Đồng thời, luận án sẽ góp phần làm rõ hơn những hiểu biết về liên kết văn bản nói chung, cách sử dụng các phương tiện liên kết từ vựng nói riêng trong hai ngôn ngữ Việt, Anh mà trước đây
Trang 1NGUYỄN PHÚ THỌ
SO SÁNH CÁC BIỆN PHÁP LIÊN KẾT
TỪ VỰNG TRONG VĂN BẢN TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
Chuyên ngành: NGÔN NGỮ HỌC SO SÁNH
MS: 5.04.27
Người hướng dẫn khoa học:
TS NGUYỄN KIÊN TRƯỜNG
TS HUỲNH BÁ LÂN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2008
Trang 2LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan luận án này là công trình do tôi thực hiện Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung của luận án
Người cam đđoan
Nguyễn Phú Thọ
Trang 3
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN 1
PHẦN MỞ ĐẦU 1 Lý do và mục đích nghiên cứu 6
2 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 7
3 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 10
4 Phương pháp nghiên cứu 13
5 Những đóng góp của luận án 14
6 Bố cục 15
CHƯƠNG 1 LIÊN KẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN 1.1 Khái niệm chung 17
1.1.1 Văn bản 17
1.1.2 Câu, phát ngôn và cú 19
1.1.3 Các kiểu liên kết 22
1.1.3.1 Liên kết hình thức và liên kết nội dung 26
1.1.3.2 Liên kết nội chỉ và liên kết ngoại chỉ .28
1.1.3.3 Liên kết hồi chỉ và liên kết khứ chỉ .30
1.1.3.4 Liên kết trong nội bộ phát ngôn và liên kết liên phát ngôn 33
1.1.3.5 Liên kết trực tiếp và liên kết gián tiếp .34
1.1.3.6 Liên kết tu từ .35
1.2 Mạch lạc và liên kết .36
1.2.1 Các quan niệm 36
1.2.2 Quan hệ giữa liên kết và mạch lạc .39
1.3 Tiểu kết 41
CHƯƠNG 2 LIÊN KẾT TRONG VĂN BẢN TIẾNG VIỆT 2.1 Phép qui chiếu 45
2.1.1 Qui chiếu chỉ ngôi 46
2.1.1.1 Từ chỉ ngôi thuộc ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba 46
2.1.1.2 Từ chỉ ngôi là từ chỉ quan hệ thân tộc .48
2.1.1.3 Từ chỉ ngôi là từ chỉ quan hệ khác 50
2.1.2 Qui chiếu chỉ định 52
2.1.3 Qui chiếu so sánh 54
2.2 Phép thế 56
2.2.1 Thế danh từ 57
2.2.1.1 Từ thế là đại từ chỉ không gian, đại từ chỉ định, đại từ chỉ loại 57
2.2.1.2 Từ thế là từ chỉ ngôi thứ ba 59
Trang 42.2.1.3 Ý nghĩa của đại từ trong phép qui chiếu và phép thế 61
2.2.2 Thế động từ 63
2.2.3 Thế mệnh đề 64
2.3 Phép tỉnh lược 65
2.3.1 Tỉnh lược danh từ 66
2.3.2 Tỉnh lược động từ 68
2.3.3 Tỉnh lược mệnh đề 68
2.4 Phép nối 70
2.4.1 Quan hệ bổ sung 72
2.4.2 Quan hệ tương phản 73
2.4.3 Quan hệ nhân quả 74
2.4.4 Quan hệ thời gian 74
2.4.5 Quan hệ không gian 76
2.4.6 Quan hệ trình tự 76
2.5 Phép liên kết từ ngữ 77
2.5.1 Lặp từ ngữ 78
2.5.1.1 Lặp nguyên dạng 78
2.5.1.2 Dùng từ đồng nghĩa 80
2.5.1.3 Dùng từ gần nghĩa 84
2.5.1.4 Dùng từ trái nghĩa 86
2.5.2 Phối hợp từ ngữ 88
2.6 Tiểu kết 91
CHƯƠNG 3 LIÊN KẾT TRONG VĂN BẢN TIẾNG ANH 3.1 Phép qui chiếu 96
3.1.1 Qui chiếu chỉ ngôi 97
3.1.2 Qui chiếu chỉ định 100
3.1.3 Qui chiếu so sánh 102
3.1.3.1 So sánh khái quát 104
3.1.3.2 So sánh cụ thể 105
3.2 Phép thế 106
3.2.1 Thế danh từ 107
3.2.1.1 one / ones 107
3.2.1.2 same 110
a the same .110
b do the same .111
3.2.2 Thế động từ 112
3.2.2.1 Từ thế là động từ ‘do’ 112
Trang 53.2.2.2 Các loại động từ ‘do’ 112
a Động từ từ vựng ‘do’ 113
b Động từ khái quát ‘do’ 113
c Trợ động từ ‘do’ 113
3.2.3 Thế mệnh đề 115
3.2.3.1 Thế mệnh đề tường thuật 115
3.2.3.2 Thế mệnh đề tình thái 117
3.2.3.3 Thế mệnh đề điều kiện 118
3.3 Phép tỉnh lược 118
3.3.1 Tỉnh lược danh từ 119
3.3.1.1 Từ chỉ xuất 121
a Từ chỉ xuất cụ thể 121
b Từ chỉ xuất không cụ thể 122
3.3.1.2 Hậu từ chỉ xuất 123
3.3.1.3 Số từ 125
a Số đếm 125
b Số thứ tự 125
c.Từ chỉ lượng bất định .125
3.3.1.4 Tính ngữ 126
3.3.2 Tỉnh lược động từ 127
3.3.2.1 Tỉnh lược từ vựng 129
3.3.2.2 Tỉnh lược tác tử 130
3.3.3 Tỉnh lược mệnh đề 131
3.3.3.1 Tỉnh lược tình thái 132
3.3.3.2 Tỉnh lược định đề 132
3.4 Phép nối 133
3.4.1 Quan hệ bổ sung 134
3.4.2 Quan hệ tương phản 135
3.4.3 Quan hệ nhân quả 136
3.4.4 Quan hệ thời gian 137
3.4.5 Quan hệ trình tự 139
3.4.6 Quan hệ giải thích 140
3.4.7 Quan hệ so sánh 141
3.5 Phép liên kết từ ngữ 142
3.5.1 Lặp từ ngữ 145
3.5.1.1 Lặp nguyên dạng 146
3.5.1.2 Dùng từ đồng nghĩa 147
3.5.1.3 Dùng từ gần nghĩa 147
Trang 63.5.1.4 Dùng từ trái nghĩa 148
3.5.1.5 Dùng từ trên bậc 148
3.5.2 Phối hợp từ ngữ 150
3.6 Tiểu kết 153
CHƯƠNG 4 NHỮNG TƯƠNG ĐỒNGVÀ DỊ BIỆT VỀ LIÊN KẾT TRONG VĂN BẢN TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH 4.1 Phép qui chiếu 156
4.1.1 Qui chiếâu chỉ ngôi 157
4.1.2 Qui chiếâu chỉ định 163
4.1.3 Qui chiếâu so sánh 169
4.2 Phép thế .172
4.3 Phép tỉnh lược 176
4.4 Phép nối 178
4.5 Phép liên kết từ ngữ 182
4.5.1 Lặp từ ngữ 181
4.5.1.1 Lặp nguyên dạng 181
4.5.1.2 Dùng từ đồng nghĩa 182
4.5.1.3 Dùng từ gần nghĩa .188
4.5.1.4 Dùng từ trái nghĩa 189
4.5.2 Phối hợp từ ngữ 191
4.6 Tiểu kết 194
KẾT LUẬN 197
Danh mục công trình khoa học đã công bố 202
TÀI LIỆU THAM KHẢO 203
Trang 7PHẦN MỞ ĐẦU
1 Lý do và mục đích nghiên cứu
Văn bản được xác định là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của con người Nó đã được các nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu trên nhiều bình diện với sự ra đời của những công trình có giá trị lớn về lí thuyết Những công trình này đã góp phần vào việc tìm hiểu và khám phá các qui luật ngôn ngữ và những chi phối của chúng trong quá trình giao tiếp Người ta thấy rằng các cấu tố của văn bản, hiểu theo nghĩa rộng gồm cả văn bản nói và văn bản viết, có quan hệ nhau về ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng v.v Tất cả những quan hệ này hình thành sự liên kết giữa các đơn vị của văn bản như: từ, cụm từ, ngữ đoạn, câu, đoạn văn v.v Chúng càng liên kết chặt chẽ thì hiệu quả giao tiếp càng cao Liên kết là hiện tượng chung của tất cả các ngôn ngữ và mỗi ngôn ngữ đều có những biện pháp liên kết, còn gọi là phương thức hay phép liên kết, khác nhau Các phép liên kết này đã được các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu, phân loại và miêu tả qua nhiều công trình ngôn ngữ học Những công trình này có thể chỉ khảo sát một khía cạnh nào đó của một trong những phép liên kết, nghiên cứu một hoặc nhiều phép liên kết hoặc cả hệ thống liên kết văn bản Dựa vào đặc điểm loại hình ngôn ngữ, các phép liên kết đã được tìm hiểu tương đối có hệ thống ở một vài ngôn ngữ như tiếng tiếng Việt và tiếng Anh Dù chưa được nhận thức một cách đầy đủ và quan niệm về liên kết còn nhiều chỗ chưa thống nhất nhưng liên kết văn bản và các phép liên kết thực sự có vai trò vô cùng quan trọng trong thực tiễn hoạt động ngôn ngữ Khi nhu cầu giao tiếp giữa các cộng đồng người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác càng cao thì nhu cầu so sánh các hiện tượng ngôn ngữ nói chung và văn bản nói riêng càng lớn Như vậy, không chỉ thuần túy bó hẹp trong phạm vi một ngôn ngữ
Trang 8với những đặc điểm tự nhiên vốn có của nó mà liên kết văn bản cần được so sánh, đối chiếu giữa các ngôn ngữ với nhau Mặt khác, việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay đang phát triển thật đa dạng và phong phú Để việc giảng dạy đạt kết quả tốt, người dạy cần nắm vững lí thuyết về văn bản và có khả năng
lí giải những đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản mà người đó muốn truyền đạt đến người học Về phần mình, người học có thể tiếp nhận văn bản ở một mức độ nhất định nào đó và có khả năng ứng dụng những điều đã học trên cơ sở lí luận và kiến thức đã tiếp thu được Từ những điều nêu trên, chúng tôi chọn đề tài so sánh các biện pháp liên kết từ vựng trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh với mục đích tìm hiểu ý nghĩa của liên kết văn bản, trình bày nội dung các phép liên kết và tìm ra những tương đồng và dị biệt của chúng trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh Qua luận án này, chúng tôi muốn khẳng định thêm ý nghĩa và cơ sở khoa học của liên kết văn bản, hướng đến những ứng dụng thực tiễn trong giảng dạy và học tập ngôn ngữ, dịch thuật và những lĩnh vực có liên quan khác Đồng thời, luận án sẽ góp phần làm rõ hơn những hiểu biết về liên kết văn bản nói chung, cách sử dụng các phương tiện liên kết từ vựng nói riêng trong hai ngôn ngữ Việt, Anh mà trước đây, vì nhiều lí do, những đặc thù trong cách tư duy và sử dụng ngôn ngữ của người bản ngữ và những ảnh hưởng của đặc trưng loại hình ngôn ngữ đến sự thể hiện liên kết trong văn bản chưa được nhận thức một cách đầy đủ
