Chi nhánh CPTĐ Hoa Sen tại Hà Giang nơi mà em đang thực tập, vì vậy em đã quyết định lựa chọn đề tài: “Quản lý công nợ tại Chi nhánh Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Hoa Sen tại Hà Giang” làm khóa luận tốt nghiệp.