TRẦN THUẬT LIỆT KÊ – THẾ MẠNH CỦA TỔ CHỨC LỜI TRẦN THUẬT TRONG SÁNG TÁC NGUYỄN HUY THIỆP Nguyễn Văn Đông 1 Dồn nén thông tin trong lượng từ ngữ có hạn của câu văn ngắn có cấu trúc câu đơn giản, hạn chế tối đa sự xuất hiện các hư từ, hình dung từ, phiếm từ, tăng cường tốc độ trần thuật…, lời trần thuật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp thường dung dị, ít miêu tả, bình luận, trữ tình ngoại đề. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có khả năng thâu nạp tất cả sự phồn tạp và nóng hổi của cuộc sống nhờ vào lối viết cô đặc thông tin, sự kiện và khai thác tối đa hiệu quả của liệt kê trong trần thuật. Đó cũng là biểu hiện của cảm hứng “phơi lộ cuộc sống đích thực, thô mộc, không tô vẽ hoặc che đậy” của nhà văn. 1. Mở đầu Nhà phê bình văn học Đông La trong bài Nói về cái “ma lực” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhận xét: “Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp rất dài nhưng anh lại không dài dòng, lê thê” [3, tr.139]. Độ dài ở đây không đồng nghĩa với số trang, câu chữ mà thuộc về dung lượng hiện thực được phản ánh, chiều sâu khám phá hiện thực và tính chất kể chuyện. Ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch… nhưng sở trường của ông là truyện ngắn. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng “truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được viết bằng tư duy tiểu thuyết” [2] - lối tư duy khám phá bản chất hiện thực thông qua sự tái hiện số phận cá nhân con người. Truyện ngắn của ông là tiểu thuyết được cô đặc trước hết nhờ lối trần thuật không dài dòng. 2. Nội dung 2.1. Nguyễn Huy Thiệp quan niệm: “Tiểu thuyết như một nồi lẩu nóng hổi của nghệ thuật” [5, tr.228]. Truyện ngắn của ông đã thâu nạp tất cả những gì hôi hổi của cuộc sống để có những dấu vết đặc trưng thể loại và tư duy tiểu thuyết. Đó là “khả năng phản ánh một cách “toàn vẹn và sinh động” hiện thực đời sống theo hướng tiếp xúc hết sức gần gũi” [4, tr.189]; “khả năng đi sâu khám phá số phận cá nhân” [4, tr.191]; khả năng “đồng hóa và tái hiện lại bức tranh đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo” [4, tr.194] chứ không lệ thuộc vào nguyên mẫu do đời sống cung cấp. Bởi cuộc sống dù có phong phú bao nhiêu cũng không thể đưa lại cho tiểu thuyết một nhân vật hoàn chỉnh hoặc một cốt truyện mà người viết không cần sáng tạo thêm. Cũng vì vậy, “với tiểu thuyết, hư cấu nghệ thuật là yếu tố bộc lộ rõ rệt phẩm chất sáng tạo dồi dào của nhà văn” [4, tr.194]. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn có tính đa dạng về màu sắc thẩm mỹ - một đặc trưng không thể không nhắc tới của tiểu thuyết. 1 ThS, trường Đại học Hồng Đức Nguyễn Huy Thiệp từng thừa nhận: “Tôi đã viết những truyện ngắn Không có vua, Giọt máu, Những người thợ xẻ, Những ngọn gió Hua Tát với ý thức “tiểu thuyết” [5, tr.239]. Dùng hình thức truyện ngắn để thể hiện tư duy tiểu thuyết, ông không thể không tính đến mối quan hệ giữa dung lượng cuộc sống được phản ánh trên cả bề rộng lẫn chiều sâu với dung lượng câu chữ tác phẩm và không thể không tìm cách khắc phục sự chênh lệch của quan hệ này. Ông cần tới một