Chúng ta luôn luôn nghe nhắc đi nhắc lại mệnh đề: Văn học là sự phản ánh hiện thực, nhiệm vụ chủ yếu của văn học là phản ánh hiện thực, vinh dự lớn lao nhất của nhà văn là phản ánh cho được đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Vâng Mọi hình thái ý thức đều là sự phản ánh của thế giới khách quan thông qua chủ thể con người. Trong ý nghĩa ấy thì sáng tác văn học vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan. Nó không đơn thuần chỉ là một hoạt động phản ánh mà còn là hoạt động sáng tạo – sự sáng tạo vừa mang tính trực tiếp vừa mang tính gián tiếp độc đáo để cuối cùng tác phẩm ra đời như là nảy sinh trong cuộc sống một hiện tượng thẩm mỹ hoàn toàn mới mẻ. Tác phẩm ra đời là kết quả của một quá trình tích lũy, thai nghén “mang nặng đẻ đau”. Nhà văn đưa tác phẩm tới tay bạn đọc cũng như đặt đứa con vào cuộc đời với bao lo toan hy vọng. Liệu những điều mình nghiền ngẫm trăn trở và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật này có tìm được sự trân trọng, đồng cảm của người đọc như là sự gặp gỡ tri kỷ, tri âm? Rõ ràng là dù muốn hay không, tác phẩm văn học giữ vai trò là điểm tiếp xúc giữa thế giới bên trong của người nghệ sĩ với thế giới quan bên ngoài hay nói cách khác một tác phẩm văn học không đứng im trong suốt quá trình tồn tại của nó, nhờ sự tiếp nhận của người đọc mà nó có sức sống trường cửu, bất chấp thời gian và không gian. Tác phẩm hóa thành một sinh thể nghệ thuật chân chính. Vì thế mà ta nói rằng : văn học, nghệ thuật, tự thân nó không thể xa rời hiện thực đời sống. Nhưng phản ánh hiện thực như thế nào, thì không phải là câu hỏi dễ trả lời. Không đơn giản chỉ là sự tả chân một cách cơ học, chưa nói rằng, tả chân đôi lúc cũng chưa hẳn là thấu đáo; và thực tiễn văn học, nghệ thuật cho thấy, thành tựu văn học, nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng, quan niệm thẩm mỹ và sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ.