1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

115 0 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Tác giả Giang Thị Thu Thủy
Người hướng dẫn Tiến Sĩ Trần Thu Hương
Trường học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
Chuyên ngành Tâm lý học
Thể loại Luận văn Thạc sỹ Tâm lý học
Năm xuất bản 2024
Thành phố Hà Nội
Định dạng
Số trang 115
Dung lượng 2,8 MB

Nội dung

Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

GIANG THỊ THU THỦY

NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ TÂM LÝ - XÃ HỘI CHO NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH

DỰA TRÊN HIỂU BIẾT VỀ SANG CHẤN TÂM LÝ

LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC

Hà Nội, 2024

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

GIANG THỊ THU THỦY

NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ TÂM LÝ - XÃ HỘI CHO NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH

DỰA TRÊN HIỂU BIẾT VỀ SANG CHẤN TÂM LÝ

AWARENESS OF PSYCHO-SOCIAL SUPPORT FOR DOMESTIC VIOLENCE SURVIVORS BASED ON TRAUMA-INFORMED CARE

Chuyên ngành: TÂM LÝ HỌC

Mã số: 8310401.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN: TIẾN SĨ TRẦN THU HƯƠNG

Hà Nội, 2024

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi dưới sự hướng

dẫn khoa học của TS Trần Thu Hương Các nội dung nghiên cứu, kết quả trong

đề tài đều là trung thực và chưa được công bố dưới bất kỳ hình thức nào trước đây Những thông tin thu thập được từ quá trình điều tra, khảo sát, quan sát, phỏng vấn sâu, phục vụ cho việc nghiên cứu này, được chính tôi thu thập được từ quá trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực tế và được tham khảo, trích dẫn từ các nguồn tài

liệu khác nhau có ghi rõ trong phần tài liệu tham khảo

Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian dối nào, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung Luận văn của mình

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2023

Học viên thực hiện

Giang Thị Thu Thủy

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Để thực hiện hoàn thành luận văn, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Tiến

sĩ Trần Thu Hương, giảng viên Khoa Tâm lý học đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn

trong suốt quá trình luận văn được tiến hành, thực hiện

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các Thầy cô trong Trường Đại học Khoa học

Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và các thầy cô trong

khoa Tâm lý học nói riêng đã truyền đạt nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu

trong suốt thời gian tôi học tập tại trường Cảm ơn các lãnh đạo và cố vấn Hỗ trợ

dựa trên hiểu biết về sang chấn (TIC) của Tổ chức Hagar Quốc tế đã cho tôi tiếp cận

và được trang bị các kiến thức và kỹ năng về TIC Với những vốn kiến thức được

tiếp thu trong quá trình học, đây không chỉ là nền tảng cho quá trình tôi làm luận

văn mà còn là hành trang quý báu để tôi tự tin trên con đường nghề nghiệp

Tôi xin cảm ơn lãnh đạo 7 xã thực hiện chương trình phát triển vùng thuộc

huyện Y của tỉnh X đã cho phép, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để tôi tiến

hành khảo sát, thu thập thông tin tại các địa phương

Xin cảm ơn các cán bộ Chương trình phát triển vùng, các cán bộ hỗ trợ kỹ

thuật của tổ chức INGO đang hỗ trợ thực hiện dự án tại địa bàn nghiên cứu tỉnh X,

các anh chị ở Hội phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông

tin tại các địa phương, nhập và xử lý số liệu

Đồng thời, tôi cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bố mẹ, anh chị

em và các đồng nghiệp đã hỗ trợ, giúp đỡ, động viên trong suốt quá trình tôi tiến

hành làm Luận văn Thạc sỹ

Xin kính chúc quý Thầy cô, các anh chị đối tác, bạn đồng nghiệp và cựu đồng

nghiệp luôn dồi dào sức khỏe và thành công hơn nữa trong công tác Đồng kính chúc

bố mẹ, anh chị em, đồng nghiệp sức khỏe và thành công trong công việc, cuộc sống

Học viên thực hiện

Giang Thị Thu Thủy

Trang 5

(Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý)

WHO World Health Organization (Tổ chức Y tế thế giới)

Trang 6

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 4

1 Lý do chọn đề tài 4

2 Mục đích nghiên cứu 6

3 Đối tượng nghiên cứu 6

4 Khách thể nghiên cứu 6

5 Phạm vi nghiên cứu 6

6 Nhiệm vụ nghiên cứu 7

7 Câu hỏi nghiên cứu 7

8 Giả thuyết khoa học 7

9 Phương pháp nghiên cứu 8

10 Cấu trúc luận văn 8

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ TÂM LÝ - XÃ HỘI CHO NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH DỰA TRÊN HIỂU BIẾT VỀ SANG CHẤN TÂM LÝ 9

1.1 Tổng quan về đề tài nghiên cứu 9

1.1.1 Các nghiên cứu nước ngoài 9

1.1.2 Các nghiên cứu trong nước 11

1.2 Các khái niệm chính 14

1.2.1 Nhận thức 14

1.2.2 Hỗ trợ tâm lý - xã hội 15

1.2.3 Bạo lực gia đình và bạo lực gia đình đối với phụ nữ 18

1.2.4 Sang chấn tâm lý và tái sang chấn tâm lý 20

1.2.5 Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn 24

1.2.6 Nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý 28

Tiểu kết chương 1 30

CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 31

2.1 Vài nét về địa bàn và khách thể nghiên cứu 31

2.1.1 Địa bàn nghiên cứu 31

Trang 7

2.1.2 Khách thể nghiên cứu 31

2.2 Tổ chức nghiên cứu 33

2.2.1 Tổ chức nghiên cứu lý luận 33

2.2.2 Tổ chức nghiên cứu thực tiễn 33

2.3 Phương pháp nghiên cứu 34

2.3.1 Phương pháp nghiên cứu tài liệu 34

2.3.2 Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi 34

2.3.3 Phương pháp thảo luận nhóm 37

2.3.4 Phương pháp phỏng vấn sâu 38

Tiểu kết Chương 2 38

CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN 39

3.1 Thực trạng nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn 39

3.1.1 Nhận thức về bạo lực gia đình 39

3.1.2 Nhận thức về hỗ trợ tâm lý dựa trên sự hiểu biết về sang chấn TIC theo khung lý thuyết 4R của Hagar 40

3.1.3 Nhận thức về 6 nguyên tắc của hỗ trợ có sự hiểu biết về sang chấn tâm lý TIC 41 3.2 So sánh nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn giữa các nhóm khách thể 43

3.3 Thực trạng năng lực hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn 49

3.4 So sánh năng lực hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn giữa các nhóm khách thể 50

Tiểu kết chương 3 59

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 61

1 Kết luận 61

2 Kiến nghị 62

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 64

PHỤ LỤC 70

Trang 8

DANH MỤC BẢNG

Bảng 2.1 Phân bố khách thể theo địa bàn nghiên cứu 31

Bảng 2.2 Một số đặc điểm của khách thể nghiên cứu 32

Bảng 3.1 Kết quả nhận diện các hình thức bạo lực gia đình 39

Bảng 3.2 Kết quả nhận thức về hỗ trợ tâm lý dựa trên sự hiểu biết về sang chấn TIC theo khung lý thuyết 4R 40

Bảng 3.3 Kết quả nhận thức về 6 nguyên tắc cốt lõi cần áp dụng trong thực hiện các hoạt động ứng phó bạo lực (R3) 42

Bảng 3.4 So sánh nhận thức về bạo lực gia đình giữa các nhóm 43

Bảng 3.5 So sánh nhận thức về các tác động của sang chấn tâm lý (R1) giữa các nhóm 44

Bảng 3.6 So sánh nhận thức về các dấu hiệu của sang chấn tâm lý (R2) giữa các nhóm 45

Bảng 3.7 So sánh nhận thức về cách thức hỗ trợ với người bị sang chấn tâm lý (R3) giữa các nhóm 46

Bảng 3.8 So sánh nhận thức về giảm thiểu tái sang chấn (R4) giữa các nhóm 47

Bảng 3.9 Tự đánh giá tất cả các năng lực 49

Bảng 3.10 Năng lực nhận biết Bạo lực gia đình 50

Bảng 3.11 Năng lực Hỗ trợ tâm lý 51

Bảng 3.12 Năng lực hỗ trợ nguyên tắc an toàn 52

Bảng 3.13 Năng lực hỗ trợ nguyên tắc minh bạch 53

Bảng 3.14 Năng lực hỗ trợ đồng đẳng 54

Bảng 3.15 Năng lực thúc đẩy hợp tác 56

Bảng 3.16 Năng lực trao quyền 57

Bảng 3.17 Năng lực vận dụng chính sách, văn hóa và giới 58

Trang 9

MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 với gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-64 cho thấy ở Việt Nam, hầu hết bạo lực đối với phụ nữ là do chồng gây ra, 31,6% phụ nữ bị bạo hành ít nhất một lần với một loại hình bất kỳ trong 12 tháng qua, và 62,9%bị bạo hành ít nhất một lần trong đời Tại Yên Bái, theo thống kê trong 4 năm qua (số liệu từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2021), Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Yên Bái đã thụ lý 8.929 vụ việc ly hôn, trong đó có 6.777 vụ ghi nhận do mâu thuẫn gia đình và 233 vụ ghi nhận do bạo lực gia đình (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2019) Có thể thấy, bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ, là một vấn đề xã hội cấp thiết cần được quan tâm, hỗ trợ giải quyết

Khi mâu thuẫn trong gia đình trở nên gay gắt dẫn tới xung đột, bạo lực, thì thành viên các tổ chức xã hội sẽ là những người thực hiện công tác hòa giải, can thiệp và hỗ trợ Tùy vào mỗi cộng đồng, địa phương, đó có thể là ban công tác mặt trận, có thể là một “Ban hòa giải” hay “Ban phát triển thôn”, hoặc các tổ chức thuộc các chương trình dự án chuyên về phòng ngừa bạo lực gia đình, các tổ nhóm “phản ứng nhanh” Các thành viên của các tổ nhóm này thường là những người được người dân trong thôn bản bầu ra, có uy tín, có thời gian và tâm huyết Tuy nhiên, khi đã xảy ra bạo lực, hòa giải có thể không giải quyết được vấn đề Khảo sát do Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tiến hành chỉ ra rằng, hầu hết nạn nhân được phỏng vấn cho biết họ bị bạo lực gia đình ít nhất 10 lần trong một năm và một nửa trong số đó nói rằng họ vẫn tiếp tục bị bạo hành sau khi hòa giải (Bộ Tư Pháp Cục trợ giúp Pháp lý, 2012) Do đó, kiến thức để các ban hòa giải, các tổ phản ứng nhanh có thể phân biệt giữa “mâu thuẫn gia đình” với “bạo lực gia đình”, và khi nào hòa giải có tác dụng, cần hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực như thế nào cũng là những nội dung kiến thức cần trang bị cho các thành viên ban hòa giải, để tạo ra một hệ thống phòng ngừa tại cơ sở đảm bảo chất lượng và thuận tiện cho việc tiếp cận người dân

Trang 10

Đã có một số các chương trình dự án thực hiện ở một số địa bàn nâng cao năng lực cho ban bảo vệ trẻ em hay tổ hòa giải, chủ yếu tập trung vào một số kiến thức về pháp luật như luật phòng chống bạo lực, luật bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em, luật hôn nhân và gia đình cũng như một vài các kỹ năng về làm cha mẹ, công tác hòa giải, thuyết phục tại cộng đồng Trong đó, tổ chức Hagar International

có mặt tại Việt Nam từ năm 2009 Tại địa bàn Tỉnh Yên Bái, Hagar hỗ trợ Hội Phụ

nữ tỉnh Yên Bái thực hiện các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, xâm hại và bạo hành cũng như các hoạt động phòng ngừa Với bối cảnh thực tế ở địa bàn, Hagar đã xác định để hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, cần thiết phải nâng cao năng lực cho nhóm cộng tác viên, các thành viên tổ nhóm tại cấp thôn bản cũng như các cán bộ cấp cơ sở (cấp xã) để họ có các kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng các hỗ trợ ban đầu, khẩn cấp cũng như tham gia hiệu quả vào quá trình hỗ trợ hậu sang chấn cho các nạn nhân (Đài phát thanh truyền hình Yên Bái, 2023)

Chăm sóc/hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn (trauma-informed care) tại Hagar International là phương pháp để khơi gợi các điểm mạnh của cá nhân Khi được nhận sự chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn, cá nhân có thể phục hồi tại một cộng đồng an toàn và ở những nơi mà tại đó họ được hỗ trợ để có đủ khả năng (empower) giúp hàn gắn (heal) Trang bị các kiến thức về TIC cho đội ngũ cán bộ cấp xã và cấp thôn là cần thiết để có được nguồn nhân lực tại chỗ hỗ trợ hiệu quả cho nạn nhân, đảm bảo tránh tái sang chấn tâm lý cho nạn nhân Tuy nhiên, để đẩy mạnh công tác xây dựng năng lực cho tuyến cơ sở, cần có sự đánh giá thực trạng năng lực của các tổ nhóm này tại cộng đồng, bao gồm cả nhận thức và mức độ tự tin của họ với các kiến thức cần có trước khi tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực (Hagar International, 2019)

Với bối cảnh đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ cho các nạn nhân trải qua bạo lực

ở Việt Nam còn thiếu và yếu, đặc biệt ở các tỉnh lẻ và tuyến cơ sở; việc sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở sẵn có trong công tác hỗ trợ nạn nhân là điều cần thiết và việc trang bị cho họ những kiến thức nền tảng về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý để đảm bảo rằng sự trợ giúp thực sự mang lại an toàn và tránh những tác

Trang 11

động tiêu cực tái sang chấn cho người đã trải qua sang chấn tâm lý như các cá nhân trải qua bạo lực gia đình Để có thể giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ này, cần thiết phải biết nhận thức của họ về TIC đang ở mức nào để từ đó có các can thiệp,

hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ nhóm này một cách phù hợp (Hagar International, 2019)

Từ những lý do trên, tôi đã lựa chọn đề tài “Nhận thức về hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý” làm đề tài luận văn của mình

2 Mục đích nghiên cứu

Thông qua việc tìm hiểu thực trạng nhận thức của các tổ nhóm sẵn có tại cộng đồng (cấp thôn, xã) về hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý, nghiên cứu nhằm đề xuất các hoạt động, các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ nhóm này, và các chương trình trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình ở địa phương

3 Đối tượng nghiên cứu

Mức độ và biểu hiện nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý của thành viên các tổ nhóm tại cộng

đồng thuộc tỉnh Yên Bái

4 Khách thể nghiên cứu

- Thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng (Ban công tác mặt trận, Tổ hòa giải,

tổ phản ứng nhanh/ Ban phát triển thôn bản) (các thành viên thường là trưởng thôn,

bí thư thôn, đại diện các ngành đoàn thể HPN, ĐTN, HND, CCB, già làng, người có

uy tín trong cộng đồng;

- Ban bảo vệ trẻ em/ Ban 138 cấp xã (lãnh đạo xã, đại diện các đoàn thể, HPN,

tư pháp, công an, trường học)

5 Phạm vi nghiên cứu

- Giới hạn địa bàn nghiên cứu: nghiên cứu được thực hiện tại 7 xã là các xã thuộc vùng trung du miền núi thuộc huyện Y của tỉnh miền núi phía Bắc (X)

Trang 12

- Giới hạn nội dung nghiên cứu: Trong phạm vi đề tài này, tôi tập trung nghiên cứu mức độ, biểu hiện nhận thức của các khách thể nghiên cứu dựa trên các kiến

thức về TIC của Hagar International

6 Nhiệm vụ nghiên cứu

6.1 Nhiệm vụ nghiên cứu lý luận

- Hệ thống hóa và xây dựng những vấn đề lý luận cơ bản của đề tài: Nghiên cứu tài liệu nghiên cứu trong nước và quốc tế liên quan tới công tác hỗ trợ tâm lý -

xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình và phương pháp hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý;

- Hệ thống hóa các chương trình thực hiện và thúc đẩy nâng cao năng lực hỗ trợ tâm lý - xã hội với các nhóm trợ giúp tại cộng đồng; Xem xét mức độ phù hợp

và bối cảnh hóa các tài liệu quốc tế mà tổ chức Hagar International đang áp dụng dựa trên các chỉ số giám sát toàn cầu (global monitoring indicators), trong đó có trường hợp Hagar Việt Nam

6.2 Nhiệm vụ nghiên cứu thực tiễn

- Xây dựng bộ công cụ nhằm đánh giá thực trạng năng lực của các tổ nhóm sẵn có tại cộng đồng trong hỗ trợ dựa trên nhận thức về sang chấn;

- Tổ chức thực hiện khảo sát tại thực địa;

- Xử lý và phân tích thực trạng năng lực của các tổ nhóm sẵn có tại cộng đồng trong hỗ trợ dựa trên nhận thức về sang chấn

7 Câu hỏi nghiên cứu

- Mức độ nhận thức về hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bạo lực dựa trên hiểu biết

về sang chấn tâm lý của các thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng hiện nay đang như thế nào?

- Tự đánh giá về kỹ năng thực hành của thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng (tiếp nhận, xử lý ban đầu; báo cáo - chuyển tuyến) ở mức nào?

8 Giả thuyết khoa học

- Nhận thức về hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bạo lực dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý của các thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng là khá tốt Có sự khác biệt giữa các nhóm khách thể theo các đặc điểm nhân khẩu

Trang 13

- Tự đánh giá về kỹ năng thực hành của thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng

ở mức tương đối cao Có sự khác biệt giữa các nhóm khách thể theo các đặc điểm nhân khẩu

9 Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây:

- Phương pháp Nghiên cứu tài liệu

- Phương pháp Điều tra bằng bảng hỏi

- Phương pháp Thảo luận nhóm

- Phương pháp Xử lý số liệu thống kê toán học bằng phần mềm SPSS

10 Cấu trúc luận văn

- Mở đầu

- Chương 1: Cơ sở lý luận về nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

- Chương 2: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu

- Chương 3: Kết quả nghiên cứu thực tiễn về nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

- Kết luận và khuyến nghị

- Tài liệu tham khảo

- Phụ lục

Trang 14

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NHẬN THỨC VỀ HỖ TRỢ TÂM LÝ -

XÃ HỘI CHO NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH DỰA TRÊN HIỂU BIẾT

VỀ SANG CHẤN TÂM LÝ

1.1 Tổng quan về đề tài nghiên cứu

1.1.1 Các nghiên cứu nước ngoài

Nghiên cứu của WHO dựa trên dữ liệu từ năm 2000 đến năm 2018 cũng chỉ ra rằng, bạo lực đối với phụ nữ ngày càng lan rộng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp; có tới 37% phụ nữ sống ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã phải đối mặt với bạo lực từ chính chồng hoặc bạn trai; một số quốc gia, có tới 50% phụ nữ phải trải qua tình trạng bạo lực Theo WHO, bạo lực từ bạn tình là “hình thức bạo lực phổ biến nhất trên toàn cầu”, để lại vết thương tâm lý cho ít nhất 641 triệu phụ nữ (World Health Organization, 2021)

Các chuyên gia nhận thấy, đại dịch Covid-19 ở một khía cạnh nào đó đã tác động tới xu hướng bạo lực gia đình Ngày 7/5/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp trên khắp châu Âu đã ghi nhận số cuộc gọi liên quan tới bạo lực gia đình tăng đột biến trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được áp đặt tại hầu khắp các nước trong châu lục (World Health Organization, 2020)

Theo khảo sát của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, sự phổ biến của nạn bạo lực gia đình đã lan rộng ra nhiều quốc gia Trên khắp thế giới, tính trung bình

có 3 phụ nữ bị giết mỗi ngày vì BLGĐ Hơn 40% nạn nhân là phụ nữ bị giết bởi chồng hoặc bạn trai của họ Phụ nữ từ độ tuổi từ 20 đến 24 có nguy cơ lớn nhất là nạn nhân của bạo hành Tại Mỹ, 3/10 phụ nữ còn con số này với nam là 1/10 trải qua bạo lực gia đình ít nhất một lần trong đời— thường với những tổn thất nặng nề

về cá nhân, gia đình-1 và xã hội (Charlene K Baker et al., 2010)

Nghiên cứu cho thấy bạo lực gia đình liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở nạn nhân, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế (Natalie J Sokoloff and Ida Dupont, 2005, Saltanat Childress, 2013, Danielle M Mitnick et al., 2021)

Trang 15

Do đó, nhiều chương trình hỗ trợ nạn nhân đặt mục tiêu trao quyền và phục hồi cơ hội lựa chọn cho họ (Lisa A Goodman et al., 2015) Tuy nhiên, mức độ đạt được mục tiêu này trong thực tế còn hạn chế (Shanti Kulkarni, 2019) Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các chương trình đã chuyển từ định hướng thay đổi xã hội sang mô hình định hướng dịch vụ, và thậm chí có thể tái tạo kiểu lạm dụng cưỡng bức đối với một

số nhóm nạn nhân (Katya Fels Smyth et al., 2006, Jill Davies and Eleanor Lyon, 2013) Do đó, gần đây có xu hướng kêu gọi đổi mới các dịch vụ theo hướng tập trung vào nạn nhân, áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn (TIC) để hỗ trợ tốt hơn nhu cầu sức khỏe tâm thần của họ (Shanti Kulkarni, 2019) Nghiên cứu của Emilomo Ogbe và cộng sự (2020) đã cho thấy hầu hết các nghiên cứu đi trước đều mang đến sự cải thiện về hỗ trợ xã hội và/hoặc kết quả sức khỏe tinh thần của nạn nhân, nhưng có ít bằng chứng về tác động của chúng đối với việc giảm bạo lực hay tăng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Emilomo Ogbe et al., 2020)

Một nghiên cứu dài hạn đầu tiên về TIC của SAMSHA cho thấy những thân chủ được điều trị với TIC có những cải thiện nhỏ nhưng khá đáng kể về kết quả sức khỏe tâm thần và triệu chứng sang chấn tâm lý so với cách trị liệu thông thường Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp này không có tác dụng với những người lạm dụng chất gây nghiện (Allison J Taylor et al., 2011, SAMSHA, 2015)

Nghiên cứu của Wilson, Fauci và Goodman (2015) đã thực hiện những đánh giá định tính khá tổng quan về áp dụng TIC trong các chương trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình (Joshua M Wilson et al., 2015) Kết quả cho thấy, các nguyên tắc TIC áp dụng trong bối cảnh bạo lực gia đình cũng tương đối nhất quán với lý thuyết

về TIC ở các hệ thống dịch vụ hỗ trợ con người khác nhau (Denise E Elliott et al., 2005) (SAMSHA, 2014).(Các chương trình về bạo lực gia đình áp dụng các nguyên tắc TIC nhằm nhắc lại và làm sống động những cam kết lâu dài của các chương trình đối với hạnh phúc của thân chủ (Joshua M Wilson et al., 2015)

Nghiên cứu của Pamela Ponic và cộng sự (2018) cho thấy sự cần thiết của việc

áp dụng phương pháp TIC để giảm thiểu những nguy hại có thể xảy ra bao gồm cả

Trang 16

tái sang chấn với những nạn nhân trong quá trình nhận hỗ trợ (Pamela Ponic et al., 2016) Nghiên cứu cho thấy các tác động gây sang chấn của bạo lực có những ảnh hưởng lâu dài đối với nạn nhân, cho dù bạo lực đang diễn ra hay đã xảy ra trong quá khứ Trong quá trình các hệ thống hay cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ và tương tác với nạn nhân mà thiếu sự hiểu biết về các tác động phức tạp và lâu dài của bạo lực

và sang chấn tâm lý, họ có nguy cơ gây thêm tổn thương cho nạn nhân Điển hình là

ví dụ về việc nạn nhân, dù là người lớn hay trẻ em, phải kể lại câu chuyện của mình cho nhiều bên trong hệ thống dịch vụ hỗ trợ khác nhau sẽ bị nguy cơ tái sang chấn

từ việc phải kể lại đó (Jodie Valpied et al., 2014) Các cách tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn và bạo lực là các chính sách và thực tiễn liên quan đến việc cung cấp dịch vụ và chương trình mà - đặc biệt khi chúng cũng dựa trên hiểu biết về bạo lực - hoạt động để giảm thiểu tổn thương cho nạn nhân bạo lực, và hỗ trợ chữa lành

và mang lại công bằng cho người bị hại (Pamela Ponic et al., 2016)

Trong cuốn Retraumatization của Melanie và cộng sự, các tác giả cho rằng trong quá trình cung cấp trị liệu cho các cá nhân trải qua sang chấn tâm lý, nếu không cẩn trọng có thể có các kích hoạt xuất phát từ các sang chấn tâm lý trong quá khứ khiến họ bị tái sang chấn tâm lý (Melanie P Duckworth and Victoria M Follette, 2012) Việc kiểm soát các kích hoạt này cần có sự hiểu biết về những sang chấn tâm lý mà khách hàng đã trải qua (Kirsten Wright and Nicola Laurent, 2021)

1.1.2 Các nghiên cứu trong nước

Kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có khoảng 62,9% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực trong 12 tháng qua là 31,6%; hơn một nửa phụ nữ có chồng/bạn tình (52,9%) đã phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục và/hoặc tinh thần do chồng/bạn tình hiện tại hoặc trước đây gây ra Trong

số 62,9% phụ nữ từng chịu bạo lực gia đình, có đến 76% thường bị đe dọa nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm Theo kết quả điều tra quốc gia năm

Trang 17

2021, 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục; 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; chỉ 4,8% tìm kiếm

sự giúp đỡ của công an (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2019), (Vụ Thống

kê Xã hội và Môi trường, 2010)

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7.2008, sửa đổi bổ sung trong năm 2022 và hiệu lực 1/7/2023 thể hiện mức độ quan tâm của nhà nước để ngăn chặn và giải quyết vấn đề này (Quốc hội CHXHCN Việt Nam, 2022) Nhìn vào các con số, có thể thấy số vụ bạo lực gia đình được báo cáo

có giảm qua các năm, ví dụ: số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm

2009 là 53.206 vụ, 2015: 20.108 vụ và 2019: 8.176 vụ (Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường, 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2019)

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Hồng dưới góc độ công tác xã hội 11/2019 về địa chỉ tin cậy ở thành phố Hải Phòng cho thấy thành phố Hải Phòng có tới 3822 “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, 500 nhóm và 110 mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại 100% xã, phường, thị trấn (Nguyễn Thị Thúy Hồng, 2018) Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dù các vụ bạo lực có giảm đi, song số nạn nhân đến với địa chỉ rất ít do hoạt động của “Địa chỉ tin cậy” chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của nạn nhân, gia đình và cộng đồng Cách tiếp cận, can thiệp của “Địa chỉ tin cậy” chỉ dừng lại ở biện pháp ngăn chặn tạm thời mà chưa có cách tiếp cận tham vấn cho gia đình, trị liệu gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, chưa có biện pháp trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân, gia đình và cộng đồng trong phòng, chống bạo lực Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa thực

sự chú trọng đến hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trong đó có hoạt động của “Địa chỉ tin cậy” Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động “Địa chỉ tin cậy” còn yếu Điều này thể hiện qua việc hàng năm không có báo cáo, tổng kết đánh giá hoạt động, và các chủ địa chỉ không nhận được hỗ trợ năng lực Một hạn chế là nhân viên hoạt động dựa trên kinh nghiệm cá nhân chứ không được tập huấn kiến thức và

kỹ năng về phòng chống bạo lực gia đình Do thiếu hiểu biết về pháp luật, kiến thức

và kỹ năng tư vấn, xử lý các vụ việc của các chủ địa chỉ còn hạn chế Do đó, nạn

Trang 18

nhân đến địa chỉ tin cậy chưa được tư vấn đầy đủ kiến thức pháp luật và kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình (Nguyễn Thị Thúy Hồng, 2018)

Tại Yên Bái, trong những năm trước, Hội phụ nữ đã đồng loạt triển khai địa chỉ tin cậy tới tất cả các xã phường thị trấn Địa điểm có thể là UBND xã, CA xã hoặc gia đình của một cán bộ HPN tại địa bàn Tuy nhiên, với nguồn lực hạn hẹp

nên việc duy trì các địa chỉ tin cậy còn gặp nhiều khó khăn: “HPN nỗ lực trang bị các kiến thức về pháp luật cũng như một số kỹ năng cơ bản thông qua các câu lạc

bộ để truyền đạt tới các thành viên trong công tác hỗ trợ nạn nhân, chị em phụ nữ

bị bạo lực gia đình có thể đến để tìm nơi tạm lánh trong lúc khẩn cấp Tuy nhiên, cũng khó khăn là địa chỉ ở đó chị em biết thì người gây bạo lực cũng biết và họ có thể đến gây phiền hà cho chính gia đình đang cưu mang người bị bạo lực.” (Chị

Phương, HPN Tỉnh) Cũng chính vì vậy, cùng chương trình mục tiêu của hội phụ

nữ, trong đó có một phần hỗ trợ của tổ chức HI, Tỉnh Yên Bái đã thành lập được

186 tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực đến được nơi tạm lánh

an toàn hơn Thành viên của tổ phản ứng nhanh chủ yếu vẫn là các thành viên trong ban 138 bao gồm lãnh đạo các ban ngành đoàn thể ở cấp xã và họ cũng tham gia tổ hòa giải ở thôn bản Các thành viên của các tổ nhóm này là đại diện của thôn bản như các thành viên ban phát triển thôn, các đoàn thể và đóng vai trò ở tổ hòa giải Thực tế, với các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp còn rất hạn chế hoặc không có sẵn ở cấp cơ sở, việc phát huy vai trò của các tổ nhóm tại cộng đồng vẫn là điều cần thiết

