Một số biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh

7 2.7K 17
Một số biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Một số biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (TS. Hoàng Thị Huế) Nguyễn Xuân Khánh đã kiến tạo một phong cách tiểu thuyết lịch sử riêng bằng sự hòa giải giữa tự do và ký ức, giữa áp lực nặng nề của lịch sử và tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Đội gạo lên chùa là một minh chứng mặc nhiên cho sự níu kéo, giăng mắc của tâm thức dân tộc ở sự xuất hiện dày đặc không khí huyền ảo, cổ tích, không gian phi thực, các biểu tượng, mô-típ, hình ảnh, các phức cảm, mặc cảm… Tác phẩm là mảnh đất màu mỡ cho sự tham dự, song chiếu của huyền thoại – lịch sử và sự nảy mầm các biểu tượng mang tâm thức Mẫu nương mình trong vô thức người nghệ sĩ. 1 - Nguyễn Xuân Khánh với những sáng tác từ năm 1958 ( Làng nghèo – 1958), Miền hoang tưởng -1990, Trư Cuồng, Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa … đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả và hàng loạt giải thưởng danh giá. Có thể biện giải tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh từ nhiều góc độ khác nhau, song lối nhìn nhận, giải mã nghệ thuật bằng việc soi chiếu các vết tích của ký ức lặn sâu dưới đáy nền vô thức người nghệ sĩ cũng là một lối tiếp cận khả giải, một hướng tìm tòi đem lại nhiều hứa hẹn. Những sáng tạo nghệ thuật thành công phải kể đến sự đào sâu tâm thức huyền thoại, triết học, văn hóa…. với các chất liệu hóa thân từ những giá trị hằng hữu của dân tộc, như một kiểu năng lượng đặc biệt nương mình trong vô thức người nghệ sĩ. Vì vậy, tiếp cận tác phẩm trong soi chiếu, giải mã từ các biểu tượng mang tâm thức cộng đồng sẽ làm hiển lộ những khuôn diện mới của các văn bản nghệ thuật. Văn hóa Việt Nam được xem là một nền văn hóa mang yếu tố nữ tính, thậm chí nguyên tắc nữ, qua lễ nghi, phong tục và văn chương nghệ thuật, đã được ánh xạ từ huyền thoại của dân tộc (1). Điều này hoàn toàn có cơ sở và có lý do dẫu khó có thể dẫn ra cùng một lúc những minh chứng cho tính nữ đó. Nhưng có thể thấy nó là một hấp lực thực sự và đã có khá nhiều công trình vận dụng lý thuyết phê bình huyền thoại trong tiếp cận, giải mã tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng muôn đời luôn hàm ẩn, dung chứa và được khu biệt bởi tính biểu tượng. Trong văn chương, ngôn ngữ là dấu hiệu biểu hiện đầu tiên của tính cá nhân, tinh thần của mỗi dân tộc cũng được phản ánh trong ngôn ngữ của nó (1b). Theo Levy – Bruhl, Freud, Saussure, biểu tượng (symbol) là một dấu hiệu không đầy đủ và hoàn toàn chính xác, và cũng theo Augustine, biểu tượng chỉ là một cách khác để nói về những gì mà một dấu hiệu nói (1c). Dẫu có nhiều quan niệm khác nhau, biểu tượng trong văn chương vẫn được biểu đạt qua mã ngôn ngữ và chuyển hóa thành biểu tượng nghệ thuật, - vừa lưu giữ các giá trị văn hóa, tồn tại như các biểu tượng thẩm mỹ, cổ mẫu - vừa chuyển tải, sáng tạo văn hóa. Tùy thuộc vào môi trường, thời điểm văn hóa cụ thể và những kiến giải mà mỗi biểu tượng được khám phá ở những chiều kích khác nhau. Như là một đơn vị cơ bản của văn hóa, biểu tượng trong sự đan kết các vỉa tầng ý nghĩa, lấy hình ảnh làm sức mạnh, luôn lấp lánh nhiều giá trị vẫy gọi. Tìm hiểu các biểu tượng gốc (archetype), mang tâm thức mẫu, tức giải mã những chất liệu nghệ thuật kiến tạo tác phẩm từ những níu kéo, giăng mắc trong huyền thoại dân tộc. Đồng thời, lý giải bản chất giá trị nghệ thuật vừa từ chính bản thân văn bản, vừa từ bên ngoài văn bản, từ những năng lượng đặc biệt nương mình trong vô thức người nghệ sĩ. Các biểu tượng gốc - archétype được hiểu là những nguyên tố tâm thần (psyché) không thể cắt nghĩa được bằng một sự việc xảy ra trong đời sống (…) Nó hình như bẩm sinh đã có, có từ nguyên thủy, nó là một thành phần trong gia tài tinh thần của nhân loại” (2), (2a). Sự hình thành Cổ mẫu thường bắt nguồn từ những kinh nghiệm lặp đi lặp lại của nhân loại, có tính chất mơ hồ, là một kết tinh quan trọng của ký ức con người về cội nguồn văn hóa – lịch sử. Khi nói đến tâm thức Mẫu tức là đề cao, ca ngợi những phẩm tính đặc biệt của người mẹ, như “tất cả những gì làm nên cõi ẩn náu vĩ đại của loài người”, (3) “là người Mẹ vĩ đại – những huyền bí của cái chết, cuộc sống, sự biến đổi – Anima là cổ mẫu, theo Jung, phức tạp nhất - vừa là “hình ảnh - linh hồn” của cuộc sống vừa biểu hiện ở những dạng thức khác nhau trong đời sống tinh thần, hiện thân của cảm hứng và sự hoàn thành tinh thần con người” (4). Có thể thấy, biểu tượng gốc là những biểu trưng phổ quát, là những mô-típ và hình ảnh được tìm thấy trong nhiều hệ huyền thoại khác nhau, hoặc trong các huyền thoại của các dân tộc cách xa trong thời gian và không gian, có khuynh hướng gợi ra những phản ứng tâm lý so sánh được và phục vụ những chức năng văn hóa giống nhau (5). Trong quá trình sáng tác, cổ mẫu với tư cách những ký ức, dấu chỉ văn hóa xa xưa của nhân loại thường xuyên hiện hữu ở tầng sâu vô thức nghệ sĩ và vận hành trong sự đồng hóa những kinh nghiệm bên ngoài với những sự kiện tâm linh, chi phối nhà văn trong quá trình sáng tạo. 2- Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh được cấu trúc trên nền tư duy tiểu thuyết hiện đại, mang tinh thần từ bỏ sự mặc nhiên của tư duy công thức, sơ đồ hóa một thời, ngộ ra sự song hành tồn tại của nhiều chân lý cuộc đời, không có cái tuyệt đối, tối thượng, không đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu… Tinh thần đó đã chi phối nhà văn trong sáng tạo. Viết Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn, Hồ Quý Ly… chỉ thực chất là kể lại một câu chuyện, tại đó, lịch sử chỉ là “cái đinh treo”, bản chất hư cấu của văn chương phát lộ và người viết không có ý đồ thuyết phục độc giả rằng đó là lịch sử, là thật hay hư cấu… Sự đổi mới tư duy tiểu thuyết và ý thức sáng tạo của Nguyễn Xuân Khánh đã đem đến cho độc giả những trải nghiệm mới mẻ về lịch sử trong sự gắn kết với những thông điệp văn hóa, tư tưởng, sự lấp lánh các yếu tố huyền thoại, tâm thức dân tộc. Đặc biệt, hành trình từ Hồ Quý Ly đến Mẫu thượng ngàn và tỏa sáng ở Đội gạo lên chùa là minh chứng thuyết phục cho sự hồi sinh của truyền thống văn hóa dân tộc, giã từ lối viết mô phỏng, sao chép hiện thực cứng nhắc, mở ra những nghiệm suy mới về bản chất cuộc đời, con người. Những năng lượng tinh thần từ ngàn đời của nhân loại, của dân tộc ẩn hiện trong các biểu tượng mang tâm thức Mẫu, những mảnh đất thiêng, hang núi, đêm tối, nước, lửa… tạo ra những ẩn dụ và kiến giải mới về văn chương và cuộc đời. Hằn sâu trong ký ức dân tộc là huyền thoại về mẹ Âu Cơ, Mỵ Nương trong Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Châu trong Mỵ Châu Trọng Thủy và Mỵ Nương trong Trương Chi. Thiên tính nữ trong văn hóa Việt còn được quảng diễn trong các lễ hội Nõn Nường, rước Ông Đùng – Bà Đà đầy ắp sinh khí phồn thực. Tâm thức Mẫu vừa là sự biểu hiện Cổ mẫu Mẹ “tất cả những gì làm nên cõi ẩn náu vĩ đại của loài người” (6), vừa bao hàm trong đó sự ngơi nghỉ, an toàn, sự trở về, tái sinh hay mãnh lực vượt qua những nghiệt ngã vươn tới chốn bình yên. Sự hòa quyện giữa biểu tượng và tâm thức Mẫu đã chi phối cách kết cấu, xây dựng hệ thống nhân vật, hình ảnh, ngôn ngữ, chi tiết nghệ thuật…trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. Đội gạo lên chùa là một minh chứng mặc nhiên cho sức sống của các biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, ở sự xuất hiện dày đặc của không khí huyền thoại, cổ tích, sự tổ hợp các khía cạnh không gian phi thực, biểu tượng, mô-típ, hình ảnh, các phức cảm, mặc cảm… Tác phẩm là mảnh đất màu mỡ cho sự tham dự, song chiếu của huyền thoại – lịch sử và sự nảy mầm củaCổ mẫu nương mình trong vô thức người nghệ sĩ. Nhan đề Đội gạo lên chùa lấy dữ liệu trực tiếp từ câu ca dao: “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư…”. Nhan đề là một ẩn dụ trùng phức, nối cây cầu đến những hiện hữu ở tầng sâu mạch ngầm của văn bản, tiết lộ bản chất, tư tưởng, triết lý chiều sâu của tác phẩm. Đồng thời cũng là một mã (code) gợi dẫn người đọc khám phá các vỉa tầng văn hóa tồn tại trong tác phẩm như một thực thể tự trị nằm ngoài sự kiểm soát của người nghệ sĩ. Những tụ kết của một quá trình truyền thừa ký ức văn hóa tồn tại ở tầng sâu vô thức kết hợp với trải nghiệm xung đột hiện hữu của nhà văn tạo nên biểu tượng phổ quát như một cách phóng chiếu nội cảm lên ngoại giới, làm nên sự sinh động và sức sống lâu bền của tác phẩm. 3- Kết cấu của Đội gạo lên chùa chia làm 3 phần lớn: Trôi sông, Bão nổi can qua, Về cõi nhân gian, mỗi phần chia thành nhiều chương nhỏ, tên các chương và các hành động kể đều xoanh quanh trục chính - ngôi chùa làng Sọ, cuộc đời cậu bé An (sư Khoan hòa, anh bộ đội An và sau thành người thầy thuốc An). Mọi biến cố, các tầng không gian truyện kể, các lớp truyện kể, các tuyến nhân vật đều gắn kết trực tiếp hoặc gián tiếp đến mái chùa làng Sọ - tồn tại như một biến thể của biểu tượng Mẹ trong nguyên lý sự ấm áp, che chở, nuôi dưỡng, cưu mang. Sự cứu chuộc của tâm thức Mẫu được thể hiện một cách tập trung ở biểu tượng mái chùa, là nơi cưu mang An, Nguyệt, cứu chuộc cho bước chân lầm lỡ của Độ, giang rộng tay đón Vô Trần và cũng khoan dung, độ lượng trả về cõi đời một con người vốn không thuộc nơi này. Biểu tượng Chùa làng Sọ là biểu hiện những giá trị được chứa và tất cả những gì to lớn bao bọc, che chở, nương náu nuôi dưỡng cho những gì bé nhỏ, bất hạnh, yếu đuối, như một sự ươm mầm từ nguyên lý Mẹ Âu Cơ với bọc trăm trứng. Nguyễn Xuân Khánh đã đẩy những sáng tạo nghệ thuật của mình chạm tới cội nguồn của văn hóa Việt. Mái chùa làng Sọ không phải là một biểu tượng vật lý cụ thể mà như một thực thể tinh thần, một ngôi đền thiêng ẩn náu trong tâm thức cộng đồng – dung chứa những khát vọng, nỗi niềm, hóa giải mọi tục lụy trần ai, là điểm tựa, cõi về Đến cả những con người “vượt khổ” như cha con ông Xuân – Hạ cũng phải kính cẩn hướng về như một chốn linh địa. Tập hợp và bao chứa trong nó là các biểu tượng hang động, nước, sông, mưa, lửa, núi