Trang 1 ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐẶNG LĂNG HỒNG CẨM HÁT PẢ DUNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DAO Ở PHÚC CHU, ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN H
Trang 1ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
ĐẶNG LĂNG HỒNG CẨM
HÁT PẢ DUNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DAO
Ở PHÚC CHU, ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
THÁI NGUYÊN - 2023
Trang 2ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
ĐẶNG LĂNG HỒNG CẨM
HÁT PẢ DUNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DAO
Ở PHÚC CHU, ĐỊNH HÓA, THÁI NGUYÊN
Ngành: Văn học Việt Nam
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đã thực hiện việc kiểm tra mức độ tương đồng luận văn qua phần mềm Turnitin một cách trung thực và đạt mức độ tương đồng 23% Bản luận văn kiểm tra qua phần mềm là bản cứng đã nộp để bảo vệ trước hội đồng Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm
Thái Nguyên, tháng 11 năm 2023
Học viên
Đặng Lăng Hồng Cẩm
Trang 4LỜI CẢM ƠN
Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giáo viên hướng dẫn là
TS Dương Nguyệt Vân đã tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện cho em
trong suốt quá trình thực hiện luận văn
Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Ngữ Văn, bộ môn Văn học Việt Nam, cán bộ khoa Sau đại học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên
đã tạo điều kiện cho em trong quá trình học tập
Tôi xin được cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã động viên để tôi có thể hoàn thành luận văn
Luận văn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, em rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét của các thầy cô và bạn bè để em có thể hoàn thiện luận văn
Thái Nguyên, tháng 11 năm 2023
Tác giả luận văn
Đặng Lăng Hồng Cẩm
Trang 5MỤC LỤC
Lời cam đoan i
Lời cảm ơn ii
Mục lục iii
Danh mục bảng biểu iv
MỞ ĐẦU 1
1 Lí do chọn đề tài 1
2 Tổng quan về vấn đề nghiên cứu 4
3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 9
4 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 10
5 Phương pháp nghiên cứu 11
6 Đóng góp của luận văn 12
7 Cấu trúc luận văn 13
Chương 1: CƠ SỞ THỰC TIỄN VÀ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI 14
1.1 Khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 14
1.1.1 Điều kiện tự nhiên 14
1.1.2 Đặc điểm kinh tế xã hội 16
1.2 Đặc điểm văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên 17
1.2.1 Đời sống văn hóa vật chất 17
1.2.2 Đời sống văn hóa tinh thần 19
1.3 Diện mạo hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 24
1.3.1 Khái niệm 24
1.3.2 Nguồn gốc và quá trình phát triển 25
1.3.3 Thực trạng hát Pả dung ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 27
Trang 6Chương 2: HÁT PẢ DUNG - BỨC TRANH ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA
NGƯỜI DAO Ở PHÚC CHU, ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN 35
2.1 Hát Pả dung trong lễ Cấp sắc của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 35
2.1.1 Hát Pả dung phản ánh các công việc của thầy cúng trong quá trình làm lễ 36
2.1.2 Hát Pả dung thể hiện quá trình trước khi làm lễ 39
2.1.3 Hát Pả dung - lời cảm ơn thầy cúng và khách đến dự đám Cấp sắc 41
2.1.4 Hát Pả dung tiễn vua (Bàn Vương) ra về 43
2.2 Hát Pả dung phản ánh phong tục người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 46
2.2.1 Hát Pả dung trong phong tục cưới hỏi 46
2.2.2 Hát Pả dung trong phong tục mừng năm mới 49
2.2.3 Hát Pả dung trong phong tục mừng nhà mới 50
2.3 Hát Pả dung - tiếng lòng tình cảm người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 52
2.3.1 Ca ngợi Đảng, Bác Hồ và sự phát triển của bản làng 52
2.3.2 Hát Pả dung thể hiện tình yêu đôi lứa 57
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 60
Chương 3: NGHỆ THUẬT HÁT PẢ DUNG CỦA NGƯỜI DAO Ở PHÚC CHU, ĐỊNH HOÁ, THÁI NGUYÊN 61
3.1 Nghệ thuật lời ca 61
3.1.1 Ngôn ngữ 61
