Giáo dục Việt Nam từ cách nhìn hệ thống
17 TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 6 NĂM 2006 GIÁO DỤC VIỆT NAM TỪ CÁCH NHÌN HỆ THỐNG NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA NGUYỄN HÙNG PHONG ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội NetCracker Technology I. MỞ ĐẦU Quá trình đổi mới đã giúp cho Việt Nam một tốc độ tăng trưởng về kinh tế đáng thuyết phục. Tuy nhiên, sự phát triển này còn nặng về lượng chứ chưa thiên về chất. Muốn đạt được sự thay đổi đáng kể về chất thì phải dựa vào nền kinh tế tri thức chứ không thể chỉ trông đợi từ lợi thế nguồn nhân công rẻ mạt hay phương thức lao động chủ yếu là gia công. Để có được nền kinh tế trí thức thì điều không thể thiếu là phải có một hệ thống giáo dục tiên tiến. Chúng ta đang đứng trước một thách thức sống còn là làm sao ngăn chặn được quá trình tha hóa, chấn chỉnh được giáo dục, để các “sản phẩm” của nó đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thời kỳ hội nhập vào nền kinh tế thế giới. II. PHÂN TÍCH § 1. Hiện tình của giáo dục Mối quan tâm của xã hội và nhà nước đối với giáo dục là rất lớn. Đã có nhiều phát biểu và có các đánh giá khác nhau về hiện trạng của giáo dục 1 . Trên cơ sở nào để nói giáo dục của chúng ta là kém hay tốt? Để đánh giá hệ thống giáo dục, có thể sử dụng 2 phương pháp: - Sử dụng hệ thống chỉ số và các tiêu chí đánh giá. Phương pháp này có tính khoa học và khả năng thuyết phục cao. Tuy nhiên cũng xuất hiện những vấn đề nảy sinh. Một mặt chúng ta hiện chưa có một hệ thống chỉ số chuẩn và các phương tiện để đánh giá. Mặt khác từ các cách nhìn nhận khác nhau sẽ tạo ra các hệ thống chỉ số khác nhau, và kết quả là những kết luận khác nhau. - Phương pháp thứ hai là dựa vào dư luận xã hội, các ý kiến được đăng tải trên báo chí. Cách làm này không phải không có cơ sở khoa học. Thực chất đó là sự kết hợp của phương pháp chuyên gia và luật số lớn. Mỗi cá nhân sẽ nhìn nhận giáo dục theo kinh nghiệm, sự hiểu biết (tức những tiêu chí) của riêng của mình. Mỗi người sẽ có cách nhìn chủ quan, nhưng một số lớn các ý kiến sẽ dung hòa và tạo ra một cách nhìn khách quan. Nói chung xã hội khá bức xúc về hiện trạng của giáo dục. Trong bài này chúng tôi sẽ không đề cập lại vì chúng đã được phản ánh khá nhiều mà chỉ đưa ra những vấn đề 2 chính mà theo ý kiến chủ quan đó là những vấn đề quan trọng nhất của giáo dục: - Học quá nặng nhưng học không trúng (ở bậc phổ thông). Có lẽ, ít có học sinh phổ thông nước nào phải chịu một áp lực tâm lý nặng nề và sự quá tải như học sinh phổ thông Việt Nam. Thế nhưng hệ thống giáo dục vẫn không tạo ra được các “sản phẩm” có chất lượng. Trong khi đó, ở nhiều nước tiên tiến học sinh học nhẹ hơn rất nhiều nhưng họ vẫn tạo ra được được nguồn nhân lực cao, đáp ứng được đòi hỏi của của nền kinh tế hiện đại. - Sự lạc hậu của hệ thống giáo dục đại học. - Đảo lộn hệ thống thang bậc giá trị, nạn học giả-bằng thật, bằng cấp giả, nghiên cứu giả … 1 Có thể tham khảo tại [1], [2] và nhiều nguồn tại liệu khác nhau. 2 Trong những phần tiếp theo thuật ngữ “vấn đề” sẽ được hiểu theo nghĩa “lỗi”, “nhược điểm” (fault) 18 - Sự xuống cấp của đội ngũ giáo viên. - Sự trì trệ của hệ thống quản lý giáo dục cũng như sự yếu kém của ngành nghiên cứu giáo dục. - Không tạo ra được động cơ, kích thích được nhu cầu tự phát triển của đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ giáo dục. - Không tạo ra được hệ thống (cơ chế) cho phép tự phát triển hay đưa ra những quyết sách tối ưu. Có lẽ đây là một vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng đến mọi vấn đề khác và nó đã tạo ra sự lúng túng, không biết “xử lý thề nào cho phải” các bức xúc của xã hội về giáo dục. § 2. Mô hình hệ thống về giáo dục Đã có rất nhiều nỗ lực của ngành giáo dục cũng như những người có tâm huyết nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại và đưa giáo dục vào quỹ đạo phát triển. Tuy nhiên hầu hết các đóng góp được nêu đều chưa xuất phát từ một cách nhìn hệ thống, từ những mối quan hệ biện chứng phức tạp, nhiều tầng - nhiều lớp và do vậy sẽ khó có được giải pháp tối ưu cho giáo dục. Nói chung, chúng vẫn là dựa vào các phương pháp tư duy sau: - Kinh nghiệm chủ nghĩa, nhìn nhận vấn đề không trong tính tổng thể của nó, “cháy đâu chữa đấy”. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự lúng túng, “rối như gà mắc tóc” của Bộ GD&ĐT thời gian qua. - Tư duy tuyến tính (liệt kê, dàn trải), không định hướng vào những điểm mấu chốt, điểm nút của vấn đề. - Bê đặt nguyên si các mô hình của nước ngoài mà không tính đến hoàn cảnh, đặc thù cụ thể của Việt Nam. Nguyên tắc khá phổ biến của loại ý kiến này là theo kiểu: các nước tiên tiến họ làm như vậy thì ta cũng phải làm như vậy. Để giải quyết những bất cập của giáo dục việc quan trọng hàng đầu là phải tìm được những nguyên nhân gốc, nguồn gốc tạo ra chúng. Chỉ có như vậy mới có thể xác định được hướng thoát cho nó. Giáo dục là một hệ thống cực kỳ phức tạp. Để có được một giải pháp tối ưu, tổng thể cho giáo dục cần phải có những nghiên cứu công phu. Ở đây, chúng tôi chỉ đưa ra một mô hình và cách tiếp cận cho phép nhìn nhận vấn đề, xác định các mối quan hệ nhân quả đa tầng, đa lớp và từ đó tìm ra những nguyên nhân chính của các bất cập trong giáo dục. Mục tiêu của chúng tôi chỉ giới hạn trong việc tạo ra phương pháp luận với tư cách là một phương tiện giúp ích cho các nhà giáo dục trong việc nghiên cứu và tìm lối ra cho giáo dục Việt Nam. Mô hình được cấu tạo từ các bộ phận cấu thành và các mối quan hệ tương tác đa chiều (sơ đồ H1). 1. Các bộ phận cấu thành - Mô hình bao gồm 3 lớp, lớp ngoài cùng là các hệ thống: chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và giáo dục. Giáo dục nằm trong môi trường xã hội, vừa chịu tác động trực tiếp từ ba hệ thống nói trên, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường xã hội, môi trường được xác định bởi chính các hệ thống đó. - Về phần mình Giáo dục được cấu tạo bởi các hệ thống: nhà trường-giáo viên- học sinh và hệ thống quản lý giáo dục. Hệ thống giáo dục được nhúng trong môi trường giáo dục. - Cốt lõi của mô hình (giáo dục) là con người với tư cách là những cá thể xã hội với những dị biệt của nó. 19 Hình 1. Mô hình tương tác của hệ thống giáo dục. 2. Tương tác giữa các bộ phận - Về nguyên tắc, tất cả các bộ phận thành phần, cùng hay khác lớp, đều có tác động và ảnh hưởng đến nhau. Đây là các mối quan hệ đa chiều. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nghiên cứu các mối quan hệ tương tác đứng từ mục tiêu nghiên cứu các ảnh hưởng đến giáo dục. Có thể phân biệt các loại ảnh hưởng thành trực tiếp-gián tiếp, chính-phụ, xuôi và ngược chiều. - Ảnh hưởng là trực tiếp khi một bộ phận tác động trực tiếp đến bộ phận khác. Ví dụ việc hệ thống chính trị có thể tác động trực tiếp đến giáo dục thông qua các quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến nó. Ảnh hưởng là gián tiếp khi một hệ thống tác động đến hệ thống khác thông qua các bộ phận trung gian. Để tạo ra ảnh hưởng đến bộ phận cuối cần hình thành chuỗi các tác động. Chuỗi tác động này còn có thể lặp đi lặp lại và tạo ra vòng ảnh hưởng. Một ví dụ về ảnh hưởng gián tiếp là sự thay đổi của hệ thống kinh tế sẽ tạo ra ảnh hưởng đến văn hóa và từ đó là đến môi trường xã hội/môi trường giáo dục và cuối cùng là đến thầy, trò, nhà trường và hệ thống quản lý giáo dục. - Các tác động được phân thành chính và phụ. Nếu tác động chính có khả năng tạo ra những thay đổi đáng kể của đối tượng chịu tác động thì ảnh hưởng của các tác động phụ nhiều khi không rõ ràng. Tuy nhiên, những tác động phụ này vẫn có thể gây ra những hiệu ứng không lường trước đối với giáo dục. Việc ra chính sách nhà nước về giáo dục sẽ tạo ra ảnh hưởng trực tiếp, đáng kể đối với giáo dục, còn ảnh hưởng của nhà trường đến hệ thống quản lý giáo dục sẽ là không rõ ràng và thuộc lớp ảnh hưởng phụ. - Các tác động còn được phân thành xuôi và ngược chiều. Tác động là xuôichiều nếu nó hướng từ nguồn nguyên nhân tạo ra hiện tượng giáo dục. Tác động là ngược chiều khi hệ thống bị tác động phản ứng lại những hệ thống tác động lên nó. Hiện tượng học sinh đua nhau chọn một số truờng hay ngành cụ thể có thể giải thích bởi các tác động xuôi chiều của thị trường đến nhu cầu nhân lực và cuối cùng là định hướng nghề nghiệp của học sinh. Việc nhà trường cho ra các sản phẩm kém chất lượng đã góp 20 phần tạo ra sự yếu kém của kinh tế, sự bất cập của nguồn nhân lực là những ảnh hưởng nguợc của hệ thống giáo dục đối các hệ thống chính trị-kinh tế-văn hóa. Vì mục tiêu đặt ra là nghiên cứu các hiện tượng giáo dục nên việc nghiên cứu dãy tác động cũng phải tuân theo mục đích này. Tùy theo từng hệ thống giáo dục hay vấn đề cụ thể mà sẽ phải nghiên cứu và xác định các tác động cần thiết. Sơ bộ có thể đưa ra một số dãy tác động có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đối với mọi hệ thống giáo dục: - Chính trị/ kinh tế/ văn hóa → giáo dục. - Chính trị/ kinh tế/ văn hóa → môi trường xã hội/môi trường giáo dục → giáo dục. - Chính trị → kinh tế/ văn hóa → giáo dục. - Môi trường xã hội → con người → thầy trò. - Giao lưu, hội nhập với thế giới → chính trị/ kinh tế/ văn hóa/ môi trường xã hội → giáo dục. - Giao lưu, hội nhập với thế giới → môi trường xã hội → giáo dục. - Con người → giáo viên/ học sinh. - Hệ thống quản lý giáo dục → nhà trường/ giáo viên/ học sinh. - v.v . 3. Vị trí, vai trò của các hệ thống con cấu thành a) Hệ thống chính trị đóng vai trò trung tâm trong ba hệ thống trụ cột tạo nên môi trường xã hội (tâm lý-nhận thức xã hội, luật pháp, kinh tế, văn hóa…). Nó có ảnh hưởng quyết định trong việc tạo “hình mẫu” và bản chất của hệ thống giáo dục. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xác định mục tiêu, quy mô, mô hình hệ thống giáo dục giáo dục và các thuộc tính quan trọng khác nó còn thông qua tác động đến kinh tế, văn hóa để tạo ra môi trường xã hội mà từ đấy có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giáo dục. Có thể nói không quá là chính trị có vị trí tối hậu, và là nhân tố quyết định trong việc tạo ra hình hài của hệ thống giáo dục. Sự thay đổi của hệ thống chính trị sẽ dẫn đến thay đổi của giáo dục (cũng như kinh tế văn hóa-xã hội). Ngược lại sự phát triển, biến đổi của giáo dục cũng như kinh tế, xã hội cũng sẽ ảnh hưởng đến chính trị. Như vậy, những quá trình tương tác này là đa phương và lập lại theo nhiều vòng. Việc nghiên cứu hệ thống chịnh trị và đưa ra những nhóm thuộc tính đặc trưng chính sẽ cho phép xác định những khuôn mẫu ảnh hưởng của nó đến các bộ phận cấu thành khác nói chung cũng như đến hệ thống giáo dục nói riêng. b) Hệ thống kinh tế: hình thái, khuôn mẫu của hệ thống kinh tế được xác định bởi hệ thống chính trị. Tuy nhiên kinh tế cũng tác động lại một cách mạnh mẽ đến hệ thống chính trị và các bộ phận cấu thành khác. Một mặt nó ảnh hưởng đến môi trường xã hội và qua đó ảnh hưởng đến giáo dục, nhưng mặt khác nó cũng tác động trực tiếp đến giáo dục. Kinh tế vừa là nhà tài trợ vừa là người đặt hàng của giáo dục. Nó là nguồn lực tạo ra tài chính để nuôi bộ máy, nhân viên cũng như đảm bảo các nhu cầu khác về vật chất của ngành giáo dục. Và cũng chính kinh tế là người đặt hàng và là nơi sử dụng các sản phẩm của giáo dục. Khi nói một hệ thống giáo dục sút kém là nói đến việc học sinh sau khi tốt nghiệp không có khả năng đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ về ảnh hưởng của kinh tế đến giáo dục. Chẳng hạn việc chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thì trường sẽ dẫn đến việc thay đổi nhận thức của xã hội, thước đo giá trị và bản chất mối quan hệ thầy-trò. Nếu như trước đây tri thức là tài sản của xã hội và nhà nước có trách nhiệm bao cấp hoàn toàn cho giáo dục thì ngày nay trước khi là tài sản của xã hội, nó còn là tài sản và là phương tiện để mưu sinh của mỗi 21 cá nhân. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ của nhà nước, người dân phải tham gia đóng góp hay bỏ tiền mua. Tri thức đã không còn là món quà biếu không. Nếu như trong quá khứ người thầy có giá trị tuyệt đối, thiêng liêng đối với trò (“nhất tự vi sư, bán tự vi sư”) thì ngày nay, dù muốn hay không hình ảnh ấy cũng bị thay đổi. Việc thương mại hóa giáo dục ít hay nhiều đã biến quan hệ thầy - trò thành quan hệ người bán – kẻ mua. Từ những biến đổi mang tính bản chất này, chắc chắn sẽ xuất hiện những vấn đề phát sinh cho giáo dục. Mỗi nền kinh tế sẽ có những đặt hàng và định hướng riêng của mình cho giáo dục. Việc chuyển từ kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường đã tao ra những thay đổi lớn của hệ thống giáo dục, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi, khi cái cũ còn còn mạnh, cái mới chưa ổn định. c) Văn hóa-xã hội là một trong những hệ thống có ảnh hưởng to lớn đến giáo dục. Có thể ví văn hóa như cái hồn của một xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng giáo dục. Nó vừa tạo ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục, vừa ảnh hưởng gián tiếp thông qua kinh tế và chính trị. Cũng là nền kinh tế thị trường, cũng là nhà nhà nước XHCN nhưng chúng mang những sắc thái riêng của Việt Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống, văn hóa. Nói đến văn hóa phải nói đến hai mặt. Một bên là những yếu tố truyền thống và có giá trị bền vững. Chúng là sản phẩm đã qua thử thách của lịch sử và ngấm sâu vào tâm thức của mỗi con người cũng như hệ thống giáo dục. Mặt khác của văn hóa là những yếu tố mới, kết quả của quá trình phát triển xã hội cũng như giao lưu-hội nhập với nền văn hóa thế giới. Ngày nay, khi quá trình hội nhập, toàn cầu hóa trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là sự xuất hiện internet và những tiến bộ của cách mạng tin học, con người càng trở nên gần gũi và hiểu biết nhau hơn. Thậm chí đã xuất hiện nền văn hóa internet và những loại hình văn hóa phi quốc gia. Tốc độ giao lưu đến chóng mặt này đã tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với môi trường xã hội cũng như giáo dục. Nếu không nhận thức được về khả năng ảnh hưởng của chúng các nhà giáo dục sẽ dễ bị động đối với những biến đổi không lường trước được. Cả ba hệ thống nói trên ảnh hưởng, ràng buộc lẫn nhau và tạo nên môi trường xã hội. Môi trường xã hội phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội và có liên quan đến giáo dục: môi trường pháp luật, đạo đức-tâm lý xã hội, sự quan tâm của nhà nước-xã hội đến giáo dục… Những yếu tố này nuôi dưỡng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường giáo dục và hệ thống giáo dục. d) Nhà trường-giáo viên-học sinh và hệ thống quản lý giáo dục là các bộ phận thành phần tạo nên hệ thống giáo dục. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Do vậy, đối tượng trung tâm mà giáo dục phải hướng đến là học sinh. Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm giáo dục chất lượng cao thì vai trò của giáo viên, nhà trường và hệ thống quản lý là vô cùng quan trọng. Tất cả các bộ phận này ràng buộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Không có thầy tốt thì không có trò giỏi. Môi trường học tập không lành mạnh, tâm thế của thầy và trò chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Muốn có “Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò” thì cũng không thể thiếu được một hệ thống quản lý giáo dục tiên tiến. Tất cả hệ thống này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường giáo dục. Một môi trường giáo dục không lành mạnh, tha hóa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giáo viên, học trò và cán bộ giáo dục. Ngược lại một môi trường lành mạnh sẽ là nguồn tác động cho sự phát triển của giáo duc. e) Con người. Trong mọi hệ thống xã hội, con người bao giờ cũng chiếm một vị trí trung tâm. Không thể có một nền giáo dục tốt nếu nền giáo dục đó không vì con người và dựa vào con người. Con người ở đây được hiểu là con người xã hội với những 22 tương đồng về văn hóa, bản sắc, nhận thức-thế giới quan được xác định bởi lịch sử và hiện trạng xã hội. Tuy nhiên, mỗi con người còn là một thế giới riêng với những dị biệt của nó. Nếu không ý thức và tạo ra được sự đa dạng để cho các cá thể phát triển tối ưu khả năng của mình mà san bằng, áp đặt những khuôn mẫu cố định thì chắc chắn sẽ không tạo ra được sự phát triển. § 3. Áp dụng mô hình 1. Để có thể áp dụng mô hình cho việc phân tích một hệ thống giáo dục cụ thể cần thực hiện các việc sau: - Xác định nội hàm, các nét đặc trưng tiêu biểu cho mỗi hệ thống con và đưa ra những yếu tố có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến giáo dục. - Xác định các dãy tác động chính có ảnh hưởng đến giáo dục. Với mỗi tác động, xác định nguyên nhân tạo và ảnh hưởng (đối tượng và mức độ chịu ảnh hưởng). Từ những kết quả trên, ta có thể nhìn thấy phần nào bức tranh chung về hệ thống, những tác động và từ đó dự báo được những biến đổi “có tính qui luật” của giáo dục. Thông thường, các bất cập của giáo dục đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân và là kết quả của nhiều nguồn tác động khác nhau. Để giải quyết được vấn đề chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân, nguồn gốc tạo ra chúng. Các công việc sau đây sẽ giúp ích cho việc tìm kiếm nguyên nhân và đề ra phương án giải quyết: - Xác định các dãy các tác động và các bộ phận thành phần tham gia vào quá trình tạo nên bất cập. - Phân tích các quá trình nói trên để tìm ra những nguyên nhân gốc. Những nguyên nhân này có thể liên quan đến các bộ phận khác nhau và xuất phát từ những quá trình khác nhau. - Đưa ra hướng khắc phục. Có một nhận xét là nhiều vấn đề đã vượt ra khỏi tầm của ngành giáo dục và không thể giải quyết triệt để chỉ bằng các giải pháp cục bộ của ngành, mà phải tìm lý do và lời giải ở những hệ thống khác [6]. Tuy nhiên việc hiểu biết nguồn gốc và quá trình phát sinh sẽ giúp các nhà giáo dục đưa ra những ứng xử, giải pháp tối ưu, giảm tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến ngành. Một nhận xét khác là có thể có nhiều vấn đề của giáo dục cùng có chung một nguồn nguyên nhân. Như vậy, nếu có được một phân tích đầy đủ các vấn đề bất cập của giáo dục và nguồn nguyên nhân tạo ra chúng, chúng ta có thể phân loại được các lớp vấn đề và các đưa ra những giải pháp tích hợp cho việc cải tạo toàn bộ hệ thống giáo dục. 2. Quy trình xác định nguyên nhân gốc, ví dụ minh họa. Ở đây chúng tôi đưa ra ví dụ để trình bày phương pháp sử dụng mô hình nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể. Những điều trình bày dưới đây chỉ mang tính chất minh họa. a) Nạn bằng cấp giả, học giả bằng thật 3 . Đây là một vấn đề khá nhức nhối của giáo dục Việt Nam. Để tìm hiểu những nguyên nhân chính từ đâu phát sinh ra hiện trạng này chúng ta sẽ lần ngược theo các quá trình tác động. Bước 1. Xác định các bộ phận có liên quan: dễ nhận thấy là cả 4 bộ phận của hệ thống giáo dục đều có liên quan đến vấn nạn này: học sinh “mua bằng” 4 , nhà trường dung túng và giáo viên “bán bằng”, hệ thống quản lý bất lực và tạo kẽ hở làm cho hiện tượng này 3 Bằng cấp giả vừa được hiểu theo nghĩa đen, vừa được hiểu là hiện tượng bằng cấp được phát ra một cách tràn lan, không đảm bảo chất lượng tối thiểu. Điều này không chỉ liên quan đến việc cấp bằng tiến sĩ tại mà còn liên quan đến việc “bán bằng” thông qua các loại hình đào tạo khác nhau như đại học mở, tại chức,… 23 trở thành phổ biến. Bước 2. Xác định nguyên nhân cho từng bộ phận liên quan: có thể liệt kê các nguyên nhân sau: Các nguyên nhân dẫn đến việc học sinh mua bằng: - C1a. Nhu cầu cá nhân muốn có bằng để tìm công việc và hoặc thăng tiến nghề nghiệp. - C2. Các loại bằng giả này có giá trị sử dụng thực sự trong xã hội. - C3. Tâm lý xã hội chấp nhận và coi hiện tượng này là bình thường. - C4. Hệ thống quản lý dung túng và bất lực trong việc ngăn chặn hiện tượng này. Các nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên bán bằng: - C1b. Nhu cầu cá nhân muốn có thu nhập thêm do lương thấp không đủ cho các chi phí của cuộc sống. - C3, C4 v.v . Các nguyên nhân dẫn đến việc nhà trường dung túng hay sự bất lực của hệ thống quản lý: - C3* Ảnh hưởng của tâm lý-quan niệm xã hội đến nhà trường và hệ thống quản lý giáo dục. - C5. Không có cơ chế thích hợp để ngăn chặn. Mô hình nhà trường và hệ thống quản lý chưa hợp lý trong việc tạo ra cơ chế này. Bước 3. Phân tích các nguyên nhân, loại bỏ những nguyên nhân không gây ảnh hưởng xấu hoặc không thể thay đổi. Với những nguyên nhân còn lại, xác định hệ thống tạo ra chúng. - Các nguyên nhân C1a, C1b có liên quan đến nhu cầu vật chất của con người (hệ thống con người) và “truyền thống học để làm quan”[5] (hệ thống văn hóa). Một mặt, những nhu cầu này là chính đáng, mặt khác truyền thống văn hóa là thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của con người và xã hội nên không dễ thay đổi một sớm, một chiều. Hơn nữa nó không phải là nguyên nhân chính tạo nên hiện tượng “bằng giả”. Bằng chứng là trước đây xã hội Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của truyền thống học để làm quan hiện tượng này vẫn không phổ biến. Do vậy, các nguyên nhân C1a, C1b có thể bỏ mà không cần xem xét tiếp. - Nguyên nhân C2 phản ánh quy luật “có cầu thì có cung” và có nguồn gốc xuất phát từ các hệ thống kinh tế và chính trị. - Nguyên nhân C4 được xác định bởi C3* và C5. Nguyên nhân C3* có cùng nguồn gốc với C3. Để tìm hiểu C5 phải nghiên cứu ngay chính hệ thống quản lý giáo dục cũng như chính trị, hệ thống có tính chất quyết định trong việc xác định mô hình nhà trường cũng như quản lý giáo dục. Bước 4. Như vậy, ta phải xác định nguồn gốc tạo ra C2, C3 và C5 + Các nguyên nhân tạo ra C2: Hệ thống kinh tế: • C6. Không tạo ra được cơ chế lành mạnh trong việc tuyển chọn và đề bạt cán bộ theo tiêu chuẩn chất lượng công việc, trọng dụng người tài, sa thải người không được việc. Để có thăng tiến nghề nghiệp và những đặc quyền đặc lợi thì vai trò của bằng cấp, quan hệ, tiền bạc đóng vai trò quyết định chứ không phải là khả năng làm việc của cán bộ. Điều này đặc biệt trầm trọng trong khu vực nhà nước. Cùng với sự phát triển và tự do hóa thị trường, môi trường cạnh tranh trở nên lành mạnh hơn thì nhu cầu sử dụng nhân lực theo trình độ thực sẽ ngay càng cao. 4 “Mua bằng” và “bán bằng” vừa được hiểu theo nghĩa đen, vừa được hiểu theo nghĩa “chạy-mua điểm” hay “học giả-bằng thật”. 24 Hệ thống chính trị: • C7. Không tạo ra được môi trường luật pháp (xây dựng luật, giám sát, thi hành và ý thức chấp hành luật pháp) lành mạnh dẫn đến sự mất niềm tin của nhiều người về công bằng và những giá trị thực. • C8. Không tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế. Ưu ái, thiên vị một cách thái quá thành phần kinh tế nhà nước cũng như dành quá nhiều quyền cho hệ thống quản lý, nơi quyền lợi của cá nhân không hẳn phụ thuộc vào sự thành công của tổ chức. Cũng dễ thấy đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến C6. + Các nguyên nhân tạo ra C3 Nguyên nhân C3 phản ánh một khía cạnh của hiện trạng xã hội. Đó là sự mất niềm tin vào tính công bằng, sự thay đổi thước đo giá trị của xã hội. Những nguyên nhân dẫn đến điều này có thể xuất phát từ những lý do sau: • C7 • Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường làm cho con người ý thức nhiều hơn đến “cái tôi” và những quyền lợi vật chất của mình. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi từ một hệ thống (nền kinh tế) này sang hệ thống khác, nhận thức xã hội nói chung, hệ thống thước đo giá trị nói riêng chắc chắn có nhiều biến đổi và chưa đi vào trạng thái ổn định. Thêm vào đó, quá trình hội nhập, giao lưu hay phát triển thông tin cũng tạo ra cho con người những khả năng mới về nhận thức xã hội, ý thức về các giá trị bản thân hơn là chạy theo những giá trị thuần túy về tinh thần. Một mặt, những quá trình này xảy ra theo đúng qui luật nên muốn cũng không chống lại được, mặt khác, bản thân chúng cũng không phải là lý do tạo ra sự thoái hóa của môi trường xã hội. Do vậy, những nguyên nhân này cũng sẽ được loại bỏ. • C5: Việc tạo ra được một mô hình hệ thống nhà trường hay quản lý giáo dục hợp lý, cho phép hạn chế sự phát triển của vấn nạn này là điều không đơn giản. Nó đòi hỏi phải có những nghiên cứu và giải pháp tổng thể. Điều này vượt ngoài giới hạn của bài viết. Tuy nhiên, chúng tôi mạnh dạn trình bày những hướng đi mà theo ý kiến chủ quan là có thể giúp cho việc tìm lời giải này. Xây dựng hệ thống thanh tra giáo dục trong sạch và hữu hiệu. Xây dựng hệ thống văn bằng chuẩn mực và thành lập hệ thống kiểm định, đánh giá chất lương khách quan. Hệ thống kiểm định này phải là những cơ quan tự do, độc lập, không phụ thuộc vào Bộ GD&ĐT. Cải tiến hệ thống giáo dục theo hướng phân quyền để mỗi trường là một chủ thể hoạt động, tự do tìm kiếm lối đi và chịu trách nhiệm vào chính bản thân mình. Họ chỉ phải tuân thủ thực hiện đúng những “luật chơi” do Bộ GD&ĐT đặt ra, chịu sự đánh giá của những tổ chức công minh và quyền lợi cũng như sự phát triển của nhà trường phụ thuộc vào uy tín của chính mình. Như vậy, để giải quyết vấn nạn bằng cấp giả, học giả bằng ta phải tìm lời giải cho những nguyên nhân gốc C7, C8 và C5. Qua những phân tích nêu trên, dễ thấy đây là bài toán chung của xã hội và vượt ra khỏi phạm vi của ngành giáo dục. Nó vừa có nguyên nhân khách quan (C7, C8) và vừa có nguyên nhân chủ quan (C5). Nhận thức được điều này sẽ giúp cho các quản lý định hướng đúng hơn trong việc tìm giải pháp cho giáo dục. III. MỘT VÀI KIẾN NGHỊ Dễ thấy bài toán giáo dục là rất phức tạp. Nhà nước và xã hội lâu nay vẫn trăn trở để tìm lối ra cho giáo dục. Câu hỏi đặt ra là: cần phải xây dựng hệ thống giáo dục như thế nào? Theo mô hình gì? Đó là những câu hỏi cấp thiết cho giáo dục và được đề cập rất nhiều. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi thì có 2 hướng đi. Hướng thứ nhất là 25 theo hướng “kế hoạch hóa”, tức là dựa vào những cơ quan, những con người được quyền lên kế hoạch, đề ra những giải pháp mà ngành giáo dục phải tuân theo. Hướng thứ hai, là tự do hóa giáo dục, tương tự như nền kinh tế thị trường. Tính ưu việt của phương pháp quản lý theo “điều tiết bởi thị trường” so với “phương pháp quản lý kế hoạch hóa đã được chứng minh trong kinh tế. Tại sao lại không sử dụng những thành tựu này cho giáo dục? Một hệ thống muốn cân bằng nó phải có những cơ chế tạo ra sự đối xứng, cân bằng lẫn nhau. Nếu không phân chia quyền lực, tạo ra những những cơ chế đối trọng thì sẽ dễ mất cân bằng. Áp dụng những điều nói trên, chúng ta có thể cải tổ hệ thống giáo dục theo những hướng chính như sau: - Bộ GD&ĐT là cơ quan định hướng, có chức năng là làm luật, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quản lý việc đảm bảo thực hiện các quy định đã đề ra. Thông qua hệ thống luật và tiêu chuẩn Bộ (nhà nước) có thể định hướng hướng đi cho giáo dục. - Trao quyền chủ động tối đa cho các trường để các trường tự quyết định các hoạt động, chọn lựa mô hình, và hướng đi của mình. - Báo chí và các tổ chức đánh giá giáo dục phi chính phủ có chức năng phản ánh thực trạng của các trường. - Nhà nước và nhân dân cùng tham gia vào việc hỗ trợ tài chính cho giáo dục. Quá trình này phải được tiến hành dân chủ và công khai. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Xêmina về giáo dục của nhóm giáo sư Hoàng Tụy. [2]. Các diễn đàn, chuyên mục về giáo dục của các báo: Tuổi trẻ online, VietnamNet, Tiềnphong online, EduNet, Chúng ta.com, etc [3]. Hoàng Tụy. Một số vấn đề khoa học và giáo dục: Góc nhìn trong cuộc. Thời đại mới, No.6, 11-2005 [4]. Nguyên Ngọc. Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào? Chúng ta.com, 21-12-2005 [5]. Nguyễn Đình Đăng. Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát? Talawas, 20/10/2005. [6]. Tâm Phong. Những mối quan hệ “phức tạp” giữa xã hội và giáo dục. Tuổi trẻ, 13-11-2004. [7]. Vũ Ngọc Tiến. Lật lại hồ sơ mua sắm TBDH niên học 2005 – 2006. Văn nghệ Trẻ, 19.5.2006. SUMMARY VIETNAMESE EDUCATION FROM THE SYSTEMATIC POINT OF VIEW NGUYEN THI PHUONG HOA The article is introduced by some considerations about the appropriate way to describe and analyze education systems. After that a systematic model of system analysis is designed, environing the education sub-system with its main components schools, teachers, management and, in the center, personality by three external sub-systems: socio-cultural, economical and political system. The following deals with the patterns of relationships between the educational sub-system components among themselves and the systemic environment. Next step exemplifies these carefully to identify special relationships on a major problem of Vietnam´s higher education output, the disturbing amount of spurious diplomas and certificates. The conclusion of the theoretical approach and the example results in a proposal to integrate principles of marked economy into the organization of the education system in a mixture of strengthening the legal system, conceding more self-determination to educational institutions, binding them to independent assessment proceedings and improving their financial situation. . các hệ thống đó. - Về phần mình Giáo dục được cấu tạo bởi các hệ thống: nhà trường -giáo viên- học sinh và hệ thống quản lý giáo dục. Hệ thống giáo dục. trường giáo dục và hệ thống giáo dục. d) Nhà trường -giáo viên-học sinh và hệ thống quản lý giáo dục là các bộ phận thành phần tạo nên hệ thống giáo dục.