LỜI CẢM ƠN Trong quá trình thực hiện đề tài luận văn Thế giới nghệ thuật Tô Hoài qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi, tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ từ rất nhiề
Trang 1BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
NGUYỄN VĂN ĐỊNH
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TÔ HOÀI
QUA CÁC TÁC PHẨM VIẾT CHO THIẾU NHI
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60 22 01 20
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Phạm Thành Hưng
HÀ NỘI, 2015
Trang 2LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện đề tài luận văn Thế giới nghệ thuật Tô Hoài
qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi, tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều
kiện và giúp đỡ từ rất nhiều phía
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS Phạm Thành Hưng – Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – người thầy đã tận tình hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi thực hiện đề tài này
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy, cô giáo đã nhiệt tình giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tôi trong suốt quá trình học tập tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cũng như có những ý kiến đóng góp sâu sắc cho tôi trong quá trình thực hiện luận văn
Để hoàn thành luận văn này, tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – những người đã luôn ủng hộ, động viên tôi nỗ lực hoàn thiện đề tài nghiên cứu một cách tốt nhất
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015
Tác giả luận văn
Nguyễn Văn Định
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ này là công trình nghiên cứu của bản thân tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Phạm Thành Hưng, chưa từng được công bố ở bất cứ tài liệu nào khác Những nội dung của luận văn có tham khảo và sử dụng tài liệu, thông tin được đăng tải trên các sách, báo, các trang web, khóa luận tốt nghiệp, luận văn và luận án đã được chú thích theo danh mục tài liệu tham khảo của luận văn
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2015 Tác giả luận văn
Nguyễn Văn Định
Trang 4MỤC LỤC
MỞ ĐẦU:……… 1
1 Lý do chọn đề tài……….1
2 Mục đích nghiên cứu……… 7
3 Nhiệm vụ nghiên cứu……… 7
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu……… 7
5 Phương pháp nghiên cứu……… 8
6 Đóng góp của luận văn……… 9
7 Cấu trúc luận văn……… 10
NỘI DUNG:……… 11
CHƯƠNG 1 KHÁI LƯỢC VỀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT, VĂN HỌC THIẾU NHI VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI 11
1.1.Khái lược về thế giới nghệ thuật 11
1.2.Văn học thiếu nhi 12
1.2.1 Quan niệm về thiếu nhi 12
1.2.2 Đặc trưng lứa tuổi thiếu nhi 13
1.2.3 Văn học viết cho thiếu nhi 14
1.2.3.1 Khái niệm văn học thiếu nhi 14
1.2.3.2 Truyện viết cho thiếu nhi 15
1.3 Hành trình sáng tác của Tô Hoài 17
1.3.1 Sơ lược về tiểu sử 17
1.3.2 Những chặng đường sáng tác 18
1.3.2.1 Trước Cách mạng tháng Tám 18
1.3.2.2 Sau Cách mạng tháng Tám 20
1.3.2.3 Thời kỳ đổi mới 21
1.3.3 Những sáng tác dành cho thiếu nhi 22
Trang 5CHƯƠNG 2 THẾ GIỚI CỦA TÂM HỒN TRẺ THƠ TRONG CÁC
TÁC PHẨM VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA TÔ HOÀI ……… 25
2.1 Một thế giới nhân vật cổ tích – ngụ ngôn thi vị 25
2.1.1 Các nhân vật từ thế giới tự nhiên 25
2.1.1.1 Nhân vật loài vật 25
2.1.1.2 Các hình tượng thiên nhiên 29
2.1.2 Các nhân vật thiếu nhi 35
2.1.2.1 Nhân vật thiếu nhi trong hồi ký 35
2.1.2.2.Nhân vật thiếu nhi trong các truyện về quê hương đất nước 38
2.1.3 Các nhân vật lịch sử 46
2.2 Những bức tranh quê thân thương, bình dị 50
2.2.1.Phong cảnh thiên nhiên 50
2.2.2 Những bức tranh sinh hoạt nông thôn 54
2.3 Những ước mơ tuổi thơ 57
2.3.1 Khát vọng phiêu lưu,khám phá thế giới 57
2.3.2.Ước mơ về cuộc sống hòa bình, hạnh phúc 60
2.3.3.Mong ước về cuộc sống hài hòa cùng thế giới tự nhiên 63
CHƯƠNG 3 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP TRONG CÁC TÁC PHẨM VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA TÔ HOÀI 66
3.1.Ngôn ngữ và giọng điệu truyện kể cho thiếu nhi 66
3.1.1 Ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, giàu biểu cảm 66
3.1.2 Ngôn ngữ gợi mở trí tưởng tượng 68
3.1.3.Giọng điệu cổ tích, ngụ ngôn 71
3.1.3.1 Giọng điệu cổ tích 71
3.1.3.2 Giọng điệu ngụ ngôn 76
3.2 Người kể chuyện 79
3.2.1.Người kể chuyện cổ tích ở ngôi thứ ba - toàn tri 79
Trang 63.2.2.Người kể chuyện ngôi thứ nhất 82
3.3 Những không gian tự sự đặc thù 83
3.3.1.Không gian làng quê 84
3.3.2.Không gian tổ ấm gia đình 88
3.3.3.Những không gian thử thách 89
KẾT LUẬN: 93
TÀI LIỆU THAM KHẢO 96
PHỤ LỤC 101
Trang 7MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
Trong số các nhà văn hiện đại Việt Nam, Tô Hoài được xem như một nhà văn thân thuộc của nhiều thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc nhỏ tuổi
Kể từ khi tác phẩm đầu tay ra đời cho tới lúc ngừng viết, ông đã có hơn
70 năm cầm bút Nhà văn lão thành Tô Hoài có một vị trí đặc biệt trong nền văn học hiện đại Việt Nam Với khối lượng sáng tác đồ sộ gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, phóng sự, bút ký, hồi ký…trong đó có rất nhiều tác phẩm đặc sắc, Tô Hoài xứng đáng được coi là cây bút văn xuôi lực lưỡng bậc nhất có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình văn học nước nhà Ông là nhà văn có bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, nêu cao tấm gương lao động cần mẫn, bền bỉ và giàu sáng tạo
Trong các tác phẩm của Tô Hoài có một mảng sáng tác đặc biệt dành cho thiếu nhi Ông là một trong số ít nhà văn chuyên nghiệp luôn quan tâm đến độc giả nhỏ tuổi và được coi là một trong những người có công đặt viên gạch đầu tiên cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại Ông cũng là một trong những người sáng lập và giữ chức vụ Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Nhiều năm ông làm Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi và tham gia bồi dưỡng những cây bút viết cho trẻ em
Tô Hoài dành cho thiếu nhi từ những trang viết đầu tay của mình Trong những sáng tác của ông chứa đựng những tư tưởng, khát vọng về lối sống cao đẹp, về lòng yêu Tổ quốc và vạn vật bao la, về tình yêu thương những người nghèo khổ, bất hạnh; sự cảm phục những anh hùng trong chiến đấu Từ những câu chuyện nhỏ hàng ngày đến những cốt truyện khai thác từ truyện cổ tích, truyền thuyết trong dân gian, từ truyện viết về những loài vật
Trang 8gần gũi đáng yêu đến những loài cây cối xanh tươi…ông đều viết cho thiếu nhi với tất cả ý thức trách nhiệm, niềm say mê và tâm huyết của mình Thông qua thế giới nhân vật mà mình kiến tạo, Tô Hoài đã giúp các em có nền tảng tốt đẹp để cảm nhận và thẩm thấu điều hay lẽ đẹp ở đời Ông rất hiểu tư duy trẻ thơ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lý giải sự vật theo cách nghĩ của trẻ Chính vì vậy các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông không rơi vào tình trạng dạy dỗ cho trẻ thơ những bài học luân lý cứng nhắc, không bắt chúng tập làm người lớn từ thuở còn bé thơ; mà với thế giới nghệ thuật của riêng mình ông đã khiến cho độc giả nhỏ tuổi vừa hồi hộp theo dõi vừa thích thú khám phá
Nhà văn Tô Hoài là người có nhiều tác phẩm viết dành cho thiếu nhi Với một vốn sống phong phú và tài quan sát tinh tế, sắc sảo ông đã đưa thế giới loài vật, cỏ cây thiên nhiên và cả xã hội vào trang văn bằng tâm hồn và con mắt trẻ thơ Những tác phẩm của ông không chỉ là niềm yêu thích của các
em nhỏ, mà ngay những người lớn tuổi, những người đã làm cha làm mẹ cũng thích đọc những câu chuyện của ông Các em đọc tác phẩm của Tô Hoài để hiểu thêm về điều hay lẽ phải ở đời, về giá trị cuộc sống Người lớn đọc để được sống lại thời thơ ấu của chính mình, từ đó có cơ sở để hiểu và có thêm giải pháp để giáo dục con cái mình
Sáng tác của Tô Hoài nói chung và mảng viết cho thiếu nhi nói riêng đã được nhiều thế hệ bạn đọc biết đến Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học
đã quan tâm đặc biệt tới những sáng tác viết cho tuổi thơ của Tô Hoài và nhiều bài viết quan tâm đến sự nghiệp sáng tác của ông
Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan trong cuốn Nhà văn Việt Nam
hiện đại (quyển IV, NXB Tân Dân, H.1944) đã viết: “Truyện của ông có tính
chất nửa tâm lý, nửa triết lý, mà các vai lại là loài vật Mới nghe tưởng như những truyện ngụ ngôn, nhưng thật không có tính cách ngụ ngôn chút nào:
Trang 9ông không phải là một nhà luân lý, truyện của ông không để răn đời Nó là những truyện tả chân về loài vật, về cuộc sống của loài vật, tuy bề ngoài có
vẻ lặng lẽ, nhưng phần trong có lắm cái ồn ào, vui cũng có mà buồn cũng có”
[52, tr.59] Qua phân tích Quê người và O chuột, tác giả bài viết đã phát hiện
ra “biệt tài về những cảnh nghèo nàn của dân quê” và khả năng miêu tả tinh
tế thế giới loài vật
Trong cuốn sách Nhà văn Việt Nam 1945 – 1975 (NXB Đại học và
trung học chuyên nghiệp, H 1975) Giáo sư Phan Cự Đệ đã nói về đặc điểm
truyện đồng thoại của Tô Hoài như sau: “Trong các truyện đồng thoại (Con
mèo lười, Chim chích vào rừng, Cá đi ăn thề), Tô Hoài đã phát huy nhân tố
tưởng tượng, phần phong phú nhất trong tư duy các em nhỏ Truyện đồng thoại của Tô Hoài cũng là sự kết hợp giữa khả năng quan sát loài vật rất tinh
tế và một bút pháp miêu tả giàu chất trữ tình và giàu chất thơ Thiên nhiên ở đây giàu màu sắc rực rỡ, âm thanh náo nức và luôn chuyển động rộn ràng,
tươi vui, đúng như thị hiếu hàng ngày của tuổi thơ” [8, tr.94]
Nhà nghiên cứu Vân Thanh trong bài Tô Hoài với thiếu nhi (Tạp chí
văn học số 5 năm 1980) đã đánh giá cao những thành công của Tô Hoài trong mảng sáng tác viết cho thiếu nhi với đề tài phong phú, thể loại đa dạng, nội dung phù hợp với lứa tuổi Bài viết cũng phân tích bút pháp miêu tả sinh động, khả năng quan sát sắc sảo, yếu tố trữ tình thấm đẫm và nghệ thuật sử dụng ngôn từ sinh động, cụ thể, phù hợp với tâm lý thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài
Trong cuốn Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới (NXB Khoa
học xã hội, H.1982), tác giả Vân Thanh khẳng định: “Tô Hoài là một trong số
ít nhà văn viết đều tay nhất cho thiếu nhi Ông viết nhiều loại truyện, nhiều đề tài, nhiều lứa tuổi Và điều quan trọng: có nhiều tác phẩm hay, được các em
Trang 10ưa thích, làm đọng lại trong tâm trí và tình cảm các em những ấn tượng sâu” [65, tr.138]
Giáo sư Hà Minh Đức trong Lời giới thiệu Tuyển tập Tô Hoài (tập 1,
NXB Văn học H.1987) nhận định: "Tô Hoài đến với tuổi thơ từ trang viết đầu tay của mình Ở những tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông chứa đựng nhiều
tư tưởng đẹp và những chân trời rộng mở, lòng yêu cuộc sống và tạo vật bao
la, tình yêu thương những người nghèo khổ và bất hạnh, sự cảm phục những tấm gương anh hùng trong chiến đấu…song những tư tưởng biểu hiện nhất quán qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài là lòng yêu thương và trân trọng con người Điều đáng trân trọng ở đây là tình cảm sâu sắc đó đã được nhà văn mang vào trong từng con chữ Tinh thần dân tộc từ tâm hồn nhà văn đi vào trong tác phẩm, trở nên ý nghĩa hơn, giá trị hơn khi thấm nhuần vào tâm hồn bé bỏng của các độc giả nhỏ tuổi" Hà Minh Đức còn đánh giá cao trách nhiệm cầm bút của Tô Hoài khi sáng tác dành cho các em: “Tô Hoài luôn có ý thức chọn lọc một hình thức biểu hiện thích hợp với đối tượng phản ánh Ngay với truyện viết cho các em, ông cũng thể hiện đầy đủ trách nhiệm đó” [9, tr.139]
Hà Minh Đức cũng bộc lộ lòng mến phục đối với nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi nước nhà: “Ông cũng là nhà văn lớn của thiếu nhi Ông đến với các em bằng tâm hồn người nghệ sỹ Ông đem đến cho các
em một niềm vui, một bài học nhỏ, một lời căn dặn Với các em lúc nào ngòi bút ông cũng đầm ấm tươi trẻ Thời gian không mệt mỏi, không hằn vết trên trang viết cho các em Có biết bao câu chuyện bổ ích và đẹp trong cuộc đời sẽ còn dành cho tuổi thơ, ông còn là người kể chuyện hứng thú và sáng tạo” [9, tr.140]
Trần Hữu Tá trong cuốn Văn học Việt Nam 1945 – 1975, tập 2 (NXB
Giáo dục, 1990) cũng nói rõ ưu điểm của nhà văn: “Ở những truyện thiếu nhi
Trang 11thành công nhất, ông đã kích thích trí tưởng tượng, lòng ham muốn vươn tới cái đẹp, cái thiện cho trẻ nhỏ, bồi dưỡng cho các em lòng yêu văn chương, học được cách miêu tả, kể chuyện tự nhiên, duyên dáng và một vốn ngôn ngữ phong phú” [61,tr.157] Như vậy để trở thành nhà văn quen thuộc của các em, nghĩa là ngòi bút nhà văn “Tô Hoài có khả năng quan sát tinh tế và nghệ thuật miêu tả sinh động Người, vật, thiên nhiên, cảnh sinh hoạt…tất cả đều hiện lên lung linh, sống động, nổi rõ cái thần của đối tượng và thường bàng bạc một chất thơ” [61,tr.158]
Vũ Quần Phương – Trong bài "Tô Hoài văn và đời", (Tạp chí văn học
số 8 năm 1994) nhận xét về loại truyện tích xưa kể lại của Tô Hoài: “Trong văn xuôi, Tô Hoài có lối đi riêng Ông nhảy qua các chuyện thời sự mà quay
về xa xưa Ông viết về An Tiêm, về Loa Thành, về quân cờ đen đánh Pháp Nhiều huyền thoại lịch sử được ông viết lại thành chuyện cho nhi đồng Đọc truyện ông, người ta được tắm tâm hồn mình vào không khí Việt Nam truyền thống Ông là người lưu giữ được nhiều nét xưa, nhiều hương vị xưa mà không sa vào hoài cổ” [55, tr.162]
Nguyễn Đăng Điệp – Trong bài“Tô Hoài, người sinh ra để viết” (Tạp
chí văn học số 9 năm 2004) đã có những nhận định hết sức sắc nét: “Có một lĩnh vực mà mỗi khi nhắc đến Tô Hoài ta không thể không nhắc đến là những truyện ông viết cho con trẻ Thực ra, nếu chỉ cần nêu ra những tên sách về đề
tài này, Tô Hoài đã đủ tồn tại với tư cách là một tác giả đáng nể Ngoài Dế
Mèn phiêu lưu ký, lứa tuổi thiếu nhi còn say mê với Chim chích lạc rừng, Đàn chim gáy, Con mèo lười, Chuyện ông Gióng, Đảo hoang… Yếu tố quan trọng
nhất là Tô Hoài không giả giọng trẻ con để kể chuyện trẻ con như nhiều cây bút khác từng làm Ông rất hiểu tư duy trẻ thơ, kể với chúng theo cách nghĩ của chúng, lý giải sự vật theo lô gic của trẻ Hơn thế, với biệt tài miêu tả loài vật, Tô Hoài dựng lên một thế giới gần gũi với trẻ thơ Khi cần, ông biết đem
Trang 12vào chất du kí khiến cho độc giả nhỏ tuổi vừa hồi hộp theo dõi, vừa thích thú khám phá Truyện thiếu nhi của Tô Hoài không rơi vào tình trạng dạy dỗ cho con trẻ những bài học luân lý cứng nhắc, không bắt chúng tập làm người lớn
từ thuở còn bé thơ Từng bước một, lũ trẻ sẽ hiểu dần được đời sống từ những
bài học đường đời đầu tiên” [7, tr.162]
Các sáng tác viết cho lứa tuổi thiếu nhi của Tô Hoài đều thể hiện tính nhân văn sâu sắc và thế giới nghệ thuật rất riêng, rất đặc sắc Cho tới nay đã
có rất nhiều công trình nghiên cứu về sáng tác của Tô Hoài nói chung và mảng viết cho thiếu nhi của ông nói riêng Có nhiều ý kiến nhận xét đánh giá khác về mảng sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài cũng như một số luận
văn, tiểu luận về đề tài này như: Truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài - Nguyễn Thị Thu Hiền; Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài – Phạm Thị Thu Hà; Thế giới nghệ thuật trong các tác phẩm viết về loài vật
dành cho thiếu nhi của Tô Hoài – Đinh Anh Dũng ; Ngôn ngữ nghệ thuật truyện viết về loài vật của Tô Hoài – Nguyễn Thị Phương Anh; Thế giới nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài (Qua một số sáng tác về đề tài lịch sử) – Vũ Thị Phương… Nhưng chưa có công trình nào chỉ ra thế giới
nghệ thuật riêng của tác giả một cách đầy đủ ở mảng sáng tác quan trọng này Đặc biệt đi sâu tìm hiểu để thấy rõ thế giới nghệ thuật qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn thì còn chưa thật thấu đáo Chính vì vậy, chúng tôi
chọn đề tài Thế giới nghệ thuật Tô Hoài qua các tác phẩm viết cho thiếu
nhi với mong muốn tìm hiểu, khám phá nhiều hơn nữa mảng sáng tác quan
trọng này của nhà văn Với đề tài này chúng tôi cố gắng kế thừa những người
đi trước, tìm hiểu những tài liệu liên quan nhằm khám phá rõ hơn thế giới
nghệ thuật qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài – một thành công
nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông Qua đó không chỉ khẳng định một lần nữa nét đặc sắc và độc đáo của tài năng nghệ thuật Tô Hoài mà còn hi
Trang 13vọng góp thêm tiếng nói vào việc nghiên cứu và giảng dạy văn học thiếu nhi nói chung và sáng tác viết cho thiếu nhi của Tô Hoài nói riêng
