Thời đại công nghiệp hoá và hiện đại hoá, thời đại của nền kinh tế tri thức đòi hỏi con người Việt Nam phải là con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức. Bác Hồ kính yêu đã dạy “Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Người có tài mà không có đức thì vô dụng” Giáo dục phải là bồi dưỡng được cái đức: cái vốn quí của một con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng đã thấm nhuần được tư tưởng đó. Thông qua giảng dạy môn giáo dục công dân giúp các em nắm vững kỷ luật, pháp luật; bồi dưỡng các em hiểu biết nghĩa vụ, quyền lợi người công dân, của người học sinh; hình thành thói quen sống, làm việc và học tập theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi. Môn học này giúp các em nắm được những khái niệm cơ bản về các phạm trù đạo đức trong việc ứng xử hàng ngày; nắm được chuẩn mực hành vi đạo đức trong các hoạt động và quan hệ; biết rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm, tiền đồ để chuẩn bị bước vào đời. Tât cả các thầy cô giáo là lực lượng quan trọng tham gia vào hoạt động giáo dục các em qua các giờ học trên lớp. Nhưng hơn ai hết là một giáo viên trực tiếp giảng dạy môn giáo dục công dân tôi nhận thức rất rõ trách nhiệm đặt lên vai của mình. Phải làm sao có những việc làm thiết thực, phù hợp để nâng cao chất lượng đạo đức cho học sinh vì nó là nền tảng là gốc rễ vững chắc cho các mặt giáo dục khác. Xuất phát từ những lí do này tôi mạnh dạn chọn đề tài: Nghiên cứu về ảnh hưởng của việc rèn luyện đạo đức học sinh THCS trong dạy học môn giáo dục công dân.