rừng, đàn bà, tổ chim, vườn… như một ám gợi về cội nguồn văn hóa, chạm đến chiều sâu tâm linh của con người với các vấn đề ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức. Trong Đội gạo lên chùa, chữ và nghĩa đan lồng, trộn lẫn những ám ảnh, những ẩn ý tạo ra một lối đọc “ru-bích”. Chùa làng Sọ cũng tồn tại như một nơi giải thoát bởi sự xuất hiện của biểu tượng hầm, phiên bản của hang động. Ngoài căn hầm bí mật ở rừng Cò – nơi đã giải thoát cho Nguyệt khỏi cuộc truy bắt của Bernard, còn có một căn hầm ở bờ ao nhà chùa và một ở dưới pho tượng hộ pháp, nơi chứa ván in kinh Kim Cương (7). Bà Nấm và Huệ đã trú ẩn ở đó hai ngày trong sự cưu mang che chở của nhà chùa (như đã từng chở che chồng và cha họ), thoát khỏi sự truy bắt của đội Khoát trong cách mạng ruộng đất. Đó cũng là nơi Sư Khoan Độ trở lại chùa để chữa bệnh cho Sư thầy Vô Úy, biểu tượng hang động, hầm mang trong mình vẻ đẹp của nguyên lý tính Mẫu và ước vọng thiêng liêng. Hàm nghĩa phồn thực của hang động từng gặp nhiều trong thơ Hồ Xuân Hương, song ở đây biểu tượng hanghàm chứa sự an toàn trong bào thai mẹ, thế giới bất an, con người chỉ cảm thấy yên bình, được chở che nếu được trong lòng mẹ, một khát vọng quay trở về với khởi nguyên của vũ trụ. Chùa làng Sọ là vẻ đẹp của người đàn bà Việt trong sự phóng chiếu tâm thức Mẫu, ước vọng thấu tỏ và giải thoát, dinh dưỡng, nuôi nấng, chở che và sinh sản, từ đó khải lộ hiện thực mang chiều sâu bản thể mẹ, một ám gợi từ các tầng văn hóa dân tộc trong không gian thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. Các nhân vật trong Đội gạo lên chùa đều sống trong bầu không khí và một triết lý sống khoan hòa, tùy duyên, đậm Phật tính, hướng về mái chùa làng Sọ như hướng về Mẹ. 4- Trong tâm thức dân tộc, Mẫu Thoải (Mẹ Nước), Địa Mẫu (Mẹ Đất), Mẫu thượng ngàn (Mẹ Rừng) là mẹ vĩ đại, chở che, bao bọc, nuôi nấng và sinh sản. Cũng như trong Mẫu thượng ngàn, biểu tượng rừng xuất hiện dày đặc trong Đội gạo lên chùa, rừng là cõi ẩn náu vĩ đại của con người làng Sọ.Rừng thông gần chùa Sọ là nơi chú bé An lang thang kiếm tìm bản thể, truy nguyên nguồn cội những đau đớn mất mát của đời mình. Rừng là nơi An dựa dẫm trong một khả tín mong manh về sinh tồn và phiêu tán. Cũng xuất hiện trong vai trò chở che, rừng tre là cầu nối đi về cho cuộc vượt thoát hệ hình tu hành, đặt chân vào cõi tục của sư Vô trần và cô Nấm (8). Trong giây phút thiêng liêng chạm tay vào cõi thế, rừng là bản nguyên, là cội nguồn, là cõi mê thăm thẳm để sau đó giã từ mái chùa làng Sọ, sư Vô Trần đặt bước chân phiêu lãng vào đời thực. Nếu trong Mẫu thượng ngàn, rừng xuất hiện 229 lần thì trong Đội gạo lên chùa từ “rừng” được sử dụng 123 lần. Đó là minh chứng thuyết phục về sức sống của biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh. Rừng là không gian, thời gian sống của người làng Sọ, là nơi cưu mang Nguyệt và sư Khoan Độ trong cuộc càn quét của giặc Pháp (9). Rừng bao bọc am Tịch Mịch sau lưng Yên Tử và hang con hổ Côi. Bốn bề bao bọc bởi rừng nên cũng chỉ có rừng chứng kiến những đọa đày thân xác, nhọc nhằn tinh thần của thầy trò Vô Úy – Khoan Hòa ở trại giam số 2 trong cuộc cải tạo cải cách ruộng đất. Rừng dang tay cứu vớt thầy giáo Hiếu và Tân trong cuộc vượt trại, cung cấp lá cây giữ ấm cho thầy trò Vô Úy, Khoan Hòa, Hiếu, Tân. Trong những ngày tập luyện của chú tân binh