1. Trang chủ
  2. » Kinh Doanh - Tiếp Thị

Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam

202 742 3

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 202
Dung lượng 2,43 MB

Nội dung

Việt Nam gồm các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê, của người Việt, truyện Chàng Bâu của người Mường, Chàng Ca đác của người Thái, truyện Ếch lấy con vua của người Mèo… Kiểu t

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH

Trang 2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thị Cao

KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Trang 3

L ỜI CẢM ƠN

Trong suốt thời gian học tập và hoàn thành luận văn này, người viết đã nhận được sự hướng dẫn tận tình và sự động viên, giúp đỡ của TS Nguyễn Thị Ngọc Điệp Tôi xin kính gởi lời tri ân chân thành đến cô!

Xin gởi lời cảm ơn đến Ban Giám Hiệu trường ĐHSP, các Thầy cô giáo khoa Ngữ văn, các Thầy cô phòng Sau đại học, Thư viện trường đã luôn tạo điều kiện cho Tôi học tập, tra cứu, tham khảo tài liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu

Kính gửi lời cảm ơn đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ để Tôi hoàn thành quá trình học tập và nghiên cứu đề tài này!

Xin chân thành cảm ơn!

Trang 4

M ỤC LỤC

L ỜI CẢM ƠN 3

MỤC LỤC 4

A PHẦN MỞ ĐẦU 6

1 Lí do chọn đề tài 6

2 Lịch sử vấn đề nghiên cứu 7

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 12

4 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 18

5 Phương pháp nghiên cứu 18

6 Cấu trúc của luận văn 19

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN KỲ VÀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT 21

1.1 Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ 21

1.1.1 Khái niệm truyện cổ tích thần kỳ 21

1.1.2 Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ 23

1.1.3 Giới thiệu về kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam 27 1.2 Khái quát về kiểu truyện người lấy vật 28

1.2.1 Khái niệm về kiểu truyện người lấy vật 28

1.2.2 Cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật 31

1.2.3 Giới thiệu chung về kiểu truyện người lấy vật 33

Chương 2: KHẢO SÁT NHỮNG MÔ-TÍP CHỦ YẾU TRONG KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT 39

2.1 Khái niệm về mô-típ và giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật 39

2.1.1 Khái niệm về mô-típ 39

2.1.2 Giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật 40

2.2 Phân tích các mô- típ chủ yếu 43

2.2.1 Mô-típ sự ra đời thần kỳ 43

2.2.2 Mô-típ người đội lốt vật 50

2.2.3 Mô-típ thách đố 54

2.2.4 Mô-típ tài năng thần kỳ 62

2.2.5 Mô-típ cởi lốt và kết hôn 68

2.2.6 Mô-típ người em út bị hại 85

2.2.7 Mô-típ vật phù trợ 90

Trang 5

Chương 3: KẾT CẤU VÀ Ý NGHĨA CỦA KIỂU TRUYỆN

NGƯỜI LẤY VẬT 95

3.1 Các kiểu kết hợp mô-típ để tạo thành cốt truyện cụ thể 95

3.1.1 Kiểu cốt truyện có hai mô-típ 96

3.1.2 Kiểu cốt truyện có ba mô-típ 97

3.1.3 Kiểu cốt truyện có bốn mô-típ 99

3.1.4 Kiểu cốt truyện có năm mô-típ 102

3.1.5 Kiểu cốt truyện có sáu mô-típ 104

3.1.6 Kiểu cốt truyện có bảy mô-típ 106

3.2 Ý nghĩa của kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích 110

3.2.1 Kiểu truyện người lấy vật phản ánh tín ngưỡng dân gian 110

3.2.2 Kiểu truyện người lấy vật thể hiện triết lý nhân sinh của nhân dân 115 C KẾT LUẬN 121

Trang 6

KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT TRONG TRUYỆN

CỔ TÍCH VIỆT NAM

1 Lí do ch ọn đề tài

Truyện cổ tích hơn bất kỳ một thể loại văn học dân gian nào khác

ở chỗ nó đã xây dựng thành công một thế giới hiện thực trong mơ ước

Nó rọi chiếu ánh sáng kỳ ảo của niềm hạnh phúc vào cuộc đời đầy bất hạnh của con người, khiến họ yêu đời và sống mạnh mẽ hơn Nhưng truyện cổ tích không làm cho con người bị ru ngủ, bị lãng quên trong thế giới thần tiên ấy mà khiến họ tích cực hành động để xây dựng và cải tạo hiện thực theo hướng tốt đẹp Mọi người nhớ và yêu thích truyện cổ tích chính là ở khả năng cải tạo, biến đổi nhanh chóng, kỳ diệu, triệt để và hợp lòng dân

Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống của con người tương đối đầy

đủ về phương diện vật chất thì nhu cầu về văn hóa tinh thần là điều tất yếu, con người có xu hướng tìm hiểu về văn hóa tâm linh, những phong tục tâp quán, tín ngưỡng nguyên thủy ngàn đời, cội nguồn của dân tộc Tín ngưỡng dân gian luôn là vùng đất còn chứa nhiều điều bí ẩn, gợi sự

tò mò, thích thú khám phá những nét cổ sơ ấy, nó như đưa con người trở

về với xã hội nguyên thủy, trở về với tổ tiên, với những giá trị tinh thần

vô giá của mỗi dân tộc Nghiên cứu về kiểu truyện người lấy vật trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc cũng là một cách đưa ta về với cội nguồn dân tộc Việc người dân tôn sùng, cúng bái một vật nào đấy làm thần phù trợ cho tộc người mình là nhu cầu không thể thiếu của đời sống, thể hiện nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian và là một việc làm cần thiết trong cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn của cộng đồng lúc bấy giờ

Nghiên cứu kiểu truyện người lấy vật còn giúp chúng ta hiểu biết thêm về nét đẹp văn hóa, về con người Việt Nam trong xã hội đa dân tộc Văn hóa là những giá trị tinh thần quý báu, phản ánh nét đẹp về

Trang 7

phong cách, lối sống và niềm tin sâu sắc vào thế giới thần bí siêu nhiên nào đó Sự tồn tại của yếu tố văn hóa, giúp cho con người trong xã hội hiện tại có nhận thức sâu sắc và hoàn thiện hơn về nhân phẩm và đạo đức, lối sống đầy nghĩa tình của tổ tiên xưa kia, đồng thời nét đẹp văn hóa của xã hội đa dân tộc sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn về tổ tiên, truyền thống văn hóa dân tộc để có cách sống phù hợp và tốt đẹp hơn, một phong cách, lối sống thấm dậm nghĩa tình của người

Việt Nam

Nghiên cứu về kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích giúpchúng ta có cái nhìn cụ thể hơn, thấy được cái hay, cái hấp dẫn của một kiểu truyện cụ thể và vai trò của nó trong cấu trúc của tác phẩm cổ tích Một số truyện thuộc kiểu truyện người lấy vật còn được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường phổ thông, vì vậy việc tìm hiểu về kiểu truyện này giúp cho giáo viên có những hiểu biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy văn học dân gian được thuận lợi

và đạt hiệu quả cao hơn

Từ những lý do nêu trên chúng tôi chọn Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam để làm đề tài nghiên cứu trong luận văn

của mình, với mong muốn có cái nhìn toàn diện hơn về kiểu truyện người lấy vật trong hệ thống kiểu truyện cổ tích Việt Nam

2 Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Từ trước đến nay đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về truyện cổ tích, mỗi công trình tiếp cận thể loại này theo những hướng khác nhau Tiếp cận truyện cổ tích theo kiểu truyện mà cụ thể là kiểu truyện người lấy vật là một hướng đi khá độc đáo, mới mẻ và cũng đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm

Trong Từ điển văn học (tập 2), mục “Truyện cổ tích”, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã nhấn mạnh, kiểu truyện người lấy vật không những xuất hiện trong truyện cổ tích Việt Nam mà còn xuất hiện phổ biến trong cổ tích các nước trên thế giới “….kiểu truyện người lấy vật ở

Trang 8

Việt Nam gồm các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê, của người Việt, truyện Chàng Bâu của người Mường, Chàng Ca đác của người Thái, truyện Ếch lấy con vua của người Mèo… Kiểu truyện này phản ánh những nét tiêu biểu của hiện thực xã hội Việt Nam thời xưa, chứa đựng một cách tập trung những truyền thống sáng tác chủ yếu của loại truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện được một cách rõ ràng hơn cả tính quốc tế của loại truyện này” [52, tr.302] Cũng trong công trình trên, ông cho rằng có thể gọi các truyện trên là một kiểu truyện “người đội lốt vật” Cách gọi này của ông có sự liên hệ gần gũi với kiểu truyện người lấy vật vì trong mỗi truyện việc kết hôn đều diễn

ra giữa người và vật Vật ở đây lại chính là do con người đội lốt, cái lốt vật như là sự thử thách lớn trong cuộc đời nhân vật

Trong Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa của một số típ truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam của Vũ Anh Tuấn, tác giả cho rằng

“truyện cổ tích mà quá trình hình thành và phát triển có một giai đoạn song trùng về thời gian, đồng hiện trong không gian thần thoại, đó là kiểu truyện người thần kì đội lốt Từ dạng nguyên sơ nhất, kiểu truyện này đã có cấu trúc và ý nghĩa riêng Sự xâm nhập vào cấu trúc của nó đôi ba mô-típ hoặc những chi tiết kiểu thần thoại là các yếu tố ngoại sinh làm phong phú bản kể, tạo nên sắc thái riêng của kiểu truyện” [63, tr.56] Theo ông đây là một dạng truyện nguyên sơ của cổ tích và mang đậm yếu tố thần kỳ, xuyên suốt trong công trình nghiên cứu của mình, ông đã liệt kê những hình thức người thần kỳ đội lốt như: lốt chim, lốt

hổ, lốt cóc… các nhân vật chính đều đội lốt vật xấu xí, dị dạng Mọi tình tiết trong cấu trúc đều hướng vào sự khẳng định thuộc tính và phẩm chất của nhân vật chính: lốt càng xấu, người càng đẹp, càng siêu phàm Họ là những người đại diện cho chính nghĩa, có những hành động cực kỳ cao

cả, đẹp đẽ, chính đáng trong những tình huống khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho những con người nghèo khổ, thấp cổ bé họng trong xã hội phân chia giai cấp, phân biệt đối xử giữa người giàu với người nghèo

Trang 9

Tác giả Nguyễn Thị Huế có bài viết Người mang lốt – mô típ đặc trưng của kiểu truyện cổ tích về nhân vật xấu xí mà tài ba, tác giả cho

rằng nhân vật xấu xí trong truyện cổ tích thường là đối tượng của sự phê phán, ghẻ lạnh của xã hội Nhân vật thường mang những cái lốt xấu xí, những cái lốt đó có thể là một con vật, hay một dị vật nào đó làm cho con người ghê sợ, xa lánh Chỉ có người con gái út xinh đẹp, nết na trong truyện cổ tích luôn là người nhìn ra được những tài năng phi thường ẩn sau hình hài xấu xí của nhân vật, chấp nhận lấy nhân vật xấu

xí ấy làm chồng “Tính chất lý tưởng hóa của mô típ người mang lốt còn thể hiện ở sự biến hình đẹp đẽ của nhân vật xấu xí, sau hôn nhân và nhờ hôn nhân nhân vật mới được mô tả thành người xinh đẹp” [30, tr.60] Trong bài viết này kiểu truyện về nhân vật xấu xí mà tài ba có những nét tương đồng với kiểu truyện người lấy vật, nhân vật xấu xí mà tài ba có thể là một nhân vật dị dạng hay nhân vật đội lốt vật Nhân vật tuy xấu nhưng có tài năng phi thường, tấm lòng nhân hậu, được trở lại thành người đẹp đẽ ở cuối truyện

Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Bích Hà có bài

viết về Mô típ“sự ra đời thần kỳ” trong truyện Thạch Sanh, tác giả đã

liệt kê một số dạng khác nhau của sự sinh đẻ thần kỳ trong truyện cổ tích, trong đó có dạng “đứa trẻ ra đời do người mẹ kết hợp với con vật nào đó: người mẹ lấy khỉ, lấy cóc, lấy đại bàng, lấy rắn… Sau đó thụ thai và có thể sinh ra trứng rồi nở ra con hoặc sinh con (Chàng rắn – Gia rai); người mẹ lấy chó sau đó thụ thai và sinh con (Sự tích núi Tang ku ban pha hu – Inđônêxia)” [25, tr.24] Trong bài viết này sau khi đưa ra các hình thức khác nhau về sự ra đời thần kỳ của nhân vật trong truyện

cổ tích, tác giả đã đưa ra nhận xét về sự ra đời thần kỳ của chàng trai trẻ Thạch Sanh là do người mẹ cảm ứng với lực lượng siêu nhiên, thái tử nhà trời đã đầu thai vào Thạch Sanh, đó cũng là một hình thức ra đời thần kỳ xuất hiện trong kiểu truyện người lấy vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Trang 10

Tác giả Lại Phi Hùng có bài viết về Những tương đồng và khác

bi ệt trong một số kiểu truyện cổ dân gian ở Lào và Việt Nam, tác giả đã

có sự so sánh vô cùng phong phú về ba kiểu truyện chàng trai khỏe, người bất hạnh và người đội lốt vật Trong đó, kiểu truyện người đội lốt

vật được tác giả so sánh chặt chẽ, khá công phu, đưa ra rất nhiều hình

thức mang lốt của nhân vật trong truyện cổ tích của hai nước Theo ông, đặc trưng chung của kiểu truyện người đội lốt vật đó là thẩm mỹ; một chàng trai hoặc một cô gái nào đó ẩn mình dưới cái vỏ loài vật, có khi

nhỏ bé xấu xí, có khi lạ lùng kì dị, sau một thời gian thử thách, họ trút

bỏ lốt cũ, trở thành những chàng trai, cô gái trẻ đẹp, tài năng, hiếu hạnh, đấu tranh giành lại được hạnh phúc vốn đã bị tước đoạt, tiêu diệt kẻ thù,

khẳng định vị trí, năng lực của những người mồ côi, người đội lốt, người con út trong xã hội phụ quyền đã phân chia giai cấp Qua đó, các nghệ nhân dân gian khẳng định khát vọng vươn tới cái thiện, cái đẹp, phủ định cái ác, cái xấu, thực hiện ước mơ công bằng, dân chủ đầy tinh thần lãng mạn của người xưa

Tác giả Nguyễn Thị Thu Vân với luận án tiến sĩ Khảo sát truyện

c ổ dân tộc Chăm, đã đưa ra nhóm cốt truyện người lấy ma qủy hoặc lấy

thú vật, quái vật Tác giả cho rằng “cuộc hôn nhân giữa người với thú

vật hoặc quái vật chỉ là tạm thời, do hoàn cảnh bắt buộc Thông thường

là người phụ nữ bị thú vật cướp đi làm vợ, họ bị bắt buộc phải sống cuộc

sống chồng vợ với thú vật, sinh con đẻ cái cho đến khi được người yêu,

chồng hay một dũng sĩ cứu được, đem trở về xã hội loài người Quan hệ

giữa con người với thú vật, quái vật, hay qủy có lẽ cũng do xuất phát từ quan niệm con người có thể giao cảm với thiên nhiên, với tự nhiên, với chim muông, cầm thú, với thần linh, ma quỷ” [72, tr.75]

Tác giả Lê Hồng Phongcó công trình nghiên cứu Tìm hiểu truyện

c ổ Tây Nguyên - Trường hợp Mạ và K’ho Trong chương “Cổ tích Mạ -

K’ho”, tác giả đề cập đến ba dạng chính của cổ tích Mạ - K’ho là cổ tích

về nhân vật mồ côi, cổ tích về nhân vật mang lốt; cổ tích về nhân vật malai Trong đó, cổ tích về nhân vật người mang lốt được ông trình bày

Trang 11

khá chi tiết “nhân vật mang lốt tuy xuất hiện nhiều dạng nhưng không thuần nhất, manh nha từ huyền thoại, đã có những ông bà thần mang lốt chim cho hạt lúa đầu tiên, ông thần mang lốt khổng lồ có tên là Yut

chống trời cao….Vì vậy, đến cổ tích, nhân vật mang lốt không chỉ người, dù người mang lốt là nhân vật chính trong truyện về nhân vật mang lốt” [53, tr.93] Có các hình thức lốt mà nhân vật mang như: lốt động vật, lốt dị dạng, lốt sự vật… Các hình thức lốt này nhìn chung có liên quan đến giới động thực vật quen thuộc của núi rừng Tây nguyên,

với nền kinh tế săn bắt nguyên thủy, hoa quả mà con người hái lượm được trong rừng, trên rẫy Hệ thống những mô-típ chủ yếu mà tác giả sử

dụng, đã làm nổi rõ hơn những giá trị đích thực của cái lốt vật được nhân vật khoác lên người trong suốt giai đoạn đầu đời Qua các hình

thức lốt vật đó, dân gian muốn gởi gấm những khát khao về sự hoàn thiện cái đẹp bên ngoài lẫn vẻ đẹp tâm hồn Họ mong mỏi một sự thay đổi tuyệt đối cho nhân vật bất hạnh, không may

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu về văn học dân gian cũng đã bước đầu khái quát về kiểu truyện người lấy vật như Võ Quang Nhơn

với công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, phần

khảo sát các hình tượng nhân vật trung tâm của thần thoại và truyện cổ tích các dân tộc ít người Việt Nam Phan Đăng Nhật với bước đầu tìm

hiểu về người đội lốt vật xấu xí và nhân vật mồ côi trong công trình Văn

h ọc các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước cách mạng tháng Tám); tác giả Đặng Thái Thuyên với việc tìm hiểu Đề tài hôn nhân trong truyện cổ tích th ần kỳ Mường, cũng đề cập đến vấn đề kết hôn giữa người và vật

trong một số truyện cổ tích thần kỳ

Trên đây, chúng tôi vừa trình bày một cách ngắn gọn về việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kiểu truyện người lấy vật, các tác giả đã có những đóng góp rất quý báu trong quá trình nghiên cứu về văn học dân gian Việt Nam Các tác giả đã đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề người lấy vật trong truyện cổ tích thần kỳ, tuy nhiên vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn

Trang 12

đề này Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam để nghiên cứu, trên cơ sở muốn có cái nhìn hoàn

chỉnh hơn về đề tài này Chúng tôi luôn trân trọng và tiếp thu những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, và cố gắng hoàn thiện hơn vấn đề này trong công trình nghiên cứu của mình

3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Trong luận văn này, chúng tôi chọn kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều thể loại xuất hiện kiểu truyện người lấy vật nhưng vì thời gian không cho phép chúng tôi chỉ giới hạn khảo sát ở thể loại truyện cổ tích và chủ yếu lấy từ truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc Việt Nam, lựa chọn những truyện có biểu hiện của kiểu truyện người lấy vật để tìm hiểu

Do tình hình tư liệu không được phong phú, nguyên nhân sâu xa

có lẽ công tác sưu tầm truyện cổ tích chưa thật sự đầy đủ nên có nhiều dân tộc chúng tôi không tìm thấy truyện cần sử dụng cho đề tài này Công trình nghiên cứu chỉ dựa trên 56 truyện của 19 dân tộc anh em như: Kinh, Thái, Mường, Mèo, Gia rai, Vân Kiều… để nghiên cứu Có thể nói đây là những tộc người tương đối lớn ở Việt Nam, có đời sống văn hóa vật chất và tinh thần khá phong phú, nguồn truyện tương đối dồi dào, phong phú ở tất cả các thể loại Chúng tôi hy vọng số lượng truyện được khảo sát trong luận văn này có thể phản ánh được những đặc điểm của kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích của Việt Nam nói chung và của các dân tộc thành phần (đã nêu trên) nói riêng

Trong quá trình tìm hiểu về kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận thấy trong kiểu truyện người lấy vật thì nhân vật là “vật” có nhiều hình thức mang lốt khác nhau như: lốt động vật, thực vật, hoa quả, đồ gia dụng… Do điều kiện không cho phép chúng tôi không thể tìm hiểu hết tất cả các hình thức lốt trên mà chỉ tìm hiểu ở hình thức lốt động vật, bởi vì qua tìm hiểu số lượng các truyện ở dạng

Trang 13

lốt động vật xuất hiện nhiều hơn so với các hình thức lốt còn lại, vì thế chúng tôi giới hạn đối tượng nghiên cứu trong đề tài của mình là nhân vật có hình thức lốt động vật Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ bước đầu có sự so sánh, đối chiếu kiểu truyện người lấy vật trong cổ tích Việt Nam với cổ tích các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới

Nguồn dẫn liệu

Chúng tôi tìm đọc hầu hết các tuyển tập truyện cổ của các dân tộc, bao gồm trước và sau năm 1975 Từ các tuyển tập đó, chúng tôi chọn ra được 56 truyện của 19 dân tộc để tìm hiểu Sau đây là danh sách các nguồn dẫn liệu phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài này

Chúng tôi sắp xếp danh mục các truyện khảo sát theo thứ tự các dân tộc

Danh mục truyện khảo sát

STT Tên truyện cổ tích

3 Ông trạng lấy rùa (Kinh)

4 Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh)

Trang 14

13 Chàng chồn (Thái)

33 Chàng ếch – con trai thần mặt trời (Cơ ho)

34 Cô gái lấy chồng trăn (Xê Đăng)

Trang 15

37 Nàng út lấy chồng tôm (Churu)

48 Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai)

49 H’Bia Rác lấy chồng chồn (Gia rai)

50 Cây tông lông (Gia rai)

51 H’Lúi lấy chồng chồn (Gia rai)

Danh mục các tuyển tập truyện cổ

1 Nguyễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh, Phan Xuân Viện (sưu tầm

và biên soạn) (2006), Truyện cổ Churu, Nxb Văn nghệ

Trang 16

2 Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, quyển 1,

tập 3-4, Nxb Giáo dục

3 Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế (1996), Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam - phần truyện cổ tích người Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội

4 Y Điêng, Hoàng Thao (Sưu tầm – biên soạn) (1978), Truyện Cổ Ê Đê,

Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội

5/ Thu Hương (2006), Truyện cổ Vân Kiều, Nxb Văn hóa thông tin

6 Thu Hương (2006), Truyện cổ Cơ ho, Nxb Văn hóa thông tin

7 Thu Hương (2006), Truyện cổ Dao, Nxb Văn hóa thông tin

8 Bùi Văn Nguyên (1965), Truyện cổ Ba Na – Tây Nguyên, tập 1, Nxb

Hà Nội

9 Bùi Văn Nguyên (1965), Truyện cổ Ba Na – Tây Nguyên, tập 2, Nxb

Hà Nội

10 Hoàng Anh Nhân (1987), Truyện cổ Mường, Nxb Hà Nội

11 Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao (1963), Truyện cổ dân tộc Mèo , Nxb Văn học Hà Nội

12 Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn) (1978), Truyện cổ Dao, Nxb Văn

hóa dân tộc Hà Nội

13 Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn)(1980), Truyện cổ Thái, Nxb Văn

hóa dân tộc Hà Nội

14 Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn) (2001), Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc Miền Trung, Nxb Thuận Hóa - Nghệ An –Thanh Hóa

15 Truyện cổ Việt Bắc, (1974) (tập 2), Nxb Việt Bắc

16 Đặng Nghiêm Vạn (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn –Tây Nguyên, tập 1, Nxb Văn học Hà Nội

17 Đặng Nghiêm Vạn (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn –Tây Nguyên, tập 2, Nxb Văn học Hà Nội

18 Lê Trung Vũ (1984), Truyện cổ Hmông, Nxb Hà Nội

Trang 17

19 Viện văn học (1999), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, quyển 1,

tập 2, Nxb Giáo dục

20 Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung (sưu tầm và biên soạn) (1996), Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam, tập 15- 16, Nxb Văn học

Trên đây là những đầu sách có truyện phục vụ đề tài khảo sát, những sách

tham khảo không có truyện không được liệt kê trong danh mục

Danh mục các dân tộc và phân bố truyện khảo sát

STT Dân tộc Số lượng truyện

Trang 18

18 Kơ Dong 1

4 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Chúng tôi xác định việc tìm hiểu về kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, hiểu hơn về một kiểu truyện cụ thể và cấu trúc của kiểu truyện ấy trong tác phẩm văn học dân gian Đồng thời việc tìm hiểu kiểu truyện này tạo cơ sở để giúp chúng ta hiểu thêm về những nét văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng các dân tộc, cũng như thấy được mối quan hệ giữa văn học với đời sống tín ngưỡng dân gian

Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn sẽ tiến hành làm rõ các vấn đề về truyện cổ tích thần kỳ, kiểu truyện người lấy vật, chọn lọc những tác phẩm thuộc kiểu truyện người lấy vật để khảo sát và tìm ra những kết luận chung, lập nên các mô hình khái quát Qua đó, chúng tôi phân tích và nhấn mạnh vai trò của kiểu truyện người lấy vật trong cấu trúc tác phẩm truyện cổ tích, sự tương đồng giữa kiểu truyện này với các kiểu truyện khác Khi tìm hiểu đề tài này, luận văn cũng cố gắng chỉ ra những mối liên hệ giữa kiểu truyện người lấy vật với các tín ngưỡng nguyên thủy, với văn hóa và con người trong xã hội xưa Qua đó thấy được nét đặc sắc của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, thấy được mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa dân tộc

5 Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp khảo sát, thống kê

Đây là phương pháp được sử dụng nhiều trong quá trình nghiên cứu, dựa trên cơ sở các nguồn tài liệu về truyện cổ tích chúng tôi tiến hành khảo sát, chọn lọc, thống kê các truyện cổ tích thần kỳ thuộc kiểu truyện người lấy vật và các tài liệu có liên quan phục vụ cho đề tài

Trang 19

Phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp

Chúng tôi tiến hành đối chiếu các truyện cổ tích thuộc kiểu truyện người lấy vật nhưng tồn tại ở các dân tộc khác nhau của Việt Nam; đối chiếu kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; từ đó phân tích các đối tượng để làm rõ vấn đề nghiên cứu Tiếp theo là tiến hành tổng hợp, lí giải dựa trên cơ sở kết hợp kết quả so sánh và phân tích

P hương pháp nghiên cứu liên ngành

Chúng tôi sử dụng phương pháp này, với mục đích nhìn nhận đối tượng trong mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa, dân tộc học, xã hội học nhằm xem xét đối tượng trên nhiều phương diện và hướng tiếp cận khác nhau

6 C ấu trúc của luận văn

Cấu trúc của luận văn gồm có các phần chính như: phần Mở đầu, Nội dung và Kết luận

Phần nội dung luận văn có ba chương được khái quát như sau:

Chương 1: Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ và kiểu truyện

người lấy vật Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày khái quát chung

về truyện cổ tích thần kỳ Bên cạnh đó, chúng tôi giới thiệu chung về kiểu truyện, kiểu truyện người lấy vật, xác định cơ sở hình thành kiểu truyện để tạo tiền đề đi vào nghiên cứu nội dung của kiểu truyện ở những chương tiếp theo

Chương 2: Khảo sát những mô-típ chủ yếu trong kiểu truyện

người lấy vật Ở chương này, chúng tôi đi vào phân tích những mô-típ

chủ yếu tham gia vào cấu tạo cốt truyện của kiểu truyện người lấy vật, trình bày các sơ đồ của từng mô-típ cụ thể, cũng như lý giải những vấn

đề liên quan đến kiểu truyện người lấy vật mà chúng tôi đang nghiên cứu

Trang 20

Chương 3: Kết cấu và ý nghĩa của của kiểu truyện người lấy vật.

Ở chương cuối này, người viết sẽ trình bày các kiểu liên kết giữa các mô-típ lại với nhau tạo thành cốt truyện trong kiểu truyện người lấy vật,

và ý nghĩa của kiểu truyện người lấy vật trong mối tương quan với tín ngưỡng nguyên thủy của các dân tộc, triết lý nhân sinh của nhân dân

Ngoài ra, luận văn còn có thêm phần Phụ lục, giới thiệu phụ lục của các truyện được khảo sát

Trang 21

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN

KỲ VÀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT 1.1 Khái quát v ề truyện cổ tích thần kỳ

Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian tán thành việc phân chia thể loại truyện cổ tích làm ba tiểu loại: truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt Dĩ nhiên ranh giới thực tế giữa các tiểu loại trong truyện cổ tích không phải lúc nào cũng rõ ràng (cũng tương tự như ranh giới các thể loại thần thoại, truyền thuyết,

cổ tích) Trong ba tiểu loại này, chúng tôi chỉ chọn tiểu loại truyện cổ thần kỳ để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài luận văn

Việt Nam với 54 dân tộc anh em cùng tồn tại trên một dãy đất hình

chữ S, mỗi dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình,

với số lượng tác phẩm lớn, đa dạng, phong phú mang nhiều giá trị đặc trưng của từng dân tộc Truyện cổ tích của các dân tộc còn phản ánh nhiều nét đẹp về văn hóa, phong tục, tập quán từng vùng, miền, tìm hiểu kho tàng cổ tích của mỗi dân tộc, bao giờ cũng tìm thấy cái riêng của

từng dân tộc hòa trong cái chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, rộng hơn nữa là cái chung của cộng đồng thế giới

Truyện cổ tích thần kỳ là một bộ phận phong phú nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đa số những truyện cổ tích hay nhất ở mỗi dân tộc đều thuộc về tiểu loại này Các nhà nghiên cứu xem truyện cổ tích thần kỳ là một tiểu loại của truyện cổ tích, vì nó có những đặc điểm riêng về nhiều mặt, phân biệt với những cổ tích dân gian khác như truyện cổ tích loài vật hay truyện cổ tích sinh hoạt thể hiện ở cách xây dựng nhân vật, cốt truyện Trong đó tiêu chí cơ bản để phân biệt chúng với nhau là vai trò quan trọng của yếu tố thần kỳ, quá trình phát triển hệ thống tình tiết của cốt truyện Trong kho tàng truyện cổ tích, số lượng các truyện cổ tích thần kỳ sưu tầm được thường nhiều hơn các tiểu loại

