PHẦN I. MỞ ĐẦU 1.1. Đặt vấn đề “Lao động (LĐ) là hoạt động quan trọng nhất của con người tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước” (Bộ luật Lao động của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 1994). Lao động là một trong ba yếu tố cơ bản nhất của quá trình sản xuất và tái sản xuất. Chi phí về lao động là một trong các yếu tố chi phí cơ bản cấu thành nên giá trị sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra. Sử dụng hợp lý lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh là tiết kiệm chi phí về lao động sống, góp phần hạ thấp giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và là điều kiện để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp. Tiền lương là phần thù lao lao động để tái sản xuất sức lao động, bù đắp hao phí lao động của công nhân viên đã bỏ ra trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tiền lương gắn liền với thời gian và kết quả lao động mà công nhân viên đã thực hiện, là phần thu nhập chính của công nhân viên. Trong các doanh nghiệp (DN) hiện nay, việc trả lương cho công nhân viên có nhiều hình thức khác nhau. Thực hiện theo chế độ tiền lương nào để doanh nghiệp làm ăn có lãi, kích thích sản xuất phát triển là lựa chọn của mỗi doanh nghiệp. Ngoài tiền lương, để đảm bảo tái tạo sức lao động và cuộc sống lâu dài của người lao động, theo chế độ hiện hành, doanh nghiệp còn một bộ phận chi phí là các khoản trích theo lương như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, bảo hiểm xã hội được trích lập để tài trợ cho trường hợp công nhân viên tạm thời hay vĩnh viễn mất sức lao động. Bảo hiểm y tế để tài trợ cho việc phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ của người lao động. Kinh phí công đoàn chủ yếu để cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tiền lương và các khoản trích lập các quỹ nói trên hợp thành khoản chi phí về lao động sống trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Quản lý tiền lương là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý kinh doanh của doanh nghiệp. Nó là nhân tố giúp doanh nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất của mình. Kế toán tiền lương trong mỗi doanh nghiệp có vai trò giúp doanh nghiệp quản lý tốt quỹ lương, đảm bảo việc trả lương và các khoản trích theo lương đúng nguyên tắc chế độ, kích thích người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo cơ sở cho việc phân phối chi phí nhân công và giá thành sản xuất được chính xác. Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) cơ điện Xuân Hồng là công ty chuyên sản xuất, gia công và sửa chữa các loại máy móc, thiết bị phục vụ công nghiệp và xây dựng. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh vật liệu xây dựng và thiết bị phụ trợ ngành xây dựng. Do đó, lao động là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của công ty.Vì vậy, công tác hạch toán kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương là một trong những nội dung được công ty quan tâm, đầu tư phát triển.Tuy nhiên, do quy mô của công ty ngày một được mở rộng, nghiệp vụ kinh tế phát sinh ngày càng nhiều và số lượng kế toán còn hạn chế nên một kế toán phải đảm nhiệm nhiều công việc và việc tính lương tiến hành vào cuối tháng nên công việc dồn ép lại nhiều dẫn đến sai xót. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương, việc tổ chức công tác kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương tại Công ty TNHH cơ điện Xuân Hồng, em tiến hành lựa chọn đề tài “Kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương tại Công ty TNHH cơ điện Xuân Hồng” làm đề tài tốt nghiệp của mình.