An, rừng dẻ song hành với màu hoa trắng ngà và mùi hương ngan ngát kỳ lạ chưa từng được biết (10). Mùi hương - cũng là một dấu hiệu đặc biệt mang thiên tính nữ “Người phụ nữ được tiền định mang hương thơm” (Kinh Phúc âm) - xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm; mùi hương tỏa ra từ giếng đêm cô Rêu đẹp như thiên thần tự vẫn, mùi hương trầm tỏa ra đêm bà cụ Hiệp, người làm hàng hương, vì quyết không để cho người đời đấu tố, đã tự giải thoát mình trong bộ quần áo đẹp nhất, trong căn phòng đẫm mùi hương trầm thanh cao, thoát tục (11). Rừng và tâm thức Mẫu hòa làm một trong khát vọng khắc khoải mong một đứa con của Mai, rừng rộng vòng tay bao dung chở che cho vợ chồng Mai – Tiến, nâng niu, ươm mầm, bảo tồn để sinh sản (12). Hai người đã yêu nhau trong sự chói lòa của sắc trắng toát lên từ thân thể diễm ảo của Mai, rạng ngời hòa nhịp trong khát vọng làm mẹ. Trong hành trình trở về đó, Tiến đã tìm thấy nguồn sống của mình. Đó cũng là lúc tâm thức Mẫu bừng nở “ cánh rừng hưng say/ Hồng hoang hương ấm mấy chân trời”. (Hoàng Cầm). Trong sự chở che của Mẫu thượng ngàn, Tiến và Mai thụ hưởng tuyệt đích giấc mơ nơi thiên đường mà cội rễ của nó là sự hòa nhập tín ngưỡng dân gian Việt. Biểu tượng rừng trong Đội gạo lên chùa tham dự chặt chẽ vào đời sống con người, không chỉ đại diện cho tính nữ trong vẻ chở che mà còn cung cấp thức ăn giúp An cứu Huệ thoát khỏi những cơn sốt ác tính. Đó là điều tất yếu không thể thiếu vắng của hai mặt bảo tồn và tái sinh, thiên tính nữ vĩnh hằng: “là phần quan trọng bậc nhất của bản nguyên nữ” (Chevalier). 5 - Như một năng lượng mãnh liệt vượt thoát khỏi sự kiềm tỏa của lý trí, những trang đẹp và say mê của tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh dành riêng cho phái nữ. Mang trong mình vẻ đẹp và phẩm tính đàn bà, những nhân vật nữ của Nguyễn Xuân Khánh biểu tượng cho sự sinh sản và hiện thực hóa những ước vọng của con người. Đó là bà cụ Thầm suốt ngày lửng lửng lơ lơ như người cõi khác lạc vào trần gian, sống cuộc đời nửa thực nửa hư trong những cuộc trò chuyện bất tận với những người cõi âm qua hình bóng con đom đóm. Nhiều huyền thoại trên thế giới cho rằng người phụ nữ có sự liên thông với bản nguyên của thế giới, điều mà ở đàn ông ít thấy hoặc không có. Sức mạnh tự nhiên nguyên sơ của vũ trụ cộng hưởng trong người phụ nữ khiến đàn ông mạnh mẽ hơn, bóng con đom đóm lập lòe từ trang đầu kết nối và xuyên suốt tác phẩm trong những đêm không ngủ của An ở trại giam số 2, nhấp nháy ma mị trong không gian huyễn hoặc đêm trước ngày giỗ sư tổ Vô Chấp, bóng đóm chấp chới trong đêm và con chim vành khuyên nhập hồn cô Rêu… như một sự thừa nhận mặc nhiên sự cộng thông với một thế giới khác của những nhân vật nữ: bà Thầm, bà Thêu, Huệ… và cả những linh thông thấu thị của An với người bạn xinh đẹp như thiên thần của mình là cô Rêu… “những linh hồn của các nhân vật bất tử cũng hiện hình dưới dạng con đom đóm” (13). Bà cụ Thầm và những linh hồn đom đóm tạo ra một tầng hiện thực khác không được khải thị nhưng quấn luyến chặt chẽ với chủ đề trong sự tuần hoàn khởi nguyên –Trôi sông – Bão nổi can qua - Về cõi nhân gian - trở về, hồi sinh và bóng đom đóm lập lòe như kiếp người nhỏ nhoi, yếu đuối nhưng tự phát sáng trong vòng tròn đời người ngắn ngủi. Biểu tượng mang nguyên lý tính Mẫu còn được tụng ca trong hình hài