2 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu về liên kết văn bản là một quá trình đòi hỏi phải đối chiếu nhiều quan niệm khác nhau của các nhà ngôn ngữ học Trên cơ sở tài liệu tham khảo và qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy rằng mỗi phép liên kết có thể được khảo sát theo từng bộ phận hoặc trên tổng thể Dĩ nhiên, việc nghiên cứu cũng gắn liền với các phương pháp phù hợp, cách tư duy và lí giải riêng
Trang 9của người nghiên cứu Như nhận định ngay từ đầu, đây là một đề tài có phạm
vi rộng và việc miêu tả, phân tích và so sánh các phép liên kết không phải là điều đơn giản Nói chung, việc này đòi hỏi sự nắm vững kiến thức ngôn ngữ học và bộ máy khái niệm mà qua đó vấn đề sẽ được phân tích và đi vào chiều sâu cần có Nếu hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt được nghiên cứu trên hai bình diện là liên kết hình thức và liên kết nội dung với 12 phép liên kết khác nhau thì hệ thống liên kết trong văn bản tiếng Anh chủ yếu được qui vào
5 phép liên kết Các tác giả đã trình bày nội dung các phép liên kết với hệ thống lí luận làm nền tảng cho nhiều công trình nghiên cứu về văn bản, đối tượng của ngôn ngữ học văn bản Tất nhiên, sự khác nhau về cách phân loại và miêu tả các phép liên kết chịu sự chi phối của đặc điểm loại hình ngôn ngữ và thực tiễn hoạt động của từng ngôn ngữ
Để thuận lợi cho việc so sánh và đối chiếu, chúng tôi chấp nhận cách trình bày các phép liên kết theo M.A.K Halliday và R Hassan trong tác phẩm
‘Cohesion in English’ [91] Luận án cũng tham khảo các tài liệu có liên quan
của các tác giả để có cách miêu tả và lí giải phù hợp Với chủ định tìm ra những tương đồng và dị biệt của các phép liên kết nên đối tượng khảo sát trong luận án này là các phương tiện từ vựng hiện diện hay không hiện diện được sử dụng trong các câu hay phát ngôn trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh Ngữ nghĩa và ngữ dụng của các phương tiện từ vựng trong văn bản được tìm hiểu, phân tích với những ví dụ minh họa nhằm chứng minh sự ‘ràng buộc’ vào nhau của các yếu tố liên kết Diệp Quang Ban [4:343] xác định
“Quan hệ nghĩa-lôgic giữa câu này với câu khác có thể được diễn đạt bằng những yếu tố ngôn ngữ có quan hệ giải thích cho nhau, và chính các yếu tố ngôn ngữ này làm thành những hệ thống con với tư cách là những phương tiện
Trang 10liên kết” Những phương tiện liên kết này hiện diện trong các ngữ đoạn, câu
hay phát ngôn ở vô số văn bản thuộc nhiều thể loại và lĩnh vực khác nhau Tuy nhiên, chúng tôi chỉ chọn các ngữ đoạn, câu hay phát ngôn có liên kết nhau trong các văn bản thuộc phong cách văn chương, nghệ thuật Đó có thể là những bài báo hay tác phẩm văn học được viết từ những năm 1930 đến nay
Dĩ nhiên, cách sử dụng ngôn từ để viết, để nói của các tác giả qua các thời kỳ có sự thay đổi rất lớn Những thay đổi này bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan liên quan đến bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời, phong cách tác giả và tác phẩm v.v Tuy vậy chúng tôi không đi sâu vào những yếu tố này mà xem xét các câu hay phát ngôn theo cách viết ‘tự nhiên’, nghĩa là theo cách suy nghĩ và sử dụng ngôn từ thông thường của người nói hoặc người viết Hẳn nhiên, người tạo nên một sản phẩm ngôn ngữ nào đó ở các thời kỳ cũng chưa có khái niệm hoặc cái nhìn rõ ràng về các phép liên kết hiện diện trong đó Do vậy, trên ngữ liệu có được, chúng tôi tìm những dẫn chứng xác thực cho những vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu Chúng tôi thấy rằng sự liên kết giữa các câu hay phát ngôn đều có ý nghĩa giống nhau dù rằng đi vào mỗi ngôn ngữ cụ thể nó có những khác biệt đặc thù Từ nhận định như vậy, luận án chỉ xem xét sự liên kết chủ yếu giữa hai câu hay phát ngôn trong văn bản ở 5 phép liên kết là: phép qui chiếu, phép thế, phép tỉnh lược, phép nối và phép liên kết từ ngữ Đề tài được nghiên cứu ở tầm khái quát với sự miêu tả và chú trọng vào những đặc trưng của những phép liên kết này Đồng thời, chúng tôi nhấn mạnh những điểm tương đồng và dị biệt của các phép liên kết qua so sánh và đối chiếu chúng trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh Luận án cố gắng có sự dung hợp trong cách trình bày và lí giải với chủ ý làm cho vấn đề rõ ràng và cụ thể nhằm rút ra được những kết luận chính yếu liên quan đến đề tài
Trang 113 Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Như đã nói, văn bản là sản phẩm ngôn ngữ phục vụ cho nhu cầu giao tiếp của con nguời Chúng là những tổng thể hợp nhất gồm các ngữ đoạn, câu hay phát ngôn có nhiều kích cở khác nhau M.A.K Halliday [91] khẳng định rằng đơn vị giao tiếp cơ bản không phải là từ hay câu mà là văn bản Những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng như: H Harmann, H Weinrich và W Dressler cũng thừa nhận văn bản là đơn vị có chức năng giao tiếp cao nhất Từ quan niệm này, quan hệ giữa nội dung văn bản với hoàn cảnh sử dụng ngôn ngữ để đạt hiệu quả giao tiếp đã được quan tâm nghiên cứu Đồng thời, văn bản được xác định là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học văn bản Nhiều thuật ngữ, khái niệm và tên gọi như: cú pháp văn bản, ngữ pháp văn bản, ngôn ngữ học diễn ngôn, xuyên ngôn ngữ học, phân tích diễn ngôn v.v và những nội dung như: tính hiểu được của văn bản, cách chuyển đổi quy chiếu người và vật, sự phân bố phần đề và phần thuyết của phát ngôn, phương thức liên kết v.v xuất hiện trong các công trình nghiên cứu ngôn ngữ ra đời từ những năm
60 của thế kỷ XX đến nay Tuy nhiên, các công trình liên quan đến việc so sánh và đối chiếu các phép liên kết giữa các ngôn ngữ thực sự chưa nhiều
Trong các công trình ngôn ngữ học ở Việt Nam, có thể nói ‘Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt’ của Trần Ngọc Thêm [56] là tác phẩm đầu tiên nghiên cứu
các phép liên kết trong văn bản tiếng Việt Trong công trình này, văn bản được nghiên cứu theo quan điểm riêng của tác giả với những kiến giải sâu sắc về hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt Công trình đã được đánh giá cao, khởi đầu cho nhiều công trình nghiên cứu khác liên quan đến văn bản và có vai trò quan trọng trong nội dung giảng dạy về văn bản tiếng Việt ở trường phổ thông và đại học hiện nay
Trang 12‘Giao tiếp - Văn bản - Mạch lạc - Liên kết - Đoạn văn’ được Diệp Quang Ban [6] xây dựng trên cơ sở công trình ‘Văn bản và liên kết trong tiếng Việt’ [2] của ông với sự chú ý đặc biệt đến hiện tượng liên kết theo hướng ứng
dụng lí thuyết mới vào tiếng Việt trong việc giảng dạy ngôn ngữ Trong đó, tác giả trình bày các phép liên kết theo hệ thống liên kết của M.A.K Halliday và R Hassan Tác phẩm có hướng khai triển mới trong việc tìm hiểu văn bản và khai thác mặt ngữ dụng trong văn bản tiếng Việt Điều cần nói rõ là trong các nhà Việt ngữ học, Diệp Quang Ban [6] là người đầu tiên đã trình bày các phép liên kết trong văn bản tiếng Việt theo cách của hai tác giả trên
Lời nói tiếng Việt cũng được khảo sát như một đơn vị giao tiếp trong
tác phẩm ‘Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt’ của Nguyễn Thị Việt Thanh
[53] Quan hệ giữa lời nói với văn bản, liên kết trong lời nói và liên kết giữa các lời nói trong một chỉnh thể đối thoại, liên kết giữa các chỉnh thể đối thoại với nhau và liên kết trong bình diện ngữ kết-ngữ nghĩa học và ngữ dụng-ngữ nghĩa học là những vấn đề đã được nghiên cứu trong công trình này
Phép tỉnh lược ở phạm vi ngữ trực thuộc được Phạm Văn Tình [66]
nghiên cứu trong ‘Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược’ Tác giả đã tìm
hiểu một số lí luận mới trong nghiên cứu mệnh đề pháp tiếng Việt để đi sâu vào việc nghiên cứu văn bản Cũng trong phạm vi ngữ trực thuộc, Lê Tấn Thi [58] nghiên cứu ngữ trực thuộc trên bình diện ngữ nghĩa-ngữ pháp với các mối
quan hệ lôgic sự vật qua luận án ‘Ngữ trực thuộc nối trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh’ Ngoài việc kiến giải ngữ trực thuộc nối theo quan điểm riêng,