2 Mục đích nghiên cứu
Luận văn hướng tới mục đích tìm ra những đặc sắc trong thế giới nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài từ quan điểm lý luận và các thao tác phân tích về thế giới nghệ thuật Để từ đó làm nổi bật một thế giới nghệ thuật rất riêng qua các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài trong dòng chảy của văn học thiếu nhi hiện đại Việt Nam
3 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này chúng tôi tiến hành khảo sát các tác phẩm tiêu biểu viết cho thiếu nhi của Tô Hoài từ khi ông tham gia viết văn Đó là quá
trình sáng tác của nhà văn từ năm 1941 (Dế Mèn Phiêu lưu ký, O chuột ) cho đến những truyện viết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ (Con mèo
lười, Đàn chim gáy, chim chích lạc rừng, Cá đi ăn thề, Nhà Chử, Đảo hoang ) đến cuốn Một trăm truyện cổ tích kể lại để chỉ ra nét độc đáo riêng
trong thế giới nghệ thuật trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài so với các tác giả viết cho thiếu nhi cùng thời
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Luận văn sẽ hướng trọng tâm vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài qua các phương diện chủ yếu: Thế giới nhân vật, ý nghĩa nhân văn, khát vọng tuổi thơ và một số đặc trưng thi pháp trong quá trình sáng tác viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Luận văn sẽ tập trung khảo sát các sáng tác tiêu biểu viết cho thiếu nhi của Tô Hoài ở bốn loại sau:
- Truyện viết về loài vật
- Truyện viết về quê hương đất nước
Trang 14- Hồi ký
- Truyện Tích xưa kể lại
5 Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài luận văn này, chúng tôi tiến hành một số phương pháp chủ yếu sau:
5.1 Phương pháp so sánh - đối chiếu
So sánh – đối chiếu là một phương pháp khá phổ biến trong nghiên cứu văn học Trong đó, ta có thể so sánh một hiện tượng văn học với các hiện tượng cùng loại, nhưng cũng có thể so sánh với các hiện tượng đối lập để làm nổi bật bản chất của hiện tượng được đem ra so sánh Việc so sánh như thế còn giúp ta xác định được vị trí của hiện tượng trong một hệ thống và đánh giá được ý nghĩa của nó trong hệ thống đó
Trong đề tài này, chúng tôi vận dụng phương pháp so sánh – đối chiếu
để khu biệt những đặc điểm phong cách và thi pháp truyện kể thiếu nhi Tô Hoài qua mỗi tác phẩm và trong mối liên hệ với các sáng tác của các nhà văn khác cùng đề tài, cùng thời đại như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Võ Quảng, Phạm Hổ
5.2 Phương pháp hệ thống
Hệ thống là một tập hợp gồm nhiều yếu tố, nhiều đơn vị cùng loại, cùng chức năng có quan hệ hoặc liên hệ chặt chẽ với nhau làm thành một thể thống nhất
Phương pháp hệ thống là phương pháp xác định vị trí, ý nghĩa của các yếu tố, các đơn vị cấu thành đối tượng trong các mối quan hệ bản chất của nó Vận dụng phương pháp hệ thống vào lĩnh vực nghiên cứu văn học, chúng ta
có thể xem một tác phẩm cụ thể, toàn bộ sự nghiệp sáng tác của một nhà văn, một đề tài, một thể loại, lớn hơn là một nền văn học, là những hệ thống hay những đơn vị của một hệ thống
Trang 15Vận dụng phương pháp hệ thống sẽ giúp chúng tôi nhìn nhận rõ hơn những đặc điểm xuyên suốt, nhất quán trong sáng tác Tô Hoài và những nét tương đồng của sáng tác Tô Hoài với các cây bút khác trong đề tài thiếu nhi
5.3 Phương pháp tiểu sử
Phương pháp tiểu sử là phương pháp dựa trên những kết quả khảo sát, phân tích, tìm ra mối liên hệ giữa cuộc đời nhà văn với sáng tạo của họ nhằm giải thích chính xác hơn những chi tiết nghệ thuật trong từng tác phẩm cụ thể cũng như toàn bộ sáng tác của nhà văn
Với việc sử dụng phương pháp tiểu sử, luận văn sẽ tập trung lý giải những yếu tố tự thuật trong truyện của Tô Hoài xuất phát từ các cứ liệu trong
lý lịch, hoàn cảnh xuất thân và cuộc sống của cây bút miền sông Tô, đất Hoài này
5.4 Phương pháp phân tích, tổng hợp
Đây là các thao tác tư duy có tính phương pháp quen thuộc trong nghiên cứu văn học Phân tích là nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác nhau bằng cách phân tích chúng thành từng bộ phận để tìm hiểu sâu sắc về đối tượng Còn tổng hợp là liên kết từng mặt, từng bộ phận thông tin đã được phân tích tạo ra một hệ thống lý thuyết mới đầy đủ, sâu sắc và khái quát về đối tượng
Trong đề tài luận văn, chúng tôi vận dụng phương pháp này vừa đi sâu phân tích các dẫn chứng để làm rõ các khía cạnh về thế giới nghệ thuật trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, vừa hệ thống, tổng hợp các kết quả để minh chứng cho các luận điểm của luận văn
6 Đóng góp của luận văn
Với công trình nghiên cứu Thế giới nghệ thuật Tô Hoài qua các tác
phẩm viết cho thiếu nhi – Người viết hi vọng sẽ góp một cái nhìn mới về thế
giới nghệ thuật qua các sáng tác viết cho thiếu nhi nói chung và cái nhìn tổng
Trang 16thể, đầy đủ về thế giới nghệ thuật trong sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài nói riêng
Từ kết quả nghiên cứu nói trên, luận văn góp phần vào việc giảng dạy tác phẩm của Tô Hoài trong nhà trường đạt hiệu quả cao hơn
7 Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, ở đề tài này luận văn được triển khai với ba chương:
Chương 1 Khái lược về thế giới nghệ thuật, văn học thiếu nhi và hành trình sáng tác của Tô Hoài
Chương 2 Thế giới của tâm hồn trẻ thơ trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài
Chương 3 Một số đặc điểm thi pháp trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài
Trang 17NỘI DUNG CHƯƠNG 1 KHÁI LƯỢC VỀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT,
VĂN HỌC THIẾU NHI VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI
1.1 Khái lược về thế giới nghệ thuật
Thế giới nghệ thuật là cụm từ đang được sử dụng nhiều trong cả đời sống và học thuật Nó được dùng khi con người có nhu cầu diễn đạt ý niệm về cái chỉnh thể bên trong của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của một tác giả, một trào lưu) Bêlinxki đã từng nhận xét: "Mọi sản phẩm nghệ thuật đều là một hệ thống riêng mà khi đi vào nó thì
ta buộc phải sống theo các quy luật của nó, hít thở không khí của nó" Nhà văn Sedrin cũng đã từng nói: "Tác phẩm văn học là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi sản phẩm nghệ thuật là một thế giới khép kín trong bản thân nó"
Đến nay, chúng ta có thể thấy có nhiều cách lý giải khác nhau về thế
giới nghệ thuật Trong cuốn Lý luận văn học (Trần Đình Sử chủ biên) có
viết: Thế giới nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của con người trên cơ sở tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật Nó có cấu trúc, có ý nghĩa riêng, chịu sự chi phối của của quan niệm nghệ thuật của tác giả Trong thế giới ấy, có các nhân vật trong không gian và thời gian đa chiều, trong đó có sự vật và hiện tượng, có chi tiết, bộ phận gắn bó trong chỉnh thể Như vậy thế giới nghệ thuật khác với thế giới tự nhiên hoặc thực tại xã hội Nó chỉ mang tính chất ước lệ, là phương thức phản ánh thế giới thực tại mà thôi Thế giới nghệ thuật có cấu trúc riêng,
Trang 18có quy luật riêng, thể hiện đặc điểm con người, xã hội, đặc điểm không gian, thời gian theo quan niệm của tác giả Thế giới nghệ thuật không chỉ là thế giới được miêu tả mà còn là thế giới của con người miêu tả, kể chuyện (hình tượng cái tôi, hình tượng người kể chuyện)
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học cũng nêu lên định nghĩa về thế
giới nghệ thuật như sau: "Thế giới nghệ thuật chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được sáng tạo ra theo các nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lý của con người, mặc dù nó phản ánh thế giới ấy"[15,tr.302]
Như vậy có thể hiểu: Thế giới nghệ thuật là toàn bộ các phương diện nội dung và hình thức nằm trong chỉnh thể thẩm mĩ , được xây dựng bằng một
hệ thống nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật, vừa bị chi phối bởi cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ; vừa bắt nguồn từ thế giới quan, đặc điểm văn hóa và cảm hứng thời đại ấy
Quan điểm trên về thế giới nghệ thuật cũng là cơ sở để chúng tôi đi vào khảo sát, tìm hiểu qua những sáng tác viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài trong đề tài này