đẹp đẽ tràn đầy sức sống của các nhân vật nữ - những người mang quyền lực của cái đẹp. Nguyệt với vẻ đẹp thanh khiết, nguyên sơ ở chiếc cổ cao trắng ngần, mái tóc đẹp đến mê hoặc và làn da trắng hồng. Trong thời buổi tao loạn, vẻ đẹp đó ngầm ẩn những hiểm nguy cho chính Nguyệt và cả những người xung quanh nên phải đến 30 tuổi Nguyệt mới tạm yên ổn trong cuộc nhân duyên với Hạ, một người đàn ông “vượt khổ” tốt tính. Đó còn là vẻ đẹp như thiên thần lạc giới, tinh khiết như pha lê của Rêu - cái đẹp cứu chuộc cho những đảo điên của con người. Vì không tìm được câu trả lời cho những tồn sinh của cuộc đời, vì tuyệt vọng và bẽ bàng cô đã trầm mình xuống giếng – một ánh xạ của tính nữ - bỏ đi gánh nặng của kiếp người trên vai để hóa giải làm thân vành khuyên líu lo ríu rít với nắng mai. Hay vẻ đẹp phồn thực của Xim, bà Nấm, của Mai, của Thì, bà Thêu… Ở họ vừa tồn tại tính nữ là sự mềm yếu nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ ào ạt như gió, như bão giông, dịu dàng, mềm mại, đầy yêu thương, hy sinh nhưng không cam chịu số phận. Vòng tay ấm mềm nhưng buộc ràng của cô Nấm đã kéo sư Vô Trần về với cõi đời trần tục. Bà Thêu đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thông minh sắc sảo không cam tâm làm vợ một ông già địa chủ 70 tuổi, đã chủ động hoán cải cuộc đời mình với anh đội Khoát. Xim yêu hết mình sống hết mình và rành mạch tường minh khi ban tặng cho chồng cũ – Hạ - một lần yêu thương trọn vẹn để rồi sau đó vun vén kết nối cho Nguyệt – Hạ một mái ấm gia đình. Mai và khát vọng làm mẹ cháy bỏng, Huệ tràn ngập yêu thương và nhân hậu… Tất cả họ đều là hiện thân của vẻ đẹp đậm thiên tính nữ và sự huyền bí diệu kỳ của tạo hóa. Ai cũng nhân hậu, vị tha, giàu lòng hy sinh và khả năng tái sinh, chở che, bao bọc, đằm thắm và quyết liệt – đó cũng là sợi dây tính nữ neo lại từ ngàn đời Mẹ Âu Cơ, Mỵ Nương, Bà Trưng, Bà Triệu trong ký ức dân tộc. Quấn luyến, buộc ràng với số phận những người phụ nữ ấy là cuộc đời, những con người và những vấn đề về lẽ sinh tồn, sự ra đi, trở về, những dò tìm bản nguyên của hạnh phúc, khổ đau, tình yêu, sự sống và cái chết… Tuy nhiên, chính sự dẫn dắt của thiên tính nữ, sự bao dung, nhân hậu, hướng mẫu… đã dẫn lối cho nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh neo đậu bến bờ bình yên. Sự lựa chọn nhập thế, tùy duyên của An khi về với cõi trần tục lụy cũng từ nguyên do này. Phương thức nghệ thuật của Đội gạo lên chùa cũng bị chi phối bởi các biểu tượng không - thời gian tâm thức triền miên trong suy tư của An, những đảo tuyến, đồng hiện thời gian song hành cùng kiểu không gian phi thực – một kiểu không gian đặc trưng của tư duy huyền thoại – cổ tích. Tính nữ khởi nguyên được xác tín từ lối hành xử đậm tính khoan hòa của nhân vật và lớp không gian bao phủ bởi một màu khói huyễn hoặc trong tác phẩm- thoát thai từ những huyền tích cổ xưa của dân tộc. Đó là không gian hư thực lẫn lộn ẩn hiện trong tác phẩm đêm trước ngày giỗ Sư tổ Vô Chấp, đêm Rêu tự vẫn, đêm bà cụ hàng hương thoát xác như những ám gợi từ ký ức ngàn xưa. Ám ảnh và day dứt là không gian ma mị với “tiếng chó ma tru như khóc thảm thiết, cơn gió đùa cợt trêu ngươi rờn rợn, cả tiếng người khóc mơ hồ chen giữa hai đợt chó sủa, tiếng kêu xa gần khắc khoải của đôi chim lợn” (14), vào đêm sau cuộc đấu tố Chánh Long, cả không gian phi thực hiện