Trang 22

cổ tích khác Các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ cóc, Nàng tiên ốc, Chàng rùa… là những truyện có tính chất lý tưởng hóa nhân vật với hình dáng bên ngoài xấu xí, dị dạng nhưng hoàn thiện về tâm hồn, tài năng, đây thực chất là lý tưởng hóa loại người thuộc tầng lớp dưới của xã hội lúc bấy giờ

Nhìn chung, trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ yếu tố kỳ diệu đậm đà hơn so với so với các tiểu loại khác Yếu tố thần kỳ không chỉ

tạo ra màu sắc ly kỳ, khác lạ và hấp dẫn cho truyện cổ tích mà nó còn có

ý nghĩa rất quan trọng, nếu thiếu nó bản thân nhân vật không thể vượt qua được những thử thách gay go để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ công lý, chính nghĩa

Có người cho rằng, truyện cổ tích thần kỳ có nhiều yếu tố cổ xưa liên quan đến những quan niệm thần thoại và tín ngưỡng của con người thời thị tộc, bộ lạc nguyên thủy (như những cấm kỵ, hôn nhân huyết thống, vấn đề thừa kế tài sản, tục hiến sinh…) Tuy nhiên, nội dung chính của truyện cổ tích thần kỳ là phản ánh hiện thực của đời sống xã hội có giai cấp Chính vì vậy mà những nhân vật trung tâm của truyện cổ tích thần kỳ là những con người thấp hèn trong xã hội như người đội lốt xấu xí, người mồ côi, người con riêng, người em út… Hướng về đạo đức thời thị tộc, truyện cổ tích thần kỳ thường miêu tả những nhân vật bất hạnh ấy theo khuynh hướng lý tưởng hóa những phẩm chất đạo đức của

họ, giải quyết số phận cuộc đời của họ theo một kết cục có tính chất ước

mơ Càng về sau này, với sự phát triển của xã hội có giai cấp, chủ đề về đấu tranh xã hội dần dần đi sâu vào cốt truyện và những nội dung đấu tranh giai cấp được lồng vào trong quan hệ gia đình, xã hội

Một đặc điểm khác của truyện cổ tích thần kỳ là sự tưởng tượng và

hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực và phi hiện thực (khác với truyện cổ tích sinh hoạt chỉ dựa trên cơ sở hiện thực đời sống) Ở đây, cái có thực hoặc

có thể có thực được kết hợp, hòa lẫn vào cái thần kỳ hư ảo, không có thực tạo thành một thể thống nhất làm nên một thế giới truyện cổ tích Hầu hết những vấn đề xã hội trong truyện cổ tích đều được giải quyết

Trang 23

một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các lực lượng thần kỳ (bằng cách

hư cấu các phương tiện thần kỳ…)

Có thể thấy, nội dung truyện cổ tích thần kỳ rất phong phú và đa dạng, thể hiện mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và chiến đấu Truyện cổ tích thần kỳ còn thể hiện những quan điểm thẩm

mỹ, quan điểm nhân sinh, những tâm tư tình cảm, ước vọng của người dân trong xã hội đã có sự phân chia giai cấp

1.1.2 Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ

Đặc trưng về nội dung:

Nội dung chính của truyện cổ tích thần kỳ là phản ánh hiện thực về đời sống xã hội của con người và số phận con người trong xã hội có giai cấp Đó là số phận của những con người mồ côi, người đội lốt, người em

út bị xã hội hắt hủi, khinh rẻ như truyện Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Hà rầm hà rạc, Cây khế, Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá, Con người

trong truyện cổ tích thần kỳ thường bất lực trước những khó khăn, thử thách khắc nghiệt, khi đó lực lượng thần kỳ xuất hiện giúp cho nhân vật vượt qua những khó khăn và xung đột của truyện sẽ được giải quyết Cổ tích thần kỳ phản ánh bi kịch gia đình đi từ quần hôn đến hôn nhân một

vợ một chồng, từ chế độ mẫu quyền sang phụ quyền, từ chế độ chưa có

giai cấp sang chế độ phân chia giai cấp như truyện Thạch Sanh, Hai anh

em, Chàng Sính, Chiếc bật lửa thần, Hòn trống mái, Kẻ thống trị trở

nên giàu có hơn thông qua các hình thức áp bức bóc lột sức lao động, chiếm đoạt của cải của những lao động nghèo Người nghèo trở nên bần cùng hơn, lam lũ hơn, là một thực tế đầy bất công trong xã hội có giai cấp lúc bấy giờ Truyền thống dân chủ xã hội công xã thời nguyên thủy

đã bị phá vỡ, mờ nhạt dần theo thời gian kéo theo số phận của con người trong xã hội ấy cũng bị thay đổi

Truyện cổ tích thần kỳ có khác so với truyện cổ tích loài vật và cổ tích sinh hoạt trong thể loại truyện cổ tích Trong đó, truyện cổ tích loài vật vừa có nội dung nhận xét thực tiễn về đặc điểm của loài vật vừa tư

Trang 24

duy suy luận, giải thích về nguồn gốc ra đời của các con vật ấy Còn trong truyện cổ tích sinh hoạt thường không có hoặc có rất ít yếu tố thần

kỳ, các mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa người với người được giải quyết một cách hiện thực, không cần đến những yếu tố siêu nhiên Nếu

có xuất hiện những yếu tố thần kỳ thì vẫn không giữ vai trò quan trọng, nhiều khi chỉ là các chi tiết làm cho câu chuyện thêm vẻ li kì, hấp dẫn hơn

Đặc trưng về thi pháp:

Về nhân vật: nhân vật trung tâm trong truyện cổ tích thần kỳ chính

là những con người thấp hèn trong xã hội có giai cấp như người mồ côi, người con riêng, người em út, người xấu hình dị dạng, người có tài lạ…

Đó là những kiểu nhân vật có tính chất phổ biến, thường xuất hiện nhiều trong truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc Nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ thường ít được miêu tả về chân dung có chăng chỉ là sự giới

thiệu khái quát chung chung như: “một cô gái đẹp tuyệt trần”, “một chàng trai khôi ngô tuấn tú”… Truyện cổ tích thần kỳ không miêu tả

tâm lý nhân vật, nhân vật bộc lộ tính cách qua hành động chứ không phải qua tâm lý như nhiều thể loại khác

Nhân vật trong truyện cổ tích đại diện cho một tầng lớp, một nhóm người nào đó mang tính khái quát chung về một loại nhân vật Đó là nhân vật chức năng, loại nhân vật khá quen thuộc trong các thể loại tự

sự của văn học dân gian Chẳng hạn như Sọ Dừa, chàng lợn, chàng rắn,… là những người dị dạng xấu xí bị xã hội hắt hủi, coi thường, là

những con người thấp cổ bé họng đại diện cho người lao động bị áp bức, bóc lột bất công, các hành động của các nhân vật đều mang chức năng nhân vật thiện, nhân vật tốt Sự chiến thắng của nhân vật chính diện còn

có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thần kỳ hay là yếu tố thần kỳ Trong truyện cổ tích, lực lượng thần kỳ này có thể là những vật thể quen thuộc, những đồ vật quen thuộc được thổi vào những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, làm cho nó trở nên lung linh, huyền ảo và vô cùng hấp dẫn Lực lượng thần kỳ còn là những con vật kỳ ảo như ngựa thần, chim

Trang 25

thần, sói thần, cá biết nói, ngựa ỉa ra vàng, rắn hoá vàng,… Những con vật nuôi hoặc hoang dã nhưng có thể biến hoá khôn lường, có thể nói tiếng người hoặc can dự vào những hoạt động của xã hội loài người Chàng Sọ Dừa nhờ con gà biết nói tiếng người đã giúp cho chàng tìm lại được vợ con trên đảo vắng Yếu tố thần kỳ đóng một vai trò rất quan

trọng trong truyện cổ tích: ông bụt, bà tiên luôn tốt bụng, sẵn sàng giúp

đỡ con người trong lúc khó khăn, nhất là những em nhỏ bất hạnh, mồ côi Cô Tấm hiền lành, chịu khó được ông bụt nhiều lần ra tay giúp đỡ nên thoát được nạn đày ải của mẹ con dì ghẻ và cuối cùng được trở thành hoàng hậu Đó chính là sự can thiệp của các lực lượng thần kỳ vào cuộc sống của con người Những con người dù thân hình dị dạng, đội lốt vật xấu xí, nghèo khổ, đói rách, bị khinh khi… với bao thử thách nhưng cuối cùng họ cũng trở thành những người giàu sang, phú quý, sống một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc Một kết cục như thế không thể có trong xã hội có giai cấp, cho nên truyện cổ tích đã phải nhờ đến các yếu

tố thần kỳ Những yếu tố đó can thiệp vào truyện cổ tích để miêu tả hiện thực cuộc sống, dẫn đến một kết cục có tính chất mơ ước đồng thời cũng thể hiện những nét văn hoá, sự tín ngưỡng của người xưa đối với thiên nhiên vạn vật và con người Như vậy, nhân vật trung tâm trong truyện

cổ tích thần kỳ là nhân vật lý tưởng được tác giả dân gian xây dựng lên

để đối chiếu, so sánh với các nhân vật ở tuyến đối lập về đạo đức và tài năng

Về kết cấu cốt truyện: cốt truyện là một bộ phận có tính chất đặc

trưng quan trọng hàng đầu trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự Cốt truyện là một thể tổng hợp các hành động, sự kiện, phát triển một cách

cụ thể trong quá trình diễn tiến của câu chuyện Truyện cổ tích thần kỳ thường có kết cấu rõ ràng, rành mạch, dễ thuộc dễ nhớ và thường có cốt truyện phức tạp hơn so với các tiểu loại truyện cổ tích khác Cốt truyện của nó thường có tính chất ly kỳ với chuỗi hành động, diễn biến liên tục đến tận cùng của nhân vật chính qua những chiến đấu khắc phục mọi trở ngại khác thường trên con đường đi tới mục đích Truyện cổ tích thần kỳ

Trang 26

có nhiều chi tiết kỳ lạ, nhiều sự kiện khác thường, với những yếu tố thần

kỳ như sự biến hóa siêu nhiên, những nhân vật thần linh (tiên, bụt, thần, yêu quái, những vật có phép mầu…) Cốt truyện ấy cũng làm cho con người cảm thấy thỏa mãn được nhu cầu tâm lý, sau những nỗi lo lắng hồi hợp dành cho nhân vật mình yêu thích bởi kết thúc có hậu của câu chuyện Cốt truyện của truyện cổ tích là cốt truyện của nhân vật hành động Cốt truyện và nhân vật có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, kết cấu của cốt truyện thường xoay quanh nhân vật chính

Về xung đột: xung đột xã hội là một đề tài quan trọng của truyện cổ

tích thần kỳ Nhân vật trung tâm là những con người bất hạnh không may Đây là điểm khác với các thể loại thần thoại và sử thi dân gian xuất hiện trước đó, vì đây là lần đầu tiên nhân vật trung tâm là con người bất hạnh được xuất hiện trong tác phẩm văn học dân gian Trong xã hội phong kiến các xung đột thường xảy ra trong mối quan hệ gia đình, người em út, người con riêng… luôn gánh chịu những thiệt thòi, mất mát so với các thành viên khác, nhân vật Tấm – hình ảnh người con

riêng mồ côi trong truyện Tấm Cám, hay nhân vật người em trong truyện Cây khế, Đực rựa, Hà rầm hà rạc,…

Về không gian và thời gian nghệ thuật: không gian và thời gian

nghệ thuật trong truyện cổ tích thần kỳ có tính chất đa chiều và rộng lớn, mang đặc tính tượng trưng ước lệ, góp phần tạo nên tính chất hoang đường kỳ thú ở truyện cổ tích

Trong truyện cổ tích, thời gian mở đầu câu chuyện và phần kết thúc câu truyện khác với thời gian của cốt truyện chính Bùi Mạnh Nhị với bài viết Thời gian nghệ thuật trong ca dao – dân ca trữ tình, đề cập đến

thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích như sau: “phần mở đầu truyện

cổ tích đưa người nghe vào thế giới cổ tích, một thế giới xa xưa, phiếm

chỉ và huyền ảo Phần kết thúc kéo họ về thực tại, kết thúc cuộc viễn du

cổ tích Còn trong cốt truyện chính, các sự kiện được kể theo trình tự kế

tiếp: việc xảy ra trước, kể trước; xảy ra sau kể sau; thời gian vận động về phía trước cùng với nhân vật, không có thời gian quay ngược lại Thời

Trang 27

gian trong truyện cổ tích, về mặt ngữ pháp là quá khứ, nhưng về mặt lịch

sử là quá khứ không xác định Nó không xác định ngay cả ở những đại lượng tưởng chừng chính xác (ba mươi, mười lăm) Có khi có sự kiện không có thời gian, hoặc diễn ra trong thời gian thần kỳ (một đêm) Cũng có khi thời gian như ngừng lại, nhân vật đứng ngoài thời gian, trẻ mãi không già…” [50,tr.27] Thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích

thần kỳ là thời gian mang tính trật tự tuyến tính, hoặc xuất hiện thời gian ngưng đọng

Không gian trong truyện cổ tích thần kỳ thường xảy ra trong một không gian đa chiều, rộng lớn Không gian ấy có khi là khung cảnh rừng núi hiểm trở, có khi là làng, bản xa xôi nghèo khó hay cung điện nguy nga tráng lệ… Tất cả các không gian ấy đều đi vào câu chuyện một cách

tự nhiên tạo nên sự ly kỳ hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật cho tác phẩm đồng thời tạo sự hấp dẫn cho người đọc, người nghe

Kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam với 54 dân

tộc anh em, mỗi một dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình khá phong phú và đa dạng, với số lượng tác phẩm truyện cổ tích thần kỳ rất lớn của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Gia rai, Churu,

Xê Đăng, Ba Na, Kinh, Cơ ho,…

Trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc có rất nhiều kiểu truyện khác nhau như: kiểu truyện người em út, kiểu truyện dũng sĩ cứu người đẹp, kiểu truyện chàng trai khỏe Vì thế, công việc sưu tầm, nghiên

cứu, biên soạn về truyện cổ tích các dân tộc thiểu số và dân tộc Việt trên đất nước Việt Nam là cấp thiết nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, nó đòi hỏi phải được tiến hành trong một thời gian dài Những yếu tố cổ tích có thể lưu hành tự do từ dân tộc này sang dân tộc khác, điều đó cho

thấy việc ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau vào yếu tố cổ tích

giữa các dân tộc là không thể tránh khỏi Dân tộc nào cũng có hệ thống

xã hội, văn hóa của riêng mình, xã hội nào cũng có những thành tố văn

Trang 28

hóa, cổ tích, nhưng bản sắc văn hóa thì riêng biệt không trộn lẫn vào nhau Vì vậy, sự giao lưu văn hóa, sự ảnh hưởng qua lại giữa dân tộc anh em trên dãy đất Việt Nam, sự giao lưu tiểu loại truyện cổ tích giữa các dân tộc sẽ góp phần tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, làm phong phú hơn cho kho tàng truyện cổ tích các dân

tộc Kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam là nguồn tư liệu quý giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu văn học dân gian Nó

để lại những bài học quý báu những giá trị tinh thần to lớn, những quan

niệm thẩm mỹ hay những triết lý dân gian giúp ích cho cuộc sống của con người đồng thời mang tính giáo dục cao Ngoài ra, nó còn làm nên đặc trưng riêng cho thể loại truyện cổ tích mà cụ thể là tiểu loại truyện

cổ tích thần kỳ

1.2 Khái quát về kiểu truyện người lấy vật

1.2.1 Khái ni ệm về kiểu truyện người lấy vật

Theo nhà nghiên cứu Stith Thompson thì: “Típ là những cốt kể có thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng Dù đơn giản hay phức tạp, truyện nào cũng được kể như cốt kể độc lập đều được xem là một típ Có những truyện kể dài chứa đựng hàng tá mô-típ, lại có những truyện kể ngắn như những mẫu kể trong các chùm truyện về súc vật, có thể chỉ có một mô-típ đơn lẻ Trong trường hợp đó, típ và mô-típ đồng nhất” [16, tr.11] Như vậy, trong một kiểu truyện (típ) có sự hiện diện của các mô-típ, nhưng không nhất thiết mỗi truyện đều phải có đủ tất cả các mô-típ chung Có thể có truyện chỉ chung với các truyện khác một vài mô-típ nhưng cũng có truyện có nhiều mô-típ chung Trong ngôn ngữ thông thường, típ chỉ một lớp vật thể có những đặc điểm chung Nó được dịch là kiểu, kiểu mẫu, đại diện điển hình Dựa trên nghĩa chung

đó, khoa học dân gian đã dùng thuật ngữ típ để chỉ một tập hợp các mẫu truyện kể dân gian có chung một cốt kể Cụ thể hơn, típ chỉ tập hợp của nhiều mẫu truyện mà không chỉ từng truyện kể riêng lẻ, những mẫu truyện đó phải có chung một cốt kể Như vậy, típ là một cốt kể với tất cả

Trang 29

những dị bản của nó và trở thành một kiểu truyện tức là một đơn vị truyện độc lập, phân biệt với những đơn vị truyện khác Từ đấy, khái niệm về kiểu truyện cho chúng ta thấy không phải bất cứ truyện nào cùng loại truyện cũng phải bắt buộc có đầy đủ các mô-típ cơ bản, hay các nhân vật của từng truyện phải có những đặc điểm hoàn toàn giống nhau Tùy theo trình độ nghệ thuật, dụng ý nghệ thuật, các yếu tố có liên quan đến sự ra đời tác phẩm mà ở mỗi truyện có những nét riêng, thể hiện những giá trị nghệ thuật khác nhau, không thể nhầm lẫn với các truyện khác

Kiểu truyện người lấy vật là tập hợp các truyện kể về nhân vật là những người con trai, con gái là con của hai ông bà già nghèo hiếm muộn hay cô gái chưa chồng… Nhân vật được sinh ra trong hình hài của một con vật xấu xí, như cóc, ếch, nhái, lợn, rắn, dê, cá, hay trong hình hài dị dạng như cục thịt, sọ dừa, tai to, cái khọ, trứng… Nhân vật biết nói tiếng người biết làm việc như con người Do có tài năng thần kỳ, nhân vật đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt và lấy con gái mơtao, phú ông hay công chúa con vua làm vợ Sau khi lấy vợ/chồng, đêm đêm nhân vật trút bỏ lốt xấu xí, bộ da động vật của mình và hiện ra trước mắt người vợ/chồng trẻ với vóc dáng của một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú hay những cô gái xinh đẹp tuyệt trần Những người vợ/chồng của nhân vật đã hủy bỏ tấm lốt xấu xí của nhân vật bằng cách đốt cháy, xé rách, đập nát, giấu đi hay vứt xuống suối để chấm dứt cuộc đời đội lốt, cũng từ đây hình dáng của các con vật xấu xí hay dị dạng biến mất và nhân vật trở lại thành người xinh đẹp, tài năng hơn người Chúng tôi cho rằng, bên trong kiểu truyện người lấy vật là tập hợp

của nhiều mô-típ nhân vật ẩn mình trong các lốt vật, các nhân vật này cũng là những thành viên của cộng đồng xã hội nguyên thủy nhưng họ

phải chịu khốn khổ, tủi nhục vì bị ruồng bỏ, bị xã hội đày đọa, lên án không được cộng đồng huyết thống quan tâm chỉ vì hình dáng dị dạng,

