Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm vừa qua và đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ nhất qua tăng trưởng nhanh gắn liền với giảm tỷ lệ nghèo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, nhiều hạn chế được bộc lộ như hiệu quả đầu tư thấp, hạ tầng kỹ thuật ngày càng bất cập so với mức độ và nhu cầu phát triển kinh tế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; hệ thống pháp luật và hành chính còn quá nhiều rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hệ thống an sinh xã hội còn mỏng nên chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Tốc độ tăng trưởng nhanh cũng làm xuất hiện ngày càng nhiều hơn những vấn đề xã hội mới và ô nhiễm môi trường rất đáng lo ngại. Những hạn chế nêu trên cho thấy chất lượng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong những năm qua còn chưa cao.Dù suy giảm kinh tế từ năm 2008 là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng phần lớn những suy giảm vẫn là do nguyên nhân nội tại của nền kinh tế. Vì thế, một câu hỏi ngày càng trở nên cấp thiết được đặt ra là trước những diễn biến phức tạp của khủng hoảng tài chính thế giới, suy giảm kinh tế toàn cầu và bối cạnh tranh ngày một gay gắt hơn sau khủng hoảng, làm thế nào để tăng trưởng nhanh, bền vững đi liền với cải thiện năng suất, chất lượng cuộc sống của người dân trong giai đoạn tới? Từ năm 2009, Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình theo cách phân loại của Ngân hàng Thế giới. Đây là cột mốc vô cùng quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Thế nhưng trên thực tế, có nhiều nền kinh tế ở châu Á từ nghèo chuyển thành có thu nhập trung bình, nhưng có rất ít trong số đó vượt lên như trường hợp của Đài Loan và Hàn Quốc.Philippines là quốc gia điển hình của tình trạng vướng vào bẫy thu nhập trung bình đã không thể vượt qua ngưỡng 2.000 USD trong nhiều thập niên. Indonesia cũng mất hơn một thập niên để từ trên 1.000 USD vượt lên hơn 2.000 USDngười.Còn Thái Lan thì bất ổn kéo dài từ sau 2005 và cũng mất hơn hai thập niên mới vượt qua con số 3.000 USD. Để quá trình phát triển không dừng lại ở mức thu nhập trung bình, hay tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam phải hoạch định con đường phát triển đất nước theo hướng duy trì tốc độ tăng trưởng cao một cách bền vững. Đặc biệt, Việt Nam cần có năng lực bao quát và tầm nhìn phát triển một cách phù hợp, triển khai hiệu quả các biện pháp thực hiện tầm nhìn ấy. Trên con đường ấy, có rất nhiều khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua như mức độ ngày càng gay gắt của cạnh tranh trên thị trường thế giới, tăng trưởng phải gắn lien với bền vững và bình đẳng xã hội; nâng cao năng lực quản trị của nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch; đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường vốn; tự do hóa thương mại dịch vụ; mở rộng các hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức. Điều này đòi hỏi cần phần nhìn nhận một cách toàn diện hơn bản chất mô hình tăng trưởng ở nước ta, nhất là chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua để có đối sách kịp thời. Trong bối cảnh đó, việc tiến hành nghiên cứu, phân tích tác động của “bẫy thu nhập trung bình” ở các nước đang phát triển, từ đó đề xuất các biện pháp cho Việt Nam tránh “bẫy thu nhập trung bình”, cũng như chỉ ra những thách thức có thể nảy sinh đối với một nước thu nhập trung bình là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết và có ý nghĩa thực sự quan trọng. Đó cũng chính là lý do nhóm tiến hành nghiên cứu, thực hiện đề tài : “Phân tích hiện tượng “bẫy thu nhập trung bình” ở các nước đang phát triển Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay.”