1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nghiên cứu đa dạng cây thuốc ở xã thành công, huyện nguyên bình, tỉnh cao bằng

178 547 7

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 178
Dung lượng 9,09 MB

Nội dung

Những nghiên cứu về thảm thực vật, đa dạng thực vật và các loài thực vật làm thuốc ở Cao Bằng và khu vực nghiên cứu .... Các họ có số loài cây thuốc nhiều từ 2 loài trở lên trong các trạ

Trang 1

BÙI HOÀNG LAN

NGHIÊN CỨU ĐA DẠNG CÂY THUỐC

Ở XÃ THÀNH CÔNG, HUYỆN NGUYÊN BÌNH,

TỈNH CAO BẰNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ SINH HỌC

THÁI NGUYÊN - 2016

Trang 2

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

BÙI HOÀNG LAN

NGHIÊN CỨU ĐA DẠNG CÂY THUỐC

Ở XÃ THÀNH CÔNG, HUYỆN NGUYÊN BÌNH,

Chuyên ngành: SINH THÁI HỌC

Mã số: 60 42 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ SINH HỌC

Người hướng dẫn khoa học: TS SỸ DANH THƯỜNG

THÁI NGUYÊN - 2016

Trang 3

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng cá nhân tôi Các số liệu, kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa được ai công bố trong bất

kỳ công trình nào khác Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm

Tác giả

Bùi Hoàng Lan

Trang 4

Trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ, chuyên ngành Sinh thái học, khoa Sinh Học trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, tôi đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các thầy cô giáo, bạn bè và gia đình

Trước tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến TS Sỹ Danh Thường - người thầy đã tận tình hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý báu để tôi có thể hoàn thành luận văn này

Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Lê Ngọc Công đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện đề tài

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các thầy cô giáo khoa Sinh Học, Phòng Đào tạo (bộ phận Sau Đại Học) trường Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên

đã nhiệt tình giảng dạy và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu tại trường

Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Ban quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài ở khu vực nghiên cứu

Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới toàn thể gia đình và bạn bè đã luôn cổ

vũ, động viên tôi trong suốt thời gian qua

Trong quá trình thực hiện luận văn do còn nhiều hạn chế về mặt thời gian và kinh phí cũng như trình độ chuyên môn nên không tránh khỏi những thiếu sót Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các thầy cô giáo, các nhà khoa học, cùng bạn bè, đồng nghiệp

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Thái nguyên, ngày tháng 9 năm 2016

Tác giả

Bùi Hoàng Lan

Trang 5

LỜI CAM ĐOAN i

LỜI CẢM ƠN ii

MỤC LỤC iii

BẢNG CHỦ THÍCH CÁC TỪ VIẾT TẮT iv

DANH MỤC CÁC BẢNG v

DANH MỤC CÁC HÌNH vi

MỞ ĐẦU 1

1 Đặt vấn đề 1

2 Thời gian và phạm vi nghiên cứu 2

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU 3

1.1 Những nghiên cứu về thảm thực vật và hệ thực vật 3

1.1.1 Những nghiên cứu về thảm thực vật 3

1.1.2 Những nghiên cứu về hệ thực vật 6

1.2 Những nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc trên thế giới và ở Việt Nam 8

1.2.1 Những nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc trên thế giới 8

1.2.2 Những nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam 10

1.3 Những nghiên cứu về các loài thực vật làm thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng 13

1.4 Những nghiên cứu về thảm thực vật, đa dạng thực vật và các loài thực vật làm thuốc ở Cao Bằng và khu vực nghiên cứu 15

Chương 2: MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 17

2.1 Mục tiêu nghiên cứu 17

2.2 Đối tượng và địa điểm nghiên cứu 17

2.2.1 Đối tượng nghiên cứu 17

2.2.2 Địa điểm nghiên cứu 17

2.3 Nội dung nghiên cứu 17

2.4 Phương pháp nghiên cứu 17

2.4.1 Phương pháp điều tra theo tuyến và ô tiêu chuẩn (OTC) 17

2.4.2 Phương pháp thu mẫu thực vật 18

2.4.3 Phương pháp phân tích mẫu vật 18

2.4.4 Phương pháp điều tra trong nhân dân 19

Trang 6

NGHIÊN CỨU 20

3.1 Điều kiện tự nhiên 20

3.1.1 Vị trí địa lý 20

3.1.2 Địa hình 21

3.1.3 Địa chất, thổ nhưỡng 21

3.1.4 Khí hậu, thủy văn 25

3.2 Điều kiện kinh tế, xã hội 26

Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 28

4.1 Đa dạng hệ thực vật ở khu vực nghiên cứu 28

4.2 Đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở khu vực nghiên cứu 28

4.2.1 Đa dạng ở mức độ ngành 28

4.2.2 Đa dạng ở mức độ họ 31

4.2.3 Đa dạng ở mức độ chi 32

4.3 Đa dạng của các loài cây thuốc trong các trạng thái thảm thực vật 33

4.3.1 Đa dạng các bậc taxon cây thuốc trong các trạng thái thảm thực vật 33

4.3.2 Đa dạng các họ trong từng trạng thái thảm thực vật 35

4.3.3 Thành phần loài cây thuốc trong trạng thái thảm cỏ 37

4.3.4 Thành phần loài cây thuốc trong trạng thái thảm cây bụi 39

4.3.5 Thành phần loài cây thuốc trong rừng trồng thông 41

4.3.6 Thành phần loài cây thuốc trong rừng thứ sinh 43

4.4 Đa dạng các yếu tố địa lý thực vật của các loài cây thuốc 45

4.5 Đa dạng thành phần dạng sống của các loài cây thuốc 48

4.6 Đa dạng về các bộ phận làm thuốc của các loài cây thuốc 49

4.7 Đa dạng về các bệnh chữa trị 51

4.8 Tình hình sử dụng cây thuốc ở địa phương và một số bài thuốc thu thập được 53

4.9 Danh sách các loài cây thuốc quý hiếm ở khu vực nghiên cứu 56

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ 58

I Kết luận 58

2 Đề nghị 59

TÀI LIỆU THAM KHẢO 61

PHỤ LỤC

Trang 7

BẢNG CHỦ THÍCH CÁC TỪ VIẾT TẮT

DLĐCT Danh lục đỏ cây thuốc

IUCN International Union for Conservation of Nature -

Hiệp hội quốc tế bảo vệ thiên nhiên KVNC Khu vực nghiên cứu

Trang 8

DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 3.1 Hiện trạng rừng và các loại đất đai 22

Bảng 3.2 Hiện trạng trữ lượng rừng 24

Bảng 4.1 Sự phân bố các họ, chi, loài trong các ngành thực vật 28

Bảng 4.2 Thành phần các bậc taxon cây thuốc ở KVNC 29

Bảng 4.3 Số lượng họ, chi, loài cây thuốc trong ngành Ngọc lan 30

Bảng 4.4 Các họ cây thuốc đa dạng nhất trong khu vực nghiên cứu 31

Bảng 4.5 Các chi đa dạng nhất tại khu vực nghiên cứu 32

Bảng 4.6 Sự phân bố các bậc taxon thực vật làm thuốc trong các trạng thái thảm thực vật ở KVNC 33

Bảng 4.7 Các họ có số loài cây thuốc nhiều (từ 2 loài trở lên) trong các trạng thái thảm thực vật ở khu vực nghiên cứu 35

Bảng 4.8 Sự phân bố các họ, chi, loài cây thuốc ở trạng thái thảm cỏ ở KVCN 37

Bảng 4.9 Sự phân bố các họ, chi, loài cây thuốc ở thảm cây bụi tại KVNC 39

Bảng 4.10 Sự phân bố các họ, chi, loài cây thuốc ở rừng trồng thông tại KVNC 41

Bảng 4.11 Sự phân bố các họ, chi, loài cây thuốc ở rừng thứ sinh tại KVNC 43

Bảng 4.12 Các yếu tố địa lý của hệ thực vật làm thuốc ở KVNC 45

Bảng 4.13 Sự phân bố các nhóm dạng sống 48

Bảng 4.14 Số lượng các bộ phận của cây thuốc được sử dụng 50

Bảng 4.15 Sự đa dạng về số loài cây thuốc chữa trị các nhóm bệnh 52

Bảng 4.16 Một số cây thuốc thường dùng và khai thác để bán 54

Bảng 4.17 Các loài cây thuốc quý hiếm ở khu vực nghiên cứu 56

Trang 9

DANH MỤC CÁC HÌNH

Hình 4.1 Phân bố của các bậc taxon cây thuốc tại KVNC 29

Hình 4.2 Phân bố các loài cây thuốc trong các trạng thái thảm thực vật ở KVNC 34

Hình 4.3 Phân bố các loài cây thuốc ở trạng thái thảm cỏ 38

Hình 4.4 Phân bố của các họ, chi, loài cây thuốc ở thảm cây bụi tại KVNC 40

Hình 4.5 Phân bố của các họ, chi, loài cây thuốc ở rừng trồng thông tại KVNC 42

Hình 4.6 Phân bố của các họ, chi, loài cây thuốc ở rừng thứ sinh tại KVNC 44

Hình 4.7 Các yếu tố địa lý của hệ thực vật làm thuốc ở KVNC 47

Hình 4.8 Tỷ lệ dạng sống các loài cây thuốc ở KVNC 48

Trang 10

MỞ ĐẦU

1 Đặt vấn đề

Việt Nam có một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, một tiềm năng lớn về tài nguyên cây dược liệu nói riêng và tài nguyên dược liệu nói chung Theo thống kê, trong tổng số 3.948 loài cây có tới 87,1% là các loài hoang dã, sống trong quần thể rừng, trảng cây bụi, nương rẫy, bãi hoang, chỉ có 12,9% cây thuốc đã được trồng ở các mức

độ khác nhau

Ngày nay, việc tìm kiếm các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao để làm thuốc là một xu thế được rất nhiều các nhà khoa học quan tâm Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc vùng nhiệt đới - nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao chưa được khám phá Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc ở nước ta cũng có vốn tri thức bản địa sử dụng các loài thực vật làm thuốc Đây là lĩnh vực được các nhà khoa học coi là một tiềm năng trong việc tìm kiếm nghiên cứu tạo ra những loại thuốc mới, có hiệu lực điều trị cao trong tương lai

Xã Thành Công là một xã nằm ở phía nam huyện Nguyên Bình có vị trí địa lý: phía bắc giáp xã Phan Thanh và Quang Thành, phía đông giáp xã Hưng Đạo, phía nam giáp xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) và xã Phúc Lộc, Bành Trạch (huyện

Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), phía tây giáp xã Phan Thanh Xã Thành Công còn là một trong

5 xã thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc - Phia Đén, có tổng diện tích

là 8166.5 ha Trong đó đất lâm nghiệp là 7427.9 ha (rừng tự nhiên 4747.4 ha, rừng trồng 200.2 ha) Dân số là 2592 người, bao gồm 5 dân tộc anh em sinh sống là Dao, Nùng, Kinh, Tày và H’Mông, mật độ dân cư là 31 người/km2 Do nằm ở vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc - Phia Đén và là nơi tập trung nhiều khoáng sản, vì vậy hệ thực vật rừng nơi đây chịu tác động từ con người rất lớn Việc nghiên cứu, điều tra số loài thực vật hiện có, thống kê số lượng các loài thực vật có giá trị đặc biệt là các loài làm thuốc nhằm đề ra các biện pháp bảo tồn và giữ gìn bền vững hệ thực vật nơi đây là rất cần thiết

Với những lý do trên chúng tôi chọn đề tài: “Nghiên cứu đa dạng cây thuốc ở

xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”

Trang 11

2 Thời gian và phạm vi nghiên cứu

- Thời gian nghiên cứu: Đề tài được thực hiện từ tháng 4 năm 2015 đến tháng

4 năm 2016

- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu tính đa dạng cây thuốc trong một số trạng thái thảm thực vật ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Trang 12

Chương 1 TÔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1 Những nghiên cứu về thảm thực vật và hệ thực vật

1.1.1 Những nghiên cứu về thảm thực vật

Trên thế giới, việc nghiên cứu về thảm thực vật đã được tiến hành từ rất sớm Theo Thái Văn Trừng (1978), hệ thống phân loại đầu tiên về thảm thực vật rừng nhiệt đới là của Schimper A.F (1898), tác giả đã chia thảm thực vật thành 3 quần hệ: quần

hệ khí hậu, quần hệ thổ nhưỡng và quần hệ vùng núi [46] Trong mỗi quần hệ tác giả còn phân biệt các kiểu rừng khác nhau

Sau Schimper A.F còn một số hệ thống phân loại của các tác giả như Rubel, Ilinxki, Burt-Davy, Beard, Aubreville [46], trong đó đáng chú ý là hệ thống phân loại của Aubreville đã làm nổi bật giá trị của tiêu chuẩn độ tàn che trên mặt đất của tầng ưu thế sinh thái và đã phân hóa được những kiểu quần thể thưa như kiểu rừng thưa và kiểu truông cỏ [46]

Champion H.G (1936) khi nghiên cứu các kiểu rừng Ấn Độ - Miễn Điện đã phân chia 4 kiểu thảm thực vật lớn theo nhiệt độ đó là: nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới và núi cao

Maurand (1943) [59] nghiên cứu về thảm thực vật Đông Dương đã chia thảm thực vật Đông Dương thành 3 vùng: Bắc Đông Dương, Nam Đông Dương và vùng trung gian Đồng thời ông đã liệt kê 8 kiểu quần lạc trong các vùng đó Sau đó là các tác giả: Rollet, Lý Văn Hội, Neangéiam Oli (1952), Dương Hàm Hi (1956) và M.Schmid (1962) Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các hệ thống phân loại thảm thực vật nói trên là không thấy rõ mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố sinh thái với thảm thực vật, hoặc là không làm nổi bật mối quan hệ qua lại giữa các nhân tố sinh thái với nhau

UNESCO (1973)[60] đã đưa ra khung phân loại thảm thực vật thế giới dựa trên những tiêu chuẩn chung nhất để có thể so sánh được các kết quả nghiên cứu ở các vùng khác nhau và có thể được thể hiện trên bản đồ có tỷ lệ 1:1.000.000 hay bé hơn Tiêu chuẩn cơ bản của hệ thống phân loại này là cấu trúc ngoại mạo với sự bổ sung của các

Trang 13

thông tin về sinh thái, địa lý Đây là bảng phân loại tuy còn mang tính chất nhân tạo nhưng lại cần thiết theo yêu cầu thực tế hiện nay Cấu trúc của hệ thống được sắp xếp

từ bậc cao đến bậc thấp như sau:

I Lớp quần hệ;

I.A Phân lớp quần hệ;

I.A.1 Nhóm quần hệ;

I.A.1.1 Quần hệ;

I.A.1.1.1 Phân quần hệ

Ở Việt Nam, bảng phân loại thảm thực vật đầu tiên là của A.Chevalier (1918), ông đã phân loại rừng Bắc bộ với 10 kiểu khác nhau [56]

Từ năm 1960, Loschau đưa ra một hệ thống phân loại rừng theo trạng thái ở Quảng Ninh Cục Điều tra và Quy hoạch rừng đã áp dụng cách phân loại này để đề xuất các biện pháp lâm sinh phù hợp Theo hệ thống này thảm thực vật Việt Nam được chia thành 4 loại hình lớn như sau:

- Loại hình I: đất đai hoang trọc, trảng cỏ và cây bụi, chưa có rừng hoặc không

Thái Văn Trừng (1975) [45], đã căn cứ vào quan điểm sinh thái phát sinh quần thể thực vật để phân loại thảm thực vật rừng ở Việt Nam thành 14 kiểu rừng sau:

Trang 14

1 Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới

2 Kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới

3 Kiểu rừng kín rụng lá hơi ẩm nhiệt đới

4 Kiểu rừng kín hơi khô nhiệt đới

5 Kiểu rừng thưa cây lá rộng hơi khô nhiệt đới

6 Kiểu rừng cây lá kim hơi khô nhiệt đới

7 Kiểu trảng cây to, cây bụi cỏ cao, khô nhiệt đới

8 Chuông bụi gai hạn nhiệt đới

9 Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp

10 Rừng kín hỗn hợp cây lá rộng lá kim ẩm á nhiệt đới núi thấp

11 Kiểu rừng kín cây lá kim ẩm ôn đới núi cao

12 Kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới núi thấp

13 Kiểu quần hệ khô vùng cao

14 Kiểu quần hệ lạnh vùng cao

Hệ thống phân loại của Thái Văn Trừng mang thứ bậc rõ ràng, là một đóng góp lớn cho ngành lâm nghiệp Tuy nhiên hệ thống này cũng có nhược điểm là rất khó áp dụng cho những vùng lãnh thổ có diện tích không lớn

Phan Kế Lộc (1985) [29] dựa trên bảng phân loại của UNESCO (1973)[60], cũng đã xây dựng khung phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam thành 5 lớp quần hệ,

15 dưới lớp, 32 nhóm quần hệ và 77 quần hệ khác nhau Nguyễn Nghĩa Thìn (1997) cũng đã áp dụng cách phân loại này trong những nghiên cứu của ông [38]

Vũ Tự Lập (1995) [27] cho rằng khí hậu ảnh hưởng đến sự hình thành và phân

bố các kiểu thực bì thông qua nhiệt độ và độ ẩm Dựa vào mối quan hệ giữa hình thái thực bì và khí hậu chia ra 15 kiểu thực bì khác nhau: kiểu rừng rậm nhiệt đới gió mùa rụng lá, kiểu rừng rậm nhiệt đới ẩm thường xanh, kiểu rừng rậm nhiệt đới gió mùa nửa rụng lá, kiểu rừng khô nhiệt đới gió mùa khô rụng lá, kiểu rừng thưa nhiệt đới khô lá kim, kiểu sa van nhiệt đới khô, kiểu truông nhiệt đới khô, kiểu rùng nhiệt đới trên đất

đá vôi, kiểu rừng nhiệt đới trên đất mặn, kiểu rừng nhiệt đới trên đất phèn, kiểu rừng rậm á nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh, kiểu rừng rậm á nhiệt đới ẩm hỗn giao, kiểu rừng thưa á nhiệt đới hơi ẩm lá kín, kiểu rừng rậm á nhiệt đới mưa mùa, kiểu rừng lùn đỉnh cao

Trang 15

Lê Ngọc Công (2004) [14] cũng dựa theo khung phân loại của UNESCO (1973)[60] , đã phân chia thảm thực vật của tỉnh Thái Nguyên thành 4 lớp quần hệ: rừng rậm, rừng thưa, trảng cây bụi và trảng cỏ Ở đây, những trạng thái thứ sinh (được hình thành do tác động của con người như: khai thác gỗ, củi, chặt đốt rừng làm nương rẫy…), bao gồm: trảng cỏ, trảng cây bụi và rừng thưa

Ngô Tiến Dũng (2004) [19] đã phân chia thảm thực vật Vườn Quốc gia Yok Don thành: Kiểu rừng kín thường xanh; kiểu rừng thưa nửa rụng lá và kiểu rừng thưa cây lá rộng rụng lá gồm 6 quần xã khác nhau dựa theo phương pháp phân loại thảm thực vật của UNESCO (1973)

Thái Văn Thụy, Nguyễn Phúc Nguyên (2005) [41] nghiên cứu về thảm thực vật Vườn Quốc gia Ba Vì đã xác định ở đây có 11 kiểu quần xã thực vật khác nhau Trong quần xã cây bụi thứ sinh thường xanh, lá rộng thành phần chủ yếu là cây gỗ dạng bụi cao từ 2 - 5m

Long Chun (1993), nghiên cứu về đa dạng thực vật ở hệ sinh thái nương rẫy tại Xishuang Bana, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã nhận xét: Khi nương rẫy bỏ hóa 13 năm thì có 17 họ, 21 chi, 21 loài; bỏ hóa 16 năm thì có 60 họ, 134 chi và 167 loài [dẫn

theo Daophone Phetkhampheng [33]]

Phan Kế Lộc (1978) [29] đã xác định hệ thực vật miền Bắc Việt Nam có 5.609 loài thuộc 1.160 chi và 240 họ

Hoàng Chung (1980) [9] khi nghiên cứu đồng cỏ vùng núi Bắc Việt Nam đã công bố thành phần loài gồm 233 loài thuộc 54 họ và 44 bộ

Trong công trình tổng kết các kết quả nghiên cứu đồng cỏ Bắc Việt Nam, Dương Hữu Thời (1981) đã công bố thành phần loài thuộc 5 vùng Bắc Việt Nam gồm 213 loài

Trang 16

Nguyễn Tiến Bân (1983) [1] khi nghiên cứu hệ thực vật Tây Nguyên đã thống

kê được 3.210 loài, chiếm gần 1/2 tổng số loài đã biết của toàn Đông Dương

Năm 1998, Phan Kế Lộc điều tra phát hiện 20 loài cây có tanin thuộc họ Trinh

nữ (Mimosaceae) và giới thiệu có 4 loài khác ở Việt Nam có tannin [28]

Phan Nguyên Hồng (1991) [23] lập danh mục cùng với một số chỉ tiêu khác (dạng sống, môi trường, khu phân bố) của 75 loài thuộc 2 nhóm loài cây ngập mặn điển hình và cây gia nhập vào rừng ngập mặn

Lê Mộng Chân (1994) [4] điều tra tổ thành vùng núi cao Vườn Quốc gia Ba Vì

đã phát hiện được 483 loài thuộc 32 chi, 136 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó gặp

7 loài được mô tả lần đầu tiên

Lê Ngọc Công, Hoàng Chung (1995) [12] nghiên cứu thành phần loài, dạng sống của savan bụi vùng đồi trung du Bắc Thái (cũ) đã phát hiện được 123 loài thuộc

47 họ khác nhau

Nguyễn Thế Hưng, Hoàng Chung (1995) [24] khi nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái, sinh vật học của savan Quảng Ninh và các mô hình sử dụng đã ghi nhận 60

họ thực vật khác nhau với 131 loài

Đỗ Tất Lợi (1995) [30] khi nghiên cứu các loài cây thuốc đã công bố 798 loài thuộc 164 họ có ở hầu hết các tỉnh nước ta

Lê Trọng Cúc, Phạm Hồng Ban (1996) [17] nghiên cứu của sự biến động thành phần loài thực vật sau nương rẫy ở huyện Con Cuông, Nghệ An nhận xét rằng: do ảnh hưởng của canh tác nương rẫy nên thành phần loài và số lượng cây gỗ trên một đơn vị diện tích có xu hướng giảm dần, đơn giảm hóa để tái ổn định

Nguyễn Nghĩa Thìn (1998) [38] đã thống kê thành phần loài của Vườn Quốc gia Tam Đảo có khoảng 2.000 loài thực vật, trong đó có 904 loài cây có ích thuộc 478 chi, 213 họ của 3 ngành: Dương xỉ, Hạt trần và Hạt kín Các loài này được xếp thành

8 nhóm có giá trị khác nhau Năm 1998, khi nghiên cứu về họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) ở Việt Nam, ông thu được 156 loài trong tổng số 425 loài của họ Thầu dầu và chia làm 7 nhóm theo cách sử dụng

Nguyễn Nghĩa Thìn (1998) [38] khi tổng kết các công trình nghiên cứu về khu

hệ thực vật ở Việt Nam đã ghi nhận có 2.393 loài thực vật bậc thấp và 1.373 loài thực vật bậc cao thuộc 2.524 chi, 378 họ

Trang 17

Lê Ngọc Công (1998) [13] khi nghiên cứu tác dụng cải tạo môi trường của một

số mô hình rừng trồng ở một số tỉnh miền núi phía bắc đã công bố thành phần loài gồm

211 loài thuộc 64 họ

Thái Văn Trừng (1998) [47] khi nghiên cứu về hệ thực vật Việt Nam đã có nhận xét về tổ thành loài thực vật của tầng cây bụi như sau: trong các trạng thái thảm khác nhau của rừng nhiệt đới Việt Nam, tổ thành loài của tầng cây bụi chủ yếu có sự đóng

góp của các chi Psychotria, Prismatomeris, Pavetta (họ Cà phê - Rubiaceae); chi

Tabermontana (họ Trúc đào - Apocynaceae); chi Ardisia, Maesa (họ Đơn nem -

Myrsinaceae)

Lê Đồng Tấn (2000) [37] khi nghiên cứu quá trình phục hồi rừng tự nhiên sau nương rẫy ở Sơn La đã kết luận: mật độ cây giảm khi độ dốc tăng, mật độ cây giảm từ chân lên đỉnh đồi, mức độ thoái hóa đất ảnh hưởng đến mật độ, số lượng loài cây và tổ thành loài cây Kết quả cho thấy ở tuổi 4 có 41 loài; tuổi 10 có 56 loài; tuổi 14 có 53 loài

Trần Đình Đại (2001) [18] căn cứ vào kết quả điều tra thực địa, mẫu vật lưu giữ tại các phòng tiêu bản đã thống kê danh lục các loài thực vật tại vùng Tây Bắc bộ (Lai Châu, Lào Cai, Sơn La) gồm 226 họ, 1.050 chi và 3.074 loài thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch

Phạm Hoàng Hộ (1999) [22] trong “Cây cỏ Việt Nam” đã thống kê số loài thực vật bậc cao có mạch hiện có của hệ thực vật Việt Nam là 10.500 loài

Lê Ngọc Công (2004) [14] nghiên cứu hệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã thống

kê các loài thực vật bậc cao có mạch của tỉnh Thái Nguyên là 160 họ, 468 chi, 654 loài chủ yếu là cây lá rộng thường xanh, trong đó có nhiều cây gỗ quý như: Lim, Dẻ, Trai, Nghiến…

Theo hướng này, nhiều công trình đã công bố các số liệu về thành phần loài thực

vật ở các vùng, các khu vực khác nhau như: Trần Minh Tuấn (2014)[5], Vũ Anh Tài

(2015) [36], Chử Khoa Vân Trang (2015) [43]

1.2 Những nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc trên thế giới và ở Việt Nam

1.2.1 Những nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc trên thế giới

Lịch sử nghiên cứu về cây thuốc đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm Nước

ta cũng như nhiều nước trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ…) đã