1.2 Văn học thiếu nhi
1.2.1 Quan niệm về thiếu nhi
Thiếu nhi là khái niệm chỉ "trẻ em thuộc lứa tuổi thiếu niên nhi đồng” [42,tr.994], đó là những em nhỏ đang ở lứa tuổi sống trong sự dìu dắt nâng niu của gia đình và xã hội Lứa tuổi này còn có nhiều tên gọi khác nhau nữa như : các em, tuổi thơ, măng non, trẻ thơ, tuổi Kim Đồng Trong những tên gọi trên, khái niệm thiếu nhi được sử dụng nhiều, được dùng nhiều lần trong giao tiếp hàng ngày, dùng rộng rãi trong các văn bản liên quan đến trẻ em và trong các sáng tác thơ văn dành cho lứa tuổi này
Trang 19Tìm hiểu về khái niệm thiếu nhi, có thể hiểu trẻ em theo nhiều cách khác nhau Một đứa trẻ có nhiều đặc điểm không giống với người lớn như về
cơ thể, tư tưởng, tình cảm Vì sự khác biệt này mà có quan niệm cho rằng trẻ
em là người lớn thu nhỏ, nghĩa là trẻ em chỉ khác người lớn về tầm cỡ kích thước Tuy nhiên, từ thế kỷ XVIII nhà giáo dục lỗi lạc G.G.Rutxo đã đưa ra ý kiến: "Trẻ em có những cách nhìn, cách suy nghĩ và cảm nhận của riêng nó Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại, và người lớn không phải lúc nào cũng có thể thấu hiểu được nguyện vọng và tình cảm độc đáo của trẻ thơ"
Cũng theo những nhà nghiên cứu tâm lý học thuộc trường phái duy vật biện chứng thì “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại Sự khác nhau giữa trẻ em và người lớn là sự khác nhau về chất Trẻ em là trẻ em, nó vận động và phát triển theo quy luật của trẻ em Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ đã là một con người, một thành viên của xã hội" [42, tr.19]
Như vậy có thể hiểu thiếu nhi là một thành viên xã hội, một con người
có tâm hồn phong phú và tính cách đặc biệt Lứa tuổi thiếu nhi suy nghĩ, tưởng tượng không giống như người lớn Để thấu hiểu thế giới rộng lớn ngây thơ của các em, người lớn phải nhạy cảm và nắm bắt được ngôn ngữ đặc biệt Như thế mới có dịp gần gũi và hòa nhập tâm lý lứa tuổi thiếu nhi
1.2.2 Đặc trưng lứa tuổi thiếu nhi
Thiếu nhi là lứa tuổi cần sự chở che, bao bọc của gia đình và xã hội Lứa tuổi bé bỏng ngây thơ nên trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà tâm lý học, giáo dục học Trong những năm 20 của thế kỷ XX, tác giả Đạm
Phương đã có những nghiên cứu về tâm lý trẻ thơ Trong cuốn sách Giáo dục
nhi đồng, bà Đạm Phương cho rằng: “Thân thể và tâm hồn trẻ thơ có một tính
chất tạm thời, chờ một sự phát triển, chờ một sự chuyển biến, một sự đào luyện Thân thể trẻ em có sự mong manh, tạm thời giống như mầm non mới chớm nở, dễ héo tàn Muốn gây dựng cái mầm non ấy cần phải săn sóc rất
Trang 20công kĩ chuyên cần”[53, tr.24] Như vậy, tác giả Đạm Phương đã đề cập đến
sự mong manh non nớt của trẻ thơ Đặc điểm của các em là không chỉ ngây thơ về trí tuệ mà còn bé bỏng về cơ thể Điều dễ nhận thấy ở trẻ em là các em không thể sống tách rời người lớn, các em rất cần sự chăm sóc của gia đình và
xã hội
Tâm hồn và thể chất của trẻ gắn bó với nhau chặt chẽ Các em cần được nuôi dưỡng bằng những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, đồng thời cũng cần được
sưởi ấm tâm hồn bằng những lời ru, những câu chuyện bổ ích lý thú “Nhờ có
tâm hồn, thân thể mới hoạt động Nhờ có tâm hồn, người mới suy nghĩ, cảm giác phân biệt, ham muốn, thương yêu và giận ghét Thân thể ảnh hưởng đến tâm hồn mà tâm hồn cũng ảnh hưởng đến thân thể”[53,tr.25], tác giả Đạm Phương khẳng định
Tóm lại, thiếu nhi là lứa tuổi có những biểu hiện tâm lý rất nhạy cảm, là thời kỳ hình thành ở các em nhiều sở thích, tình cảm và suy nghĩ Tác phẩm văn học thiếu nhi vì thế mà có tác động mạnh mẽ vào lứa tuổi các em
1.2.3 Văn học viết cho thiếu nhi
1.2.3.1 Khái niệm văn học thiếu nhi
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn
Khắc Phi): “Văn học thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi Tuy vậy khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường
(cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi” [15, tr.412]
Văn học thiếu nhi có nhiệm vụ chính yếu, đó là giáo dục trẻ em trở thành người tốt Văn học thiếu nhi thông qua thế giới hình tượng hấp dẫn, giàu cảm xúc phải thực hiện chức năng giáo dục, nhiệm vụ ''tải đạo'' Nhưng
dĩ nhiên ở đây không phải là những lời giáo huấn khô khan, giá lạnh, hoặc ngược lại, đây cũng không phải là những chuyện bạo lực, giật gân để làm cho
Trang 21thiếu nhi bị thu hút Văn học thiếu nhi được gọi là hay, là tốt, thường có bên trong một sức mạnh Đó là sức mạnh của cái đẹp, sức mạnh của văn chương nghệ thuật
Từ lâu đã có một bộ phận sáng tác văn học dành riêng cho thiếu nhi Những cuốn sách đầu tiên thuộc loại này là những cuốn sách có nội dung giáo khoa và đạo lý ở sách học vần, sách bách khoa, sách về các quy tắc ứng xử trong xã hội, xuất hiện ở Châu Âu các thế kỷ XIV – XVI và đặc biệt phát triển vào thời kỳ Khai sáng Tính giáo huấn được người ta coi là những đặc điểm quan trọng của văn học thiếu nhi Bởi vậy, cho đến thế kỷ XIX, những tác phẩm viết dành riêng cho thiếu nhi vẫn nằm ngoài phạm vi của văn học, trong khi đó những tác phẩm văn học viết cho người lớn lại đi vào phạm vi đọc của trẻ em, nhất là các loại truyện viết theo các motip folklore, loại cổ tích và một
số tiểu thuyết và truyện thuộc thể loại phiêu lưu
Vào thế kỷ XX, văn học thiếu nhi phát triển khá đa dạng và pha tạp Tại nhiều nước phát triển, nó ít nhiều còn bị chi phối bởi xu hướng thương mại, bị pha trộn với sự bành trướng của văn học đại chúng
Ở Việt Nam, hầu như đến thế kỷ XX mới xuất hiện văn học thiếu nhi Đến nay đã có sự phát triển phân nhánh của thơ cho thiếu nhi (bên cạnh thơ cho người lớn), hoặc trong văn xuôi cho thiếu nhi đã hình thành các loại truyện: truyện sinh hoạt, truyện cổ tích (sáng tác hiện đại theo lối cổ tích), truyện loài vật, truyện dã sử
1.2.3.2 Truyện viết cho thiếu nhi
Truyện viết cho thiếu nhi không giống như truyện viết cho người lớn Độc giả lứa tuổi này bé nhỏ, mong manh, nên cần có những tác phẩm văn học phù hợp với tâm sinh lý các em
Truyện viết cho thiếu nhi phải gần gũi với cuộc sống, gần gũi với suy nghĩ các em Theo tác giả Vân Thanh: “Chân thật trong từng chữ từng câu,
Trang 22trong cảm xúc, suy nghĩ, hành động của nhân vật và quan trọng hơn là chân thật nghiêm túc trong những vấn đề của thực tại, trong những quy luật chi
phối cuộc sống hàng ngày” [65, tr.107]
Truyện viết cho thiếu nhi cần có nội dung trong sáng, phong phú và toàn vẹn Các em chưa trưởng thành để hiểu những mâu thuẫn sâu sắc của thời đại, của tâm hồn con người Nhưng các em có nhu cầu khám phá cuộc sống, tìm hiểu quá khứ hiện tại và tương lai Với các em "cuộc sống mở ra trên từng trang sách; đọc sách các em sẽ biết được nhiều điều mới mẻ, nhiều tấm gương, nhiều lời khuyên nhủ Chúng tôi muốn cuộc sống trong sách cho các em là cuộc sống không bị cắt xén, một cuộc sống toàn vẹn phong phú, đa dạng trong đó có người lớn và trẻ em, có ngày hôm qua, ngày hôm nay và cả ngày mai" [65, tr.106]
Truyện viết cho thiếu nhi không dễ, nhà văn khi sáng tác phải thật sự trẻ hóa chính mình, biết đứng ở vị trí các em để hiểu tâm lý các em, hiểu những nhu cầu của các em Theo Lã Thị Bắc Lý "Văn học thiếu nhi có nhiều cái khó so với văn học cho người lớn Ngoài tất cả những yêu cầu của sáng tác văn học nói chung, nhà văn viết cho thiếu nhi phải đặc biệt thấu hiểu đối tượng Hiểu những đặc điểm tâm sinh lý, những suy nghĩ và hành động của trẻ để chiếm lĩnh, khám phá và thể hiện Hiểu để viết cho sát với nhu cầu và nhận thức của các em Người viết càng nắm được đặc diểm tâm sinh lý các
em, hiểu sâu sắc từng lứa tuổi thì càng có cơ hội cho tác phẩm của họ có thể trở thành tác phẩm hay" [42, tr.51]
Nhà văn viết cho thiếu nhi là người thấu hiểu được tâm hồn trẻ thơ
"Một tác phẩm viết cho trẻ em không chỉ để cho trẻ em thích thú mà còn phải kích thích ở các em những khát vọng và niềm tin Vì thế, không chỉ là tưởng tượng thuần túy, tưởng tượng trong tư duy hiện thực, gắn bó sâu sắc với hiện thực, dựa trên sự chiêm nghiệm của nhà văn về cuộc sống mà còn là tưởng
Trang 23tượng có tính chất dự cảm, dự báo về tương lai Văn học viết cho trẻ em phải đánh thức được khả năng rung động sâu sắc của tâm hồn trẻ thơ, hình thành ở các em niềm tin gắn với những giá trị thẩm mỹ và vẻ đẹp, để từ vấn đề này trẻ