tác giả cũng đã góp thêm một số nguyên tắc hiệu đính ngữ trực thuộc nối phi liên kết trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh Những phương thức liên kết
Trang 13đặc thù như: phép tuyến tính, hoán ngữ trực thuộc, hậu ý, ngôn điệu v.v cũng đã được đề cập
Hoàng Văn Vân [72] phác thảo tình hình chung về việc nghiên cứu ngữ
pháp tiếng Việt theo quan điểm chức năng hệ thống trong ‘Ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt: Mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống’ Trong công trình này, cú tiếng Việt, ‘đơn vị cơ bản của cú pháp’, được khảo sát ở
bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp-từ vựng Tác giả đã mô tả và phân tích ngữ pháp kinh nghiệm của cú tiếng Việt như một cách khẳng định vai trò quan trọng của cú trong nghiên cứu ngữ pháp theo quan điểm ngữ pháp chức năng
Trong nhiều công trình nghiên cứu văn bản và diễn ngôn của các nhà
ngôn ngữ học nước ngoài, có thể nói ‘Cohesion in English’ của M.A.K
Halliday và R Hassan [91] là công trình nổi bật nhất Công trình được xem là nền tảng cho các khái niệm, luận điểm và kiến giải cụ thể liên quan đến các phép liên kết với đơn vị khảo sát chủ yếu là cú trong văn bản tiếng Anh
Cũng trên cơ sở công trình này, tác phẩm ‘An Introduction to Functional Grammar’ của M.A.K Halliday ([94] và [95]) đã ra đời với những chỉnh sửa
và bổ sung thiết yếu nhằm khẳng định vai trò của văn bản và các phép liên kết theo quan điểm chức năng hệ thống Nhìn chung, theo quan sát của chúng tôi, hầu như các tài liệu phân tích diễn ngôn, trong nước lẫn ngoài nước, cũng có những trích lược hoặc phân tích quan hệ liên kết giữa các cú hoặc giữa các phát ngôn theo quan điểm mà ông thể hiện trong các công trình của mình
Ngoài một vài công trình tiêu biểu trên, những bài viết trong các tạp chí ngôn ngữ tiếng Việt đều có đề cập đến văn bản ở nhiều khía cạnh với quan điểm và cách lí giải riêng Những vấn đề như: liên kết hồi chỉ, liên kết qui chiếu, ngữ nghĩa của liên từ, đại từ tiếng Việt v.v được khảo sát và chứng minh qua ngữ liệu tiếng Việt và tiếng Anh Nhìn chung, những vấn đề này chỉ
Trang 14dừng lại ở mức độ giải thích và minh họa mà không đi sâu vào tất cả các phép liên kết , đặc biệt là so sánh chúng trong tiếng Việt với ngôn ngữ khác
Vì vậy, trên cơ sở kế thừa thành tựu của những công trình đi trước, chúng tôi tiến hành so sánh các biện pháp liên kết trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh không ngoài mục đích đã trình bày là góp thêm vào các công trình khác những kết quả nghiên cứu văn bản theo hướng mới là so sánh các phép liên kết giữa các ngôn ngữ với nhau Đây là hướng chúng tôi nhận thấy cần có nhiều công trình hơn nữa, đặc biệt là những công trình thuộc ngôn ngữ học văn bản
4 Phương pháp nghiên cứu
Luận án được xây dựng trên cơ sở lý thuyết ngôn ngữ học và các bộ phận có liên quan như: ngữ dụng học, phong cách học, ngôn ngữ học văn bản, ngôn ngữ học so sánh v.v Dựa vào nhiều tài liệu khác nhau về liên kết văn bản, luận án tìm hiểu quan niệm của các nhà ngôn ngữ học, chọn lọc ngữ liệu và sắp xếp chúng vào các đề mục liên quan Chúng tôi diễn dịch và miêu tả nội dung của từng vấn đề với sự chú trọng vào những điểm chính yếu và lược bớt tiểu tiết Do đó, để việc trình bày và lí giải được rõ ràng, luận án sử dụng phương pháp miêu tả ngôn ngữ học để trình bày nội dung và phân tích ngữ liệu nhằm làm rõ những đặc điểm nổi bật trong việc sử dụng các phép liên kết trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh Để tìm ra những tương đồng và dị biệt của các biện pháp liên kết, chúng tôi dùng phương pháp so sánh và đối chiếu Đây là những phương pháp đang được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu ngôn ngữ học hiện đại
Trang 155 Những đóng góp của luận án
Trên cơ sở kế thừa các công trình đi trước, với cái nhìn khái quát và những phát hiện cụ thể qua trình bày và so sánh, luận án có những đóng góp như sau:
° Về mặt lý thuyết
Các khái niệm về văn bản và liên kết được sử dụng rộng rãi hiện nay chủ yếu được khái quát từ tiếng Anh Trên cơ sở mô tả hệ thống liên kết trong văn bản tiếng Việt, luận án hy vọng sẽ làm rõ thêm một số đặc điểm khái quát, phân tích thêm về độ đậm nhạt ở một số khía cạnh mà vì nhiều lý do các công trình lý thuyết đã công bố chưa đề cập đến Bên cạnh đó, thông qua những phép liên kết gắn liền với đặc điểm của tiếng Việt, luận án cũng chỉ ra được những thuộc tính riêng của loại hình ngôn ngữ đơn lập và bổ sung thêm một số phát hiện cụ thể về hoạt động của hai ngôn ngữ không cùng loại hình
°Về mặt thực tiễn
Hiện nay trình độ am hiểu và sử dụng các phép liên kết trong các ngôn ngữ nói chung, trong tiếng Việt và tiếng Anh nói riêng là vấn đề còn bỏ ngõ và chưa được quan tâm đúng mức Vì vậy, kết quả của luận án này sẽ là một tài liệu hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài Đồng thời, đây cũng là tài liệu thiết thực để có thể tham khảo và sử dụng vào việc đối dịch Anh-Việt và Việt-Anh Trong chừng mực nào đó, luận án hy vọng phác thảo được một bức tranh tổng quan về liên kết văn bản với những phân tích, nhận định có ý nghĩa về các phép liên kết, khả dĩ tiếp nối được quá trình nghiên cứu của những công trình đi trước
Trang 166 Bố cục
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm các chương sau:
Chương 1 Liên kết và những vấn đề liên quan
Luận án trình bày những khái niệm chủ yếu về văn bản và liên kết với những kiểu liên kết tiêu biểu như: liên kết hình thức và liên kết nội dung, liên kết nội chỉ và liên kết ngoại chỉ, liên kết hồi chỉ và liên kết khứ chỉ v.v Đồng thời, những quan niệm về liên kết và quan hệ giữa liên kết và mạch lạc, giữa câu, phát ngôn và cú cũng được đề cập như cơ sở lý thuyết về liên kết văn bản
Chương 2 Liên kết trong văn bản tiếng Việt
Luận án trình bày các phép liên kết trong văn bản tiếng Việt như: phép qui chiếu, phép thế, phép tỉnh lược, phép nối và phép liên kết từ ngữ với những ví dụ nhằm làm rõ ngữ nghĩa và ngữ dụng của các phương tiện liên kết
trong vai trò liên kết văn bản
Chương 3 Liên kết trong văn bản tiếng Anh
Luận án miêu tả nội dung các phép liên kết trong văn bản tiếng Anh Cùng với việc miêu tả, luận án có những ví dụ minh họa nhằm làm rõ lý thuyết và nhấn mạnh vào các phương tiện liên kết từ vựng được sử dụng trong văn bản tiếng Anh
Chương 4 Những tương đồng và dị biệt về liên kết trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh
Luận án nêu bật những điểm tương đồng và dị biệt về liên kết trong văn bản của hai ngôn ngữ Việt, Anh theo cách nhận xét và lí giải riêng qua so sánh và đối chiếu Luận án cũng đề cập ý nghĩa thực tiễn của liên kết, ảnh
Trang 17hưởng của loại hình ngôn ngữ trong nghiên cứu văn bản và những ứng dụng trong giảng dạy, dịch thuật và các lĩnh vực liên quan
Kết luận
Luận án đúc kết những đặc điểm khái quát nhất về liên kết văn bản, nhận định chung về các vấn đề đã trình bày và nhấn mạnh những điểm chính yếu sau khi so sánh và đối chiếu các phép liên kết Đồng thời, luận án cũng nêu triển vọng nghiên cứu về văn bản trong tương lai
Trang 18CHƯƠNG 1 LIÊN KẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
1.1 Khái niệm chung
1.1.1 Văn bản
Trước đây, các nhà ngôn ngữ dùng thuật ngữ ‘văn bản’ để nói về tất cả
những trường hợp ghi lại ngôn ngữ trong sử dụng Nó mang tính chất khép kín và ít lệ thuộc vào ngữ cảnh ngoài ngôn ngữ Hiện nay, nhiều nhà ngôn ngữ
đồng ý rằng ‘văn bản’ là sản phẩm ngôn ngữ thể hiện bằng văn viết, ‘ngôn bản’ là sản phẩm ngôn ngữ thể hiện qua lời nói và ‘diễn ngôn’ được hiểu là bao gồm cả ‘văn bản’ và ‘ngôn bản’ Dressler [87] nhận định rằng đơn vị ngôn
