NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG Ở HÀ NỘI BA VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH LTS: Nghệ thuật công cộng được hiểu giản dị là những loại hình nghệ thuật trưng bày ở những nơi công cộng, dành cho tất thảy công chúng. Đó có thể là điêu khắc, tượng đài, phù điêu, vườn tượng, tranh tường, nghệ thuật graffiti, các sự kiện nghệ thuật biểu diễn ngoài trời, các triển lãm nghệ thuật trưng bày ngoài trời Mặc dù vậy, thuật ngữ này vẫn thường được dành chỉ các công trình nghệ thuật có sự tồn tại lâu dài tại một địa điểm nhất định, được làm bằng "mọi chất liệu và kỹ thuật chế tác, được sáng tạo ra với sự quan tâm đặc biệt đến vị trí và nơi chốn mà tác phẩm được đặt hoặc được trình diễn trong không gian công cộng, thường là bên ngoài nhà và mọi người dân đều có thể tiếp cận" (1). Ba ví dụ về nghệ thuật công cộng trong bài viết này được lựa chọn xuất phát từ những sự điển hình của chúng về thời điểm ra đời, hoặc tính chất quan trọng, hay cách thức ứng xử của Hà Nội dành cho chúng. Đó là Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhất năm 1997 tại vườn Bách Thảo (vườn tượng Bách Thảo); vườn tượng "nội địa" đầu tiên của thủ đô bên cạnh đền Ngọc Sơn (vườn tượng Bờ Hồ); tượng đài Lý Thái Tổ. Vườn tượng Bách Thảo đang bị lãng quên Năm 1997, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, với sự đồng ý của Bộ chủ quản phối hợp cùng Sở VHTT Hà Nội tổ chức mô hình nghệ thuật này. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một vườn tượng điêu khắc ngoài trời, đặc biệt hơn, với sự tham gia của các nhà điêu khắc quốc tế. Khi đó, trong bối cảnh chung của mỹ thuật Việt Nam, hội họa đang chiếm ưu thế bởi thị trường của lĩnh vực này hết sức sôi động, cho dù khách mua là người nước ngoài chiếm tuyệt đại đa số. Lĩnh vực điêu khắc thì bắt đầu rầm rộ với phong trào làm tượng đài tưởng niệm trong cả nước. Song trong lĩnh vực này, công trình điêu khắc bị tác động bởi rất nhiều yếu tố ngoại cảnh không thuận: không gian để đặt tượng, đòi hỏi của phía đầu tư, chỉ đạo của cơ quan chủ quản, khiến cho tác giả điêu khắc khó lòng giữ vững lập trường nghệ thuật hoặc không đủ kiên định từ chối với những can thiệp sâu tới nghệ thuật của "người ngoài". Điêu khắc nghệ thuật với các tác phẩm tượng salon, dành cho bày trong phòng hoặc ở sảnh lớn có vẻ âm thầm hơn, do kinh tế thị trường đã chi phối phần nhiều đến sự bán mua và đầu tư cho nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ không thể làm nghệ thuật theo cảm tính thuần túy, hoặc có chất liệu nào thì làm chất liệu đó, hoặc thích thì làm, không quan tâm đến chi phí. Vì vậy, mô hình một trại điêu khắc như ở vườn Bách Thảo đã đáp ứng được phần nhiều những mong mỏi làm nghệ thuật của giới điêu khắc trong nước lúc bấy giờ. Họ được tự do hơn trong cách thức thể hiện tác phẩm, được cấp kinh phí, được giao lưu học hỏi trong một môi trường trại sáng tác tập thể với đồng nghiệp trong và ngoài nước Vườn tượng nhận được sự tham gia của khá nhiều nhà điêu khắc danh tiếng đương thời, trong đó đặc biệt có nghệ sĩ Điềm Phùng Thị. Các nghệ sĩ nước ngoài khi đó phần nhiều đã có những liên đới nhất định với Việt Nam, như Buonthan Sommali (người Lào, từng là sinh viên mỹ thuật Hà Nội), Hori Yasushi (người Nhật Bản, có bà nội là người Hà Nội), Brian Ring khi đó đã sống ở Hà Nội Nghệ sĩ trong nước có Trần Tuy, Lê Thị Hiền, Mai Thu Vân, Nguyễn Hiền, Vương Học Báo, Nguyễn Phú Cường, 13 năm sau, một ngày đầu năm 2010, người viết bài đã dành thời gian cho vườn tượng này trong suốt một buổi sáng, chụp lại tất cả các tác phẩm, quan sát cách thức quan tâm đến vườn tượng của người dân và thấm thía về sự tồn tại trong lãng quên của khu vườn này. Tổng số tác phẩm trong khu vườn là 21, trong đó có đến 14 được làm bằng đá đen hoặc trắng, chất liệu bền vững và chịu được trong điều kiện thời tiết nhiệt đới điển hình ở miền Bắc. Một tác phẩm bằng gỗ, một tác phẩm thuộc dạng sắp đặt từ nguyên liệu có sẵn (Vĩnh hằng của Brian Ring được ghép từ các tấm quách nhỏ, bằng đất nung, trong khung sắt tạo hình chữ V, như cuốn sách đang được mở ra). Một tác phẩm thuộc dạng tiểu sắp đặt (Không đề của Tom Stephen Resley) gồm một khối đá trắng hình quả trứng, một khối gạch gắn xi măng hình tròn, một thân gỗ tròn dài chừng 2m, ba tấm sắt vuông khổ 1mx1m được ghim lại với nhau và hé mở ra bên trong có những đường sóng lượn tạo bằng các thanh sắt nhỏ, riêng phần bằng sắt này đã bị rỉ sét, nham nhở. Còn lại 4 tác phẩm bằng sắt khác đều bị hư hại nhiều, bị rỉ, thủng (Suối của Hứa Tử Hoài, Lữ hành của Trương Đình Quế, Người chơi vĩ cầm của Milovic Vukasin), bị lá cây rơi vào bên trong một phần tác phẩm (hình hộp có nắp kính, tác phẩm Hòa bình của Nguyễn Lệ Hà), và bị mục đen, gây mất thẩm mỹ thị giác. Các tác phẩm đều được gắn biển có đủ tên tác phẩm và tác giả sáng tác. Tuy nhiên, chỉ có vậy thì chưa đủ cho một sự giới thiệu ngắn gọn nhất có thể cho một tác phẩm nghệ thuật ngoài trời, dành cho tất thảy công chúng. Nó bị thiếu hai thông tin quan trọng không kém: ghi chú về kích cỡ, chất liệu của tác phẩm và quốc tịch của tác giả. Bên cạnh đó, tất cả biển tên tác phẩm - tác giả này được gắn ở phần bệ tác phẩm, gần sát mặt đất nên bị bụi đất bắn lên sau các đợt mưa, bị tróc sơn và rỉ sét, càng gợi thêm cảm giác về sự bỏ lơi đối với nghệ thuật của con người. Các công nhân vệ sinh vẫn quét dọn lá cây và rác bẩn hàng ngày trên bề mặt thảm cỏ quanh các bức tượng, nhưng việc làm sạch đôi chút cho các bức điêu khắc này hẳn không phải là việc mà họ được phân công. Không khó để thấy có những tác phẩm nghệ thuật bị biến thành "thùng rác", chứa vỏ chai, đồ ăn thừa của ai đó vô tâm, chứa cả nước mưa và lá vàng lâu ngày đọng lại ngả màu đen Việc sắp xếp vị trí trưng bày tác phẩm cũng có những chi tiết gây phản cảm. Một ví dụ điển hình là bức điêu khắc của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị với 7 mudule tạo hình nổi tiếng độc đáo của bà. Bức điêu khắc có bố cục hợp lý, các khối đá được xử lý tinh tế, những đường lượn tròn đem lại cảm giác về sự gần gũi, ấm áp, ngược lại với tính chất thô lạnh của đá, của màu đen. Bức này không có tiêu đề, song người xem có thể "suy luận" về nội dung của nó một cách tự do, đó có thể là một mái ấm gia đình vững chãi, cũng có thể là nơi chốn suy tưởng của ai đó giữa thiên nhiên Tất cả luôn đem đến một cảm nhận quen thân bên cạnh sự cuốn hút của cách thức tạo hình đậm phong cách một nghệ sĩ lớn. Thế nhưng ngay phía trước bức điêu khắc này, ai đó đã cho trang trí bằng đôi cây cảnh tạo hình sư tử hí cầu, nhấn mạnh hai chi tiết: đôi mắt và cái miệng nhe rộng hoác, đầy răng nhọn được làm bằng nhựa và sắt phủ màu đen trắng (!). Một số tác phẩm khác thì được bày sát đường đi ven hồ, khiến cho khách muốn thăm quan một vòng, cũng ngần ngại, như Hong tóc (Trần Tuy), Cội nguồn (Khúc Thanh Bình). Cách bày