hữu trong tâm thức An như một kiểu giao thoa giữa cõi đời và cõi âm, tây thiên, địa ngục, thủy cung… không thể khải thị nhưng mang đặc trưng riêng của tư duy huyền thoại, huyền ảo. Hiện thực lịch sử chối bỏ cái duy lý nhường chỗ cho sự phóng chiếu nội giới lên đối tượng với những đắp đổi của yếu tố tâm linh, của hiện thực giả tưởng. Kiểu xây dựng không gian lấp lửng như những mảng ký ức của huyền tích dân tộc buộc độc giả loại bỏ lối đọc quy chiếu hiện thực kiểu truyền thống: sự thực hay hư cấu để thừa nhận sự đồng nhất cái huyền ảo, vô thức neo đậu trong tâm thức văn hóa ngàn đời của dân tộc, luôn đồng hiện trong đời sống hữu thức của con người. Nhu cầu về cái thiêng: “trải nghiệm về mặt bản thể những gì vượt trội hơn bản thân để biện giải và xác định sự tồn tại cá nhân,” (15), khiến các nhân vật trong Đội gạo lên chùa (cụ Thầm, bà Thêu, An, Huệ…) tìm đến các đối tượng cho phép họ trải nghiệm kinh nghiệm cái thiêng đầy đủ, phóng chiếu lên chúng những kinh nghiệm tương ứng của văn hóa dân tộc. Cuộc va chạm với văn hóa phương Tây những năm đầu thế kỷ XX dẫn đến những tương thích, trộn lẫn, dung hợp giữa đạo Phật, đạo Mẫu và Kitô giáo, giữa cá nhân với cộng đồng, văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây. Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh đã dung chứa những yếu tố văn hóa bản địa như một phản vệ với sức mạnh văn hóa ngoại lưu. Các biểu tượng: hang, tổ, giếng, sông, nước trong sự liên hệ mật thiết với tâm thức nữ cũng là những đơn vị cấu thành tác phẩm không thể bỏ qua - (Hầm trong rừng cọ, trong chùa, giếng nơi Nguyệt lấy nước, nơi cô Rêu trẫm mình, tỏa hương thơm ngát, tổ chim vành khuyên, giếng nơi An soi mình suy tư về bản nguyên thế giới, lẽ tồn sinh, về cõi nội giới người ) (16). Hang đá, hầm, giếng là nơi che chở cho con người trước những bất trắc hiểm nguy. Đó không chỉ là tâm thức Mẫu mà còn là nguồn lực tinh thần, sức mạnh của chiều sâu tâm linh, giếng cũng là khởi nguyên hành trình tìm kiếm bản thể của con người. Biểu tượng giếng thường xuất hiện trong văn chương thế giới, đặc biệt trở đi trở lại trong tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản – Yasunari Kawabata, Haruki Murakami Đó là Cổ mẫu của hình ảnh tử cung người mẹ (17). Là nơi di dưỡng và sinh sản, giếng là nơi Rêu chọn để trầm mình và hóa thân vào chim Vành Khuyên bởi “chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi, gặp duyên thì tụ thì sinh, hết duyên thì tán thì diệt… đám mây sẽ thành hạt mưa, rồi sau này những hạt mưa lại chuyển thành mây…” (18). Theo J.Chevalier, hang, giếng trở thành “một cái chủ quan trong cuộc đối đầu với những vấn đề của sự phân hóa” (19), bởi vậy đó cũng là nơi An thâu nhận vào mình những trải nghiệm của cộng đồng, đào sâu cõi nội giới trong quan hệ biện chứng giữa trong và ngoài, nội và ngoại, cá nhân và xã hội… Ngoài ra Đội gạo lên chùa còn là nơi hội tụ các biểu tượng hướng đến mẫu Mẹ như sông, nước, mưa nuôi dưỡng tinh thần con người, thể hiện tính mềm mại uyển chuyển của bản nguyên tính mẫu, triết lý của văn hóa Việt Nam, trong hành trình trở về với cội nguồn dân tộc – một chủ đề xuyên suốt các tác phẩm Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. Nghệ thuật xây dựng nhân vật theo môtip song trùng – sự thể hiện theo nguyên lý cặp đôi không thể thiếu nhau của các đối cực (Tấm – Cám, Sơn