Nếu tra cứu trên google với cụm từ “bạo lực gia đình” + “tổn thương tâm lý”

sẽ có khoảng 12.000 kết quả hiện ra; tuy nhiên, nếu lựa chọn “sang chấn tâm lý” +

“bạo lực gia đình” + “tái sang chấn”, kết quả tới tháng 11/2023 chi ra được 8 kết quả bao gồm cả bạo lực học đường và có một nghiên cứu của Lưu Thị Lịch và Trần Thu Hương có tiêu đề “Tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý của nạn nhân bị mua bán trong các vụ án mua bán người” năm 2021 cùng với một bài báo của Trần Thu Hương cùng tiêu đề “Tiếp cận dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý của nạn nhân bị mua bán trong các vụ án mua bán người” đã được đăng trên Tạp chí Khoa học Kiểm sát số chuyên đề 02 (49)/2021 Chỉ có một số ít các tài liệu, bài báo

đề cập tới các vấn đề có thể gây tái sang chấn cho những nạn nhân bị bạo lực gia

Trang 19

đình, ví dụ như tổ chức Blue Dragon tại Việt Nam, với tài liệu truyền thông “VÌ SAO NẠN NHÂN SANG CHẤN TÂM LÝ KHÔNG NÊN TIẾP XÚC VỚI TRUYỀN THÔNG” đăng tải trên trang web của tổ chức đề cập tới việc trẻ bị bạo lực có thể bị tái sang chấn khi phải kể lại hoặc nghe lại câu chuyện của mình (Lưu Thị Lịch & Trần Thu Hương, 2021)

Nếu tra cứu “hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn”, có 249 kết quả chủ yếu

là các bài báo về các hội thảo từ 2018-2019 trở lại đây và hầu hết là có sự tổ chức, tham gia hoặc liên quan tới sự chia sẻ từ tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam Năm

2019, Hagar Việt Nam đã tham gia tổ chức diễn đàn “Hàn gắn cộng đồng qua cách

hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn” diễn ra tại Trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh

Như vậy, có thể thấy việc áp dụng TIC trong các hoạt động hỗ trợ nạn nhân trải qua các sang chấn tâm lý ở Việt Nam còn rất mới mẻ và chưa có nhiều nghiên cứu trong suốt thời gian qua

1.2 Các khái niệm chính

1.2.1 Nhận thức

Theo Từ điển của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA Dictionary), nhận thức

là “tất cả các hình thức hiểu biết và nhận thức, chẳng hạn như nhận diện, hình dung, ghi nhớ, lý luận, phán đoán, tưởng tượng và giải quyết vấn đề Cùng với cảm xúc (affect) và sự kết hợp (conation), nó là một trong ba thành phần được xác định theo truyền thống của tâm trí.”

Hay trong từ điển Tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê năm 2003 định nghĩa

“Nhận thức là một quá trình hoặc kết quả của sự phản ánh và tái hiện hiện thực và trong tư duy, là quá trình con người nhận biết, hiểu biết về thế giới quan hoặc kết quả của quá trình đó”

Thông qua nhận thức, con người nhận biết về cuộc sống và hiểu biết về thế giới, từ đó con người làm chủ được thiên nhiên, xã hội và tác động vào thế giới một cách phù hợp nhất, để đem lại hiệu quả cao nhất để tồn tại và liên tục phát triển

Trang 20

Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa ra cách định nghĩa khác nhau về khái niệm nhận thức Nhưng tất cả khái niệm nhận thức đều đề cập đến khả năng phản ánh các sự vật, sự việc của con người một cách tích cực, khách quan thông qua các hoạt động thực tiễn

Trong cuốn Psychosocial interventions A Handbook, thuật ngữ “tâm lý - xã

hội” dùng để chỉ mối quan hệ năng động giữa khía cạnh tâm lý của một con người

và khía cạnh xã hội của con người Khía cạnh tâm lý bao gồm các quá trình nội tâm, cảm xúc và suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng, và khía cạnh xã hội bao gồm các mối quan hệ, mạng lưới gia đình và cộng đồng, các giá trị xã hội và thực hành văn hóa

Do đó, “Hỗ trợ tâm lý - xã hội” đề cập đến các hành động nhằm giải quyết cả nhu cầu tâm lý và xã hội của cá nhân, gia đình và cộng đồng (The International Red Cross and Red Crescent, 2021)

“Khung tâm lý - xã hội năm 2005 - 2007” của Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) định nghĩa hỗ trợ tâm lý - xã hội là “một quá trình tạo điều kiện cho khả năng phục hồi của các cá nhân, gia đình và cộng đồng”, giúp các gia đình phục hồi sau tác động của khủng hoảng và đối phó với những sự kiện như vậy trong tương lai Bằng cách tôn trọng sự độc lập, nhân phẩm và cơ chế ứng phó của các cá nhân

và cộng đồng, hỗ trợ tâm lý - xã hội sẽ thúc đẩy việc khôi phục sự gắn kết và cơ sở

hạ tầng xã hội (The International Red Cross and Red Crescent, 2021)

Nói cách khác, hỗ trợ tâm lý - xã hội giúp mọi người phục hồi sau khi khủng hoảng làm gián đoạn cuộc sống của họ Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đã thực hiện các can thiệp hỗ trợ tâm lý - xã hội dựa vào cộng đồng, tập trung vào việc tăng cường mối liên kết xã hội của người dân trong các cộng đồng bị ảnh hưởng,

Trang 21

bằng cách cải thiện phúc lợi tâm lý - xã hội của các cá nhân và của cộng đồng nói chung Cách tiếp cận này dựa trên ý tưởng rằng nếu mọi người được trao quyền để chăm sóc bản thân và lẫn nhau, thì sự tự tin và nguồn lực của cá nhân và cộng đồng

sẽ được cải thiện Ngược lại, điều này sẽ khuyến khích sự phục hồi tích cực và tăng cường khả năng của họ để đối phó với những thách thức trong tương lai (The International Red Cross and Red Crescent, 2021)

Hỗ trợ tâm lý - xã hội vừa mang tính phòng ngừa, vừa mang tính can thiệp Tính phòng ngừa của hỗ trợ tâm lý - xã hội thể hiện ở khả năng làm giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần Tính can thiệp giúp các cá nhân và cộng đồng khắc phục và giải quyết các vấn đề tâm lý - xã hội có thể nảy sinh do cú sốc và ảnh hưởng của khủng hoảng Hai khía cạnh hỗ trợ tâm lý - xã hội này góp phần xây dựng khả năng phục hồi khi đối mặt với những khủng hoảng mới hoặc những hoàn cảnh sống đầy thử thách khác (The International Red Cross and Red Crescent, 2021)

Hướng dẫn của Bộ Y tế New Zealand (2007) về cung cấp hỗ trợ tâm lý - xã hội sau các sự kiện khẩn cấp nêu ra các nguyên tắc được xác định từ việc xem xét tài liệu để mô tả các phản ứng có thể xảy ra nhất của các cá nhân và cộng đồng trong các sự kiện khẩn cấp, đồng thời cung cấp hướng dẫn về mức độ can thiệp đã được chứng minh là hữu ích nhất cho những người gặp phải các phản ứng nằm ngoài phạm vi dự kiến, về cường độ hoặc thời gian (Ministry of Health - New Zealand, 2007) Những nguyên tắc này bao gồm:

1 Hầu hết mọi người sẽ trải qua một số phản ứng tâm lý - xã hội, thường là trong phạm vi có thể kiểm soát được Một số có thể biểu hiện những phản ứng cực đoan hơn trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn

2 Hầu hết mọi người sẽ hồi phục sau một sự kiện khẩn cấp nếu có thời gian và

sự hỗ trợ cơ bản

3 Có mối liên hệ giữa yếu tố tâm lý - xã hội của quá trình phục hồi và các yếu

tố phục hồi khác

Trang 22

4 Hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp phải hướng tới việc đáp ứng các nhu cầu

7 Các chương trình tiếp cận, sàng lọc và can thiệp đối với sang chấn hoặc các vấn đề liên quan phải phù hợp với thực tiễn và tiêu chuẩn đạo đức hiện hành

8 Các hoạt động có sẵn là một phần quan trọng trong việc lập kế hoạch phục hồi tâm lý - xã hội hiệu quả

9 Mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, việc lập kế hoạch và thống nhất hợp

lý về các chức năng phục hồi và ứng phó tâm lý - xã hội là rất quan trọng

Hình 1 Khung lý thuyết hỗ trợ tâm lý - xã hội và điều trị sức khỏe tâm thần (The International Red Cross and Red Crescent Movement’s Mental Health and Psychosocial Support Framework - Psychosocial Support IFRC (pscentre.org))

(The International Red Cross and Red Crescent, 2021)

Trang 23

1.2.3 Bạo lực gia đình và bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Bạo lực gia đình có thể được hiểu là việc một người trưởng thành lạm dụng quyền lực trong mối quan hệ nhằm kiểm soát người khác, là việc thiết lập sự kiểm soát và sợ hãi trong một mối quan hệ thông qua bạo lực và các hình thức lạm dụng khác Bạo lực gia đình có thể thông qua các hình thức tấn công thể chất, lạm dụng tâm lý, lạm dụng xã hội, lạm dụng tài chính hoặc tấn công tình dục

Đạo luật Bảo vệ Phụ nữ khỏi Bạo lực Gia đình năm 2005 quy định rằng bất kỳ hành động, hành vi cố ý hay vô tình nào gây tổn hại/thương tích hoặc có khả năng gây tổn hại/thương tích sẽ bị pháp luật coi là bạo lực gia đình Ở Việt Nam, theo Khoản 2, Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật số 13/2022/QH15 năm

