1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam

156 0 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Nội dung

Trang 1

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP HỒ CHÍ MINH ﺱΩﺲ

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM

CHỦ BIÊN

TS CUNG THỊ TUYẾT MAI THS HOÀNG THỊ TUYỀN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2023

Trang 2

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGÂN HÀNG TP HỒ CHÍ MINH ﺱΩﺲ

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM

CHỦ BIÊN

TS CUNG THỊ TUYẾT MAI THS HOÀNG THỊ TUYỀN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2023

Trang 3

LỜI NÓI ĐẦU

Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, thể hiện giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, với xã hội và thiên nhiên”1 và “Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”2 Hay như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Văn hoá là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh”3 Đó chính là sứ mệnh và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp kiến thiết và xây dựng xã hội mới

Kế thừa nội dung trong các nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, trong Văn kiện Đại hội XIII (2021), quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”4

Trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”5; đồng thời, coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững Đây là nội dung được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước

Như vậy, trong việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người và trong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, văn hóa chiếm vị trí và vai trò hết sức

1 Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VII,

Nxb Sự thật, Hà Nội

2 Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VII,

Nxb Sự thật, Hà Nội

3 Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb.CTQG, H, 1994, tr.16

4 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, t I, Hà Nội, 2021, tr

202

Trang 4

quan trọng Đó là lý do mà từ năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành

Công văn số 173/VP về việc tăng cường giáo dục văn hóa và đưa môn Văn hóa

học và Cơ sở văn hóa Việt Nam là môn học bắt buộc trong chương trình Đại học

và Cao đẳng ở Việt Nam

Ở Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam

được đưa vào giảng dạy từ khá lâu và đã thu hút sự chú ý, quan tâm của rất nhiều sinh viên Hiện nay, Trường đã ban hành Tài liệu tham khảo môn Cơ sở văn hóa Việt Nam đối với hệ đào tạo đại học chính quy tập trung Tuy nhiên, đối với sinh viên chương trình đào tạo từ xa, do hình thức học online có những đặc thù nên cần thiết xây dựng một tài liệu hướng dẫn ôn tập riêng Tài liệu hướng dẫn ôn tập sẽ tập trung vào các nội dung chính, cốt lõi và giải thích bản chất của các thực hành văn hóa một cách đơn giản, dễ hiểu Trên cơ sở chắt lọc hệ thống kiến thức từ các công trình nền tảng, đồng thời cập nhật những tri thức mới về văn hóa thời đại, thể hiện rõ đặc thù ngành nghề đào tạo, gắn với thực tiễn, phát huy tính sáng tạo, kỹ năng, phẩm chất người học, tập thể giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM tiến hành biên soạn tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam dành cho chương trình đào tạo từ xa với kết cấu 7 chương, trong mỗi chương đều có cả phần lý thuyết và thực hành, hệ thống các câu hỏi được chọn lọc kỹ lưỡng và có gợi ý đáp án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ôn tập của sinh viên

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song chắc chắn tài liệu không tránh khỏi những thiếu sót Chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước độc giả và rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để tài liệu ngày càng hoàn thiện hơn Mọi góp ý xin gửi về:

TS Cung Thị Tuyết Mai, Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, tầng 2, số 56 Hoàng Diệu 2, Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM, email:

maictt@hub.edu.vn

Chủ biên

TS Cung Thị Tuyết Mai

Trang 5

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

Trang 6

DANH MỤC CÁC BẢNG

Bảng 1 1 So sánh văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật 14

Bảng 2 1 Đối chiếu hai loại hình văn hoá 20

Bảng 2 2 Diễn trình văn hóa Việt Nam 40

Bảng 3 1 Sự phát triển của triết lí âm dương 78

Trang 7

DANH MỤC CÁC HÌNH

Hình 1 1 Cấu trúc của hệ thống văn hóa 15 Hình 2 1 Không gian văn hóa Việt Nam trên nền không gian văn hóa khu vực 20Hình 2 2 Phân vùng văn hóa Việt Nam 23Hình 2 3 Dấu tích văn tự cổ ở Việt Nam 71 Hình 3 1 Biểu tượng âm dương 76Hình 3 2 Nguyên lý hình thành bộ Tam tài 79Hình 3 3 Mô hình Ngũ hành 80Hình 3 4 Bảng Can chi 84Hình 4 1 Tương quan âm dương trong tổ chức xã hội Việt Nam 102 Hình 5 1 Áo yếm - di sản trang phục của phụ nữ Việt Nam 110 Hình 6 1 Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ 118

Trang 8

MỤC LỤC

PHẦN 1 TÓM TẮT LÝ THUYẾT 11

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN HÓA 11

1.1 Khái niệm văn hoá 11

1.2 Đặc trưng và chức năng của văn hóa 12

1.2.1 Tính hệ thống và chức năng tổ chức xã hội 12

1.2.2 Tính giá trị và chức năng điều chỉnh xã hội 12

1.2.3 Tính nhân sinh và chức năng giao tiếp 13

CHƯƠNG 2 TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM 18

2.1 Định vị văn hóa Việt Nam 18

2.1.1 Không gian văn hóa 18

2.1.2 Chủ thể văn hóa 19

2.1.3 Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp 20

2.1.4 Giao lưu và tiếp biến văn hóa 22

2.2 Các vùng văn hóa Việt Nam 23

2.2.1 Vùng văn hóa Tây Bắc 24

2.2.2 Vùng văn hóa Việt Bắc 26

2.2.3 Vùng văn hóa Bắc Bộ 29

2.2.4 Vùng văn hóa Trung Bộ 33

2.2.5 Vùng văn hóa Tây Nguyên 35

2.2.6 Vùng văn hóa Nam Bộ 37

2.3 Tiến trình văn hóa Việt Nam 43

2.3.1 Văn hóa thời Tiền Sử 41

2.3.2 Văn hóa thời Sơ Sử 41

Trang 9

2.3.3 Văn hóa Thiên niên kỷ đầu Công Nguyên 50

2.3.4 Văn hóa thời tự chủ (thế kỷ X đến nửa sau thế kỷ XIX) 63

2.3.5 Văn hoá Việt Nam Văn hóa thời Pháp thuộc 66

2.3.6 Văn hóa thời hiện đại (từ năm 1945 đến nay) 67

PHẦN BẢI TẬP RÈN LUYỆN 67

CHƯƠNG 3 VĂN HÓA NHẬN THỨC 75

3.1 Tư tưởng xuất phát từ bản chất của vũ trụ: Triết lý Âm dương 75

3.1.1 Bản chất và khái niệm 75

3.1.2 Hai quy luật của triết lý âm dương 75

3.1.3 Triết lý Âm dương và tính cách người Việt 77

3.1.4 Hai hướng phát triển của triết lí Âm Dương 77

3.2 Triết lý về cấu trúc không gian địa vũ trụ: Mô hình Tam tài, Ngũ hành 79

3.4.1 Nhận thức về con người tự nhiên 85

3.4.2 Cách nhìn cổ truyền về con người xã hội 87

5.2 Văn hóa trang phục 110

5.3 Văn hóa cư trú 111

5.4 Văn hóa giao thông 112

Trang 10

7.1 Văn hóa công sở hiện đại 139

7.2 Văn hóa sử dụng mạng xã hội hiện nay ở Việt Nam 142

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH 147

Trang 11

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN HÓA

Chương 1 – Cơ sở lý luận về văn hóa giúp người học nắm được khái niệm văn hóa và các khái niệm có liên quan như văn minh, văn hiến, văn vật; đồng thời làm rõ các đặc trưng, chức năng cũng như cấu trúc của hệ thống văn hóa Từ các vấn đề này, người học sẽ nhận biết được, con người làm ra văn hóa nhưng văn hóa lại định hướng cho con người kiến thiết xã hội với những giá trị nhân văn phổ biến và hướng xã hội theo Chân, Thiện, Mỹ Hơn nữa, chương này cũng xác lập được phương pháp luận nghiên cứu văn hóa: xét văn hóa và con người trong một chỉnh thể thống nhất, trong sự tương tác của các yếu tố cấu thành xã hội, trong sự vận động và liên kết của các nhân tố tạo thành đời sống tinh thần, đời sống văn hóa

1.1 Khái niệm văn hoá

Từ “văn hóa” có nhiều nghĩa và nó chỉ những khái niệm có nội hàm hết sức khác nhau Theo nghĩa hẹp, từ “văn hóa” dùng để chỉ học thức, tính cách, nhận thức…, theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn văn hóa Theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm tất cả, từ ăn mặc cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống, lao động… Với cách hiểu theo nghĩa rộng này, văn hóa mới là đối tượng đích thực của văn hóa học và là cách tiếp cận của bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam

Ở Phương Tây, từ “văn hóa” xuất phát từ tiếng La Tinh - “cultus animi” là “trồng trọt tinh thần” Vậy từ “cultus” là văn hoá với hai khía cạnh: một là trồng trọt, giúp con người thính ứng với tự nhiên và khai thác tự nhiên; hai là giáo dục đào tạo cá thể hay cộng đồng để họ ngoài những bản năng con vật tự nhiên, có những phẩm chất tốt đẹp Ở Phương Đông, “văn” là đẹp, là thiện, “hóa” là cải biến “Văn hóa” nghĩa là lấy cái đẹp để cải biến con người

Tuy nhiên, việc xác định và sử dụng khái niệm “văn hoá” không đơn giản và có nhiều quan điểm khác nhau Có quan điểm cho rằng, văn hoá (văn minh) thế giới được phân loại từ trình độ thấp đến trình độ cao và văn hoá của họ chiếm vị trí cao nhất Họ cho rằng bản chất văn hoá hướng về trí lực và sự vươn lên, sự phát triển tạo thành văn minh E.B Taylor là đại diện của trường phái này Theo ông, văn hoá là toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, những khả năng và tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội (E.B Taylor, 1871) Quan điểm thứ hai cho rằng văn hóa là sự khác biệt, “văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại Qua các thế kỷ, các hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc” (F Mayor – Tổng giám đốc UNESCO) Theo tác giả Trần Ngọc Thêm (2021): “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt

Trang 12

động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”

Từ năm 1943, trong mục đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, 2002, t 3, tr 431)

Tóm lại, trong phạm vi tài liệu này, “văn hóa” được hiểu là “một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (Trần Ngọc Thêm, 2021)

1.2 Đặc trưng và chức năng của văn hóa

1.2.1 Tính hệ thống và chức năng tổ chức xã hội

Đặc trưng này để phân biệt hệ thống với tập hợp, giúp phát hiện những mối liên hệ mật thiết giữa các hiện tượng, sự kiện thuộc một nền văn hóa, phát hiện các đặc trưng, những quy luật hình thành và phát triển của nó

Văn hóa do nhiều yếu tố hợp thành (ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng…) Các yếu tố này có quan hệ đan cài, móc xích, quy định và chi phối lẫn nhau tạo thành một hệ thống Văn hóa là một hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra Nó cung cấp những chuẩn mực giá trị, những kiến thức ổn định về thiên nhiên và xã hội để cộng đồng ứng xử

Xã hội loài người được tổ chức theo những cách thức đặc biệt thành những làng xã, quốc gia, đô thị, hội, nhóm,… mà giới động vật chưa hề biết tới, đó là nhờ văn hóa Làng xã, quốc gia, đô thị… của mỗi dân tộc lại khác nhau, điều đó cũng do sự chi phối của văn hóa Chính tính hệ thống của văn hóa là cơ sở cho chức năng tổ chức xã hội

1.2.2 Tính giá trị và chức năng điều chỉnh xã hội

Trong từ “văn hóa” thì “văn” có nghĩa là đẹp, là giá trị Văn hóa chứa cái đẹp, cái có giá trị Các giá trị văn hóa có nhiều căn cứ để phân loại Theo mục đích có thể chia thành giá trị vật chất, giá trị tinh thần Theo ý nghĩa, có giá trị sử dụng, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ Theo thời gian là giá trị vĩnh cửu, giá trị nhất thời

Văn hóa giúp con người thích ứng với sự biến đổi của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội Văn hóa có chức năng điều chỉnh xã hội, giúp con người không ngừng hoàn thiện mình Nhờ có chức năng điều chỉnh xã hội, văn hóa trở thành mục tiêu và là động lực của sự phát triển trong xã hội loài người

Trang 13

1.2.3 Tính nhân sinh và chức năng giao tiếp

Tính nhân sinh của văn hóa giúp phân biệt loài người sáng tạo và loài vật bản năng, phân biệt được văn hóa là một hiện tượng xã hội so với những giá trị tự nhiên sẵn có Văn hóa phải là thành quả sáng tạo của loài người, do con người sáng tạo ra

Do mang tính nhân sinh, văn hóa trở thành sợi dây liên kết con người với con người Văn hóa tạo ra những điều kiện để giao tiếp và chính văn hóa lại là sản phẩm của giao tiếp

