1. Trang chủ
  2. » Cao đẳng - Đại học

Biểu tượng trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn

62 385 1

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 62
Dung lượng 666,29 KB

Nội dung

Mạc Ngôn có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, ông viết rất nhiều thể loại, trong đó tiêu biểu nhất là tiểu thuyết với những thành công lớn.Tiểu thuyết Mạc Ngôn không chỉ hấp dẫn người đọc bằ

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA NGỮ VĂN

=====o0o=====

NGÔ THỊ THIÊN TRANG

BIỂU TƯỢNG TRONG

SỐNG ĐỌA THÁC ĐÀY CỦA MẠC NGÔN

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Người hướng dẫn khoa học: ThS Bùi Thùy Linh

HÀ NỘI, 2017

Trang 2

LỜI CẢM ƠN

Lời đầu tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc nhất đến ThS Bùi Thùy Linh - Giảng viên tổ văn học nước ngoài, người đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo và động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo trong tổ văn học nước ngoài, các thầy cô trong khoa Ngữ văn - trường Đại học sư phạm Hà Nội 2,

đã tạo điều kiện và giúp đỡ tôi hoàn thành khóa luận này

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 4 tháng 5 năm 2017

Người thực hiện

Ngô Thị Thiên Trang

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan: Khóa luận Biểu tượng trong Sống đọa thác đày của

Mạc Ngôn là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, dưới sự hướng dẫn của ThS

Bùi Thùy Linh, có tham khảo ý kiến của những người đi trước

Khóa luận không sao chép từ một tài liệu, công trình sẵn có, không trùng với kết quả nghiên cứu của tác giả khác

Hà Nội, ngày 4 tháng 5 năm 2017

Người thực hiện

Ngô Thị Thiên Trang

Trang 4

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 2

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 5

4 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát 5

5 Phương pháp nghiên cứu 6

6 Cấu trúc của khóa luận 6

NỘI DUNG 7

Chương 1 BIỂU TƯỢNG LOÀI VẬT TRONG SỐNG ĐỌA THÁC ĐÀY 7 1.1 Khái niệm biểu tượng và biểu tượng nghệ thuật 7

1.2 Hệ thống biểu tượng loài vật 9

1.2.1 Biểu tượng lừa 9

1.2.2 Biểu tượng trâu 14

1.2.3 Biểu tượng lợn 18

1.2.4 Biểu tượng chó 233

1.2.5 Biểu tượng khỉ 28

1.2.6 Biểu tượng Lam Ngàn Năm Đầu To 30

1.3 Ý nghĩa biểu tượng loài vật 31

Chương 2 BIỂU TƯỢNG KHÔNG - THỜI GIAN VÀ BIỂU TƯỢNG MÀU SẮC TRONG SỐNG ĐỌA THÁC ĐÀY 36

2.1 Biểu tượng không gian 36

2.2 Biểu tượng thời gian 433

2.3 Biểu tượng màu sắc 455

2.3.1 Màu xanh 466

2.3.2 Màu đỏ 49

KẾT LUẬN Error! Bookmark not defined.5 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trang 5

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

Mạc Ngôn được xem là nhà văn có “bút lực hấp dẫn nhất” và là một trong những hiện tượng văn học mang tính thời đại Ông là một nhà văn đương đại Trung Quốc có phong cách sáng tác độc đáo và mới mẻ Hiện nay, tác phẩm của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt và thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả Tháng 10 năm 2012 Mạc Ngôn đã được Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao giải thưởng Nobel văn học cho những nỗ lực và cố gắng trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình Mạc Ngôn có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, ông viết rất nhiều thể loại, trong

đó tiêu biểu nhất là tiểu thuyết với những thành công lớn.Tiểu thuyết Mạc Ngôn không chỉ hấp dẫn người đọc bằng nội dung tư tưởng mới mẻ mà còn bởi nghệ thuật thể hiện độc đáo Một trong những yếu tố khẳng định tài năng của Mạc Ngôn trong thể loại tiểu thuyết là xây dựng các biểu tượng nghệ thuật

Trong những tiểu thuyết mà Mạc Ngôn đã xuất bản, Sống đọa thác đày

là cuốn tiểu thuyết đặc sắc Tiểu thuyết này ông viết trong thời gian rất ngắn (43 ngày) và cũng là tiểu thuyết có tính quy mô lớn nhất (hơn 800 trang) Theo cách nói của ông, nếu các tiểu thuyết trước đó là những kiến trúc về Cao

Mật, thì Sống đọa thác đày là kiến trúc tiêu biểu nhất Mạc Ngôn đã xây dựng

biểu tượng nghệ thuật để miêu tả một cách chân thực nhất về xã hội Trung Quốc trong hơn năm mươi năm nửa cuối thế kỉ XX

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đi vào tìm hiểu về các biểu tượng nghệ thuật của tiểu thuyết Mạc Ngôn, với mong muốn khám phá thêm

về tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn, đồng thời khẳng định ví trí của nhà văn trên văn đàn Quốc tế

Trang 6

2 Lịch sử vấn đề

Khi xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc, các sáng tác của Mạc Ngôn nói

chung và tiểu thuyết Sống đọa thác đày nói riêng đã thu hút sự chú ý quan

tâm của rất nhiều độc giả và giới nghiên cứu phê bình ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam Các nghiên cứu về Mạc Ngôn rất phong phú, tập trung chủ yếu vào một số khía cạnh tiêu biểu như: ngôn ngữ, giọng điệu, nghệ thuật tự sự, màu sắc dân gian Vấn đề biểu tượng cũng được nhắc đến trong khá nhiều công trình nghiên cứu Biểu tượng trong các tác phẩm của Mạc Ngôn nói chung trong phạm vi khảo sát được chúng tôi thấy một số công trình nghiên cứu sau:

Bài viết của Nguyễn Thị Tịnh Thy trên Tạp chí Sông Hương số 285 với

tựa đề Mạc Ngôn - Người vinh danh làng quê Cao Mật bằng bút pháp hậu

hiện đại kiểu Trung Quốc đã nêu lên ba vấn đề chính: Cao Mật Trung Quốc nhân loại: duy nhất và tất cả, kết hợp đặc trưng tự sự truyền thống của Trung Quốc với tự sự hiện đại và hậu hiện đại phương Tây, tái sinh những sách lược

-tự sự cổ xưa nhất của Trung Hoa Phong cách -tự sự kiểu Mạc Ngôn: Chân đất, lưng trần, bụng đói, tâm hồn chứa đầy những câu chuyện kì ảo của xứ sở Liêu Trai và khởi nghiệp văn chương bằng ước mơ nhỏ nhoi là một ngày được ăn

ba bữa bánh sủi cảo có nhân thịt: “đã từng nói văn không nên nhất, võ không nên nhì” nhưng đến bây giờ, Mạc Ngôn đã xác lập được phong cách “tự sự kiểu Mạc Ngôn” mà ông cho là không giống ai Mạc Ngôn đã đưa Cao Mật quê hương Cao lương đỏ của mình ra thế giới bằng bút pháp, phong cách riêng

Trong luận văn thạc sĩ Biểu tượng tiêu biểu trong Báu vật của đời, Trần

Thị Ngoan đã tập trung tìm hiểu những biểu tượng tiêu biểu: biểu tượng bầu

vú, biểu tượng totem, biểu tượng nhà Tác giả cũng đã chú ý đến nghệ thuật xây dựng biểu tượng như nghệ thuật ảo hóa (ở các phương diện nhân vật, sự

Trang 7

kiện, hiện thực) nghệ thuật phóng đại Trên cơ sở đó, tác giả đã tìm ra những giá trị tiềm ẩn khuất lấp sau từng biểu tượng cũng như mối liên hệ giữa chúng, tầm tư tưởng của nhà văn, những thông điệp mà nhà văn gửi gắm, từ

đó có thể khẳng định tính nhân văn của tác phẩm

Luận văn thạc sĩ Người đàn bà trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn, Nguyễn Thái Bình đã đề cập đến hình tượng người đàn bà qua ba tác phẩm Đàn

hương hình, Báu vật của đời, Rừng xanh lá đỏ Tác giả đã tìm hiểu người đàn

bà là một biểu tượng văn hóa ở ba khía cạnh: Biểu tượng văn hóa phồn thực, biểu tượng của thân phận bị áp bức, biểu tượng của nguyên lí mẹ Qua đó, giúp người đọc thấy được số phận và vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội

Luận văn thạc sĩ Giải mã biểu tượng ếch trong tiểu thuyết Ếch của Mạc

Ngôn, Nguyễn Thị Hoài đã tìm hiểu biểu tượng ếch qua bốn chương: chương

một biểu tượng ếch trong tâm thức dân gian và trong tác phẩm của Mạc Ngôn; chương hai biểu tượng ếch và hiện thực nghiệt ngã; chương ba biểu tượng ếch và khát vọng tự do dân chủ; chương bốn biểu tượng ếch và quyền sống của con người Luận văn đã đi sâu tìm hiểu và giải mã biểu tượng ếch gắn với số phận và ước mơ khát vọng của người dân Trung Quốc