Trang 18

chú ý sử dụng cây thuốc trong phòng và chữa bệnh, đặc biệt phát triển rộng rãi ở các nước phương Đông

Tài liệu cổ về cây thuốc hiện còn lại không nhiều, tuy nhiên có thể coi năm 2838 trước Công nguyên (TCN) là năm hình thành bộ môn nghiên cứu cây thuốc và dược liệu Cuốn “Kinh Thần Nông” (Shén nong Bencaoing, vào thế kỷ I sau Công nguyên (SCN)) đã ghi chép 364 vị thuốc Đây là cuốn sách tạo nền tảng cho sự phát triển liên tục của nền y học dược thảo Trung Quốc cho đến ngày nay [6]

Năm 1595, Lý Thời Trân (Trung Quốc) đã tổng kết tất cả các kinh nghiệm về cây thuốc và dược liệu để soạn thành quyển: “Bản thảo cương mục” Đây là cuốn sách

vĩ đại nhất của Trung Quốc về lĩnh vực này Tác giả đã mô tả và giới thiệu 1.094 cây thuốc và vị thuốc từ cây cỏ [42]

Năm 384 - 322 (TCN), Aristote người Hy Lạp đã ghi chép và lưu trữ sớm nhất

về kiến thức cây cỏ ở nước này Sau đó, năm 340 (TCN) Theophraste với tác phẩm

“Lịch sử thực vật” đã giới thiệu gần 480 loài cây cỏ và công dụng của chúng Tuy công trình của ông mới chỉ dừng lại ở mức mô tả, thống kê, song nó mở đầu cho một giai đoạn tìm tòi, nghiên cứu sâu về lĩnh vực này [11]

Thầy thuốc người Hy Lạp Dioscorides năm 60 - 20 (TCN) giới thiệu 600 loài cây cỏ chủ yếu để chữa bệnh Đồng thời, ông cũng là người đặt nền móng cho nền y dược học [11]

Năm 79 - 24 (TCN) nhà tự nhiên học người La Mã Plinus soạn thảo sách “Vạn vật học” gồm 37 tập giới thiệu 1000 loài cây có ích [11]

Năm 1952, tác giả người Pháp A Pétélot có công trình “Les phantes de médicinales du Cambodye, du Lao et du Việt Nam” gồm 4 tập nghiên cứu về cây thuốc

và sản phẩm làm thuốc từ thục vật ở Đông Dương

Như vậy, những công trình nghiên cứu về dược liệu đã có từ lâu đời, hình thành

và phát triển cùng với tiến trình lịch sử của nhân loại Tuy nhiên, do sự hạn chế của trình độ khoa học đương thời nên những công trình này chỉ dừng lại ở mức độ mô tả, thống kê và chỉ ra công dụng của chúng, chưa có cơ sở để chứng minh thành phần hóa học của chúng có tồn tại trong đó và tham gia vào việc chữa bệnh như thế nào Chỉ đến khi khoa học kỹ thuật phát triển thì vấn đề này mới được làm sáng tỏ, tạo độ tin cậy đối với người bệnh khi sử dụng

Trang 19

1.2.2 Những nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tập quán sử dụng cây thuốc đã có từ lâu Có thể nói, nó xuất hiện

từ buổi đầu sơ khai, khi con người còn sống theo lối nguyên thủy Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, tổ tiên chúng ta đã ngẫu nhiên phát hiện ra công dụng và tác hại của nhiều loại cây Suốt một thời gian dài như vậy, tổ tiên chúng ta đã dần dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm, biết lợi dụng tính chất của cây rừng để làm thức ăn và làm thuốc chữa bệnh

Từ những buổi đầu dựng nước, dưới thời các vua Hùng, ông cha ta đã biết sử dụng Hành, Tỏi, Gừng, Riềng…làm gia vị trong những bữa ăn hàng ngày

Thế kỷ XI (TCN), nhân dân ta có tục ăn trầu cho ấm người, thơm miệng, uống nước chè xanh cho mát, nụ vối cho dễ tiêu… Điều đó nói lên những hiểu biết về dinh dưỡng và sử dụng thuốc của dân tộc

Thế kỷ II (TCN), hàng trăm loại thuốc đã được phát hiện như: Sắn dây, Khoai lang, Mơ, Quýt… và trong thời kỳ Bắc thuộc, nhiều vị thuốc của ta đã được xuất sang Trung Quốc [20]

Dưới triều vua nhà Lý (1010 - 1244) có nhiều lương y nổi tiếng, trong đó có nhà

sư Minh Không (Nguyễn Chí Thành) ở chùa Giao Thủy đã có công chữa bệnh cho Lý Thần Tông Nhà Lý đặt quan hệ với Tống Huy Tông (Trung Quốc) trao đổi thuốc Nam lấy thuốc Bắc [20]

Dưới triều Trần (1244 - 1399), đã có kế hoạch tự túc thuốc Nam để kháng chiến Tướng Phạm Ngũ Lão đã trồng cây thuốc ở Vạn An và Dược Sơn (Hải Dương) để cung cấp cho quân y [11]

Thế kỷ XVIII, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1729 - 1791) đã thừa kế dược học của Tuệ Tĩnh chép vào tập “Lĩnh Nam bản thảo”, nội dung gồm 496 vị thuốc Nam của “Nam dược thần hiệu” và phát hiện thêm hơn 300 vị thuốc nữa Tư liệu vĩ đại nhất của ông là bộ sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển viết về lý luận cơ bản, phương pháp chuẩn đoán, trị bệnh [20]

Ngoài bộ sách trên, còn kể đến tập “Vạn phương thập nghiệm” của Nguyễn Nho

và Ngô Văn Tình gồm 8 tập, xuất bản năm 1763 Tập “Nam bang thảo mộc” của Trần Nguyệt Phương mô tả 100 loài cây thuốc Nam, xuất bản năm 1858 [16]

Triều Tây Sơn (1788 - 1808) Nguyễn Hoành đã để lại tập “Nam dược” với 620

vị thuốc, với các phương thuốc kinh nghiệm gia truyền [11]

Trang 20

Triều Nguyễn (1802 - 1845) có quyển “Nam dược tập nghiệm quốc âm” của Nguyễn Quang Lượng về phương thuốc dân gian [11]

Sau cách mạng tháng 8 - 1945, y dược học cổ truyền đạt được những thành tựu

to lớn Dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế cùng y học hiện đại, sức khỏe của người dân được quan tâm và chăm lo chu đáo hơn [11]

Sau khi nước nhà thống nhất (năm 1975), việc nghiên cứu cây thuốc ở nước ta được quan tâm nhiều Có nhiều tác giả đi sâu vào nghiên cứu, tìm tòi và phát hiện thêm nhiều loài cây thuốc mới [11]

Trần Đình Lý (1995) đã xuất bản “1900 loài cây có ích” cho biết trong số các loài thực vật bậc cao có mạch đã biết ở Việt Nam, có 76 loài cho nhựa thơm, 160 loài

có tinh dầu, 260 loài cho dầu béo, 600 loài chứa tanin, 50 loài cây gỗ có giá trị, 40 loài tre nứa, 40 loài song mây [31]

Lương y lão thành, thầy thuốc ưu tú Lê Trần Đức với tác phẩm “Cây thuốc Việt Nam” (1995) đã mô tả hơn 830 loài cây thuốc và giới thiệu cách trồng, hái, chế biến, trị bệnh ban đầu [21]

Đỗ Tất Lợi (1970 - 2005) khi nghiên cứu các loài cây thuốc và vị thuốc Việt Nam đã công bố 793 loài thuộc 164 họ ở hầu hết các tỉnh nước ta Trong tài liệu này, tác giả cũng tiến hành mô tả từng cây, cách thu hái và chế biến, thành phần hóa học, công dụng và liều dùng Tuy nhiên, nơi phân bố của từng loài tác giả giới thiệu rất khái quát [30]

Võ Văn Chi (1996) với bộ sách “Từ điển cây thuốc Việt Nam” đã giới thiệu 3.200 loài cây mọc hoang và trồng ở Việt Nam Tác giả đã mô tả khá chi tiết từng loài,

bộ phận dùng, nơi sống và thu hái, tính vị, công dụng của chúng Ngoài ra, sách còn có hình vẽ và ảnh chụp một số loài cây nên thuận lợi cho việc tra cứu [6]

Đặng Quang Châu, Bùi Hồng Hải (2003), khi điều tra các loài cây thuốc của dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã thu được 93 loài thuộc 7 chi 42 họ [5]

Lê Ngọc Công, Nguyễn Văn Hoàn (2006), nghiên cứu đa dạng các loài cây thuốc ở khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Bắc Giang) đã thống kê được 152 loài,

133 chi thuộc 72 họ, có tác dụng chữa trị 19 nhóm bệnh khác nhau Các tác giả chưa

mô tả được đặc điểm hình thái từng loài cũng như nơi sống của chúng [15]