1.2.4 Tính lịch sử và chức năng giáo dục

Tính lịch sử của văn hoá thể hiện ở chỗ nó bao giờ cũng hình thành trong một quá trình và tích luỹ qua nhiều thế hệ Tính lịch sử giúp cho văn hóa có một bề dày và nó được duy trì bằng truyền thống văn hóa – những giá trị mang tính ổn định tương đối

Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục bằng chính những giá trị truyền thống mang tính ổn định và bằng cả những giá trị đang hình thành Nó tạo nên một hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới để hoàn thiện Nhờ đó, văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách con người Từ chức năng giáo dục, văn hóa có chức năng phái sinh là đảm bảo tính kế tục của tịch sử: Nó là một thứ “gien” xã hội di truyền phẩm chất con người cho các thế hệ mai sau

1.3 Các khái niệm liên quan 1.3.1 Văn minh

Văn minh là danh từ Hán - Việt (văn (文) là vẻ đẹp, minh (明) là sáng), chỉ tia sáng của đạo đức, biểu hiện ở chính trị, pháp luật, văn học, nghệ thuật

Trong tiếng Anh, tiếng Pháp, thuật ngữ “civilisation” để chỉ nghĩa là văn minh Từ này có nguồn gốc Latinh là “civitas”, để chỉ đô thị, thành phố, và các nghĩa phái sinh: thị dân, công dân Với nghĩa này, từ “văn minh” dùng để chỉ sự tiến bộ xã hội, gắn liền với xã hội tư sản, là một kiểu xã hội tiến bộ hơn (có hiến pháp, có quyền công dân) so với xã hội phong kiến

Ở một phương diện khác, từ “văn minh” được dùng để chỉ trình độ phát triển của kỹ thuật (văn minh đồ đá, văn mình đồ đồng, văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp)

Tóm lại, khi nói đến văn minh, người ta chủ yếu nghĩ đến các tiện nghi vật chất Văn minh là giai đoạn phát triển của xã hội đối lập với giai đoạn mông muội, dã man

1.3.2 Văn hiến

“Hiến” theo tiếng Hán Việt có nghĩa là kỷ cương Từ điển thường định nghĩa văn hiến là “truyền thống văn hóa lâu đời”

Trang 14

Thời Lê (thế kỉ XV), trong tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết

“Duy ngã Đại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang”- (Như nước Đại Việt ta từ trước/vốn xưng nền văn hiến đã lâu – Tác giả Trần Trọng Kim dịch trong Việt Nam lược sử) Từ “văn hiến” trong tác phẩm này là một khái niệm rộng chỉ một nền văn hoá cao, trong đó coi trọng nếp sống tinh thần, đạo lý Văn hiến chỉ truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp Vì thế, ông cha ta nói đất nước ta ngàn năm văn hiến chứ không nói văn vật vì đất nước trải qua hàng ngàn năm, phần lớn những giá trị vật chất đã bị tàn phá Nhưng ông cha ta lại nói “Hà Nội ngàn năm văn vật” vì ngàn năm nay, từ khi Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long thì các giá trị vật chất vẫn còn lưu giữ được nhiều

Nền văn hiến của một quốc gia thể hiện ở chỗ quốc gia đó có cương vực, lãnh thổ riêng, có lịch sử lâu đời, có tinh thần độc lập, tự chủ, có thể chế, kỷ cương luật pháp, phong tục thuần hậu, nếp sống tốt đẹp, trọng người hiền tài và sinh ra những con người hiền tài

1.3.3 Văn vật

Văn vật là khái niệm bộ phận của văn hóa Văn vật còn là khái niệm hẹp để chỉ những công trình hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử, khái niệm văn vật cũng thể hiện sâu sắc tính dân tộc và tính lịch sử Người ta thường nói “Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn vật”

Khái niệm văn hiến, văn vật thường gắn với phương Đông nông nghiệp, trong khi khái niệm văn minh thường gắn với phương Tây đô thị Như vậy, cho đến nay, chưa phải mọi người đã đồng ý với nhau tất cả về định nghĩa của văn hoá Từ 1952, hai nhà dân tộc học Mĩ A L Kroibơ (A.L Kroeber) và C.L Klúchôn (C L Kluckhohn) đã trích lục được trên dưới 300 định nghĩa, mà các tác giả khác nhau của nhiều nước từng đưa ra từ trước cho đến bây giờ Từ đó cho đến nay, chắc chắn số lượng định nghĩa tiếp tục tăng lên và đương nhiên, không phải lúc nào các định nghĩa đưa ra cũng có thể thống nhất, hay hòa hợp, bổ sung cho nhau Vậy, văn vật là những truyền thống văn hoá vật chất tốt đẹp lâu đời được biểu hiện ở nơi nhân tài và di tích lịch sử

Bảng 1 1 So sánh văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật

Thiên về giá trị vật chất

Thiên về giá trị tinh thần

Chứa cả giá trị vật chất lẫn tinh thần

Thiên về giá trị vật chất - kĩ thuật Có bề dày lịch sử Chỉ trình độ phát triển

Có tính dân tộc Có tính quốc tế Gắn bó nhiều hơn với

phương Đông nông nghiệp

Gắn bó nhiều hơn với phương Tây đô thị

Nguồn: Trần Ngọc Thêm (2021), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học

Quốc gia TP.HCM

Trang 15

1.4 Cấu trúc của hệ thống văn hóa

Có nhiều cách phân loại văn hóa, theo cách phân loại văn hóa thông thường thì các nhà nhân học chia ra thành: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội

- Theo E.S Markarian thì cấu trúc văn hóa gồm: văn hóa sản xuất ban đầu và văn hóa đảm bảo đời sống (tương ứng với khái niệm văn hóa vật chất); văn hóa định chuẩn xã hội và văn hóa nhân văn (tương ứng với khái niệm văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội)

- Theo UNESCO (1989) thì gồm có văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể - Tác giả Trần Ngọc Thêm (2021) chia văn hóa ra 5 thành tố, gồm:

Hình 1 1 Cấu trúc của hệ thống văn hóa

Nguồn: Trần Ngọc Thêm (2021), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc

gia TP.HCM

Trang 16

PHẦN BÀI TẬP RÈN LUYỆN A Phần câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội” Đó là định nghĩa về văn hóa của tác giả nào?

a) Hồ Chí Minh b) Trần Ngọc Thêm c) Trần Quốc Vượng d) UNESCO

Câu 2: Văn hóa phi vật thể là gì?

a) Những gì không thể nhận biết bằng mắt mà phải thông qua cảm nhận của cá nhân

b) Những sáng tạo của con người, phải thông qua thấy, cầm, nắm để nhận biết c) Là những giá trị văn hóa truyền thống thiên về tinh thần

d) Tất cả đều sai

Câu 3: Đặc trưng nào cho phép phân biệt văn hóa như một hiện tượng xã hội do con người tạo ra với các giá trị tự nhiên do thiên nhiên tạo ra?

a) Tính lịch sử b) Tính giá trị c) Tính nhân sinh d) Tính hệ thống

Câu 4: Đặc điểm nào chỉ khái niệm Văn minh ?

a) Chỉ trình độ phát triển, thiên về vật chất, có tính dân tộc, gắn với Phương Đông nông nghiệp

b) Chỉ trình độ phát triển, thiên về vật chất, có tính quốc tế, gắn với Phương Đông nông nghiệp

c) Chỉ trình độ phát triển, thiên về vật chất, có tính dân tộc, gắn với Phương Tây đô thi

d) Chỉ trình độ phát triển, thiên về vật chất, có tính quốc tế, gắn với Phương Tây đô thị

Câu 5: Các yếu tố văn hóa truyền thống lâu đời và tốt đẹp của dân tộc, thiên về giá trị tinh thần gọi là gì?

a) Văn hóa b) Văn hiến c) Văn minh d) Văn vật

Trang 17

Câu 6: Triết lý Âm dương, Ngũ hành là những yếu tố thuộc thành tố văn hóa nào? a) Văn hóa nhận thức

Câu 8: Xét về tính giá trị, văn hóa và văn minh khác nhau ở đặc điểm nào?

a) Văn hóa gắn với phương Đông nông nghiệp, văn minh gắn với phương Tây đô thị

b) Văn minh chỉ trình độ phát triển còn văn hóa có bề dày lịch sử

c) Văn minh thiên về vật chất-kỹ thuật còn văn hóa thiên về vật chất lẫn tinh thần

d) Văn hóa mang tính dân tộc, văn minh mang tính quốc tế Câu 9: Văn hóa giao tiếp là yếu tố thuộc thành tố văn hóa nào?

B Phần câu hỏi tự luận

Câu 1: Nêu các đặc trưng cần và đủ để phân biệt văn hóa với các khái niệm khác Trên cơ sở đó, thử xây dựng một định nghĩa về văn hóa của bản thân

Câu 2: Theo anh (chị), văn hóa là gì? Phân tích sự khác nhau giữa khái niệm văn hóa và văn minh

Câu 3: Anh (chị) hãy cho biết các đặc trưng và chức năng của văn hóa Hãy giải thích tại sao chức năng điều chỉnh xã hội của văn hóa lại giúp con người định hướng các chuẩn mực?

Trang 18

CHƯƠNG 2 TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Chương 2 tổng quan về văn hóa Việt Nam gồm hai phần chính là định vị văn hóa Việt Nam và tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam Phần định vị văn hóa Việt Nam với các phạm trù như Không gian, Chủ thể, Loại hình và Giao lưu, tiếp biến văn hóa; qua đó giải thích rõ đặc trưng của các vùng văn hóa Việt Nam Nghiên cứu phần này, người học sẽ nhận thức được, nền văn hoá Việt Nam kết tinh từ thành quả lao động, sáng tạo, gìn giữ qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của cộng đồng 54 dân tộc anh em Mỗi dân tộc mang bản sắc riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam Trong đó mang những giá trị tốt đẹp về quá trình người Việt sinh sống, ứng xử với cộng đồng, với núi rừng, đồng bằng và biển cả Những giá trị ấy kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo thành những truyền thống, những phong tục, tập quán, những ứng xử, làm nên bản sắc của dân tộc Phần tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam mô tả diễn trình văn hóa Việt Nam với 6 giai đoạn và 3 lớp văn hóa đặc trưng: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực; lớp văn hóa giao lưu phương Tây Qua đó, phần này giúp người học xác định được, cơ tầng văn hóa Việt Nam – cái gốc hình thành nên văn hóa Việt Nam được định hình từ xa xưa trong lịch sử và trải qua nhiều giai đoạn giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa lớn trên thế giới và khu vực

2.1 Định vị văn hóa Việt Nam 2.1.1 Không gian văn hóa

Văn hóa chịu sự chi phối đáng kể của HOÀN CẢNH ĐỊA LÍ – KHÍ HẬU Hoàn cảnh địa lí - khí hậu Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản: Thứ nhất, đây là xứ nóng Nóng lắm sinh ra mưa nhiều Việt Nam là nơi có lượng mưa trung bình trong năm khoảng trên 2.000mm (cá biệt có nơi như vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên) đạt tới 7.977mm), vào loại cao nhất thế giới Hiện tượng này dẫn đến đặc điểm thứ hai: đây là một vùng sông nước Sông nước đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong tinh thần văn hóa khu vực này Đây là một hằng số địa lí quan trọng, chính nó tạo nên nét độc đáo của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước Đặc điểm quan trọng thứ ba: Nơi đây là giao điểm (“ngã tư đường”) của các nền văn hóa, văn minh

Hình 2 1 Không gian văn hóa Việt Nam trên nền không gian văn hóa khu vực

Trang 19

Nguồn: https://www.invert.vn/ban-do-dong-nam-a-ar2647, truy cập 14h20, ngày 31/10/2022

Không gian văn hóa liên quan đến lãnh thổ nhưng không đồng nhất với không gian lãnh thổ Nó bao quát tất thảy những vùng lãnh thổ mà ở đó dân tộc đã tồn tại qua các thời đại Do vậy, không gian văn hóa bao giờ cũng rộng hơn không gian lãnh thổ

Không gian gốc của văn hóa Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người Bách Việt Đây là cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước, của nghệ thuật đúc đồng với những trống đồng Đông Sơn nổi tiếng Ở phạm vi rộng, không gian văn hóa Việt Nam nằm trong khu vực cư trú của người Indonesien lục địa

Xét từ trong cội nguồn, không gian văn hóa Việt Nam vốn được định hình trên nền của không gian văn hóa khu vực Đông Nam Á

2.1.2 Chủ thể văn hóa

Dân tộc Việt Nam có nguồn gốc trong phạm vi của trung tâm hình thành loài người phía Đông và trong khu vực hình thành của địa chủng phương Nam Trên nền đó, quá trình hình thành các dân tộc ở Việt Nam có thể được hình dung theo ba giai đoạn:

Thời đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm về trước) Sự kết hợp giữa người đại chủng Mongoloid với cư dân Melanesien bản địa dẫn đến sự hình thành chủng Indonesien Từ đây lan tỏa ra toàn bộ địa bàn Đông Nam Á cổ đại Cuối thời đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng 5.000 năm về trước): tại khu vực mà nay là nam Trung Hoa và bắc Đông Dương, trên cơ sở chuyển biến từ loại hình Indonesien bản địa dưới tác động của sự tiếp xúc thường xuyên với chủng Mongoloid phía bắc đã hình thành một chủng mới là chủng Nam Á Dần dần chủng Nam Á này đã được chia thành một loạt dân tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ Bách Việt Quá trình chia tách này tiếp tục diễn tiến, dần dần đã dẫn đến sự hình thành các tộc người cụ thể, trong đó có người Việt (Kinh) chiếm

Trang 20

tới 90% dân số cả nước

Người Việt cùng tuyệt đại bộ phận các tộc người trong thành phần dân tộc Việt Nam đều có cùng một nguồn gốc chung là nhóm loại hình Indonesien Điều đó đã tạo nên tính thống nhất cao của con người và văn hóa Việt Nam

2.1.3 Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp

Người ta thường phân chia thế giới ra hai khu vực văn hóa: phương Đông và phương Tây Cách chia như thế chỉ là tạm thời, vì nó thiếu cơ sở khoa học và không chính xác Tiêu chí phân loại phải căn cứ vào lối sống chủ yếu (cách sản xuất), mà sản xuất phụ thuộc vào địa hình, khí hậu

Thuở xưa, con người trên trái đất có hai nghề sản xuất chủ yếu: trồng lúa nước và chăn nuôi du mục Từ đó xuất hiện hai loại hình văn hóa: loại hình văn hóa gốc nông nghiệp và loại hình văn hóa gốc du mục

Bảng 2 1 Đối chiếu hai loại hình văn hoá STT Tiêu chí Văn hoá nông nghiệp

(Chủ yếu ở phương Đông)

Văn hoá du mục (Chủ yếu ở phương Tây)

1 Địa hình, khí hậu

đồng bằng, nóng, ẩm, thấp

thảo nguyên, lạnh, khô, cao

2 Nghề nghiệp chính

trồng lúa nước chăn nuôi du mục 3 Cách sống (nơi

ở) định cư, nhà ở ổn định du cư, cắm trại, lều tạm bợ 4 Quan hệ với tự

nhiên

gắn bó, hoà hợp chiếm đoạt, khai thác 5 Ăn uống đồ ăn thực vật đồ ăn động vật 6 Quan hệ xã hội trọng tình, trọng đức,

trọng văn, trọng nữ, dân chủ, trọng tập thể

trọng lý (nguyên tắc), trọng tài, trọng võ, trọng

nam giới, trọng cá nhân (thủ lĩnh)

7 Giao lưu đối ngoại

hiếu hoà, dung hợp, mềm dẻo khi đối phó

hiếu chiến, độc tôn, cứng rắn bằng bạo lực 8 Đặc điểm tư

duy

chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm, tổng hợp và biện

chứng

khách quan, lý tính, thực nghiệm, phân tích và siêu

hình 9 Văn học nghệ

thuật

thiên về thơ, nhạc trữ tình

thiên về truyện, kịch, múa sôi động

10 Xu hướng khoa học

thiên văn, triết học tâm linh, tôn giáo

khoa học tự nhiên, kỹ thuật

Trang 21

11 Khuynh hướng chung

thiên về văn hoá thiên về văn minh

Nguồn: Trần Ngọc Thêm (2021), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc

Vì nghề nông phụ thuộc vào tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên (trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm ) cho nên, về mặt nhận thức, hình thành lối tư duy tổng hợp Tổng hợp kéo theo biện chứng - cái mà người nông nghiệp quan tâm không phải là các yếu tố riêng rẽ, mà là những mối quan hệ qua lại giữa chúng Tổng hợp là bao quát được mọi yếu tố, còn biện chứng là chú trọng đến các mối quan hệ giữa chúng

Về mặt tổ chức cộng đồng, con người nông nghiệp ưa sống theo nguyên tắc trọng tình Hàng xóm sống cố định lâu dài với nhau phải tạo ra một cuộc sống hòa

thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình

Lối sống trọng tình cảm tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ Trong truyền thống Việt Nam, tinh thần coi trọng ngôi nhà, coi trọng cái bếp, coi trọng người phụ nữ là hoàn toàn nhất quán và rõ nét: Phụ nữ Việt Nam là người quản lí kinh tế, tài chính trong gia đình - người nắm tay hòm chìa khóa

Chính bởi vậy mà người Việt Nam coi Nhất vợ nhì trời; Lệnh ông không bằng

cồng bà ; còn theo kinh nghiệm dân gian thì Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng Phụ nữ Việt Nam cũng chính là người có vai trò quyết định trong

việc giáo dục con cái: Phúc đức tại mẫu, Con dại cái mang Vì tầm quan trọng của

người mẹ cho nên trong tiếng Việt, từ cái với nghĩa là “mẹ” đã mang thêm nghĩa “chính, quan trọng”: sông cái, đường cái, đũa cái, cột cái, trống cái, ngón tay cái, máy cái

Không phải ngẫu nhiên mà vùng nông nghiệp Đông Nam Á này được nhiều học giả phương Tây gọi là “xứ sở Mẫu hệ” (le Pays du Matriarcat) Cho đến tận bây giờ, ở các dân tộc ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Chàm hoặc hoàn toàn không chịu ảnh hưởng như nhiều dân tộc Tây Nguyên (Êđê, Giarai ), vai trò của người phụ nữ vẫn rất lớn: phụ nữ chủ động trong hôn nhân, chồng về ở đằng nhà vợ, con cái đặt tên theo họ mẹ Cũng không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay, người Khmer vẫn gọi người đứng đầu phum, sóc của họ là mê phum, mê sóc (mê=mẹ), bất kể đó là đàn ông hay đàn bà

Trang 22

Lối tư duy tổng hợp và biện chứng, luôn đắn đo cân nhắc của người làm nông nghiệp cộng với nguyên tắc trọng tình đã dẫn đến lối sống linh hoạt, luôn

biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến triết lí sống Ở bầu thì

tròn, ở ống thì dài; Đi với Bụt mặc áo cà-sa, đi với ma mặc áo giấy

Sống theo tình cảm, con người còn phải biết tôn trọng và cư xử bình đẳng, dân chủ với nhau Đó là nền dân chủ làng mạc, nó có trước nền quân chủ phong kiến phương Đông và nền dân chủ tư sản phương Tây Lối sống trọng tình và cách cư xử dân chủ dẫn đến tâm lí coi trọng cộng đồng, tập thể Người nông nghiệp làm gì cũng phải tính đến tập thể, luôn có tập thể đứng sau

Mặt trái của tính linh hoạt là thói tùy tiện biểu hiện ở tật co giãn giờ giấc (giờ cao su), sự thiếu tôn trọng pháp luật Lối sống trọng tình làm cho thói tùy

tiện càng trở nên trầm trọng hơn: Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình Nó dẫn đến tệ “đi cửa sau” trong giải quyết công việc: Nhất quen, nhì thân, tam thần,

tứ thế Trọng tình và linh hoạt làm cho tính tổ chức của người nông nghiệp kém

hơn so với cư dân các nền văn hóa gốc du mục

Trong lối ứng xử với môi trường xã hội, tư duy tổng hợp và phong cách linh hoạt còn quy định thái độ dung hợp trong tiếp nhận: ở Việt Nam không những không có chiến tranh tôn giáo mà, ngược lại, mọi tôn giáo thế giới (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo ) đều được tiếp nhận Đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược, người Việt Nam luôn hết sức mềm dẻo, hiếu hòa Ngày xưa, trong kháng chiến chống ngoại xâm, mỗi khi thế thắng đã thuộc về ta một cách rõ ràng, cha ông ta thường dừng lại chủ động cầu hòa, “trải chiếu hoa” cho giặc về, mở đường cho chúng rút lui trong danh dự

2.1.4 Giao lưu và tiếp biến văn hóa

Giao lưu và tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài bởi dân tộc chủ thể Quá trình này luôn đặt mỗi dân tộc phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố “nội sinh” và “ngoại sinh” Trong lĩnh vực văn hóa chỉ có khái niệm “giao lưu và tiếp biến văn hóa” chứ không có khái niệm “hội nhập văn hóa” Dưới giác độ giao lưu – tiếp biến, văn hóa Việt Nam là kết quả của các cuộc gặp gỡ văn hóa lớn trong khu vực

+ Giao lưu với văn hóa Ấn: trực tiếp (lan toả tiên phát) qua đường biển Đông; gián tiếp (lan toả thứ phát) qua Văn hóa Bắc thuộc, văn hóa Chăm-pa ở Trung Bộ và Óc Eo ở Nam Bộ

+ Giao lưu với văn hóa Trung Hoa: chủ yếu bằng con đường cưỡng chế (bị xâm lược, đô hộ và đồng hóa)

+ Giao lưu với văn hóa Phương Tây: trong lịch sử, sự giao lưu này diễn ra chủ yếu thông qua các kênh: buôn bán đường biển; sự đô hộ của thực dân Pháp, và sau đó là đế quốc Mỹ (miền Nam Việt Nam) Ngày nay, giao lưu văn hóa với

Trang 23

phương Tây đã có thêm nhiều hình thức mới như: ngoại giao, du học, di cư, hội nhập quốc tế, tham dự vào mạng truyền thông – liên lạc toàn cầu, ứng dụng các chuẩn mực kinh tế, xã hội, công nghệ mang tính quốc tế

Giao lưu, tiếp biến văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đã và đang đặt các nền văn hoá dân tộc trước những thời cơ và thách thức mới Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hội nhập, phát triển nhưng không làm biến mất bản sắc, phát huy được vai trò của văn hoá trong phát triển bền vững, là mục tiêu hướng đến Vấn đề này cũng có nghĩa cần nhận thức giao lưu, tiếp biến văn hoá vừa như một quá trình tự thân, vừa phụ thuộc vào nhận thức và bản lĩnh của chủ thể văn hoá trong quá trình giao lưu, tiếp biến Trong bối cảnh hội nhập đa chiều với thế giới hôm nay, bản lĩnh trong tiếp biến, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế những hệ lụy, mặt trái tới đâu sẽ tạo ra độ khúc xạ văn hóa tới đó Bản lĩnh càng cao thì độ khúc xạ càng mạnh mẽ và khi ấy các thành tựu văn hóa ra đời và phát triển

2.2 Các vùng văn hóa Việt Nam

Hình 2 2 Phân vùng văn hóa Việt Nam

Nguồn: Trần Ngọc Thêm (2021), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc

gia TP.HCM

Trang 24

2.2.1 Vùng văn hóa Tây Bắc

Vùng Tây Bắc là vùng miền núi phía tây của miền bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc Đây là một trong 3 tiểu vùng của Bắc Bộ Việt Nam, bao gồm các tỉnh: Mường Lay, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái Địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây BắcĐông Nam, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn dài đến 180 km, rộng 30 km, cao từ 1500m trở lên, các đỉnh cao nhất như Phanxipăng 3142m, Yam Phình 3096m, Pu Luông 2.983m

Tuy cùng nằm trong vòng đai nhiệt đới gió mùa, nhưng do ở một độ cao từ 800-3000m nên khí hậu Tây Bắc ngả sang á nhiệt đới và nhiều nơi cao như Sìn Hồ có cả khí hậu ôn đới Mặt khác, do địa hình lại chia cắt bởi các dãy núi, các dòng sông, khe suối, tạo nên những thung lũng, tạo cho thiên nhiên Tây Bắc rất đa dạng, thổ nhưỡng nhiều loại hình Chính điều này cũng góp phần làm nên những nét đa dạng trong văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc

Tây Bắc là nơi sinh tụ lâu đời, ngàn năm của cư dân văn minh đồng thau với hơn 20 tộc người cư trú xen kẽ, bao gồm các dân tộc: Thái, Dao, H’Mông, Bố Y, Giáy, Há Nhì, Kháng, Máng, Khơ-mu, Sila, Tày, Xinh-mun, La-ha,…

Hoạt động kinh tế của Tây Bắc chủ yếu là nông nghiệp mà cụ thể là trồng lúa nước ở vùng thung lũng, ruộng bậc thang ven sườn núi, các loại cây như ngô, sắn, đậu tương ở nương, rẫy,… Văn hóa nông nghiệp thung lũng Thái nổi tiếng vì hệ thống tưới tiêu, được gói gọn trong 4 từ văn vần: " Mường - Phai - Lái –Lịn"

Về ẩm thực: Một trong những sắc thái văn hoá dân tộc độc đáo của các tộc người ở Tây Bắc là những món ăn truyền thống nổi tiếng chỉ có ở vùng này Người dân Tây Bắc thường thưởng thức những món ăn truyền thống của mình trong không gian và không khí cộng đồng như tại các lễ hội, tại các chợ và đặc biệt là vào ngày Tết nhân dịp năm mới xuân về Phần lớn khẩu vị của người tây bắc là thích những gì đậm đà vì vậy phần lớn các món ăn nổi bật của người vùng Tây Bắc đểu mang lại cho người thưởng thức những ấn tượng rất khó quên Các món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc như: Canh da trâu, cơm lam, chéo, rượu sâu chít,… Về trang phục: Trang phục của các tộc người vùng Tây Bắc thường có màu sắc sặc sỡ và nghệ thuật trang trí tinh tế Có thể kể tới trang phục của người phụ nữ Thái thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa dân tộc Một bộ trang phục nữ Thái gồm: áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích Nói về bộ trang phục nữ Thái không thể thiếu chiếc khăn piêu Chiếc khăn piêu được các cô gái Thái thêu thùa rất cầu kì, nó thể hiện sự khéo léo của mỗi cô gái Khăn Piêu là đặc trưng của người dân tộc Thái với đường nét tinh sảo và hoa văn mang đậm chất núi rừng hoang sơ cùng màu sắc sặc sỡ, nó thể hiện tình yêu, sức mạnh nữ tính thật quyến rũ Người Tây Bắc có sở thích trang trí trang phục,

Trang 25

chăn màn, đồ dùng với các sắc độ của gam màu nóng ; rất nhiều màu đỏ, xen vào với vàng tươi, vàng đất, vàng rơm, rồi da cam, tím và nếu có xanh thì phải là xanh da trời tươi

Về cư trú: Nhà ở là nhà sàn, nhà đất hoặc nhà nửa sàn nửa đất Nhà sàn của người Thái - “hướn hạn phủ táy” là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mỹ cao Kiến trúc nhà ở của người Dao cũng rất phong phú, tuỳ theo nhóm Dao mà ở nhà trệt hay nửa sàn, nửa đất Trong đó, nhà nửa sàn nửa đất mang kiến trúc độc đáo Loại nhà nửa sàn nửa đất là loại kiến trúc nhà cửa của riêng người Dao, gắn liền với cuộc sống du canh du cư trước đây Điều đặc biệt là toàn bộ ngôi nhà của người Dao đều được làm bằng tranh tre nứa lá, không có một chút gạch ngói

Văn hóa nghệ thuật: Lĩnh vực văn hóa thể hiện cái nhìn thẩm mỹ của nhân dân Tây Bắc có nhiều nét độc đáo và trở thành một trong những dấu hiệu làm nên đặc trưng văn hóa vùng Ở người Thái tuy đã có một vài nghệ nhân giỏi sáng tác thơ ca nổi tiếng và mặc dầu dân tộc này có chữ viết cổ, nhưng tác phẩm của họ vẫn lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng Mỗi dân tộc trong vùng đều có một kho vốn sáng tác ngôn từ giàu có và đủ thể loại từ tục ngữ, thành ngữ, đồng dao, giao duyên, cho đến lời khấn, lời bùa chú, các áng văn trong lễ tang, trong lễ hội, các bài văn vần dạy bảo đạo đức cho dâu rể trong đám cưới, các thần thoại, đồng thoại, cổ tích, truyện cười v.v ở một số dân tộc có cả truyện thơ dài hàng ngàn câu như Tiễn dặn người yêu (Thái), Tiếng hát làm dâu (H'mông), Vườn hoa núi Cối (Mường) v.v Người Thái còn có cả truyện thơ lịch sử, kể lại quá trình thiên di của họ vào Tây Bắc như bản sử ca Dõi theo bước đường chinh chiến của ông cha (Táy pú Xớc) hay Lịch sử bản mường (Quán tố mướng) ngay đến lời hát của các Mo-then trong lễ cúng người ốm cũng là một áng du kí ca đầy hình tượng đẹp được diễn tả bằng văn phong trau chuốt Bộ phận người Mường Tây Bắc cũng có những thiên sử thi như ở Hòa Bình, Thanh Hóa Ngoài ra, do đã tách ra từ mấy thế kỉ và sống giữa những cộng đồng tộc người khác, nên người Mường Tây Bắc còn có những áng văn hiếm thấy ở các vùng Mường như "vườn hoa - Núi cối" chẳng hạn Các truyền thuyết của từng dân tộc, một mặt khẳng định nguồn gốc của họ với những nhóm đồng tộc cư trú ở các vùng văn hóa khác ; mặt khác lại gắn bó với vùng đất và trình diễn lịch sử của họ trên mỗi đất miền này, và góp phần làm nên dấu hiệu đặc trưng của vùng văn hóa Tây Bắc

Dường như có một sở thích âm nhạc chung cho hầu hết các dân tộc Tây Bắc, một sở thích không thấy hoặc ít thấy ở các vùng khác Đó là hệ nhạc cụ hơi có lưỡi gà bằng tre, bằng đồng hay bằng bạc Nếu sưu tầm và gộp chung lại thì có đến vài chục loai hình thuộc hệ nhạc cụ này Nhiều loại đã được cả nước biết đến như Pí pặp, khèn bè Thái, sáo và khèn H'mông Ngoài ra, mỗi dân tộc đều có bản

Trang 26

sắc riêng như cây Tính Tảu Thái, đống ôi Mường, chưn may Khơmú, đàn tròn và đàn ba dây Hà nhì v.v ở nhiều dân tộc khác, thơ ca Tây Bắc được sáng tác để hát, chứ không phải để đọc Những truyện thơ, những áng sử thi được trình diễn bằng cả những liên khúc âm nhạc mà nhiều bài trích ra từ đó đã được cả nước biết đến (inh lả ơi)

Tôn giáo, tín ngưỡng: Các dân tộc trong vùng Tây Bắc đều có tín ngưỡng "mọi vật có linh hồn" (animisme), một loại tín ngưỡng mà mọi dân tộc trên hành tinh đều trải qua Có đủ loại "hồn" và các loại thần sông núi, suối khe, đá, cây, súc vật, các lực lượng thiên nhiên như sấm, chớp, mưa, gió Các bộ phận trên thân thể con người cũng có hồn Người Kinh cho rằng có ba hồn bảy vía (nam) và ba hồn chín vía (nữ) Người Thái có đến 80 hồn (Xam xếp khoăn mang nả Hả xếp khoăn mang lăng), như hồn tóc, hồn lông mày, lông mi, tai, mũi, trán v.v

Lễ Tết và Lễ hội: Người Thái có rất nhiều lễ hội và lễ Tết mang đặc trưng văn hóa của dân tộc mình như: Lễ hội Kin Pang Then, Lễ hội Xên Mường, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Xang Khan Dân tộc Dao thì có Lễ hội Trầu Sun, lễ hội nhảy lửa, lễ hội cầu mùa Người H’Mông có lễ hội Gầu tào,…

2.2.2 Vùng văn hóa Việt Bắc

Trong tâm thức người dân Việt Nam, Việt Bắc là tên gọi một vùng đất gắn bó với một thời gian khổ mà oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Năm 1947, danh từ Việt Bắc xuất hiện để chỉ chung vùng căn cứ cách mạng, tháng 10/1954, danh từ này lại được dùng để chỉ chung toàn căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Năm 1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên Sau này, khu tự trị Việt Bắc giải thể, danh từ này vẫn tồn tại Hiện nay, nói tới Việt Bắc là nói tới địa bàn của sáu tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang Tuy nhiên, ranh giới vùng văn hóa Việt Bắc sẽ rộng hơn địa bàn này Nghĩa là, nó bao gồm cả phần đồi núi của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh

Việt Bắc là vùng đón nhận đầu tiên gió mùa đông bắc và chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của nó Địa hình Việt Bắc có cấu trúc theo kiểu cánh cung tụ lại ở Tam Đảo Các dãy núi đều thuộc loại có độ cao trung bình và thấp Một số núi có độ cao là Tây Côn Lĩnh (2.431m), Kiều Liên Ti (2.403m) và Pu Ta Ca (2.274m) Toàn vùng có 5 hệ thống sông chính: sông Thao, sông Lô, hệ thống các sông Cầu, sông Thương, Lục Nam; hệ thống các sông này chảy vào Tây Giang và các sông ở miền duyên hải Nét đặc trưng của hệ thống sông ở đây là độ dốc lòng sông lớn, mùa lũ là thời gian dòng chảy mạnh nhất Mặt khác, trong vùng còn có nhiều hồ như hồ Ba Bể, hố Thang Hen Cư dân chủ yếu của vùng Việt Bắc là người Tày và Nùng Ngoài ra còn có một số dân tộc ít người khác như Dao, H'mông, Lô Lô, Sán Chay

Trang 27

Tất cả những đặc điểm trên về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội của vùng Việt Bắc sẽ tác động đến văn hoá của vùng này Trước tiên là văn hoá vật chất Người Tày - Nùng có hai loại nhà chính: nhà sàn và nhà đất Nhà sàn là dạng nhà phổ biến, có hai loại nhà sàn, sàn hai mái và sàn bốn mái Nếu là nhà sàn bốn mái, hai mái đầu hồi bao giờ cũng thấp hơn hai mái chính Cửa có thể mở ở mặt trước hoặc đầu hồi, cầu thang lên xuống bằng tre, gỗ, nhưng số bực bao giờ cũng lẻ, không dùng bậc chẵn Nhà đất là loại nhà xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng cũng có rất nhiều thay đổi so với ngôi nhà sàn về quy mô, kết cấu, bố cục bên trong Ở một số vùng còn có loại nhà nửa sàn nửa đất, đây là một loại nhà đặc biệt, vừa mang tính chất nhà đất vừa mang tính chất nhà sàn

Trang phục của người Tày - Nùng có tính thống nhất, được phân biệt theo giới tính, địa vị, lứa tuổi, theo nhóm địa phương Y phục của nam giới người Tày theo một kiểu, gồm có áo cánh 4 thân, áo dài 5 thân, khăn đội đầu và giày vải Chiếc áo 4 thân được cắt may theo kiểu xẻ cao, có hàng cúc vải ở trước ngực, cùng hai túi Hàng cúc của áo này bao giờ cũng là 7 cái Quần của nam giới được may theo kiểu đũng chéo, cả quần lẫn áo của nam giới Tày được may bằng vải chàm Về đồ trang sức, họ ít dùng đồ trang sức Vì vậy, trang phục của người đàn ông Tày khá giản dị, không có sự trang trí bằng hoa văn Giữa nam giới Tày và nam giới Nùng chỉ khác nhau đôi chút về kích thước trong trang phục Trong khi đó, trang phục của nữ giới lại đa dạng và phong phú Người phụ nữ Nùng chỉ mặc một màu chàm, khác với người phụ nữ Tày mặc chiếc áo lót trong màu trắng Y phục nữ Tày - Nùng gồm có áo cánh, áo dài 5 thân, quấn, thắt lưng, khăn đội đấu, hài vải Đồ trang sức cũng đơn giản, ngày trước chị em thường đeo vòng cổ, vòng tay, vòng chân và xà tích bằng bạc Chiếc khăn của phụ nữ Tày là khăn vuông, khi lễ tết, họ buộc thêm chỉ đỏ, xanh quanh vành khăn rồi thắt nút ra phía sau Phụ nữ người Nùng có khác đôi chút là họ thường bịt răng vàng, ưa thích đồ trang sức bằng bạc như vòng chân, vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, hoa tai

Về mặt ăn uống, tùy theo từng tộc người mà cách thức chế biến thức ăn và khẩu vị của cư dân Việt Bắc có hương vị riêng Việc chế biến món ăn của cư dân Tày - Nùng, một mặt có những sáng tạo, một mặt tiếp thu kĩ thuật chế biến của các tộc lân cận như Hoa, Việt Họ chế biến ngô một cách tinh tế, ngô được giã, hay xay nhỏ để nấu với cơm, làm các loại bánh Thức ăn chính là gạo tẻ, nhưng việc chế biến các món ăn từ gạo nếp lại càng được chú trọng Trong ngày tết, cốm là món đặc biệt hấp dẫn Các loại xôi màu hấp dẫn thường có mặt trong ngày lễ tết của cư dân Tày - Nùng Thịt lợn, thịt vịt quay thường được làm cầu kì như thịt lợn quay Lạng Sơn, vịt quay Thất Khê Bữa ăn của cư dân Việt Bắc, mang tính bình đẳng, nhân ái Tất cả các thành viên trong nhà ăn chung một mâm, khách đến nhà rất được ưu ái, nể trọng