này vi phạm vào nguyên tắc tối thiểu của việc trưng bày một tác phẩm nghệ thuật ngoài trời là thỏa mãn được mọi góc nhìn ngắm của người xem. Bức điêu khắc bằng sắt Lữ hành (Trương Đình Quế), tạo hình một con người đang bước đi nhưng ngay sát phía trước nó là một bụi cây cọ to lớn, phủ cả cành lá lên tác phẩm, cách bày đặt này gợi đến hình ảnh "người đi vào bụi rậm". Còn Đi cấy (Roland Kohlhaas), bằng gỗ, cao chỉ khoảng 80cm, lại được đặt trơ trọi giữa một bãi đất trụi hết nền cỏ, thưa thớt những cây cao hơn 10m, thân mảnh, khiến cho hiệu ứng thị giác và ý nghĩa nội dung của tác phẩm bị giảm đi nhiều. Chất lượng nghệ thuật là điều mà khi nói đến một vườn điêu khắc ngoài trời, chắc chắn ai cũng quan tâm. Trước hết, một tác phẩm điêu khắc ngoài trời là dành cho tất thảy dân chúng, vì vậy, chúng phải thỏa mãn được những tiêu chí của nghệ thuật dành cho số đông: bền vững về chất liệu, gần gụi về tạo hình, dễ dàng tiếp nhận về ý nghĩa nội dung, dễ dàng khơi gợi cảm xúc, và thậm chí có thể sử dụng cho nhu cầu giải trí, thư giãn được. 1/3 số tác phẩm được làm bằng chất liệu sắt hoặc tổng hợp trong vườn tượng đều bị hỏng ở một số bộ phận, cho thấy rằng việc lựa chọn chất liệu đã không được BTC và nghệ sĩ chú ý thấu đáo, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tác phẩm về lâu dài. 6 tác phẩm mang khuynh hướng ý niệm và trừu tượng, vốn diệu vợi với tuyệt đại đa số công chúng Việt Nam, và 4 tác phẩm khác có nội dung tượng trưng hoặc khái quát hóa theo chủ đề nhân sinh xem ra cũng là một thách đố với dân chúng Việt Nam nếu thực sự có nhu cầu ngắm nhìn vườn tượng. Hẳn dễ xem hơn cả là nhóm 7 tác phẩm về vẻ đẹp của người con gái bên cạnh 4 tác phẩm về tình yêu mẹ con hoặc nam nữ. Tuy vậy, trong nhóm tượng về các cô gái, có đến 6 bức (trừ bức Ngủ của Lê Thị Hiền) chú trọng đến mái tóc cô gái, và có những cặp tác phẩm rất gần nhau về cách tạo hình: đều là dáng tượng tròn, thô mộc, cục mịch, gợi tả chứ không miêu tả (Hong tóc, Suối tóc), đều là dáng thiếu nữ ngồi hơi ngửa ra phía sau khoe mái tóc mềm mại, dày sóng (Suối, Giữa trời và đất) Vườn tượng Bách Thảo có sự tài trợ của 3 đại sứ quán, 2 công ty nước ngoài và 1 công ty TNHH của Việt Nam, có sự tham gia của nghệ sĩ đến từ 12 nước. Như đã nói ở trên, vườn tượng này từng mang một ý nghĩa nghệ thuật công cộng và giao lưu văn hóa quốc tế quan trọng tại thời điểm nó được ra đời. Vậy mà cho đến ngày hôm nay, thực trạng của nó cho thấy những ý nghĩa ấy đã hết giá trị. Vườn tượng Bờ Hồ không có chủ Năm 2004, nhà điêu khắc Trần Tuy đã được UBND và Sở VHTT Hà Nội ủng hộ và cấp kinh phí cho đề xuất lập một vườn tượng bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Vị trí của vườn là dải cây xanh và bãi cỏ tính từ trước cửa trụ sở Sở Điện lực đến trụ sở Sở VHTT (nay là Sở VHTTDL), đối diện đền Ngọc Sơn. Sau một lễ khai mạc tưng bừng nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thủ đô, vườn tượng lại rơi vào một tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Theo lời ông Trần Tuy, hết thời gian giới hạn của triển lãm điêu khắc ngoài trời ấy, đội ngũ bảo vệ đã rút hết vì không có lệnh tiếp tục bảo vệ của cấp lãnh đạo liên quan. Vườn tượng bắt đầu bị những người dân vô ý thức xâm hại, vì vậy, những tác giả sử dụng chất liệu đồng đã đề nghị được mang tác phẩm về. Các tác phẩm bằng đá, chiếm đa số, tưởng là bền vững, cũng không thoát khỏi ý thức phá hại của con người, có