Tinh – Thủy Tinh…) biểu lộ ý niệm triết học về sự đa chiều kính của cuộc sống cũng là một bản chất hoặc tồn tại trong tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh, kiểu song trùng tốt – xấu, hay – dở, giàu – nghèo dẫn đến những quái nhân, những người vượt khổ như gia đình cụ Khố, gia đình Xuân Hạ, trưởng bạ Hiệp – bố con Xuân (20), trong sự liên thông bề sâu của cặp đôi Animus – Anima trong mỗi nhân vật, ánh xạ của cổ mẫu, chất chứa tính nhân văn trong chiều sâu bản thể của thế giới. 6. Sức sống của cổ mẫu, huyền thoại, biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh như những minh chứng sâu sắc nhất cho sự níu kéo, giăng mắc vào tâm thức văn hóa dân tộc của sáng tạo nghệ thuật. Khó có thể tường minh hay diễn giải những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn trong một bài viết ngắn. Song những gợi dẫn trên đã hé lộ vẻ đẹp lấp lánh của những mộng mơ nghệ thuật, trở thành một cứu cánh khai triển một lối vào miền mơ tưởng của nghệ sĩ. Đằng sau mỗi diễn ngôn là sự ám gợi của các biểu tượng, ngôn ngữ bày biện trên trang tiểu thuyết, hiện thực tri nhận chỉ là tầng hiện thực thứ nhất, duy lý để mở ra những hiện thực, những chiều kích khác, những mảnh vỡ của tư duy huyền thoại, tâm thức Mẫu, hiển thị trong thứ “của cải chung của nhân loại là ngôn ngữ - signifiant, một thứ ngôn ngữ văn học không phải là chức năng của một công cụ có thể bị vứt bỏ sau khi mục tiêu hành động đã hoàn tất” (21). Nghệ sĩ không thể khép kín tác phẩm hay đính nó vào một phẩm tính cụ thể nào, mà tác phẩm luôn tiếp diễn trong đời sống, vừa giống vừa khác với chính nó, tùy thuộc vào những kiến giải trong đọc hiểu văn bản có đuổi bắt kịp tư duy sáng tạo của nhà văn hay không. Việc tái cấu trúc giải mã tác phẩm cần nhiều hướng, mỗi một sự thể nghiệm nghệ thuật của nhà văn đều là sự truy nguyên, sự trở về của giá trị từ thuở hồng hoang nhân loại. Dẫu tâm thức và hình hài huyền thoại, biểu tượng có đôi phần biến ảo nhưng trong sự viết – như một dấn thân, một lựa chọn, một định mệnh – ràng buộc nhà văn và không thể tránh né hay chạy trốn - khiến nghệ sĩ thuộc về lịch sử. Sáng tạo lịch sử, bị lịch sử nuốt, hay đẩy vào quên lãng tùy thuộc vào sự hòa giải giữa lựa chọn cá nhân và áp đặt của lịch sử trong hành trình sáng tạo của nhà văn. Nguyễn Xuân Khánh đã làm hồi sinh thể loại tiểu thuyết lịch sử dân tộc, kiến tạo cho nó một diện mạo mới bằng tài năng và phong cách, bằng sự hòa giải giữa tự do và ký ức, giữa áp lực nặng nề của lịch sử và tự do sáng tạo của nghệ sĩ – con đường đưa văn bản nghệ thuật vượt qua sự đào thải của thời gian. - Huế, 10/2012 H.T.H . nghệ thuật trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. Đội gạo lên chùa là một minh chứng mặc nhiên cho sức sống của các biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh, ở. Một số biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh (TS. Hoàng Thị Huế) Nguyễn Xuân Khánh đã kiến tạo một phong cách tiểu thuyết lịch. thực. Nếu trong Mẫu thượng ngàn, rừng xuất hiện 229 lần thì trong Đội gạo lên chùa từ “rừng” được sử dụng 123 lần. Đó là minh chứng thuyết phục về sức sống của biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong

Ngày đăng: 06/06/2015, 22:41

Từ khóa liên quan

Mục lục

  • Một số biểu tượng mang tâm thức Mẫu trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan