Hiện nay, thương mại quốc tế là một trong những động lực to lớn phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để bảo vệ nền sản xuất trong nước thì một số quốc gia đã đưa ra các rào cản thương mại. Do đó, các quốc gia trong khu vực hoặc trên thế giới đã liên kết lại với nhau nhằm hạn chế hoặc xoá bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó thông qua các vòng đám phán, WTO cũng luôn hướng tới mục tiêu cắt giảm các rào cản với mục tiêu đẩy mạnh tự do hoá thương mại trên toàn thế giới.
LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Hiện nay, thương mại quốc tế là một trong những động lực to lớn phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để bảo vệ nền sản xuất trong nước thì một số quốc gia đã đưa ra các rào cản thương mại. Do đó, các quốc gia trong khu vực hoặc trên thế giới đã liên kết lại với nhau nhằm hạn chế hoặc xoá bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó thông qua các vòng đám phán, WTO cũng luôn hướng tới mục tiêu cắt giảm các rào cản với mục tiêu đẩy mạnh tự do hoá thương mại trên toàn thế giới. Với xu hướng đó, Việt Nam đã có những động thái tích cực nhằm giảm bớt các rào cản thương mại mà các quốc gia khác đặt ra. Việt Nam đã gia nhập vào các tổ chức trong khu vực cũng như toàn thế giới. Gần đây nhất là việc Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO nhằm giảm bớt các rào cản thương mại. Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc hoà nhập với cộng đồng quốc tế, mở ra những triển vọng lớn cho hoạt động xuất khẩu. Hiện nay, thị trường Mỹ là thị trường chủ lực, mang lại nhiều lợi nhuận cho Việt Nam và đang tiếp tục lớn mạnh, tăng trưởng. Tuy nhiên, Mỹ là một trong những nước công nghiệp phát triển đặt ra rất nhiều rào cản đối với các nước nói chung và Việt Nam nói riêng và đây là thị trường rất khó tính. Do đó, để có thể xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ thì phải vượt rất nhiều rào cản thương mại. Hiện nay, mặt hàng gỗ là một trong 5 mặt hàng chủ lực của Việt Nam, sản phẩm gỗ có giá trị rất cao, đem lại nhiều lợi nhuận. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chiếm trên 1 40% doanh thu. Tuy sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng cũng gặp không ít những rào cản thương mại từ phía Mỹ. Thời gian sắp tới chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều rào cản thương mại. Mà rào cản thương mại ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, gây thiệt hại đến việc sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất khẩu, lợi nhuận cũng như uy tín của doanh nghiệp, quốc gia xuất khẩu. Vì vậy cần nghiên cứu một cách có hệ thống để tìm ra những biện pháp để vượt rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam. Trước tình hình trên, tôi đã chọn đề tài: “Rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam” để làm đề tài nghiên cứu hoàn thành luận văn của tôi. Đề tài sẽ đề cập đến những kiến thức về các rào cản thương mại mà Mỹ áp dụng đối với sản phẩm đồ gỗ, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm vượt các rào cản đó. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài Tại Việt Nam, giáo trình tiêu biểu nghiên cứu về rào cản thương mại như giáo trình: “Rào cản trong thương mại quốc tế” do PGS.TS Đinh Văn Thành chủ biên năm 2005. Đề tài cấp bộ: “Nghiên cứu các rào cản trong thương mại quốc tế và đề xuất các giải pháp đối với Việt Nam” do PGS.TS Đinh Văn Thành chủ nhiệm đề tài. Những công trình này trình này giới thiệu những vấn đề cốt lõi của rào cản thương mại song không tập trung xem xét cụ thể đối với một ngành hàng của Việt Nam. Một số luận văn thạc sĩ cũng đã thực hiện các nghiên cứu về rào cản thương mại như luận văn thạc sĩ: “Rào cản thương mại của Mỹ đối với hàng dệt may Việt Nam - thực trạng và giải pháp” của Nguyễn Lan Hương, “Rào cản thương mại đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Nhật Bản” của Ngô Thu Yến . Đặc điểm của các luận văn này là chỉ tập trung vào rào cản đối với hàng dệt may trên thị trường Mỹ và hàng thuỷ sản của 2 Việt Nam trên thị trường Nhật Bản, chứ chưa nghiên cứu rào cản đối với sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường Mỹ. Luận án tiến sĩ: “Các biện pháp vượt rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam” củaThs. Đào Thị Thu Giang. Nội dung của công trình viết về rào cản trong thương mại quốc tế nói chung và thực trạng rào cản thương mại trên một số thị trường đối với một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (không có mặt hàng gỗ). Tóm lại, hiện vẫn chưa có một công trình nghiên cứu một cách hệ thống về rào cản thương mại của sản phẩm gỗ trên thị trường Mỹ. Vì vậy, đề tài được lựa chọn nghiên cứu của luận văn là mới và cần thiết cả về phương pháp luận và nội dung nghiên cứu. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1 Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận văn là đề xuất các biện pháp vượt rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam đến năm 2020. 3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn tập trung vào những vấn đề sau đây: (1) Làm rõ cơ sở lý luận về rào cản và vượt rào cản trong thương mại quốc tế. (2) Phân tích và đánh giá thực trạng vượt rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam thời gian qua. (3) Đề xuất các biện pháp để vượt rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam đến năm 2020. 3 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1 Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam và các biện pháp vượt các rào cản đó trong thương mại quốc tế. 4.2 Phạm vi nghiên cứu Quan hệ thương mại Việt Mỹ đã được bình thường hoá từ năm 2001 khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết. Do đó, phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung vào giai đoạn từ năm 2001 đến hết năm 2008 và đề xuất các biện pháp đến hết năm 2020. Về giác độ nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu việc vượt rào cản thương mại đối với sản phẩm gỗ trên thị trường Mỹ dưới giác độ doanh nghiệp gỗ VN là chủ yếu. Sản phẩm nghiên cứu trong đề tài này là sản phẩm gỗ nói chung bao gồm sản phẩm gỗ chế biến và gỗ nguyên liệu. Hiện nay, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ bao gồm sản phẩm gỗ chế biến và gỗ nguyên liệu, trong đó sản phẩm gỗ chế biến chiếm phần lớn trên 97% và gỗ nguyên liệu chiếm phần nhỏ còn lại. Tuy nhiên, rào cản thương mại của Mỹ đều nhằm cả vào 2 mặt hàng gỗ trên nên tôi đã chọn phạm vi nghiên cứu là các rào cản thương mại của Mỹ đối với sản phẩm gỗ Việt Nam. 5. Phương pháp nghiên cứu Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài, các phương pháp sau được sử dụng trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn: - Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin được sử dụng để đảm bảo tính liên kết về mặt thời gian và nội dung trong toàn bộ luận văn. 4 - Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu cũng được sử dụng trong suốt chuyên để. - Phương pháp tiếp cận cá biệt và so sánh dùng để tiếp cận từng loại rào cản thương mại cụ thể, sau đó so sánh tác động, ảnh hưởng của các loại rào cản của Mỹ đối với sản phẩm gỗ VN. Phương pháp này tập trung trong chương 2 luận văn. - Phương pháp phân tích và dự báo được sử dụng nhiều trong chương 3 của luận văn. - Phương pháp quy nạp và diễn giải giúp cho việc tiếp cận lý thuyết và kết quả thu thập được có tính logic, kết cấu chặt chẽ, được sử dụng trong toàn bộ luận văn. 6. Kết cấu luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục, tài liệu tham khảo, kết cấu của luận văn gồm 3 chương: - Chương 1: Cơ sở lý luận về rào cản và vượt rào cản trong thương mại quốc tế - Chương 2: Thực trạng vượt rào cản đối với sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường Mỹ - Chương 3: Giải pháp đẩy mạnh công tác vượt rào cản đối với sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường Mỹ 5 CHƯƠNG 1 CƠ SƠ LÝ LUẬN VỀ RÀO CẢN VÀ VƯỢT RÀO CẢN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ 1.1 Tổng quan về rào cản trong thương mại quốc tế 1.1.1 Khái niệm rào cản thương mại Rào cản thương mại quốc tế là gì? Tìm trong từ điển thương mại quốc tế, có lẽ chỉ duy các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu là được gọi với cái tên "rào cản thương mại". Các loại "rào cản" khác mà doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta đã không ít lần đối mặt, như kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, các biện pháp vệ sinh an toàn động vật, thực vật . đều được biết dưới những cái tên khác, thí dụ "các biện pháp vãn hồi công bằng trong thương mại". Thực chất, các biện pháp này đều giống nhau ở hệ quả cản trở dòng chảy của hàng hóa xuất khẩu, vì thế chúng là "rào cản". Xét về tính chất, có thể chia các biện pháp này thành hai nhóm. Thứ nhất là nhóm các biện pháp áp đặt thường xuyên đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các thành viên WTO và không mang tính trừng phạt, bao gồm các yêu cầu kỹ thuật (nhãn mác, chất lượng, đóng gói .) hay các đòi hỏi về điều kiện vệ sinh dịch tễ. Thứ hai là nhóm các biện pháp áp đặt theo vụ việc, mang tính trừng phạt, đối với một nhóm hàng hóa cụ thể từ một số thành viên WTO nhất định, bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trên thực tế, không phải khi nào các rào cản thương mại cũng bị phản đối. Ðiều này có thể được giải thích bởi ít nhất hai lý do: Thứ nhất, đằng sau những đàm phán nhượng bộ căng thẳng giữa các thành viên trong khuôn khổ WTO là nguyên lý: mở cửa thị trường luôn gắn 6 với một vài công cụ nào đó để "khép cửa" khi cần thiết. Tự do hóa thương mại đang và sẽ còn song hành với những rào cản tương ứng. Ðể dung hòa, WTO lựa chọn giải pháp cho phép các công cụ này tồn tại nhưng trong khuôn khổ các quy tắc của tổ chức này. Thứ hai, như hai mặt của tấm huy chương, các công cụ này có thể là rào cản trong mắt các nhà xuất khẩu nhưng là thần tài của ngành sản xuất nội địa nơi nhập khẩu. Khi các biện pháp này được áp dụng với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các thành viên WTO thì đây đúng là "rào cản"; nhưng nếu Chính phủ Việt Nam áp dụng chúng để đối phó với hàng hóa thành viên WTO nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước thì đó không còn là "rào cản" nữa. Thuật ngữ “rào cản” hay “hàng rào” thương mại được đề cập chính thức trong Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Agreement of technical Barriers to trade) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, trong Hiệp định này khái niệm hàng rào cũng không được định danh một cách rõ ràng mà chỉ được thừa nhận như một thoả thuận rằng: “Không một nước nào có thể bị ngăn cản tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu của mình, hoặc để bảo vệ cuộc sống hay sức khoẻ con người, động và thực vật, bảo vệ môi trường hoặc để ngăn ngừa các hoạt động man trá, ở mức độ mà nước đó cho là phù hợp và phải đảm bảo rằng các biện pháp này không được tiến hành với cách thức có thể gây ra phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện hoặc không thể biện minh được giữa các nước, trong các điều kiện giống nhau, hoặc tạo ra các hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, hay nói cách khác phải phù hợp với các quy định của Hiệp định này” Trong cuốn sách "Trade barriers in Asia and ocenia", của Ida M.Conway, xuất bản năm 2007 đưa ra định nghĩa: “Rào cản thương mại là 7 những chính sách hoặc quy định của chính phủ nhằm hạn chế thương mại quốc tế” (A trade barrier is a general term that describes any government policy or regulation that restricts international trade). Song, tựu trung, các rào cản đó được hiểu là các luật lệ, chính sách, quy định hay tập quán của Chính phủ mỗi nước trong khuôn khổ pháp lý chung nhằm hạn chế hay ngăn cản hoạt động thương mại hàng hoá và dịch vụ của nước ngoài. 1.1.2 Nguyên nhân hình thành các loại rào cản thương mại Thương mại quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển đó, các rào cản trong thương mại quốc tế đã được hình thành nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước. Các rào cản thương mại nhìn chung sẽ đem lại lợi ích cho một nhóm người nào đó, tuy nhiên có thể gây thiệt hại cho một nhóm người khác. Chính vì thế, sự hình thành của các loại rào cản thương mại có thể xuất phát từ một trong ba chủ thể sau: - Từ phía doanh nghiệp: Hầu hết các doanh nghiệp của bất kỳ một ngành sản xuất kinh doanh nào cũng muốn được nhà nước bảo hộ. Trước hết là để tránh được sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhưng ngay cả khi không lo ngại sự cạnh tranh của nước ngoài thì rào cản thương mại cũng giúp họ có thêm vị trí trên thị trường và có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn. Xuất phát từ lợi ích đó, các doanh nghiệp sẽ tập hợp dưới danh nghĩa Hiệp hội ngành nghề để tiến hành vận động hành lang đối với Chính phủ, nhằm tác động để Chính phủ ra các chính sách thương mại có lợi cho mình. Các tác động từ phía doanh nghiệp hết sức mạnh mẽ và có tổ chức, với nhiều hình thức khác nhau. Trong nhiều trường hợp, với khả năng tài chính của mình, các doanh nghiệp có khả năng tác động rất lớn tới Nhà nước, thông qua các biện pháp tiêu cực. Hoặc nếu không họ sẽ viện dẫn các lý do có vẻ rất chính đáng như: ngành công nghiệp non trẻ, cần phải bảo hộ; ngành sản xuất có liên 8 quan đến việc làm của nhiều người lao động; ngành sản phẩm có liên quan đến an ninh quốc gia (an ninh lương thực). Dưới tác động của các doanh nghiệp, Chính phủ có thể sẽ phải đưa ra các rào cản thuế quan hoặc phi thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước. - Từ phía người lao động và người tiêu dùng: Một trong những lý do lớn dẫn tới việc hình thành các rào cản là để bảo vệ người lao động. Trước hết là để bảo vệ cho người lao động (thuộc ngành được bảo hộ) có công ăn việc làm, và sau đó là để bảo vệ cho họ có thu nhập ổn định. Người lao động có thể thông qua các nghiệp đoàn để đấu tranh hoặc đòi hỏi Chính phủ hạn chế sản phẩm, doanh nghiệp và kể cả công nghệ có năng suất cao thâm nhập vào thị trường nội địa của họ. Cũng có khi họ mượn cớ rằng để bênh vực người lao động của nước khác phải làm việc trong điều kiện không được bảo đảm, rằng vì lý do sử dụng lao động trẻ em hay tù nhân nên sản phẩm đưa vào thị trường với giá rẻ. Đây chính là lý do mà Chính phủ phải dựng nên rào cản với tên gọi là trách nhiệm xã hội theo SA 8000 Người tiêu dùng cũng có tác động rất lớn đến việc hình thành các rào cản trong thương mại quốc tế, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, rào cản hành chính. Với lý do là để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ động thực vật hoặc là bảo vệ môi trường, người ta có thể đưa ra các tiêu chuẩn hay quy định kỹ thuật rất cao tới mức cản trở thương mại hoặc có thể đưa ra các biện pháp cấm nhập khẩu ngay cả khi nguy cơ chưa được phân tích và xác định một cách khoa học. Nhìn chung, dưới tác động của dân chúng (người lao động và người tiêu dùng), Chính phủ của các nước sẽ phải sử dụng các biện pháp khác nhau để đáp ứng nguyện vọng của dân chúng. Trong nhiều trường hợp, các biện pháp được áp dụng sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở thương mại quốc tế. - Từ phía Chính phủ: Xuất phát từ mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và vận động của các nhóm khác nhau, Chính phủ sẽ 9 phải cân nhắc đến lợi ích của từng nhóm cũng như tổng thể để quyết định xem có nên thực thi một rào cản nào đó hay không. Quá trình này không phải dễ dàng vì tính toán lợi ích, thiệt hại một cách tổng thể là rất khó khăn, đặc biệt là giữa cái trước mắt và lâu dài cũng như phản ứng của các đối tác thương mại chính cũng như các quốc gia có liên quan. Bất kỳ chính sách rào cản nào cũng có thể có lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành được bảo hộ, nhưng lại gây hại cho các ngành khác và cho người tiêu dùng nói chung. Những người bị thiệt đương nhiên sẽ có sự phản kháng hoặc sử dụng các biện pháp trả đũa. Tuy vậy, Chính phủ vẫn phải ra các quyết định dựa trên sự cân nhắc và điều hoà lợi ích một cách hợp lý, kể cả những yếu tố trong nước và ngoài nước. Xu hướng chung hiện nay là căn cứ vào các định chế và thoả thuận trong khuôn khổ của WTO cũng như dựa vào các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế khác để quyết định biện pháp áp dụng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp luôn có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và Nhà nước vì lợi ích của hai phía có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, tăng mức độ bảo hộ bằng thuế quan thì thu ngân sách của Nhà nước sẽ tăng lên trong ngắn hạn Bên cạnh đó còn là sự xoa dịu của Chính phủ với người lao động hoặc dân chúng nhằm đạt được lòng tin của dân chúng với chính phủ. Sự xoa dịu này có thể được viện dẫn bởi các lý do như đảm bảo an ninh xã hội, an toàn cho dân cư hoặc là để bảo vệ các giá trị văn hoá và đạo đức. 1.1.3 Phân loại rào cản thương mại Rào cản thương mại quốc tế rất đa dạng, phức tạp và được quy định bởi cả hệ thống pháp luật quốc tế, cũng như luật pháp của từng quốc gia, được sử dụng không giống nhau ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo cách tiếp cận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), rào cản trong thương mại quốc tế được chia làm 2 nhóm lớn là: rào cản thuế quan và rào cản phi thuế quan. 10