3.1.2 Thể thơ 63
3.1.3 Kết cấu 66
3.1.4 Vần và nhịp 68
3.1.5 Các biện pháp tu từ 75
Trang 73.2 Nghệ thuật diễn xướng 81
3.2.1 Không gian diễn xướng 81
3.2.2 Thời gian diễn xướng 83
3.2.3 Cách thức, lề lối diễn xướng 84
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 88
KẾT LUẬN 89
TÀI LIỆU THAM KHẢO 94 PHỤ LỤC
Trang 8Định Hóa 32 Biểu 1.5 Nhu cầu tìm hiểu về hát Pả dung của học sinh trường THCS Phúc Chu 33
Trang 9MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
1.1 Là gạch nối giữa vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng và vùng đại ngàn Việt Bắc, Thái Nguyên tự hào là vùng đất đã đi vào trang sử vàng của dân tộc Nằm cách thủ đô Hà Nội không xa, Thái Nguyên là cửa ngõ lên vùng Việt Bắc
và ở mọi thời đại đều có vị trí phên dậu cho trái tim nước Việt Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn trở thành địa bàn chiến lược ATK – thủ đô kháng chiến của cả nước, là căn cứ địa chở che cho cơ quan đầu não Trung ương Đảng, Chính phủ; nơi ra đời những quyết sách mang tính then chốt, bước ngoặt lịch sử quan trọng, khởi nguồn chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu Trong chiến tranh chống đế quốc Mĩ, quân và dân Thái Nguyên vừa kiên cường xây dựng
xã hội chủ nghĩa, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam chống Mĩ Trong công cuộc đổi mới ngày nay, mảnh đất hội tụ văn hóa, lịch sử Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vị trí trung tâm kinh tế - xã hội vùng Việt Bắc, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - du lịch Những miền quê, vùng đất, di tích như: vùng chè Tân Cương, ATK Định Hóa, hang Phượng Hoàng, đền Đuổm…đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng của quốc gia Nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh gồm: Lễ hội Lồng tồng của người Tày, huyện Định Hóa; múa Tắc xình, hát Sấng cọ của người Dao, huyện Phú Lương; nghệ thuật Khèn của người Mông, huyện Phú Lương và Định Hóa; hát
Pả dung của người Dao ở Định Hóa… đã trở thành những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, trở thành những giá trị văn hóa độc đáo của người dân xứ trà…
1.2 Thái Nguyên có dân số trên 1,1 triệu người với 46 dân tộc, trong đó có
có 45 dân tộc thiểu số sinh sống với trên 384.000 người chiếm 29,87% dân số
toàn tỉnh Đồng bào Dao là dân tộc có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54
dân tộc Việt Nam Theo số liệu thống kê năm 2022, Thái Nguyên có hơn 26.000 người Dao, chiếm 2,1% dân số toàn tỉnh Dân tộc Dao ở Thái Nguyên thuộc ba ngành Dao, đó là: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt và Dao Lô Gang Cộng
Trang 10đồng dân tộc Dao ở Việt Nam đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, từ việc canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, các hoạt động kinh tế truyền thống, kiến trúc làng bản, nhà ở, ẩm thực, trang phục truyền thống đến ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật…
đều thể hiện những sắc thái về văn hóa riêng biệt của dân tộc Dao
1.3 Được coi là một trong những báu vật văn hóa, hát Pả dung hay còn gọi là
Pá dung hay Páo dung là làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân
gian của đồng bào Dao, vừa là niềm tự hào của người Dao, vừa là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của họ trong đời sống Đó là những khúc ca được dân gian sáng tác và lưu truyền Được ra đời từ rất lâu, bắt nguồn từ trong lao động sản xuất, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, làn điệu Pả dung đã gắn bó với cộng đồng dân tộc Dao, phản ánh hiện thực đời sống xã hội của họ Bởi vậy, Pả dung mang một giá trị văn hóa tinh thần và ý nghĩa rất quan trọng đối với người Dao Với những làn điệu mang màu sắc trữ tình nhẹ nhàng, duyên dáng, có sức lôi cuốn mãnh liệt, gây xúc động lòng người, cuối tháng 10 năm 2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận bổ sung thêm tám di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó hát dân ca Pả dung của người Dao ở xã Phúc Chu là một trong hai di sản của tỉnh Thái Nguyên được công nhận
