NHÂN VẬT NỮ TRONG BỘ BA TIỂU THUYẾT NGÔI NHÀ ĐẤT CỦA PEARL BUCK Lê Thị Ngọc Ánh 1 hân vật nữ trong bộ ba tác phẩm “Ngôi nhà đất” của Pearl Buck được miêu tả về rất nhiều khía cạnh khác nhau. Đặc biệt, nổi bật lên là vị trí của nhân vật nữ, vẻ đẹp cũng như thân phận của những con người bất hạnh. Thông qua thế giới nhân vật nữ trong bộ ba tiểu thuyết Ngôi nhà đất, Buck đã thể hiện tấm lòng nhân văn sâu sắc bằng chính cảm xúc của người phụ nữ nói lên tiếng nói của giới mình. Tác phẩm cũng chính là tiếng nói bênh vực người phụ nữ và quyền lợi của họ, lên án xã hội phong kiến với những hủ tục lạc hậu giết chết quyền của nữ giới, đề cao quyền bình đẳng giới. 1. MỞ ĐẦU Ngôi nhà đất đề cập đến sự biến động của đại gia đình họ Vương sống trong hoàn cảnh đất nước Trung Hoa có sự thay đổi về thể chế xã hội, hệ quả kéo theo là sự phân rã các giá trị văn hóa truyền thống song hành cùng sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa phương Tây, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn xã hội gay gắt. Mọi con người, mọi tầng lớp xã hội đều bị cuốn vào guồng xoáy lịch sử, đứng giữa xã hội đầy rẫy những mâu thuẫn đối kháng, thất vọng trước sự đe dọa của chiến tranh, của nạn đói Nổi bật trong bức tranh nhiều màu sắc u tối ấy là hình ảnh người phụ nữ. Vị trí và thân phận người phụ nữ, đó là vấn đề trung tâm của tiểu thuyết này. Viết Ngôi nhà đất, Pearl Buck (1892 - 1973) - giải Nobel văn chương năm 1938 - một mặt giúp người đọc phần nào hình dung được đời sống sinh hoạt và tâm hồn của người dân Trung Hoa, mặt khác, nhấn mạnh vẻ đẹp riêng biệt của những người phụ nữ Á Đông thuần hậu, thánh thiện trong sự cam chịu và hi sinh vô bờ. 2. NỘI DUNG 2.1. Vị trí của các nhân vật nữ trong Ngôi nhà đất Trong cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ, tác giả Hữu Ngọc có bài viết Pearl Buck và tâm hồn Trung Quốc nghìn xưa nhận định: “Vấn đề phụ nữ được nêu lên hàng đầu trong các tiểu thuyết lấy cốt truyện ở Trung Quốc và ở Mỹ” [8, tr.641]. Thế giới nhân vật trong sáng tác của Buck rất đa dạng: thuộc nhiều lứa tuổi, giai tầng. Có khi nhân vật trong tác phẩm là những người phụ nữ nông thôn chân lấm tay bùn: O-Lan trong Ngôi nhà đất, người phụ nữ trong tác phẩm Người mẹ; có lúc nhân vật là những con người quyền quý, danh giá: Từ Hi Thái hậu, nắm trong tay vận mệnh cả quốc gia trong Từ Hi Thái 1 CN, Trường Đại học Tây Bắc N hậu… Và trong thế giới nhân vật ấy có một hình tượng quen thuộc, trở đi trở lại nhiều lần đó là: hình tượng nhân vật nữ. Họ là những người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người yêu. Hình tượng nhân vật nữ chiếm một vị trí quan trọng, được xuất hiện với tần số đáng kể và là một hình tượng đặc sắc, có vị trí trung tâm trong sáng tác của Buck. Qua việc khảo sát các sáng tác của Buck nói chung và tiểu thuyết Ngôi nhà đất nói riêng ta thấy nhân vật nữ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của bà. Về mặt số lượng, nhân vật nữ chiếm khoảng 60% trong tổng số tác phẩm của Pearl Buck đã được dịch ra ở Việt Nam. Viết về nhân vật nữ với số lượng lớn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà văn nữ về giới mình. Với Buck, nhân vật nữ là nơi kết tinh những vẻ đẹp lý tưởng của mình, là nơi bà bày tỏ những quan niệm về người phụ nữ của một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Bà là một người đi bắc những nhịp cầu văn hóa Đông - Tây, luôn đi tìm kiếm những vẻ đẹp gần gũi, giản dị, những giá trị bền vững vĩnh hằng ở người phụ nữ. Trong lễ Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Per Hallstrom (thư ký Thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển) đã khái quát về những đóng góp của Pearl Buck cho nền văn chương nhân loại: “Vị trí người phụ nữ Trung Quốc là vấn đề quan trọng và ảm đạm nhất trong những vấn đề của tiểu thuyết này. Ngay từ đầu, chính ở điểm này cảm xúc của tác giả phơi bày mạnh mẽ nhất; cảm xúc đó vẫn không ngừng nổi bật giữa sự êm đềm của tác phẩm sử thi. Một đoạn ngay đầu tác phẩm đã thể hiện một cách chua xót vị trí thực của người phụ nữ Trung Quốc từ ngàn xưa. Điều đó được lột tả với một sự nhấn mạnh đầy ấn tượng, đồng thời với một chút hài hước hiếm thấy trong tác phẩm” [9]. Trong xã hội Trung Hoa xưa, người phụ nữ khi sinh ra đã không được thừa nhận: “Giây phút hạnh phúc, bế đứa con trai đầu lòng bọc tã lót trên tay, nhìn về tương lai tươi sáng của nó, Vương Long sắp sửa thốt lên những lời huênh hoang, nhưng kìm được trong một nỗi kinh hoàng chợt đến. Đâu đó, dưới bầu trời này, suýt nữa anh đã thách thức những quỷ thần vô hình và thu hút cái nhìn độc ác của chúng vào mình. Anh cố gắng tránh mối đe doạ bằng cách giấu con dưới áo khoác và hét to lên: Tiếc thay! Con của chúng ta lại là gái, có ai muốn thế đâu chứ! Lại còn cái mặt lỗ chỗ vì bệnh đậu mùa! Cầu Trời cho nó chết phứt đi” [2, tr.64]. Và O-Lan tham gia tấn hài kịch đó, đồng tình với nó mà có lẽ hoàn toàn không suy nghĩ. Trên thực tế, quỷ thần chẳng cần phí thời gian vào một đứa bé gái làm gì, bởi trong mọi trường hợp số phận của nó cũng khổ lắm rồi. Con người và tấm lòng của người phụ nữ có những điều gì đó vượt ra ngoài lời, âm thầm và lớn lao vô cùng. Chính vì vậy mà người phụ nữ trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, nguồn đề tài vô tận đối với các nhà văn. Nhân vật phụ nữ trong văn học cũng gợi niềm say mê, hứng thú với nhiều nhà nghiên cứu văn học. Các nhân vật nữ trong sáng tác của Pearl Buck đều thể hiện những thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Họ hạnh phúc vì được chăm lo cho những người thân yêu. 2.2. Thân phận của các nhân vật nữ trong Ngôi nhà đất 2.2.1. Những con người bất hạnh Văn chương xét tới cùng là thân phận con người. Tác phẩm văn chương chỉ có tác dụng khi người nghệ sĩ nhận thức rõ bản chất con người thực tại. Quả thật, con người trong sáng tác của Pearl Buck là người phụ nữ của gia đình, cuộc sống thường ngày bị nén chìm trong vòng tròn im lặng hằn lên sự cam chịu, cô đơn. Pearl Buck quan tâm dành nhiều trang viết về người phụ nữ Trung Hoa: Khi viết về O- Lan với niềm cảm thương sâu sắc: “từng làm nô tỳ một nơi giàu sang, lắm công nhiều việc, đầu tắt mặt tối, quần quật suốt ngày”. “Mặt nàng mồ hôi, ướt nhoẹt, đất cát bụi bậm lấm be bét khắp người, nom nâu nâu như mầu đất” [2, tr.40]. Thu vén, cất nhắc, trông nom mọi việc trong nhà đâu vào đấy và đặc biệt là đức tính kiệm lời. Đời O-Lan gắn với những từ láy chỉ thái độ nhẫn nhịn, cam chịu: “Lặng lẽ”. Những con người ấy không chỉ đáng thương mà còn đáng được yêu mến, trân trọng. Mỗi trang viết của bà là tiếng nói tố cáo xã hội, bênh vực những con người nhỏ bé bất hạnh này. Người phụ nữ sinh ra trong xã hội ổn định, bình thường vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi huống hồ họ phải sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến một cổ chịu bao tròng áp bức: xã hội phong kiến, người đàn ông, thực dân. Tiểu thuyết Ngôi nhà đất bên cạnh vấn đề tôn giáo, chủ đề về người phụ nữ được Buck chú trọng nhiều. Nữ văn sĩ đã khắc họa thành công chân dung O-lan trong mối quan hệ với Vương Long, với Hoa Liên… để soi sáng những tố chất phi thường, những đức tính cao cả của người phụ nữ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ những bất công mà người phụ nữ Trung Quốc trong thời buổi giao thời, đêm trước của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa phải gánh chịu. 2.2.2. Nạn nhân của xã hội phong kiến Trong cuốn Giới thiệu phụ nữ Trung Hoa, Như Quỳnh nhận định: “Trong cái xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ này, phụ nữ còn cực khổ gấp mấy lần nông dân. Theo luân lý tam cương ngũ thường thì đàn bà phải tùy thuộc vào đàn ông thế là ngoài việc bị địa chủ áp bức, phụ nữ còn phải tùy thuộc cha, chồng, con” [6, tr.6]. Chính những nhân vật nữ của Pearl Buck gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Có một O-Lan ít nói, điều này lại càng có sức nặng hơn. Toàn bộ cuộc đời của cô được miêu tả bằng những lời ít ỏi nhưng hiệu quả. Là nô lệ trong nhà đại phú gia Hoàng, O-lan được gia đình này mua khi còn tấm bé. Cha mẹ cô trên đường hồi hương vì nghèo đói nên đã phải bán cô cho nhà giàu để lấy tiền làm lộ phí. Nhân vật này, ngay từ đầu đã hiện lên như một vật hy sinh, hi sinh cho sự sống của gia đình. Người Trung Quốc vốn coi thường địa vị của nữ giới. Từ xưa, người phụ nữ đã không nhận được nguồn ưu đãi thích đáng từ những gì họ đóng góp cho gia đình, xã hội. Thiên Tiểu Nhã trong Kinh Thi đã nói khá rõ nét về vấn đề phân biệt đối xử giữa người nam và người nữ: “Sinh con trai, cho nằm trên giường, cho mặc áo quần, cho chơi ngọc chương. Sinh con gái, cho nằm dưới đất, quấn bằng tã lót, lấy miếng ngói cho chơi”. Điều này cho thấy trong xã hội đó, người vợ nào không sinh được con trai thì xấu hổ vô cùng, họ tự xem đã có tội lớn với gia đình chồng. Thậm chí, nếu gia đình nào sinh nhiều con gái mà gặp lúc nghèo đói quá thì người ta có thể đem bỏ ở ngoài đồng cho đứa bé chết lạnh, đứa trẻ có thể bị heo ăn thịt, hoặc gia đình có quyền đem bán đứa bé đi để lấy tiền. Như trường hợp O-Lan: “Chính tôi hồi nhỏ cũng bị đem bán. Tôi bị đem bán cho một nhà giàu để cha mẹ tôi có thể trở về quê hương” [2, tr.105]. Tất nhiên, đây không phải là hiện tượng cá biệt. Một người đàn ông ở Giang Tô đã tâm sự với Vương Long về gia đình mình. Vào mùa đông trước, họ đã đem bán hai đứa con gái, nhờ vậy họ mới thoát nạn đói và “Mùa đông tới, nếu vợ tôi tiếp tục đẻ con gái nữa, chúng tôi cũng lại đem bán” [2, tr.106]. Ông còn cho biết thêm, có những người khi sinh ra con gái, họ thản nhiên “giết chúng ngay khi chúng mới lọt lòng” [2, tr.106]. Có thể thấy, ở đất nước này, sinh ra là người con gái rõ ràng là điều không may mắn, vì số phận của họ thật quá mong manh, phải cam chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Trong gia đình, mọi sự quan tâm thường được tập trung vào người con trai, còn người con gái không được đoái hoài hỏi han đến. Người mẹ của Ái Lan tâm sự với Vương Nguyên: “Đã nhiều lần, mẹ tìm cớ này cớ khác, sai em con đến. Em con nom cũng đĩnh