2022, Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc

có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình Hành vi bạo lực gia đình cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng (Quốc hội CHXHCN Việt Nam, 2022)

Hiện nay, chưa có định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi về bạo lực đối với phụ nữ Một số nhà hoạt động nhân quyền thường định nghĩa một cách bao quát hơn về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, gồm “bạo lực mang tính cơ cấu” như nghèo đói và khả năng tiếp cận y tế và giáo dục không bình đẳng Một số chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác lại lập luận về một định nghĩa hẹp hơn để không làm mất đi khả năng mô tả thực sự của thuật ngữ này Do đó, nhu cầu phát triển các định nghĩa cụ thể đã được thừa nhận để nghiên cứu và giám sát, ứng dụng đa văn hóa hiệu quả hơn

Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (The United Nations Declaration on the Elimination of Violence against Women) năm 1993 đã định nghĩa bạo lực đối với phụ nữ là “bất kỳ hành vi bạo lực trên cơ sở giới nào dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại/đau khổ về thể chất, tình dục, tâm lý cho phụ

nữ, bao gồm cả việc đe dọa những điều đó, hành vi ép buộc hoặc tước đoạt tự do

Trang 24

một cách tùy tiện, dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong đời sống riêng tư” (Lars Adam Rehof, 2021)

Định nghĩa này đề cập đến nguồn gốc bạo lực dựa trên giới, thừa nhận rằng

“bạo lực đối với phụ nữ là một trong những cơ chế xã hội quan trọng mà qua đó phụ

nữ bị buộc phải vào vị trí phụ thuộc so với nam giới” Nó mở rộng định nghĩa về bạo lực bằng cách bao hàm cả những tổn hại về thể chất và tâm lý đối với phụ nữ, cũng như các hành vi trong đời sống riêng tư và công cộng Tuyên bố của Liên hợp quốc cũng định nghĩa bạo lực đối với phụ nữ bao gồm nhưng không giới hạn ở ba lĩnh vực: bạo lực xảy ra trong gia đình, trong cộng đồng nói chung và bạo lực do Nhà nước gây ra hoặc dung túng

Bạo lực gia đình, như được định nghĩa trong Tuyên bố này, bao gồm bạo lực

do bạn tình và các thành viên khác trong gia đình gây ra và được biểu hiện thông qua:

- Bạo hành thể xác như tát, đánh đập, vặn tay, đấm, bóp cổ, thiêu, đá, đe dọa bằng đồ vật hoặc vũ khí, giết người Nó cũng bao gồm các tập tục truyền thống có hại cho phụ nữ như cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và thừa kế vợ (tập tục chuyển một góa phụ và tài sản của cô ấy cho anh/em trai của người chồng đã chết)

- Lạm dụng tình dục như ép buộc quan hệ tình dục thông qua đe dọa, hăm dọa hoặc dùng vũ lực, ép buộc có hành vi tình dục không mong muốn hoặc ép buộc quan hệ tình dục với người khác

- Lạm dụng tâm lý bao gồm hành vi nhằm mục đích đe dọa và ngược đãi, dưới hình thức đe dọa bỏ rơi hoặc lạm dụng, nhốt trong nhà, giám sát, đe dọa tước quyền nuôi con, phá hủy đồ vật, cô lập, gây hấn bằng lời nói và thường xuyên

sỉ nhục

- Lạm dụng kinh tế bao gồm các hành vi như từ chối cấp vốn, từ chối đóng góp tài chính, từ chối cung cấp thực phẩm và các nhu cầu cơ bản, kiểm soát khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc làm, v.v

Trang 25

Tuyên bố của Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ cũng khẳng định: “Bạo lực đối với phụ nữ là biểu hiện của mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng mang tính lịch sử trong mối quan hệ giữa nam giới và nữ giới, dẫn đến sự thống trị

và phân biệt đối xử của nam giới đối với nữ giới và ngăn chặn quyền được tiến bộ hoàn toàn của phụ nữ…”

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, “Bạo lực đối với phụ nữ là vấn nạn ở mọi quốc gia và nền văn hóa, để lại những vết sẹo khó lành đối với hàng triệu phụ nữ và gia đình của họ”

1.2.4 Sang chấn tâm lý và tái sang chấn tâm lý

Trong ngôn ngữ hàng ngày, “sang chấn” thường được sử dụng để chỉ một sự kiện gây sốc hoặc gây căng thẳng Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học tâm lý, cần phải hiểu rằng “sang chấn” đề cập đến sự căng thẳng cực độ lấn át khả năng ứng phó của một cá nhân Các chuyên gia trong lĩnh vực này định nghĩa sang chấn tâm

Sang chấn tâm lý là trải nghiệm độc nhất của cá nhân về một sự kiện hoặc tình trạng lâu dài, trong đó: Khả năng nhận thức trải nghiệm cảm xúc của cá nhân bị suy giảm, hoặc Cá nhân trải qua (một cách chủ quan) một mối đe dọa đối với tính mạng, tính toàn vẹn của cơ thể hoặc sự tỉnh táo (Laurie Anne Pearlman and Paula S Mac Ian, 1995)

Do đó, một sự kiện hoặc tình huống đau thương tạo ra sang chấn tâm lý khi nó lấn át khả năng ứng phó của cá nhân và khiến người đó lo sợ về cái chết, sự hủy diệt, bị cắt xẻo hoặc rối loạn tâm thần Cá nhân có thể cảm thấy choáng ngợp về mặt cảm xúc, nhận thức và thể chất Các tình huống của sự kiện thường bao gồm lạm dụng quyền lực, phản bội lòng tin, bị mắc bẫy, bất lực, đau đớn và/hoặc mất mát

Trang 26

Định nghĩa về sang chấn này khá rộng Nó bao gồm các phản ứng đối với các

sự cố nghiêm trọng xảy ra một lần như tai nạn, thiên tai, tội phạm, phẫu thuật, tử vong và các sự kiện bạo lực khác, đồng thời cũng bao gồm các phản ứng đối với những trải nghiệm thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại như lạm dụng trẻ em, bỏ bê, bạo lực, đổ vỡ/mất đi các mối quan hệ Tuy nhiên, định nghĩa này không cho phép chúng ta xác định liệu một sự kiện cụ thể có gây sang chấn hay không điều đó tùy thuộc vào mỗi cá nhân trải qua sự kiện Định nghĩa này cung cấp kim chỉ nam cho chúng ta về trải nghiệm của một cá nhân về các sự kiện và điều kiện trong cuộc sống của họ

Jon Allen (1995) cho rằng có hai thành phần tạo nên trải nghiệm sang chấn, bao gồm khách quan và chủ quan: “Chính trải nghiệm chủ quan về các sự kiện khách quan đã cấu thành nên sang chấn… Bạn càng tin rằng mình đang gặp nguy hiểm thì bạn dễ bị sang chấn Về mặt tâm lý, điểm mấu chốt của sang chấn là cảm xúc dâng trào và cảm giác hoàn toàn bất lực Có thể có hoặc không có tổn thương

cơ thể, nhưng sang chấn tâm lý đi đôi với biến đổi về sinh lý đóng vai trò chủ đạo trong tác động dài hạn” (Jon G Allen, 1995)

Nói cách khác, sang chấn được xác định bởi trải nghiệm của cá nhân Hai người có thể trải qua cùng một sự kiện độc hại và một người có thể bị sang chấn trong khi người kia vẫn tương đối bình yên Không thể đưa ra những khái quát chung chung như “sự kiện X gây sang chấn cho tất cả những ai trải qua nó” hoặc

“sự kiện Y không gây chấn thương vì không có ai bị tổn thương về thể chất” Ngoài

ra, các khía cạnh cụ thể của một sự kiện gây sang chấn sẽ khác nhau ở mỗi cá nhân Không thể cho rằng các chi tiết hoặc ý nghĩa của một sự kiện, chẳng hạn như một

vụ tấn công bạo lực hoặc cưỡng hiếp, gây đau khổ nhất cho một người cũng sẽ giống như vậy đối với một người khác(Jon G Allen, 1995)

Sang chấn có nhiều dạng và có sự khác biệt lớn giữa những người trải qua sang chấn Tuy nhiên vẫn có những điểm tương đồng về các yếu tố gây căng thẳng cũng như kiểu phản ứng của cá nhân

Có thể nói rằng số người đã từng bị sang chấn chắc chắn là đa số Chẳng hạn như ở Việt Nam, chỉ với riêng bạo lực gia đình, đã có tới 62,9% phụ nữ báo cáo đã

Trang 27

từng ít nhất 1 lần trải qua bạo lực trong đời (Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường,

2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 2019), trong khi tại Mỹ, tỷ lệ phổ biến trong suốt cuộc đời do tiếp xúc với một sự kiện đau thương được ước tính là 50-89% dân số Mỹ (Dean G Kilpatrick et al., 2013) Một nghiên cứu quốc gia ở Canada cho thấy một nửa số phụ nữ Canada đã từng trải qua ít nhất một lần bạo lực thể chất hoặc tình dục ở tuổi 16 (Pamela Ponic et al., 2016) Ở Ontario, khoảng 31% nam và 21% nữ bị lạm dụng thân thể thời thơ ấu và 13% nữ và 4% nam bị lạm dụng tình dục (Harriet L MacMillan et al., 1997) Với tiền sử sang chấn tâm lý, họ thường sẽ tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe (Kathleen A Martin Ginis et al., 2010)và xã hội dịch vụ (Heather Larkin and Jihyun Park, 2012) Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe tâm thần phải có sự nhận biết, nhạy cảm về sang chấn (Sandra L Bloom and Brian Farragher, 2010)

Trong cuốn “Trauma-Informed Care in Behavioral Health Services của SAMHSA, các tác động của sang chấn tâm lý được đề cập như sau:

Sang chấn dẫn đến sự thay đổi về sinh lý thần kinh: gia tăng hoạt động của hạch hạnh nhân và các hormone căng thẳng Những thay đổi sinh học này liên quan chặt chẽ đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn sử dụng chất gây nghiện và các bệnh tâm thần khác

Trong não bộ, hoạt động của hạch hạnh nhân gia tăng - cá nhân có thể bị mắc kẹt trong trạng thái “chiến hay biến” Trạng thái này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng suy nghĩ sáng suốt và kĩ càng, do vậy dễ dẫn đến các hành vi không không mong muốn Hồi hải mã với nhiệm vụ chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn có thể bị nhỏ lại, có thể khiến cho cá nhân đó gặp vấn đề về trí nhớ (Kevin M Sherin et al., 2022), (SAMSHA, 2014)

Sang chấn để lại nỗi sợ hãi, do đó cá nhân đó trở nên rất nhạy cảm với các kích thích bên ngoài, dễ căng thẳng và bất an nhiều hơn, dễ nhìn nhận một sự việc mang tính đe dọa với bản thân hơn người khác (Wiktoria Kozlowska, 2020)

Khi “phần cứng” của não bộ bị thay đổi, các chức năng xã hội và tâm thần của

cá nhân sẽ bị ảnh hưởng Điều này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, các khó

Trang 28

khăn trong học tập, các kĩ năng giao tiếp và khả năng quản lý bản thân, cảm giác thấp kém về giá trị bản thân, v.v

Bên cạnh sang chấn, những nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ cũng cần có hiểu biết

về tái sang chấn Một thách thức lớn trong phân tích về “tái sang chấn” là thuật ngữ này thiếu một định nghĩa nhất quán cũng như tính giá trị về mặt lâm sàng và thiếu tính cấu trúc đối với bất kỳ định nghĩa được đề xuất nào (Melanie P Duckworth and Victoria M Follette, 2012), (Sonja V Batten and James A Naifeh, 2012) Bản sửa đổi của ấn bản lần thứ năm của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần - cuốn sách được coi là hướng dẫn tham khảo chính cho các bác sĩ, nhà tâm lý học, nhân viên công tác xã hội trong việc xác định và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần - không hề đề cập đến “tái sang chấn”

Các tài liệu chuyên ngành khoa học chính trị đã sử dụng định nghĩa về tái sang chấn là việc “tái kích hoạt” căng thẳng sau sang chấn do việc kể lại hoặc gắn kết cảm xúc với câu chuyện về sang chấn trong quá khứ Theo định nghĩa này, sang chấn trong quá khứ được hiểu theo nghĩa rộng: ví dụ, mọi người có thể bị tổn thương do chứng kiến, thực hiện hoặc trải qua bạo lực Leshner và Foy mô tả hiện tượng này liên quan đến các sự kiện liên tiếp trong cuộc sống: “thuật ngữ sang chấn

đề cập đến hiện tượng tâm lý liên quan đến một trải nghiệm bất ngờ, đe dọa tính mạng hoặc mang tính kinh hoàng, thường kéo theo những ký ức và phản ứng gây khó chịu… Khi các cá nhân trải qua sang chấn hoặc sang chấn tâm lý nhiều lần, người ta có thể nói rằng họ đã bị tái sang chấn” (Anna F Leshner et al., 2012) Follette và Duckworth (2012), trong cuốn sách về tái sang chấn, cũng là cuốn sách học thuật duy nhất về tái sang chấn, định nghĩa nó là “các phản ứng, đáp ứng

và triệu chứng căng thẳng sau sang chấn xảy ra do tiếp xúc nhiều lần với các sự kiện sang chấn về thể chất, tâm lý hoặc cả hai”(Melanie P Duckworth and Victoria

M Follette, 2012) Họ chỉ ra rằng các sự kiện gây sang chấn có thể bao gồm hành hung, lạm dụng, tai nạn, hoặc thực hiện hoặc chịu các hành vi bạo lực Họ chỉ rõ rằng họ không sử dụng thuật ngữ “nỗi đau khổ xảy ra khi kể lại câu chuyện về chấn

Trang 29

thương” - tức là quá trình tái kích hoạt mà Leshner và các cộng sự nói đến (Anna F Leshner et al., 2012)

Alexander (2012) khẳng định tái sang chấn xảy ra khi một người trải nghiệm lại một sự kiện gây sang chấn tâm lý trước đó, có thể là có ý thức hoặc vô thức Điều này có thể được gây ra bởi các yếu tố gây căng thẳng giống với môi trường hoặc hoàn cảnh của tổn thương ban đầu, chẳng hạn như mùi, không gian vật lý, ánh sáng, hình ảnh, ký ức, hoặc thậm chí một mối quan hệ mới mô phỏng một mối quan

hệ gây sang chấn tâm lý trước đây (Pamela C Alexander, 2012)

Khái niệm tái sang chấn được trình bày trong tài liệu tập huấn về TIC của Hagar Tái sang chấn có thể xảy ra khi cá nhân gợi nhớ lại sự kiện trong quá khứ, gây ra việc trải nghiệm lại sang chấn như lần đầu Tái sang chấn có thể bị kích hoạt bởi một tình huống, một thái độ hoặc một cảm giác mất quyền lực, mất kiểm soát và mất an toàn (Hagar International, 2019) Đối với một số người, tái sang chấn có thể mạnh mẽ như lần đầu tiên họ trải qua sự kiện đó, với nhiều người khác tái trải nghiệm có thể ở cấp độ nhẹ hơn Những yếu tố kích hoạt tái sang chấn với mỗi cá nhân đều khác nhau vì trải nghiệm sang chấn và yếu tố hàn gắn với mỗi người là đa dạng Đối với một số người, chứng kiến những sự kiện tương tự, đọc về chúng trên báo, hay xem trên tivi, phim ảnh có thể dẫn đến sự tái sang chấn (Pamela C Alexander, 2012) Đối với một số khác, trải qua các quy trình pháp lý hình sự có thể gây kích hoạt mạnh, đặc biệt khi họ phải làm việc với những nhân viên thực hành luật không hiểu về sang chấn (Leila Ostad-Hashemi, 2017) Tái sang chấn có thể gây ra sự căng thẳng nghiêm trọng dẫn tới cản trở quá trình hồi phục lâu dài Do đó phòng ngừa tái sang chấn là rất quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu quả của quá trình trợ giúp (Melanie P Duckworth and Victoria M Follette, 2012, Anna F Leshner et al., 2012)

1.2.5 Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn

1.2.5.1 Khái niệm

Maxine Harris và Roger Fallot (2001) đã đề cập tới khái niệm về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn (Trauma-Informed Care - TIC), ban đầu tập trung vào

Trang 30

sàng lọc và đánh giá sang chấn tâm lý phổ quát, giảm thiểu tái sang chấn trong môi trường dịch vụ và đào tạo các nhà cung cấp dịch vụ về bản chất và tác động tâm sinh lý của sang chấn tâm lý (Maxine Harris and Roger D Fallot, 2001) Sau đó, với đánh giá của SAMSHA năm 2014, TIC thành một phương thức tiếp cận nổi bật đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ về sang chấn tâm lý

Harris và Fallot nhấn mạnh rằng TIC không phải để điều trị triệu chứng hay hội chứng mà là cung cấp dịch vụ theo cách phù hợp với nhu cầu riêng của từng nạn nhân bị sang chấn tâm lý Họ so sánh TIC tập trung vào tương tác hàng ngày với các mô hình điều trị cụ thể giải quyết triệu chứng sang chấn (Maxine Harris and Roger D Fallot, 2001)

Các dịch vụ hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn là những dịch vụ kết hợp sự hiểu biết về tác động của bạo lực và sang chấn tâm lý trong cuộc sống của thân chủ trong các dịch vụ sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khỏe và xã hội

TIC tiếp cận nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo cách có tính đến bất kỳ sang chấn tâm lý nào mà thân chủ/bệnh nhân có thể đã trải qua Mục tiêu chính là ngăn chặn bất kỳ tái sang chấn nào có thể khiến khách hàng dừng việc tiếp tục trị liệu Các chuyên gia thực hành TIC cố gắng hiểu đầy đủ ảnh hưởng của sang chấn

và đưa ra kế hoạch điều trị để hỗ trợ hồi phục Họ kiểm tra các chính sách và thực hành của mình để cải thiện việc thực hiện chăm sóc dựa trên hiểu biết về sang chấn Trong toàn bộ tổ chức thực hành TIC, các chuyên gia có thể xác định các triệu chứng của sang chấn tâm lý ở bệnh nhân (Joshua M Wilson et al., 2015, Kathryn A Becker-Blease, 2017, Shanti Kulkarni, 2019)

Năm 2005, SAMSHA thành lập Trung tâm quốc gia về Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn (National Center for Trauma-Informed Care- NCTIC) và TIC được coi là “một sự thay đổi văn hóa” quan trọng không chỉ trong cách tiếp cận trị liệu chữa lành và bảo đảm công bằng cho những người bị sang chấn tâm lý mà còn

cả với văn hóa làm việc của tổ chức Một số cơ quan kiểm duyệt còn đưa TIC vào các tiêu chuẩn yêu cầu SAMSHA ưu tiên phát triển “phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng toàn diện đối với sang chấn tâm lý” thông qua xác định TIC là sự chuyển đổi cần thiết để tất cả các hệ thống dịch vụ sức khỏe tâm thần phải áp dụng (SAMSHA, 2015)

Trang 31

TIC tiếp tục được áp dụng và mở rộng với các thực hành lâm sàng và nghiên cứu mới, được trải rộng từ các hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ như các đơn vị hỗ trợ an sinh trẻ em và trường học, tới các nhà tạm lánh cho những người vô gia cư (Elizabeth K Hopper et al., 2010, Lisa Conradi et al., 2011), mỗi nơi lại có một thực hành TIC của mình (Trauma-Informed Practice- TIP) là những áp dụng thực tế cụ thể TIC trong các chương trình hỗ trợ nạn nhân Tuy vậy, tập hợp lại các hướng dẫn

về thực hành áp dụng TIC ở các cơ quan khác nhau, SAMSHA đã phát triển bao gồm các nguyên tắc cơ bản của Harris và Fallot (Maxine Harris and Roger D Fallot,

2001, Maxine Ed Harris and Roger D Fallot, 2001, SAMSHA, 2015) và những bổ sung sau này qua WCDVS (Denise E Elliott et al., 2005, Gregory J McHugo et al., 2005) cùng các bổ sung mới liên quan tới áp lực xã hội và bản sắc, các nguyên tắc hướng dẫn thực hành TIC đã bao gồm: thiết lập một môi trường an toàn; phát triển

sự tin cậy và minh bạch; cung cấp các hệ thống hỗ trợ đồng đẳng; thúc đẩy sự hợp tác và tương hỗ giữa nhân viên và người tham gia; hỗ trợ trao quyền, tiếng nói và sự lựa chọn của nạn nhân; và quan tâm đến các vấn đề văn hóa, giới tính và lịch sử (SAMSHA, 2015)

Hình 2 Khung lý thuyết 4R của hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn

Nhận diện các dấu hiệu và triệu chứng sang chấn ở khác hàng, gia đình, đồng nghiệp và các hệ thống liên quan khác

Realise Nhận biết

Resist

Ngăn ngừa tái sang chấn

Response

Nhạy cảm lồng ghép

Recognise

Nhận diện

Nhận biết tác động của sang chấn và hiểu được các phương cách phục hồi tiềm năng

Nhạy cảm lồng ghép các kiến thức

về sang chấn vào các chính sách, quy trình

và thực hành

Ngăn ngừa tái sang chấn cho trẻ

em và người lớn những người chăm sóc nạn nhân

Trang 32

- Nhận biết (R1: Realize) các tác động của sang chấn và hiểu được các phương cách phục hồi tiềm năng Việc nhận biết các tác động của sang chấn ngắn hạn và dài hạn

- Nhận diện (R2: Recognize) các dấu hiệu và triệu chứng sang chấn ở khác hàng, gia đình, đồng nghiệp và các hệ thống liên quan khác

- Nhạy cảm lồng ghép (R3: response) các kiến thức về sang chấn vào các chính sách, quy trình và thực hành

- Ngăn ngừa tái sang chấn (R4: Resist) cho trẻ em và người lớn những người chăm sóc nạn nhân

1.2.5.2 Các nguyên tắc cốt lõi của Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn

Các dịch vụ hỗ trợ cá nhân được đánh giá là hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý đã áp dụng 6 nguyên tắc cụ thể: an toàn; đáng tin cậy và minh bạch; hỗ trợ ngang hàng; cộng tác và tương hỗ; trao quyền, tiếng nói và sự lựa chọn; và các vấn đề văn hóa (SAMSHA, 2015) Những nguyên tắc này giúp các tổ chức xây dựng các quy trình và hệ thống tập trung vào việc chăm sóc bệnh nhân và nhân viên bằng cách xác định lại các quy trình và hệ thống của tổ chức

Hình 3 Khung tiêu chuẩn thực hành Hỗ trợ dựa trên hiểu biết sang chấn của

1 Sự an toàn/

safety

3 Hỗ trợ đồng đẳng/ Peer Support

4 Hợp tác và trao đổi/

collaboration and Mutuality

5 Sự trao quyền, Tiếng nói

và Lựa chọn/ Empowerment, Voice, and Choice

4 thành tố

Nhận biết tác động của sang chấn

hiệu và triệu chứng sang chấn

Nhạy cảm lồng ghép

các kiến thức về sang chấn

Ngăn ngừa tái sang chấn

Trang 33

6 nguyên tắc cốt lõi (SAMHSA's trauma-informed approach (Lang và cộng sự, 2015) bao gồm:

1) An toàn: Trong toàn bộ tổ chức, nhân viên và khách hàng/ thân chủ mà họ phục vụ cảm thấy an toàn về thể chất và tâm lý

2) Độ tin cậy và tính minh bạch: Các hoạt động và quyết định của tổ chức được thực hiện với tính minh bạch và mục tiêu xây dựng và duy trì lòng tin giữa nhân viên, khách hàng và thành viên gia đình của những người nhận dịch vụ

3) Hỗ trợ đồng đẳng: Đây là những yếu tố không thể thiếu đối với cách tiếp cận tổ chức và cung cấp dịch vụ và được hiểu là phương tiện quan trọng để xây dựng lòng tin, thiết lập an toàn và trao quyền

4) Hợp tác và tương hỗ: Có sự công nhận rằng sự hàn gắn xảy ra trong các mối quan hệ và trong việc chia sẻ quyền lực và ra quyết định có ý nghĩa Tổ chức công nhận rằng mọi người đều có vai trò trong cách tiếp cận được thông báo về tổn thương Người ta không cần phải là một nhà trị liệu để được trị liệu

5) Trao quyền, tiếng nói và sự lựa chọn Tổ chức nhằm mục đích tăng cường trải nghiệm lựa chọn của nhân viên, khách hàng và các thành viên gia đình và công nhận rằng trải nghiệm của mỗi người là duy nhất và yêu cầu một cách tiếp cận cá nhân hóa Điều này được xây dựng dựa trên những gì khách hàng, nhân viên và cộng đồng phải cung cấp, thay vì phản ứng với những thâm hụt đã nhận thức được 6) Nhạy cảm về văn hóa, lịch sử và giới: Tổ chức tích cực thay đổi các định kiến và thành kiến văn hóa trong quá khứ, cung cấp các dịch vụ đáp ứng về mặt văn hóa, tận dụng giá trị hàn gắn của các kết nối văn hóa truyền thống, nhận biết và giải quyết các sang chấn lịch sử

1.2.6 Nhận thức về hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

Hỗ trợ tâm lý - xã hội cho những nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm các hoạt động sau:

- Tư vấn tâm lý: Giúp nạn nhân giải tỏa căng thẳng, xử lý sang chấn tâm lý, phục hồi niềm tin vào bản thân và con người

Trang 34

- Tư vấn pháp lý: Tư vấn về quyền lợi và giúp đỡ pháp lý như làm đơn tố cáo, yêu cầu bảo vệ tạm thời, ly hôn

- Hỗ trợ y tế: Khám sức khỏe, điều trị thương tích, chăm sóc sức khỏe tinh thần

- Hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, chi phí tố tụng cho những hoàn cảnh khó khăn

- Tổ chức hòa giải gia đình: Gặp gỡ, đối thoại với người gây bạo lực để thuyết phục chấm dứt bạo lực

- Hướng dẫn, hỗ trợ tái hòa nhập: Giúp nạn nhân ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm để trở lại cộng đồng

Áp dụng nguyên tắc TIC, những người hỗ trợ cần được trang bị thêm một số

kỹ năng để các hoạt động hỗ trợ tâm lý - xã hội có thể mang lại hiệu quả lâu dài hơn cho người được hỗ trợ, bao gồm:

- Tạo môi trường an toàn, tin cậy để nạn nhân cảm thấy thoải mái chia sẻ Ví dụ: hỗ trợ riêng tư, bảo mật thông tin, không gây áp lực

- Lắng nghe chia sẻ với sự cảm thông, không phán xét Khích lệ nạn nhân nói

“bạn đã bị làm sao?” thành “chuyện gì đã xảy ra với bạn?”; “nạn nhân” được nhìn nhận là “người đã trải qua” là một trong những cách thức cần thực hiện góp phần giảm nguy cơ tái sang chấn hoặc nạn nhân hóa sau này

Trang 35

Tiểu kết chương 1

Hỗ trợ tâm lý - xã hội là quá trình tạo điều kiện cho khả năng phục hồi của các

cá nhân, gia đình và cộng đồng, vừa mang tính phòng ngừa, vừa mang tính can thiệp Bạo lực gia đình được hiểu là việc một người trưởng thành lạm dụng quyền lực trong mối quan hệ nhằm kiểm soát người khác, có thể thông qua các hình thức tấn công thể chất, lạm dụng tâm lý, lạm dụng xã hội, lạm dụng tài chính hoặc tấn công tình dục Trong đó, bạo lực gia đình đối với phụ nữ là bất kỳ hành vi bạo lực trên cơ sở giới nào dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại/đau khổ về thể chất, tình dục, tâm lý cho phụ nữ, bao gồm cả việc đe dọa những điều đó, hành vi ép buộc hoặc tước đoạt tự do một cách tùy tiện, dù xảy ra ở nơi công cộng hay trong đời sống riêng tư Các dịch vụ hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn là những dịch vụ kết hợp sự hiểu biết về tác động của bạo lực và sang chấn tâm lý trong cuộc sống của thân chủ trong các dịch vụ sức khỏe tâm thần, chăm sóc sức khỏe và xã hội

Hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình dựa trên hiểu biết về sang chấn là việc áp dụng các nguyên tắc TIC một cách xuyên suốt quá trình hỗ trợ chữa lành và phục hồi

Trên thế giới đã có những nghiên cứu về thực hành hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý (TIC) và cho thấy nhiều kết quả tích cực, giúp cho những người trải qua bạo lực có thể cải thiện sức khỏe tâm thần và tránh tái sang chấn tâm lý trong quá trình nhận hỗ trợ trị liệu Tuy nhiên, do bối cảnh, điều kiện khác nhau, các nghiên cứu quốc tế đang chủ yếu ở các trung tâm chuyên về hỗ trợ những người trải qua sang chấn tâm lý, có chuyên môn Việc áp dụng TIC với các nhóm

hỗ trợ “nghiệp dư” và “tại cộng đồng” chưa có nghiên cứu nào để đánh giá hiệu quả thực tế

Vấn đề hỗ trợ tâm lý - xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình và phương pháp

hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý là một vấn đề mới ở Việt Nam, được Hagar International tiếp cận và giới thiệu tới các tổ chức và đối tác ở Việt Nam mới chỉ từ 2018 trở lại đây và cũng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam

Trang 36

CHƯƠNG 2: TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Vài nét về địa bàn và khách thể nghiên cứu

2.1.1 Địa bàn nghiên cứu

Nghiên cứu đã triển khai tại 7 xã thuộc huyện Y, tỉnh X Y là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Cao Lan, Tày, Nùng sống xen kẽ trong các thôn bản cùng dân tộc Kinh, có địa bàn nằm quanh vùng hồ thủy điện, không quá xa trung tâm của tỉnh và có đường quốc lộ đi qua nên điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin

dễ dàng hơn với một số huyện vùng cao khác của tỉnh miền núi phía Bắc này 7 xã được lựa chọn có dân số khoảng 30,000 người trong số khoảng 115,000 người của

cả huyện, là các xã đã và đang thực hiện các hoạt động liên quan tới an sinh trẻ em, trong đó có công tác bảo vệ trẻ em và các hoạt động về phòng chống bạo lực trong khuôn khổ chương trình phát triển do một tổ chức INGO tài trợ

Bảng 2.1 Phân bố khách thể theo địa bàn nghiên cứu Địa bàn nghiên cứu (xã) Số lượng (n) Tỷ lệ %

Trang 37

Bảng 2.2 Một số đặc điểm của khách thể nghiên cứu

(N=110)

Tỷ lệ (%)

Trang 38

Đặc điểm n

(N=110)

Tỷ lệ (%)

Làm thuê cho cơ sở tư nhân/lao động

tượng nghiên cứu

Cán bộ địa phương tham gia công tác

Tham gia nhóm

đoàn thể xã hội

2.2 Tổ chức nghiên cứu

2.2.1 Tổ chức nghiên cứu lý luận

Từ tháng 5 /2022 đến tháng 8/2022, tiến hành xác định vấn đề nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu và tiến hành thu thập các tài liệu tham khảo, tài liệu có liên quan phục vụ cho nội dung nghiên cứu

2.2.2 Tổ chức nghiên cứu thực tiễn

Tiến hành từ tháng 8/2022 đến tháng 10/2023, với các bước cụ thể như sau:

Trang 39

- Giai đoạn chuẩn bị khảo sát: Từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, thiết kế bộ công cụ điều tra thực tiễn

- Giai đoạn điều tra chính thức: Từ tháng 7/2023 đến tháng 10/2023,

- Giai đoạn xử lý số liệu và hoàn thiện luận văn: Từ tháng 10/2023 đến tháng 11/2023, sử dụng các thuật toán thống kê trong nghiên cứu xã hội học với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 24.0 để xử lý số liệu, sau đó tiến hành phân tích thực trạng, bàn luận, đề xuất kiến nghị và hoàn thiện luận văn

2.3 Phương pháp nghiên cứu

2.3.1 Phương pháp nghiên cứu tài liệu

- Mục đích:

+ Xác định hướng nghiên cứu cụ thể của đề tài

+ Tổng quan tình hình nghiên cứu của các tác giả về vấn đề nghiên cứu

+ Xây dựng các khái niệm công cụ

+ Xây dựng cơ sở lý luận khoa học cho vấn đề nghiên cứu

- Nội dung:

+ Từ việc nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và đánh giá những nghiên cứu của các tác giả khác để phát hiện ra những vấn đề còn tồn tại hoặc chưa được đề cập đến trong các nghiên cứu đó để tiếp tục tiến hành nghiên cứu trong đề tài này

+ Xây dựng hệ thống khái niệm công cụ làm cơ sở cho việc nghiên cứu

+ Xác định các nội dung nghiên cứu trong thực tiễn cần tiến hành

- Cách tiến hành: Đọc tìm hiểu các tài liệu liên quan tới đề tài Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và đánh giá các tài liệu

2.3.2 Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

- Mục đích: Khảo sát mức độ và sự hiểu biết của các thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng như thành viên Ban công tác mặt trận, Tổ hòa giải, tổ phản ứng nhanh/ Ban phát triển thôn bản,… về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

- Nội dung: Phiếu thu thập thông tin bao gồm các câu hỏi xoay quanh các vấn

đề về biểu hiện sự hiểu biết của các thành viên các tổ nhóm tại cộng đồng về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

Trang 40

- Công cụ nghiên cứu: Thang đo nhận thức và năng lực về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý

- Xử lý số liệu: Các số liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm MS-Excel

2010 và phần mềm thống kê toán học thường được dùng trong nghiên cứu khoa học

xã hội SPSS phiên bản 24.0

- Cách tiến hành:

+ Chuẩn bị Phiếu thu thập thông tin

+ Sử dụng phiếu thu thập thông tin về nhận thức về bạo lực gia đình và một số vấn đề giới liên quan tới bạo lực gia đình phổ biến ở cộng đồng

+ Điều tra tra viên hướng dẫn điền vào phiếu điều tra, sau đó người nghiên cứu thu lại, rà soát các mục thông tin, bổ sung và làm sạch số liệu trước khi rời địa bàn khảo sát

+ Các số liệu nghiên cứu được nhập vào phần mềm thống kê toán học dùng trong nghiên cứu khoa học xã hội SPSS phiên bản 24.0 sau đó, các tập được kiểm định lại lỗi nhập sai và thiếu để bổ sung và thống kê mô tả được thực hiện đầu tiên nhằm đánh giá mức độ hiểu biết, các biến số được xem xét thông qua việc so sánh giá trị trung bình: theo số lượng các tổng thể mẫu, nhóm nghiên cứu Điểm điểm trung bình của thang đo Likert được phân mức như sau: 1,0-2,4 (Kém), 2,5-3,4 (Trung bình) và 3,5-5,0 (Tốt) (I Elaine Allen and Christopher A Seaman, 2007) Những phân tích thống kê mô tả được thực hiện đầu tiên nhằm đánh nhận thức

và năng lực của thành viên nhóm hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý Tiếp theo, các mối quan hệ giữa các biến số được xem xét thông qua việc so sánh giá trị trung bình: theo số lượng các tổng thể mẫu, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng các kiểm định Independent Sample T Test đối với hai nhóm độc lập, One-way ANOVA đối với nhiều hơn hai nhóm độc lập

- Mô tả bảng hỏi: Bảng hỏi dành cho cá nhân trong ban giải quyết các vấn đề công tác xã hội ở cấp xã và các thôn bản là bảng hỏi tự thiết kế, bao gồm 4 phần

Phần A: Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu bao gồm: tuổi, giới, trình

độ học vấn, tình trạng hôn nhân, các nhóm/cơ chế hòa giải đang tham gia

Ngày đăng: 20/10/2024, 20:22

HÌNH ẢNH LIÊN QUAN

Hình 1. Khung lý thuyết hỗ trợ tâm lý - xã hội và điều trị sức khỏe tâm thần (The  International Red Cross and Red Crescent Movement’s Mental Health and  Psychosocial Support Framework - Psychosocial Support IFRC (pscentre.org)) - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Hình 1. Khung lý thuyết hỗ trợ tâm lý - xã hội và điều trị sức khỏe tâm thần (The International Red Cross and Red Crescent Movement’s Mental Health and Psychosocial Support Framework - Psychosocial Support IFRC (pscentre.org)) (Trang 22)
Hình 2. Khung lý thuyết 4R của hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Hình 2. Khung lý thuyết 4R của hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn (Trang 31)
Hình 3. Khung tiêu chuẩn thực hành Hỗ trợ dựa trên hiểu biết sang chấn của - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Hình 3. Khung tiêu chuẩn thực hành Hỗ trợ dựa trên hiểu biết sang chấn của (Trang 32)
Bảng 2.1. Phân bố khách thể theo địa bàn nghiên cứu  Địa bàn nghiên cứu (xã)  Số lượng (n)  Tỷ lệ % - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 2.1. Phân bố khách thể theo địa bàn nghiên cứu Địa bàn nghiên cứu (xã) Số lượng (n) Tỷ lệ % (Trang 36)
Bảng 3.3. Kết quả nhận thức về 6 nguyên tắc cốt lõi cần áp dụng trong thực - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.3. Kết quả nhận thức về 6 nguyên tắc cốt lõi cần áp dụng trong thực (Trang 47)
Bảng 3.5. So sánh nhận thức về các tác động của sang chấn tâm lý (R1) giữa - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.5. So sánh nhận thức về các tác động của sang chấn tâm lý (R1) giữa (Trang 49)
Bảng 3.6. So sánh nhận thức về các dấu hiệu của sang chấn tâm lý (R2) giữa - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.6. So sánh nhận thức về các dấu hiệu của sang chấn tâm lý (R2) giữa (Trang 50)
Bảng 3.7. So sánh nhận thức về cách thức hỗ trợ với người bị sang chấn tâm lý - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.7. So sánh nhận thức về cách thức hỗ trợ với người bị sang chấn tâm lý (Trang 51)
Bảng 3.8. So sánh nhận thức về giảm thiểu tái sang chấn (R4) giữa các nhóm - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.8. So sánh nhận thức về giảm thiểu tái sang chấn (R4) giữa các nhóm (Trang 52)
Bảng 3.9. Tự đánh giá tất cả các năng lực - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.9. Tự đánh giá tất cả các năng lực (Trang 54)
Bảng 3.11. Năng lực Hỗ trợ tâm lý - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.11. Năng lực Hỗ trợ tâm lý (Trang 56)
Bảng 3.12. Năng lực hỗ trợ nguyên tắc an toàn - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.12. Năng lực hỗ trợ nguyên tắc an toàn (Trang 57)
Bảng 3.13. Năng lực hỗ trợ nguyên tắc minh bạch - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.13. Năng lực hỗ trợ nguyên tắc minh bạch (Trang 58)
Bảng 3.14. Năng lực hỗ trợ đồng đẳng - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.14. Năng lực hỗ trợ đồng đẳng (Trang 59)
Bảng 3.15. Năng lực thúc đẩy hợp tác - Nhận thức về hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bạo lực gia Đình dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý
Bảng 3.15. Năng lực thúc đẩy hợp tác (Trang 61)

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

  • Đang cập nhật ...

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w