1.4 Di sản văn hóa tạo nên bản sắc riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số Hát Pả dung thực sự là đứa con tinh thần của cộng đồng người Dao Tuy nhiên, theo sự biến động của dòng chảy thời gian, hoàn cảnh sống cùng với những tác động của quá trình hội nhập kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh cả xã hội bước sang kỉ nguyên công nghệ số như hiện nay đã khiến cho hát Pả dung đang dần
bị mai một Nếu như trước kia, trong đời sống người Dao, Pả dung có mặt khắp nơi: Ở các phiên chợ, các chàng trai, cô gái người Dao thường cất tiếng hát để tìm bạn tình; Khi yêu nhau, họ dùng lời ca để bày tỏ tình cảm với người yêu; Trong lễ cưới, làn điệu Pả dung của người mẹ cất lên dặn dò con gái trước khi lấy chồng; Trong lao động, họ cất lên tiếng ca cầu mùa màng bội thu, xua tan mệt nhọc… thì hiện nay, khi các phương tiện thông tin hiện đại ra đời, người
Trang 11Dao đã không còn mấy người cất lên làn điệu ấy nữa Hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo này không có điều kiện, không gian để phổ biến sinh hoạt với chính cộng đồng người Dao Hơn nữa, những nghệ nhân hát được làn điệu dân ca Pả dung cũng không còn nhiều Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều thứ văn hóa đan xen, khiến đại đa số người trẻ không mấy mặn mà với những hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương đã
có nhiều chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, nhưng làm thế nào để các giá trị truyền thống đặc sắc ấy được lưu giữa và phát huy vẫn còn nhiều thách thức Vì vậy, lựa chọn tìm hiểu về hát Pả dung ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi hi vọng góp một phần nhỏ vào việc lưu giữ, giới thiệu tới người dân một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo trong đời sống của người dân vùng “thủ đô gió ngàn”
1.5 Là giáo viên đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy, vấn đề giảng dạy Văn học địa phương trong chương trình Ngữ văn phổ thông ở các cấp học đang dần được chú trọng Bắt đầu từ năm học
2021 - 2022, môn Giáo dục địa phương nằm trong chương trình học chính khóa của học sinh lớp 6 và tiếp tục lộ trình trong những năm học tiếp theo Hát Pả dung của người Dao được giới thiệu trong chương trình Giáo dục địa phương lớp 7 và được tìm hiểu cụ thể ở lớp 10 Tuy nhiên, học sinh hiện nay ít quan tâm đến loại hình dân gian truyền thống của địa phương hoặc không có hứng thú khi nghe/xem diễn xướng dân gian Hơn nữa, bản thân là một người sống
và làm việc tại Thái Nguyên nên việc tìm hiểu, nghiên cứu về hát Pả dung cũng
để góp phần giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống Đồng thời, việc nghiên cứu, tìm hiểu về hát Pả dung cũng là việc làm thiết thực phục vụ công tác giảng dạy văn học địa phương ở trường phổ thông
Lựa chọn đề tài Hát Pả dung trong đời sống văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên chúng tôi có thêm tình yêu, sự hiểu biết
về một loại hình dân gian độc đáo của quê hương; qua đó, thêm yêu và gắn bó hơn với vùng đất và con người nơi đây Đồng thời, góp phần vào việc bảo tồn
và phát huy giá trị bản sắc dân tộc
Trang 122 Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Văn hóa dân tộc Dao rất sống động và đa dạng, các ngành Dao cũng tương đối phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo của dân tộc này Chính vì vậy, việc sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa của người Dao được tiến hành khá sớm Ngay từ thế kì XVIII đã có một số công trình giới thiệu sơ
lược về dân tộc Dao và phong tục tập quán của người Dao như Kiến văn tiểu
lục của Lê Quý Đôn, Hưng hoá xứ - Phong thổ lục của Hoàng Bình Chính Vào
thế kỉ XIX, nhà sử học Phạm Thận Duật đã viết tác phẩm Hưng Hoá kí lược,
trong tác phẩm có nói tới phong tục tập quán người Mán (Dao) Nhìn chung, những công trình này chủ yếu mang lại giá trị về mặt lịch sử
Cho đến những năm 1960, nhiều nhà khoa học bắt đầu quan tâm nghiên
cứu nhiều hơn về người Dao Tiêu biểu trong đó có công trình Một số vấn đề
dân tộc học Việt Nam của Phan Hữu Dật và Hoàng Hoa Toàn (2014) đã đề cập
đến nhiều vấn đề từ nguồn gốc lịch sử, dân số, kinh tế, văn hóa của các ngành
Dao Đáng chú ý hơn cả là công trình Người Dao ở Việt Nam (2006) của các nhà
nghiên cứu Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến nêu lên nguồn gốc lịch sử, phân loại các ngành Dao, các hình thái kinh tế, phong
tục, tôn giáo tín ngưỡng người Dao Trong cuốn sách Tập tục chu kì đời người
của các tộc người - ngôn ngữ Mông - Dao, (2002) tác giả Đỗ Đức Lợi cũng đã
trình bày về các tập tục trong chu kì đời người của dân tộc Dao nói chung
Ngoài một số ít công trình nghiên cứu có tính chất chuyên khảo về người Dao nói trên, còn có các công trình nghiên cứu về người Dao ở các địa phương
như công trình Một số vấn đề người Dao ở Quảng Ninh (1999) của Nguyễn
Quang Vinh đã chỉ ra nét đặc trưng về lịch sử, văn hoá, kinh tế của người Dao
ở Quảng Ninh; công trình Các nghi lễ chủ yếu trong chu kì đời người của nhóm
Dao Tiền ở Bắc Kạn (2003) của Lý Hành Sơn miêu tả các nghi lễ chủ yếu trong
chu kì đời người và sự biến đổi của người Dao Tiền ở Bắc Kạn
Ngoài nguồn gốc, lịch sử, bản sắc văn hoá người Dao thì văn học dân gian đặc biệt là dân ca Dao cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm Đã có
Trang 13rất nhiều công trình sưu tầm, biên soạn, những cuốn chuyên khảo, bài báo, những luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp quan tâm và nghiên cứu về thể loại này Đáng chú ý phải kể đến một số công trình sau đây:
Năm 1997, tác giả Hoàng Văn Trụ, trong cuốn Dân ca các dân tộc thiểu số
Việt Nam – tập 2 đã tuyển chọn, giới thiệu đến bạn đọc một số bài dân ca người
Dao được thực hiện trong trong nghi lễ Cấp sắc của người Dao Tiền
Năm 2010, tác giả Trần Trí Dõi, Triệu Phúc Xuân, Triệu Thị Nga đã cho
xuất bản cuốn Truyện thơ của người Dao ở Thanh Hoá Trong cuốn sách này
có ghi chép lại những câu ca, ca ngợi Bàn Hồ (hay còn gọi là Bàn Vương) - người được coi là ông tổ của người Dao Những câu ca trong cuốn sách ngoài việc ngợi ca vị thần Bàn Hộ còn nói về thế giới tâm linh cũng như triết lí nhân sinh quan của người Dao Cho đến nay, các bài dân ca trong cuốn sách này vẫn được người Dao nói chung và người Dao Tuyển nói riêng sử dụng trong các nghi lễ Cấp sắc, tang ma và trong hát Pả dung
Trong cuốn Dân ca dân tộc Pu Péo, Sán Dìu, Dao, Lô Lô, Cao Lan
(2012), của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phần dân ca Dao được tác giả
Đỗ Quang Tụ, Nguyễn Liễu sưu tầm và biên dịch đã khái quát những nét cơ bản nhất về vị trí của người Dao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nơi cư trú cũng như lịch sử hình thành, phát triển và tình yêu của người Dao với ca hát Công trình đã thống kê các làn điệu dân ca độc đáo của người Dao theo hình thức “co sang” (ca xướng) ở Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang
Công trình Dân ca Dao – Dân ca Lô Lô (2018) của các tác giả Triệu Hữu
Lý, Lê Trung Vũ đã sưu tầm, biên dịch, giới thiệu những bài dân ca đặc sắc trong kho tàng dân ca phong phú của đồng bào dân tộc Dao, Lô Lô trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hà Giang Trong công trình này, nhóm tác giả đã
giới thiệu dân ca Dao theo năm nhóm chủ đề: hát đối, bài ca can chi, tình thơ
gửi, những bài hát đám cưới, lời răn lưu truyền
Ngoài ra, khi nghiên cứu hát Pả dung của người Dao, chúng tôi còn có điều kiện tiếp cận với một số khóa luận, luận văn, luận án về văn hóa người
Trang 14Dao Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều công trình nghiên cứu về trang phục, lối sống, văn hóa, văn học dân gian, thơ ca người
Dao, có thể kể đến một số công trình như: Luận văn Thạc sĩ Văn học Thơ ca
dân gian của người Dao Tuyển ở Lào Cai (2008) của tác giả Phạm Vinh Quang
