"Phiên chợ Giát" từ góc nhìn hiện tại Lý giải tại sao nó ở đây mà không ở chỗ khác chẳng khác nào vặn vẹo lão Khúng nông dân ít học là tại sao nghĩ thế mà không nghĩ khác. Hẳn là Nguyễn Minh Châu khi xây dựng tương quan quá khứ-hiện tại trong tiến trình kể truyện này cũng chưa hình dung rành rẽ nguyên cớ vì thế này vì thế kia. Nói cách khác, chúng tôi tin rằng sự sắp xếp quá khứ hiện tại trong tiến trình truyện kể này hoàn toàn nằm ngoài sự chi phối ý thức rành rọt của nhà văn, nó thuộc về tính toán của người kể chuyện – mà việc tìm hiểu chúng cần một bài viết sâu hơn nữa. Anh ta cố gắng thâm nhập vào trong ý thức lão già nông dân, nương theo tâm trạng ông lão để khám phá chính cái tiến trình tâm lý đầy phức tạp ấy. Đó là một quá trình phiêu lưu, trình diễn ngôn từ và hình tượng mà hẳn là người kể chuyện cũng không biết trước cái kết cục của hành động. Câu chuyện do thế có những nút biến chuyển bất ngờ không theo một nguyên tắc nhân quả tuyến tính: lão quyết định đưa con bò đi thịt, lão thả con bò chỉ sau vài suy nghĩ, lão gặp lại nó. Tại những vị trí ấy, người kể chuyện trở nên “cận thị” hơn hẳn so với nhân vật chính là lão Khúng. Việc đọc chúng cần được dịch chuyển sang những cấp độ khác, ví như câu văn sau: Lão Khúng biết rằng cái nốt buộc lần này sẽ không bao giờ cởi ra nữa, lão đang cột cái chết vào cổ con vật. Lời khẳng định từ điểm nhìn nhân vật (biết rằng…) thuộc về hiện tại không bao hàm một ý tiên đoán mà nhằm nhấn chìm người đọc vào hẳn trong khoảnh khắc hiện tại của dòng trần thuật về con bò trong đêm tối ở phần mở đầu. Không một thông tin của tương lai, hành động thả bò, được hé lộ. Vì người kể chuyện cũng như lão Khúng hoàn toàn không biết mình sẽ làm gì trong vài giờ tới (thả bò), tất nhiên lại càng không biết điều khách quan gì sẽ chờ đợi mình (bò trở về). Có lẽ đây là một điểm canh tân trong ngòi bút tìm tòi lối viết của Nguyễn Minh Châu. Bởi vì đây không phải là việc “giấu giếm” sự biến theo lối phục bút của kỹ thuật kể chuyện quen thuộc với cái nhìn hoàn tất, điều ấy bỗng chốc trở nên hoàn toàn xa lạ - thậm chí là kỳ quái và vô nghĩa – trong hệ thống thời gian kể chuyện hiện tại, trong tiến trình truyện kể đang diễn ra, trong sự tìm kiếm của ngòi bút Nguyễn Minh Châu ở truyện ngắn này. Để đóng lại diễn ngôn giữa người kể chuyện và người nghe chuyện, truyện kể kết thúc bằng đoạn văn kể lại cuộc đối thoại ngầm giữa người nghe chuyện với con bò – kẻ đối thoại âm thầm với ông lão suốt cả chặng đường vừa qua: Con vật ngước cặp mắt đầy nhẫn nhục và sầu não lên nhìn lão Khúng. Đó là cái nhìn của một sinh vật tự nguyện chấp nhận số phận. Đứng lặng thinh bên chiếc xe chất đầy củi mà lão đã thay nó toát mồ hôi một mình kéo về được đến đây, lão Khúng cũng chả biết nói gì với con vật, lại càng không thể trách móc, lão chỉ đưa mắt nhìn người bạn đời làm ăn thân thiết bằng cái nhìn cũng đầy sầu não và phiền muộn. Xem xét đoạn cuối tác phẩm với tư cách những thành phần đóng lại toàn bộ diễn ngôn truyện kể, chúng ta thấy góc nhìn hẹp của thực tại của nhân vật chính khúc xạ dưới góc nhìn của người kể chuyện vẫn đi theo lời kể cho đến phút chót. Nó tương ứng với chi tiết cuối cùng của câu chuyện trong dòng chảy hiện tại truyện kể: lão Khúng gặp lại con bò của mình được thả vào rừng. Một loạt những tính từ định giá và cách diễn đạt đứng ở vị trí chông chênh giữa cái nhìn của người kể chuyện và của nhân vật chính là lão Khúng: nhẫn nhục, sầu não, tự nguyện chấp nhận số phận. Cái nhìn của lão Khúng lúc này khúc xạ qua điểm nhìn của người kể chuyện. Kết thúc này – từ góc nhìn rất hẹp