Quan điểm nhân dân trong lý luận vă n ngh ệ 1945-1954 Trong số ba phương châm vận động văn hoá được trình bày ở Đề cương văn hoá Việt Nam - 1943, phương châm Đại chúng lãnh sứ mệnh đưa văn hoá đến với nhân dân, phục vụ nhân dân, chống “mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. Đây là tiền đề cũng đồng thời là chỉ dẫn quan trọng cho thời kỳ mới của văn hoá phát triển trong điều kiện kháng chiến với hai nhiệm vụ vừa song hành vừa liên hệ gắn nối mật thiết với nhau: giành độc lập dân tộc và nâng cao dân trí. Vốn được khởi động từ trước 1945 qua tư tưởng của các nhà văn thuộc trào lưu hiện thực như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…, đặc biệt qua ý kiến của các nhà lý luận thuộc phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” với người đại diện là Hải Triều trong cuộc tranh luận với phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” liên quan đến đối tượng, mục đích sáng tác của văn nghệ, được soi sáng và định hướng bởi Đề cương văn hoá Việt Nam-1943, phương châm Đại chúng thực sự có sức hấp dẫn, cuốn hút đối với đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến. Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai (1948), nhất là từ sau Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc (1949), vận dụng sát hợp vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, nguyên tắc Đại chúng được chuyển đổi thành nguyên tắc Nhân dân bên cạnh các nguyên tắc Dân tộc và Hiện thực. Từ đây, khái niệm “nhân dân” mang một nội hàm xác định với thành phần cơ bản và chủ yếu là công, nông, binh như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền văn hoá, văn nghệ mới, đã chỉ rõ và yêu cầu trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa 1951: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh” (1) . Cũng từ đây, tính nhân dân trở thành một nguyên lý cơ bản của văn học nghệ thuật Cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, được ý thức cụ thể về mặt lý luận, trở thành tiêu chuẩn quan trọng để xác định giá trị tư tưởng của tác phẩm, kéo theo nó là những phẩm chất nghệ thuật tương ứng. 1. Đưa văn nghệ đến với nhân dân, phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ nhân dân được Tố Hữu ở vai trò người thay mặt Đảng theo dõi, chỉ đạo công tác văn hoá, văn nghệ thời kỳ 1945-1954 và nhiều năm sau, đề xướng, trình bày tại Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc (1949), tái khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (1951). Nhấn mạnh ý thức phục vụ, quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ 1945-1954 coi công nông binh là đối tượng phải được quan tâm hàng đầu. Hướng về công, nông, binh; phục vụ công, nông, binh-đội quân chủ lực của cách mạng và kháng chiến-trở thành định hướng cơ bản, thành tư tưởng sâu đậm trong đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong hoạt động lý luận-phê bình văn nghệ 1945- 1954, thời kỳ mang ý nghĩa “nhận đường” lần thứ nhất của văn học nghệ thuật, của văn nghệ sĩ Việt Nam (dù không phải là tất cả). Định hướng ấy được xây dựng trên một hệ thống quan điểm khá vững chắc thể hiện qua phát ngôn của các nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quý Kỳ, Hà Xuân Trường, Hồng Lĩnh, Nam Cao, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân… Quan điểm nhân dân thường xuyên được chú ý quán triệt ở tất cả các khâu từ sáng tác tới biểu diễn, từ tác phẩm tới công chúng, từ nội dung đến hình thức, từ đề tài, nhân vật tới thể loại, ngôn ngữ, từ tiếp thu vốn cũ tới sáng tạo các giá trị mới sao cho phù hợp và thích ứng với năng lực tiếp thu, tiếp nhận của nhân dân, cụ thể là của công, nông, binh, khi trình độ văn hoá