Điều đáng chú ý là tầng lớp trí thức Tày - Nùng hình thành từ rất sớm Đầu tiên là các trí thức dân gian dưới lớp vỏ nghề nghiệp như thầy Mo, Then, Tào, Pụt

Trang 28

Trong thời kì tự chủ, triều đình có quan tâm đến việc học hành của cư dân Việt Bắc Nhà Mạc khi chạy lên đóng đô ở Cao Bằng ra sức đào tạo tầng lớp nho sĩ, quan lại người Việt chạy lên đây bị Tày hóa Do vậy tầng lớp trí thức nho học hình thành, có một số đạt tới trình độ học vấn cao như Bế Văn Phúng, Nông Quỳnh Văn, Hoàng Đức Hậu Khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên toàn quốc, sau này khai thác thuộc địa lần 1, lần 2, tầng lớp trí thức nho học ít dần, tầng lớp trí thức mới được đào tạo trong các nhà trường thực dân như các ông thông, kí, thầu phán, giáo học Một số có lòng yêu nước, được người dân kính trọng về sau đã đi theo ánh sáng của Đảng để cứu nước như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi Trong kháng chiến chống Pháp, nhất là sau ngày hòa bình lập lại, giáo dục ở Việt Bắc được chú trọng phát triển Số trường học các cấp có ở các địa phương ngày càng nhiều Các trường đại học, cao đẳng được thành lập trong mấy chục năm qua như: Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Y khoa Việt Bắc Mới đây, Đảng, nhà nước ta lại tổ chức trường đào tạo cán bộ khoa học cho Việt Bắc Trong đào tạo, bên cạnh chữ Quốc ngữ, một số tộc như Tày, H'mông cũng có chữ viết xây dựng trên cơ sở mẫu chữ Latinh

Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Việt Bắc có những nét cơ bản giống với các khu vực khác Về tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng dân gian của cư dân Tày - Nùng hướng niềm tin của con người tới thần bản mệnh, trời - đất, tổ tiên Các thần linh của họ rất đa dạng, có khác là nhiều thần như thần núi, thần sông, thần đất Ngoài ra lại có các vua, có Giàng Then, ý thức cộng đồng được củng cố thông qua việc thờ thần bản mệnh của mường hay của bản Ý thức về gia đình, dòng họ được, củng cố thông qua việc thờ phụng tổ tiên Mỗi gia đình có một bàn thờ tổ tiên đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà Ngoài ra, trong nhà họ còn thờ vua bếp

Diện mạo tôn giáo Việt bắc cũng có những nét khác biệt Các tôn giáo như Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân ở Việt Bắc, chùa thờ Phật ít hơn dưới đồng bằng, nhưng cũng có những chùa đáng lưu ý, như chùa Hang, chùa Úc Kỳ ở Bắc Thái, chùa Diên Khánh, chùa Vinh Quang, chùa Nhị Thanh, chùa Tam Thanh ở Lạng Sơn Tam giáo được cư dân Tày tiếp thu gần giống với người Việt, nhưng ở mức độ thấp, trong sự kết hợp với các tín ngưỡng vật linh vốn có từ lâu đời trong dân gian

Về chữ viết, vùng Việt Bắc với người Tày - Nùng, chữ viết trải qua các giai đoạn: giai đoạn cổ đại không có chữ viết, giai đoạn cận đại có chữ Nôm, giai đoạn hiện đại, vừa có chữ Nôm, vừa có chữ Latinh Năm 1960, Đảng và Nhà nước ta đã giúp người Tày - Nùng xây dựng hệ thống chữ viết theo lối chữ Quốc ngữ, bằng chữ cái Latinh Cũng chính vì vậy, nét đáng chú ý là cư dân Tày - Nùng ở Việt Bắc đã có những nhà văn viết văn bằng chữ viết dân tộc Đáng kể là các tác giả như Hoàng Đức Hậu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn

Trong khi đó, văn học dân gian Việt Bắc khá đa dạng về thể loại, phong phú về số lượng tác phẩm, như thành ngữ, tục ngữ, truyện cổ tích, nói ví, câu đố và

Trang 29

đồng dao, dân ca Riêng dân ca, loại phong phú là loại khá riêng biệt được viết trên nền giấy vải khá công phu Đặc biệt, lời ca giao duyên: lượn coi và lượn lương, là những thể loại tiêu biểu được các thế hệ trẻ Tày - Nùng ưa chuộng

Lễ hội của cư dân Tày - Nùng rất phong phú Ngày hội của toàn cộng đồng là hội Lồng tồng (hội xuống đồng), diễn ra gồm hai phần: Lễ và hội Nghi lễ chính là rước thần đình và thần nông ra nơi mở hội ở ngoài đồng Một bữa ăn được tổ chức ngay tại đây Phần hội căn bản là các trò chơi như đánh quay, đánh yến, tung còn, ảo thuật Như vậy, về bản chất, hội lồng tồng là một sinh hoạt văn hóa

Nói đến sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng Việt Bắc, không thể không nói đến sinh hoạt hội chợ ở đây là nơi để trao đổi hàng hóa, nhưng lại cũng là nơi để nam nữ thanh niên trao duyên, tỏ tình Người ta đã từng nói đến một loại sinh hoạt văn hóa hội chợ ở vùng này, và có thể coi như một sinh hoạt văn hóa đặc thù của vùng Việt Bắc Tóm lại, Việt Bắc là một vùng văn hóa có nhiều đặc thù Tộc người chủ thể: Tày-Nùng với lịch sử và văn hóa của họ tạo ra nét đặc thù này Tuy nhiên, những đặc thù này không phá vỡ tính thống nhất của văn hóa Việt Bắc và văn hoá cả nước

2.2.3 Vùng văn hóa Bắc Bộ

Về vị trí địa lí vùng châu thổ Bắc Bộ là tâm điểm của con đường giao lưu quốc tế theo hai trục chính : Tây-Đông và Bắc-Nam Vị trí này khiến cho nó trở thành vị trí tiền đồn để tiến tới các vùng khác trong nước và Đông Nam Á, là mục tiêu xâm lược đầu tiên của tất cả bọn xâm lược muốn bành trướng thế lực vào lãnh thổ Đông Nam Á Nhưng cũng chính vị trí địa lí này tạo điều kiện cho cư dân có thuận lợi về giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Về mặt địa hình, châu thổ Bắc Bộ là địa hình núi xen kẽ đồng bằng hoặc thung lũng, thấp và bằng phẳng, dốc thoải từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ độ cao 10 - 15m giảm dần đến độ cao mặt biển Toàn vùng cũng như trong mỗi vùng, địa hình cao thấp không đều, tại vùng có địa hình cao vẫn có nơi thấp úng như Gia Lương (Bắc Ninh), có núi Thiên Thai, nhưng vẫn là vùng trũng, như Nam Định, Hà Nam là vùng thấp nhưng vẫn có núi như Chương Sơn, núi Đọi

Mặt khác, khí hậu vùng Bắc Bộ thật độc đáo, khác hẳn những đồng bằng khác Đây là vùng duy nhất ở Việt Nam có một mùa đông thực sự với ba tháng có nhiệt độ trung bình dưới 18 độ, do đó mà có dạng khí hậu bốn mùa với mỗi mùa tương đối rõ nét, khiến vùng này cấy được vụ lúa ít hơn các vùng khác Hơn nữa, khí hậu vùng này lại rất thất thường, gió mùa đông bắc vừa lạnh vừa ẩm, rất khó chịu, gió mùa hè nóng và ẩm

Bắc Bộ có một mạng lưới sông ngòi khá dày, khoảng 0,5 - l,0km/km2, gồm các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, cùng các mương máng tưới tiêu dày đặc Do ảnh hưởng của khí hậu gió mùa với hai mùa khô và

Trang 30

mưa nên thủy chế các dòng sông, nhất là sông Hồng cũng có hai mùa rõ rệt: mùa cạn, dòng chảy nhỏ, nước trong và mùa lũ dòng chảy lớn, nước đục Ngoài khơi, thủy triều vịnh Bắc Bộ theo chế độ nhật triều, mỗi ngày có một lần nước lên và một lần nước xuống Chính yếu tố nước tạo ra sắc thái riêng biệt trong tập quán canh tác, cư trú, tâm lí ứng xử cũng như sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong khu vực, tạo nên nền văn minh lúa nước, vừa có cái chung của văn minh khu vực, vừa có cái riêng độc đáo của mình Cư dân ở đồng bằng Bắc Bộ là cư dân sống với nghề trồng lúa nước, làm nông nghiệp một cách thuần túy Biển và rừng bao bọc quanh đồng bằng Bắc Bộ nhưng từ trong tâm thức, người nông dân Bắc Bộ là những cư dân “xa rừng nhạt biển” - chữ dùng của tác giả Ngô Đức Thịnh (1993) Nói khác đi là, người nông dân Bắc Bộ là người dân đồng bằng đắp đê lấn biển trồng lúa, làm muối và đánh cá ở ven biển Bắc Bộ là một châu thổ có nhiều sông ngòi, mương máng, nên người dân chài trọng về việc khai thác thủy sản Tận dụng ao, hồ đầm để khai thác thủy sản là một phương cách được người nông dân rất chú trọng Đã có lúc việc khai thác ao hồ thả cá tôm được đưa lên hàng đầu như một

câu ngạn ngữ: nhất canh trì, nhì canh viên, ba canh điền (nhất thả cá ao, nhì làm

vườn, ba làm ruộng) Bên cạnh đó, người dân Bắc Bộ còn nhiều loại cây khác phù hợp với chất đất từng vùng và khí hậu từng mùa Đất đai ở Bắc Bộ không phải là nhiều, dân cư lại đông Vì thế, để tận dụng thời gian nhàn rỗi của vòng quay mùa vụ, người nông dân đã làm thêm nghề thủ công Ở đồng bằng sông Hồng, trước đây, người ta đã từng đếm được hàng trăm nghề thủ công, có một số làng phát triển thành chuyên nghiệp với những người thợ có tay nghề cao Một số nghề đã rất phát triển, có lịch sử phát triển lâu đời như nghề gốm, nghề dệt, luyện kim, đúc đồng

Mặt khác những người nông dân này lại sống quần tụ thành làng Làng là đơn vị xã hội cơ sở của nông thôn Bắc Bộ, tế bào sống của xã hội Việt Sự gắn bó giữa con người và con người trong cộng đồng làng quê, không chỉ là quan hệ sở hữu trên đất làng, trên những di sản hữu thể chung như đình làng, chùa làng , mà còn là sự gắn bó các quan hệ về tâm linh, về chuẩn mực xã hội, đạo đức Đảm bảo cho những quan hệ này là các hương ước, khoán ước của làng xã Các hương ước, hay khoán ước này là những quy định khá chặt chẽ về mọi phương diện của làng từ lãnh thổ làng đến sử dụng đất đai, từ quy định về sản xuất và bảo vệ môi trường đến quy định về tổ chức làng xã, ý thức cộng đồng làng xã, vì thế trở thành một sức mạnh tinh thần không thể phủ nhận Nhưng cũng vì thế mà cá nhân, vai trò cá nhân bị coi nhẹ Chính những đặc điểm ấy của làng Bắc Bộ sẽ góp phần tạo ra những đặc điểm riêng của vùng văn hóa Bắc Bộ

Bắc Bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt, vì thế, cũng là nơi sinh ra các nền văn hóa lớn, phát triển nối tiếp lẫn nhau: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt và văn hóa Việt Nam Từ trung tâm này, văn hóa Việt lan truyền vào Trung Bộ rồi Nam Bộ Sự lan truyền ấy, một mặt chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt, một mặt chứng tỏ sự sáng tạo của người dân Việt Trong tư cách ấy, văn hóa châu thổ vùng Bắc Bộ có những nét đặc trưng của văn hóa Việt, nhưng lại có những nét

Trang 31

riêng của vùng này

Trước tiên là sự ứng xử với thiên nhiên Hàng ngàn năm lịch sử, người dân Việt đã chinh phục thiên nhiên, tạo nên một diện mạo đồng bằng như ngày nay, bằng việc đào mương, đắp bờ, đắp đê Biết bao cây số đê cũng được tạo dựng dọc các triền sông thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình Nói cách khác, đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình là kết quả của sự chinh phục thiên nhiên của người Việt Trong văn hóa đời thường, sự khác biệt giữa văn hóa Bắc Bộ và các vùng khác trong cả nước chính được tạo ra từ sự thích nghi với thiên nhiên này Nhà ở của cư dân Bắc Bộ thường là loại nhà không có chái, hình thức nhà vì kèo phát triển Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng (2015) đã thống kê được 10 loại nhà vì kèo khác nhau, sử dụng vật liệu nhẹ là chủ yếu nhưng cũng tiếp thu kĩ thuật và sử dụng các vật liệu bền như xi măng, sắt thép Người nông dân Bắc Bộ thường muốn xây dựng ngôi nhà của mình theo kiểu bền chắc, to đẹp, tuy nhiên vẫn hòa hợp với cảnh quan