của nhân vật chính - tỏ ra hoàn toàn bất ngờ với người nghe chuyện, người kể chuyện và cả với nhân vật chính là lão Khúng. Có thể gọi đó là một “biến cố” đối với quãng đời mà lão Khúng gắn với con bò, với cả buổi sáng được kể trong truyện kể này. Một biến cố trước đó liên quan đến biến cố này là việc bất ngờ lão nông dân quyết định thả con bò vào rừng. Hơn nữa, biến cố này còn khép lại vòng tròn câu chuyện, đặt tất cả mọi việc dường như trở lại trạng thái ban đầu sau một biến cố quan trọng trong đời lão cũng như đời con bò: thả bò. Không có gì thay đổi về mặt tình huống; vẫn từng ấy nhân vật và quan hệ. Có thể có những biến đổi khác về chủ đề liên quan đến cấp độ chức năng của những chi tiết này, nhưng bàn về chúng lại vượt quá phạm vi của bài viết. Khoảng cách rất nhỏ về thời gian truyện kể trong quan hệ với thời gian câu chuyện và sự tồn tại của việc kể tạo nên một độ chênh kỳ lạ giữa các tuyến thời gian: sự từ tốn bình thản của nhịp điệu thời gian truyện kể trong quan hệ với biến cố… Chắc chắn người ta có thể khai thác được những khía cạnh thú vị chủ đề từ độ chênh này. Nếu cần nói thêm thì đó là việc những biến cố quan trọng của buổi sáng hôm đó – một buổi sáng quan trọng của đời lão Khúng – nhưng lại không được người kể chuyện dành nhiều thời gian của truyện kể. Tất cả đều đột ngột bắt đầu, đột ngột diễn ra rồi bất ngờ kết thúc không dư âm. Lời kể - thời lượng văn bản - trôi qua với nhịp điệu thời gian bình thản. Đến đây, tôi nghĩ rằng cần phải xem lại luận điểm ban đầu rằng Nguyễn Minh Châu từ bỏ cốt truyện, rằng có sự phân rã cốt truyện trong truyện ngắn này! Nhìn từ góc độ tự sự học, như chúng tôi vừa nêu giả thiết, hoàn toàn không có sự từ bỏ này. Câu chuyện và truyện kể vẫn đầy những biến cố, không kém phần quan trọng với đời sống cá nhân của nhân vật lão Khúng cũng như với buổi sáng cực kỳ quan trọng này: đi bán bò, thả bò, gặp lại bò. Chỉ có điều những biến cố này gắn với dòng thời gian hiện tại của cá nhân nên mất đi cái vẻ quan trọng chủ quan mà người kể chuyện truyền thống thường trao cho chúng nhằm phóng đại và nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó theo chủ quan để từ đó nêu ra một định đề, một luận thuyết. Đích thực đó là việc từ bỏ lối kể truyền thống khi sử dụng lại cốt truyện thường thấy. Cốt truyện đúng nghĩa với sự tồn tại của biến cố không hề biến mất, nhưng giờ đây là nổi lên tầm quan trọng của cách kể bằng việc ưu tiên thời gian kể chuyện hiện tại. Đặt sự biến trong cái thang bậc thông thường của chính nó – cuộc đời bình thường của một ông già nông dân – đã thay đổi cách thức kể chuyện thông thường. Nguyễn Minh Châu không còn “thu phóng” chủ quan những hình ảnh của cuộc sống. Ông tái tạo chúng và trình diễn chúng như vốn có. Điều này hoàn toàn tương ứng với những phân tích điểm nhìn đã nêu ra ở trên. Đó là sự thu hẹp điểm nhìn vào một nhân vật lão nông bình thường, do thế đặt khung cảnh xã hội vào chiều sâu quan sát. Điểm nhìn đó sẽ rất hẹp và cho phép Nguyễn Minh Châu nhắc đến rất nhiều sự việc mà không sợ bị phạm húy (công trường thủ công và sự tức giận của lão Khúng mà chúng ta vừa nhắc ở trên chẳng hạn). Hướng đến sự trong veo của ngôn từ, Nguyễn Minh Châu nỗ lực tạo ra một điểm canh tân mới cho lối kể. Người đọc có quyền nhìn nhận những suy nghĩ này như một lời đánh giá của người nông dân, nhưng không thể gán nó cho người kể chuyện, lại càng không thể gán nó cho Nguyễn Minh Châu. Vì thế cũng nực cười không kém khi quả quyết rằng Nguyễn Minh Châu muốn nói điều gì đó qua thiên truyện này. Công việc đó là ở người đọc. Người kể chuyện ở đây đã từ bỏ quyền chỉ định ngôn ngữ cho nhân vật, chấp nhận điểm nhìn nhân vật – dù đôi khi theo thói quen đối thoại thông thường anh ta vẫn nhảy vào tranh cãi với lão Khúng hoặc nhại lại nhân vật chính. Thế mà ngay chính lời nhại này đã làm giãn ra cái khoảng cách giữa người kể chuyện với nhân vật chính và sự “bình đẳng” vốn ít thấy giữa hai loại nhân vật này trong truyện kể (1) : Sau khi xua được con vật sang bên kia sườn núi đá, lão Khúng âu yếm chia tay với người bạn thân thiết bằng cách trở đầu roi, cầm trên tay đánh một trận thực lực, tay đánh miệng chửi bới nguyền rủa. Hành động thả bò - mà có thể nhà văn khác sẽ dừng lại và phóng to nó lên theo chiều kích cao cả như “phóng sinh”, “trả lại tự do”… bằng những trường đoạn để diễn tả được kiểu cảm xúc nhằm nhấn mạnh một luận đề nào đó – được người kể chuyện ở đây kể và tả ngắn gọn, chêm vào những tính từ định giá theo chiều hướng đối nghịch nhau (vì thế có cảm xúc nhại rất rõ). Có thể Nguyễn Minh Châu chẳng liên quan gì đến Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài về mặt tư tưởng sáng tác. Khoảng cách sáng tác những người này quá gần nhau, còn khoảng cách xã hội lại quá xa nhau. Nhưng điều ấy lại là một gợi ý cho nghiên cứu từ phương diện xã hội học trước sự trưởng thành tất yếu của lối viết mới ở một thế hệ nghệ sĩ mới. Dĩ nhiên phong cách - điều mà người ta dễ nhận thấy nhất – của Nguyễn Minh Châu lại càng khác những nhà văn được coi là hậu hiện đại; nhưng ông có một điểm chung với họ. Đó là thứ lao động ngôn ngữ, tạo ra những khoảng cách khác biệt trong chính chúng. Sự soi chiếu giữa chúng với nhau – như những mảng màu trong tranh ấn tượng - tạo nên hình khối cho sự kiện hay nhân vật chứ không phải chỉ là sự quy chiếu hiện thực bên ngoài. Sự soi chiếu lẫn nhau ấy chính là một cách để từ bỏ nguyên tắc “giống thực” vẫn quen được gọi theo định kiến là “văn học minh họa” cần thiết của một thời khói lửa. Những canh tân của ông mặt khác có thể chung cho một thế hệ nhà văn, nhưng không hẳn là khuôn mẫu để đánh giá và định giá cho những tác phẩm khác. Góc nhìn tự sự học so sánh hai điểm khởi đầu và kết thúc văn bản truyện kể như được nêu ở trên chắc hẳn chỉ soi sáng một góc nhìn rất phụ của nghiên cứu văn chương nói chung, và của tác phẩm này trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Minh Châu nói riêng. Đó là cái nhìn từ một văn bản được trừu xuất khỏi các quan hệ xã hội, nó nhấn mạnh đến việc xem xét quan hệ nội tại giữa người kể chuyện với đối tượng được nhắc đến trong văn bản, cách thức sử dụng ngôn ngữ và người nghe chuyện. Bên cạnh đó, phải cần đến rất nhiều những cách tiếp cận từ hướng tư tưởng, chủ đề, đề tài, loại hình học, xã hội học, thi pháp, và ngay cả tự sự học ở những cấp độ chi tiết hơn Góc nhìn phụ này chỉ có ưu thế là giúp những góc nhìn chính kia trở nên rõ ràng, có lý và thuyết phục hơn. Không có tham vọng nêu ra ý nghĩa truyện ngắn, bài viết hy vọng làm nền cho việc hiểu ý nghĩa tác phẩm tùy theo sự lựa chọn của từng người đọc trong từng thời điểm . "Phiên chợ Giát" từ góc nhìn hiện tại Lý giải tại sao nó ở đây mà không ở chỗ khác chẳng khác nào vặn vẹo lão Khúng nông dân ít học là tại sao nghĩ thế mà không. con vật. Lời khẳng định từ điểm nhìn nhân vật (biết rằng…) thuộc về hiện tại không bao hàm một ý tiên đoán mà nhằm nhấn chìm người đọc vào hẳn trong khoảnh khắc hiện tại của dòng trần thuật. thành phần đóng lại toàn bộ diễn ngôn truyện kể, chúng ta thấy góc nhìn hẹp của thực tại của nhân vật chính khúc xạ dưới góc nhìn của người kể chuyện vẫn đi theo lời kể cho đến phút chót. Nó