Sức hút của hiện tượng Mạc Ngôn còn được thể hiện ở sự xuất hiện trong một số luận văn, khóa luận tốt nghiệp ở một số trường Đại học Nguyễn

Thị Khánh Linh với luận văn Yếu tố kì ảo trong Báu vật của đời hướng tới

nghiên cứu yếu tố kì ảo trong tổ chức nhân vật và sự kiện tác phẩm Trong chương ba, tác giả đã đi vào tìm hiểu yếu tố kì ảo từ góc nhìn biểu tượng bầu

vú và khẳng định đây là biểu tượng của bầu trời, quê hương đất nước, là biểu tượng của tình mẫu tử

Sống đọa thác đày ra đời, được dịch giả Trần Trung Hỷ dịch, Nhà xuất

bản Phụ Nữ xuất bản vào năm 2007 Hình thức của cuốn tiểu thuyết này khác

Trang 8

biệt rất lớn với các cuốn tiểu thuyết trước đây của Mạc Ngôn Điều kiện tiên quyết của mỗi nhà văn khi sáng tác tác phẩm mới là chỉ khi anh ta nhận thấy cuốn sách của mình đang viết là mới, có phát triển trên cơ sơ cũ và không lặp

lại, anh ta mới có dũng cảm để cầm bút Sống đọa thác đày đã nêu ra một so

sánh hình tượng hóa Đây có thể coi là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất cho kiến trúc trên bản đồ quê hương Đông Bắc Cao Mật của ông

Bài viết Thời gian trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn của Nguyễn

Thu Phương Tác giả đã lập ra thời gian biểu, các sự kiện chính và ngôi kể

trong tác phẩm Sống đọa thác đày xong mới dừng lại ở việc khảo sát chứ

chưa đi sâu phân tích, dấu ấn từng mốc thời gian

Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Tú Oanh (Đại học Vinh) với đề tài

Phương thức huyền thoại hóa trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn, tác giả

đi sâu vào tìm hiểu phương thức huyền thoại hóa trong Sống đọa thác đày qua

ba chương Chương một: vài nét về huyền thoại hóa và tiểu thuyết Sống đọa

thác đày của Mạc Ngôn; chương hai: huyền thoại hóa cốt truyện, nhân vật

trong Sống đọa thác đày; chương ba: huyền thoại hóa không gian, thời gian nghệ thuật trong Sống đọa thác đày

Luận văn thạc sĩ của Phạm Thị Nhung (Đại Học Quốc Gia Hà Nội,

2012) với đề tài Nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn lại

đi sâu tìm hiểu tiểu thuyết Sống đọa thác đày Công trình nghiên cứu này

khẳng định các yếu tố người kể chuyện, điểm nhìn, kết cấu và ngôn ngữ là những yếu tố nghệ thuật độc đáo của tiểu thuyết trên Hầu hết các bài nghiên cứu chỉ dừng lại ở điểm sách chưa có tác giả nào nghiên cứu thật sâu sắc về

nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Sống đọa thác đày của nhà văn Mạc

Ngôn

Nhìn chung nghiên cứu về tiểu thuyết của Mạc Ngôn rất đa dạng, trong

đó vấn đề biểu tượng trong tiểu thuyết của ông đã có khá nhiều người tìm

Trang 9

hiểu và mang đến những kết quả nhất định Tuy nhiên các công trình nghiên

cứu này mới chỉ tập trung ở một số tác phẩm như Đàn hương hình, Báu vật

của đời, Ếch Với Sống đọa thác đày đã có những công trình nghiên cứu về

các yếu tố thuộc về nghệ thuật tự sự, phương thức huyền thoại hóa…, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu vào tìm hiểu, phân tích giải mã biểu tượng trong tiểu thuyết này Với tinh thần học tập không ngừng, chúng tôi sẽ

kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu nghiên cứu, những ý kiến bổ ích của người đi trước để đi sâu tìm hiểu các biểu tượng trong tiểu thuyết

Sống đọa thác đày một cách cụ thể có hệ thống

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu Biểu tượng trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn chúng

tôi xác định mục đích của khóa luận là: Tìm hiểu và giải mã các biểu tượng

tiêu biểu trong tiểu thuyết Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn, qua đó góp tiếng

nói khẳng định bút pháp sáng tạo riêng của Mạc Ngôn cũng như khẳng định

vị trí của Mạc Ngôn trong nền văn học Trung Quốc và thế giới

Đây cũng là bước tập dượt nghiên cứu quan trọng của sinh viên trong quá trình học tập ở khoa Ngữ văn của trường Đại học để có thể vận dụng vào việc giảng dạy sau này

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu, chúng tôi xác định hai nhiệm vụ:

- Hệ thống, phân loại các biểu tượng cơ bản trong Sống đọa thác đày của

Mạc Ngôn (bản dịch của Trần Trung Hỷ)

- Phân tích, giải mã các biểu tượng chỉ ra lớp ý nghĩa ẩn sâu sau các biểu tượng đó

4 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Trang 10

Biểu tượng trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn

4.2 Phạm vi khảo sát

Tác phẩm Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn (bản dịch Trần Trung Hỷ)

5 Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp so sánh, phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích - tổng hợp

6 Cấu trúc của khóa luận

Ngoài phần mở Mở đầu, Kết luận, phần Nội dung khóa luận gồm 2 chương:

Chương 1 Biểu tượng loài vật trong Sống đọa thác đày

Chương 2 Biểu tượng không - thời gian và biểu tượng màu sắc trong

Sống đọa thác đày

Trang 11

NỘI DUNG

Chương 1 BIỂU TƯỢNG LOÀI VẬT TRONG SỐNG ĐỌA THÁC ĐÀY

1.1 Khái niệm biểu tượng và biểu tượng nghệ thuật

Thực tế đã khẳng định biểu tượng phát triển cùng với sự tiến hóa của nhân loại Có thể nói, biểu tượng xuất hiện sớm trong lịch sử nhận thức của nhân loại và phát triển song song với sự phát triển của xã hội con người Biểu tượng bắt đầu từ những kí hiệu, tín hiệu giữa con người với nhau để giao tiếp, càng ngày biểu tượng càng được thể hiện với đầy đủ sự đa dạng và phong phú

của nó Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới thì khởi nguyên của biểu

tượng (Symbole) là một vật được cắt làm đôi hai người mỗi bên giữ một phần Sau này, ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối dây thân tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước Từ nghĩa nguyên của biểu tượng có thể thấy, biểu tượng được chia ra và kết hợp lại với nhau, nó chứa đựng ý tưởng phân li và tái hợp, gợi lên ý tưởng về một cộng đồng bị chia tách và hợp thành Biểu tượng đôi lúc rất cụ thể song cũng có thể là những thứ rất trừu tượng Biểu tượng được hiểu là một sự quy ước, một dấu hiệu, một tín hiệu…

để nhận ra nhau và có ý nghĩa biểu trưng Còn “trong tiếng Hán thì “biểu” là dấu hiệu, sự bày ra, sự tỏ rõ, “tượng” có nghĩa là tình trạng, hình tượng Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô ra trong một dấu hiệu tượng trưng, nhằm diễn đạt một ý nghĩa hay một hiện tượng nào đó trừu tượng” [3; tr.27] Lịch sử biểu tượng cũng cho thấy mọi vật đều có thể mang giá trị biểu tượng,

dù là vật tự nhiên hay là trừu tượng thì nó đều có khả năng biểu tượng

Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên có định nghĩa về biểu

tượng như sau: “Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng Hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [19; tr.64] Trong

Trang 12

Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm biểu tượng được giới thuyết như sau:

“Trong triết học và tâm lí học, biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức cao hơn của nhận thức chỉ cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động vào sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt Biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tưởng tượng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp… Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mang tính biểu tượng Cho nên, trong nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh đời sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời”… [8; tr.23] Bởi vậy, biểu tượng vừa mang ý nghĩa dân tộc vừa mang ý nghĩa nhân loại Giải mã biểu tượng là một quá trình chúng ta tìm hiểu và lý giải các lớp nghĩa của nó đồng thời từ đó để có thể nhận ra tính dân tộc của nền văn hóa ấy Biểu tượng nghệ thuật là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, hoặc một loại hình tượng nghệ thuật, đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của hình tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay triết lí sâu xa về con người, về cuộc đời Trong văn học nghệ thuật biểu tượng in dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà thơ Những biểu tượng do nhà văn, nhà thơ sáng tạo

ra thường chứa đựng nhiều ý tứ kín đáo, thâm trầm, thậm chí là bí hiểm Vì thế để hiểu được những ý nghĩa biểu tượng ấy cần phải hiểu khả năng sáng tạo, sức mạnh tưởng tượng của nhà văn và nhìn thấu phong cách nhà văn thể hiện

Khi đi vào tìm hiểu tiểu thuyết Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn, chúng

tôi nhận thấy biểu tượng trong tác phẩm của ông vô cùng phong phú và mang

Trang 13

nhiều ý nghĩa nhưng tiêu biểu nhất và có nhiều ý nghĩa nhất là các biểu tượng: biểu tượng loài vật, biểu tượng không - thời gian và biểu tượng màu sắc Mỗi biểu tượng trong tác phẩm đều mang lại một ý nghĩa và đều cho mỗi người đọc một cảm nhận riêng Đây cũng chính là những biểu tượng mà chúng tôi tập trung đi sâu vào giải mã trong phạm vi khóa luận này

1.2 Hệ thống biểu tượng loài vật

1.2.1 Biểu tượng lừa

Nhân vật lừa trong nguyên bản vốn là một con vật có trí tuệ khiêm tốn làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, thồ những gánh nặng oằn lưng mà chỉ được ăn cỏ Mạc Ngôn đã mượn con vật ngoài đời để xây dựng chú lừa

thành một hình tượng nhân vật trong Sống đọa thác đày Đó là một nhân vật

đội lốt con vật nhưng lại mang tính người, một con vật biết suy nghĩ rất phóng túng mà khoáng đạt Biểu tượng lừa là hình tượng thân thiết, gần gũi với mỗi người dân Trung Quốc, qua ngòi bút của Mạc Ngôn đã miêu tả chú lừa vừa

ảo, vừa thực, trong chú lừa tồn tại những bản năng sinh tồn Tây Môn Náo vì kêu oan trước Diêm Vương và bị chuyển thể xuống làm lừa, khi mang ngoại hình của một con vật có khi hắn ý thức được bản thân mình, nhưng cũng có khi hắn vẫn không ý thức không cưỡng lại được những khát vọng trần tục của một con vật – con người bản năng

Tuổi thơ nghèo đói, sống trong tủi nhục đã khiến Mạc Ngôn có cái nhìn

chân thực hơn về cuộc sống Biểu tượng lừa trong Sống đọa thác đày có ý

nghĩa rất lớn, đó là sự tượng trưng cho bản năng tự nhiên của con người Trong mỗi con người bản năng là yếu tố trần tục và chân thực nhất mà ai ai cũng có: ăn, ngủ, dục vọng, tham, sân, si… và cuộc sống đã cho con người có những cơ hội để có thể thực hiện được những bản năng ấy Trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn tình yêu, tình dục được nói đến rất nhiều và có mối quan hệ khăng khít với nhau Tiểu thuyết của Mạc Ngôn không xuất hiện nhiều lời

Trang 14

yêu màu mè mà nó vẫn luôn nồng nàn, cuồng nhiệt và cháy bỏng Khi thấy con lừa cái đang đến thời kì động đực, Tây Môn Lừa cũng có những đòi hỏi của bản năng, sự ham muốn được chiếm đoạt, được thỏa mãn dâng trào trong người Và cũng chính bởi yếu tố của bản năng, tiếng gọi của tình yêu mà chú

lừa trong Sống đọa thác đày đã bỏ chạy theo tiếng sét ái tình và có những

phút giây quả thực là hạnh phúc: “Hòa bình muôn năm! Trong thời bình, một con lừa đực có thể cùng con lừa cái mà yêu thích mà tha hồ gặp được nhau” [16; tr.80] (…) Ôi lừa cái yêu quý của tôi! Bảo bối của tôi! Với tôi cô là thứ quý giá nhất, thân thiết nhất… Tôi muốn ôm lấy ả, dùng bốn chân cặp chặt lấy ả, hôn lên tai, lên cái mồm xinh xinh màu phấn hồng lốm đốm của ả… Ôi con lừa nhỏ, có biết là tôi yêu cô đến nhường nào không?” [16; tr.81] Mạc Ngôn đã có cái nhìn mới về vấn đề tình yêu và tình dục Tình yêu ngự trị và tồn tại ở tất cả mọi nơi, tất cả mọi người và cả chính động vật.Trong thế giới loài vật ấy, loài vật cũng giống như con người: Yêu nhau say đắm, tình yêu ấy cũng không thoát khỏi toan tính so đo bởi những giá trị vật chất sẽ quyết định như sự tồn tại của chúng “Sợ khổ Hoa Hoa quên thề ước” là tiếng nói của vật nhưng chứa đựng và phản ánh tương đối nhiều tâm sự của con người Tây Môn Lừa đã bất chấp nguy hiểm tính mạng mình để bảo vệ Hoa Hoa, có thể thấy được tình yêu của hai con lừa dành cho nhau rất mãnh liệt, nồng nàn Tuy là loài vật nhưng tình yêu chúng dành cho nhau còn sâu sắc, quý trọng hơn cả tình yêu của loài người Tây Môn Lừa nhận thấy rằng chỉ trong tình yêu với lừa cái nó mới thực sự có được hạnh phúc, được yêu thương trọn vẹn bằng tình cảm chân thành: “Sau khi gặp em, anh mới hiểu rằng, tuy là loài hạ đẳng như lừa, song có tình yêu thì cuộc sống cũng sẽ hạnh phúc Kiếp trước anh là người, có đến ba vợ, có lúc anh đã nghĩ một cách nhầm lẫn rằng anh thật hạnh phúc, bây giờ mới thấy anh vô cùng đáng thương Một con lừa đang

bị lửa tình thiêu đốt như tôi so với bao nhiêu người khác có lẽ hạnh phúc hơn

Trang 15

nhiều Một con lừa cứu được bạn tình của mình từ miệng chó sói, lại trước mặt người yêu thể hiện rõ dũng khí và sự thông minh, còn niềm tự hào nào hơn thế? Chính em là người giúp tôi trở thành một con lừa vinh quang, một con lừa hạnh phúc nhất trên cõi trần này” [16; tr.83] Đó là một tình yêu đẹp

có sự khát khao, sự dâng hiến tuyệt đối cả về tâm hồn và thể xác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ người mình yêu thương với khát vọng được tự do tự tại không bị trói buộc giữa trời đất Chính cuộc sống hạnh phúc ấy đã giúp Tây Môn Náo nhận ra rằng khi còn sống mình là một kẻ ảo tưởng vào hạnh phúc, một kẻ thất bại trong tình yêu và hôn nhân mà không biết: kẻ đã ruồng bỏ tình yêu đích thực của cuộc đời mình – người vợ cả Bạch Hạnh Nhi để chạy theo tình yêu mới với Nghinh Xuân và Thu Hương nhưng đến cuối cùng mình cũng không có được hạnh phúc trọn vẹn

Bên cạnh sức mạnh tình yêu trong chú lừa còn tồn tại sự đấu tranh sinh tồn Trong thế giới rộng lớn ngoài kia tưởng như yên bình nhưng đầy rẫy những chông gai, sau khi bỏ đi khỏi nhà Mặt Xanh, chú lừa đã có những tháng ngày hạnh phúc bên cạnh người yêu mình, cứ tưởng nó sẽ mãi được sống trong hạnh phúc trong thế giới tự do đó nhưng đã có những lúc nó phải đối diện với biết bao khó khăn cận kề Khi đối diện với lũ chó sói, Tây Môn Lừa đã dùng trí thông minh và sự dũng cảm của mình để chiến thắng “Tung hai vó trước lên, từ trên cao tôi chụp xuống Trông dáng điệu oai phong của tôi lúc này đừng nói là chó sói, ngay cả hùm beo cũng phải lo mà chạy trốn Con sói chưa kịp đề phòng, bị đầu tôi húc văng, lăn mấy vòng” [16; tr.81] Trong cuộc chiến đấu với loài sói hung ác, lừa đã có những kế sách và mưu lược rất thông minh, nó chiến đấu hết mình một cách oai hùng giống như những tráng sĩ xưa trong trận chiến, đấu tranh để bảo vệ gia đình, bảo vệ nhân dân, quê hương, đất nước

Có lúc nguy cấp vì sự sống phải bảo vệ lẽ phải, trừng trị những tên thợ

Trang 16

săn độc ác, tham lam dám cướp công của người khác, những kẻ theo chủ nghĩa giáo điều, kinh nghiệm để chúng thấy được chân lý: lừa cũng có thể trừng trị con người “Tôi cắn chặt cái vai của thợ săn, miệng tôi nhay nhay Có một vật gì đó chua chua, mặn mặn, tanh tanh nằm gọn trong miệng tôi, còn cái tay thợ săn thối mồm nói dối không biết ngượng, quỷ kế đa đoan kia một bên vai khuyết mất một miếng thịt to tướng, máu đang túa ra, bất tỉnh nằm dưới đất” [16; tr.98] Tây Môn Lừa cũng đã làm những việc rất hữu ích như cõng Vương Lạc Vân tới trạm xá để sinh nở an toàn, bảo vệ bà Bạch, cùng với Mặt Xanh chăm chỉ lao động, giúp huyện trưởng Trần Quang Đệ trong quá trình công tác và thậm chí có lúc bị thương “bị thiến dái”, “bị gãy một chân” trở thành con lừa tàn phế không còn khả năng lao động, rất nhiều lần nó muốn nhảy xuống núi để kết liễu kiếp lừa bi thảm nhưng bởi sự yêu mến thực lòng của ông chủ đã giữ nó ở lại thêm một thời gian Ngay cả khi bị tàn phế,

nó vẫn cùng với Mặt Xanh ra đồng chịu những sự gièm pha của mọi người xung quanh Dù có gặp biết bao khó khăn cũng không thể làm lừa gục ngã bởi sức sống tiềm tàng vẫn tồn tại và khát vọng luôn ẩn chứa trong lừa Nó lấy lại niềm tin và tiếp tục lao động vì ông chủ (Mặt Xanh) mình cho đến hơi thở cuối cùng

