Từ xưa đến nay, ngôn ngữ luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó không chỉ là một công cụ hữu ích để giao tiếp mà còn là phương tiện để truyền tải kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, để giao tiếp hiệu quả, con người cần phải biết cách chuyển những ý nghĩ thành lời nói một cách rõ ràng và sinh động. Trong thực tế, với mục đích sử dụng hiệu quả trong giao tiếp, quảng cáo đã trở thành một hoạt động giao tiếp nổi bật của con người. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo truyền hình là một công cụ không thể thiếu giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình đến với khách hàng. Các nhà sản xuất sử dụng quảng cáo như một phương tiện trực tiếp và tức thì để chuyển tải những thông điệp mà họ muốn đến những khách hàng tiềm năng, làm thế nào để tạo được thói quen cũng như thúc đẩy khách hàng dùng sản phẩm và dịch vụ của mình. Có thể nói rằng, trong một chừng mực nhất định, việc khiến khách hàng sau khi xem xong một quảng cáo trên truyền hình đã quyết định sử dụng ngay sản phẩm đó đã chứng tỏ sự thành công về mặt truyền thông của nhà sản xuất. Như vậy, bên cạnh các yếu tố như hình ảnh, nhãn hiệu, khẩu hiệu, yếu tố ngôn ngữ trong quảng cáo cũng đảm nhiệm một vị trí vô cùng quan trọng góp phần tạo nên chất lượng và sự thành công của quảng cáo. Là một sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, việc trau dồi tri thức về ngôn ngữ là yếu tố rất cần thiết cho công việc truyền thông trong tương lai. Môn học “Ngôn ngữ quảng cáo” là một trong những môn học quan trọng và bổ ích, phần nào giúp chúng em nâng cao khả năng phân tích ngôn ngữ trong các sản phẩm quảng cáo, từ đó rút ra những kinh nghiệm để sáng tạo nên những quảng cáo hấp dẫn, thú vị và hiệu quả. Với kiến thức chuyên môn cao và khả năng truyền đạt thu hút, sự nhiệt huyết trong giảng dạy, tiến sĩ Mai Xuân Huy đã mang lại những bài học bổ ích, giúp các sinh viên lớp Quảng cáo 31 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp thu những bài học bổ ích xung quanh chủ đề “ngôn ngữ quảng cáo dưới ánh sánh của lí thuyết giao tiếp”. Cuốn tiểu luận này chỉ là bản thu hoạch sơ lược về những kiến thức quý báu ấy, rất mong sẽ nhận được những lời nhận xét từ thầy giáo để bài tiểu luận của em được hoàn chỉnh hơn