xấu xí của mình Với tấm lòng nhân ái, tình thương yêu con người, tinh

thần nhân đạo cao cả và ước muốn mang lại sự công bằng cho nhân vật

Trang 30

bất hạnh, không may Nghệ nhân dân gian đã cho nhân vật của mình có được những tài năng thần kỳ để giành lại hạnh phúc vốn đã bị tước đoạt trong xã hội có giai cấp Cuối cùng các nhân vật bất hạnh ấy có thể sống

hạnh phúc, giàu sang khi cởi bỏ lốt vật xấu xí trở thành những con người

mới đẹp đẽ, tài năng, giàu lòng nhân ái Đúng với tinh thần lý tưởng hóa nhân vật bằng ước mơ của nhân dân nhằm mục đích mang lại một số

phận tốt đẹp cho nhân vật bất hạnh không may của người xưa

Kiểu truyện người lấy vật không chỉ phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam mà còn cả trong cổ tích khu vực và thế giới Dân tộc Việt Nam ta không chỉ có những nét chung với các dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á, mà còn có những nét giống nhau với các dân tộc khác trên thế giới khi cùng trải qua những hình thái kinh tế xã hội, có lịch sử hoặc cách tư duy tương tự nhau Rõ ràng sự tương đồng này không phải

do mối liên hệ cội nguồn về tộc người hay văn hóa, cũng không phải do

sự tiếp xúc giao lưu hay do cùng lãnh thổ hay quan hệ kinh tế mà là sự tương đồng loại hình của văn hóa các dân tộc trên thế giới Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy giữa kho tàng văn học dân gian các dân tộc trên thế giới có mối tương đồng về mặt loại hình, giữa truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích các nước trên thế giới có những truyện giống nhau cả về mô-típ, đề tài, nhân vật, cốt truyện… Điều này đã giúp cho

Nguyễn Đổng Chi soạn ra phần Khảo dị rất bổ ích trong tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, và bước đầu áp dụng phương pháp loại hình

vào việc nghiên cứu sưu tầm truyện cổ tích ở Việt Nam

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều truyện tương tự kiểu truyện người

lấy vật ở các nước Đông Nam Á và thế giới như: truyện Nàng nhái (Miến Điện); Con nhái (Pháp); Con sói trắng (Pháp); Công chúa ếch

(Nga); Chàng kỵ mã (Mông cổ); Chàng lợn (Campuchia); Con lợn trở thành vua (Campuchia); Chuyện chàng lợn (Rumani); truyện Chàng rắn (Ấn Độ); truyện Người lấy nhái, truyện Cô vợ cá (Ác mê ni)… Theo

thống kê trên cơ sở tư liệu cho phép, có thể nói kiểu truyện người lấy vật

Trang 31

rất phổ biến ở nhiều nước thuộc châu Á cũng như châu Âu, phương Đông cũng như phương Tây trên toàn thế giới

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định mức độ phổ biến của kiểu truyện người lấy vật ở Việt Nam và thế giới là rất lớn Trong đó, các

kiểu kết cấu cốt truyện, nhân vật, xung đột, không gian và thời gian trong kiểu truyện người lấy vật giữa các nước có nét tương đồng, khác

biệt, có sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tạo thành một hệ thống

kiểu truyện người lấy vật khá phổ biến trên thế giới

Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề về mô-típ, các cách kết hợp mô-típ tạo thành một cốt truyện hoàn chỉnh trong kiểu truyện người lấy vật, dựa vào đó chúng tôi khái quát nên cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật từ một vài nguyên nhân như sau: kiểu truyện người lấy vật được hình thành do quá trình phát triển của xã hội, từ chỗ giải thể gia đình lớn, gắn với chế độ chiếm hữu tư nhân về tài sản, trong đó người con trai cả được xác định quyền thừa kế tài sản, người con út, con riêng, con côi bị tước đoạt quyền sống, quyền hạnh phúc, thậm chí còn bị hất

ra khỏi cộng đồng Tâm lý chung của nhân dân muốn khôi phục lại truyền thống cũ – truyền thống người em út, con út được kế thừa tài sản

và duy trì bếp lửa gia đình dòng họ trong xã hội thị tộc Nhưng thực tế không cho phép, họ đành gởi gắm ước mơ ấy vào hình tượng nhân vật

có vẻ bề ngoài xấu xí, nhỏ bé, tầm thường nhưng ẩn bên trong lại là những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài giỏi hơn người như hình tượng nàng tiên cua, nàng tiên cá, chàng chồn, chàng trăn, chàng rắn, chàng rùa… xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc Việt Nam

Kiểu truyện người lấy vật còn hình thành do nhận thức của người dân còn đơn giản, họ quan niệm con người và loài vật có cùng nguồn gốc với nhau Do trình độ nhận thức của con người nguyên thủy còn hạn chế nên họ chưa tự tách rời mình khỏi tự nhiên mà nhân hóa toàn bộ giới

Trang 32

tự nhiên Họ cho rằng con người có những đặc tính gì thì thiên nhiên cũng có đặc tính giống như vậy, thiên nhiên cũng biết buồn, căm giận hay vui vẻ Con người xem các con vật như là thành viên trong gia đình, như anh em, bằng hữu cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn và giúp nhau khi hoạn nạn Con vật có thể biến thành con người và con người có thể biến thành vật trong những hoàn cảnh khác nhau Truyện cổ tích thần kỳ giải thích nguồn gốc của con người và loài vật một cách thực tế hơn thần thoại Với suy nghĩ và nhận thức một cách đơn giản như thế thì việc sáng tạo ra kiểu truyện người lấy vật là điều tất nhiên, phù hợp với tư duy con người nguyên thủy

Kiểu truyện người lấy vật còn hình thành dựa trên quan điểm các nghệ nhân dân gian, họ là những người trực tiếp chứng kiến sự tàn bạo của xã hội phong kiến, sự thống khổ của những con người thấp cổ bé họng bị áp bức bóc lột sức lao động đến cùng kiệt trong xã hội lúc bấy giờ Những chàng trai, cô gái mà phần nhiều là con côi, con út, người đội lốt vật hay nhân vật lấy các con vật có hình dáng bên ngoài dị dạng, xấu xí làm chồng, vợ của nhau Vượt qua được các thử thách khắc nghiệt các con vật trút bỏ lốt xấu xí trở thành những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài năng, hiếu hạnh, kết hôn và sống hạnh phúc với nhau Sự đối lập giữa cái vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng với bên trong cao đẹp, trong sáng của các nhân vật đội lốt vật là một thủ pháp nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đặc thù của văn học dân gian cũng quy luật hình thành nên truyện cổ tích thần kỳ và kiểu truyện người lấy vật Các yếu tố thần kì là đặc trưng không thể thiếu trong tiểu loại này, nó là một biện pháp nghệ thuật đặc biệt nhằm thúc đẩy cốt truyện theo một định hướng

đã vạch sẵn Nhân vật đội lốt vật xấu xí sử dụng những yếu tố thần kỳ để vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của những ông bố vợ tương lai, đồng thời nhân vật cũng khẳng định tài năng phi thường của chính

mình như truyện Chàng trăn, Chàng rể rắn, Chàng rùa, Chàng chồn, Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, Chàng nhái, Chàng rể cọp, Chàng lợn… Các

yếu tố thần kỳ, được nhân vật đội lốt sử dụng trong nhiều truyện, là nhân

Trang 33

tố góp phần hình thành nên kiểu truyện người lấy vật với những đặc trưng riêng của cổ tích thần kỳ

Có thể nói, cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật dựa trên rất nhiều những yếu tố về văn hóa, xã hội, quan niệm, thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật và yếu tố thần kỳ trong tiểu loại truyện cổ tích thần

kỳ Tất cả các cơ sở hình thành nên kiểu truyện này nằm trong hệ thống văn hóa, xã hội, con người và đặc trưng của thể loại truyện cổ tích, một thể loại đặc thù của văn học dân gian

Kiểu truyện ngưới lấy vật không thuần nhất, nó luôn có những biến đổi phong phú, đa dạng cho nên chúng ta cần có sự phân loại thành các dạng truyện, nhóm truyện cụ thể Nhưng tiêu chí để phân loại một cách khoa học kiểu truyện này nên được hình dung như thế nào để bao hàm bên trong thực trạng tồn tại đa dạng, vốn có của đối tượng Có nhiều cách phân loại khác nhau, do góc độ tiếp cận đối tượng có thể có các cách như sau:

Ở kiểu truyện người lấy vật thì “vật” ở đây có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau: động vật, thực vật, đồ vật…

Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi chỉ giới hạn đối tượng nghiên cứu trong luận văn của mình ở hình thức thứ nhất: vật là người/ thần/ tiên đội lốt động vật (như đã trình bày trong phần phạm vi nghiên cứu đề tài)

“Người” trong kiểu truyện người lấy vật

1 Vật là người/ thần/ tiên đội lốt động vật

2 Vật là người/ thần/ tiên đội lốt thực vật, hoa quả, đồ gia dụng…

Hình thức Vật

Trang 34

“Người” trong “người lấy vật” gồm những đối tượng nào? Các nhân vật là “người” thuộc kiểu truyện này gồm có:

“Người” là các cô gái xinh đẹp, nết na, hiền hậu con nhà giàu có hoặc những cô gái mồ côi nghèo khổ, và nhân vật là “người” dạng này

thường rơi vào người con gái út hiếu thảo như truyện Lấy chồng dê (Kinh), Lấy chồng rắn (Gia rai), Phò mã cóc (Raglai), Chàng rùa (Xê Đăng), Chàng rể cóc (Vân kiều), Anh chàng cá chuối (Mường), nhân

vật người là những cô con gái đẹp, các cô con gái của Phú ông giàu có

như: Chàng tôm (Kinh), Chàng hến (Kinh), Cóc và nàng Hơ bia Phu (Ba Na) , con gái của Tạo mường Chàng rùa (Thái), Chẩu mường Chàng chồn (Thái), con gái quan Chàng dê (Mèo), con gái Mơ tao Truyện chồn

và nàng Hơ lúi (Gia rai), Chàng lợn (Gia rai), Chàng rắn (Gia rai), hoặc là công chúa con Vua Chàng nhái (Kinh), Cóc tiên (Kinh), Chàng

rể cọp (Dao), Chàng rùa (H’Mông), Chàng ếch (Cơ ho)… Họ đều là

những người con gái mang một vẻ đẹp cả dung mạo lẫn tính tình – vẻ đẹp đúng với quan niệm của nhân dân Đó là những người con gái vừa đẹp người vừa đẹp nết và có tấm lòng lương thiện, vị tha Họ là niềm

mơ ước, nỗi khát vọng và là nguồn tình cảm quý giá đối với các nhân vật đội lốt vật, và cũng chính họ giúp cho cuộc đời của các nhân vật đội lốt vật dị dạng, xấu xí có được niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn Nhân vật người con gái xinh đẹp, nết na hiền dịu, hiếu thảo luôn luôn có mối quan hệ gắn bó với nhân vật đội lốt vật xấu xí, dị dạng Nhân vật người con gái xinh đẹp chiếm vị trí khá quan trọng trong cốt truyện của kiểu truyện người lấy vật Ở một số truyện người con gái đẹp thường là con