ngữ cao nhất và ít lệ thuộc nhất không phải là câu mà là văn bản Trong luận án này, văn bản được hiểu là đơn vị giao tiếp có tính hoàn chỉnh, bao gồm hàng loạt đơn vị lớn hơn câu, tồn tại dưới dạng nói hoặc viết thuộc nhiều thể loại khác nhau Nó mang một nội dung cụ thể và hướng đến một đối tượng giao tiếp nhất định Như vậy, văn bản có đặc trưng là tính hoàn chỉnh về hình thức và nội dung Về hình thức, kết cấu của văn bản có thể gồm hai hoặc ba thành phần như: mở đầu, thân bài và kết luận Trong một số trường hợp đặc biệt, văn bản có thể chỉ là một ngữ đoạn, một câu hay một phát ngôn Về nội dung, hầu như văn bản nào cũng liên quan đến một chủ thể với trạng thái, hành động và tính chất của chủ thể đó trong một thời gian và không gian cụ thể Nói khái quát, văn bản liên quan chặt chẽ đến những vấn đề giao tiếp như: ai, điều gì, như thế nào, tại sao, ở đâu và lúc nào Khi phản ánh hiện thực, văn bản có sự hạn chế vì các đơn vị ngôn ngữ khi được sử dụng phải tuân theo những qui luật hoạt động chặt chẽ Mặt khác, những sự kiện diễn ra đồng thời phải được diễn đạt theo trật tự tuyến tính Vì vậy, văn bản phải sử dụng nhiều biện pháp liên kết khác nhau
Trang 19Biện pháp liên kết, còn gọi là phương thức liên kết hay phép liên kết, là cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để tạo ra liên kết văn bản Phương tiện liên kết có thể có nhiều hình thức và cách biểu hiện khác nhau Trong luận án này, phương tiện liên kết là đối tượng nghiên cứu chủ yếu Đó là những yếu tố hay đơn vị từ vựng cụ thể ứng với một cấp độ nhất định tham gia vào liên kết văn bản như: danh từ, đại từ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, số từ v.v Chúng tôi quan niệm rằng việc hiểu rõ cách phân từ loại trong một ngôn ngữ giúp cho sự nhận dạng các phương tiện từ vựng có vai trò liên kết trong văn bản được dễ dàng hơn Đối với tiếng Việt, bản chất của từ loại thể hiện ở khả năng kết hợp từ, tức là sự phân bố các vị trí của từ trong những bối cảnh ngữ pháp Nói chung, từ loại tiếng Việt thuộc ba tập hợp cơ bản: thực từ (danh từ, động từ, tính từ v.v…), hư từ (liên từ, giới từ, quán từ) và tình thái từ Trong tiếng Anh, từ loại được phân định một cách rõ ràng theo hình thái từ, cách sử dụng và quan hệ giữa chúng trong mệnh đề hay câu Những loại từ này được dùng theo những qui định về ngữ pháp chặt chẽ và nghiêm nhặt Trong nhiều trường hợp, danh từ, động từ, tính từ, trạng từ v.v tiếng Anh được hình thành
bằng sự kết hợp của dạng gốc (base form) hay căn tố với tiền tố (prefix) hoặc hậu tố (suffix) Thực tế có khá nhiều trường hợp phương tiện được sử dụng
không những chỉ là từ mà còn mở rộng đến cả ngữ Do vậy, phương tiện từ vựng được khảo sát trong luận án bao gồm cả từ và ngữ Chính nhờ các phương tiện liên kết này mà các câu hay phát ngôn dù không đứng gần nhau trong văn bản nhưng người đọc, người nghe vẫn nhận thức được quan hệ giữa chúng với nhau, nghĩa là chúng có liên kết
De Beaugrande và Dressler [85] cho rằng mỗi văn bản viết hay nói đều được xem là một sự kiện giao tiếp Nó phải đạt bảy tiêu chuẩn của tính chất văn bản Nếu thiếu một trong những tiêu chuẩn này thì văn bản được xem như
Trang 20không thực hiện được chức năng giao tiếp Những tiêu chuẩn đó là: tính liên kết, tính mạch lạc, tính dự định, tính có thể chấp nhận được, tính có thông tin, tính có liên quan và tính liên văn bản Tính liên kết liên quan đến cách thức mà trong đó các thành phần của văn bản có nối kết nhau trong một chuỗi ngữ đoạn, mệnh đề, câu hay phát ngôn bằng các phương tiện từ vựng hoặc ngữ pháp được chọn lựa trong hệ thống ngôn ngữ Tính mạch lạc liên quan đến việc cho thấy những từ được tiếp nhận là có thể sử dụng được và thích ứng với nhau Cả liên kết và mạch lạc đều có chức năng kết hợp văn bản lại nhằm làm cho các chuỗi câu có ý nghĩa Tính dự định thuộc về người tạo văn bản và tính có thể chấp nhận được thuộc về người tiếp nhận văn bản, nghĩa là người tạo văn bản phải hướng đến một dự dịnh nào đó và người tiếp nhận văn bản phải chấp nhận được nó theo những khái niệm hữu quan và sự tương tác giao tiếp Tính có thông tin, tính có liên quan và tính liên văn bản liên quan đến cấu trúc thông tin, đến tình huống giao tiếp và quan hệ giữa văn bản này với văn bản khác Một cách khái quát, văn bản có thể là một đoạn văn được nói hoặc viết ra thành một tổng thể hợp nhất, có độ dài ngắn khác nhau và được
nhìn nhận như “một thứ câu bậc trên, một thứ đơn vị ngữ pháp lớn hơn câu nhưng có quan hệ với câu theo cách câu quan hệ với mệnh đề và mệnh đề quan hệ với cụm từ “ [91:2] Tóm lại, với những đặc trưng vốn có của ngôn ngữ, văn
bản được con người sử dụng như một công cụ giao tiếp chính yếu để tồn tại và phát triển
1.1.2 Câu, phát ngôn và cú
Câu, phát ngôn và cú được tìm hiểu với nhiều quan niệm khác nhau Việc tìm hiểu ý nghĩa của những thuật ngữ này nhằm xác định rõ ràng hơn nữa cơ sở và đối tượng khảo sát của luận án Từ, cú đoạn, cụm từ, cú, câu v.v là những hình thức biểu hiện tiêu biểu của văn bản Từ gồm các hình vị Cụm
Trang 21từ gồm nhiều từ nhưng mang nghĩa khái quát hơn cú đoạn Cú gồm nhiều cú đoạn hay hoặc cụm từ Danh ngữ và động ngữ có thể được giải thích như là tổ hợp từ gồm có một chính tố với một hay nhiều phụ tố Câu được xem là cú phức gồm một cú chính và những cú phụ hay cú bổ nghĩa Quan hệ giữa cú và câu giống như quan hệ giữa từ và cụm từ Như vậy, câu được định nghĩa như một cú phức và câu đơn là một trường hợp của cú phức, nghĩa là câu đơn là cú độc lập Trong ngôn ngữ viết, một cú phức tương ứng với một câu Về nghĩa, câu là sản phẩm của ba quá trình biểu hiện nghĩa diễn ra đồng thời: sự biểu hiện của kinh nghiệm, sự trao đổi và thông điệp Khi tạo lập văn bản, người viết hay người nói phải hình thành những quan hệ có liên quan đến mọi thành phần trong văn bản Điều này không thể chỉ thực hiện bằng cấu trúc ngữ pháp nhưng bằng một lực phi cấu trúc là sự liên kết văn bản Mệnh đề là thuật ngữ được luận án sử dụng để chỉ cú Trong phép thế và phép tỉnh lược, mệnh đề
được khảo sát trong hai loại liên kết là thế mệnh đề và tỉnh lược mệnh đề
Mỗi đơn vị ngôn ngữ phải có một hình thức hoàn chỉnh với những ranh giới rõ ràng trong câu viết và lời nói để nhận dạng và sử dụng Trong tiếng Việt, Trần Ngọc Thêm [56] dùng thuật ngữ ‘phát ngôn’ để chỉ một trong các đơn vị ngôn ngữ Nó được xét trên ba bình diện: hình thức, nội dung và cấu trúc Về hình thức, phát ngôn được nhận dạng bằng chữ cái hoa ở đầu và kết thúc bằng dấu phát ngôn ở dạng viết Ở dạng nói, nó được phát ra theo một ngữ điệu và kết thúc bằng một quãng ngắt hơi Về cấu trúc, nó thường có hai thành phần: chủ đề và thuật đề Chủ đề có vai trò trung tâm ngữ pháp, là đối tượng được nêu Thuật đề, có vai trò trung tâm ngữ nghĩa, là những thông báo về chủ đề Nếu một phát ngôn có đủ cả hai phần chủ đề và thuật đề thì nó sẽ hoàn chỉnh về cấu trúc và được gọi là câu Trong thực tế, phát ngôn hoàn chỉnh về cấu trúc tương ứng với câu đúng, câu bình thường hoặc câu theo
Trang 22nghĩa hẹp Câu có thể chia làm hai loại là câu tự nghĩa và câu hợp nghĩa Nếu một phát ngôn thiếu một trong hai thành phần chủ đề-thuật đề hoặc thiếu cả hai thì nó là ngữ trực thuộc Cấu trúc chủ đề-thuật đề được cụ thể hóa bằng cấu trúc ngữ pháp nòng cốt cấu tạo từ những thành phần của phát ngôn Trần Ngọc Thêm [56] xác định có bốn cấu trúc nòng cốt: nòng cốt đặc trưng, nòng cốt quan hệ, nòng cốt tồn tại và nòng cốt qua lại Những thành phần tham gia các cấu trúc nòng cốt này là: chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và bổ ngữ Về chức năng, trong cấu trúc chủ đề-thuật đề, chúng có thể là chính tố hay phụ tố của phát ngôn Phát ngôn được cấu tạo theo một trong những kiểu cấu trúc nòng cốt này là phát ngôn đơn, nghĩa là chỉ có một cấu trúc chủ đề-thuật đề Nếu nó có đầy đủ các thành phần chính thì nó là câu đơn Nếu không có đầy đủ thành phần chính thì nó là ngữ trực thuộc đơn Xét về mặt nội dung, phát ngôn có hai loại là phát ngôn tự nghĩa phát ngôn hợp nghĩa Thành phần câu mà Trần Ngọc Thêm gọi là ngữ trực thuộc thì Cao Xuân Hạo [31] gọi là câu liên đới hay câu ứng tiếp vì chúng chỉ có nghĩa trọn vẹn nhờ các câu kế cận Như vậy, ngữ trực thuộc được Cao Xuân Hạo xem xét trước hết ở mặt hình thức của chúng Đó có thể là những câu có tỉnh lược, câu chứa những từ ngữ hồi chỉ hoặc khứ chỉ, câu bắt đầu bằng những kết từ hoặc những tác tử phân giới Còn những câu có ý nghĩa trọn vẹn, không cần đến sự bổ sung nghĩa của câu nào khác được gọi là những câu tự lập Nói chung, xét về cấu trúc, các phát ngôn có thể gồm hai loại là phát ngôn hoàn chỉnh và phát ngôn không hoàn chỉnh cấu trúc Cụm từ hoàn chỉnh về cấu trúc được gọi là cú và cụm từ không hoàn chỉnh về cấu trúc thì được gọi là ngữ Yếu tố chính của ngữ được gọi là chính tố và yếu tố phụ của ngữ được gọi là phụ tố Căn cứ vào đặc điểm của chính tố, các ngữ được chia ra thành danh ngữ, động ngữ v.v Các phụ tố đứng cạnh danh từ trung tâm trong danh ngữ được gọi là định tố Còn trong động
Trang 23ngữ, các phụ tố chỉ trạng thái, hoàn cảnh, cách thức v.v đứng cạnh động từ trung tâm được gọi là trạng tố
Các đơn vị ngôn ngữ được luận án xem xét gồm những phương tiện liên kết nằm trong cụm từ, ngữ đoạn, câu hay phát ngôn Chúng có thể là: đại từ, danh từ, danh ngữ, động từ, động ngữ và mệnh đề v.v Khi trình bày và phân tích, luận án cũng sử dụng các thuật ngữ theo các khái niệm nêu trên Đồng thời, luận án lấy phát ngôn làm đơn vị cơ sở để khảo sát các phép liên kết và gọi hai phát ngôn liên kết nhau là phát ngôn trước và phát ngôn sau theo thứ tự xuất hiện của yếu tố liên kết trong các phát ngôn Đây là cách gọi phát ngôn theo nghĩa rộng, không chú ý đến sự hoàn chỉnh hay không hoàn chỉnh của chúng về cấu trúc, nghĩa là chúng có thể là những ngữ trực thuộc
Điều này có nghĩa là phát ngôn “không được nghiên cứu tách rời, biệt lập với văn cảnh, ngữ cảnh, ngữ nghĩa mà đi vào các hiệu dụng đa dạng trong bối cảnh giao tiếp, hiệu quả giao tiếp, trong các mối quan hệ chức năng liên nhân giữa người nói và người nghe v.v.” Lê Quang Thiêm [59 :195] Như vậy,
chúng tôi khảo sát một phát ngôn chủ yếu trong quan hệ của nó với các phát ngôn xuất hiện trước hoặc sau nó Trong một số trường hợp, phát ngôn được
xem xét trong quan hệ với ngữ cảnh tình huống nằm ngoài văn bản
1.1.3 Các kiểu liên kết
Để diễn đạt tính chất, trạng thái, hành động của các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên và xã hội, văn bản được tạo lập không thể chỉ ở cấp độ câu mà còn ở cấp độ trên câu và phải tuân theo những qui tắc nhất định Sự liên kết là mạng lưới của những quan hệ và liên hệ giữa các yếu tố như: từ, câu hay phát ngôn, đoạn văn v.v Giá trị của mỗi từ được xác định theo quan hệ giữa từ đó vơiù những từ khác trong câu và giá trị của mỗi câu có được do vị trí của nó trong văn bản và quan hệ giữa nó với các câu khác theo nguyên tắc
Trang 24tổ chức văn bản Do đó, đặc trưng nổi bật của các yếu tố là tính liên kết văn bản Tác dụng của tính liên kết là làm cho văn bản trở thành một thể thống nhất, chặt chẽ về các mặt nội dung, hình thức và cấu trúc Tính liên kết đặt trên cơ sở nghĩa và các yếu tố ngôn ngữ được dùng làm phương tiện liên kết có quan hệ nghĩa với nhau theo kiểu yếâu tố này giải thích cho yếu tố kia, làm cho yếu tố kia trở thành cụ thể hoặc xác định theo những cách khác nhau Do quá trình tiếp nhận nội dung văn bản phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố hữu quan như: người phát (người nói hay người viết), nội dung văn bản (thông điệp), người nhận (người nghe hay người đọc), sự tiếp xúc, ngữ cảnh và mã ngôn ngữ nên liên kết mà luận án trình bày ở đây làø liên kết dựa trên cơ sở ngữ nghĩa của các yếu tố ngôn ngữ nằm trong các phát ngôn, có xét đến các yếu tố nêu trên Sau đây là một đoạn văn cho thấy các phát ngôn có liên kết nhau theo một số phép liên kết mà luận án sẽ trình bày
(1) Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam lâu nay, họ vẫn lấy quyền lực làm tri thức mà chưa thực sự coi tri thức là quyền lực, quyền được vào đời và tự khẳng định (1) Đây là một nếp nghĩ cố hữu xuất phát từ một xã hội khoa cử
phong kiến, nghĩa là phải qua thi cử, đỗ đạt mới được ra làm quan và được
xem là thành đạt (2) Nếp nghĩ này không còn phù hợp với một xã hội năng
động và hiện đại như hôm nay nữa (3) Tri thức luôn là chân lí (4) Một chân
lí thì có giá trị trong mọi xã hội, còn nếp nghĩ thì có thể thay đổi nếu nó không còn phù hợp (5) (Tuấn Hải - Tri thức phải được coi là quyền lực - báo
tuổi trẻ số 229/05, ngày 4/10/05)
Chủ đề được nói đến trong đoạn văn này là ‘nếp nghĩ của người Việt Nam’ được diễn đạt qua các phát ngôn có liên kết chặt chẽ nhờ các phép liên
kết như:
Trang 25- Phép lặp từ, ngữ nguyên dạng: ‘quyền lực’, ‘tri thức’, ‘nếp nghĩ’, ‘xã hội’,
‘không còn phù hợp’, ‘chân lí’
- Thế mệnh đề: ‘đây’
- Phép qui chiếu chỉ định: (nếp nghĩ) ‘này’
- Phép lặp từ ngữ: từ ngữ trái nghĩa: (xã hội) ‘khoa cử phong kiến’ và (xã hội)
‘năng động hiện đại’, (chân lí) ‘có giá trị trong mọi xã hội’ (nghĩa là ‘không thay đổi’) và (nếp nghĩ) ‘có thể thay đổi’
Từ những phép liên kết và qua các phương tiện liên kết được sử dụng
trong đoạn văn cho thấy “Hai câu hoặc chuỗi câu được thừa nhận là liên kết khi chúng cùng nói tới một đối tượng chung hoặc những đối tượng có quan hệ mật thiết với nhau và phù hợp với nhau theo những mối quan hệ ngữ nghĩa, lôgic và ngữ pháp nhất định” Nguyễn Quang Ninh [47:80]
Mặt khác, Halliday và Hassan [91] quan niệm liên kết là một phần trong hệ thống của một ngôn ngữ và khái niệm liên kết là một khái niệm thuộc ngữ nghĩa Liên kết liên quan đến những quan hệ về các ý nghĩa tồn tại trong văn bản vàø chỉ có khi việc giải thích một yếu tố nào đó trong văn bản hay diễn ngôn tùy thuộc vào một yếu tố khác Các yếu tố này xuất hiện đan xen vào nhau hình thành mạng lưới liên kết văn bản Việc giải thích hay hiểu những yếu tố chưa rõ nghĩa phải dựa vào các phép liên kết mà người tạo văn bản đã sử dụng kết hợp với những bổ sung tương tác của người tiếp nhận văn bản
(2) It was an ugly, horrible house (1) Its windows was large But there was nothing to watch from them but the flat backyard and the tall, grey paling
fence (Glenda Adams - The Hottest Night of The Century)
Trang 26Đó là một ngôi nhà xấu xí và đáng sợ Những cửa sổ của nó thì rộng Nhưng nhìn qua chúng thì chẳng thấy gì ngoài cái sân sau phẳng lì và dãy
hàng rào cao màu xám nhạt
Các phát ngôn trên có liên kết với nhau theo quan hệ qui chiếu: ‘its’ là từ dùng trong qui chiếu chỉ định, xác định rõ danh từ ‘windows’ với vật qui chiếu là ‘house’ ‘them’ là từ qui chiếu chỉ ngôi liên quan đến danh từ
‘windows’
Ngôn ngữ có thể được giải thích như là một hệ thống bao gồm ba bình diện: ý nghĩa (ngữ nghĩa), dạng thức (ngữ pháp-từ vựng), và cách biểu đạt (âm, chữ viết) Giống như những quan hệ ngữ nghĩa khác, liên kết được biểu hiện qua việc sử dụng các đơn vị ngôn ngữ và được xét trên ba bình diện này Các ý nghĩa được nhận thức như các dạng và các dạng lại được nhận thức như những cách biểu đạt Trong tiếng Anh, liên kết thuộc quan hệ ngữ nghĩa và các dạng liên kết được nhận thức qua ngữ pháp hoặc từ vựng Sự phân biệt giữa ngữ pháp và từ vựng thực ra chỉ là sự phân biệt về mức độ Điều cần nhấn mạnh là khi nói liên kết ngữ pháp hay từ vựng là nói đến quan hệ không chỉ thuần túy về hình thức mà còn liên quan đến các ý nghĩa trong đóù Halliday và Hassan [91] dùng thuật ngữ ‘kết nối’ (tie) để chỉ quan hệ liên kết giữa hai yếu tố ngôn ngữ Bản chất của sự kết nối thuộc ngữ nghĩa, nghĩa là hai yếu tố ngôn ngữ của bất cứ sự kết nối nào cũng gắn chặt vào nhau theo
một quan hệ ngữ nghĩa nào đó Halliday và Hassan [92:72] xác định “những quan hệ ngữ nghĩa này hình thành cơ sở cho sự liên kết giữa các thông điệp của một văn bản” Nếu hiểu văn bản như một không gian liên tục trong đó các
thông điệp riêng lẻ liền tiếp theo nhau thì những yếu tố liên kết chính là hai đầu của kết nối Đầu kết nối này có thể ở vị trí trung gian, sát gần hoặc cách
xa đầu kết nối kia Một đầu có thể là một phần của thông điệp và đầu kia là
Trang 27một phần của thông điệp kế tiếp Quan hệ giữa hai đầu kết nối có thể là quan hệ hồi chỉ hay khứ chỉ
(3) Wash and core six cooking apples Put the apples into a fireproof dish
Hãy rửa và lấy lõi sáu quả táo được dùng để nấu ăn ra Để những quả táo (này) vào một cái đĩa chịu lửa
Ví dụ này có hai kết nối: một là quan hệ bằng phép lặp từ ‘apples’ ở phát ngôn trước và phát ngôn sau và một là qui chiếu hồi chỉ giữa ‘the’ trong
‘the apples’ và ‘six cooking apples’ ‘the’ cho biết ‘apples’ ở phát ngôn sau là
‘apples’ trong ‘six cooking apples’ đã được đề cập ở phát ngôn trước Trong tiếng Anh, mạo từ xác định ‘the’ là một trong những phương tiện liên kết được
dùng trong qui chiếu chỉ định Nó mang ý nghĩa xác định rõ đối tượng đang được đề cập Khi phân tích liên kết văn bản, nhà ngôn ngữ học thường phải xác định xem các phát ngôn có liên kết nhau theo những kết nối nào và thuộc phép liên kết nào Trong các khái niệm, khái niệm về sự kết nối là khái niệm quan trọng nhất khi nói về tính chất văn bản (textuality)
Trên đây là phần trình bày khái quát quan điểm và ví dụ minh hoạ về liên kết trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh Nói chung, các yếu tố ngôn ngữ có liên kết nhau tồn tại dưới nhiều dạng và kiểu loại ở tất cả các văn bản của hai ngôn ngữ Ngoài các kiểu loại liên kết đã được các nhà ngôn ngữ học tiếp cận và có cách lí giải riêng, luận án chỉ đề cập đến một vài kiểu loại liên kết tiêu biểu sau đây:
1.1.3.1 Liên kết hình thức và liên kết nội dung
Trong hầu hết các văn bản, dạng liên kết thể hiện hai mặt liên kết có
quan hệ chặt chẽ nhau là liên kết hình thức và liên kết nội dung “Liên kêt nội dung được thể hiện bằng một hệ thống các phương thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng để diễn đạt sự liên kết nội dung” Trần Ngọc
Trang 28Thêm [56:20] Liên kết hình thức có thể được nhận dạng dễ dàng qua các phương tiện liên kết liên quan đến ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp v.v Liên kết
nội dung thể hiện ở sự gắn bó chặt chẽ của liên kết chủ đề và liên kết lôgic Chủ đề chính của văn bản có thể được thể hiện bằng sự diễn đạt và phát triển nhiều chủ đề con có liên quan Chính sự duy trì và phát triển các thành phần trong văn bản theo những quan hệ ngữ nghĩa một cách hợp lý làm cho các phát ngôn liên kết với nhau Liên kết lôgic hiện diện trong nội bộ phát ngôn, giữa các phát ngôn, đoạn văn và giữa văn bản này với văn bản khác Tính lôgic thể hiện chủ yếu ở việc nêu đặc trưng của sự vật hay đối tượng đang được đề cập Điều này có nghĩa là nếu xét riêng từng đơn vị liên kết lôgic thì mỗi đơn vị có đặc trưng riêng, còn nếu xét trong tương quan chung thì chúng có quan hệ nhau về ngữ nghĩa Nói chung, liên kết lôgic thể hiện trên ba mặt chủ yếu: hiện tượng, văn hóa và tư duy Sự chân thực khi nói đến hiện tượng, sự tôn trọng đúng mực với văn hóa và sự tương thích với tư duy làm cho văn
bản có liên kết lôgic
(4) Cây rừng xanh tốt, từng mảng đậm nhạt nối nhau chạy dài Những đỉnh
núi cao nhấp nhô chìm trong mây Men theo đường mòn ven theo sông Chi
Lăng, Lê Hoàn đi thị sát trận địa Nhà vua chăm chú nhìn những lõm sâu đen
ngòm thọc sâu vào sườn núi ở hai bên tả hữu Đàng trước, núi Mặt Quỉ án ngữ sừng sững như hổ phục Và phía sau, dãy chiến lũy đá Thiên Thành từ hai
bên thắt lại, ngọn núi Mã Yên lọt vào giữa như cổng thành chặn giữ mặt nam
(Nguyễn Anh - Danh nhân đất Việt)
Chủ đề của đoạn văn trên là ‘cảnh vua Lê đi thị sát trận địa’ Chủ đề
được duy trì và phát triển bằng việc mô tả cảnh vật ven sông như: ‘cây rừng xanh tốt’, ‘đỉnh núi cao nhấp nhô’’, ‘những lõm sâu đen ngòm’, ‘núi Mặt Quỉ án ngữ sừng sững’, ‘dãy chiến lũy… thắt lại’’, ‘núi Mã Yên’ v.v với những đặc
Trang 29điểm như: ‘xanh tốt’, ‘đậm nhạt’, ‘nhấp nhô’, ‘đen ngòm thọc sâu vào sườn núi’ v.v Đây là những từ ngữ có cùng một trường từ vựng-ngữ nghĩa, nghĩa là có
sự đồng nhất về ngữ nghĩa xét theo một phương diện nào đó, đã được sử dụng nhằm phát triển chủ đề và tạo liên kết lôgic cho văn bản Tính lôgic giữa các phát ngôn này thể hiện ở sự phù hợp giữa hiện thực và nhận thức của con
người Những đặc trưng này ngoài ý nghĩa là ‘đặc trưng bản thể’ của con
người, sự vật, hiện tượng v.v được đề cập mà còn thể hiện quan hệ ngữ nghĩa nhất định giữa chúng với nhau khi lần lượt xuất hiện trong các phát ngôn Có thể nói đoạn văn trên có sự liên kết chặt chẽ về hình thức và nội dung và là
đoạn văn rất mạch lạc (xem 1.2)
1.1.3.2 Liên kết nội chỉ và liên kết ngoại chỉ
Liên kết nội chỉ và liên kết ngoại chỉ là hai dạng liên kết mang đặc trưng khái quát nhất của văn bản vì chúng hiện diện hầu như ở mọi văn bản Liên kết nội chỉ (nội hướng) là sự liên kết thể hiện qua những quan hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ trong cùng một văn bản Liên kết nội chỉ có thể được chia ra làm các loại liên kết như: liên kết trực tiếp, liên kết gián tiếp, liên kết hồi chỉ, liên kết khứ chỉ v.v Liên kết ngoại chỉ (ngoại hướng) là sự liên kết thể hiện bằng cách qui chiếu đến môi trường hay thế giới được người tạo và người tiếp nhận văn bản cùng chia sẻ, không kể đến bối cảnh văn hóa Tuy nhiên, hầu như các loại qui chiếu ngoại chỉ đều có liên quan chặt chẽ đến văn hóa
(5) Tượng đài vua Lý Thái Tổ sẽ là công trình tượng đài đầu tiên được xây
dựng trong thế kỷ mới Có biết bao hy vọng và hồi hộp đón chờ của người dân
Hà thành, sớm được chiêm ngưỡng ông tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long văn hiến (Trần Nhật Minh - Còn nhiều băn khoăn về mẫu tượng đài vua
Lý - Tạp chí khoa học phổ thông, ngày 9/4/04)
Trang 30‘ông tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long’ trong phát ngôn sau được hiểu là ‘vua Lý Thái Tổ’ trong phát ngôn trước Hai phát ngôn này có liên kết theo quan hệ hồi chỉ Đồng thời, ‘vua Lý Thái Tổ’, nếu không được giải thích ở
phát ngôn sau thì hầu như ai cũng biết là vị vua đã dời đô ra Thăng Long, lập nên triều đại nhà Lý hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam Đây là cách hiểu theo qui chiếu ngoại chỉ, nghĩa là có liên quan đến bối cảnh lịch sử, văn hóa của
đất nước và dân tộc Việt Nam Ngoài ra, ‘Hà thành’ và ‘kinh thành Thăng Long’ trong phát ngôn sau cũng là hai đơn vị có quan hệ liên kết bằng từ ngữ đồng nghĩa trong phép liên kết từ ngữ (xem 2.5.1.2)
Liên kết ngoại chỉ trong tiếng Anh được thể hiện với sự hiện diện của
mạo từ xác định ‘the’
(6) The government is to blame for unemployment [105:36]
Chính phủ phải chịu trách nhiệm về nạn thất nghiệp
‘the government’ trong ví dụ trên được hiểu là ‘chính phủ’ của đất nước
mà người tạo phát ngôn đang sinh sống Như vậy, qui chiếu ngoại chỉ hướng người tiếp nhận văn bản vào môi trường hay thế giới bên ngoài đã được giả
định và cùng chia sẻ với người tạo văn bản Tương tự vậy, ‘the’ trong ‘the Queen’(nữ hoàng), ‘the Pope’(giáo hoàng), ‘the army’(quân đội) đều nhằm qui chiếu đến ‘nữ hoàng’, ‘Giáo hoàng’ hay ‘quân đội’ ở đất nước mà người tạo
văn bản đang sống hoặc có liên quan Các văn bản báo chí thường đề cập hoặc đưa tin về các sự kiện, nhân vật, địa danh v.v ở nhiều thời điểm khác nhau liên quan đến ‘thế giới nằm ngoài văn bản’
Khi giao tiếp, ‘the’ còn được dùng với ý nghĩa chỉ chủ thể hay đối tượng
mà người nói và người nghe đang đề cập
(7) We always use the car since it is large enough to put everything into it
Trang 31Chúng tôi lúc nào cũng dùng chiếc xe hơi này vì nó đủ rộng để cho hết mọi
thứ vào trong đó
‘the’, có ý nghĩa liên kết ngoại chỉ , được dùng để nói đến ‘chiếc xe’ mà
người nói hiện có, nghĩa là đối tượng hay vật qui chiếu mà cả người nói và người nghe đều tự xác định được
Nói một cách đơn giản, khi những từ qui chiếu biểu thị vật qui chiếu trong văn bản không cung cấp đủ thông tin cần thiết để người đọc hay người nghe hiểu rõ vật qui chiếu nào thì người đó phải hướng đến ngữ cảnh tức thời, nghĩa là hướng đến cái bối cảnh mà trong đó văn bản diễn ra nhờ vào kinh nghiệm hay kiến thức của mình Nếu vật qui chiếu không nằm trong ngữ cảnh tức thời thì người tiếp nhận văn bản phải qui chiếu đến thế giới có ý nghĩa chung nằm ngoài văn bản Như vậy, qui chiếu đến thế giới ngoài văn bản chính là qui chiếu ngoại chỉ Về vai trò của qui chiếu nội chỉ và qui chiếu
ngoại chỉ, McCarthy [105:36] đã xác định “qui chiếu nội chỉ và qui chiếu ngoại chỉ góp phần vào việc tạo tính chất văn bản, nghĩa là làm cho người đọc hay người nghe hiểu đây là một văn bản thật sự, chứ không chỉ là một tập hợp những câu ngẫu nhiên”
Tuy nhiên, một số nhà ngôn ngữ học không thấy được sự khác nhau thực sự giữa qui chiếu nội chỉ và qui chiếu ngoại chỉ vì cả hai dạng này đều diễn ra trên cơ sở tự qui định bởi người tạo văn bản và người tiếp nhận văn bản Và họ cho rằng dạng liên kết đáng quan tâm khi phân tích văn bản là liên kết nội chỉ Thực ra, cả qui chiếu nội chỉ và qui chiếu ngoại chỉ đều có tầm quan trọng như nhau trong liên kết văn bản Qui chiếu nội chỉ có vai trò quan trọng trong việc giải thích các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản, còn qui chiếu ngoại chỉ có ý nghĩa trong việc giải thích mạch lạc, tức là những ý nghĩa
Trang 32tiềm ẩn trong văn bản liên quan đến môi trường mà trong đó ngôn ngữ thực
hiện chức năng giao tiếp (xem 1.2.2)
1.1.3.3 Liên kết hồi chỉ và liên kết khứ chỉ
Trong văn bản, hai yếu tố có liên kết hồi chỉ (hồi qui) khi yếu tố sau được giải thích bằng cách liên hệ đến yếu tố xuất hiện trước đó Ngược lại, khi yếu tố xuất hiện trước cần được giải thích bằng cách liên hệ đến yếu tố nào đó ở sau nó trong văn bản thì giữa hai yếu tố hình thành quan hệ liên kết khứ chỉ (dự báo) Như vậy, liên kết hồi chỉ là liên kết ngược về phía bên trái, còn liên kết khứ chỉ là liên kết theo chiều xuôi về phía bên phải xét theo vị trí và hướng giải thích cho nhau của các yếu tố liên kết
(8) Xa Phổ Cường một tháng tròn, cũng lạ lùng, mình nửa nhớ thương, nửa như trách móc với cái quê hương thân thuộc đó Ở đó có bao nhiêu gắn bó, những con đường quen thuộc với những mương nước lầy lội, những bụi tre pháo bắn xác xơ ngọn ngay bên đường đi (Đặng Thùy Trâm - Nhật ký)
Trước hết, chúng ta hãy nói đến liên kết thể hiện trong phát ngôn
trước Để hiểu ‘quê hương thân thuộc đó’ ở cuối phát ngôn này cần liên hệ hồi chỉ đến ‘Phổ Cường’ ở đầu phát ngôn Cụm từ ‘ở đó’ trong phát ngôn sau được sử dụng như một cách để liên hệ đến danh từ riêng ‘Phổ Cường’ ở phát ngôn trước Đồng thời, danh ngữ ‘quê hương thân thuộc đó’ liên kết khứ chỉ với những từ và ngữ đoạn: ‘con đường quen thuộc’, ‘mương nước lầy lội’, ‘bụi tre pháo bắn xác xơ’, ‘đường đi’ ở phát ngôn tiếp theo ‘Phổ Cường’ cũng là một
danh từ riêng chỉ một địa danh ở miền Trung Việt Nam Do vậy, để hiểu danh từ này, người đọc hay người nghe phải qui chiếu đến môi trường thực tế nằm ngoài văn bản Cách giải thích danh từ riêng này là cách giải thích theo qui chiếu ngoại chỉ
Trang 33Để xác định quan hệ hồi chỉ và khứ chỉ của các yếu tố liên kết, cần đặc biệt chú ý đến vai trò quan trọng của ngữ cảnh Nó còn được xem là diều kiện để phân biệt qui chiếu hồi chỉ và qui chiếu chỉ thị (chỉ xuất) Qui chiếu hồi chỉ là một loại qui chiếu nội chỉ được xác định bằng ngữ cảnh ngôn ngữ, còn qui chiếu chỉ thị là một loại qui chiếu ngoại chỉ được xác định bằng ngữ cảnh tình huống hay ngữ cảnh ngoài ngôn ngữ
(9) Nhưng rồi bệnh gì cũng qua đi Nó qua như một thằng quái ác chán không
muốn hành hạ một kẻ kiên nhẫn quá (Nam Cao - Dì Hảo)
Để hiểu đại từ ‘Nó’ ở phát ngôn sau phải liên hệ đến danh từ ‘bệnh’ ở
phát ngôn trước Hai yếu tố này có liên kết nhau theo quan hệ hồi chỉ
(10) Tránh ra ! Đừng lại gần nó Nguy hiểm lắm!
Đại từ ‘nó’ lại có ý nghĩa khác vì không liên hệ đến yếu tố nào khác trong văn bản mà lại liên hệ đến ngữ cảnh tình huống ‘nó’ qui chiếu đến một
đối tượng hay sự vật khác nằm ngoài văn bản (qui chiếu chỉ thị) mà cả người nói và người nghe đều biết và được giải thích theo liên kết ngoại chỉ Như
vậy, “Chỉ có ngữ cảnh trong câu hay ngoài câu mới cho phép xác định tính hồi chỉ hay khứ chỉ của những yếu tố này” [31:369]
Trong tiếng Anh, qui chiếu hồi chỉ hay khứ chỉ thường liên quan đến
việc sử dụng từ chỉ ngôi, từ sở hữu và từ chỉ định
(11) Susie is a healthy woman and does not need to work, but she still loves making things happen (1) She said recently, ‘Right now I’ m trying to work less (2) My children are growing up, and I want to spend more time with them while they are young (3) (Liz Taylor- International Express - Intermediate)
Susie là một phụ nữ khoẻ mạnh và không cần làm việc, nhưng cô vẫn
thích làm mọi việc Gần đây cô đã nói, ‘Ngay bây giờ tôi đang cố làm việc ít
Trang 34hơn Các con của tôi đang lớn lên, và tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho
chúng trong lúc chúng còn nhỏ
‘she’ trong (1), ‘I’ và ‘she’ (đại từ chỉ ngôi) trong (2) liên kết hồi chỉ với
‘Susie’ trong (1) ‘my’ (từ sở hữu) trong (3) liên kết với ‘Susie’ theo qui chiếu chỉ định ‘them’ và ‘they’ trong (3) cũng liên kết hồi chỉ với ‘my children’ Mặt khác, ‘Susie’ là danh từ riêng được giải thích theo qui chiếu ngoại chỉ
Như vậy, qui chiếu hồi chỉ ngược với qui chiếu khứ chỉ và có thể được nhận dạng dễ dàng vì đều là qui chiếu nội chỉ Trong phép tỉnh lược, qui chiếu hồi chỉ được thực hiện nhằm phục hồi yếu tố tỉnh lược và xác lập lại cấu trúc phát ngôn để hiểu được nội dung của phát ngôn đó Đây chính là một trong
những ý nghĩa thực tiễn của liên kết hồi chỉ trong phép tỉnh lược (xem 2.3)
1.1.3.4 Liên kết trong nội bộ phát ngôn và liên kết liên phát ngôn
Để làm cho câu có sự hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, trong nội bộ phát ngôn có thể có liên kết giữa từ với từ hoặc giữa các cụm từ hay ngữ đoạn với nhau Đây là sự liên kết dựa trên cơ sở nghĩa của chúng Mặt khác, liên kết trong nội bộ phát ngôn cũng có thể được xem xét từ góc độ ngữ pháp
(12) Chữ cận là gần, chữ viễn là xa; tui với mình cách trở tại mẹ cha ở nhà
(Vũ Bằng - Chàng Kim người Bắc cô Kiều người Kinh )
‘cận’ và ‘viễn’ ; ‘gần’ và ‘xa’ là những cặp từ trái nghĩa được dùng để
liên kết các ngữ đoạn lại với nhau Các ngữ đoạn này có quan hệ nhau theo
quan hệ nhân-quả ‘cách trở’ ở ngữ đoạn cuối mang ý nghĩa như hệ quả của
‘gần’ hay ‘xa’ được đề cập ở hai ngữ đoạn đầu
Liên kết liên phát ngôn thường thấy ở những đoạn hội thoại, nhất là những câu hỏi-đáp nhằm tìm kiếm thông tin
(13) Ngay lúc đó người vợ rụt rè hỏi:
- Thưa ông cái đàn tây ấy bên ta chắc không làm được? (1)
Trang 35- ( ) Có ( ) bác ạ, giờ bên ta làm ( ) cũng không kém mấy (2)
- Thưa ông thế mua ( ) hết những bao nhiêu? (3)
- ( ) Có hơn chục bạc thôi (4) (Nguyên Hồng - Hai dòng sữa)
Các câu hỏi-đáp (2), (3) và (4) đều hướng về chủ đề của đoạn hội thoại là ‘cái đàn tây’ trong (1) Câu (2) là câu trả lời của (1) và câu (4) là câu trả lời của câu (3) Những câu này có sự liên kết chặt chẽ về ngữ nghĩa Một điều
cần lưu ý là câu hỏi không chỉ liên kết với câu trả lời của nó mà còn liên kết với câu hỏi có nêu chủ đề trước đó, nghĩa là câu hỏi có chức năng liên kết liên câu trong văn bản Ngoài ra, đoạn hội thoại này có sự hiện diện của phép
tỉnh lược (xem 2.3), qui chiếu chỉ ngôi (xem 2.1.1 ) và phép lặp từ (xem 2.5.1)
1.1.3.5 Liên kết trực tiếp và liên kết gián tiếp
Hai hay nhiều đơn vị được xem là có liên kết trực tiếp khi chúng nằm ở hai phát ngôn đứng cạnh nhau Nếu chúng đứng cách xa nhau hoặc có sự hiện diện của một, hai hoặc nhiều phát ngôn ở giữa thì đó là liên kết gián tiếp Như vậy, liên kết trực tiếp và liên kết gián tiếp được xét theo vị trí và khoảng cách giữa các đơn vị liên kết trong văn bản,
(14) Anh cảm thấy giờ đây nghề nghiệp ràng buộc và gắn bó với anh rất chặt
Chưa bao giờ như thế cả (Đỗ Bảo Châu - Thợ gầm)
‘như thế’ ở phát ngôn sau được dùng để thay cho mệnh đề ‘giờ đây nghề nghiệp ràng buộc và gắn bó với anh rất chặt’ ở phát ngôn trước, phát ngôn
đứng liềân trước đó Hai phát ngôn này liên kết nhau bằng phép thế mệnh đề theo quan hệ trực tiếp
(15) Một vài gia đình trong xóm biết chúng tôi chuyển quân nên đã ra đứng
tiễn ở hai bên đường (1) Chúng tôi lặng lẽ giơ mũ chào ( ) rồi nối nhau bước đi
(2) Những ánh đèn dầu vàng nhòe, những câu dặn dò ngắn ngủi (3) Bà con im
Trang 36lặng tiễn chúng tôi, những bàn tay giơ vẫy theo (4) (Nguyễn Trí Huân - Một đêm chuyển quân)
‘Một vài gia đình trong xóm’ trong (1) và ‘Bà con’ trong (4) liên kết
nhau bằng phép thế, nhưng là liên kết gián tiếp vì giữa chúng có các phát
ngôn (2) và (3)
Thông thường, các yếu tố liên kết càng cách xa nhau bằng nhiều phát ngôn thì lực liên kết giữa chúng càng giảm đi Có nhiều trường hợp, những câu nằm tuy cách xa nhau nhưng vẫn có sự liên kết mạnh mẽ do các yếu tố liên kết cùng có một ý nghĩa tương ứng Lực liên kết chủ yếu phụ thuộc vào ngữ nghĩa của các đơn vị liên kết
1.1.3.6 Liên kết tu từ
Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, từ vựng có vai trò quan trọng trong việc tạo nét nghĩa đặc biệt, tô đậm sắc thái biểu cảm và làm tăng sức liên kết trong văn bản Nét nghĩa đặc biệt ở đây được hiểu là nét nghĩa hình thành do việc sử dụng các phương tiện tu từ Hầu hết các ngôn ngữ đều có sử dụng các biện pháp tu từ Chúng được phân loại và nghiên cứu trên các bình diện: từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp và văn bản Ở bình diện từ vựng, các phương tiện tu từ là những từ đồng nghĩa mà ngoài nghĩa cơ bản, chúng có tác dụng bổ sung và tạo sự liên hợp ngữ nghĩa Căn cứ vào ngữ nghĩa của các phương tiện tu từ , các phép tu từ được phân loại theo cách mà chúng biểu đạt như: so sánh, tiệm tiến, đột giáng v.v Về cú pháp, đó là các kiểu câu hay phát ngôn được phối hợp với nhau để đạt một hiệu quả đặc biệt nào đó trong phát ngôn, đoạn văn hay cả văn bản như: kiểu câu rút gọn, kiểu đảo trật tự
thành phần hay mở rộng thành phần, các kiểu lặp v.v Ở cấp độ văn bản,
“các biện pháp tu từ văn bản là những cách sử dụng phối hợp các bộ phận của
Trang 37văn bản để tạo ra hiệu quả tu từ do sự tác động qua lại của các bộ phận của văn bản với nhau” Đinh Trọng Lạc [39:61]
(16) Nhưng trên không trung, từ ban nãy, ông trời bao la đương đau bụng, mặt
ông xám xịt lại (1) Bụng ông sôi ục ục, réo róc róc (2) Rồi ( ) bỗng nổi gió
giật, lạnh ngắt (3) Sau cùng ( ) đổ xuống một trận mưa lớn (4) (Tô Hoài -
Nhà nghèo)
Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn này là biện pháp ‘nhân hóa’ ‘Ông trời’ đuợc xem như là một con người thật sự vớiù những biểu hiện cụ thể khi sắp mưa như: ‘đau bụng’, ‘mặt xám xịt‘, ‘bụng sôi ục ục’, ‘réo róc róc’ Ngoài ra, các phát ngôn này còn liên kết nhau bằng phép lặp từ vựng,
phép nối và phép tỉnh lược
- Lặp từ: ‘ông’ trong ‘mặt ông’ và ‘bụng ông’
- Phép nối: từ nối ‘sau cùng’ trong (4) nối hai phát ngôn (3) và (4) liên
hệ nhau theo quan hệ trình tự
- Phép tỉnh lược: thiếu thành phần làm chủ ngữ trong phát ngôn (3) và (4)
Liên kết tu từ phụ thuộc rất lớn vào khả năng vận dụng ngôn ngữ của người tạo văn bản Trong văn bản khoa học, ý nghĩa tu từ của từ ngữ rất hạn chế do cần có sự chính xác, rõ ràng của các thuật ngữ khi sử dụng Nhìn chung, các phép liên kết và các phép tu từ có thể xuất hiện trong cùng một văn bản Cần phân biệt phương tiện liên kết và phương tiện tu từ Nếu một yếu tố ngôn ngữ nào đó có tác dụng giải thích cho một yếu tố khác trong văn bản thì nó là một phương tiện liên kết Nếu nó có tác dụng làm tăng sắc thái biểu cảm thì đó là phương tiện tu từ Cả hai loại phương tiện ngôn ngữ này đều tạo nên sự liên kết văn bản với chức năng và ý nghĩa riêng
Trang 38Tóm lại, các kiểu loại liên kết được xác định theo các phương tiện liên kết hiện diện hoặc không hiện diện trong văn bản, dựa vào tình huống giao tiếp và ngữ dụng
1.2 Mạch lạc và liên kết
1.2.1 Các quan niệm
Mạch lạc trong văn bản được các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu với
nhiều quan niệm khác nhau Cao Xuân Hạo [31:358] xác định “mạch lạc của đoạn văn hay đoạn đối thoại lệ thuộc rất nhiều vào cấu trúc lôgic ngôn từ của những câu làm nên đoạn văn đó” vì ông quan niệm rằng cấu trúc lôgic ngôn từ
phản ánh hướng phát triển của tư duy trong từng câu nên phải phù hợp với
hướng khai triển của tư duy trong cả đoạn văn hay cả văn bản, Đồng thời,
ông cũng chú trọng đến vai trò quan trọng của những loại tiền giả định và hàm nghĩa chứa trong các từ ngữ liên quan đến việc duy trì hay phá vỡ tính mạch lạc của văn bản Trong khi đó, Nguyễn Thiện Giáp [29] quan niệm rằng tính mạch lạc của văn bản có thể được người tiếp nhận văn bản xác định bằng cách cấu trúc lại sơ đồ có liên quan đến văn bản, nghĩa là người đó tìm
ra được quan hệ giữa các câu và ý nghĩa của chúng trong sơ đồ đó để hiểu được văn bản Cùng với De Beaugrande và Dressler [85], Brown và Yule [77] xem mạch lạc là kết quả của sự tương tác giữa văn bản và người tiếp nhận Theo Brown và Yule [77], ba bình diện cần được xét đến trong quá trình phân tích mạch lạc là: giải thích chức năng giao tiếp, sử dụng kiến thức tổng quát về văn hóa xã hội và xác định loại suy luận nào cần phải trải qua Đồng thời, Carrell [78] và Green [89] cũng chấp nhận quan điểm tương tác trong việc tiếp nhận văn bản Ở khía cạnh khác, Widdowson [120] cho rằng việc nhậân ra tính mạch lạc và không mạch lạc ở các chuỗi hội thoại, nói chung là mạch lạc diễn ngôn, không dựa trên mối quan hệ giữa các phát ngôn mà là giữa các
Trang 39hành động được thực hiện bằng các phát ngôn này Mạch lạc của một cuộc thoại được nhận ra nhờ nguyên tắc cộng tác trong hội thoại, nghĩa là mỗi lời thoại đều có ẩn chứa một hành động cần thiết phù hợp với mục tiêu mà những người tham gia giao tiếp cùng quan tâm thực hiện
(17) (sau giờ tan sở)
Nam: Bây giờ mình đi nhậu đi! (1)
Dũng: Bà xã đang chờ cơm (2)
Nam: Vậy chiều mai nhé! (3)
Chuỗi qui ước của tương tác hội thoại và những hành động hàm ẩn trong các lời thoại trong ví dụ trên có thể được hiểu như sau:
- (1) Nam đề nghị Dũng cùng thực hiệân một hành động (đi nhậu)
- (2) Dũng đưa ra lý do tại sao không thể cùng thực hiện hành động (vợ Dũng đang đợi về dùng cơm)
- (3) Nam đưa ra thời gian để cùng Dũng thực hiện hành động khác (hẹn với Dũng sẽ cùng đi nhậu vào chiều hôm sau) Phát ngôn này hàm nghĩa là ‘Vậy chiều mai mình đi nhậu nhé’
Theo cách phân tích này, có thể kết luận rằng có những chuỗi câu không có sự hiện diện của các yếu tố liên kết nhưng vẫn có mạch lạc và ngược lại, nghĩa là mạch lạc được xác định dựa theo chức năng của các hành động nói và ngữ cảnh trong đó cuộc thoại diễn ra Ở một cách nhìn khác, Halliday và Hassan [91] cho rằng mạch lạc là tập hợp những quan hệ có ý nghĩa dùng chung cho mọi văn bản Chính những quan hệ này cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về nội dung giữa các lời nói hay ngữ đoạn cụ thể Với ý nghĩa như vậy, mạch lạc không nêu văn bản thông báo điều gì mà chỉ cho thấy văn bản được tổ chức thành chỉnh thể ngữ nghĩa như thế nào Nó liên quan đến sự lựa chọn các yếu tố mang những ý nghĩa ngữ pháp như: thì, thức, thể v.v và
Trang 40các ý nghĩa tình thái, ý nghĩa xã hội khác mà người tạo văn bản đã đưa vào trong đó Như vậy, khái niệm mạch lạc bao gồm khái niệm tình huống và khái niệm liên kết Chúng ta có thể thấy là hai tác giả muốn có sự phân biệt rõ ràng giữa hai kiểu mạch lạc: mạch lạc trong chính văn bản và mạch lạc với ngữ cảnh bên ngoài văn bản Ngữ cảnh bên ngoài văn bản hay ngữ cảnh tình huống được phân biệt với ngữ cảnh ngôn ngữ, ngữ cảnh liên quan đến các yếu tố ngôn ngữ xuất hiện trong văn bản Nói chung, khi phân tích, Halliday và Hassan chỉ đề cập đến các yếu tố hình thức và không có sự phân biệt liên kết hình thức với liên kết nội dung Theo họ thì liên kết nội dung có quan hệ về ý nghĩa đối với lôgic học, tâm lí học và ngữ dụng học Do đó, liên kết nội dung được nghiên cứu trong quan hệ giữa liên kết và mạch lạc Mặt khác, ngôn ngữ là một hệ thống lớn gồm nhiều hệ thống nhỏ ở những cấp độ khác nhau có chứa nhiều yếu tố có quan hệ qua lại và qui định lẫn nhau Các kiểu quan hệ này làm thành cấu trúc của hệ thống Cấu trúc ở đây được hiểu là thể thống nhất của các yếu tố khác loại nhau nằm trong khuôn khổ của một chỉnh thể Liên kết chỉ do các yếu tố ngôn ngữ nằm trong các hệ thống nhỏ thực hiện, không tính đến sự liên kết do quan hệ cấu trúc của các yếu tố ngôn ngữ Từ đó, hai tác giả này xác định rằng chính mạch lạc là tính chất quan trọng để
phân biệt ‘văn bản’ với ‘phi văn bản’ và giữa liên kết và mạch lạc có quan hệ
nhau
1.2.2 Quan hệ giữa liên kết và mạch lạc
Quan hệ giữa liên kết và mạch lạc được nghiên cứu với nhiều luận điểm chưa hoàn toàn thống nhất Nhiều nhà ngôn ngữ học không đồng ý với Halliday và Hassan [91] ở chỗ hai tác giả này cho rằng mạch lạc được tạo bởi liên kết Theo họ, liên kết là kết quả sự biểu hiện mạch lạc của nội dung và và chính mạch lạc thực hiện liên kết văn bản, chứ không phải liên kết thực