Trang 21

Lê Ngọc Công, Bùi thị Dậu, Đinh Thị Phượng (2007), nghiên cứu sự đa dạng các loài cây có ích ở Phú Lương (Thái Nguyên), trong đó nhóm cây làm thuốc có 269 loài, 90 họ thuộc 4 ngành thực vật bậc cao có mạch [16]

Cùng với sự ra đời của các công trình nghiên cứu, nhiều tổ chức về y học dân tộc được thành lập: Hội Đông y Việt Nam, Viện nghiên cứu Đông y… đã thành công trong việc điều tra, sưu tầm dược liệu: sưu tầm được 1.863 loài cây thuốc thuộc 238 họ thực vật, thu thập 8.000 tiêu bản của 1.296 loài [5]

Trong những năm gần đây, có nhiều công trình mới nghiên cứu về cây thuốc và được đúc rút thành những cuốn sách có giá trị Cuốn “Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược” của tác giả Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần và Bùi Xuân Chương, xuất bản năm

2000 Năm 2006, Viện Dược liệu đã cho ra đời cuốn “Nghiên cứu thuốc từ thảo dược” Cùng năm, cuốn “Cây có vị thuốc ở Việt Nam” của Phạm Hoàng Hộ đã góp phần cho việc điều tra về y dược thiên nhiên và y dược dân tộc của nước ta Gần đây , Tào Duy Cần và Trần Sỹ Viên (2007) đã thống kê trên 500 vị thuốc Nam - Bắc thường dùng với hàng chục nghìn bài thuốc trong cuốn “Cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc Việt Nam” [3]

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về y học cổ truyền bản địa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn ít đề cập đến, có thể nói công trình đầu tiên của Võ Thị Thường (1986) đã nghiên cứu các loài cây ăn được của đồng bào Mường Trong đó tác giả đã giới thiệu 89 loài thuộc 38 họ, đồng thời đưa ra một số nhận xét về mối quan hệ giữa việc sử dụng cây thuốc của đồng bào Mường với điều kiện sống và nơi ở của họ Công trình nghiên cứu của Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngô Trực Nhã (2001) về vấn đề Thực vật học dân tộc: Cây thuốc của đồng bào Thái ở Con Cuông - Nghệ An Trong đó các tác giả đã đánh giá tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc, vấn đề sử dụng cây thuốc và đặc biệt là đánh giá tính hiệu quả của cây thuốc mà đồng bào dân tộc Thái sử dụng Năm 2003, Trần Văn Ơn trong luận án Tiến sĩ dược học “Góp phần nghiên cứu bảo tồn cây thuốc ở Vườn Quốc gia Ba Vì”, ông đã điều tra được 503 loài cây thuốc được người Dao sử dụng thuộc 321 chi, 118 họ của 5 ngành thực vật [32]

Trên thế giới cũng như Việt Nam đều đánh giá cao sự phong phú, ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học cũng như giá trị thực tiễn của nguồn tài nguyên cây thuốc Cây thuốc dân tộc và đặc biệt tri thức y học dân tộc cổ truyền Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì, tồn tại và phát triển của dân tộc ta từ xa xưa đến nay Việc ứng

Trang 22

dụng những kinh nghiệm dân gian và nghiên cứu Thực vật học dân tộc ở Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng là rất cần thiết để góp phần phát triển nền kinh

tế của đồng bào dân tộc Vì vậy, để phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen, bảo tồn những kinh nghiệm phong phú và quý báu của đồng bào dân tộc thì vấn đề điều tra, thu thập cây thuốc và kinh nghiệm sử dụng của cộng đồng là hoạt động quan trọng nhất trong công tác bảo tồn

1.3 Những nghiên cứu về các loài thực vật làm thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, do những nguyên nhân khác nhau, nhiều loài thực vật đã bị tuyệt chủng hoặc bị đe doạ tuyệt chủng, các nguồn tài nguyên sinh học không ngừng bị bị suy giảm Để nâng cao nhận thức trong xã hội và toàn cộng đồng về tính cấp thiết của việc bảo tồn đa dạng sinh học, từ năm 1964 hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã cho xuất bản các Bộ sách đỏ nhằm cung cấp một cách khoa học và có hệ thống danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới

Năm 1994, IUCN đã đề xuất những thứ hạng và tiêu chuẩn mới cho việc phân hạng tình trạng các loài động vật, thực vật bị đe doạ trên thế giới [35] Các thứ hạng

và tiêu chuẩn của IUCN được cụ thể hoá như sau: Loài tuyệt chủng (EX), loài rất nguy cấp (CR), loài nguy cấp (EN), loài sẽ nguy cấp (VU)

Ở Việt Nam, tuyển tập “Sách đỏ Việt Nam (phần thực vật)” của tập thể tác giả thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam là tài liệu duy nhất công bố một cách đầy đủ các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam Cuốn sách được xuất bản vào các năm 1992, 1996 và mới nhất là năm 2007 Trong cuốn “sách đỏ Việt Nam (phần thực vật)” năm 2007 đã công bố 847 loài (thuộc 201 họ) quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ [35]

Theo nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã chia thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thành 2 nhóm [8]:

Trang 23

- Nhóm I: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số lượng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao Thực vật rừng, động vật rừng nhóm I được phân thành: nhóm IA gồm các loài thực vật rừng thuộc 2 ngành là: ngành Thông với 7 loài và ngành Mộc lan với 8 loài, nhóm IB gồm các loài động vật rừng

- Nhóm II: Hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh

tế, số lượng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng Thực vật rừng, động vật rừng nhóm II cũng được chia thành: nhóm IIA gồm các loài thực vật rừng thuộc 2 ngành: ngành Thông với 10 loài và ngành Mộc lan với 27 loài, nhóm IIB gồm các loài động vật rừng

Ngoài tập “Sách đỏ Việt Nam (phần thực vật)” thống kê số loài thực vật có nguy

cơ tuyệt chủng của cả nước, thì các công trình nghiên cứu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở từng vùng và khu vực cụ thể còn rất ít Một số công trình đáng chú ý là:

Nguyễn Thị Yến (2008) [54] khi nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và tính đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở một số kiểu thảm thực vật tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã thống kê được 20 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 15 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU) và 5 loài ở mức nguy cấp dựa theo những thứ hạng và tiêu chuẩn của Sách đỏ Việt Nam (2007) và IUCN

Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ (2009) khi nghiên cứu hiện trạng

hệ thực vật ở khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã thống kê và lập danh mục số loài thực vật quý hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phương Hoàng gồm có 44 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 22 loài có tên trong nghị định số 32/2006/NĐ-CP

Vũ Thị Lượng (2013) khi nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học một số loài cây thuốc bản địa tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cho thấy có 10 loại cây mà người dân bản địa cho là quý hiếm So sánh đánh giá của người dân với đánh giá của Sách đỏ

Trang 24

Việt Nam (2007) cho thấy trong số 10 loại cây người dân cho là quý hiếm thì có tới 4 cây nằm trong Sách đỏ Việt Nam

1.4 Những nghiên cứu về thảm thực vật, đa dạng thực vật và các loài thực vật làm thuốc ở Cao Bằng và khu vực nghiên cứu

Những nghiên cứu về thảm thực vật, đa dạng thực vật và các loài thực vật làm thuốc ở tỉnh Cao Bằng còn ít, chỉ có một số công trình nghiên cứu đó là:

Lê Vũ Khôi (2003) [26] khi nghiên cứu đa dạng sinh học vùng núi đá vôi Thang Hen, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng đã xác định được 340 loài, thuộc 233 chi, 84 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch là Thông đất, Dương xỉ, Hạt trần và Hạt kín

Một số loài điển hình ở khu vực nghiên cứu là Thiết sam giả lá ngắn (Pseudotsuga

brevifolia), Thông pà cò (Pinus kwangtungensis var varifolia), đặc biệt là các loài

trong họ Phong lan Orchidaceae

Nguyễn Hữu Tứ và cộng sự (2009) [48] khi nghiên cứu hệ thực vật ở Khu bảo tồn loài Vượn Cao vít, Trùng Khánh, Cao Bằng đã xác định được ở khu vực nghiên cứu có 6 kiểu thảm chính gồm: rừng á nhiệt đới thường xanh cây lá rộng ở thung lũng, rừng tre nứa ở thung lũng, rừng á nhiệt đới thường xanh cây lá rộng ở sườn núi, rừng

á nhiệt đới thường xanh hỗn giao cây lá rộng và hạt trần ở khu vực đỉnh, trảng bụi nhiệt đới thường xanh thứ sinh và trảng cỏ nhiệt đới thường xanh thứ sinh Hệ thực vật đã thống kê được 960 loài, 541 chi, 144 ho ̣, thuộc 4 ngành thực vật bậc cao có mạch (Thông đất, Dương xỉ, Hạt trần và Hạt kín) Đã xây dựng được phổ dạng sống là SB = 76,4 Ph + 8,9Ch + 4,4 Hm + 3,6 Cr + 6,7 Th Các yếu tố địa lý thực vật có số loài nhiều nhất gồm Ấn Độ, Nam Trung Hoa, Châu Á nhiệt đới và Đông Dương Đã thống kê được 10 nhóm công dụng (làm thuốc; lượng thực, thực phẩm; cho gỗ, củi; làm cảnh; dầu béo; sợi; tinh dầu; tanin; thuốc nhuộm; thức ăn cho vật nuôi; vật liệu xây dựng và nhựa) và 34 loài quý hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam (2007)

Trần Công Khánh (2012) đã chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ 1969-1973 toàn tỉnh Cao Bằng có 617 loài cây thuốc phân bố tại tất cả 13 huyện, thị trong tỉnh và đội ngũ

800 lương y có nhiều bài thuốc dân gian, nhiều kinh nghiệm quý trong chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh Nhiều loài thuốc quý phân bố các địa phương như ở Huyện Bảo Lạc: Hà thủ ô đỏ, Hoàng tinh Các huyện Thông Nông, Nguyên Bình, Hà Quảng: Ô

Trang 25

đầu, Củ mật gấu, Chè dây, Ba kích, Bình vôi, Hoàng đằng, Bảy lá một hoa, Thanh thiên quỳ, Kê huyết đằng, Thầu dầu tía, Sa nhân, Kim tuyến Các huyện Thạch An, Hoà An: Cốt toái bổ, Củ bình vôi, Sói rừng, Chè đắng, Sâm cau Các huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hạ Lang, Quảng Uyên: Giảo cổ lam, Kim ngân, Đỗ trọng nam, Kim anh, Cẩu tích, vv Tác giả cũng đưa ra một số đề xuất để bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quý tại địa phương [25]

Trần Thị Thu Thủy, La Quang Độ, Nguyễn Quang Hùng (2014) khi nghiên cứu khu hệ thực vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc - Phia Đén đã xác định được thành phần loài thực vật quý hiếm và nguy cấp tại KBTTN gồm 33 loài thuộc 27 chi, 20 họ thuộc 3 ngành thực vật khác nhau Trong đó có 8 loài ở cấp độ thế giới (IUCN, 2011),

16 loài (7 loài thuộc nhóm IA và 9 loài thuộc nhóm IIA) được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP Dạng sống của thực vật quý hiếm tại khu vực nghiên cứu có 3 dạng sống chính là cây chồi trên mặt đất, cây chồi sát mặt đất và nhóm chồi ẩn Tỷ lệ nhóm các dạng sống có khác nhau, nhóm có tỷ lệ cao nhất là nhóm chồi trên mặt đất (Ph) chiếm 78,79%, dạng sống ít nhất nhóm chồi ẩn (Cr) 3,03% [40]

Ngày 30/12/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 Trong

đó, chuyển hạng khu Bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc - Phia Đén thành Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nhằm bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng; nguồn gen động thực vật rừng quý, hiếm (gồm 47 loài thực vật và 66 loài động vật); cảnh quan thiên nhiên, diện tích tự nhiên 11.960 ha, thuộc huyện Nguyên Bình, trên địa phận của các

xã Ca Thành, Mai Long, Phan Thanh, Quang Thành, Thành Công và một phần nhỏ của thị trấn Tĩnh Túc và xã Vũ Nông [51]

Trang 26

Chương 2 MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Mục tiêu nghiên cứu

* Kết quả nghiên cứu sẽ bổ sung những tư liệu về tài nguyên cây thuốc và đặc điểm của chúng trong một số trạng thái thảm thực vật ở xã Thành Công Đồng thời, góp phần đánh giá đầy đủ giá trị nguồn tài nguyên sinh vật và hệ sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc - Phia Đén

* Kết quả làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý, bảo tồn và bổ sung tư liệu

về nguồn gen cây thuốc tại địa phương

2.2 Đối tượng và địa điểm nghiên cứu

2.2.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là toàn bộ các loài thực vật bậc cao có mạch trong một số trạng thái thảm thực vật: Thảm cỏ, thảm cây bụi, rừng trồng thông (trên

70 tuổi), rừng thứ sinh tại xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

2.2.2 Địa điểm nghiên cứu

- Xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

2.3 Nội dung nghiên cứu

- Nghiên cứu đa dạng hệ thực vật tại KVNC

- Nghiên cứu đa dạng về các bậc taxon cây thuốc ở khu vực nghiên cứu: bậc ngành, bậc họ, bậc chi

- Đa dạng thành phần loài cây thuốc trong các trạng thái thảm thực vật

- Đa dạng các yếu tố địa lý thực vật của các loài cây thuốc

- Đa dạng thành phần dạng sống của các loài cây thuốc

- Đa dạng về các bộ phận làm thuốc của các loài cây thuốc

- Một số bài thuốc và tình hình sử dụng cây thuốc ở địa phương

- Danh sách các loài cây thuốc quý hiếm ở KVNC

2.4 Phương pháp nghiên cứu

2.4.1 Phương pháp điều tra theo tuyến và ô tiêu chuẩn (OTC)

Phương pháp ô tiêu chuẩn và tuyến điều tra được sử dụng trong đề tài theo

Nguyễn Nghĩa Thìn (2007) [43] và Hoàng Chung (2008) [10]

Trang 27

- Tuyến điều tra: Căn cứ vào địa hình cụ thể của khu vực nghiên cứu lập các tuyến điều tra Tuyến điều tra có hướng vuông góc hoặc song song với đường đồng mức, khoảng cách giữa các tuyến điều tra là 50-100 m tùy vào loại hình cụ thể của từng quần xã Chiều rộng của TĐT là 4m.Dọc tuyến điều tra bố trí các ô tiêu chuẩn (OTC)

và các ô dạng bản (ODB) để thu thập số liệu

- Ô tiêu chuẩn (OTC): Áp dụng ô tiêu chuẩn có diện tích 400m2 (20m x 20m) cho các trạng thái rừng, 100m2 (10m x 10m) đối với thảm cây bụi, 1m2 (1m x 1m) đối với thảm cỏ thấp Đối với rừng thứ sinh, trong mỗi OTC lập 5 ô dạng bản (ODB), mỗi ODB có diện tích 4m2 (2m x 2m) và rừng trồng Thông, trong mỗi OTC lập 5 ô dạng bản (ODB), mỗi ODB có diện tích 25m2 (5m x 5m) thu thập số liệu về thành phần của thực vật Trong các OTC và ODB tiến hành xác định tên khoa học của các loài cây

2.4.2 Phương pháp thu mẫu thực vật

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi áp dụng các phương pháp thu mẫu thực vật sau:

- Đối với tuyến điều tra, tiến hành ghi chép các thông tin về từng loài cây bắt gặp trên tuyến như: tên Việt Nam (hoặc tên Latinh), dạng sống Những loài cây chưa xác định được tên thì thu thập mẫu về phân loại sau

- Đối với ô tiêu chuẩn, tiến hành thu thập mẫu trong các ô nhỏ (ô dạng bản), cách thu mẫu cũng giống như ở tuyến điều tra

2.4.3 Phương pháp phân tích mẫu vật

- Xác định tên các loài cây (tên khoa học và tên Việt Nam) theo các tài liệu: Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây gỗ rừng Việt Nam, Danh lục các loài thực vật Việt Nam của Nguyễn Tiến Bân (2003, 2005), Thực vật chí Việt Nam để chỉnh lý và lập danh lục các loài thực vật nói chung tại vùng nghiên cứu

- Xác định các loài thực vật làm thuốc theo các tài liệu: Cây thuốc Việt Nam (Lê Trần Đức, 1995)[19], Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi, 2004)[30],

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi, 2012)[7], Cây thuốc và động vật làm thuốc

ở Việt Nam (Viện dược liệu, 2004) [53], Danh lục các loài thực vật Việt Nam (Nguyễn Tiến Bân, 2003, 2005)

- Xác định hệ thống các yếu tố địa lý thực vật của các loài cây thuốc tại khu vực nghiên cứu theo “Các phương pháp nghiên cứu thực vật” của Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007 [39]

Trang 28

- Xác định dạng sống theo thang phân loại của Raunkiaer (1934) theo Hoàng Chung (2008) [10]

- Xác định các loài thực vật làm thuốc quý hiếm tại khu vực nghiên cứu theo các tài liệu: “Sách đỏ Việt Nam (phần thực vật)” năm 2007 [35], danh lục đỏ các loài cây thuốc Việt Nam của Viện dược liệu, năm 2004 [53], Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm [8]

2.4.4 Phương pháp điều tra trong nhân dân

Điều tra tình hình sử dụng cây thuốc và một số bài thuốc theo phương pháp nghiên cứu thực vật dân tộc học của Nguyễn Nghĩa Thìn (2007) [39]

Trang 29

Chương 3 ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - KINH TẾ XÃ HỘI KHU VỰC NGHIÊN CỨU 3.1 Điều kiện tự nhiên [61]

Tổng diện tích tự nhiên: 841.012 km²

Xã Thành Công nằm ở phía Nam của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao bằng, cách trung tâm huyện 45 km cách trung tâm thành phố Cao Bằng 90 km

- Phía Bắc giáp xã Quang Thành

- Phía Đông giáp xã Hưng Đạo

- Phía Nam giáp xã Cốc Đán (Ngân Sơn, Bắc Kạn), xã Phúc Lộc và Bành Trạch (Ba Bể, Bắc Kạn)

- Phía Tây giáp xã Phan Thanh

Xã có tổng diện tích tự nhiên 8157,79 ha Trong đó đất sản xuất nông nghiệp 756,25 ha chiếm 9,3%, đất lâm nghiệp 6776,02 ha chiếm 83%, Đất nuôi trồng thủy sản 2,66 ha; đất phi nông nghiệp 90,75 ha; đất chưa sử dụng 532,11ha

Xã Thành Công được chia thành các xóm: Cốc Vường, Bản Chang, Khau Cảng, Khau Vài, Lũng Quang, Nà Bản, Nà Rẻo, Nà Vài, Phia Đén, Bản Đổng, Nặm Phiêng,

Pù Vài, Nhả Máng, Tát Sâm

Trang 30

3.1.2 Địa hình

Do kiến tạo địa chất, địa hình huyện Nguyên Bình hình thành 2 vùng rõ rệt: vùng núi đá và vùng núi đất Độ cao trung bình từ 800m đến 1.100m, thấp dần từ tây sang đông Vùng núi đá chạy dài theo hướng Tây - Tây Bắc bao quanh núi đất, nối tiếp nhau thấp dần về phía Đông Bắc Từ xã Thành Công, Mai Long, Ca Thành, Yên Lạc, Triệu Nguyên, Minh Thanh, Bắc Hợp nối liền dãy núi đá Lam Sơn, Minh Tâm, có nhiều ngọn núi cao trên 1000m Dãy Toong Tinh (xã Phan Thanh) cao 1120m, núi Tam Luông (xã Thành Công) cao 1.300m, núi Phia Oắc (xã Phan Thanh) cao 1.931m, quanh năm mây bao phủ Vùng núi đất bao gồm những dãy núi ở phía Đông và phía Đông Nam nối tiếp nhau gợn sóng gối vào thềm núi đá tạo thành thế trụ vững chắc, bức tường ngàn đời che chắn nạn ngoại xâm Những dãy núi này kéo dài từ xã Hoa Thám, Tam Kim, Lang Môn đến Quang Thành, Thành Công, Thể Dục

Xen giữa những dãy núi đá, núi đất là những khu đồi đất nhấp nhô, độ cao 500m,

có những đồng cỏ xanh như Phia Đén (Thành Công), Nà Nu (Lang Môn) Núi đồi đồng

cỏ, khoáng sản là những tiềm năng kinh tế của nhân dân các dân tộc huyện Nguyên Bình

Xã Thành Công có địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc cao, đường đi lại khó khăn đối với địa bàn xóm; gây khó khăn cho phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trao đổi hàng hóa của bà con nhân dân

Trên địa bàn xã Thành Công có một số ngọn núi như Phia Chao, Phia Thán, Phia Đén Các dòng nước trên địa bàn gồm suối Bản Đổng, suối Bản Sẻ, suối Nặm Dân, suối Khau Cảng, nậm Pác Khuổi Lò, nậm Tòng Tỉnh lộ 212 đi từ phía Bắc xuống phía Tây Nam của xã và nối sang tỉnh Bắc Kạn

3.1.3 Địa chất, thổ nhưỡng

Theo tài liệu thổ nhưỡng của huyện, trên địa bàn có những loại đất chính sau:

- Đất Feralit mầu đỏ nâu trên núi đá vôi: Phân bố tập trung ở độ cao từ 700m -

1700m so với mặt nước biển

- Đất Feralít mầu vàng nhạt núi cao: Loại đất này có quá trình Feralít yếu, quá

trình mùn hoá tương đối mạnh, thích hợp với một số loài cây trồng: Thông, Sa mộc,

Trang 31

Tông dù, Lát hoa, Dẻ đỏ, Trẩu, Sở và một số loài cây đặc sản, cây thuốc, cây ăn quả khác

- Đất Feralít mầu đỏ vàng núi thấp: Phân bố ở độ cao từ 300 - 700m, hình thành

trên các loại đá mẹ mácma axít, trung tính kiềm, đá sạn kết, đá vôi Đất chứa ít khoáng nguyên sinh, phản ứng chua, loại đất này thích hợp với một số loài cây trồng: Thông,

Sa mộc, Tông dù, Kháo vàng, Cáng lò, Lát hoa, Keo, Dẻ đỏ, Trẩu, Sở, Hồi, Quế, Chè đắng và một số loài cây thuốc, cây ăn quả khác

- Đất bồn địa và thung lũng: Bao gồm đất phù sa mới, cũ, sản phẩm đất dốc tụ,

sản phẩm hỗn hợp, loại đất này được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp

Bảng 3.1 Hiện trạng rừng và các loại đất đai ở Xã Thành Công

Trang 32

Loại đất loại rừng Diện tích (ha)

- Không có cây gỗ tái sinh 396,6

- Không có cây gỗ tái sinh 832,2

Nguồn: Theo kết quả điều tra hiện trạng rừng và đất rừng năm 2012 của Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Đông Bắc bộ

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 5.048 ha, trong đó đất ruộng có 1.323 ha Dọc

theo các con sông là những cánh đồng nhỏ hẹp của các xã: Thể Dục, Minh Thanh, Bắc Hợp, Tam Kim; cánh đồng Phiêng Pha thuộc xã Mai Long bằng phẳng, nguồn nước dựa vào tự nhiên, khi hạn hán thì mất mùa Ngoài ra còn có các khu ruộng bậc thang bên đồi núi ở các xã Thành Công, Quang Thành, Thể Dục, những nơi phát triển lúa nương như

xã Hoa Thám, Thịnh Vượng Đất nương rẫy 2.221 ha chủ yếu để trồng Ngô và Sắn Cây

Lúa, Ngô là cây lương thực chính của nhân dân huyện Nguyên Bình Đồng cỏ 1.150 ha phục vụ cho chăn thả gia súc (Trâu, Bò, Dê, Ngựa)

Đất lâm nghiệp 67.242ha, tỉ lệ che phủ 54,04%, có khu vực rừng Phia Oắc, phia Đén là rừng đặc dụng, phòng hộ, trong đó diện tích rừng nguyên sinh còn khá lớn Trong rừng, ngoài các loại gỗ quý như Nghiến, Lát, Sến và các cây Trúc, Trẩu, Hồi, Thông là những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, còn có các loại động vật, thực vật quý hiếm như Báo, Nai, Gấu, Khỉ, Lợn rừng và các loại lâm sản như: Thảo quả, Sa

Trang 33

nhân, Mộc nhĩ, Nấm hương, Măng trúc, Măng mai đó là những tiềm năng lớn của rừng núi Nguyên Bình

thôn năm 2005 - 2010][50]

Dưới lòng đất có nhiều khoáng sản hiếm như: Thiếc, Sắt, Titan, Vonfram, Vàng Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Bình Đường, Tài Soỏng, Lũng Mười đã được khai thác từ lâu Có các điểm vàng Sa Khoáng như Kim Liên, Kim San (Tĩnh Túc), Lũng Kim (Vũ

Trang 34

Nông) Dọc sông Nhiên từ đầu xã Tam Kim đến cuối xã Hoa Thám, dọc sông Nguyên Bình từ Thể Dục đến Nà Ngàn (Trương Lương, Hòa An); dọc sông Năng đoạn thuộc

xã Mai Long và Phan Thanh là những nơi có vàng sa khoáng có hàm lượng cao từ 70

- 90% Mỏ thiếc Tĩnh Túc là nơi hội tụ người dân ở nhiều nơi đến khai thác vàng và thiếc

3.1.4 Khí hậu, thủy văn

* Khí hậu:

Theo tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn huyện Nguyên Bình; khí hậu có đặc điểm đặc trưng của khí hậu lục địa miền núi cao, chia thành 2 tiểu vùng khí hậu khác nhau Vùng cao có khí hậu cận nhiệt đới, vùng thấp chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa; một năm có 2 mùa rõ rệt, đó là:

- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, chiếm 85,4% tổng lượng mưa cả năm, tập trung vào các tháng 7, 8 Lượng mưa bình quân năm 1.592 mm; năm cao nhất 1.736 mm; năm thấp nhất 1466 mm

- Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; thường chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ xuống thấp, lượng mưa ít, có nhiều sương mù

- Nhiệt độ trung bình cả năm 180C; nhiệt độ cao nhất từ tháng 5 đến tháng 9, trong khoảng 24,50 - 26,90 C, đặc biệt có khi lên tới 340 C; nhiệt độ thấp nhất từ tháng

11 đến tháng 2 năm sau, có khi xuống tới - 20C - 50C

- Độ ẩm bình quân cả năm là 84,3%, tháng có độ ẩm cao nhất vào tháng 7, 8 là trên 87%, thấp nhất vào tháng 12 là 80,5%

- Ngoài ra, còn có hiện tượng sương mù xuất hiện vào sáng sớm, chiều tối và đêm của tất cả các tháng trong năm; điểm sương mù nặng nhất là đỉnh đèo Colea Đặc biệt, khi nhiệt độ xuống thấp đã xuất hiện hiện tượng mưa tuyết ở khu vực đỉnh Phia Oắc và đèo Colea

Xã Thành Công có thời tiết khí hậu diễn biến phúc tạp, rét đậm rét hại kéo dài quanh năm

* Thủy văn:

Hệ thống sông, suối Nguyên Bình gồm 3 con sông lớn: Sông Nguyên Bình là một nhánh thượng nguồn của sông Bằng bắt nguồn từ Tĩnh Túc chảy qua các xã Thể

Trang 35

Dục, thị trấn Nguyên Bình, Minh Thanh, Bắc Hợp ra xã Trương Lương (huyện Hòa An) Sông có dòng chảy lớn, nơi có độ dốc cao như đạp Tà Sa, Nà Ngàn xây dựng được

2 trạm thủy điện nhỏ có công suất 850kW giờ cung cấp cho mỏ thiếc Tĩnh Túc Sông Nhiên bắt nguồn từ núi Phia Oắc, xã Thành Công chảy qua các xã Hưng Đạo, Tam Kim, Hoa Thám, Bạch Đằng (Hòa An) là thượng nguồn sông Hiến đến thị xã Cao Bằng hợp lưu với sông Bằng Sông Năng bắt nguồn từ huyện Bảo Lạc qua xã Bằng Thành (Pắc Nặm, Bắc Kạn) chảy qua địa phận xã Mai Long, Phan Thanh, Bành Trạch (Ba Bể, Bắc Kạn) Dọc theo các con sông là những cánh đồng nhỏ hẹp của các xã Thể Dục, Minh Thanh, Bắc Hợp, Tam Kim Ngoài ra còn có các khu ruộng bậc thang bên đồi núi ở các xã Thành Công, Quang Thành, Thể Dục, những nơi phát triển lúa nương như

xã Hoa Thám, Thịnh Vượng

3.2 Điều kiện kinh tế, xã hội

* Về dân số: Xã Thành Công có 16 xóm hành chính với tổng số 633 hộ với

2.893 nhân khẩu, bao gồm 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng riêng tạo nên một nền văn hóa phong phú đa dạng và đặc sắc cần được giữ gìn và phát huy Trong đó: Dân tộc Tày có 71 hộ (chiếm 11,37 %), Nùng: 145

hộ (23,23%), Dao: 411 hộ (65%), Kinh: 5 hộ (0,80%)

* Về giáo dục: Ngày càng được quan tâm đầu tư trang thiết bị vật chất phục vụ

cho công tác dạy và học, nâng cao về chất lượng giảng dạy và học tập

* Y tế: Xã đã có trạm y tế xã, 01 phòng khám đa khoa khu vực trong đó Trạm y

tế xã được biên chế 4 cán bộ trong đó: 2 Y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 y học cổ truyền Cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân

* Văn hóa, văn nghệ, thể thao: Xã Thành Công đã đạt một số thành tựu và có

những bước phát triển về mọi mặt đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cũng dần dần từng bước phát triển Xã thành lập được một đội văn nghệ tại xóm Bản Chang vẫn đang duy trì hoạt động, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững ổn định.Làng văn hóa đạt 9 làng, gia đình văn hóa đạt 465 hộ/ 632 hộ

* Đánh Giá tiềm năng của xã:

- Thuận lợi: Xã Thành Công có diện tích đất đồi núi rộng, phù hợp trồng các loại cây nông, lâm nghiệp, có điều kiện để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm.Khí

Trang 36

hậu mát mẻ phù hợp với một số loại cây trồng và dược liệu có giá trị kinh tế cao.Tình hình an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được giữ vững từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương

- Khó khăn: Đời sống và mức thu nhập nhân dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 64,7 %) Trình độ dân trí không đồng đều, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng mới có năng suất cao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế Một số ít hộ dân còn sử dụng các loại giống cây trồng địa phương năng suất, sản lượng thấp Ngoài ra, giá các loại phân bón, giống các loại cây trồng không ổn định và tăng cao nên người dân còn hạn chế sử dụng

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN NGUYÊN BÌNH, TỈNH CAO BẰNG

Khu vực nghiên cứu

Trang 37

Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.1 Đa dạng hệ thực vật ở khu vực nghiên cứu

Trong quá trình điều tra hệ thực vật tại khu vực nghiên cứu, chúng tôi đã thống

kê được 352 loài, 247 chi, 95 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch Trong đó ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) có số lượng loài, chi, họ lớn nhất với 328 loài (chiếm 93,18% tổng số loài), 229 chi (chiếm 92,72%), 84 họ (chiếm 88,42%) Tiếp đến là ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) có 14 loài (chiếm 3,98%), 10 chi (chiếm 4,05%), 5

họ (chiếm 5,26%); ngành Thông (Pinophyta) với 5 loài (chiếm 1,42%), 4 chi (chiếm 1,62%), 3 họ (chiếm 3,16%); ngành Thông đất (Lycopodiophyta) với 4 loài (chiếm 1,14%), 3 chi (chiếm 1,21%), 2 họ (chiếm 2,11%); thấp nhất là ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta) với 1 loài (chiếm 0,28%), 1 chi (chiếm 0,40%), 1 họ (chiếm 1,05%) [bảng 4.1 và phụ lục 1]

Bảng 4.1 Sự phân bố các họ, chi, loài trong các ngành thực vật

Ngành

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Thông đất (Lycopodiophyta) 2 2,11 3 1,21 4 1,14

Cỏ tháp bút (Equisetophyta) 1 1,05 1 0,40 1 0,28 Dương xỉ (Polypodiophyta) 5 5,26 10 4,05 14 3,98 Thông (Pinophyta) 3 3,16 4 1,62 5 1,42 Ngọc lan (Magnoliophyta) 84 88,42 229 92,72 328 93,18

Trang 38

Bảng 4.2 Thành phần các bậc taxon cây thuốc ở KVNC

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Tỷ lệ (%)

Lycopodiophyta Equisetophyta Polypodiophyta Pinophyta Magnoliophyta

Trang 39

Qua phân tích bảng 4.2 và biểu đồ 4.1 cho thấy các loài cây thuốc ở khu vực nghiên cứu khá phong phú và đa dạng với số lượng và tỷ lệ cụ thể như sau:

- Ngành Cỏ tháp bút (Equisetophyta) có 1 họ (chiếm 1,30%), 1 chi (chiếm 0,60%), 1 loài (chiếm 0,48%)

- Ngành Thông đất (Lycopodiophyta) cũng có 1 họ (chiếm 1,30%), 2 chi (chiếm 1,19%), 2 loài (chiếm 0,96%)

- Ngành Thông (Pinophyta) có 2 họ (chiếm 2,60%), 2 chi (chiếm 1,19%) và 3 loài (chiếm 1,43%)

- Ngành Dương xỉ có 4 họ (chiếm 5,19%), 5 chi (chiếm 2,98%), 6 họ (chiếm 2,87%)

- Ngành Ngọc Lan có số lượng họ, chi và loài cao nhất với 69 họ (chiếm 89,61%),

158 chi (chiếm 94,04%) và 197 loài (chiếm 94,26%)

Kết quả phân tích các taxon làm thuốc thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) được thể hiện trong bảng 4.3

Bảng 4.3 Số lượng họ, chi, loài cây thuốc trong ngành Ngọc lan

Lớp

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

số họ so với lớp Hành (Liliopsida) với 26 loài, 22 chi và 10 họ, chiếm 13,20% tổng

số loài, 13,92% số chi và 14,49% số họ Tỷ lệ lớp Ngọc lan/lớp Hành là 6,5: 1 Điều này cho thấy lớp Ngọc lan đóng vai trò chủ đạo của hệ thực vật làm thuốc ở khu vực nghiên cứu

Trang 40

4.2.2 Đa dạng ở mức độ họ

Chúng tôi đã thống kê các họ cây thuốc đa dạng nhất trong khu vực nghiên cứu tại bảng 4.4

Bảng 4.4 Các họ cây thuốc đa dạng nhất trong khu vực nghiên cứu

18 Araliaceae Họ Nhân sâm 4 5 3,68

19 Verbenaceae Họ Cỏ roi ngựa 4 6 4,41

Ngày đăng: 08/12/2016, 08:41

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w