đã đi sâu tìm hiểu những giá trị nội dung và thi pháp thơ ca dân gian của người
Dao Tuyển ở Lào Cai; Khóa luận tốt nghiệp Gia đình truyền thống của người
Dao ở xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh với xây dựng văn hóa mới hiện nay (2008) của tác giả Nguyễn Thị Thắm nghiên cứu nếp sống truyền
thống, xu hướng phát triển và những tác động đến sự biến đổi trong gia đình
người Dao ở Hoà Bình; Khóa luận Tốt nghiệp Lễ cấp sắc của người Dao ở
huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang (2014) của tác giả Đinh Thị Hằng đi vào khai
thác các lễ nghi liên quan đến lễ cấp sắc của người Dao ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang từ tên gọi, mục đích cho đến nguồn gốc, các bậc, công việc chuẩn bị, tiến trình, những điều kiêng kị trong nghi lễ cấp sắc; Luận văn Thạc
sĩ Văn hóa học Trang phục nữ của người Dao Quần Trắng (xã Hùng Đức -
huyện Hàm Yên - tỉnh Tuyên Quang) (2016) của tác giả Bùi Tường Vân đã giúp
người đọc thấy được vẻ đẹp của những bộ trang phục nữ, loại hình hoa văn của người Dao Quần Trắng; Luận văn Thạc sĩ ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt
Nam Thơ dân tộc Dao thời kì hiện đại (2019) của tác giả Phạm Thị Vân Anh
chỉ rõ những đặc điểm bản sắc văn hóa tộc người trong Dao mà chủyếu là qua thơ Bàn Tài Đoàn và Triệu Kim Văn, những dấu ấn truyền thống trong thơ và
sự kế thừa phát triển thơ Dao trong thời kì hiện đại; Luận văn Thạc sĩ ngôn ngữ
và văn hóa Việt Nam Đặc điểm truyện cổ dân tộc Dao (2020) của tác giả Ngô
Phương Thảo đã chỉ rõ đặc điểm nội dung và nghệ thuật của truyện cổ dân tộc Dao để làm nổi bật các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội đặc sắc của người Dao…
Trong số các công trình nghiên cứu về bản sắc văn hoá người Dao, chúng tôi nhận thấy, chỉ có một công trình duy nhất nghiên cứu về dân ca Dao
là luận án Tiến sĩ Dân ca nghi lễ trong đời sống văn hóa người Dao Tuyển ở
Việt Nam (2017) của tác giả Bàn Thị Quỳnh Giao Ở công trình này, tác giả đã
Trang 15tiến hành tập hợp, hệ thống, đối chiếu dân ca nghi lễ người Dao Tuyển trên các văn bản đã công bố với tư liệu điền dã; đồng thời, tập trung nghiên cứu nội dung, nghệ thuật dân ca nghi lễ để làm rõ hơn những khía cạnh phản ánh của dân ca nghi
lễ trong đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của người Dao Tuyển
Vì vậy, do số lượng công trình nghiên cứu về dân ca Dao còn hạn chế, chúng tôi tìm hiểu về hát Pả dung ở Thái Nguyên chủ yếu thông qua điền dã và qua một số bài viết trên các trang điện tử giới thiệu về hát Pả dung như:
Trang https://thainguyentv.vn ngày 18/04/2013 với bài viết “Ông Lý Tiền
Liên - Lão nông người Dao nặng lòng với điệu hát Pả dung” nói về những tâm
huyết của ông Lý Tiền Liên với vốn văn hóa của dân tộc mình Gắn bó với Pả dung từ khi còn nhỏ, mặc dù mới chỉ học hết lớp 1 vỡ lòng trường làng, vậy mà những đoạn Pả dung 8 chữ 4 câu với nhiều chủ đề khác nhau trong cuộc sống
đã được ông phiên âm để sáng tác những bài hát Pả dung bằng chữ quốc ngữ Chỉ với một quyển sổ nho nhỏ, một cây bút và một tấm lòng với điệu hát Pả dung, hơn 30 bài hát với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương Tràng Xá và một số chính sách pháp luật đã được ông lồng ghép vào câu hát Pả dung của người Dao Ông Liên là một trong những hạt nhân tích cực bảo tồn nét văn hóa truyền thống ở cơ sở, góp phần vào quá trình xây dựng đời sống nông thôn mới
Trang https://dinhhoa.thainguyen.gov.vn ngày 11/02/2019 có bài viết
“Đặc sắc làn điệu Pả dung” Trong bài viết này, các tác giả đã giới thiệu hát
dân ca Pả dung của người Dao ở xã Phúc Chu là một trong số hai di sản của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Bài viết không chỉ giới thiệu được những nét đặc sắc của làn điệu Pả dung mà còn chia sẻ những tỉnh cảm, suy nghĩ và nguyện vọng được giữ gìn và lưu truyền của nghệ nhân Bàn Thị Hồng, thôn Làng Gày, xã Phúc Chu, huyện Đinh Hoá, Thái Nguyên - người đang nắm giữ và thuộc nhiều bài hát dân ca Pả dung của dân tộc Dao Hát Pả dung rất quan trọng với người Dao ở Định Hóa bởi nó đã thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của
Trang 16tâm hồn người Dao và quan trọng hơn cả là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình
Cũng trên trang https://dinhhoa.thainguyen.gov.vn số ra ngày
29/09/2020, theo bài viết “Giữ hồn văn hóa người Dao”, đồng bào người Dao ở
huyện Định Hóa vẫn luôn giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống hàng ngày Họ chủ động trao truyền, phát huy và nối dài bản sắc văn hóa
Họ sẵn sàng tham gia, sẵn sàng thể hiện các làn điệu Pả dung, phục trang truyền thống của dân tộc mình Đó là những nét đáng quý, đáng trân trọng về cách giữ “hồn văn hóa” của đồng bào Dao nơi đây
Trang https://baothainguyen.vn ngày 09/02/2021 với bài viết “Về Phúc
Chu nghe điệu Pả dung” đã nói “Dân ca Pả dung không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn là tiếng lòng của người dân tộc Dao nói chung, người Dao Coóc Mùn ở Phúc Chu nói riêng” Bài viết đã chỉ rõ, Pả dung là hình thức
sinh hoạt văn nghệ phổ biến, có thể hát vào bất cứ thời gian nào, lời ca chủ yếu hình thành và tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn Trong Pả dung, một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn, từ những hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, hoa trái, núi đồi đến các sự kiện lịch sử, xã hội, câu đố, lời chào… nói lên tâm trạng và nguyện vọng của con người Pả dung truyền khẩu tự nhiên trong cộng đồng và được ghi chép lại trong các sách nghi lễ
Trên trang https://baothainguyen.vn số ra ngày 25/8/2022 đã đưa tin Thái Nguyên vinh dự được đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên, năm 2022 Ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nhằm góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước Ngày hội diễn ra từ ngày 06 đến 08/10/2022, với sự tham gia của 12 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang,
Trang 17Vĩnh Phúc và Yên Bái với Chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Dao Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển" Đây là một sự kiện quan
trọng để hát Pả dung ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống cộng đồng
Như vậy, thực tế các công trình nghiên cứu trên đây chủ yếu là sưu tầm hoặc là những bài báo giới thiệu dân ca Pả dung đến với quần chúng Hiện chưa
có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về giá trị nội dung và nghệ thuật của hát Pả dung ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên, đặc biệt là về công tác sưu tầm và dịch thuật Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của công trình nghiên
cứu, chúng tôi chọn: Hát Pả dung trong đời sống văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên làm vấn đề nghiên cứu cho luận văn của
mình Hi vọng, đây sẽ là cơ hội để chúng tôi đi sâu tìm hiểu về giá trị nội dung
và nghệ thuật của hát Pả dung, giúp người đọc thấy được nét độc đáo, hấp dẫn, cái hay cái đẹp của làn điệu dân ca này; đồng thời, hướng tới lưu giữ, bảo tồn giá trị văn học, văn hóa truyền thống của dân tộc Dao nói riêng, cộng đồng dân
tộc thiểu số Việt Nam nói chung
3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đề tài của luận văn là Hát Pả dung trong đời sống văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên Vì vậy, đối tượng nghiên cứu của
luận văn là những lời hát Pả dung, thực hành diễn xướng hát Pả dung của người Dao ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi địa bàn nghiên cứu: Xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi tập trung đông dân số là người Dao ở Thái Nguyên và cũng là nơi còn lưu giữ số lượng lời hát Pả dung khá phong phú
Phạm vi tư liệu: Dựa trên 100 lời hát chúng tôi đã điền dã, sưu tầm, khảo sát
và dịch thuật từ các nghệ nhân tại xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
Trang 18Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Nghiên cứu phương diện nội dung và nghệ thuật hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
4 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1 Mục đích nghiên cứu
- Tìm hiểu rõ hơn đời sống văn hóa, thế giới tâm hồn của người Dao ở
Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên nói riêng và người Dao nói chung
- Khẳng định và phát huy giá trị văn hóa của làn điệu Pả dung - di sản
văn hóa phi vật thể Quốc gia từ đó góp phần tạo cơ hội gắn kết dân tộc, xây dựng môi trường đa văn hóa
- Đề xuất một số biện pháp góp phần gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu những nét đặc sắc của hát Pả dung, nâng cao nhận thức cộng đồng Trọng tâm là đưa hát Pả dung của dân tộc Dao vào giảng dạy trong chương trình văn học địa phương như một nội dung chính thức tại xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
4.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu một số vấn đề chung về tự nhiên, xã hội, đời sống văn hóa
của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Tìm hiểu cơ sở lí thuyết của đề tài như: khái niệm, nguồn gốc, phân loại và quá trình phát triển hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Điều tra, khảo sát người dân, nghệ nhân, giáo viên, học sinh để đánh giá được thực trạng hát Pả dung ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
- Điền dã, khảo sát, sưu tầm, thống kê, phân loại các bài hát Pả dung của dân tộc Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Thực hiện ghi âm, ghi hình, đối dịch, văn bản hóa tư liệu từ phiên âm tiếng Dao sang tiếng phổ thông
- Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các bài hát
Pả dung của dân tộc Dao Trong điều kiện có thể, chúng tôi sẽ so sánh đối chiếu với các bài dân ca của các dân tộc khác để thấy được những nét tương đồng cũng như nét riêng biệt tạo nên sự độc đáo, đặc sắc của hát Pả dung Dao
Trang 19- Bước đầu chỉ ra mối quan hệ giữa hát Pả dung với đời sống văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Đề xuất biện pháp bảo tồn, đưa hát Pả dung của dân tộc Dao vào nội dung giảng dạy chương trình văn học địa phương ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
5 Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích đặt ra, chúng tôi sử dụng phối hợp một số phương pháp nghiên cứu sau:
5.1 Phương pháp điều tra, điền dã
Chúng tôi sử dụng phương pháp điều tra tiến hành khảo sát mức độ phổ biến của hát Pả dung trong môi trường xã hội, môi trường giáo dục ở Phúc Chu Định Hóa, Thái Nguyên; từ đó, bước đầu đánh giá được thực trạng hát Pả dung của người Dao hiện nay
Chúng tôi sử dụng phương pháp điền dã ghi chép, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, thu thập về những bài hát Pả dung từ những nghệ nhân, những cụ cao niên trong làng bản để nắm bắt thông tin, phục vụ cho đề tài nghiên cứu; từ đó, tiến hành sưu tầm các bài hát Pả dung ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên Đặc biệt, chúng tôi đã sử dụng thao tác dịch nghĩa các bài hát Pả dung từ tiếng dân tộc Dao sang tiếng phổ thông
5.2 Phương pháp phỏng vấn chuyên sâu
Chúng tôi sử dụng phương pháp này đối thoại trực tiếp nhiều lần với nghệ nhân để tìm hiểu nguồn gốc, quá trình phát triển và giá trị những lời hát Pả dung
để đưa ra những đánh giá, kết luận khách quan nhất về làn điệu đặc sắc này
5.3 Phương pháp thống kê, phân loại
Trên cơ sở kết quả sưu tầm, khảo sát, chúng tôi sử dụng phương pháp này
để tiến hành thông kê, phân loại hát Pả dung của người Dao theo những tiêu chí nhất định; từ đó đưa ra những kết luận khách quan về vấn đề nghiên cứu
5.4 Phương pháp phân tích, tổng hợp
Chúng tôi sử dụng phương pháp này để phân tích số liệu khảo sát, sưu tầm; phân tích nội dung, nghệ thuật để thấy được giá trị của hát Pả dung của người Dao; từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá về vấn đề nghiên cứu
Trang 205.5 Phương pháp so sánh