tác phẩm bị mất phần đầu, hoặc bị chìm lẫn dần với đất. Có tác phẩm bị gãy vỡ chỏng chơ giữa ban ngày, người dân xót xa chụp lại và đưa lên thông tin đại chúng (2). Vườn tượng này hiện diện ngay trước trụ sở Sở VHTTDL (số 47 Hàng Dầu), nơi qua lại hàng ngày của tất thảy cán bộ, nhân viên nơi đây. Song chúng cũng mặc nhiên bị bỏ rơi. Cho đến cuối năm 2009, trước dịp tết Canh Dần, và trong dịp cả nước cũng như Hà Nội bắt đầu khẩn trương làm các công trình, chương trình hướng đến 1.000 năm Thăng Long, vườn tượng mới được chỉnh trang chút ít. Những tác phẩm gãy vỡ được thu dọn đi và thay thế bằng những tác phẩm mới. Song tất cả chỉ có vậy. Các tác phẩm được tập trung bày tại một khu vực nhất định, chứ không bày rải rác quanh hồ, nhưng khu vực này không hề có một tấm biển thông tin nào về chúng. Không một tác phẩm nào có bảng chú thích tên tác phẩm, tác giả, kích cỡ, chất liệu. Ngoài một tác phẩm được bày trên đất, 12 tác phẩm còn lại được đặt trên cùng một loại bệ ốp bằng gạch tráng men đỏ, vuông vắn và rất bẩn. 1 tác phẩm đã bị mất hết, chỉ còn lại nguyên cái bệ. Như vậy, vườn tượng chỉ còn lại 13 tác phẩm, một con số quá nhỏ bé và xứng đáng được hưởng một sự chăm sóc, vệ sinh chu đáo từ phía những cơ quan đã đồng ý cho nó được ra đời. Tình trạng vô chủ của vườn tượng này còn tréo ngoe hơn nhiều lần so với vườn tượng Bách Thảo, bởi nó ở ngay trước cổng Sở VHTTDL và cách trụ sở UBND TP chỉ vài chục bước chân (!). Trong một buổi trò chuyện với chủ nhân ý tưởng vườn tượng bên Hồ Hoàn Kiếm, ông Trần Tuy nhắc nhiều đến sự yếu kém của cả trình độ và thái độ đối với văn hóa nghệ thuật của cán bộ thành phố, như một lý giải sâu xa cho hiện trạng của vườn tượng Bờ Hồ. Riêng về việc cá nhân ông không tiếp tục liên đới đến vườn tượng Bờ Hồ, có hai lý do. Thứ nhất, sau thời gian của chương trình triển lãm vốn đã được nằm trong danh mục được cấp kinh phí hoạt động, nếu vườn tượng muốn được duy trì sự tồn tại, lại phải có một người hoặc một tổ chức nào đó đứng ra lập dự án, rồi lại tiếp tục chờ đợi, giải trình và chờ đợi; ông thì quá ngại những thủ tục hành chính này nên nhiệt huyết như ban đầu cũng phần nào bị ảnh hưởng. Thứ nữa, sau đó một thời gian, ông đổ bệnh xuất huyết não, và cho đến nay, di chứng của nó khiến ông không còn cống hiến được nhiều cho nghệ thuật như ông mong muốn Ý tưởng về một vườn tượng bên hồ Hoàn Kiếm là một ý tưởng thực sự làm đẹp thêm cho cảnh quan nơi đây. Hồ đã có cây xanh, hoa đẹp, có khu đền linh thiêng, có cây cầu tuyệt mỹ, có những truyền thuyết và huyền thoại bao phủ và nay, những bức điêu khắc nghệ thuật hiện đại hẳn sẽ là sự bổ sung lý tưởng về thẩm mỹ và giá trị văn hóa. Ý tưởng cũng đã từng được biến thành hiện thực. Song thật tiếc, hiện thực đó không thể được duy trì lâu dài. Sự tồn tại như hiện nay của vườn tượng Bờ Hồ nên được chấm dứt bởi nó thực sự phản tác dụng thẩm mỹ và văn hóa. Tượng đài Lý Thái Tổ cần được ứng xử khác Có rất nhiều bàn cãi về chất lượng nghệ thuật thuần túy của tượng đài này ngay từ khi tượng được dựng tạm bằng mô hình bìa cứng, chuẩn y theo nguyên mẫu, để lấy ý kiến nhân dân. Riêng về khía cạnh dáng vẻ, gương mặt của nhà vua, đã đủ phức tạp: nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc bảo lưu ý kiến không nên làm tượng chân dung hiện thực, mà chỉ nên làm một công trình tưởng niệm mang ý nghĩa biểu trưng, bởi cho đến nay, Hà Nội không có được một tư liệu hình ảnh cụ thể nào