Là một con vật nhưng Tây Môn Lừa đã chứng kiến cảnh Lam Mặt Xanh làm ăn cá thể, cả xã hội đã tẩy chay ông, loại ông ra khỏi xã hội Hậu quả của việc này là những người của công xã đến cướp hết lương thực của Lam Mặt Xanh Nó nhìn thấy hết thảy những bất công mà xã hội đã tạo ra với mình và ông chủ của mình Là một con lừa quật cường, yêu lao động và mang kí ức con người nên rất tình cảm, Tây Môn Lừa giống như người bạn tri kỉ của Mặt Xanh, Mặt Xanh cũng linh cảm đây là Tây Môn Náo đầu thai nên giữa họ có mối quan hệ rất đặc biệt

Cuộc sống là những ngày lao động vất vả, cực nhọc và vô vàn những

Trang 17

khó khăn Đó là những năm mất mùa lớn: “Cái đói làm cho con người biến thành một loại dã thú hung tàn” Khi họ hết lương thực, họ ăn vỏ cây rồi đến

rễ cỏ, một đoàn người như loài sói xông vào nhà Mặt Xanh nhằm đến con lừa của ông làm nguồn thức ăn Chính hoàn cảnh đói khổ lúc đó khiến cho con người phải làm những việc không đành để nuôi sống mình, dân làng đã giết lừa lấy thịt chia nhau: “Giết! Giết! Giết! Giết con lừa què của thằng cá thể! Nào! Một, hai, ba!” Kiếp lừa hóa kiếp và kết thúc từ đây: “Tôi biết đầu tôi một lần nữa vỡ nát Linh hồn tôi bay lên, lơ lửng trên không gian, nhìn xuống thấy những người đói khát kia kẻ dao, người thớt đang cắn vụn thi thể tôi thành hàng trăm mảnh” [16; tr.150], đó là thời điểm của năm 1959 Lam Mặt Xanh đã không cứu được nó Một kiếp sống khi hào hùng oai phong dũng cảm, khi bền bỉ chăm chỉ lao động, khi yêu thương giúp đỡ con người nhưng cuối cùng những gì nó tạo ra đều bị con người cướp mất Con người còn khai thác nó một cách cùng kiệt, khi nó bị tàn phế thì vứt bỏ nó, và cuối cùng là ăn thịt nó Như vậy, có thể thấy kiếp lừa tồn tại trong vòng chín năm trời nhưng

nó đã chứng kiến biết bao những bi kịch, bất công của con người của xã hội Trung Quốc

Mạc Ngôn đã rất thành công khi mượn Tây Môn Lừa để nói lên ý nghĩa nhân sinh của tác phẩm Con người ở bất cứ thời đại nào cũng luôn phải trong cuộc cạnh tranh sinh tồn Khát vọng sống luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Tất cả những gì trần tục và bản năng ấy đều có sức sống vĩnh hằng tồn tại cùng cuộc sống Song hành cùng nhân vật Lam Mặt Xanh, biểu tượng lừa càng đọc càng được mở rộng theo chiều dài của tác phẩm, nó không còn đơn thuần là biểu tượng cho bản năng tự nhiên mà còn thể hiện khát vọng sống mãnh liệt Lừa đã vượt qua ý nghĩa thông thường trở thành biểu tượng chung

về sự trường tồn cho khát vọng sống của con người

Trang 18

1.2.2 Biểu tượng trâu

Khác với con lừa, trâu xuất hiện trong cuộc sống đời thường với bản chất hiền lành, hòa đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật nhất với người dân trong nền văn minh lúa nước của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á

Nếu trâu trong cuộc sống đời thường chỉ là một con vật lam lũ và quần

quật làm việc thì trâu trong Sống đọa thác đày đã được Mạc Ngôn hình tượng

hóa - kiếp trâu quật cường, trâu chân thực mà quật cường Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung và trả công cho người chăm sóc hậu hĩnh, xứng đáng, đến chết nó vẫn xả thân vì con người Mặt Xanh và Tây Môn Trâu tự do

tự tại đi theo con đường của mình dù có bị gia đình li tán, bị chèn ép ra sao họ vẫn ngày đêm cần cù trên mảnh đất nhỏ giữa những thửa ruộng lớn

Ý nghĩa của trâu trong tác phẩm không những tượng trưng cho sự trung nghĩa mà còn biểu tượng cho sự kiên cường và dũng cảm cho sự sống và tái tạo Cái chết đầy bi phẫn nhưng kiên quyết thể hiện một tiếng nói phản đối kịch liệt của một con vật và mang giá trị cảnh tỉnh sâu sắc đã thể hiện được ý nghĩa ấy Tây Môn Trâu là một con trâu quật cường, con trâu có tình cảm, có nghĩa khí như một con người bởi nó chính là Tây Môn Náo đầu thai mà thành Khi chứng kiến Tây Môn Kim Long và Lam Giải Phóng đánh nhau, Tây Môn Trâu đứng ngay bên cạnh Giải Phóng mà đôi mắt nó u uất và bất lực: “cậu chỉ nhắm ngay cái sống lưng của anh ta húc nhẹ một cái là anh ta ngã lăn ra thôi Nếu cậu dùng lực mạnh hơn một chút, chắc chắn anh ta sẽ bay lên không trung và rơi xuống đất…nhưng cậu vẫn đứng bất động” [16; tr.189] Vì sao Tây Môn Trâu bất động? Điều này cũng dễ hiểu bởi Kim Long chính là con đẻ còn Lam Giải Phóng là bạn thân nên Tây Môn Trâu khó lòng mà chọn bênh vực ai Nó cũng phân vân, dằn vặt khi phải ở trong tình thế khó xử này Nó chấp nhận đứng yên chịu đòn roi từ tay Kim Long: “Cậu

Trang 19

quỳ chân trước xuống đất, và cứ như thế chịu đòn, nước mắt chảy từng dòng trên má, nhỏ tí tách xuống đất” Trâu cũng như chính con người, hiểu được con người và nó đã khóc bởi nó đang rất đau khi phải nhận đòn roi và sự thù hằn từ chính người là con trai của mình ở kiếp trước Đứng trước cảnh tượng Kim Long dùng sơn đỏ quết đầy vào mặt Lam Mặt Xanh một Kim Long lạnh tanh, nhẫn tâm tra tấn người cha đã có công chăm lo nuôi dưỡng không một chút thương tình Tây Môn Trâu đã cất lên âm thanh thê lương thảm thiết nửa như khóc, nửa như cười hình như chính là tiếng than của cậu Âm thanh ấy vang lên như chính lời nói đau xót, cảm thông cho Mặt Xanh, một người thấu hiểu hết những tâm tình của nó Tây Môn Trâu tuy mang thân trâu nhưng linh hồn là Tây Môn Náo, nó đã nhìn thấy tất cả mọi thứ đang diễn ra, nào là con trai, con gái, nào là vợ cả, vợ hai, vợ ba, nào là người làm công và con trai của người làm công…Trong lòng nó biết bao nhiêu tâm trạng vừa thương yêu, vừa uất hận xâu xé trong lòng thì nó mới cất lên tiếng kêu ai oán não nùng đến như thế

Khi bị ép vào công xã cùng với Lam Giải Phóng, Tây Môn Trâu ngay lập tức có hành động phản kháng lắc đầu thật mạnh làm cho bông hoa của công xã rơi xuống đất Dù thân xác của Tây Môn Trâu có ở trong công xã nhưng trong thâm tâm Tây Môn Trâu vẫn luôn chỉ hướng về ông chủ Khi rời

xa chủ Mặt Xanh của mình nó quyết không chịu tham gia cày cấy cho công

xã Dù bị tra tấn nhưng nó vẫn kiên cường chấp nhận sự đọa đày, thịt nát xương tan chứ quyết tâm không chịu trở thành trâu công xã: “Đầu cậu bị kéo lên khỏi mặt đất một tí song toàn thân vẫn bất động Hình như hai chân trước của cậu có đạp đạp như muốn đứng lên, nhưng không, tôi đã nhầm, cậu chẳng

hề có ý định đứng lên Tôi nghe có tiếng ọ ẹ như trẻ con khóc từ trong lỗ mũi cậu phát ra, rồi một tiếng “phựt” vang lên, lỗ mũi đã đứt lìa, đầu cậu nặng nề rơi xuống, cùng lúc đó con trâu nái đã ngã dụi ra đất”[16; tr.311] Tây Môn

Trang 20

Trâu không phải một con trâu bình thường luôn kiên quyết đấu tranh cho quyền riêng của mình Cuộc giằng co quyết liệt giữa Kim Long với Tây Môn Trâu, cho thấy ai cũng muốn thể hiện sức mạnh và sự tôn quý của bản thân mình Có một điểm rất giống nhau giữa họ đó là sự ngang ngạnh Tây Môn Trâu thà chết chứ nhất quyết không chịu đứng dậy, đó là một cái chết rất dũng cảm và làm rung động lòng người, khiến mọi người phải suy nghĩ về những chuẩn mực đạo đức của chính bản thân mình Tây Môn Trâu - một con trâu quật cường, tinh thần thà chết chứ không chịu khuất phục cũng như sự chịu đựng nỗi đau về thể xác của cậu thật là kì diệu Chính cái chết của Tây Môn Trâu, sự đày đọa chịu đau đớn về thể xác ấy chính là một lời lên án sâu sắc đến xã hội loài người đầy rẫy những bất công, ngang trái Con người sống không có chút lương tâm, tình người, họ đều là những kẻ độc ác, máu lạnh:

“Tiếng roi quất vào máu nghe là lạ và dường như thấy máu, những kẻ độc ác

ấy càng lên tinh thần, những cái quất ngày càng mạnh hơn Máu đã ướt đẫm thân thể cậu rồi!” [16; tr.308] Họ không bằng một con vật sống có tình người, một xã hội mà người không bằng một con vật, đến loài vật còn biết khóc “đôi mắt nhắm nghiền và từ đó đôi dòng nước mắt trào ra” Tây Môn Trâu khóc không phải vì nó đau mà nó khóc vì nó uất hận, xót xa cho biết bao nhiêu những số phận, những người dân hiền lành sẽ như nó và ông chủ Mặt Xanh bị ức hiếp, chèn ép làm những việc mà họ không muốn làm.Tây Môn Trâu bị tra tấn dã man dưới bàn tay của Kim Long nhưng không vì thế mà chịu đầu hàng: “Cậu - Tây Môn Trâu lảo đảo run rẩy, đứng dậy Trên vai cậu không còn dây buộc, mũi cậu không còn vòng đồng, cổ cậu không mang ách… Cậu đã trở thành một con trâu tự do, không có dấu vết gì về sự quản thúc của con người, đã đứng dậy Cậu khó khăn lê từng bước về phía trước…” [16; tr.312] Dù có chết Tây Môn Trâu cũng phải cố lê thân xác của mình chết trên mảnh đất của ông chủ Mặt Xanh, chết bên cạnh người yêu

Trang 21

thương nó Tây Môn Trâu một con vật tình nghĩa thủy chung theo ông chủ của mình đến sức lực, hơi thở cuối cùng: “Cậu - Tây Môn Trâu từng bước từng bước nhích dần về phía bố tôi, rời khỏi vùng đất mênh mông của tập thể công xã nhân dân, bước sang mảnh đất cá thể nhỏ xíu duy nhất trên toàn quốc của Mặt Xanh - mảnh đất một mẫu sáu sào, rồi như một ngọn núi nhỏ, cậu từ

từ ngã xuống” [16; tr.313] Cái chết ấy đã làm cho mọi người tỉnh ra rất nhiều trong cao trào Cách mạng Văn hóa Câu chuyện về Tây Môn Trâu đã trở thành một truyện truyền kì hiện đại, thần thoại lưu truyền ở vùng Đông Bắc Cao Mật đến tận bây giờ Câu chuyện ấy cho người đọc một cái nhìn so sánh dường như đối lập với xã hội con người đầy hư vinh, hư ngụy, toan tính là thế giới loài vật đầy nhân ái, nghĩa tình, chân thực Trong xã hội loài người vốn còn âm ỉ quá nhiều sự phức tạp, bon chen thì hình ảnh về một con trâu tình nghĩa, quật cường, im lặng đón nhận cái chết trong thanh thản dường như đã làm lay động lòng người Nó chịu nhiều đau đớn về thể xác như vậy là để giác ngộ mọi người, hướng con người thoát ra khỏi con đường đen tối mê loạn:

“Phải chăng nó đang kêu gọi một nguyên tắc sống: Con người ơi! Không nên độc ác với nhau, cũng không nên ác độc với súc vật Không nên cưỡng bức người khác làm những điều mà họ không thích làm, với trâu cũng thế!” [16; tr.309] Điều ấy giống như một âm thanh trong trẻo lay động sự nhận thức của con người, bảo vệ những giá trị muôn thuở của con người vốn có

Dưới đôi mắt của súc vật, Tây Môn Trâu vẫn nhìn thấy, nhận ra những sai lầm kiểu làm ăn tập thể Trong khi đó, toàn xã hội loài người không thể hoặc không dám nhận ra điều đó “Trâu cá thể là trâu phản động”, bản án đã tròng vào cổ Tây Môn Trâu Và con trâu ấy đã chấp nhận một cách kiên cường cho

dù bị đọa đày thân xác, bị tra tấn dã man, thà thịt nát xương tan chứ vẫn quyết không trở thành trâu của công xã nhân dân giống như chủ Lam Mặt Xanh của

nó Tây Môn Trâu thể hiện cho tính cách dũng cảm kiên trì sẵn sàng đi theo

Trang 22

con đường đã lựa chọn với những điều mà nó cho là đúng đắn là chân lý

Trâu hiện lên vừa mang nét chân thực, vừa có nét hư ảo, song nó đã làm lay động lòng người và xúc động về ý chí kiên cường, trung thành của nó cũng như nhân vật Lam Mặt Xanh chấp nhận làm ăn cá thể, không chịu vào hợp tác xã để đấu tranh cương quyết đòi quyền riêng của mình Đồng thời, nó còn tượng trưng cho sự ý chí, kiên định và dũng cảm trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống

1.2.3 Biểu tượng lợn

Lợn là con vật vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người Trung Quốc Trong quan niệm của người Trung Quốc, lợn là con vật luôn mang lại may mắn cho gia đình và đại diện cho sự thịnh vượng, giàu có, thành công trong công việc

Ở Sống đọa thác đày Mạc Ngôn đã xây dựng hình tượng lợn với nhiều ý

nghĩa Cuộc đời của kiếp lợn là bao sóng gió và sự kiện diễn ra trong hơn mười năm (từ năm 1970 đến năm 1982) Lợn trong tác phẩm biểu tượng cho

sự vô minh của loài người và mang trong mình một quá khứ oai hùng Một con lợn có trí năng giữa người và lợn, đã từng trải qua không biết cơ man nào vui buồn giữa vòng âm dương đắp đổi Nó sinh ra trong thời đại huy hoàng nhất của loài lợn “trong lịch sử loài người, loài lợn chưa bao giờ trở nên cao quý và quan trọng như lúc này…hàng vạn con người phải cúi đầu hành lễ trước loài lợn chúng tôi” [16; tr.342] Lợn mười sáu ngay từ lúc sinh ra nó đã thừa hưởng một sức khỏe phi thường và một trí tuệ thông minh: “Lợn mười sáu - Em út nhất đàn” chẳng mấy chốc lấn át tất cả chị em đầu đàn Lợn ham

ăn và biết tính toán suy nghĩ khác hẳn những anh chị ngu ngốc của nó: “Tôi biết chọn cái đầu vú nhiều sữa nhất, đó là cái đầu vú ở giữa bụng con lợn nái…Trong lúc ngậm đầu vú này, tôi khôn ngoan dùng thân thể của mình che thêm một cái nữa, đôi mắt láo liêng nhìn hai phía, hễ có đứa nào muốn xông

Trang 23

vào là tôi dùng mông tận lực đẩy nó sang một bên” [16; tr.330] Tây Môn Lợn hóa thân thành “Vua Lợn” mà trại lợn Hạnh Viên giống như quốc gia thu nhỏ Năm năm làm Vua lợn, đối với Tây Môn Lợn là một thời kì có cả huy hoàng,

có cả sự thất bại và cuối cùng ra đi vì trượng nghĩa Có thể nói, Tây Môn Lợn

đã nhìn thấu bi kịch của xã hội loài người, tất cả những việc làm của con người không thoát khỏi cái nhìn thấu suốt của con lợn “bác học” Lợn mười sáu và cả đàn lợn kia say không phải nó tửu lượng kém, về sau này nó mới ngộ ra “lần này không phải là tửu lượng của tôi thấp khiến tôi đầu choáng mắt hoa mà là do người ta nấu rượu không đủ nồng độ nên cho cồn công nghiệp vào Tôi thừa nhận rằng thời ấy người ta chưa quan tâm lắm đến đạo đức nhưng việc đổ cồn vào rượu lừa người quả là chuyện hi hữu xưa nay” [16; tr.398] Cuộc sống càng hiện đại người ta càng trở nên vô cảm, thờ ơ với nhau hơn, đời sống văn minh vật chất phát triển không có nghĩa là văn hóa giữa người với người được nâng lên mà con người đang tự hủy diệt cuộc sống của chính mình Đến loài vật khi đứng trước cái chết của đồng loại, cứ từng con chết vì cái đói cái rét, cái thời cuộc khó khăn của trại lợn Hạnh Viên, nó còn xót thương cho đồng loại của mình “Tình đồng loại khiến tôi cảm thương cho bọn chúng, nước mắt tôi ứa ra nhưng chỉ kịp chảy đến má, nó đã nhanh chóng thành băng và rơi xuống đất” Hay khi Điêu Tiểu Tam dám tự do sang chỗ ở của Lợn mười sáu, nó đã nổi cơn điên húc mạnh con lợn - tạp chủng này khiến toàn thân nó run rẩy Sau hành động này Lợn mười sáu lại dằn vặt chính bản thân mình “con người dùng máu và tính mạng để bảo vệ lãnh địa, của lợn lại không đáng bảo vệ hay sao” Tuy vậy, nó lại thấy thương hại cho Điêu Tiểu Tam nhiều hơn “lòng thương giống như của người bần cùng trong

xã hội mới thương xót cho một kẻ trí thức tư sản vừa bị chính họ hành hạ xong Sống mũi tôi cay cay, nước mắt của tôi chực trào ra” [16; tr.364] Tây Môn Lợn cảm thấy có một chút hổ thẹn vì nó đã dùng thủ đoạn không mấy

Trang 24

chính đáng khi đánh nhau với Điêu Tiểu Tam Cuộc sống như một guồng quay vội vã kéo con người về thế giới riêng tư, biệt lập mà quên đi tình tập thể, cộng đồng Khi nỗi đau cùng sự bất hạnh của con người bị lăng nhục mà vẫn không tìm được sự tri ân của con người thì đó không còn là một xã hội loài người Khi mà cái ác vì một lí do nào đó mà ngang nhiên tồn tại, người ta

có thể lờ đi cái ác đó để từ đó kiếm lợi nhuận một cách phi lý, phi nhân tính

đã trở thành một hiện tượng tưởng tượng thì những nhận định của lợn mười sáu vẫn mang tính thời sự và cảnh tỉnh

Tây Môn Lợn tỏ ra sớm giác ngộ tinh thần cách mạng nên đã tích cực động viên đồng loại “Vì chủ nghĩa xã hội, vì con người, các bạn hãy lớn nhanh lên” [16; tr.355] Tây Môn Lợn rất thông tuệ khi biết rằng thời Cách mạng Văn hóa “rồi sẽ có một ngày thời vận đổi thay, nó sẽ làm được những chuyện mà ngày nay mọi người có thể cho là tức cười và ấu trĩ, nhưng trong thời ấy lại là một kì tích vinh quang” [16; tr.325] Cách mạng Văn hóa là một vết thương rất lớn, rất sâu của lịch sử, của dân tộc Trung Quốc và của mỗi con người đã từng sống trong vực thẳm thời gian đó Vết thương trên da thịt, trong tâm hồn và di chứng của những vết thương ấy vẫn còn nhức nhối trong mỗi người dân Trung Quốc Lợn mười sáu coi thường những trò gọi là “Hội nghị điển hình tiên tiến về nuôi lợn” “mỗi con lợn chính là một viên đạn đại bác công phá thành trì phản động của bọn đế quốc” Nó biết rằng “cả thế giới này vốn chẳng tìm đâu ra sự công bằng Quan lớn cưỡi ngựa, lẽ nào binh lính cũng cưỡi ngựa à?” [16; tr.407] Nó biết rằng chính nó cũng được Bà Bạch ưu

ái, cho nó phần thức ăn ngon hơn của Điêu Tiểu Tam Con lợn Nghi Mông cũng nhận thức được điều này, nó thét lên tiếng chửi “Con lợn mười sáu kia! Thế này gọi là công bằng à? Vì sao họ lại đối xử phân biệt như vậy” Tuy cùng là loài lợn những mỗi con lại có chế độ đãi ngộ khác nhau “Con người

đã bị họ chia làm cách mạng và phản cách mạng, lẽ nào lợn cũng phân giai

Trang 25

cấp sao” Con lợn Nghi Mông muốn đứng lên đấu tranh với những cái bất công của xã hội “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” Chỉ là loài lợn nhưng

nó đã nhận ra được bản chất của xã hội thời này, không hề có cái gì được gọi

là công bằng, con người trong xã hội bị phân biệt đối xử Người có quyền thế, địa vị thì được ưu ái, được tôn trọng, còn những người “thấp cổ bé họng” trong xã hội thì bị người khác khinh bỉ, chèn ép, bị đối xử một cách tàn nhẫn Lợn mười sáu nó tự tin khẳng định: “Tuy tôi là lợn nhưng trí não có khác gì con người, thậm chí với tư cách lợn, tôi cũng có cơ hội hiểu rõ bản chất xã hội, hiểu rõ quê hương” [16; tr.494].Trong những năm tháng đói kém nhất, lợn bị bệnh dịch chết tràn lan, người ta phải lấy thịt lợn chết cho lợn sống ăn Chính sách của trại lợn Hạnh Viên đem những con lợn đã chết chế biến thành thức ăn cho lợn sống Đồng loại phải ăn thịt lẫn nhau chẳng khác nào một loại

dã thú, nó biết trong hoàn cảnh khó khăn chỉ có cách này mới có thể cứu những con lợn còn lại thoát khỏi cơn đói Với con lợn bình thường ăn thịt đồng loại chẳng có gì là ghê gớm Lợn mười sáu là một con lợn đặc biệt - một con lợn bác học, có văn hóa biết suy nghĩ thì đó là một chuyện đau khổ vô bờ bến nhưng bản năng là phải ăn để sinh tồn đã chiến thắng nỗi đau khổ về tinh thần ấy Khi cái ác đã chiếm lĩnh thì những chiêm nghiệm suy tư của Lợn mười sáu vẫn mang tính thời sự Tây Môn Lợn đã dằn vặt rất nhiều khi phải

ăn thịt đồng loại để có thể tồn tại Nó tự an ủi rằng: “Bao nhiêu con lợn khác đang ăn thịt đồng loại một cách ngon lành, việc gì tôi phải dằn vặt mình? Người còn ăn thịt nhau, huống hồ là lợn! Ăn thôi! Nhắm mắt mà ăn thôi!” [16; tr 417] Cái nhìn của Tây Môn Lợn đã rọi thấu nhân tâm, rọi thấu lịch

sử, đánh đồng nhân tính với thú tính Câu truyện của Mạc Ngôn khiến chúng

ta nhớ đến Lỗ Tấn - một nhà văn Trung Quốc cũng đã lên án tố cáo xã hội với những con người máu lạnh dùng máu tươi của người chiến sĩ cách mạng để làm phương thuốc chữa bệnh Câu truyện “ăn thịt người” từ Lỗ Tấn đến Mạc

Trang 26

Ngôn vẫn còn nguyên giá trị Tây Môn Lợn nhận thức được thời thế đang thay đổi, một sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc đã diễn ra: “Mao chủ tịch qua đời” Việc Mao chủ tịch ra đi không chỉ là tổn thất của con người mà còn

là tổn thất của loài lợn Mao chủ tịch đã chết, thế giới loài người sẽ phát sinh những biến động lớn Trong lúc này nó đã quyết định một việc trọng đại nhất trong cuộc đời Nó quyết định trở về với tự do hoang dã, nó cũng muốn đồng loại được sống tự do nên trước khi đi nó đã kịp mở cửa cho những con lợn còn lại trong trại Hạnh Viên, vừa mở cửa vừa gào lên “Các anh em! Chạy đi” Hành động của Lợn mười sáu dám bơi theo dòng sông để đi tìm tự do cho mình được con người xem là kỳ tích trong lịch sử Đông Bắc Cao Mật Lợn mười sáu chính là biểu tượng của lòng yêu cuộc sống, của sự khát khao tự do, của tình yêu đẹp đẽ và kì lạ nhất thế gian Cuối cùng Tây Mộn Lợn đã chết vì cứu những đứa trẻ con đang nô đùa trên băng dày Băng vỡ làm cho tất cả bọn trẻ bị rơi xuống nước lạnh Lúc này Tây Mộn Lợn đã ý thức nó không phải là lợn nữa mà nó là người “Tôi chẳng phải là anh hùng mà chỉ là một người lương thiện bình thường làm việc nghĩa” Nó đã nhảy xuống nước, dùng tất cả sức lực để cứu từng đứa trẻ an toàn vào bờ Như vậy, việc làm cuối cùng của

nó trước khi chết cũng là một việc có nghĩa Một con lợn sống luôn biết cống hiến, hi sinh và có trách nhiệm với cuộc đời của mình cũng như trong xã hội Một con lợn bác học, tuy là lợn nhưng lại có những suy nghĩ và trí tuệ, tình cảm như con người, nó mang bản chất một con người lương thiện biết đau, biết thương xót trước nỗi đau của đồng loại đối lập với thời đại này con người