lối viết có sức mạnh dồn nén thông tin, gia tăng hàm lượng nghĩa, tăng cường tốc độ trần thuật… Lời trần thuật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp vì vậy thường dung dị, ít xuất hiện miêu tả, bình luận, trữ tình ngoại đề. Nghĩa là ít chấp nhận lời phi sự kiện. Nếu căn cứ vào hình thức lời văn (lời kể, lời tả, lời cảm, lời bình) trong sáng tác của một tác giả để định vị tạng nhà văn thì Nguyễn Huy Thiệp được xếp vào tạng nhà văn kể chuyện. Trần thuật bằng lời kể là lối trần thuật cơ bản trong sáng tác của ông. Nguyễn Huy Thiệp khác với các nhà văn trước kia: Tô Hoài thiên về hình thức lời tả, Nguyên Hồng thiên về hình thức lời cảm, Nam Cao thiên về dùng hình thức lời bình. 2.2. Hình thức lời văn là một trong những tác nhân quy định nhịp điệu của mạch trần thuật và khả năng dung nạp sự kiện. Hình thức lời kể gắn với phép liệt kê thường làm cho nhịp điệu trần thuật nhanh gấp và dung nạp được nhiều vấn đề, nhiều sự kiện hơn là hình thức lời miêu tả hay bình luận. Liệt kê theo lối tả thường có độ nén thấp hơn lối kể. Chẳng hạn, Nguyễn Khải trần thuật về sự hồi sinh trên vùng đất Điện Biên theo dòng ý thức nhân vật Huân trong Mùa lạc bằng một đoạn văn khá dài với nhiều màu sắc, đường nét, âm thanh, nỗi niềm… nhưng chỉ bật lên một sự kiện: “Cuộc sống vĩ đại đã trở lại”. Lối trần thuật liệt kê đan xen lời tả và bình, chuyển hóa từ trần thuật khách quan đến độ song trùng với ý thức nhân vật là biểu hiện của những cây bút văn chương khó trút bỏ chủ quan cảm tính để cho sự việc diễn ra như nó vốn có. Trần thuật liệt kê trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp thường không lặp lại các cây bút đàn anh đi trước. Ông không hướng đến mục đích giãi bày, phô diễn. Ông cũng không để lộ mục tiêu phê phán hay ngợi ca, khẳng định hay phủ định. Liệt kê trong trần thuật của ông chỉ là trình bày. Sau lớp ý nghĩa trình bày là lớp ý nghĩa suy ngẫm. Lớp ý nghĩa thứ hai chìm sâu nên khó nhận ra. Phủ định hay khẳng định, chấp nhận cái được trần thuật hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm quyền mỗi cá nhân người đọc. Trần thuật theo lối liệt kê trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp đơn giản chỉ là phép kiệm lời với mục tiêu dùng lời ít nhất mà gói được lượng thông tin nhiều nhất, để thoát khỏi hoa mỹ hình thức, để đẩy căng nhịp điệu trần thuật. Vì vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên một thứ văn “không thừa một chữ, chỉ đủ để nêu sự vật, sự kiện” [3, tr.42]. Lối trần thuật trong truyện Tướng về hưu là một điển hình. Đọc Tướng về hưu, trước hết ta nhận ngay ra lối trần thuật liệt kê của kiểu tờ khai lý lịch. Chẳng có cách trần thuật nào ngắn gọn, đầy đủ thông tin cần thiết như một bản khai: “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn (…) tôi ba mươi bảy tuổi, là kỹ sư, làm việc ở Viện Vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ”. Các nhân vật khác cũng được khai ra như vậy. Nhà phê bình văn học Trần Đạo gọi đó là lối hành văn “tạo một thế giới ngổn ngang sự vật, sự kiện, một thế giới tan rã thành muôn mảnh, một thế giới chỉ có những hiện tại vụn vặt lơ lửng bên nhau” [3, tr.44]. Lời trần thuật dường như gạt đi tất cả những gì phi sự kiện bằng cách hạn chế tối đa sự xuất hiện các tính từ, hư từ, hạn chế lời đánh giá, bình luận. Với sức xoáy lốc của lối trần thuật liệt kê, suy nghĩ, tình cảm và cả hành động của nhân vật đều như mang tính sự kiện. Nhà văn sẵn sàng bỏ qua việc miêu tả ngoại hình, nét mặt nhưng các nhân vật vẫn hiện diện với tư cách những mảnh đời nhỏ vụn – mô hình cá nhân, vẫn đủ sức cuốn hút bởi những nét riêng. Tính chất của lối trần thuật này làm cho văn ông gần với sử ký, bút ký, tốc ký, ít có những khoảng dành cho hình thức lời miêu tả, bình luận, đánh giá chen vào. Trần thuật theo lối liệt kê không còn là hiện tượng cá biệt trong một vài tác phẩm mà là lối trần thuật phổ biến trong nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Các truyện Không có vua, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Vàng lửa, Phẩm tiết, Thương nhớ đồng quê… đều có lối trần thuật như vậy. Nhân vật chỉ hoạt động, suy nghĩ, nói năng chứ không được định dạng hóa trong một hình hài nhờ lời văn miêu tả để làm nên cái gọi là ngoại hình. Chẳng hạn, ở truyện Thương nhớ đồng quê, rất nhiều nhân vật cùng hiện diện chỉ qua một tiết đoạn trần thuật rất ngắn: “Chị Ngữ là chị dâu tôi, lấy anh Kỷ. Anh Kỷ đang làm công nhân trên mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Chị Ngữ là con ông giáo Quỳ. Ông giáo Quỳ có nhiều sách. Mọi người vẫn bảo ông là “đồ gàn”, lại bảo ông là “lão dê già”. Ông giáo Quỳ có hai vợ, vợ cả sinh ra chị Ngữ, chị dâu tôi. Vợ hai là thím Nhung, vừa là thợ may, vừa bán quán, sinh ra thằng Văn bạn tôi. Thím Nhung trước kia là gái giang hồ ở Hải Phòng. Ông giáo Quỳ lấy về làm vợ nên uy tín chẳng còn gì”. Liệt kê nhân vật theo lối khai lý lịch tạo nên độ nén cho lời trần thuật. Nó là cơ sở để tác giả tiếp tục liệt kê hành vi ngôn ngữ nhân vật theo công thức: chủ thể lời nói + động từ nói năng hoặc chủ thể hành động + hành động. Liệt kê đòi hỏi không được phép dài dòng. Vì sự dài dòng của dẫn dụ không chỉ làm cho nhịp trần thuật bị hãm chậm mà còn làm cho cái được kê ra lu mờ. Những tính từ, trạng từ xuất hiện trong lời dẫn luôn có khả năng áp đặt tính chất, trạng thái của đối tượng được trần thuật, được liệt kê ngay sau nó, làm cho cho người đọc lười biếng, tiếp nhận nhân vật một cách thụ động, không kích thích được tưởng tượng. 2.3. Đọc Nguyễn Huy Thiệp, rất hiếm khi bắt gặp lời miêu tả ngoại hình nhân vật. Có chăng miêu tả nhân vật cũng chỉ là một vài nét chấm phá sơ sài, không hoa mỹ nhưng rất ấn tượng, kiểu như: “Tên gã là Tảo. Gã có đôi mắt lờ đờ như mắt cá, một vết sẹo bỏng ở má bên trái to bằng bàn tay làm mặt của gã biến dạng hẳn đi”; “X. đẹp trai, thông minh, đặc biệt nhạy cảm với những cái gì đau đớn, tủi cực” (Cún); “Đô Nhiêu bé nhỏ, nhanh nhẹn”; “Đô Thi to con, hai mắt như mắt lợn luộc”; “Cô Phượng học nước ngoài về, tính vui nhộn. Cô mặc quần bò, áo phông, áo bỏ trong quần, vai đeo túi, trông giống diễn viên điện ảnh”(Con gái thủy thần); “Anh chồng đeo kính, ra dáng trí thức, cô vợ thon thả, trắng trẻo, trông rất dễ mến”; “Chúng tôi gặp ông Thuyết ở đầu ngõ. Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen mà tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”; “Quy trắng hồng, khuôn mặt trông rất dễ ưa” (Những người thợ xẻ); “Ăn cơm trưa xong có thầy giáo Triệu đến chơi. Anh còn trẻ, chỉ khoảng trên ba mươi tuổi, người gày gò, điệu bộ như kẻ chán đời” (Những bài học nông thôn)… Điều đáng chú ý là miêu tả ngoại hình nhân vật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp chỉ xuất hiện ở những tiết đoạn trần thuật đòi hỏi có một sự đánh giá nhất định. Vì vậy, lời miêu tả ngoại hình nhân vật chỉ là một nét đối tượng được quan sát từ một điểm nhìn hết sức chủ quan. Tả thế nào, đẹp hay xấu, dễ ưa hay đáng ghét không xuất phát từ tình cảm hay thái độ nhà văn. Bởi tất cả trách nhiệm và quyền năng trần thuật đã được ông trao cho người kể chuyện. Điều này, một số nhà văn hiện thực trước đây như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nam Cao… do yêu cầu thời đại, tư duy nghệ thuật và nhu cầu phủ nhận thực tại đã đồng nhất các điểm nhìn theo cách nhìn của tác giả. 2.4. Lối trần thuật liệt kê trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp cuốn hút người đọc. Bởi đọc câu trước người ta không đoán biết được câu sau, đọc câu này buộc phải đọc tiếp câu kia cho đến khi chữ cuối cùng tạm thời khép lại văn bản. Người trần thuật thường không để lộ đối tượng theo đánh giá chủ quan của mình. Anh ta trần thuật, liệt kê theo “lập trường trung tính”, không dài dòng, không vòng vo. Điều này cũng tạo nên ấn tượng về kiểu dẫn thoại mà ta có thể bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm của ông với việc tận dụng tối đa hai từ trong nhóm động từ cảm nghĩ nói năng: bảo, nói; các động từ khác như nghĩ, đáp, trả lời, hỏi, cười, nhăn nhó, vồn vã… vốn có khả năng dẫn dụ trạng thái đối tượng rất ít xuất hiện. Hình thức lời dẫn thoại kiểu kê ra câu trao, câu đáp theo một mô hình lời dẫn giống nhau cũng góp phần làm cho trần thuật thêm “dửng dưng, lạnh lùng”. Lời thoại được kê ra gây áp lực trở lại đối với lời dẫn thoại. Lời thoại tự nó đã bộc lộ đúng bản chất của đối tượng (vì nó là đối tượng 100%) thì lời dẫn thoại cũng chẳng cần phải dài dòng. Nếu tước bỏ lời dẫn thoại và gắn tên nhân vật trước mỗi lời thoại sẽ có được những đoạn thoại trong tác phẩm kịch thực sự. Tính chất kịch trong truyện Nguyễn Huy Thiệp có duyên do bởi hình thức này. Về mặt văn bản, trần thuật liệt kê lời thoại cũng tạo độ nén trên trang giấy. Bởi nó liền mạch, liền dòng với lời thoại, không chia tách với lời thoại bằng dấu hiệu phân cách hai chấm (:) xuống dòng, gạch đầu dòng (-). Nó là hệ quả của nguyên tắc coi trọng thủ pháp trộn lẫn lời trần thuật với lời thoại. Nó tạo tính liên tục cho mạch trần thuật cho dù những đối tượng được liệt kê hay các lời thoại có khi không ăn nhập với nhau. Đương nhiên “Dạng điển hình nhất và phổ biến nhất của lời nói được miêu tả, có tính khách thể là lời nói trực tiếp của các nhân vật” [1, tr.197] không vì thế mà nhập với lời trần thuật khiến ta không phân biệt được. Bởi giữa chúng vẫn “có một khoảng cách về phối cảnh nào đấy” [1, tr.197]. 2.5. Lời trần thuật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp thiên về sự kiện, gần với lời kể miệng, giản dị và mộc mạc, lạnh lùng, khách quan. Chẳng hạn kể về không khí một đám cưới: “Đám cưới ngoại ô lố lăng và khá dung tục. Ba ô tô. Thuốc lá đầu lọc nhưng gần cuối tiệc hết sạch, phải thay bằng thuốc lá cuốn. Năm mươi mâm cỗ nhưng ế mười hai. Chàng rể mặc comlê đen, cravat đỏ. Tôi phải cho mượn cái cravat đẹp nhất trong tủ áo. Nói là mượn, chắc gì đòi được. Phù rể là sáu thanh niên ăn mặc hệt nhau, đều quần áo bò, râu ria rất hãi. Đầu tiệc là dàn nhạc sống chơi bài Ave Maria. Một anh cùng hợp tác xã xe bò thằng Tuân nhảy lên đơn ca một bài khủng khiếp” (Tướng về hưu). Đoạn trần thuật vẻn vẹn 10 câu nhưng chứa nhiều sự kiện: thiếu thuốc, thừa cỗ, mượn trang phục, phù rể không ra phù rể, âm nhạc, lời hát không hợp cảnh. Hoặc một tiết đoạn trần thuật khác cũng rất ngắn nhưng chứa đựng nhiều biến cố: “Thằng Tuân lấy vợ lần này là lần thứ hai. Vợ trước bị đánh đau quá, bỏ đi. Ra tòa, nó khai vợ theo trai, tòa phải chịu. Cô vợ lần này tên là Kim Chi, làm nghề nuôi dạy trẻ, con nhà có học hẳn hoi, xí xớn thế nào nghe nói có thai với nó” (Tướng về hưu). Nhịp trần thuật nhanh gấp như nhịp sống thời hiện đại sôi động, xô bồ. Câu chữ, lời văn hấp thụ tính chất của tốc ký còn giọng điệu trần thuật lại hấp thụ tính chất của lời kể miệng (khẩu thuật). Nếu ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp gắn với một cảm hứng thì đó là cảm hứng phơi lộ cuộc sống đích thực, thô mộc, không tô vẽ hoặc che đậy. Cảm hứng này tất yếu phải tìm đến một phương thức biểu hiện phù hợp: trần thuật liệt kê dồn dập với phong cách khẩu thuật. Đoạn trần thuật dồn dập nhịp hoạt động, nhịp sống bộc trực, tự nhiên, thô phác của con người thôn quê trong Những bài học nông thôn cũng là một trong rất nhiều minh chứng: “Bố Lâm vác chài. Tôi cầm nơm. Chị Hiên cầm rổ. Cái Khanh cầm giỏ cua. Tất cả đi ra sông. Mưa như trút. Cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chị Hiên bảo: “Bố xem kìa, nhiều cá không?” Bố Lâm lội xuống nước, ngập đến ngang lưng mới quăng chài. Rất nhiều tép. Có những con cá to bằng bàn tay. Chị Hiên, tôi với cái Khanh gỡ chài. Cá đổ cả lên bãi cát. Bố Lâm liên tục quăng chài, cứ thế đến chục lần, lần nào cũng được cá, có cả những con cá nheo to bằng bắp chân người, loại cá này trơn và nhớt vì không có vảy”. Cả đoạn trần thuật không một từ ngữ nào hoa mỹ. Các thông tin thẳng căng, đơn giản, thật đến trần trụi. Lời văn có so sánh nhưng thiết thực: “Có những con cá to bằng bàn tay”, “có cả những con cá nheo to bằng bắp chân người”. Văn Nguyễn Huy Thiệp gần với đời sống cũng do thiên về khẩu thuật. Những so sánh có xuất hiện trong trần thuật cũng thường là so sánh theo kiểu lời ăn tiếng nói trong đời sống thường ngày: tự nhiên, cụ thể, không tô vẽ. Ngay đến cảnh đám tang, cái cảnh vẫn thường có những hoạt động với nhịp độ chậm rãi cũng được trần thuật liệt kê như để tăng tốc cho kịp với nhịp sống hiện đại: “Họ khênh quan tài hồn nhiên như việc bình thường vẫn làm, như khênh cột nhà. Vừa đi vừa nhai trầu hút thuốc, tán chuyện. Khi nghỉ, đứng