út của một người cha, mẹ có ba cô con gái (cũng có thể là hai cô, bảy cô, chín hoặc mười cô…) “Vua đồng ý gả công chúa út cho nhái” (truyện

Chàng nhái – Kinh),… Các cô gái xinh đẹp này chắc sẽ là mục tiêu đối tượng của bao chàng trai tài giỏi, chắc chắn họ sẽ được hạnh phúc Nhưng trong những tình huống kỳ lạ, độc đáo, sự xuất hiện của nhân vật đội lốt vật, dị dạng xấu xí đã làm thay đổi cả số phận của các cô gái đó

Trang 35

Trong các cốt truyện, hình tượng cô gái út đã được đề cao một cách độc đáo trong sự so sánh với các cô chị Tính cách tốt đẹp của những con người tốt bụng, hiền lành và sự thiện cảm mà cô con gái út giành cho nhân vật đội lốt vật Vì thế, khi nhân vật đội lốt vật xấu xí ngỏ lời cầu hôn hay khi cha mẹ hỏi ai trong số các cô ưng lấy những con người đội lốt làm chồng thì: “hỏi cô gái đầu lòng, cô nguýt một cái rõ dài rồi vội vàng đi vào nhà, nói vọng ra: “úi dào! Chồng người chả lấy, lại lấy chồng dê!” Hỏi cô thứ hai, cô nói: “là người không thể lấy dê!” chỉ có cô

gái út là trả lời: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” (Lấy chồng dê) Hành

động của các cô con gái út như chấp nhận, bênh vực, yêu thương, bảo vệ đối với nhân vật người đội lốt vật xấu xí, dị dạng làm cho cha, mẹ, và các cô chị nghĩ rằng đó là những hành động kỳ quặc và bất thường, họ không tin tưởng và chế nhạo còn cho đó là “một sự ngu ngốc, sự liều lĩnh không đáng có” Song thực chất các cô gái út lại là những người khôn ngoan, tinh tế, nhìn thấu vẻ bề ngoài xấu xí của nhân vật và sớm nhận biết được tài năng cùng bản chất tốt đẹp của nhân vật người đội lốt Kết quả đã đem lại cho cô út – người con gái đẹp cuộc sống hạnh phúc với người chồng khôi ngô tuấn tú, thông minh, giàu có; hưởng được mọi điều may mắn tốt đẹp hơn hẳn các cô chị, và điều đó cho thấy sự lanh lợi, thông minh, sáng suốt của các cô con gái út

Ngoài ra, “người” còn là những chàng trai mồ côi hiền lành, nghèo khổ, hiếu thảo, siêng năng, là những chàng thư sinh chăm chỉ đèn sách nhưng có hoàn cảnh nghèo khó, cuộc sống của các chàng trai còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ có một tấm lòng nhân hậu, vị tha, họ cần mẫn, chăm chỉ, và rất đáng thương Họ chấp nhận hoàn cảnh và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, sống có lý tưởng và niềm tin mạnh mẽ

vào một sự đổi đời: Lấy vợ cóc (Mường), Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai), Ông trạng lấy rùa (Kinh), Người lấy cóc (Kinh), Nàng tiên cua và anh chàn g đánh cá (Kinh), Nàng tiên ốc (Kinh), Nàng cá măng (Thái), Chuyện con cầy bay (Thái), Con cum (Mường), Nàng tiên cá (Xê Đăng), Nàng bò tót (Vân Kiều)…

Trang 36

“Vật” trong kiểu truyện người lấy vật

“Vật” trong “người lấy vật” gồm những đối tượng nào? Nhân vật là

vật” thuộc kiểu truyện này có các đối tượng như sau:

Vật” là những vị thần linh, con thần linh đầu thai vào lốt vật để

trừng phạt kẻ ác và giúp đỡ những người lương thiện, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng, mang lại công

bằng cho xã hội Ông trạng lấy rùa (rùa là công chúa thủy cung), Con chuột lông đỏ (chuột là con trai tướng Bắc Đẩu), Nàng tiên cá, Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá, Nàng tiên ốc, Trăn thần (trăn là con trai thần núi), Hrit và cô gái trong lốt da bò (cô gái trong lốt da bò là tiên nữ), Lấy vợ cóc (nhân vật cóc là tiên nữ), Chuyện con cầy bay (nhân vật

cô gái là nàng tiên ốc), Cóc tiên (cóc là tiên nữ), Chàng chồn (nhân vật chồn là thánh chồn), Anh chàng cá chuối (nhân vật cá chuối là con trời),…

“Vật” còn là những chàng trai, cô gái có tài sắc hơn người nhưng phải mang cái lốt vật xấu xí, cái lốt ấy chỉ là cái vỏ để che đậy bên ngoài, ẩn sâu trong cái lốt vật xấu xí ấy là những con người với sắc đẹp, tài năng phi thường và khi cái lốt vật ấy bị phá hủy đi sẽ tạo ra sự bất ngờ cho người đọc, người nghe về tài năng, phẩm chất đạo đức của các nhân vật

“Kết hôn” trong kiểu truyện người lấy vật

Nhân vật kết hôn với nhau do sự thách đố của cha, mẹ Có các truyện Chàng rùa (Xê Đăng), Lấy chồng rắn (H’Mông), Chàng rắn (Gia rai), Lấy chồng trăn (Xê Đăng), Lấy chồng dê (Kinh), Chàng nhái

(H’Mông), Chàng rể heo (Vân Kiều), Hơ bia Rác lấy chồng chồn (Gia

rai)…

Chẳng hạn như truyện Chàng rùa (Xê Đăng) kể rằng: “ông bố có

mười cô con gái, bà mẹ mất sớm, ông hàng ngày đi bắt cá nuôi con Một lần đi đặt lờ, thấy cá qua khe hở đi mất Ông bảo rùa đấp lại khe hở ông

Trang 37

sẽ thưởng cho rùa một cô con gái, rùa giúp ông đắp lại khe hở và đòi ông trả công bằng cách gả con gái cho mình Rùa theo ông về nhà, các

cô chị đều khinh bỉ rùa và từ chối rùa Cô út vì thương cha nên ưng

thuận lấy rùa” Hay trong truyện Lấy chồng rắn (H’Mông), nhân vật kết

hôn do ông bố thách đố, ai di chuyển được hòn đá nặng ra khỏi ruộng

giúp ông, ông sẽ gả con gái cho người đó Truyện Chàng rắn (Gia rai)

thì kể rằng: Mơ tao muốn qua dòng suối dữ, ông nói rằng ai có thể bắt được cầu cho ông đi qua thì ông sẽ gả con gái cho Có chàng trai đội lốt

rắn đã lấy thân mình bắt cầu cho Mơ tao đi qua suối và đòi lấy con gái

Mơ tao, “Mơ tao rất buồn phiền vì không muốn gả con gái cho rắn” Ông hỏi con gái lớn là Hơ Bia Ngo, cô từ chối ngay Ông hỏi con gái út

Hơ Bia Lúi, cô út vì thương cha nên nhận lời lấy rắn làm chồng…

Nhân vật là “vật” tự nhờ mẹ đến nhà hỏi cưới cô con gái út về làm

vợ Có các truyện: Lấy chồng dê (Kinh), Chàng nhái (Kinh), Chàng dê (Mèo), Chuyện chàng cóc (Tà Ôi), Chàng rể heo (Vân Kiều), Lấy chồng trăn (Vân Kiều), Chàng rể cóc (Vân Kiều), Chàng hến (Kinh), Chàng rùa (Thái), Cóc tiên (Kinh), Chàng rùa (H’Mông)

Nhân vật “người” và “vật” gặp nhau tình cờ, cả hai thấy được tài năng, phẩm chất của nhau đem lòng yêu mến và muốn kết hôn với nhau

Đa số các truyện có chi tiết cô gái rình và phát hiện ra nhân vật đội lốt

vật kia là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đồng ý kết hôn: Nàng tiên ốc (Kinh), Lấy vợ cóc (Mường), Nàng tiên cá (Xê Đăng), Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh), Chàng chim cu gáy (Raglai), Lấy chồng dê (Kinh), Con cum (Mường), Người lấy cóc (Kinh), Ông trạng lấy rùa (Kinh), Nàng cá măng (Kinh), Chuyện con cầy bay (Thái), Nàng bò tót

(Vân Kiều)…

Nhân vật là “người” sau khi gặp “vật” đã giả bệnh, cố ý giấu lốt vật và đòi kết hôn với “vật”, truyện: Chàng ếch (Churu), Chàng lợn (Gia rai), Chồng cóc (Ê Đê), Chàng chồn (Thái), Cóc và Hơ bia Phu (Ba

Na), Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai), Chàng chim cu gáy

Trang 38

(Raglai), Lấy chồng rắn (Gia rai), Chàng ếch – con trai thần mặt trời

(Cơ ho)…

Như vậy, chúng ta có thể thấy các nhân vật là “người” và “vật” trong kiểu truyện người lấy vật cũng như các kiểu kết hôn của hai nhân vật trong các truyện được miêu tả rất phong phú, đa dạng và mang màu sắc ly kỳ, hấp dẫn, mang tính chất thần kỳ cao