em có thể nâng lên tầm tư tưởng, có ý nghĩa nhân sinh, nhân loại" [42, tr.165]
Truyện viết cho thiếu nhi cần thực sự gần gũi với cuộc sống, gần gũi với tâm lý, suy nghĩ, tình cảm của em Đó là suy ngẫm về quá khứ, là niềm tin
ở hiện tại, là lý tưởng hoài bão trong tương lai Giá trị văn học mang lại cho các em cách nhìn nhận, tiếp cận cuộc sống toàn diện hơn, sâu sắc hơn
1.3 Hành trình sáng tác của Tô Hoài
1.3.1 Sơ lược về tiểu sử
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 (tức ngày 16 tháng 8 năm Canh Thân), mất ngày 06 tháng 7 năm
2014 (tức 10 tháng 6 năm Giáp Ngọ) Quê nội của ông ở thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) Ông lớn lên ở quê ngoại: làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức quê hương ông Ông còn có các bút danh khác nữa là Mắt Biển, Mai Trang, Duy Phương, Hồng Hoa, Phạm Hòa, Vũ Đột Kích
Tô Hoài xuất thân trong một gia đình làm nghề thủ công dệt lụa Sau khi học hết bậc Tiểu học, Tô Hoài vừa tự học, vừa đi làm để kiếm sống Trước khi cầm bút viết văn, ông đã từng làm rất nhiều nghề : thợ thủ công, dạy học tư, bán hàng, kế toán hiệu buôn
Trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã tham gia các phong trào do mặt trận Dân chủ khởi xướng ngay ở quê hương ông Cũng trong thời gian đó, ông viết những sáng tác đầu tiên Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc
Trang 24Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào Nam tiến rồi lên
Việt Bắc làm phóng viên báo Cứu quốc trung ương, chủ nhiệm báo Cứu
quốc Việt Bắc, thư ký tòa soạn Tạp chí Cứu quốc Ông đi công tác nhiều nơi
và tham gia nhiều chiến dịch quan trọng ở Việt Bắc và Tây Bắc Từ năm
1951, ông về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam Trong Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, Tô Hoài được bầu làm Tổng thư ký của Hội Từ năm
1958 đến năm 1980 ông tiếp tục tham gia Ban chấp hành, Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam Từ năm 1966 đến 1996 ông là Chủ tịch Hội Văn nghệ
Hà Nội Ngoài ra Tô Hoài còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác như : Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á – Phi, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Ấn, Ủy viên ban chấp hành Hội hữu nghị Việt – Xô, Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng,
Với những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà, Tô Hoài
đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên vào năm 1996 và nhiều giải thưởng khác
1.3.2 Những chặng đường sáng tác
Nhà văn Tô Hoài đã có một quá trình viết bền bỉ liên tục trên rất nhiều
đề tài của văn học Việt Nam hiện đại Ông viết cho thiếu nhi, viết những chuyện xưa kể lại, viết từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi lên miền núi,
từ cách mạng đến đời thường Quá trình viết ấy đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ, được trải đều theo các chặng đường của giai đoạn lịch sử nước nhà
và cuộc đời cầm bút của nhà văn
1.3.2.1 Trước Cách mạng tháng Tám
Tô Hoài bắt đầu nghề viết văn với những sáng tác đăng trên báo Hà
Nội tân văn Chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bẩy của ông bà chủ bút Vũ Ngọc
Phan và Hằng Phương (Nước lên, Bụi ô tô, Một đêm sáng giăng suông, Bệnh
già, Trê cóc, Ông Trạng Chuối, Con gà mái ri ) Những sáng tác đó bước
Trang 25đầu đem đến cho nhà văn khoản thù lao để sau đó ông chuyển hẳn sang nghề viết văn; đồng thời nó cũng chứng tỏ sở trường của ông khi viết về nỗi cực khổ của người dân và niềm thích thú của những trẻ thơ trong các truyện thiếu nhi
Rời Hà Nội tân văn, Tô Hoài bắt đầu viết cho báo Tân Dân của Vũ Đình Long Với đề tài dành cho đối tượng thiếu nhi, Tô Hoài đã viết Con dế
mèn rồi sau đó là Dế Mèn phiêu lưu ký (1941) Tác phẩm viết cho thiếu nhi
nhưng đã gây được ấn tượng mạnh với nhiều đối tượng độc giả và được tái bản nhiều lần cho đến ngày nay Từ sau tác phẩm đó, Tô Hoài viết đều, viết khỏe, viết thành nếp Và nhà văn đã tự thổ lộ “Tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện ” [16, tr 24]
Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu của ông với hai đề tài là viết về
thiếu nhi và người dân quê Viết cho thiếu nhi có Dế Mèn phiêu lưu ký, O
chuột, Trê và Cóc, Võ sĩ bọ ngựa, Đám cưới chuột, Chuột thành phố, Trong
những tác phẩm viết về thế giới loài vật, nhà văn đã đưa vào các truyện mạch ngầm khát vọng của tuổi trẻ, trải nghiệm của cái tuổi bồng bột, sôi nổi và thế giới đại đồng hòa thuận của con người Viết về cảnh và người lao động vùng
quê có Nhà nghèo, Nước lên, Giăng thề, Quê người, Đêm mưa, Xóm giềng
Tác giả lấy bối cảnh và con người một vùng ven đô là quê ngoại để miêu tả cảnh vật, kể chuyện người thân, kẻ sơ của chính mình Vùng quê ấy có sự thâm nhập của sự sống thành thị nhưng còn xa cách và biệt lập với thành thị
Tô Hoài đã để lại dấu ấn phong tục trong những tác phẩm của mình Và đằng sau cái bề mặt phong tục ấy là một dòng sống luôn tuôn chảy ở phía sâu – nó
là sự phôi pha, sự tàn lụi của những số phận, những kiếp người
Như vậy, trước năm 1945, ngòi bút Tô Hoài đã cùng lúc viết về hai đối tượng Một là cuộc sống xung quanh một vùng quê đang ngấm dần và mở
Trang 26rộng sự bần hàn túng bấn Hai là thế giới riêng của trẻ thơ, của loài vật với những ước mơ, tưởng tượng, khát khao Tuy viết về hai mảng đề tài khác nhau nhưng thực ra nó cùng thống nhất, hội tụ vào nhau trong một thế giới nghệ thuật chung mang cảm quan, đặc điểm của nghệ thuật Tô Hoài – một
kiểu khám phá hiện thực riêng
1.3.2.2 Sau Cách mạng tháng Tám
Cách mạng tháng Tám đã đánh dấu một bước chuyển biến trong tư tưởng và sáng tác của các nhà văn Tô Hoài cũng vậy, nhưng ông sớm bắt nhịp với sự đổi thay để bám vào các vấn đề mới của đời sống và viết Nhà văn
đã viết dồi dào, sung sức và đạt được nhiều thành công hơn bao giờ hết
Những năm kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài đi vào đời sống các dân tộc Tây Bắc, tìm hiểu và mô tả cuộc sống của họ Nhà văn đã viết về sự đổi thay của cuộc sống, của con người đặc biệt là về mặt tư tưởng của họ từ khi
có cách mạng Tiêu biểu phải kể đến tập truyện Núi cứu quốc, Truyện Tây
Bắc, Cứu đất cứu mường
Hòa bình lập lại sau năm 1954, và sau đó là những năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội rồi kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc, ngòi bút Tô Hoài hướng vào đề tài quen thuộc trước Cách mạng ông đã viết, đó là cuộc sống nơi phố
phường Hà Nội với: Mười năm, Người ven thành, Những ngõ phố người
đường phố, Quê nhà, Mặt khác mạch nguồn cảm hứng về miền núi chảy
suốt trong các tác phẩm: Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn
Thụ, Họ Giàng ở Phìn Sa, Viết về Hà Nội ven đô thời kỳ này nhà văn vừa
trải rộng, đào sâu vào thế giới bên ngoài và bên trong của nó để thấy được Hà Nội trong ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai Viết về đề tài vùng cao, Tô Hoài không những cho ta thấy bức tranh rộng lớn của miền núi trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà ông còn thành công khi cố gắng xây dựng vẻ
Trang 27đẹp toàn diện về hình ảnh những con người cách mạng miền núi – con người mới xã hội chủ nghĩa Tất cả đều đặt trong sự thay đổi giữa hai chế độ
Trong thời gian này, mặc dù gặt hái được nhiều thành công về những
đề tài trên, Tô Hoài vẫn không quên sáng tác cho thiếu nhi – mảng đề tài thuở đầu làm nên vóc dáng Tô Hoài Nhà văn đã viết nhiều đề tài, thể loại nhưng
thành công vẫn là truyện Tiêu biểu phải kể đến: Chiến sĩ Hà Nội, Chiếc xe bí
mật, Con gà lờ đờ, Chim hải âu, Vừ A Dính, Đàn chim gáy, Kim Đồng, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần,
1.3.2.3 Thời kỳ đổi mới
Bước sang thời kỳ đổi mới, xã hội có nhiều thay đổi và văn học cũng vậy Tô Hoài ghi lại những đổi thay, quan sát xung quanh và khám phá ra mạch ngầm của dòng chảy cuộc sống Ông không đi tới những miền xa xôi của Tổ quốc mà trở về với những gì thân thuộc đã từng gắn bó với mình từ
nhỏ, trở về với lòng mình để trải nghiệm, để suy ngẫm Tiêu biểu có: Cát bụi
chân ai (1992), Chuyện cũ Hà Nội I,II (1998, 2000), Chiều chiều (1999), Ba người khác (2006)
Ở độ tuổi có thể nói là điều gì cũng đã từng trải qua, Tô Hoài mạnh dạn thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm, hồi ức riêng tư về cuộc đời,về con người, về thời kỳ lịch sử đã qua Mỗi trang viết của ông trong các tác phẩm này có khi đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cũng có khi khiến người ta phải lặng mình suy nghĩ Đó là sự thống nhất, là cái cốt văn phong
mà Tô Hoài đã rèn dũa trong hành trình văn chương mấy chục năm của mình Giờ đây nó không những vẫn đọng lại trong các trang sách của ông mà nó còn sâu sắc, còn đạt đến độ chín muồi
Điều rất đặc biệt ở Tô Hoài đó là dù ở trong thời điểm sáng tác nào ông vẫn luôn có những sáng tác dành cho thiếu nhi Ở tuổi ngoài 80 ông vẫn hoàn
thành tác phẩm 100 truyện cổ tích với những Chuyện ngày xưa kể lại cho các em
Trang 28Với sự cần mẫn, bền bỉ, dẻo dai, không ngừng học hỏi, tích lũy, tự vượt mình để sáng tạo, Tô Hoài đã tạo dựng được một chỗ đứng vững chãi trong nền văn học dân tộc
1.3.3 Những sáng tác dành cho thiếu nhi
Tô Hoài là người có công đầu và có đóng góp to lớn đối với nền văn học thiếu nhi Việt Nam Ông là người mở đầu, dẫn đầu và có hành trình sáng
tác lâu dài nhất Ở tuổi hai mươi, ông viết Dế Mèn phiêu lưu ký, ngoài tám mươi, ông vẫn hoàn thành bộ sách Một trăm cổ tích với những Chuyện ngày
xưa kể lại Qua khảo sát, thống kê những sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô
Hoài, chúng tôi có thể chia thành những loại sau:
Truyện viết về loài vật: Là mảng truyện vô cùng phong phú với số lượng sáng tác khá nhiều, các con vật hiện lên sinh động, hấp dẫn Tiêu biểu
phải kể đến: Dế Mèn phiêu lưu ký, Đám cưới chuột, Võ sĩ bọ ngựa, Đôi ri đá,
Bốn con gà, Dê và Lợn, Mụ ngan, Cá đi ăn thề, Chim chích lạc rừng Những
con vật của ông, khi đến với các các em đều mang lại niền vui và sự hứng thú Viết truyện loài vật, Tô Hoài đưa vào khả năng quan sát tỉ mỉ, tạo nên những trang viết đa dạng, sinh động Với cách viết dí dỏm, thông minh, kết hợp biện pháp nhân hóa tài tình đã làm cho các con vật ngoài đời trở thành hình tượng đẹp đẽ trong tâm hồn các em
Truyện viết về quê hương đất nước trong sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài được thể hiện qua nhiều chủ đề phong phú như : thiếu nhi làm giao liên, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tết trung thu, mùa xuân quê hương Những tác phẩm tiêu biểu viết về thiếu nhi anh hùng phải kể đến:
Kim Đồng, Vừ A Dính, Hoa Sơn, Páo và Sua Về chủ đề xây dựng miền Bắc,
Tô Hoài đã khắc họa những thay đổi trong thời kỳ đầu hòa bình qua nhiều chi
tiết đời thường, tiêu biểu là: Hai ông cháu và đàn trâu, Lỗ tường hổng, Cánh
đồng làng Viết về những ngày lễ tết dân tộc có: Bày cỗ rằm, A! Năm mới
Trang 29đã về, Bé nhìn quanh Viết về các loài cây trên đất nước phải kể đến: Cây bằng lăng, Mùa lê mùa đào, Mùa xuân đã về đấy, Truyện Lăng Bác Hồ
Truyện về quê hương đất nước của Tô Hoài rất phong phú về chủ đề và đặc sắc trong cách thể hiện Ông đề cập đến nhiều chi tiết trong cuộc sống để làm nổi bật tình yêu đối với quê hương đất nước trong các em
Hồi ký của Tô Hoài viết cho thiếu nhi phải kể đến chùm Tự truyện gồm năm tác phẩm: Cỏ dại, Mùa hạ đến mùa xuân đi, Những người thợ cửi, Đi
làm, Hải Phòng Hồi ký được Tô Hoài viết bằng lối văn gọn gàng, chân thành
và chặt chẽ Những trang viết của Tô Hoài trong Tự truyện xuất hiện những
chi tiết điển hình, những cảm xúc và hình ảnh ấn tượng, dễ xúc động cho nên
dễ đồng cảm đi vào lòng người Trong quá trình tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật
hồi ký, chúng tôi tập trung vào hai tác phẩm Cỏ dại và Mùa hạ đến mùa xuân
đi Đây là hai tác phẩm tác giả viết về thời thơ ấu của mình
Truyện Tích xưa kể lại của nhà văn Tô Hoài được đánh giá cao ở ba
tác phẩm: Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần Đồng thời với 100 truyện
cổ tích viết lại, ông đã mang lại cho các em nhiều tri thức về lịch sử nước nhà,
về điều hay lẽ phải của người Việt xưa Số lượng truyện mà nhà văn Tô Hoài viết về thể loại này rất nhiều, nhưng khi phân tích các đặc điểm nghệ thuật, chúng tôi chỉ chọn lọc và trích dẫn những tác phẩm tiêu biểu để chỉ ra những nét chung, nổi bật nhất của thế giới nghệ thuật Tô Hoài
Tóm lại, với vốn sống phong phú và tài quan sát tinh tế sắc sảo, Tô Hoài đã đưa thế giới loài vật, cỏ cây thiên nhiên và cả xã hội vào trang văn bằng tâm hồn và con mắt trẻ thơ Tô Hoài nghĩ như các em nghĩ, vui buồn, mong mỏi, hy vọng, ước mơ, tưởng tượng cùng các em và nhất là nói theo cách các em Tô Hoài trước sau vẫn là một tâm hồn tươi trẻ, luôn ân cần, cảm thông, trân trọng đối với thiếu nhi Xuất phất từ lòng yêu thương sâu sắc thế
hệ trẻ, ngòi bút Tô Hoài luôn đem đến cho những trang viết của mình những
Trang 30tư tưởng đẹp, lời văn đẹp qua những câu chuyện kỳ thú Đó chính là những điểm quan trọng để tìm hiểu, khám phá thế giới nghệ thuật trong các tác phẩm dành cho thiếu nhi của ông mà chúng tôi sẽ trình bày ở những phần tiếp theo của luận văn
Trang 31CHƯƠNG 2 THẾ GIỚI CỦA TÂM HỒN TRẺ THƠ TRONG CÁC TÁC PHẨM
VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA TÔ HOÀI
2.1 Một thế giới nhân vật cổ tích – ngụ ngôn thi vị
2.1.1 Các nhân vật từ thế giới tự nhiên
2.1.1.1 Nhân vật loài vật
Đến với thiếu nhi, Tô Hoài đã tạo ra một thế giới riêng, rất gần gũi với tâm sinh lý, trí tưởng tượng phong phú của trẻ nhỏ Thế giới ấy là thế giới loài vật, là các con vật nhỏ bé mà rất gần gũi với tuổi thơ Đó là các nhân vật xuất hiện qua các truyện loài vật – một mảng truyện vô cùng phong phú của Tô Hoài Nhà văn khá rộng tay với ngòi bút của mình khi đưa những con vật đi vào trang viết Thế giới loài vật trong văn ông được đối xử khá bình đẳng Ông không phân biệt loài xấu – loài đẹp, loài sang – loài hèn, loài hiền lành – loài hung dữ Nhiều con vật bay trên trời, sống dưới nước, ở trên mặt đất, sống ở quanh nhà đều có quyền tự do hiện diện trong tác phẩm của ông
Đầu tiên phải kể đến thế giới loài vật trong Dế Mèn phiêu lưu ký
Trong tác phẩm này, một thế giới côn trùng hiện lên sinh động dưới ngòi bút tài tình của tác giả Xây dựng thành công hình tượng nhân vật đẹp đẽ, giàu quyết tâm, nghị lực phải nói đến Dế Mèn Hành động của Dế Mèn là vươn tới thế giới đại đồng, tiêu diệt những bất công ngang trái Hình tượng Dế Mèn ra đời vào thời điểm xã hội nước ta đang sống cảnh nô lệ, và hình ảnh oai vệ cường tráng của Dế Mèn đã gợi niềm mơ ước và xúc động đối với các bạn nhỏ tuổi Tô Hoài đã lý tưởng hóa nhân vật này khi không khí phong trào Mặt trận phản đế Đông Dương đang lôi cuốn rất nhiều thanh niên cả nước Tác phẩm đối với độc giả người lớn trở thành nơi khơi gợi niềm tin trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ và mãi mãi có ý nghĩa đối với các bạn nhỏ mai sau
Trang 32Ngoài chú Dế Mèn thích khoe mẽ, hiếu thắng nhưng có tư tưởng và khát vọng lớn còn có Dế Choắt nhút nhát và yếu đuối, có Dế Trũi chân thành, Kiến Chúa siêng năng, Cào Cào đỏm dáng, Bồ Nông cố chấp, Nhện ranh mãnh Cùng với Ếch Cốm kém cỏi, Bọ Ngựa tầm thường đã làm nên một thế giới loài côn trùng sinh động và hấp dẫn Đặc biệt loài Cào Cào, Châu Chấu còn
được miêu tả kĩ trong Cành cạch chơi trăng
Những con vật hàng ngày vẫn sống gần gũi với chúng ta đã được Tô
Hoài miêu tả gần như đầy đủ trong các truyện Mụ Ngan, Một cuộc bể dâu,
Đôi ri đá, Bốn con gà, Hai con ngỗng Đó là gà trống tê tái, gà mái hoa, mụ
ngan đần độn, ngỗng khề khà, vịt lạc bạch, dê ngơ ngẩn, lợn khềnh khàng Những con vật cùng những tính năng, đặc điểm riêng về loài của chúng đã làm nên một xã hội thu nhỏ trong một mảnh vườn quen thuộc của con người
Ngoài ra, tác giả còn ngợi khen ngựa con thông minh trong Bàn Quý và Ngựa
con, giải thích vì sao trâu im lặng trong Chú Cuội cung trăng Đây là hai con
vật gắn liền với tuổi thơ của bao em nhỏ lớn lên từ ruộng đồng, nương rẫy
Trong các truyện viết về loài vật dành cho thiếu nhi, Nhà văn Tô Hoài viết nhiều về mối quan hệ giữa Mèo và Chuột Nào là chuột nhắt, chuột cống, chuột đồng, chuột bạch với những ngõ ngách mà chúng thường xuyên sinh