đạc, hóm hỉnh lắm, mẹ đinh ninh thế nào cha con cũng phải để ý. Cha con lạ quá, rất vô tình. Dưới con mắt cha con, em Lan chỉ là một người đàn bà. Cha con mặc nhiên không đoái hoài đến hai mẹ con” [4, tr.87]. Thất vọng trước sự hờ hững của chồng, bà lấy cớ tìm nơi cho Ái Lan học hành, cố gắng dìu dắt, trông nom con để đỡ tủi thẹn vì sinh ra phận má đào. Vương hổ tướng có gửi tiền lên nhưng không tìm hiểu hai mẹ con ở đâu, còn sống hay chết. Pearl Buck không chỉ lột tả nỗi khổ của người phụ nữ gánh chịu thân phận bèo bọt, sinh ra đã phụ thuộc vào xã hội và người đàn ông mà còn là món hàng để mua bán trao đổi, phải chịu kiếp chồng chung vợ chạ như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã từng nói: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung / Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. Đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc, việc người đàn ông lấy vợ lẽ là điều được người dân công nhận như một hành động bình thường. Giáo sư Lâm Ngữ Đường cho rằng: “Chế độ vợ lẽ, nàng hầu đã có từ lâu, có lẽ dài lâu như tuổi thọ của bản thân Trung Quốc” [6]. Người Trung Hoa thích có nhiều con trai khỏe mạnh để gánh vác công việc, cho nên xã hội đã cho phép những người đàn ông nào có điều kiện, được mua thêm nàng hầu hoặc cưới vợ thứ. Chế độ đa thê được người ta xem trọng và muốn thực hiện vì họ nghĩ những người có điều kiện để lấy nhiều vợ thường là giới thượng lưu - còn người nghèo chỉ có thể lấy một vợ. Cho nên, Tết đến, những người trong tỉnh đã chúc Vương Long “giàu có bằng năm bằng mười năm ngoái, thêm vợ đông con, nhiều tiền lắm bạc, thêm thật nhiều ruộng nương đất cát” [2, tr.192]. Nếu người vợ cả không có con thì thường tự mình thúc giục chồng cưới vợ bé, có khi bắt con vợ bé làm con mình. Nhiều khi muốn chồng ở nhà, vợ thúc chồng cưới kĩ nữ nào chồng yêu nhất, cho về ở chung nhà làm thiếp. Trong tiểu thuyết Yêu muộn, bà Vũ đã cưới vợ lẽ cho chồng mình, sau đó ông Vũ đi kĩ viện thì bà còn tạo điều kiện để chồng đưa cô kĩ nữ về nhà chung sống. Bởi vì ngoài bốn mươi tuổi, bà không muốn tiếp tục sinh con, và muốn chồng không có cảm giác cô đơn khi bà quyết định sẽ sống li thân [5]. Trong bộ tiểu thuyết Ngôi nhà đất người đọc có thể thấy có khá nhiều nhân vật nam sống trong điều kiện dư thừa vật chất, kinh tế ổn định đã cưới thêm vợ lẽ. Trước tiên phải kể đến cụ cố Hoàng, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời mà “năm nào cũng thêm một hai cô hầu non” [2, tr.65]. Hay khi những người dân cùng nhau nổi dậy vào cướp những dinh thự lớn ở Giang Tô, họ phát hiện trong cơ ngơi đồ sộ đó rất nhiều gian phòng lộng lẫy dành cho chủ nhân, thê thiếp của bọn vương tôn công tử. O-Lan cũng nhặt được những viên ngọc quí từ gian phòng của một ái thiếp. Vương Long từ lúc trở nên giàu sang, có vị thế trong tỉnh đã mua Hoa Liên về làm thiếp, dù O-Lan không vui cũng không thể phản bác sự việc này. Còn chú của Vương Long hãnh diện khoe với mọi người về đứa cháu của mình có khả năng “nuôi một giai nhân để tiêu khiển, một trang tuyệt sắc mà những người thường chưa từng thấy”. Đến khi về già, Vương Long giữ lại Hoa Liên làm thiếp cho mình vì mến nàng và mong muốn có người làm bầu bạn, để chia sẻ với ông những niềm vui, nỗi buồn trong lúc tuổi xế chiều. Những người con trai của Vương Long đa phần đều cưới nhiều vợ. Nông An, con trai cả