MỞ ĐẦU Tổn thương thận cấp (TTTC) là tổn thương cơ quan thường gặp ở bệnh nhân điều trị tại khoa điều trị tích cực (ĐTTC), TTTC gây tăng tỉ lệ tử vong, tăng chi phí y tế và tăng nguy cơ bệnh thận mạn. Theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ TTTC ở bệnh nhân điều trị tại khoa ĐTTC khoảng 30 - 36% và mặc dù có nhiều tiến bộ quan trọng của ngành ĐTTC cũng như trong lĩnh vực điều trị thay thế thận, tỉ lệ tử vong vẫn còn cao 50-70% [27], [60]. Một trong những nguyên nhân làm cho tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân TTTC vẫn còn cao là do thiếu các dấu ấn sinh học chẩn đoán sớm TTTC [79], [83]. Hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu đối với TTTC nhưng chẩn đoán sớm có thể ngăn chặn sự tiến triển của TTTC. Chẩn đoán sớm TTTC trên lâm sàng vẫn còn là một thách thức, vì creatinin huyết thanh được dùng để chẩn đoán TTTC nhưng không giúp chẩn đoán sớm, creatinin huyết thanh chỉ tăng khi độ lọc cầu thận đã giảm nặng, sự chậm trễ làm mất đi cơ hội có thể can thiệp vào điều trị nhằm thay đổi tiên lượng. Vì thế nghiên cứu về dấu ấn sinh học mới để chẩn đoán sớm TTTC được xếp vào nhóm ưu tiên trong lĩnh vực thận học [11]. Nhờ những kỹ thuật sinh học phân tử trong lĩnh vực gen và protein, nhiều dấu ấn sinh học mới của TTTC đã được phát hiện như neutrophil gelatinase-associated lipocalin (NGAL), kidney injury molecule 1 (KIM 1), interleukin (IL) 18, Tissue inhibitor of metallo- proteinase 2 (TIMP-2), Insulin-like growth factor binding protein 7 (IGFBP-7); trong đó NGAL là dấu ấn sinh học được nghiên cứu nhiều nhất, vì những nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy NGAL trong nước tiểu và trong máu tăng cao và rất sớm trong vòng vài giờ sau khi thận bị tổn thương do thiếu máu hoặc độc chất. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện để xác định giá trị của NGAL trong dự đoán TTTC, mức độ nặng của TTTC, điều trị thay thế thận và tử vong bệnh viện ở bệnh nhân mổ tim hở có tuần hoàn ngoài cơ thể, bệnh nhân sử dụng thuốc cản quang, bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân điều trị tại khoa ĐTTC… Phần lớn các nghiên cứu cho thấy giá trị dự đoán TTTC của NGAL thể hiện qua diện tích dưới đường cong ROC (AuROC) từ khá đến rất tốt [46]. Ở bệnh nhân điều trị tại khoa ĐTTC, nguyên nhân gây TTTC thường do nhiễm khuẩn huyết - sốc nhiễm khuẩn, thiếu máu - giảm tưới máu và thuốc gây độc thận; trong đó nhiễm khuẩn huyết - sốc nhiễm khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây TTTC. Theo nghiên cứu đa trung tâm của Uchino và cộng sự, sốc nhiễm khuẩn là nguyên nhân của 47,5% trường hợp TTTC ở bệnh nhân điều trị tại khoa ĐTTC [105], theo nghiên cứu của Lê Thị Diễm Tuyết tại khoa ĐTTC bệnh viện Bạch Mai, nhiễm khuẩn huyết nặng - sốc nhiễm khuẩn là nguyên nhân của 71,9% trường hợp TTTC [10]. Ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, ngoài TTTC, NGAL còn được cơ thể sản xuất để đáp ứng với phản ứng viêm, vì thế vai trò của NGAL trong dự đoán TTTC ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết vẫn còn bị nghi ngờ và một số nghiên cứu lâm sàng về NGAL trong dự đoán TTTC ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết cho kết quả trái chiều nhau [25], [50]. Vì thế nghiên cứu này được thực hiện trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, điều trị tại khoa ĐTTC nhằm xác định giá trị của NGAL huyết tương trong dự đoán TTTC, dự đoán điều trị thay thế thận và tiên lượng tử vong ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết điều trị tại khoa ĐTTC. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU Nghiên cứu được thực hiện ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết điều trị tại khoa ĐTTC nhằm 3 mục tiêu: 1. Xác định giá trị của NGAL huyết tương trong dự đoán TTTC. 2. Xác định giá trị của NGAL huyết tương trong dự đoán mức độ nặng của TTTC và điều trị thay thế thận. 3. Xác định giá trị của NGAL huyết tương trong tiên lượng tử vong.