Ăn uống của cư dân Việt trên châu thổ Bắc Bộ vẫn như mô hình bữa ăn của người Việt trên các vùng đất khác: cơm + rau + cá, nhưng thành phần cá ở đây chủ yếu hướng tới các loại cá nước ngọt Hải sản đánh bắt ở biển chủ yếu giới hạn ở các làng ven biển, còn các làng ở sâu trong đồng bằng, hải sản chưa phải là thức ăn chiếm ưu thế Cư dân đô thị, nhất là Hà Nội, ít dùng đồ biển hơn cư dân ở các đô thị phía Nam như Huế, Nha Trang, Sài Gòn Thích ứng với khí hậu ở châu thổ Bắc Bộ, người Việt Bắc Bộ có chú ý tăng thành phần thịt và mỡ, nhất là mùa đông lạnh, để giữ nhiệt năng cho cơ thể Các gia vị có tính chất cay, chua, đắng, quen thuộc với cư dân Trung Bộ, Nam Bộ lại không có mặt trong bữa ăn của người Việt Bắc Bộ nhiều lắm

Cách mặc của người dân Bắc Bộ cũng là một sự lựa chọn, thích ứng với thiên nhiên châu thổ Bắc Bộ đó là màu nâu Đàn ông với y phục đi làm là chiếc quần lá tọa, áo cánh màu nâu sống Đàn bà cũng chiếc váy thâm, chiếc áo nâu, khi đi làm Ngày hội hè, lễ tết thì trang phục này có khác hơn: đàn bà với áo dài mớ ba mớ bảy, đàn ông với chiếc quần trắng, áo dài the, chít khăn đen Ngày nay y phục của người Việt Bắc Bộ đã có sự thay đổi khá nhiều

Mặt khác, nói tới văn hóa ở châu thổ Bắc Bộ là nói tới một vùng văn hóa có một bề dày lịch sử cũng như mật độ dày đặc của các di tích văn hóa Các di tích khảo cổ, các di sản văn hóa hữu thể tồn tại ở khắp các địa phương Đền, đình, chùa, miếu , có mặt ở hầu khắp các địa bàn, tận các làng quê Nhiều di tích nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài như đền Hùng, khu vực Cổ Loa, Hoa Lư, Lam Sơn, phố Hiến, chùa Dâu, chùa Hương, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng

Cùng với các di sản văn hóa hữu thể, các di sản văn hóa vô thể của đồng bằng Bắc Bộ cũng khá đa dạng và phong phú Kho tàng văn học dân gian Bắc Bộ

Trang 32

có thể coi như một loại mỏ với nhiều khoáng sản quý hiếm Từ thần thoại đến truyền thuyết, từ ca dao đến tục ngữ, từ truyện cười đến truyện trạng, mỗi thể loại đều có một tầm dày dặn, mang nét riêng của Bắc Bộ, chẳng hạn truyện trạng ở Bắc Bộ như truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn sử dụng các hình thức câu đố, câu đối, nói lái, chơi chữ nhiều hơn truyện trạng ở các vùng khác Có những thể loại chỉ ở Bắc Bộ mới tồn tại, kiểu như thần thoại Ca dao xứ Bắc trau chuốt, tỉa gọt hơn ca dao Nam Bộ Các thể loại thuộc nghệ thuật biểu diễn dân gian cũng khá đa dạng và mang sắc thái vùng đậm nét Đó là hát quan họ, hát xoan, hát trống quân, hát chầu văn, hát chèo, múa rối Đáng kể nhất là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt Bắc Bộ Mọi tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước như thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ các ông tổ nghề , có mặt trên hầu khắp các làng quê Bắc Bộ Các tín ngưỡng này tiềm ẩn trong tâm thức con người và tồn tại trong lễ Hội - một ra thành lễ hội mùa xuân, một ra thành lễ hội mùa thu Dù thuộc loại nào, khởi nguyên, các lễ hội ấy đều là các hội làng của cư dân nông nghiệp, nói khác đi là các lễ hội nông nghiệp Tiến trình lịch sử đã lắng đọng ở đây những lớp văn hóa, khiến cho trên lát cắt đồng đại, khó nhận ra gương mặt ban đầu của lễ - hội nông nghiệp Tuy nhiên, những trò diễn trong các lễ hội vẫn gợi lại các nghi lễ nông nghiệp Chẳng hạn như các lễ thức thờ Mẹ Lúa, cầu mưa, thờ thần mặt trời, các trò diễn mang tính chất phồn thực như múa gà phủ, múa các vật biểu trưng âm vật, dương vật Chính vì vậy mà lễ hội ở đồng bằng Bắc Bộ có thể ví như một bảo tàng văn hóa tổng hợp lưu giữ khá nhiều các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp Với cư dân ở làng quê Việt Bắc Bộ, lễ hội là môi trường cộng cảm văn hóa, “công mệnh” - chữ dùng của tác giả Ngô Đức Thịnh (1993) - về mặt tâm linh Cùng với văn hoá dân gian, vùng châu thổ Bắc Bộ theo Đinh Gia Khánh (1964) còn là “nơi phát sinh nền văn hóa bác học” Sự phát triển của giáo dục, truyền thống trọng người có chữ trở thành nhân tố tác động tạo ra một tầng lớp trí thức ở Bắc Bộ Thời tự chủ, Thăng Long với vai trò là một kinh đô cũng đảm nhận vị trí một trung tâm giáo dục Năm 1078, Văn Miếu đã xuất hiện, năm 1076 đã có Quốc Tử Giám, chế độ thi cử để kén chọn người hiền tài đã tạo ra cho xứ Bắc một đội ngũ trí thức đông đảo, trong đó có nhiều danh nhân văn hóa tầm cỡ trong nước, ngoài nước Học giả Đinh Gia Khánh nhận xét: “Trong thời kì Đại Việt, số người đi học, thi đỗ ở vùng đồng bằng miền Bắc tính theo tỉ lệ dân số thì cao hơn rất nhiều so với các nơi khác Trong lịch sử 850 năm (l065-1915) khoa cử dưới các triều vua, cả nước có 56 trạng nguyên thì 52 người là ở vùng đồng bằng miền Bắc” (Văn học cổ Việt Nam (1964)) Thời thuộc Pháp, Hà Nội là nơi có các cơ sở giáo dục, khoa học, thu hút các trí thức mọi vùng Ở thời hiện đại, theo nhận xét của Ngô Đức Thịnh (1993) thì: “Với đội ngũ trí thức mới, không những ở đây là nơi đầu mối các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học (90% các viện nghiên cứu và 64% các trường đại học), mà đội ngũ trí thức cũng tập trung đông đảo nhất, chiếm 57% tổng số trí thức cả nước.!”

Chính sự phát triển của giáo dục ở đây tạo ra sự phát triển của văn hóa bác

Trang 33

học, bởi chủ thể sáng tạo nền văn hóa bác học này chính là đội ngũ trí thức được sinh ra từ nền giáo dục ấy Đội ngũ này, tiếp nhận vốn văn hóa dân gian, vốn văn hóa bác học Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây, tạo ra dòng văn hóa bác học Xin đơn cử, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ chính là sản phẩm được tạo ra từ quá trình sáng tạo của trí thức, thể hiện rõ đặc điểm này Nói đến văn hóa bác học, không thể không kể đến văn học nghệ thuật Những tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đều trưởng thành và gắn bó với vùng văn hóa này

Hơn nữa, nói tới vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, là nói tới một vùng văn hóa mà quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra lâu dài hơn cả và với nội dung phong phú hơn cả Thực ra, quá trình tiếp biến văn hóa là đặc điểm chung của văn hóa Việt Nam, hay nói như GS Đinh Gia Khánh (1964), đó là sự không chối từ

Thời tiền sử và sơ sử, thời tự chủ, việc tiếp thu văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ trên địa bàn Bắc Bộ, có những nét riêng do vị thế địa - văn hóa, địa chính trị của nó quyết định Thời thuộc Pháp, đồng bằng Bắc Bộ cũng là một trong những vùng chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây đậm nét hơn cả Có thể đơn cử sự tiếp nhận Phật giáo của cư dân Việt Bắc Bộ Là một tôn giáo sinh ra ở Ấn Độ, vào Bắc Bộ, Phật giáo đã chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng dân gian bản địa, đã bản địa hóa thành Phật giáo dân gian Sự phát triển của Phật giáo ở Bắc Bộ, vì thế sẽ khác với Phật giáo ở Nam Bộ

Đồng thời với đặc điểm Bắc Bộ là cội nguồn văn hóa của các vùng Trung Bộ, Nam Bộ, và từ vùng đất cội nguồn này, văn hóa Việt phát triển ở mọi vùng khác Vai trò “hướng đạo” của vùng văn hóa Bắc Bộ cũng rất rõ, khi đặt trong tương quan với các vùng văn hóa khác

2.2.4 Vùng văn hóa Trung Bộ

Nếu nhìn từ góc độ hành chính, lâu nay, người ta hay xếp Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng thuộc Trung Bộ, và coi là Bắc Trung Bộ Có nhà địa lí học nói rằng, trên một ý nghĩa nào đó, châu thổ sông Mã, sông Cả chỉ là sự “nối dài của châu thổ Bắc Bộ” Nhưng, vùng văn hóa Trung Bộ là vùng đất thuộc lãnh thổ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Đà Nẵng hiện nay Nói đến miền Trung như một tổng thể hệ thống nằm trong tổng thể hệ thống Việt Nam, người ta thường chú ý đến các đặc điểm sau đây:

- Thứ nhất, địa hình miền Trung hẹp theo chiều ngang Đông Tây, nếu quay mặt về đông thì trước mặt mỗi người dân Trung Bộ sẽ là Biển Đông, sau lưng là dãy Trường Sơn

- Thứ hai, địa hình miền Trung Bộ chia cắt theo chiều dọc Bắc Nam, bởi các đèo là những dãy núi đồi tách từ Trường Sơn đâm ngang ra biển

- Thứ ba là khí hậu, miền Trung lại có mùa mưa lệch pha với hai đầu Bắc

Trang 34

Nam đất nước, ở miền Trung, lại gặp gió Tây rất khô nóng, thổi từ Lào qua (xưa người ta vẫn gọi là gió Lào tạo ra sự khô rang cho miền Trung

Mặt khác, với Đại Việt, từ năm 1069, vùng Quảng Bình thuộc về nhà Lý, năm 1336, Châu Ô, Châu Lý (tức vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay) thuộc về nhà Trần, năm 1470 vùng đất từ núi Thạch Bi (nay thuộc Phú Yên) trở ra thuộc nhà Lê Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn phủ xứ Thuận Hóa Từ đó, Nguyễn Hoàng bắt đầu “kinh doanh dải đất” (chữ dùng của GS Đinh Gia Khánh, 1964) miền Trung Nói khác đi là sự nghiệp khai phá miền Trung được đẩy lên một bước mới Rồi hai trăm năm chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, miền Trung trở thành lãnh địa được các chúa Nguyễn tạo ra vô ý thức đối kháng với Đàng Ngoài Kinh đô của vương triều này là vùng Phú Xuân Phong trào nông dân khởi nghĩa thế kỉ XVIII làm lung lay chế độ phong kiến Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua ở Phú Xuân, đất nước được thống nhất trên cơ bản Năm 1802, dựa vào thế lực của phương Tây, Nguyễn Ánh chiến thắng vương triều Tây Sơn, cai quản một đất nước thống nhất Từ 1802 đến 1945, nhà Nguyễn đặt kinh đô ở Huế Như vậy là miền Trung, đã có một thời ít nhất với ba vương triều: các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, có xứ Huế, là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của cả nước Trải qua tiến trình lịch sử, vùng Trung Bộ là trạm trung chuyển, đất đứng chân để người Việt tiến về phía Nam mở cõi, lại là vùng biên viễn của Đại Việt, nơi diễn ra sự giao lưu trực tiếp giữa người Việt và người Chăm Chính những đặc điểm tự nhiên, xã hội, lịch sử này của Trung Bộ sẽ tạo cho vùng văn hóa Trung Bộ những đặc điểm riêng, so với các vùng văn hóa Việt Nam

Vùng văn hóa Trung Bộ một thời kì dài thuộc các tiểu quốc của vương quốc Chăm-pa, có các đặc trưng văn hóa tiêu biểu sau: Đặc điểm thứ nhất của vùng văn hóa Trung Bộ phải là một vùng đất chứa nhiều dấu tích văn hóa Chăm-pa Dọc miền Trung, nhiều di sản văn hóa hữu thể còn tồn tại trên mặt đất Đó là các tháp Chăm phơi sương gió cùng năm tháng Lịch sử đi qua bao nỗi thăng trầm, cuộc đời phải trải qua bao cơn dâu bể, tháp Chăm vẫn sừng sững như một dấu ấn không thể phai mờ Ở Huế, theo tác giả Trần Đại Vinh, còn tháp đôi Liễu Cốc Thượng, tháp Núi Rùa; ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tại Mỹ Sơn đã có 7 tháp, “đại diện tiêu biểu cho tất cả các giai đoạn và phong cách nghệ thuật kiến trúc Chăm-pa, tại Bằng An có 1 tháp, tại Đồng Dương có 1 tháp, tại Chiên Đàn có 3 tháp, tại Khương Mỹ có 3 ngôi tháp Ở Bình Định, có tháp Phú Lốc, tháp Cánh Tiên, tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, tháp Thủ Thiện, ba ngôi tháp Dương Long; hai ngôi tháp ở Hưng Thạnh Ở tỉnh Phú Yên có tháp Nhạn; ở Khánh Hòa có tháp Pô Nagar; ở Ninh Thuận có cụm tháp Hòa Lai, cụm tháp Núi Trầm; ở Bình Thuận có tháp Pô Đam (hay Pô Tấm), tháp Phú Hải Có thể nói khó có vùng văn hóa nào ở nước ta lại có nhiều tháp Chăm như vùng văn hóa Trung Bộ Ngoài các tháp, di vật văn hóa Chăm-pa còn trên mặt đất, trong lòng đất khá nhiều Đó là các tượng bà Pô Nagar, tượng Chó, đặc biệt là các tượng Linga, Yoni Đó là các phù điêu, các trụ đá, các bia đá

Trang 35

Cùng các di sản văn hóa hữu thể, vùng Trung Bộ còn khá nhiều các di sản văn hóa vô thể của văn hóa Chăm-pa Đó là các địa danh Việt mà chúng ta có quyền ngờ rằng, gốc tích của nó phải là các địa danh Chăm, kiểu như Cồn Ràng, Cồn Lồi, Cồn Mọi Đó là các tín ngưỡng dân gian của người Chăm như thờ bà mẹ xứ sở, thờ cá voi, thờ thần biển Mặt khác, Trung Bộ là vùng đất được người Việt khai phá theo kiểu tiệm tiến Sự cộng cư với người Chăm, thái độ ứng xử với những vốn văn hóa hiện diện trên mặt đất tàng ẩn dưới lòng đất theo bản chất hiền hòa của người Việt, tạo cho sự giao lưu văn hóa ở đây có những điểm khác biệt Trước hết, người Việt tiếp nhận những di sản văn hóa của người Chăm, Việt hóa biến thành di tích văn hóa của mình Tháp Chăm, đền Chăm khi người Chăm ra đi thì người Việt thờ cúng, sử dụng Chẳng hạn như Tháp Bà ở Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, vốn là một ngôi tháp của người Chăm, được người Việt sử dụng, coi như nơi thờ tự, linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng của người Việt Tiêu biểu cho quá trình tiếp biến văn hóa ở Trung Bộ của người Việt là tiếp thu tín ngưỡng thờ bà mẹ xứ sở (Po Yan Ina Nagar) của người Chăm Với tín ngưỡng thờ Mẫu ẩn trong tâm thức, khi vào Trung Bộ, người Việt gặp tín ngưỡng này của người Chăm, họ đã tiếp thu các nữ thần Chăm và chuyển hóa thành các nữ thần Việt Nữ thần Mưjưk của người Chăm được biến thành bà Chúa Ngọc Câu chuyện mà Phan Thanh Giản ghi trên bia kí ở sau Tháp Bà, là câu chuyện đã Việt hóa sự tích một nữ thần Chăm tại điện hòn Chén, thánh mẫu Vân Hương (tức thánh Mẫu Liễu Hạnh) được đưa vào điện thần cùng với bà Chúa Ngọc Nói cách khác đi là, sự tiếp biến văn hóa đã khiến diện mạo tín ngưỡng của người Việt ở Trung Bộ thay đổi, so với người Việt Bắc Bộ So với thiên nhiên Bắc Bộ và Nam Bộ, Trung Bộ là vùng đệm, mang tính chất trung gian Vì thế, sự phản ánh thiên nhiên đa dạng của một vùng đất là đặc điểm thứ ba của vùng văn hóa này Yếu tố biển, sông, đầm, đồng bằng, núi non đều ánh xạ vào trong các thành tố văn hóa, từ diện mạo đến các phương diện khác Có thể thấy ngay điều này từ diện mạo các loại hình văn hóa, với Trung Bộ, làng làm nông nghiệp tồn tại đan xen với làng của ngư dân Bên cạnh lễ cúng đình của làng nông nghiệp là lễ cúng cá ông của làng làm nghề đánh cá Điều này là đương nhiên, bởi lẽ, đồng bằng Trung Bộ thường là đồng bằng nhỏ hẹp, sát biển Trong văn hóa đời thường, bữa ăn của cư dân Việt Trung Bộ đã bắt đầu có sự thay đổi, nghiêng về các hải sản, đồ biển Nói cách khác, yếu tố biển đã đậm đà hơn trong cơ cấu bữa ăn của cư dân ở đây Mặt khác, người dân Việt Trung Bộ, do tính chất khí hậu, nói rộng hơn là điều kiện tự nhiên chi phối, nên sử dụng nhiều chất cay trong bữa ăn Tóm lại, vùng văn hóa Trung Bộ có những đặc điểm riêng của mình, khi đặt trong tương quan với các vùng văn hóa khác

2.2.5 Vùng văn hóa Tây Nguyên

Vùng văn hóa này chia làm các tiểu vùng:

- Tiểu vùng Trường Sơn: vùng phía Tây gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa

Trang 36

Thiên - Huế, Quãng Ngãi

- Tiểu vùng Tây Nguyên: gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng Vùng rừng núi gồm nhiều cao nguyên hoặc sơn nguyên, có địa hình phức tạp trắc trở

Ở Tây Nguyên có hơn 20 tộc người cùng cư trú lâu đời, hầu hết là cư dân bản địa, chủ yếu được chia thành hai nhóm ngôn ngữ:

+ Nhóm Nam Đảo: có 5 tộc người Raglai, Êdê, Gialai, Chu Ru và Chăm + Nhóm Môn Khmer: Bana, Mạ, Mnông, K'ho, Rơ măm, Brâu

Trước đây, các hình thái kinh tế chiếm đoạt (săn bắt, hái lượm) còn chiếm vị trí chủ yếu ở Tây Nguyên Do làm xen canh gốc vụ trên đất rẫy, các cư dân ở đây không chỉ trồng lúa mì mà còn trồng xen kẽ với các loại: kê, cà, ớt cộng thêm các rẫy đã đem đủ cho người dân các nhu yếu phẩm hằng ngày Hiện nay, kinh tế các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên đã vượt qua giai đoạn kinh tế chiếm đoạt và đã tiến sâu vào giai đoạn kinh tế sản xuất nhưng vẫn còn mang đặc điểm của một nền nông nghiệp lệ thuộc vào thiên nhiên Một số dân tộc như Cơ ho, Xơ đăng, Giẻ Triêng, Hrê, BaNa, đã làm ruộng nước do tiếp thu của người Chăm, Khmer, người Việt

Do điều kiện kinh tế khá phong phú và trong trồng trọt còn nhiều sản phẩm thừa nên ngành chăn nuôi ở các dân tộc này khá phát triển Trâu được nuôi nhiều nhất ở Bắc Bộ; Voi thuần dưỡng và chăn nuôi Tây Nguyên có các nghề thủ công nổi bật như: dệt thổ cẩm, trao đổi hàng hóa Những cư dân ở Bắc Tây Nguyên như Tà Ôi, Giẻ Triêng, làm nghề gốm không dùng bàn xoay mà nặn đất thành các băng dài, rồi quấn chồng lên đáy thành hình trụ tùy theo nồi Trước đây kinh tế mang tính tự cấp, tự túc trong từng buôn làng nhưng đời sống đã từng bước thay đổi Hiện nay, Trường Sơn Tây Nguyên đã có các loại hình kinh tế trang trại, hoạt động dịch vụ chủ yếu của người Việt

Một số đặc điểm của văn hóa Tây Nguyên:

- Thần linh tôn thờ: theo quan niệm của đồng bào, có hai thế giới tồn tại, thế giới của người sống thực và thế giới hư vô

- Còn rơi rớt tín ngưỡng vật tổ thị tộc (Giarai mài răng trước)

- Trong số lực lượng siêu nhiên đồng bào tin có nhiều loại ma quái và các vị thần (yang)

- Thần lớn nhất của cư dân này là ông Trời

- Vị thần được quí trọng nhất đối với đồng bào là thần lúa sau đó là các vị thần núi, thần rừng, thần cây đa, thần bản mệnh

- Ngoài những thần linh làm điều lành có những siêu linh làm điều dữ

Trang 37

- Do cuộc sống phụ thuộc vào thế giới thần linh nên đồng bào có tục lệ cầu xin thần linh kết thân với mình để tăng thêm sức mạnh cho bản thân

- Không có ý niệm thờ cúng tổ tiên mà chủ yếu là cúng thần: gia đình và buôn làng

- Lễ đâm trâu là một đặc trưng của vùng văn hóa Tây Nguyên mang dấu ấn về chiến tranh của các bộ lạc xưa

- Nghi thức sát sinh tế thần để cầu mong sự sinh sôi nảy nở

- Tang ma: Giống với các dân tộc khác: lau rửa tử thi bằng nước thơm, thay quần áo mới; Cắc cử người vào rừng đẳn gỗ làm quan tài, khiêng thẳng ra mộ; Quàn tử thi trong nhà người đến viếng, bón thức ăn cho người chết và chia đồ dùng quần áo vào quan tài; Thời gian nuôi mả: mang cơm canh đến cho người chết ăn mỗi ngày 2-3 buổi cho đến khi bỏ mả

- Lễ Bỏ Mã: Thời gian vào tháng 10 khi mùa nương rẫy đã thu hoạch xong, bước vào mùa Ning Nang; Lễ tiến hành trong 4 ngày: khi đã chuẩn bị đủ trâu, bò, lợn, gạo; Ngày đầu: giết gà, già làng rót rượu xuống đầu mộ khấn gạo, rỡ bỏ nhà mộ cũ; Ngày thứ 2: tạo những tác phẩm nguyên thủy (tượng nhà mồ); Ngày thứ 3: ngày chính của lễ bỏ mã; Ngày thứ 4: ngày cúng bếp, cúng nhà

2.2.6 Vùng văn hóa Nam Bộ

Nam Bộ là địa bàn thuộc lãnh thổ của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau thuộc miền Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh

Về vị trí địa lí, Nam Bộ là vùng đất nằm ở cuối cùng đất nước về phía Nam, trọn vẹn trong lưu vực của hai dòng sông Đồng Nai và Cửu Long, mà lại là phần hạ lưu của hai dòng sông Trong khi đó, Nam Bộ lại gần Biển Đông Nói khác đi, đây là vùng đất cửa sông giáp biển Vị thế địa – văn hóa này của Nam Bộ tạo cho nó có những đặc điểm văn hóa riêng Mặt khác, khí hậu Nam Bộ khác hẳn khí hậu Bắc Bộ ở chỗ Nam Bộ chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa, vào một năm Sáu tháng mùa mưa, sáu tháng mùa khô, tạo cho vòng quay thiên nhiên, mùa vụ có phần khác biệt với đồng bằng Bắc Bộ Nói tới Nam Bộ là người ta nghĩ đến một cánh đồng tít tắp tận chân trời, một khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt và vùng đất với chằng chịt kênh rạch GS Lê Bá Thảo đã tính Nam Bộ có tới 5700km đường kênh rạch Sông nước ở hạ lưu chảy chậm, mang lượng phù sa lớn, khác với sông nước miền Trung Bộ Nói cách khác, có thể nói Nam Bộ là vùng đất cửa sông giáp biển

Tiến trình lịch sử của Nam Bộ có những nét khác biệt so với các địa phương

Trang 38

khác Nếu như Trung Bộ, Bắc Bộ là những vùng lịch sử phát triển liên tục thì Nam Bộ trong sự phát triển lịch sử, lại trải quạ sự đứt gãy Sau sự biến mất của nền văn hóa Óc Eo vào cuối thế kỉ VI, vùng Nam Bộ rơi vào tình trạng hoang vu hiểm trở Vào thế kì thứ XIII, Châu Đạt Quan, sứ thần của nhà Nguyên Mông đi ngang qua vùng này để bang giao với Vương quốc Ăng co đã viết trong Chân Lạp phong thổ kí của ông về vùng này như sau: “Bắt đầu từ vùng Chân Bồ (tức vùng Vũng Tàu đến Gò Công ngày nay) khắp nơi rậm rạp các dải rừng thấp xen kẽ với những dòng sông chảy dài hàng trăm dặm, các loại cây cổ thụ um tùm đan kết với các loại dây mây chằng chịt… Khắp nơi vang tiếng chim hót, tiếng thú kêu… Trên các đại đồng hoang, hàng trăm ngàn trâu rừng tụ họp thành bầy, đàn…” Cuối thế kỉ XVIII, khi miêu tả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Lê Quý Đôn còn viết trong Phủ biên tạp lục như sau: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu đi vào, toàn là rừng núi hàng ngàn dặm” Chính vì vậy, khi cư dân Việt vào đây khai phá, họ đứng trước sự hoang vắng hiểm trở của vùng đất chưa có dấu chân người

Nam Bộ về mặt cư dân có các tộc người Việt, Khơ me, Chăm, Hoa, Mạ, Xtiêng, Chơro, Mnông Dân cư Nam Bộ có các đặc trưng sau: Thứ nhất, các tộc người khai phá Nam Bộ như Chăm, Hoa, Khơ me, Việt đều là lưu dân khai phá đất mới Họ đã xa vùng đất cội nguồn cả về không gian lẫn thời gian Thứ hai, sống cùng một địa bàn cư trú, nhưng trên nét lớn, các tộc người này sống với nhau một cách hòa hợp, thân ái, không có chiến tranh giữa các sắc tộc trong lịch sử Thứ ba, tộc người chủ thể có vai trò quyết định sự phát triển của vùng đất là người Việt Nói đến nền văn hóa Nam Bộ là nói đến văn hóa của các tộc người ở đây Ngoại trừ các tộc người sống ở ven đồng bằng miền Đông, như đã nói ở trên, các tộc người Việt, Khơ me, Chăm, Hoa đều không phải là cư dân bản địa ở đây Vì thế, văn hóa của họ là văn hóa ở vùng đất mới Gần như là một quy luật văn hóa của lưu dân ở vùng đất mới, dù là của tộc người nào, cũng đều là sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa trong tiềm thức, trong dòng máu, và điều kiện tự nhiên, lịch sử của vùng đất mới, nó phát triển trong điều kiện cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian và thời gian Nói khác đi là, những loài cây quen thuộc của vùng đất cũ, được đem cấy trồng nơi đất mới Cho nên, nền văn hóa này, vừa có nét giống, lại vừa có nét khác với nền văn hóa ở vùng đất cội nguồn, của cùng một tộc người

Đặc điểm thứ hai của vùng văn hóa Nam Bộ là quá trình giao lưu văn hóa diễn ra với một tốc độ mau lẹ Thực ra, nếu xét một cách nghiêm ngặt về lịch sử, vùng đất này mới có tuổi đời chừng hơn 300 năm Thế nhưng trong một khoảng thời gian rất ngắn ấy, văn hóa Nam Bộ đã định hình rõ những đặc trưng vùng của mình Nhiều nhân tố tạo ra điều này, nhưng không thể không thừa nhận tác động của quá trình tiếp biến văn hóa Sự tiếp biến xảy ra trước hết giữa các tộc người cùng sinh sống trong một địa bàn

Trang 39

Mặt khác, Nam Bộ là vùng văn hóa có nhiều tôn giáo tín ngưỡng cùng đan xen tồn tại Nói cách khác đi là diện mạo tôn giáo tín ngưỡng Nam Bộ khá đa dạng và phức tạp Ngoài các tôn giáo lớn ở ngoài du nhập vào như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Nam Bộ còn là quê hương của tôn giáo tín ngưỡng địa phương như Cao đài, Hòa hảo, như các ông đạo, các tín ngưỡng dân gian như thờ Tổ tiên, Thổ thần, thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, thờ Neaktà, Arăk… Bản thân từng tôn giáo ở Nam Bộ cũng khá đa dạng Bên cạnh Phật giáo Tiểu thừa lại có Phật giáo Đại thừa Với các tín ngưỡng dân gian, điều kiện tự nhiên lịch sử của vùng đất mới đã khiến nó có những nét khác biệt, tuy rằng, chúng đi ra từ một nguồn cội là đồng bằng Bắc Bộ

Trong ứng xử với thiên nhiên, các tộc người ở Nam Bộ cũng có những nét khác biệt so với các vùng văn hóa khác Dù là người Việt hay người Khơme, người Chăm, người Hoa v.v… Khi tới vùng này sinh sống, họ đều đứng trước một thiên nhiên vừa có phần lạ lẫm, vừa có phần huyền bí Ứng xử với thiên nhiên của người Việt có thể coi là thái độ tiêu biểu nhất Khác với đồng bằng sông Hồng, Nam Bộ, dù có tới 4900km kênh đào, dù có hai dòng sông lớn, vẫn không hề có một khi đê nào Dựa theo chế độ thủy triều, hệ thống thủy lợi ở Nam Bộ đưa nước ngọt từ sông lớn vào sông nhỏ, vào kênh rạch rồi lên mương, lên vườn Nguồn tài nguyên thủy sản ở Nam Bộ đạt tới sự sung túc, phong phú, hơn tất cả mọi vùng trên đất nước ta Vì thế, sử dụng nguồn đạm thuỷ sản trong bữa ăn người Việt có chú trọng hơn Các món ăn chế biến từ thủy sản cũng nhiều số lượng, phong phú về chất lượng, so với các nơi khác Và người Việt sử dụng các món ăn từ hải sản cũng nhiều hơn so với cư dân Bắc Bộ

Đặc điểm cuối cùng không thể không nhắc tới là sự phát triển của dòng văn hóa bác học, nhất là của người Việt ở đây Từ giữa thế kỉ XVIII, Gia Định đã có những trường học nổi tiếng như trường Hòa Hưng của nhà giáo ưu tú Võ Trường Toản Người thầy giáo lớn của Nam Bộ đã đào tạo được nhiều người tài danh như Ngô Tòng Châu, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh Năm Gia Long thứ 12 (1813), khoa thi hương đầu tiên được tổ chức ở Gia Định, năm 1862, khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức ở An Giang Như vậy, trong 49 năm, trường thi Gia Định có 22 khoa thi, tuyển chọn được 296 cử nhân, trong đó có những người ra kinh thi tiến sĩ và được lấy đỗ 5 người Như vậy, đội ngũ trí thức Nho học xuất hiện ở Nam Bộ Một số văn đàn, thi xã xuất hiện như Tao đàn Chiêu Anh Các, như Bình Dương thi xã, Bạch Mai thi xã Nửa sau thế kỉ XIX, các tác giả Nam Bộ đã đóng góp phần quan trọng, bằng văn chương, vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Hồ Huân Nghiệp Sau khi chiếm đóng Nam Kì, người Pháp bãi bỏ chế độ giáo dục bằng chữ Hán, mở các trường học Pháp Việt ở Sài Gòn, sau đó ở các tỉnh, các huyện khác Chữ Quốc ngữ, chữ Pháp thay thế chữ Nôm, chữ Hán trong nhà trường Chữ Quốc ngữ rất nhanh chóng trở thành công cụ chuyển tải văn hoa ở Nam Bộ, thay cho chữ

Trang 40

Nôm Tầng lớp trí thức mới xuất hiện ở Nam Bộ, và chính họ góp phần thúc đẩy quá trình thay đổi chữ viết của văn hóa Nam Bộ, Việt Nam những năm này Cũng vào đầu thế kỉ XX, các trường trung cấp kĩ thuật, các trường dạy nghề đã được người Pháp mở ở Sài Gòn Khoảng những năm 40 của thế kỉ XX, người Pháp có tổ chức ở Sài Gòn một số cơ sở nghiên cứu khoa học và văn hóa, sau Hà Nội, Sài Gòn là một trung tâm lớn Từ năm 1954 đến năm 1975, Nam Bộ lại vào giai đoạn giao lưu văn hóa với văn hóa Mỹ Trong hai mốt năm ấy, một số trường đại học, một số cơ sở nghiên cứu khoa học đã được xây dựng ở Sài Gòn và Cần Thơ Tầng lớp trí thức trong giai đoạn này đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước Từ sau năm 1975, Nam Bộ lại là một vùng đang phát triển về mọi mặt, văn hóa phát triển khá nhanh với sự xuất hiện của hàng loạt các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu v.v… Dòng văn hóa bác học ở Nam Bộ, từ khi người Việt vào đây lập nghiệp, cho đến nay, quả là một nhân tố quan trọng trong tiến trình văn hóa của vùng và góp phần rất đáng kể vào diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam

Tóm lại, Nam Bộ có nhiều nét riêng so với các vùng khác Vùng đất vừa có bề dày trong diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam, lại là vùng đất giàu sức trẻ của cả các tộc người ở đây Vị thế địa chính trị, địa văn hóa của Nam Bộ, khiến nó trở thành trung tâm mà quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra nhanh chóng cả về bề mặt lẫn bề sâu, cả về lượng và chất, tạo cho vùng văn hóa Nam Bộ có những đặc thù riêng và trở thành một gương mặt riêng khó lẫn trong diện mạo các vùng văn hóa ở nước ta

2.3 Tiến trình văn hóa Việt nam

Bảng 2.2 Diễn trình văn hóa Việt Nam Thời

kỳ Tiền sử Sơ sử Thời kỳ đầu CN

Đại Việt (độc lập tự chủ)

Pháp

thuộc Hiện đại

Thời gian

Cách nay mấy chục vạn năm cho đến khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên

800 – 700 năm trước Công nguyên đến thế kỷ I đầu công nguyên

Từ thế kỷ I – X

Từ thế kỷ X – XIX

Từ 1858 đến 1945

1945 – nay

Không gian

Khu vực Đông Nam Á

3 nền văn hóa trên đất

-Bắc đèo Ngang trở ra:

Qúa trình mở rộng

- Bắc Bộ (Tonkin)

Không gian lãnh thổ Việt

Ngày đăng: 08/05/2024, 02:13

HÌNH ẢNH LIÊN QUAN

Hình 1. 1. Cấu trúc của hệ thống văn hóa ...................................................................... - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 1. 1. Cấu trúc của hệ thống văn hóa (Trang 7)
Hình 1. 1. Cấu trúc của hệ thống văn hóa - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 1. 1. Cấu trúc của hệ thống văn hóa (Trang 15)
Bảng 2. 1. Đối chiếu hai loại hình văn hoá  STT  Tiêu chí  Văn hoá nông nghiệp - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Bảng 2. 1. Đối chiếu hai loại hình văn hoá STT Tiêu chí Văn hoá nông nghiệp (Trang 20)
Hình 2. 2. Phân vùng văn hóa Việt Nam - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 2. 2. Phân vùng văn hóa Việt Nam (Trang 23)
Bảng 2.2. Diễn trình văn hóa Việt Nam  Thời - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Bảng 2.2. Diễn trình văn hóa Việt Nam Thời (Trang 40)
Hình 2.3. Dấu tích văn tự cổ ở Việt Nam - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 2.3. Dấu tích văn tự cổ ở Việt Nam (Trang 71)
Hình 3. 1. Biểu tượng âm dương - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 3. 1. Biểu tượng âm dương (Trang 76)
Hình 3. 1. Nguyên lý hình thành bộ Tam tài - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 3. 1. Nguyên lý hình thành bộ Tam tài (Trang 79)
Bảng 3. 2. Một số ứng dụng của Ngũ hành - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Bảng 3. 2. Một số ứng dụng của Ngũ hành (Trang 80)
Hình 3. 2. Mô hình Ngũ hành - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 3. 2. Mô hình Ngũ hành (Trang 80)
Hình 4. 3. Bảng Can chi - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 4. 3. Bảng Can chi (Trang 84)
Bảng 4. 1. Một số đặc trưng của làng xã Bắc bộ - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Bảng 4. 1. Một số đặc trưng của làng xã Bắc bộ (Trang 98)
Hình 4. 1. Tương quan âm dương trong tổ chức xã hội Việt Nam - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 4. 1. Tương quan âm dương trong tổ chức xã hội Việt Nam (Trang 102)
Hình 5. 1. Áo yếm - di sản trang phục của phụ nữ Việt Nam - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 5. 1. Áo yếm - di sản trang phục của phụ nữ Việt Nam (Trang 110)
Hình 6. 1. Tiết mục cầm hai vật có hình dạng cơ quan sinh dục đâm vào  nhau trong Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ - Tài liệu hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở văn hóa Việt Nam
Hình 6. 1. Tiết mục cầm hai vật có hình dạng cơ quan sinh dục đâm vào nhau trong Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ (Trang 118)