của họ còn rất hạn chế. Trong nhiều bài viết, bài nói (Sửa đổi lối làm việc, Cách viết), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhủ các nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ sĩ, những người làm nghề viết: “Trình độ của đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu.Vì vậy, cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy” (2) . Không phải ngẫu nhiên, Người chủ trương “kháng chiến bằng văn hoá” phải luôn luôn đồng hành với “văn hoá của kháng chiến”, một mệnh đề cô đọng, súc tích hàm chứa nhiều tư tưởng sâu sắc. Là nội dung cốt lõi của quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ 1945-1954, ý hướng đưa văn nghệ đến với nhân dân, phục vụ nhân dân được các văn nghệ sĩ lĩnh hội triệt để: “Công, nông, quân phải là đối tượng chính của những sáng tác cũng như tất cả các hoạt động văn nghệ khác của chúng ta” (Nam Cao) (3) . Trong bài báo có tên Vấn đề văn nghệ nhân dân, đăng trên Tạp chí Văn nghệ, số Xuân, 1950, Hoài Thanh xác định: “Công nông là cơ sơ của chính quyền nhân dân, công nông cũng là cơ sở của văn nghệ nhân dân” (4) . Đưa văn nghệ đến với nhân dân, phục vụ nhân dân là phương châm, khẩu hiệu, tư tưởng chỉ đạo không dễ dàng bị phủ nhận, và cũng không thể nào khác trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Một đất nước 25 triệu người, trong đó tuyệt đại đa số là nông dân, có tới 95% số dân không biết chữ (theo thống kê của Nha Học chính Đông Pháp, 1936). Một nền văn học quốc ngữ mới được nhen nhóm, hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX, lại ở trong lòng xã hội thực dân nửa phong kiến, trong vòng kiềm toả riết róng của chính quyền thống trị luôn kiên trì theo đuổi chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Nhìn lại mười lăm năm văn nghệ trước Cách mạng tháng Tám, từ 1945 đổ về năm 1930, thời kỳ được xem là phát triển rực rỡ qua những thành tựu nổi bật ở các thể loại tiểu thuyết, kịch, đặc biệt là thơ-mà Hoài Thanh tự hào gọi là một thời đại trong thi ca-nhưng còn các thể loại khác nữa: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, hội họa… thì sao? Và ai là người được hưởng thụ những tác phẩm, những thành quả nghệ thuật ấy? Phải chăng là những người lao động hai sương một nắng; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở môi trường nông thôn, là công nhân và con em của họ? Chắc chắn là không. Sau Cách mạng và trong kháng chiến, phong trào Bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ là sự tiếp nối công tác văn hoá và sự vận động quần chúng do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thông qua hoạt động truyền bá quốc ngữ vốn được khởi xướng từ những năm 30 của thế kỷ XX đã giúp cho số đông quần chúng biết đọc, biết viết. Từ biết đọc, biết viết, quần chúng có khả năng sáng tạo, tiếp nhận văn nghệ. Đó là ý nghĩa “tái sinh mầu nhiệm” (Hoài Thanh), “một cuộc hồi sinh vĩ đại” (Nguyễn Huy Tưởng), “một liều thuốc cải tử hoàn đồng” (Nguyễn Tuân), “thay đổi cuộc đời” (Nguyễn Đình Thi) mà Cách mạng mang lại cho dân tộc, quần chúng cần lao. Bên cạnh ý nghĩa thay đổi cuộc đời, cách mạng còn mang ý nghĩa thay đổi nghệ thuật, tạo dựng nền tảng quần chúng sâu rộng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hoá, văn nghệ mới. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, chúng ta thực sự bắt tay xây dựng một nền văn nghệ mới như tên gọi dồn nén biết bao ý nghĩa-nền văn nghệ dân chủ nhân dân. Nền văn nghệ đứng hẳn về phía những người lao động, đặt ra và giải quyết những vấn đề thiết thân của nhân dân, phát hiện ở nhân dân những phẩm chất và sức mạnh vĩ đại trong lao động, chiến đấu. Đời sống của nhân dân, cuộc kháng chiến của nhân dân cần sự có mặt của văn hoá, văn nghệ. Văn hoá, văn nghệ kịp thời đáp ứng đòi hỏi đó, góp phần “làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do” (5) , làm cho “mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình là biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng” (6) . Nghĩa là góp phần nâng cao hiểu biết, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Như vậy, văn nghệ, một lĩnh vực đặc thù của văn hoá, cũng đã góp phần “soi đường cho quốc dân đi” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá (7) . Đó là cái được lớn nhất của một nền văn nghệ sinh ra trong lửa đạn của cuộc chiến tranh nhân dân, giành và giữ chính quyền từ tay thực dân Pháp. 2. Đi vào cuộc sống, tắm mình trong cuộc sống của nhân dân, sự sáng tạo của văn nghệ sĩ sẽ có kết quả cũng là một nội dung của quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ 1945-1954. Không phải ngẫu nhiên, biểu tượng của Tạp chí Văn nghệ 1948-1954 là hình ảnh cửa sổ trông ra trời cao với một ngôi sao sáng-một biểu tượng đẹp, mang ý nghĩa hướng vào cuộc đời lớn do Đảng lãnh đạo (8) . Thành tựu của văn nghệ kháng chiến bên cạnh yếu tố tài năng, còn là kết quả của những chuyến đi của văn nghệ sĩ vào cuộc sống, gắn kết với các chiến dịch, đến mỗi chiến hào, từng trận đánh với khẩu hiệu và cũng là ý thức “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt”. Nhiều nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, nhạc công “cùng leo dốc, vượt đèo, hành quân bộ như mọi chiến sĩ quân đội, cũng chiếc mũ nan phủ lá nguỵ trang, bộ đồ xanh ống quần xắn cao, một chiếc ba lô trên lưng…” được ghi lại thật sinh động, tươi tắn trong Hồi ký của Song Kim-Thế Lữ. Thành công ấy chứng minh cho sự đúng đắn của những quan niệm lý luận văn nghệ một thời. Bài học ấy luôn luôn có ý nghĩa không chỉ đối với văn nghệ 1945-1954 mà đối với nhiều thời. Bài học ấy được tiếp tục phát huy tác dụng ở giai đoạn sau. Trong Thư gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai và lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi văn nghệ sĩ “tiếp tục truyền thống của văn nghệ cách mạng và kháng chiến”, “hăng hái đi sâu vào công nông binh, hoà mình lâu dài với quần chúng, tích cực hoạt động trong phong trào cách mạng sôi nổi, để hiểu biết thực tiễn và thông cảm với quần chúng một cách sâu sắc hơn” (9) . Những tư tưởng đúng đắn của quan niệm nhân dân trong lý luận văn nghệ thời kỳ 1945-1954 được kế thừa, vận dụng để xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ sau này, nhất là vào thời kỳ chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 3. Từ định hướng xây dựng nền văn nghệ nhân dân, phong trào văn nghệ quần chúng được gây men, chăm sóc, phát triển rồi được duy trì, củng cố và tiếp tục lan toả với những thành tựu mới ở những năm tiếp sau trong điều kiện kháng chiến chống Mỹ cứu nước với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”. Một diện mạo mới của nền văn nghệ 1945-1954 được hình thành trên cả hai phương diện người sáng tác, biểu diễn và công chúng. Mười năm văn nghệ Cách mạng và kháng chiến chống Pháp với rất nhiều vấn đề mới nảy sinh. Rất nhiều bộ môn nghệ thuật hầu như phải làm mới từ đầu. Nhưng cũng khá nhiều bộ môn trong kho tàng văn hoá, văn nghệ truyền thống, dân gian được sưu tầm, phục chế, làm sống lại, sống dậy trước yêu cầu mới miễn sao phù hợp với trình độ và thị hiếu nghệ thuật của công chúng, được công chúng hiểu và thích, thuận lợi cho yêu cầu tuyên truyền, cổ động, phổ biến chủ trương chính sách. Báo cáo hoạt động của Đại hội Văn công toàn quốc 1954 do Nguyễn Tuân đọc, Báo cáo kiểm điểm kết quả Đại hội Văn công toàn quốc 1954 do Lưu Trọng Lư trình bày, Báo cáo tổng kết Đại hội Văn công toàn quốc 1954 của Tố Hữu cho thấy sự hồi sinh của nhiều thể loại nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, ca, nhạc, múa và đóng góp của những thể loại ấy trong việc xây dựng đời sống tinh thần, tâm hồn, tình cảm của nhân dân. 4. Song hành với nhiệm vụ đưa văn nghệ tới dân, phục vụ dân, một “trọng tâm của cuộc sống văn nghệ nhân dân là bồi dưỡng, hướng dẫn khả năng văn nghệ của nhân dân mà chủ yếu là công nông binh”. Từ môi trường văn nghệ quần chúng, đặc biệt là trong các lực lượng vũ trang, nhiều tài năng nghệ thuật đã được phát hiện, bồi dưỡng. Trường hợp Chính Hữu, Quang Dũng, Võ Huy Tâm, Trần Hữu Thung là những dẫn chứng sinh động. Chính Hữu, Quang Dũng trở thành nhà thơ từ môi trường quân đội, Võ Huy Tâm trưởng thành từ môi trường thợ mỏ. Trần Hữu Thung trở thành nhà thơ từ môi trường nông thôn. Họ là anh bộ đội Cụ Hồ, là công nhân, nông dân cầm súng tiềm ẩn tư chất nghệ sĩ, có năng khiếu nghệ thuật, do yêu cầu của Cách mạng và kháng chiến hoặc tự nguyện mà viết văn, làm thơ rồi trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch… Như vậy môi trường văn nghệ quần chúng là một môi trường khá thuận lợi cho sự nảy nở, phát triển tài năng nghệ thuật chuyên nghiệp. 5. Hướng về nhân dân, đề cao vai trò của nhân dân trong lịch sử cũng như trong công cuộc xây dựng nền văn nghệ mới là đúng đắn. Nhưng việc đề cao quá mức vai trò của quần chúng nhân dân theo cách nghĩ “trong công cuộc giải phóng dân tộc, công nhân là kẻ đi đầu, thì công nhân cũng có thể đi đầu trong công cuộc xây dựng nền văn nghệ nhân dân” (10) khiến cho vai trò của đội ngũ trí thức dường như chưa được coi trọng, nếu không nói là bị xem nhẹ, xem thường, khó tránh khỏi tâm lý mặc cảm ở không ít văn nghệ sĩ. Có thể coi đây như là hậu quả của quan điểm giai cấp xơ cứng, máy móc từng được đặt ra tại cuộc Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc (1949). Trí thức nói chung, trí thức trong thành phần văn nghệ sĩ nói riêng, “những người có kiến thức, có kinh nghiệm quý báu, có thể giúp ích rất nhiều cho sự đào tạo những cán bộ mới và phổ cập văn nghệ trong nhân dân” (Tố Hữu) (11) , lại bị quên hoặc tự quên mình đi trong khi họ luôn được lưu ý, nhắc nhở hướng về phục vụ các đối tượng khác. Vài năm sau, khi chiến tranh kết thúc, súng đạn “đã thôi gào thét”, Nguyễn Huy Tưởng thao thức, chiêm nghiệm với những dự cảm đầy trách nhiệm trong Nhật ký ngày 7-3-1957: “Rất lo cho tiền đồ văn nghệ. Người ta kỵ không được nói những cái xấu của công nhân, nông dân, hình như chế giễu những người ấy là động đến cả chế độ. Nhưng sao lại không được? Họ là những cậu ấm, cô chiêu mới không được đả động ư? Không. Không thể dối trá được (…) Không thể vì cách mạng mà nuông chiều, gương nhẹ được. Vấn đề là xây dựng con người. Không phải là khách quan tư sản” (12) . 6. Chất lượng của tác phẩm không thể nói là cao khi mục tiêu tuyên truyền theo hướng phổ cập, kịp thời được đặt lên hàng số một. Nói cách khác, do yêu cầu của đời sống, tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải được “làm” nhanh, “làm” nhiều như những sản phẩm khác thì cố nhiên chất lượng không thể tốt như mong muốn, đồng nghĩa với việc “khuyến khích” những mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, tính chủ thể mờ nhạt không phù hợp với đặc trưng văn nghệ. Không thể coi những sáng tác kiểu như những bài văn có vần là thơ, là nghệ thuật đích thực, xét theo quan điểm hiện nay. Điều gì khiến Nguyễn Đình Thi, ngay từ năm 1946, trong bài phê bình vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, từng yêu cầu hình thức tác phẩm văn nghệ “phải thật rộng rãi và đại chúng” cũng lại là người sau khi đã trải nhiều trăn trở, thấy cần phải bổ sung quan niệm của mình: “Càng muốn rộng rãi, đại chúng, nghệ thuật càng cần có thực chất” (13) ? Quan niệm của Nguyễn Đình Thi làm ta nghĩ đến ý kiến của Hoài Thanh trước 1945 “Văn chương muốn gì thì gì trước hết cũng phải là văn chương đã”, dù ông vốn bị quy kết là “nghệ thuật vị nghệ thuật” với nghĩa chạy theo cái đẹp thuần tuý, khước từ sứ mệnh xã hội của nghệ sĩ. Nhấn mạnh tính đặc thù của văn chương với tư cách là một lĩnh vực sáng tạo của con người, Hoài Thanh cho rằng muốn phục vụ xã hội có hiệu quả, văn chương trước hết phải hay. Muốn góp phần cải tạo đời sống, văn chương trước hết phải đáp ứng yêu cầu về mặt thẩm mỹ, bởi vì những tác dụng kia của văn chương nghệ thuật chỉ được phát huy nhờ mặt thẩm mỹ, qua mặt thẩm mỹ. Chạy theo phong trào, nhấn mạnh mục tiêu phục vụ đại chúng, văn nghệ thiếu những tác phẩm đỉnh cao. Sáng tác nghệ thuật bị biến thành hoạt động mang tính nghiệp dư hoặc nghiệp dư hoá. Hạn chế này thể hiện rõ qua các Giải thưởng Văn nghệ 1951-1952, Giải thưởng Văn học 1954-1955 và một số giải thưởng giới hạn trong phạm vi vùng, miền:Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long Giang (Nam Bộ), Giải thưởng Văn nghệ Phạm Văn Đồng (Liên Khu Năm)… Hãy nhìn lại các Giải thưởng Văn nghệ 1951-1952, Giải thưởng Văn học 1954- 1955, những giải thưởng được coi là “danh giá” hồi đó, còn được mấy tác phẩm trong số những tác phẩm được giải đến nay chưa bị thời gian xoá sổ, còn được mấy cuốn sách găm được trong bộ nhớ của người đọc, được người đọc yêu thích? Rõ ràng, các giải thưởng trên phản ánh khá trung thực quan niệm văn học thời kỳ 1945-1954 cả mặt được và mất, thành tựu lẫn khiếm khuyết. Nhớ lại văn nghệ thời kỳ “một đi không trở lại” với những cái thiệt và hơn, giữa nhất thời và lâu dài, giữa tuyên truyền và nghệ thuật, Nguyễn Khải có một so sánh thú vị qua sáng tác cùng thời giữa Nguyễn Tuân và Thanh Tịnh: “Nguyễn Tuân đi đâu, ở đâu đều viết, nhất cử nhất động cùng mọi biến thái trong tâm hồn một lãng tử ông đều dàn ra trên trang giấy, vần vò, mân mê, lộn trái lật phải từng chi tiết, từng cảnh huống trong cái thế giới riêng của cá nhân được mở rộng đến vô cùng. Nhưng văn của Nguyễn Tuân làm sao đọc trước đám đông được, đọc trước bộ đội sắp xuất kích được. Nó là cái thiệt của ông, để bù lại văn ông sống lâu hơn, ngày càng có nhiều bạn đọc hơn. Còn thơ độc tấu của Thanh Tịnh thì phục vụ rất đắc lực trong các chiến dịch, khiến người lính vui thích hơn, hăng hái hơn, nhẹ nhõm trước lúc bước vào trận chiến. Đó là cái được của anh, là sự sáng tạo độc đáo của anh nhưng cho đến nay mấy ai còn nhớ những bài thơ đó? Đến ngay tác giả cũng quên lời thơ của bài độc tấu đầu tiên của anh kia mà?” (14) . Kiểm điểm lại 10 năm kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng, trong Nhật ký ngày 8-6-1956, đã viết: “Tác phẩm văn học không được là bao. Mà cũng chỉ là kể sự việc, không có tư tưởng, không có vấn đề, không có những bài học gì cho tâm hồn (…) Quan niệm phục vụ kịp thời, nó đã lãng phí bao nhiêu tài năng, dẫn đến biết bao tác phẩm vô giá trị, những nghệ sĩ cơ hội. Thậm chí cá tính của một người nghệ sĩ không còn. Một thứ nghệ thuật chung chung, giống nhau, không có khía nhìn, khía cảm, khía suy nghĩ của người tác giả. Công thức lạ lùng. Phải vứt những chữ kịp thời tai hại kia đi. Để cho nghệ sĩ có thì giờ mà suy nghĩ, mơ mộng, đuổi theo những đề tài của mình, phát triển cái cá tính của mình” (15) . 7. Hướng về nhân dân, chủ yếu về công nông binh là tư tưởng lý luận chi phối mạnh mẽ hoạt động của mười năm văn học đương thời. Không những định hướng sáng tác, lý luận ấy còn là công cụ đắc dụng của phê bình. Tung hô những sáng tác của quần chúng, theo hướng đại chúng, một số nhà phê bình lẽ ra chỉ nên coi ý kiến của quần chúng chỉ là cơ sở tham khảo thì họ lại lấy quần chúng làm trọng tài, và ý kiến của quần chúng làm thước đo quyết định để đánh giá tài năng của văn nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên, hình thức phê bình phổ biến, thậm chí có lúc nó còn được tuyệt đối hoá trong đời sống văn nghệ 1945- 1954 (16) là hình thức phê bình của quần chúng. Không thể phủ nhận sự phê bình nghệ thuật của quần chúng khi nó lấy hiệu quả phục vụ quần chúng làm mục đích tối thượng, khi nó đặt mục tiêu “viết cho ai” lên đầu, trước khi viết “viết cái gì”, “viết như thế nào”. Tuy nhiên, nếu trình độ, vốn hiểu biết của quần chúng trong số đông, số nhiều là cao thì khả năng tác động của họ đến sáng tác sẽ theo chiều tích cực. Nhưng đặt trong bối cảnh 95% số dân không biết đọc, biết viết thì lối phê bình đó làm sao đưa lại hiệu quả như mong muốn khi phê bình đảm trách chức năng định hướng và thúc đẩy sáng tác. Cuối cùng, quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ 1945-1954 còn là vũ khí của đấu tranh tư tưởng đã từng diễn ra quyết liệt một thời. Dưới áp lực của quan điểm nhân dân cùng những áp lực khác, nhiều văn nghệ sĩ tài năng như Sỹ Ngọc, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sáng (hội họa), Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi (văn học), Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên (âm nhạc)… rốt cuộc cũng phải sám hối, tự cải tạo tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của bản thân theo tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của quần chúng (17) khi họ tự xét thấy tư tưởng của mình chỉ là “cái tôi rất hoang mang, rất thấp kém, rất ích kỷ, lạc lõng giữa cái vui sướng đang lên của toàn thể nhân dân” (Nguyễn Văn Tỵ) (18) . Họa sĩ tài danh Tô Ngọc Vân từng tranh luận gay gắt, nhiều lúc đến nảy lửa với Đặng Thai Mai và cả Trường Chinh về Tranh tuyên truyền và hội họa, nhìn rộng ra là tuyên truyền với nghệ thuật; với Hà Xuân Trường (dưới bút danh Lê Trọng Lâm) và Nguyễn Đình Thi về vấn đề Học hay không học, nhìn xa hơn là sáng tác và tiếp nhận nghệ thuật, cuối cùng cũng đành tuyên bố “mau bước theo Công Nông trên đường tiến bộ rực rỡ trước mặt” (Văn nghệ, số 41/1953). Họa sĩ Nguyễn Sáng, sau khi tự kiểm điểm những tư tưởng trong cách mạng và kháng chiến mà theo ông là “tự do, ích kỷ”, đã khẳng định dứt khoát “trở về với nhân dân lao động” (Văn nghệ, số 44/1953). Như vậy, hành động sám hối như một nhu cầu, một cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ vào thời điểm những năm 1952, 1953, có thể được giải thích bằng những nguyên nhân, lý do khác nhau, bằng tâm lý xã hội của giới văn học nghệ thuật trước choáng ngợp của không khí đổi đời. Trong đó không ngoại trừ sự tác động, chi phối của quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ, một vấn đề sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn tươi nguyên tính thời sự ______________ . tưởng sâu sắc. Là nội dung cốt lõi của quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ 1945-1954, ý hướng đưa văn nghệ đến với nhân dân, phục vụ nhân dân được các văn nghệ sĩ lĩnh hội triệt để: “Công, nông,. sáng tác. Cuối cùng, quan điểm nhân dân trong lý luận văn nghệ 1945-1954 còn là vũ khí của đấu tranh tư tưởng đã từng diễn ra quyết liệt một thời. Dưới áp lực của quan điểm nhân dân cùng những áp. của nhân dân, phát hiện ở nhân dân những phẩm chất và sức mạnh vĩ đại trong lao động, chiến đấu. Đời sống của nhân dân, cuộc kháng chiến của nhân dân cần sự có mặt của văn hoá, văn nghệ. Văn