của Vương Long có vợ cả và vợ lẽ. Muốn được lòng người vợ cả nên cô vợ lẽ luôn chăm sóc, hầu hạ người vợ cả chu đáo, ngoài ra còn lo lắng làm các công việc trong gia đình. Nhờ vậy gia đình này vẫn sống khá hòa thuận, vui vẻ. Vương hổ tướng cũng lấy cùng một lúc hai người vợ. Ông không lấy vợ vì tình yêu nam nữ, cũng không vì muốn chứng tỏ mình thuộc giới thượng lưu mà chẳng qua ông “hi vọng là trong hai cô vợ thế nào cũng sinh cho ông được người con trai” để tiếp nối sự nghiệp làm một lãnh chúa của ông. Hai người vợ của Vương Hổ tướng chỉ là công cụ đẻ con không hơn không kém, suốt những năm tháng sống với họ ông không dành tình yêu thương cho họ mà chỉ mong muốn hai bà sẽ sinh con trai cho ông. Như vậy, dù người phụ nữ có năng lực, trí tuệ, họ có nhiều khả năng đóng góp cho gia đình, xã hội nhưng những quan điểm truyền thống Trung Quốc đã không cho họ một vị thế xứng đáng. Điều đáng tiếc là tư tưởng này đến nay vẫn còn tồn tại, và nó còn được phổ biến, hằn sâu vào nếp nghĩ của người dân nhiều nước Châu Á. 2.2.3. Vẻ đẹp của tâm hồn cao thượng, sự hy sinh thầm lặng Người phụ nữ trong những trang viết của Buck là người vợ, người mẹ của gia đình nhưng với thân phận nô tỳ, nàng hầu, con ở, vợ lẽ… và ẩn đằng sau những vai trò ấy là một tâm hồn cao thượng, sự hy sinh thầm lặng. Ta thấy một O-Lan suốt đời câm lặng chăm lo, chung lưng đấu cật cùng chồng xây dựng nên cơ nghiệp không một lời kêu ca phàn nàn ngay cả khi người đàn ông mà cô cả đời hy sinh chê bai, cạn tình phụ công cô để rước về một cô vợ lẽ. Có thể nói, cơ nghiệp nhà họ Vương chủ yếu được tạo dựng từ chính bàn tay của O-Lan. Vô tình trong lúc mọi người cướp phá gia thất của gã nhà giàu trên tỉnh, O-Lan có mặt và lấy được một túi ngọc. Vương Long càng trở nên giàu có nhờ số của cải mà O-Lan lấy cắp được. Từ những ngày còn là nô lệ, O-Lan đã biết một số nơi cất giấu đồ quí trong các cung điện. Ngay sau khi nhìn thấy một vốc đá quí, cô vội vàng nhặt lấy một cách hầu như không chủ tâm như con chim ác là ăn cắp những vật lấp lánh, và giấu đi theo bản năng. Toàn bộ thế giới của Vương Long thay đổi khi anh tìm thấy những viên đá quí này trong ngực O-Lan. Nhờ số ngọc này mà Vương Long mới có thể mua lại ruộng đất, nhà họ Hoàng và từng bước trở nên giàu có. Chung tay xây dựng cơ đồ cho chồng và mang lại của cải cho nhà chồng, thế nhưng chỉ vì xấu xí, O-Lan đã phải chịu đựng sự ghẻ lạnh từ chồng. Nỗi đau đó vò xé tâm can O-Lan. Nhưng cũng như mọi khi, O-lan được dạy là chỉ biết phải chịu đựng. Sự táng tận lương tâm của Vương Long khi anh ta tước đoạt hai viên ngọc cuối cùng mà O-Lan giữ lại cho bản thân với ý định để dành cho con gái sau này để đem cho tình nhân đã lên đến đỉnh điểm khiến sự nhẫn nhịn, chịu đựng của cô vỡ òa. Nhân vật chính trong tác phẩm Người mẹ (1934) là một người phụ nữ cả đời chờ người chồng vô tâm bỏ đi để lại một nách ba đứa con thơ và mẹ chồng già ốm đau. Tác giả không hề gọi bà bằng một cái tên nào khác, dường như muốn ngụ ý rằng toàn bộ số phận bà được thể hiện trong cái từ đó. Hình tượng bà mẹ được khắc họa cá tính sinh động, dũng cảm, đầy nghị lực, mạnh mẽ, có lẽ là một mẫu người có phần hiện đại hơn O-Lan, và không có tính nô lệ như O-Lan. Người chồng bà sớm bỏ gia đình, nhưng bà giữ lấy nó vì con. Toàn bộ câu chuyện kết thúc trong đau buồn, nhưng không phải trong thất bại. Người mẹ không gục ngã ngay cả khi đứa con trai bị xử trảm vì tội làm cách mạng và bà đã phải tìm một ngôi mộ của người lạ để khóc con bởi nó không có được lấy một nấm mộ. Ngay sau đó một đứa cháu trai ra đời, và một lần nữa người mẹ lại có một ai đó để yêu thương và để hi sinh. Có thể nói, hiện diện trong tác phẩm của Pearl Buck là hình ảnh những người vợ ngoan hiền, những người con dâu hiếu thảo, sinh được các con trai, chịu đựng chế độ đa thê… Trong bất kì hoàn cảnh nào, họ vẫn là đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ nói chung và phụ nữ Trung Hoa nói riêng thời kì phong kiến. Coi các nhân vật nữ là trung tâm, Pearl Buck, một mặt nhấn mạnh nỗi thống khổ và bi kịch của họ, mặt khác, lên án những hủ tục bất công và đấu tranh quyết liệt cho quyền sống, quyền hạnh phúc, bình đẳng của những người phụ nữ. 3. KẾT LUẬN Lenin cho rằng: “Nhận thức về phụ nữ, thái độ với phụ nữ là một trong những trình độ văn hóa, văn minh của một dân tộc”. Với Ngôi nhà đất, Pearl Buck đã góp thêm vào dòng văn học về Trung Hoa nói riêng và Á Đông nói chung một cách nhìn mới mẻ, đầy cảm thông, chân thành dành cho nữ giới đi kèm với sự trân trọng tuyệt đối - điều mà thậm chí nhiều tác phẩm bản ngữ cũng không thể đi sâu bằng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Huy Bắc, Lịch sử văn học Hoa Kỳ, Nxb Giáo dục, H., 2010. 2. Pearl Buck, Đất lành, (Nguyễn Thế Vinh dịch), Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2001. 3. Pearl Buck, Những người con trai, (Nguyễn Thế Vinh dịch), Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2001. 4. Pearl Buck, Gia đình chia rẽ, (Nguyễn Thế Vinh dịch), Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2001. 5. Pearl Buck, Yêu muộn, (Văn Hòa, Thiên Long dịch), Nxb Phụ nữ, H., 1989. 6. Lâm Ngữ Đường, Trung Hoa, đất nước, con người, (bản dịch của Trần Văn Từ), Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2001. 7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, H., 1999. 8. Hữu Ngọc, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Nxb Thế giới, 1995. 9. Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển - Nobel văn học 1938, http://vnn.vietnamnet.vn. THE HEROINE IN THE TRILOGY THE HOUSE OF EARTH BY PEARL BUCK Le Thi Ngoc Anh Abstract The heroine of the trilogy of Pearl Buck House land described in many different aspects. Especially striking is the position of the female characters, as well as the beauty of the human condition misfortune. Through the female characters in the world trilogy earth house, Buck has expressed profound human heart with the feelings of women speak of their world. The work is also the voice of the woman and advocate their interests, feudal society condemned the killing backward customs and rights of women, promote gender equality. . NHÂN VẬT NỮ TRONG BỘ BA TIỂU THUYẾT NGÔI NHÀ ĐẤT CỦA PEARL BUCK Lê Thị Ngọc Ánh 1 hân vật nữ trong bộ ba tác phẩm Ngôi nhà đất của Pearl Buck được miêu tả về rất. là vị trí của nhân vật nữ, vẻ đẹp cũng như thân phận của những con người bất hạnh. Thông qua thế giới nhân vật nữ trong bộ ba tiểu thuyết Ngôi nhà đất, Buck đã thể hiện tấm lòng nhân văn sâu. tâm trong sáng tác của Buck. Qua việc khảo sát các sáng tác của Buck nói chung và tiểu thuyết Ngôi nhà đất nói riêng ta thấy nhân vật nữ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của bà.