ngồi ngổn ngang ngay bên quan tài. Có người nằm lăn ra nói: “Mát thật, không bận thì cứ ngủ ở đây đến tối”. Ông Bổng bảo: “Các bố ơi, đi đi còn về nhắm”. Thế là đi” (Tướng về hưu). Nếu tác giả không thực sự trao vai kể cho các nhân vật kể chuyện, cứ giữ độc quyền lời trực tiếp của mình thì khó có cơ hội đưa vào tác phẩm kiểu khẩu thuật thô mộc như vậy. Độc giả khó có thể chê trách được Nguyễn Huy Thiệp khi văn ông chứa nhiều lời thô mộc. Bởi ông vừa có ý thức vận dụng lời trần thuật “như một dụng ý kể chuyện dựa trên hình thức kể miệng, quan điểm dựa trên lời nói miệng và các đặc điểm ngôn ngữ tương ứng (ngữ điệu miệng, cấu tạo cú pháp của lời nói miệng, vốn từ vựng tương ứng v.v ) ở các truyện giả cổ tích, giả lịch sử vừa trần thuật dựa trên hình thức lời kể miệng “trước hết là dụng ý dựa trên lời của người khác, rồi từ đó mới dựa trên lời nói miệng - như một hệ quả” [1, tr.204] ở các truyện có nhân vật kể chuyện xưng “tôi”. Ông lồng ghép một cách khéo léo cấu tứ của mình vào lời của người kể chuyện. Vì thế lời nhân vật kể chuyện xưng “tôi” là lời hai giọng, tạo nên tiếng nói đa âm thực sự hiệu quả. Nó làm cho văn chương đời hơn, giàu tính đối thoại và tác giả có cơ hội loại bỏ phiếm từ sáo rỗng, hấp thụ kiểu liệt kê thô mộc. Với ý thức ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã triệt tiêu tối đa tính ước lệ của lời trần thuật để nói trúng phóc bản chất đối tượng mà trần thuật hướng tới. Đoạn trần thuật sau là một ví dụ tiêu biểu: “Chị Hiên mời: “Các cụ xơi tự nhiên”. Thằng Tiến đòi: “Cho em làm các cụ với!”. Mẹ Lâm gạt đi: “Hỗn nào! Chim bằng quả ớt thế thì làm các cụ ra sao?”. Cái Khanh bụm miệng cười. Tôi đỏ mặt. Bà Lâm thở dài: “Các cụ toàn chim to…” Mọi người cười lăn, chỉ có bố Lâm không cười. Khuôn mặt ông sạm đen, vất vả, nhưng không buồn tí nào, bình thản, vô sự. Thằng Tiến khóc. Chị Hiên dỗ nó: “Nín đi, chị cho Tiến cái càng cua này”. Thằng Tiến lắc đầu: “Ứ ừ… càng cua bé tí”. Chị Hiên bảo: “Ngày mai chị đi chợ, chị mua cho Tiến bộ tam cúc nhé!” Mẹ Lâm bảo: “Cờ bạc là bác thằng bần. Đừng mua tam cúc cho nó. Lớn lên nó ham chơi thì chết! Cứ mua cho nó cái roi!” Thằng Tiến lại khóc: “Mua tam cúc cơ”. Chị Hiên đưa mắt sang mẹ Lâm, giấu cái nhìn đồng lõa: “Ừ mua tam cúc”. Bà Lâm bảo: “Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại”. Mẹ Lâm bảo: “Đàn bà thế là bạc”. Bà Lâm bảo: “Bạc gì! Có hai hòn dái là của quý nhất thì mất rồi còn đâu?” Chị Hiên cười: “Gớm, chuyện của bà cứ rợn rợn là” (Những bài học nông thôn). Nếu không có ý thức vận dụng thế mạnh của khẩu thuật thì văn Nguyễn Huy Thiệp khó có được lối trần thuật đơn giản, dồn dập và nóng hổi hơi thở cuộc sống như vậy. Và nếu phải tìm chủ đề để xâu chuỗi các câu trong đoạn trần thuật trên thì quả là việc khó. Bởi lời trần thuật (kiểu dẫn thoại) không bắt ép được các lời thoại tập trung vào một chủ đề nhất định. Nó chỉ thực hiện nhiệm vụ kết nối các phát ngôn trong khi các phát ngôn cứ phát ra loạn xạ, vượt ra khỏi tầm kiểm soát và điều chỉnh của người trần thuật. Anh ta không thể bỏ tiếng nói người này để chỉ thâu nhận tiếng nói người kia. Anh ta đành phải kê ra tất cả. Đó mới là bản chất sự thật trọn vẹn, là sự thẳng thắn, công bằng của nhà văn đối với các điểm nhìn khác nhau. Sẽ là gượng ép nếu lấy đoạn trần thuật về hiện thực cuộc sống nông thôn với những con người chân chất, mộc mạc trên đây làm căn cứ để khẳng định văn Nguyễn Huy Thiệp chân thực hay không, nhưng quả thực, văn ông và lời ăn tiếng nói của nhân dân có điểm giao nhau: đơn giản, thật thà, cụ thể và sâu sắc. Lối trần thuật như thế thật hiếm trong văn chương bác học - thứ văn chương ưa dùng ngôn ngữ sách vở, hàn lâm. 3. Kết luận Tăng cường tốc độ trần thuật, dồn nén thông tin đồng nghĩa với việc loại bỏ những từ ngữ không có khả năng chuyển tải sự kiện ra khỏi lời văn. Trần thuật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp có thiên hướng đơn giản hóa theo lối trần thuật dân gian, ít chấp nhận lời phi sự kiện. Vì vậy, lời trần thuật tất yếu đòi hỏi cấu trúc các câu văn đơn giản, từ ngữ chân thực, hình thức lời thuật mang tính liệt kê, gia tăng tốc độ và sức nén./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. M. Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki, Nxb Giáo dục, H., 1998. 2. Nguyễn Đăng Điệp, Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp, (Tạp chí Sông Hương). nguồn:http://tonvinhvanhoadoc.vn/van-hoc-viet-nam/doi-song-van-hoc/266-cuntheo- chiu-vn 3. Phạm Xuân Nguyên (sưu tầm và biên soạn), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001. 4. Nhiều tác giả, Lý luận văn học (tái bản lần thứ bảy), Nxb Giáo dục, H., 2001. 5. Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim (tạp văn, tiểu luận, phê bình, giới thiệu), Nxb Hội Nhà văn, H., 2003. 6. Nguyễn Huy Thiệp, Truyện ngắn (tái bản), Nxb Hội Nhà văn, H., 2004. LISTING NARRATION - THE STRENGTH OF THE ORGANIZATION OF NARRATIVE WORDS IN NGUYEN HUY THIEP’S WORKS Nguyen Van Đong Abstract Repressing information in limited words of simple short structure sentence, minimizing the appearance of expletive, adjective, indefinite, strengthening the narrative speed, the narrative words in Nguyen Huy Thiep’s works are usually simple with little description, comment, lyricalness beyond the subject. Short story by Nguyen Huy Thiep is capable of capturing all the complexity and steaming hotness of life thanks to his way of writing which condenses information, events and maximizes the effectiveness of the listing in the narration. It is also a manifestation of the inspiration which exposes a real, rudimental, unpainted or uncovered life of the writer. . TRẦN THUẬT LIỆT KÊ – THẾ MẠNH CỦA TỔ CHỨC LỜI TRẦN THUẬT TRONG SÁNG TÁC NGUYỄN HUY THIỆP Nguyễn Văn Đông 1 Dồn nén thông tin trong lượng từ ngữ có hạn của câu văn ngắn. văn (lời kể, lời tả, lời cảm, lời bình) trong sáng tác của một tác giả để định vị tạng nhà văn thì Nguyễn Huy Thiệp được xếp vào tạng nhà văn kể chuyện. Trần thuật bằng lời kể là lối trần thuật. từ, tăng cường tốc độ trần thuật , lời trần thuật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp thường dung dị, ít miêu tả, bình luận, trữ tình ngoại đề. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có khả năng thâu