sống Trong các tác phẩm O chuột, Đám cưới chuột, Chuột thành phố,
Truyện gã Chuột bạch loài chuột loăng quăng, bắng nhặng được miêu tả
cùng với những cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng Giống Mèo cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm với đầy đủ tính bản năng trời cho của nó Đó là chú
mèo nhỏ đáng yêu, hay ngạc nhiên trước những điều mới lạ trong Cậu Miu; mèo mũi đỏ lười biếng - quen ngủ ngày trong Con Mèo lười; gã Mèo Mướp
cáu kỉnh thích vờn chuột, thích hù dọa những con chuột nhắt mặc dù gã này
chẳng bao giờ thèm ăn chúng trong O chuột Bên cạnh đó, chó vốn là con vật
Trang 33rất trung thành với con người cũng được ngợi khen nhiều về sự thông minh và
nhanh nhẹn như trong Vện ơi Vện, Đực
Loài chim trên trời cũng không nằm ngoài tầm quan sát của nhà văn Ông đã dành nhiều công sức cho việc tìm hiểu và viết về loài động vật có cánh Những chú bướm mong manh, nhỏ bé, sặc sỡ sắc màu hiện lên thật sinh
động trong Bướm Rồng Bướm Ma Trong truyện Mải vui quên hết, bên cạnh
việc miêu tả những đặc tính của chim hải âu, tác giả còn chịu khó giải thích vì sao có sự xuất hiện của hải âu trong những vùng biển xa xôi như: biển Đông Vũng Tàu – Việt Nam, cửa sông Nêva – gần dinh thự Pie đại đế nước Nga, vùng ngoại ô Lơke – Ai Cập Đây quả là những thông tin thú vị về loài chim thích bay lượn trên mặt nước Những loài chim thường gặp như chim chích, chim gáy, chim vành khuyên, ri đá, cò bạch, bồ nông thì xuất hiện trong
Cánh đồng yên vui, Đôi ri đá, Chú Bồ nông ở Sa-mác-can Thật cảm động
về cặp vợ chồng đôi ri đá mang đậm tình yêu thương Họ háo hức xây tổ ấm, chờ đón quả trứng chào đời Tình vợ chồng, tình mẫu tử được khắc họa đậm nét khi bốn chú ri con nhớn nháo, nở ra từ những quả trứng Sự vất vả đã khiến vợ chồng ri đá gầy rạc, hốc hác Yêu thương con lo lắng cho con, như bao cặp vợ chồng khác, đôi ri đá chịu khó nhẫn nại bay đi tìm nơi bình yên trú
ẩn Ở tác phẩm này, Tô Hoài đã rất chăm chút khi xây dựng nhân vật Tình nghĩa mặn nồng của cặp vợ chồng ri đá vì thế mà làm thuyết phục bạn đọc hơn
Thế giới loài vật dưới nước cũng được Tô Hoài dành sự miêu tả tỉ mỉ
như một nhà "động vật học" viết văn Qua tác phẩm Cá đi ăn thề, nhà văn
muốn đưa ra một ngày hội náo nức của loài cá qua hình ảnh trận mưa rào hội
đủ cả như:"bác Rô già, Rô cụ lực lưỡng, đầu đuôi đen xì lẫn với màu bùn
Những cậu Rô đực cường tráng, mình dài mốc thếch, đám Rô ron – những con cá hạt bởi mẹ vừa mới nở mùa này, lau chau bơi " hay những chú cá
Ngão trắng nhoáng "chàng nào cũng cồng kềnh dài như cái thuyền, mép rộng
Trang 34loe ra như cái loa thông tin, cá thờn bơn mảnh khảnh, loắt choắt " [34, tr
216] Ngoài ra còn có cá Giếc bảnh bao, cá Chép vây đỏ, rồi cá Mè, cá Mương Loài Trê và Cóc lại được nhà văn giảng giải cho các em hiểu về sự
ra đời và vì sao trê lại sống chui rúc dưới bùn
Nhà văn cũng hướng tầm nhìn về cánh rừng xa xôi, nơi các độc giả nhỏ tuổi thường có cảm giác ớn lạnh vì những con vật hung dữ Nhưng trong những trang viết của Tô Hoài dường như các con vật đều có những nét ngây ngô, đáng yêu của các cô bé, cậu bé luôn khao khát tìm kiếm những điều mới
lạ Trong Những câu chuyện xa lạ, kể về loài Sơn Dương đẹp mã, về Bê bé đáng yêu Trong Gấu ăn trăng có chú gấu không hề độc ác mà mỗi tội mắc
phải thói quen xấu là hay ghen tị
Có thể thấy hệ thống nhân vật là con vật trong những truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài vô cùng phong phú và đa dạng Ở những con vật này tác giả đã tạo ra được một sự liên hệ gần gũi hơn với thế giới của con người Chính nhà văn Tô Hoài đã có lần tâm sự "Mọi chuyện loài vật thật ra là vấn
đề của nhân vật, của con người cho nên tôi không phân biệt gì khi in truyện
Cu Lặc trong tập truyện loài vật O chuột Chủ đề và triết lý của truyện loài vật
hoàn toàn là các vấn đề của con người Có điều đặc biệt là tôi đều dựa trên thực tế chi tiết của từng con vật và sinh hoạt của những con vật đó chứ không phải tưởng tượng vu vơ" [16, tr.48] Cùng quan điểm đó, nhà văn Võ Quảng (một nhà văn cùng tuổi và cùng thời với Tô Hoài) khi viết truyện đồng thoại cho thiếu nhi cũng luôn gắn nhu cầu ham hiểu biết và hướng về điều thiện cho các bạn đọc nhỏ tuổi Chính Võ Quảng đã có lần tâm sự "Không có chỗ nào gọi là xa xôi, không có vấn đề gì gọi là cao siêu mà truyện đồng thoại không vươn tới được" Trong những trang viết về loài vật của Tô Hoài cũng vậy, nó luôn hiện hữu hai điều: Mỗi con vật ngoài những đặc điểm vốn có chúng được hiện lên sinh động đều được nhà văn gắn thêm những tính cách con
Trang 35người và thường gắn liền cả với những thói quen của các em Dù là thói quen tốt hay thói quen chưa tốt, thì qua đó tác giả cũng khéo léo lồng vào những bài học nhẹ nhàng, mang tính giáo dục sâu sắc Qua đó, thể hiện được sự gần gũi, tình cảm gắn bó thân quen giữa tác giả và bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi
2.1.1.2 Các hình tượng thiên nhiên
Thiên nhiên là đề tài vô tận và luôn mới mẻ trong văn học Trong văn học thiếu nhi, thiên nhiên cũng là một đề tài muôn thuở Trong những truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, hình tượng thiên nhiên xuất hiện rất nhiều Nhưng nó không chỉ đơn thuần là hình tượng của tự nhiên, của tạo hóa nữa
mà hình tượng thiên nhiên trong tác phẩm Tô Hoài mang đậm dấu ấn cảm xúc Dưới ánh mắt của trẻ thơ dường như mọi vật đều có linh hồn Và nhà văn
Tô Hoài đã làm nên điều kì diệu đó Ông đã thổi vào các hiện tượng thiên nhiên tưởng chừng như vô tri vô giác ấy hơi thở mạnh mẽ của sự sống Trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài chúng tôi thấy ông đề cập nhiều đến thiên nhiên như: các loài cây, đá, suối, trăng Đây là những hiện tượng các em nhìn thấy hàng ngày và sẽ là những người bạn tâm tình của các em Tìm hiểu về hình tượng thiên nhiên trong truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài, chúng tôi tập trung vào những hình ảnh nổi bật nhất Cũng qua đó để hiểu rõ hơn về tài quan sát và thủ pháp nhân cách hóa của tác giả
Hình tượng cây trong truyện viết cho thiếu nhi xuất hiện như người bạn tâm tình Phạm Hổ dựa vào mùi vị từng loại trái cây, viết nên tính cách hoa quả Cuộc sống của bưởi, chanh, táo, hồng trở nên sinh động, thi vị và gần gũi với các em Tô Hoài cũng vậy, ông góp phần xây dựng hình tượng thiên nhiên phong phú trong các truyện viết cho thiếu nhi Khác với Phạm Hổ, ông không đi khai thác những loài cây từ hoa trái mà tìm đến những loài cây với cảm xúc, nỗi niềm Cây có hơi thở, có tiếng nói Cây có tâm trạng, có nỗi
Trang 36buồn Tâm sự của cây xuất phát từ nỗi lòng tác giả "Tập nhật ký đời cây giao
tiếp với thiên nhiên và bạn bè, thật phong phú" [23, tr.53] Có thể thấy "Cái cây còn nhiều bí mật mà người chưa biết hết" [23, tr.53] Hình tượng cây của
Tô Hoài dũng cảm, tinh tế Lời của tác giả, như lời của cây muốn nhắn gửi
với bao bạn đọc "Đừng nhìn cây một cách lạnh lùng" [23,tr.53]
Cây sẽ khóc khi vạn vật bị tàn phá Trong Cánh đồng yên vui, Tô Hoài
đã cảm thấu được điều này "Đã ai thấy cây khóc bao giờ chưa? Cây biết khóc
đấy Chẳng tin hôm nào bạn ra Hồ Gươm, tìm cây sung hay cây sanh Các bạn sẽ trố mắt ra" [25, tr.99] Nước mắt của cây rơi vì tâm hồn cây không thể
chứng kiến điều ngang trái Mong muốn của cây là nhìn muôn loài sống bình
yên Hình tượng cây trong Người đi săn và con nai thật giản dị và trong sáng
"Cây trám rưng rưng" [25,tr.221] Cây đã thuyết phục người đọc bằng cảm
xúc nhân hậu, bao dung
Cây xà nu trong truyện Lăng Bác Hồ là hình tượng cây gây nhiều xúc
động với bạn đọc Tô Hoài đã viết về cây gỗ quý phương Nam dũng cảm, bất khuất Loài cây ngày đêm trong rừng, bên cạnh người chiến sĩ chống chọi bom đạn giặc Mỹ Rễ bám vào đất Tổ quốc, thân cây và tán lá làm bạn với bộ đội Cụ Hồ Chiến tranh tàn phá muôn loài, cây cỏ cũng vậy Lời tâm sự của
cây chua xót, căm hờn: "Rừng xà nu tôi cứng cỏi đã sống sót như thế Tuy
nhiên, nhiều bạn tôi đã ngã hẳn Tôi xót xa, nhìn quanh tan hoang, chơ vơ những thân cây chết đứng Rừng phương Nam, biết bao giống gỗ quý Còn lại cây nào chỉ là sống sót Giặc Mỹ thật độc ác" [23, tr.50] Cây chứng kiến sự
tàn phá của chiến tranh Sau các trận oanh tạc của giặc Mỹ, người hi sinh, rừng bị tàn phá Vượt qua nỗi đau vì lý tưởng cách mạng, thiên nhiên đã nuôi dưỡng cây, những trận mưa đầu mùa đẩy nguồn nước trong lòng đất ứa ra mát
dịu Cây rừng sống dậy, mùa xuân lại bắt đầu "Tôi hoàn toàn trở lại một cây
to, tán lá xòe rợp, xanh om" [23, tr.51] Cây rừng xà nu trò chuyện với bộ đội,
Trang 37các anh hành quân đi xa, cây buồn nhớ Tình cảm của cây da diết, như người
và người đầy ắp kỉ niệm Khói bom tan theo mây, cây lo lắng bồi hồi: "Tôi
không biết các anh còn sống hay đã hy sinh" [23, tr.51] Nhịp thở của cây nối
liền với cuộc kháng chiến "Tin đồn thắng trận qua các rừng Tôi nhớ các anh
lạ lùng" [23, tr.51] Cây bộc bạch nỗi lòng như người tri kỉ Hình tượng cây
gợi lên tình yêu thương, dưới ngòi bút Tô Hoài "Cái cây biết nhìn, biết nghe,
biết chữ, biết nghĩ và xúc động, và nhớ lâu, rất lâu Những cái cây chỉ thiếu sót là không biết nói" [41, tr.52]
Điều đáng nhớ ở cây là "Cây có tuổi, cây không nhớ tuổi đúng, không
cập rập như người hay quên, hay nói nhầm tuổi mình đâu" [41,tr.53] Cây
trân trọng những khoảng khắc thời gian Hành động của cây là dũng cảm xa rừng, nơi đã từnggắn bó để theo bộ đội tiến ra thủ đô, nhận nhiệm vụ làm đẹp
Lăng Bác Hồ Trong niềm tự hào: "Tôi rời quê hương, mang đi trong mình cả
những mảnh đạn, mảnh bom của giặc Mỹ Những kỉ niệm kỳ quái ấy khiến tôi phải suy nghĩ sâu xa về cuộc đời và sự sống, có từng trải mới biết quý từng giây phút thời gian" [23, tr.57] Sau những năm tháng chứng kiến và nếm trải
bom đạn ở Trường Sơn, hình ảnh cây đẹp hơn, mang nhiều ý nghĩa hơn khi vinh dự nhận nhiệm vụ mới Trở thành cánh cửa lăng Bác Hồ, thử thách tiếp
theo của cây gỗ Trường Sơn là hoàn thiện chính bản thân: "Bác thợ xẻ cẩn
thận, tỉ mỉ ngắm tôi, rồi lại đưa bàn tay xoa vân, xoa thớ tôi Bàn tay người thợ lành nghề vuốt đến đâu, các thớ gỗ tôi ấm áp, dễ chịu, tôi có cảm tưởng được ngay tinh thần đoàn kết tương trợ cùng hiệp thợ với bác" [23,tr.72] Lời
tâm sự của cây là tấm lòng đồng cảm, tha thiết muốn làm việc có ích Tài năng Tô Hoài chính là ở chỗ đó Ông tìm kiếm những hành động đẹp để làm nên hình tượng đẹp Tác giả còn tạo nên tính cách của cây Hòa nhã, dễ gần
"Tôi kể cho bác thợ xẻ nghe những chuyện chiến đấu gian khổ trong rừng miền Đông Đạn và mảnh bom giặc Mỹ đâm tôi, na-pan thui tôi thế nào Máy
Trang 38bay giặc giải chất độc hóa học Tôi vẫn hiên ngang Bác ạ, một cái cây, một tụm cỏ ở miền Nam bây giờ cũng mang vết thương chiến tranh trên mình như tôi" [23, tr.74] Lo sợ miếng đạn bắn vào lõi sẽ khiến cây xà nu bị loại, không
sử dụng làm cửa Lăng Bác Hồ Cây thao thức, trằn trọc, tâm trí đè nặng bởi
nỗi lo trở thành kẻ vô dụng Niềm vui đã đến "Tôi mừng đến ngẹn ngào
Tưởng như đương trở lại những mùa xuân trước Nghe rõ hơi nước nguồn ấp
áp hút vào rễ, rạo rực ngược thân mình, chan hòa lên từng chiếc đuôi lá Tôi biết niềm vui, nỗi lo của tôi cũng là khát vọng và sự chờ đợi của tất cả rừng cây miền Nam" [23, tr.74]
Hình tượng cây đẹp và trong sáng Cuộc đời cây giản dị, đáng nhớ vô cùng Cây vươn lên xanh tươi trong bom đạn Giờ đây cây bảo vệ giấc ngủ êm đềm của Bác Hồ, ngày ngày chứng kiến hàng đoàn người náo nức về thăm Những trang văn viết về cây khép lại, Tô Hoài đã tạo được hình tượng đẹp đẽ, gieo vào tâm hồn các em những cảm xúc chân thành Các em biết yêu quý mọi vật xung quanh, biết nâng niu những gì các em đang có Giá trị hơn, là các em biết hoàn thiện bản thân để cuộc sống ngày càng ý nghĩa
Hình tượng trăng xuất hiện khá nổi bật trong các sáng tác dành cho thiếu nhi của Tô Hoài Trăng xuất hiện nhiều trong truyện của ông, biểu tượng cho ánh sáng thanh bình, soi sáng cho các em mỗi bước chân đi Trong
Con mèo lười, trăng nhắc nhở các em tính siêng năng Không ở xa tận trời,
trăng như sà xuống mặt đất vui chơi cùng các em Trăng nói như hát:"Các em
cứ đi, vừa đi vừa hát cho thật vui Ông Giăng sẽ xuống thật gần, soi đường, thật sáng cho các em đi lên đến tận nương" [25, tr.273] Niềm vui dưới những
đêm trăng gắn liền với hầu hết các em nhỏ Trăng vui vẻ rộn ràng, chia đều
cho tất cả Ai cũng thấy trăng như đang hướng về mình "Tiếng hát đồng
thanh tưng bừng nổi lên Tất cả bọn, giắt nhau, vừa đi vừa nhảy múa, vừa hát, quanh một vòng rồi đi dần vào chân núi Tiếng hát chan hòa Ánh trăng
Trang 39lung linh Ông trăng cũng rún rẩy Cây núi rung rinh rập rờn Tiếng hát xa, dắt cả ông giăng đi theo" [25, tr.174] Cảnh vật chuyển mình theo ánh sáng
của trăng
Trăng trở thành tiếng nói lương tri trong Người đi săn và con nai, trăng
dõi theo từng hành động của người thợ săn Yêu chuộng bình yên, và muốn
bao bọc sự sống, trăng nhìn "Người đi săn lẳng lặng lội qua suối, bước trên
những tảng đá ngậm nước không nói gì Về đến đầu xóm ngẩng lên Vầng trăng đã ngả xuống mái nhà Vầng trăng đã nhìn thấy tất cả, mỉm cười: Ngủ ngon được đấy! Chúc ngủ ngon" [25, tr.223]
Trăng còn xuất hiện với những gam màu khác nhau khi thì màu trắng,
khi khuất núi thì ánh sáng mờ nhạt trong các tác phẩm Gấu ăn trăng, Cành
cạch chơi trăng Đã có nhiều văn sĩ khám phá vẻ đẹp của trăng Với Tô Hoài,
viết về trăng trong truyện dành cho thiếu nhi là xây dựng nên hình tượng đẹp, mang tính giáo dục Có thể xem hình tượng trăng trong các tác phẩm này nhà văn Tô Hoài đã góp thêm tiếng nói góp phần làm đẹp tâm hồn các độc giả nhỏ tuổi
Hình tượng đá đi vào tác phẩm viết cho thiếu nhi của Tô Hoài thật đậm nét và sâu sắc Xây dựng hình tượng đá từ núi rừng Việt Bắc, nơi gắn liền với các phong trào cách mạng, Tô Hoài đã tạo nên tính cách kiên trung,
bền bỉ và sâu nặng nghĩa tình Những tảng đá trong truyện Lăng Bác Hồ
không phải vô tri, vô giác, Tô Hoài đã biến tâm hồn đá thành tâm hồn có cảm
xúc thật sự Viết về đá, nhà văn đã thổi vào sự sống một cách tự nhiên: "Mỗi
hòn đá đều có một tâm sự Cứ trong những nét vân khác nhau và màu đá thì biết Con người không giao tiếp với ai, không có tâm sự, không có hoạt động
gì đáng kể Nhưng hòn đá biết việc làm ích lợi, đá có hoạt động đấy Đá san
hô trên mặt biển từng lúc sinh ra những hòn đảo mới Nước nhũ trong hang
đá nhỏ xuống dần dần thành cột đá, trúc đá, mành mành đá Đá có đời sống
Trang 40của đá" [23,tr.11] Tâm hồn đá như thấu hiểu nỗi lòng của Bác Biết cảm
thông những trăn trở trong nhiều đêm không ngủ của Bác Đá biết dõi theo từng bước chân người chiến sĩ mỗi khi ra trận, biết thấm sâu vào lòng niềm
vui chiến thắng "Những tảng đá ven đường bỗng thảnh thơi, sáng hẳn như
vui lên trong nắng sớm" [23, tr.14] Đá sống cùng với thời khắc bom đạn Đá
chứng kiến lòng anh dũng, kiên trung của bao người con yêu nước Đá cũng
là bạn, "Hốc đá công sự đã giúp nhiều chiến sĩ đánh giặc Đá chúng tôi cũng
là chiến sĩ Chúng tôi đã mang trên mình những vết thương vì đất nước"
[23,tr.14] Tâm hồn đá hòa cùng ý chí con người Sức mạnh chiến đấu và sức mạnh niềm tin chiến thắng càng tăng thêm gấp bội Hình tượng đá đẹp, trong trẻo và gan góc Tô Hoài còn khéo léo đưa tinh thần kháng chiến vào những hạt cát bé nhỏ, hình ảnh thân quen mà tạo hóa đã gắn bó suốt đời bên đá
"Những hạt cát bụi cũng không chịu ngồi yên Đâu cũng nô nức Trong gió cuốn, những hạt cát bỗng reo hát: Có chúng tôi! Có chúng tôi!" [23, tr.15]
Hình tượng đá thể hiện cảm xúc đẹp đẽ khi góp công xây Lăng Bác Hồ Bên cạnh Bác lúc hoạt động cách mạng ở chiến khu Việt Bắc, giờ về thủ đô
canh giấc ngủ ngàn thu của Người "Chúng tôi vinh dự được về làm đẹp Lăng
Bác Hồ Cách mạng cùng đá núi chúng tôi đã bao lâu thân thiết Bây giờ chúng tôi lại được đông hơn nữa, nhiều hơn nữa, về ở với Bác Hồ, bảo vệ cách mạng" [23, tr.15] Vẻ đẹp của đá hiện ra phong phú, nhiều loại: đá tím,
đá hoa cương, đá ngọc màu mận chín, đá đen, đá cẩm thạch, đá mã não, đá ngọc bích Hình ảnh đá sống động, vinh dự trong quá trình xây Lăng Những tảng đá có trách nhiệm, biết ý nghĩa việc đang làm Đá kiên quyết không dẹt không kênh, không khập khiễng, kết với móng công trình liền như đất thịt
"Mỗi sắc đá một vẻ Đá thềm vân hoa nở đệm bước chân Đá cẩm thạch trên tường phòng khách lượn mây thanh thản, tĩnh mạc Vân đá xôn xao, trăm đường khác nhau cả trăm" [23, tr.27] Đá đẹp và sạch như tờ giấy chưa viết,