LỜI MỞ ĐẦU Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Việc gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) là cơ hội để nước ta mở rộng quan hệ giao thương với các nước trên thế giới, đồng thời phát triển kinh tế trong nước. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề liên tục tăng qua các năm và được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, xét về tiêu chí phát triển năng động, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới. Tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Việt Nam là 8%, năm 2011, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6.8%. Đồng thời, tình hình chính trị - xã hội được duy trì ổn định cũng khiến các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Nếu thời kỳ đầu những năm 1990, tỷ lệ nghèo đói Việt Nam chiếm 58% dân số, thì đến năm 2010, con số này chỉ còn 9.5%. Trong bảng xếp hạng tín nhiệm của Viện Nghiên cứu độc lập Legatum có trụ sở tại Dubai, Ấn Độ về mức sống, năm 2011 Việt Nam xếp thứ 61 (tăng 16 bậc so với năm 2010). Với cơ sở vật chất hơn 135 khu công nghiệp, khu chế xuất với nhiều ưu đãi thuế suất, thu hút các nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu và các nước trong khu vực. Gia tăng các mặt hàng kinh doanh xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa khắp các nước. Điều đó, đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, góp phần phát triển và khẳng định vai trò của mình trên thương trường quốc tế. Đời sống nhân dân cũng được nâng cao đáng kể, trình độ dân trí tăng lên. Nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt đa dạng. Mức tiêu thụ hàng hóa nội địa ngày một tăng, chính vì vậy các doanh nghiệp bán lẻ nổi tiếng trên thế giới cũng đã nhanh chân thâm nhập, cung cấp các sản phẩm có chất lượng quốc tế, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với mức thu nhập cao của một bộ phận dân cư. Đồng thời, các sản phẩm tín dụng cũng ngày một đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Về lĩnh vực ngân hàng nói riêng, với bản chất ngân hàng là trung gian tín dụng, cung cấp nguồn vốn cho các thành phần kinh tế. Bên cạnh hình thức cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động cho đối tượng doanh nghiệp, thì hình thức cho vay tiêu dùng dành cho đối tượng khách hàng cá nhân cũng dần phát triển trong những năm gần đây và được ngân hàng quan tâm, chú trọng để thu hút, khai thác lượng khách hàng tiềm năng. Đặc biệt các ngân hàng tập trung phát triển hình thức cho vay tiêu dùng để phục vụ số lượng đông đảo khách hàng cá nhân. Đặc thù hình thức cho vay tiêu dùng là các khoản cho vay hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm vật dụng gia đình, sửa chửa nhà ở, xe cộ đi lại, phát triển kinh tế hộ gia đình,…và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Chính vì phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nên hình thức cho vay này đang dần phát triển mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng cá nhân. Qua quá trình thực tập, tìm hiểu tại ngân hàng, những kiến thức học được tại nhà trường, đọc được qua sách, báo và với sự giúp đỡ tận tình của các anh chị cán bộ trong ngân hàng. Nhận thức được vai trò của tín dụng tiêu dùng cá nhân nên em chọn đề tài:”Cho vay tiêu dùng cá nhân tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam – Phòng Giao Dịch Nguyễn Thị Thập.”. Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, bố cục chuyên đề báo cáo thực tập gồm 3 chương: Chương 1: Giới thiệu tổng quan về ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam. Chương 2: Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng tại ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam – PGD Nguyễn Thị Thập Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng cá nhân tại ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - PGD Nguyễn Thị Thập. Do kiến thức và kinh nghiệm thực tế còn nhiều hạn chế nên những vấn đề trình bày trong chuyên đề khó tránh khỏi những thiếu sót. Em mong rằng sẽ nhận được những đóng góp bổ ích từ phía các thầy cô giáo, các anh chị cán bộ trong chi nhánh ngân hàng, để có thể bổ sung, hoàn thiện hơn vốn kiến thức của mình.