về ông. Rất nhiều tranh cãi, hầu hết là của các bạn trẻ, trên nhiều diễn đàn internet về gương mặt tượng trông giống Tào Tháo (!). Hay là cùng là vua Lý Thái Tổ mà ở mỗi địa phương (Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình), ông lại mang một gương mặt khác nhau (!), vậy dân chúng nên thuận theo nơi nào hay là nơi nào cũng thuận Ở đây, người viết bài muốn đưa ra vấn đề khác: cách thức ứng xử với tượng đài này. Trước tiên phải nói đến việc xác định chức năng của tượng đài vua Lý Thái Tổ. Được biết, trong lễ khánh thành tượng đài có một phần việc là "hô thần nhập tượng" với đàn tràng của các vị sư. Như vậy, bức tượng không còn là tượng đài - một công trình nghệ thuật công cộng mang ý nghĩa tưởng niệm - mà đã trở thành một công trình mang ý nghĩa tâm linh. Thực tế, từ khi được khánh thành cho đến nay, tượng thường xuyên có người đến thắp hương khấn vái. Giới chức lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính quyền thủ đô cũng tiến hành lễ dâng hương lên tượng đài vào các dịp lễ tết quan trọng. Đây là cách con người ứng xử với tượng thờ. Trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt, tượng thờ luôn được tọa lạc ở một không gian thờ phụng tôn nghiêm chứ không phải ở giữa đất trời và chịu mưa nắng, gió bão, bụi bẩn. Điều đáng nói là, ngược lại với những nghi lễ đậm màu tâm linh ấy, cũng chính tại nơi này, các cơ quan ban ngành ở Hà Nội thường xuyên tổ chức các chương trình hội hè ồn ào, từ biểu diễn nghệ thuật truyền thống đến hiện đại, từ làm lễ khai mạc thi đấu thể thao đến các cuộc diễu hành, vận động phong trào. Người dân thì cũng coi đây cũng là một nơi vui chơi thường nhật. Chiều tối nào ở khu sân rộng phía trước tượng cũng nhộn nhịp dân chúng, trẻ em chơi đùa, ăn uống, tập nhảy hip hop, breakdance, chơi thể thao, đánh cờ Những cách ứng xử đầy mâu thuẫn này của chính quyền và dân chúng thủ đô với tượng đài Lý Thái Tổ cho thấy có một sự lẫn lộn trong cách hiểu về một công trình tượng đài ngoài trời - một dạng nghệ thuật công cộng - với tượng thờ - một biểu trưng của văn hóa tâm linh. Nghệ thuật công cộng có chức năng đầu tiên là phục vụ nhu cầu thưởng lãm, thư giãn và giải trí với nghệ thuật của công chúng ở những nơi công cộng. Bên cạnh đó, nghệ thuật công cộng góp phần làm đẹp cảnh quan và tạo nên tính cách của địa điểm, nơi chốn mà nó hiện diện. Ba ví dụ về nghệ thuật công cộng ở Hà Nội trong bài viết này cho thấy, thành phố cũng đã xác định được sự cần thiết, thậm chí là tầm quan trọng của các công trình nghệ thuật ở nơi chốn công cộng. Tuy nhiên, những hạn chế và lẫn lộn trong nhận thức của giới chức liên quan đến lĩnh vực này khiến cho 3 công trình nghệ thuật công cộng ấy không được ứng xử trọn vẹn và đúng tinh thần dành cho nghệ thuật công cộng. . NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG Ở HÀ NỘI BA VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH LTS: Nghệ thuật công cộng được hiểu giản dị là những loại hình nghệ thuật trưng bày ở những nơi công cộng, dành cho tất thảy công chúng nghệ thuật của công chúng ở những nơi công cộng. Bên cạnh đó, nghệ thuật công cộng góp phần làm đẹp cảnh quan và tạo nên tính cách của địa điểm, nơi chốn mà nó hiện diện. Ba ví dụ về nghệ thuật. nghệ thuật công cộng ở Hà Nội trong bài viết này cho thấy, thành phố cũng đã xác định được sự cần thiết, thậm chí là tầm quan trọng của các công trình nghệ thuật ở nơi chốn công cộng. Tuy nhiên,