đã đánh mất nhân cách của mình

Trong quan niệm nói chung lợn không phải là một con vật có trí tuệ thông minh, nhưng dưới ngòi bút của Mạc Ngôn đó lại là một con lợn “bác học” Trong tất cả các kiếp hóa thân, kiếp lợn lại là kiếp mang đến nhiều triết

lí cũng là chân lí nhất Nó không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn hiện lên

Trang 27

như một đối lập với sự vô minh của loài người Con người ai cũng có sự hiểu biết nhất định nhưng đôi khi họ nhìn sai hay hiểu sai về bản chất của mọi vật thể Duy chỉ có lợn mười sáu nó nhận ra được chân lý, hiểu đời, hiểu nhân tình thế thái, nó đã thoát ra khỏi sự vô minh không còn đau khổ Lợn mười sáu có thể nhìn thấu tất cả mọi bi kịch của con người trong xã hội Thông qua kiếp lợn, tác giả thể hiện sự mỉa mai châm biếm và sâu sắc nhất, khiến người

ta phải suy nghĩ về cuộc sống, về nhân sinh và về chính mỗi người Tây Môn Lợn càng nhân tính bao nhiêu thì con người lại càng thú tính bấy nhiêu Câu khẩu hiệu chính trị lại được đặt vào miệng của một con lợn “vì chủ nghĩa xã hội, vì con người các bạn hãy lớn nhanh lên” Khẩu hiệu đậm chất chính trị, thể hiện xu thế lịch sử của một thời đại lại được phát ngôn từ con vật Đó cũng chính là cách tác giả phủ nhận cái nghiêm chỉnh từ những khẩu hiệu đó Dường như ở đây đã diễn ra một cuộc hoán đổi giữa người và vật như “Yêu cái đẹp là bản chất của con người, lợn cũng có” [16; tr.445] Đó cũng chính là những trăn trở của Mạc Ngôn rằng các giá trị thuộc về con người đang ngày một biến dạng, méo mó và mất đi

1.2.4 Biểu tượng chó

Trong Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn, nếu Tây Môn Lừa tượng trưng

cho bản tính sinh tồn, Tây Môn Trâu tượng trưng cho sự dũng cảm và quật cường thì người đọc còn biết đến Tây Môn Chó trung thành và thấu hiểu, cảm thông với bi kịch của con người trong xã hội

Ở những kiếp trước, cuộc sống giữa con người và Tây Môn Lừa, Tây Môn Trâu, Tây Môn Lợn phải đấu tranh với cái đói, cái khát, lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bị diệt vong thì ở đây người và chó Bốn được sống trong thời đại no đủ Chó Bốn được ăn cả những sơn hào hải vị “Gà vịt thịt cá không kể, đó là những thứ bình dân, những thứ này mới đáng nói: móng lạc

đà Mông Cổ, tay gấu Mục Đan Giang, nhung hươu Trường Bạch Sơn, sâm

Trang 28

mai hoa Uy Hải, vây cá mập Quảng Đông…” [16; tr.628] Nhưng khi đã đầy

đủ về vật chất thì những dục vọng của con người lại đẩy họ vào bi kịch

Nếu Tây Môn Lợn nhìn thấy bi kịch của xã hội thì Tây Môn Chó (tên thân mật là chó Bốn) lại cảm thông với bi kịch cá nhân của con người trong

xã hội ấy Ngoài việc có những dự cảm bất an trước sự thay đổi bất thường của làng Đông Bắc Cao Mật trong thời cải cách mở cửa, Tây Môn Chó còn thông hiểu những trớ trêu của nhân tình thế thái Dân gian thường nói: dùng mắt chó nhìn con người thì con người thường thấp Quả đúng như vậy, những người xung quanh Tây Môn Chó đều thấp về nhân cách và đạo đức Dục vọng

đã nhấn chìm họ khiến họ mãi ngụp lặn trong cái ao đời ngập ngụa ái dục và

vô minh

Chó Bốn tuy mang hình hài của một con vật nhưng nó lại có cách ứng xử như một con người, nó là một con chó rất trung thành Nó thay ông bà chủ làm nhiệm vụ đưa Khai Phóng đến trường mỗi ngày, chó Bốn như một vệ sỹ của Khai Phóng, đưa cậu bé đi học đúng giờ và giúp cậu bé qua đường khi gặp nguy hiểm: “Tôi theo gót chân của con ông, cách khoảng một mét, lúc qua đường mắt tôi nhìn kĩ, tai tôi dóng lên nghe ngóng Có một chiếc xe đang lao tới cách khoảng hai trăm mét, đủ thời gian qua đường và con ông chuẩn bị bước đi, tôi cắn chặt lấy ống quần của nó và giữ lại

- Chó Bốn, sao thế? Bé gan đến thế à?

Nhưng tôi không nhả, tôi muốn bà chủ yên tâm Chờ cho chiếc xe vút qua trước mắt, tôi nhả ống quần nó ra, đồng thời sẵn sàng trong tư thế xả thân cứu chủ, dắt con ông qua đường Hình như tôi ngửi thấy mùi vị biểu thị sự yên tâm của mẹ nó ở đâu đây, té ra cô ấy đã cưỡi xe đạp dò theo chúng tôi từ nãy đến giờ, thấy Khai Phóng vào trường mới yên tâm đạp xe về phía Đông” [16; tr.634] Và một mực chân thành với chủ, dù biết ông chủ làm việc sai trái với vợ, dù rất thích mùi của Xuân Miêu, nhưng chó Bốn vẫn dẫn Hợp Tác tới

Trang 29

gặp người tình của Giải Phóng vì nó nghĩ: “Sắp đến hiệu sách tôi bỗng do dự Mùi thơm lâu nay tôi ngửi được trên người Xuân Miêu khiến tôi có cảm tình với cô ấy Quay người lại, thấy dáng điệu thê thảm của vợ ông, tôi dằn lòng

và hạ quyết tâm Là một con chó, tôi phải trung thành với chủ Tôi hướng vào hiệu sách sủa hai tiếng Vợ ông đẩy cửa bước vào, dẫn tôi vào theo Trông thấy Xuân Miêu, tôi cũng sủa lên hai tiếng và cụp tai cúi đầu” [16; tr.667] Tây Môn Chó ý thức được đâu là chủ nhân của nó: “Chủ nhân chính của tôi, thứ nhất là người đàn bà có chiếc mông sứt, thứ hai là thằng bé có nửa mặt màu xanh” [16; tr.610] Bởi vậy, nó luôn trung thành với chủ, giúp Lam Khai Phóng tìm ra chỗ ở của Giải Phóng và Xuân Miêu Là một con chó nhưng nó nhận được ra chân lý chuyện đời như cuốn sách, từng trang từng trang lật qua Con người cần hướng về phía trước, chẳng quan tâm gì đến nợ cũ Chó cũng cần theo thời thế, đối diện với cuộc sống thực Người đọc rất bất ngờ bởi những suy nghĩ “rất người” của một con vật như chó Bốn, nó vì chủ của mình

mà sẵn sàng không nghĩ tới cảm xúc của mình, có tình thương với chủ nhân

và cảm thông với nỗi đau mà Hợp Tác đang phải gánh chịu Chó Bốn cũng đã nói hộ tâm tư, bộc lộ những suy nghĩ của Hợp Tác - khi mà chồng cô là Lam Giải Phóng đang bỏ mặc cô để chạy đến chỗ Xuân Miêu:

“- Chó Bốn! Mày nghĩ tao phải làm gì bây giờ?

- Chó Bốn! Mày nghĩ là cô ta sẽ bỏ ông ấy chứ?

- Chó Bốn! Mày nghĩ lần này ông ấy đi họp ở Tế Nam, cô ấy có đi theo không?

- Chó Bốn! Mày nghĩ ông ta có đi họp không, hay là đưa cô ấy đến nơi nào đó?

- Chó Bốn! Mày nghĩ trên đời này có loại đàn bà mà không ngủ với đàn ông thì sẽ chết không?

- Chó Bốn! Mày nói đi Là tao sai hay ông ý sai?

- Chó Bốn! Mày xem ông trời có mắt không? Thiên lý ở đâu? Lương

Trang 30

tâm ở chỗ nào?” [16; tr.682]

Dĩ nhiên là không có câu trả lời nào từ Chó Bốn nhưng việc Hợp Tác trò chuyện với nó đã cho thấy sự cô đơn đáng thương của cô Con người đang mất dần khả năng đồng cảm với nhau Họ chỉ có thể tìm sự đồng cảm sẻ chia

từ một thế giới khác, từ loài vật Phải chăng, cuộc sống hiện đại có quá nhiều dục vọng khiến con người không thể đặt lòng tin của mình vào đồng loại mà phải đem trao gửi nó vào những con vật gần gũi xung quanh Đồng thời chi tiết này cũng hàm chứa một sự mỉa mai thâm thúy, bởi khi con người chỉ còn

có chó làm bầu bạn, chỉ còn biết tin vào chó thì sự bất hạnh của con người là quá đỗi lớn lao

Bằng điểm nhìn bên trong chó thấu hiểu được tình cảm của từng người trong gia đình mà nó sống Tình yêu cuồng dại của ông chủ Giải Phóng với Xuân Miêu, sự ghen tuông hận thù của bà chủ Hợp Tác và nỗi tủi nhục của cậu chủ nhỏ Khai Phóng đều được chó cảm thông bằng những lí lẽ rất “người”:

“Tôi biết, khi làm tình với vợ, trong lòng ông nổi lên cảm giác đạo đức khiến ông có thể chế ngự cảm giác ghét bỏ đối với vợ Nhưng còn cô gái kia, một khi đã gây mầm trong lòng ông, tất sẽ có ngày khai hoa nở nhụy, lúc ấy không

có sức mạnh nào có thể kéo ông ra khỏi vòng tay cô ấy để quay về với vợ Từ

sự biến hóa về mùi vị trên người, tôi biết ông đã sống trở lại, mà một khi ông sống trở lại, gia đình này sẽ tiêu vong” [16; tr.626] “Tôi biết ông và cô ấy đã yêu nhau, tình yêu ấy đã thấm vào máu huyết của hai người, tôi biết không có cách gì để chia cắt hai người nữa rồi” [16; tr.625] “Tôi biết đó là những giọt nước mắt oán giận, bi thương, cảm khái thân phận” [16; tr.647] Ta thấy rất nhiều lần Chó Bốn đã dùng từ “tôi biết” để thể hiện sự thông hiểu của mình với tâm tư sâu kín của con người “Biết” ở đây còn là sự cảm thông với người đàn ông gần mười năm chung sống với vợ chỉ làm “chuyện ấy” hai mươi lần nay lại tìm thấy tình yêu sét đánh với một cô gái trẻ trung, thanh khiết và cuồng nhiệt “Biết” còn là sự sẻ chia với người vợ bị phụ bạc đang uất ức, âm

Trang 31

thầm đau khổ hàng đêm “Biết” chính là sự thấu hiểu mọi nhân tình thế thái trong cuộc đời mà con người chưa kịp hoặc không thể nhận ra Là con vật nhưng Chó Bốn chứa đầy “tình người”, khi được gặp anh em của mình:

“Tôi và anh cả chúi mũi vào nhau, ngửi nhau, cắn nhau rồi ôm nhau ngã lăn ra đất Loài người các ông có hiểu được cách biểu hiện tình cảm của loài chó không nhỉ?

Chó Bốn! Anh cứ nghĩ cả đời này anh không còn cơ hội gặp em nữa Anh và chó hai nhớ em và chó ba lắm

Anh Hai đâu? Tôi ngước mũi lên và chuẩn bị truy tìm mùi vị anh ấy [16; tr.628]

Chó Bốn sống có tình nghĩa, khi biết tin đồng loại chết, nó đã tập hợp hội nghĩ để làm lễ truy điệu, tưởng nhớ người anh em của mình:

“Trong tháng này người bạn yêu quý Ngao Tạng của chúng ta chẳng may đã qua đời Chúng ta đồng loạt sủa ba tiếng để đưa linh hồn bạn ấy trở về với cao nguyên bao la!

Mấy trăm con chó nhất tề sủa ba tiếng làm chấn động cả phố huyện Tôi

ứa nước mắt vì vừa thương đồng loại xấu số nhưng cũng cảm động vì sự chân thành của tất cả bạn bè đang có mặt tại đây.” [16; tr.651]

Hóa ra con vật lại mang tình người hơn cả con người Giữa chúng có tình yêu thương chân thành, có sự nhân hậu, lương thiện mà con người không

Xây dựng nhân vật Tây Môn Chó, Mạc ngôn muốn ngợi ca lòng trung thành, sự thấu hiểu nhân tình thế thái điều mà trong xã hội loài người đã quên mất vì chạy theo tiếng gọi của dục vọng cá nhân Không những vậy, Chó Bốn còn tượng trưng cho những bi kịch tinh thần trong mỗi con người, sự dằn vặt đấu tranh trong tư tưởng những việc nên làm hay không nên làm Từ suy nghĩ trí tuệ và sự đồng cảm của Chó Bốn thấy được bi kịch của con người đồng

Ngày đăng: 07/09/2017, 09:38

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1.Nhuệ Anh (2006), “ Mạc Ngôn: cá tính làm nên số phận”, báo văn nghệ số 15.tr13 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mạc Ngôn: cá tính làm nên số phận
Tác giả: Nhuệ Anh
Năm: 2006
2.Lại Nguyên Ân (1998), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: 150 thuật ngữ văn học
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 1998
3. Trần Lê Bảo (2011), Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giải mã văn học từ mã văn hóa
Tác giả: Trần Lê Bảo
Nhà XB: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm: 2011
4. Chevalier J, Gheebrant A. (2012), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới
Tác giả: Chevalier J, Gheebrant A
Nhà XB: Nxb Đà Nẵng
Năm: 2012
5. Trần Xuân Đề (2002), Lịch sử văn học Trung Quốc, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lịch sử văn học Trung Quốc
Tác giả: Trần Xuân Đề
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2002
6. Hà Minh Đức (chủ biên) (2003), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lý luận văn học
Tác giả: Hà Minh Đức (chủ biên)
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2003
7. Nguyễn Thị Khánh Linh (2007), Yếu tố kì ảo trong Báu vật của đời, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Yếu tố kì ảo trong Báu vật của đời
Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Linh
Năm: 2007
8. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển thuật ngữ văn học
Tác giả: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2009
10. Nguyễn Thị Hoài (2002), Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Vinh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
Tác giả: Nguyễn Thị Hoài
Năm: 2002
11. Nguyễn Thị Hoài (2015), Giải mã biểu tượng ếch trong tiểu thuyết Ếch của Mạc Ngôn, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giải mã biểu tượng ếch trong tiểu thuyết Ếch của Mạc Ngôn
Tác giả: Nguyễn Thị Hoài
Năm: 2015
12. Trần Thị Ngoan (2009), Biểu tượng tiêu biểu trong Báu vật của đời, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Biểu tượng tiêu biểu trong Báu vật của đời
Tác giả: Trần Thị Ngoan
Năm: 2009
13. Mạc Ngôn (2001), Báu vật của đời, Nxb văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báu vật của đời
Tác giả: Mạc Ngôn
Nhà XB: Nxb văn nghệ
Năm: 2001
14. Mạc Ngôn (2004), Bốn mươi mốt chuyện tầm phào, Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bốn mươi mốt chuyện tầm phào
Tác giả: Mạc Ngôn
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 2004
15. Mạc Ngôn (2004), Chuyện văn và đời ( Nguyễn Thị Thại dịch), Nxb Lao Động, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Chuyện văn và đời
Tác giả: Mạc Ngôn
Nhà XB: Nxb Lao Động
Năm: 2004
16. Mạc Ngôn (2007), Sống đọa thác đày, Nxb Phụ nữ, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sống đọa thác đày
Tác giả: Mạc Ngôn
Nhà XB: Nxb Phụ nữ
Năm: 2007
17. Phạm Thị Nhung (2012), Nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghệ thuật tiểu thuyết Sống đọa thác đày của Mạc Ngôn
Tác giả: Phạm Thị Nhung
Năm: 2012
18. Lâm Kiến Phát, Vương Nghiêu (2004), Mạc Ngôn và những lời tự bạch, Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Mạc Ngôn và những lời tự bạch
Tác giả: Lâm Kiến Phát, Vương Nghiêu
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 2004
19. Hoàng Phê (chủ biên), (1998), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển tiếng Việt
Tác giả: Hoàng Phê (chủ biên)
Nhà XB: Nxb Đà Nẵng
Năm: 1998
20. Phan Thị Tâm Thanh (2011), Tiểu thuyết Mạc Ngôn dưới góc nhìn văn hóa, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Huế Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiểu thuyết Mạc Ngôn dưới góc nhìn văn hóa
Tác giả: Phan Thị Tâm Thanh
Năm: 2011
21. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2008), Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, Tự sự học – Một số vấn đề lí luận và lịch sử (phần 2), tr.289 - 290 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn
Tác giả: Nguyễn Thị Tịnh Thy
Năm: 2008

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w