Tiểu kết: Trong hệ thống kiểu truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam,

kiểu truyện người lấy vật mang những đặc trưng riêng, miêu tả các nhân vật đội lốt với hình dáng bên ngoài xấu xí, dị dạng của các con vật như: cóc, chồn, rắn, rùa, cua, cá… Đây là kiểu nhân vật xuất hiện khá phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam và lan rộng ra các nước trên thế giới Điều đó cho thấy, sự tồn tại, vận động và phát triển của kiểu truyện này là rất lớn, cũng như sức hấp dẫn đặc trưng của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ - một tiểu loại chiếm số lượng lớn tác phẩm trong kho tàng truyện cổ tích các nước

Hình tượng nhân vật đội lốt “vật” xấu xí dị dạng nhưng có tài năng phi thường, lập nên những kỳ tích thần kỳ, khi cởi lốt thành những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài giỏi với phẩm chất cao quý kết hôn cùng người con gái đẹp, là hình tượng nhân vật trung tâm xuất hiện phổ biến trong loại hình tự sự dân gian, đặc biệt trong truyện cổ tích thần kỳ Kiểu nhân vật này có nét tương đồng với kiểu nhân vật dũng sĩ cứu người đẹp, kiểu nhân vật chàng trai khỏe, kiểu nhân vật xấu xí mà tài ba, người em út, người mồ côi,…

Trang 39

Chương 2: KHẢO SÁT NHỮNG MÔ-TÍP CHỦ YẾU

2.1 Khái ni ệm về mô-típ và giới thiệu chung về các mô-típ trong

ki ểu truyện người lấy vật

2.1.1 Khái ni ệm về mô-típ

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thì mô-típ “tiếng Hán Việt gọi là

mẫu đề (do người Trung Quốc phiên âm chữ mô-típ trong tiếng Pháp) có thể chuyển thành các chữ “khuôn”, “dạng”, hoặc “kiểu” trong tiếng Việt nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian… khái niệm mô-típ là một công cụ rất cần thiết và hữu ít cho những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn học dân gian” [26, tr.136]

Từ điển văn học đã đưa ra hai cách dùng thuật ngữ “mô-típ” như

sau:

Thứ nhất, “mô-típ thường được hiểu theo nghĩa là “hạt nhân của cốt truyện”, là cái “công thức” từ đó cốt truyện được triển khai” [72, tr.16] Mô-típ trải qua quá trình phát triển nó sẽ trở thành cốt truyện hay cốt truyện chính là sự tiến triển một cách tự nhiên của mô-típ Về khía cạnh này, chúng ta có thể xem mô-típ là một sự khái quát giản đơn, tùy theo thời gian dài ngắn khác nhau nó có thể phát triển lên thành những khái quát phức tạp hơn, đa dạng hơn tồn tại trong cốt truyện

Thứ hai, “mô-típ được hiểu theo nghĩa là “yếu tố hợp thành” của cốt truyện” [72, tr.16] Thí dụ như các mô-típ về “sự sinh nở thần kỳ”,

“người đội lốt vật”, “thách đố”, “cởi lốt kết hôn”… Các mô-típ này kết hợp lại với nhau tạo nên những cốt truyện cụ thể từ đơn giản đến phức

tạp trong kiểu truyện như truyện: Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, Chàng nhái, Người lấy cóc, Chàng rùa, Chàng rắn, Chàng lợn, Chàng rùa, Chàng cóc,…

Trang 40

Bất kỳ một mô-típ nào cũng có mối quan hệ với cốt truyện và những mô-típ khác trong một tác phẩm cụ thể Giữa chúng có sự tương tác qua lại lẫn nhau tạo nên một cốt truyện hoàn chỉnh trong tác phẩm truyện cổ tích

2.1.2 Gi ới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật

Tiến hành khảo sát trên các nguồn tư liệu như đã trình bày ở phạm

vi nghiên cứu, chúng tôi thấy trong 56 truyện được khảo sát thì có sự xuất hiện với tần số rất cao của bảy mô-típ trong cốt truyện, các mô-típ này thường xuyên tồn tại trong các truyện và đóng vai trò khá quan

trọng trong cấu trúc của kiểu truyện người lấy vật như: mô-típ sự ra đời thần kỳ; người đội lốt vật; thách đố; tài năng thần kỳ; cởi lốt và kết hôn;

người em út bị hại; vật phù trợ Để dễ nhận biết và tạo điều kiện thuận

lợi hơn trong quá trình khảo sát, chúng tôi mã hóa các mô-típ ấy như sau:

Mô- típ 1: (M1) Sự ra đời thần kỳ Mô- típ 2: (M2) Người đội lốt vật Mô- típ 3: (M3) Thách đố

Mô- típ 4: (M4) Tài năng thần kỳ Mô- típ 5: (M5) Cởi lốt và kết hôn Mô- típ 6: (M6) Người em út bị hại Mô- típ 7: (M7) Vật phù trợ

Bảng khảo sát các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật

qua tư liệu truyện cổ tích thần kỳ

TT Tên truyện cổ tích M1 M2 M3 M4 M5 M6 M7 Tổng

Ngày đăng: 13/03/2017, 06:54

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Lê Thị Thanh An (2008), Kiểu truyện người em út trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, luận văn thạc sĩ, Đại học khoa học xã hội và nhân văn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kiểu truyện người em út trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Tác giả: Lê Thị Thanh An
Năm: 2008
2. Ngu yễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh, Phan Xuân Viện (sưu tầm và biên soạn) (2006), Truyện cổ Churu , Nxb Văn nghệ Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện cổ Churu
Tác giả: Ngu yễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh, Phan Xuân Viện (sưu tầm và biên soạn)
Nhà XB: Nxb Văn nghệ
Năm: 2006
3. Xuân Bách (tuyển chọn) (2010), Kho tàng truyện cổ tích thế giới , Nxb Đồng Nai Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kho tàng truyện cổ tích thế giới
Tác giả: Xuân Bách (tuyển chọn)
Nhà XB: Nxb Đồng Nai
Năm: 2010
4. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ (1998), Văn hóa xã hội người Raglai ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn hóa xã hội người Raglai ở Việt Nam
Tác giả: Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 1998
5. Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5tập), Nxb Trẻ Sách, tạp chí
Tiêu đề: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Đổng Chi
Nhà XB: Nxb Trẻ
Năm: 1993
6. Chu Xuân Diên (2011), Văn học dân gian Bạc Liêu, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn học dân gian Bạc Liêu
Tác giả: Chu Xuân Diên
Nhà XB: Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
Năm: 2011
7. Chu Xuân Diên – L ê Chí Quế (1996), Tuyển tập Truyện cổ tích Việt Nam - phần truyện cổ tích người Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tuyển tập Truyện cổ tích Việt Nam - phần truyện cổ tích người Việt
Tác giả: Chu Xuân Diên – L ê Chí Quế
Nhà XB: Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
Năm: 1996
8. Chu Xuân Diên (1989), Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học, Nxb Đại học tổng hợp Tp Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học
Tác giả: Chu Xuân Diên
Nhà XB: Nxb Đại học tổng hợp Tp Hồ Chí Minh
Năm: 1989
9. Chu Xuân Diên (1997), “Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hóa dân gian”, Tạp chí văn học số (9) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hóa dân gian”," Tạp chí văn học số
Tác giả: Chu Xuân Diên
Năm: 1997
10. Chu Xuân Diên (2008), Nghiên cứu văn học dân gian phương lịch sử, thể loại, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghiên cứu văn học dân gian phương lịch sử, thể loại
Tác giả: Chu Xuân Diên
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2008
11. Ngô Văn Doanh (1995), Truyện cổ Mianma, Nxb Văn hóa thông tin Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện cổ Mianma
Tác giả: Ngô Văn Doanh
Nhà XB: Nxb Văn hóa thông tin
Năm: 1995
12. Ngô Văn Doanh (1995), Truyện cổ Lào, Nxb Văn hóa thông tin Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện cổ Lào
Tác giả: Ngô Văn Doanh
Nhà XB: Nxb Văn hóa thông tin
Năm: 1995
13. Ngô Văn Doanh (1995), Truyện cổ Campuchia, Nxb Văn hóa thông tin Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện cổ Campuchia
Tác giả: Ngô Văn Doanh
Nhà XB: Nxb Văn hóa thông tin
Năm: 1995
14. Phạm Viết Đào – Hoàng Thị Đậu (tuyển chọn và dịch) (1994), Truyện cổ Rumani, Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện cổ Rumani
Tác giả: Phạm Viết Đào – Hoàng Thị Đậu (tuyển chọn và dịch)
Nhà XB: Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội
Năm: 1994
15. Nguyễn Định (2010), Yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết và cổ tích người Việt ở Nam Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết và cổ tích người Việt ở Nam Trung Bộ
Tác giả: Nguyễn Định
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 2010
16. Nguyễn Tấn Đắc (2001), Truyện kể dân gian đọc bằng Type và Motif , Nxb Khoa học xã hội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Truyện kể dân gian đọc bằng Type và Motif
Tác giả: Nguyễn Tấn Đắc
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 2001
17. Nguyễn Tấn Đắc (2010), Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Văn hóa Đông Nam Á
Tác giả: Nguyễn Tấn Đắc
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 2010
18. Nguyễn Xuân Đức (2003), Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, Nxb Khoa học xã hội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những vấn đề thi pháp văn học dân gian
Tác giả: Nguyễn Xuân Đức
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 2003
19. Cao Huy Đỉnh (1974), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam , Nxb Khoa học xã hội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam
Tác giả: Cao Huy Đỉnh
Nhà XB: Nxb Khoa học xã hội
Năm: 1974
20. Cao Huy Đỉnh (1962), “Quan hệ giữa tư tưởng của giai cấp thống trị và nhân dân trong xã hội phong kiến qua một vài truyện cổ”, Nghiên cứu văn học số (6) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quan hệ giữa tư tưởng của giai cấp thống trị và nhân dân trong xã hội phong kiến qua một vài truyện cổ”, "Nghiên cứu văn học số
Tác giả: Cao Huy Đỉnh
Năm: 1962

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w