Từ việc phân tích, lí giải hát Pả dung của người Dao trên phương diện
nội dung, nghệ thuật và sự vận động của nó trong không gian và thời gian,
bước đầu chúng tôi cũng có sự so sánh hát Pả dung ở Phúc Chu trong tương quan chung với hát Sấng cọ, hát Xình ca ở một số địa phương khác; so sánh nghệ thuật diễn xướng của hát Pả dung với một số hình thức diễn xướng dân gian khác
5.6 Phương pháp liên ngành
Để có cái nhìn đa chiều về hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên, chúng tôi đã vận dụng những kiến thức về lịch sử, địa lí, văn hóa để có thể lí giải, nhận định và đưa ra đánh giá về hình thức dân ca này
6 Đóng góp của luận văn
Đề tài Hát Pả dung trong đời sống văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên là công trình đem đến cái nhìn tổng quan về lịch
sử hình thành và phát triển hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Thống kê, khảo sát một cách có hệ thống các bài hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Công bố 100 lời hát Pả dung được dịch nghĩa từ phiên âm tiếng dân tộc Dao sang tiếng phổ thông
- Chỉ ra và phân tích nội dung, nghệ thuật trong các bài hát Pả dung; bước đầu lí giải từ góc độ văn hóa để thấy được mối quan hệ giữa văn học với đời sống văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
- Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể sẽ là nguồn tư liệu cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và văn học dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên nói riêng Chúng tôi cũng mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao ở Việt Nam
Trang 217 Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung
của luận văn được triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Cơ sở thực tiễn và lí thuyết của đề tài
Chương 2: Hát Pả dung - bức tranh đời sống của người Dao ở Phúc
Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
Chương 3: Nghệ thuật hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định
Hóa, Thái Nguyên
Trang 22Chương 1
CƠ SỞ THỰC TIỄN VÀ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI
Phúc Chu là một xã miền núi thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên Nơi đây không chỉ ghi dấu lịch sử là vùng đất ATK trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc mà còn là địa phương nổi tiếng với những giá trị văn hóa dân gian truyền thống vô cùng phong phú và đặc sắc Đặc điểm tự nhiên ở Phúc Chu cũng như đời sống văn hóa – xã hội của người Dao đã góp phần tạo nên những câu hát Pả dung thấm đượm lòng người Bởi vậy, việc tìm hiểu về đặc điểm tự nhiên ở địa phương, đời sống văn hóa – xã hội của người Dao nơi đây là điều cần thiết, bởi đó chính là nền tảng cho sự hình thành những câu hát
Pả dung cả về nội dung và nghệ thuật
1.1 Khái quát về điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
1.1.1 Điều kiện tự nhiên
Là một xã thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Phúc Chu có vị trí địa lí và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khi chỉ cách trung tâm huyện khoảng 2km Xã Phúc Chu có tổng diện tích là 14,56 km², dân số năm 2022 là 2.667 người, mật độ dân số đạt 186 người/km²
Phúc Chu nằm ở phía Tây Bắc huyện Định Hoá, được chia thành 6 xóm: Độc Lập, Đồng Đình, Đồng Uẩn, Làng Gầy, Làng Hoèn, Nà Lom Tổng dân số trên địa bàn xã là 1.913 hộ, có các dân tộc anh em cùng chung sống như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu… Trong đó, người Dao ở Phúc Chu sống tập trung tại 2 bản làng Gầy với 20 hộ dân và làng Hoèn với hơn 40 hộ
Địa hình xã Phúc Chu là một dải đất trải dài theo hướng Đông Tây và hẹp dần từ nam lên bắc, xung quanh là đồi núi bao bọc tạo thành nhiều tầng, nhiều lớp Tầng cao có dãy núi Khau Phao giáp với xã Bảo Cường, tầng thấp,
là những đồi thoai thoải liên tiếp, xen giữa những khu đồi, cánh rừng là cánh đồng hẹp trải dài từ đông sang tây, với tổng diện tích đất nông ngiệp là 384,7
ha Từ đặc điểm kiến tạo địa hình cho thấy Phúc Chu mang đậm đặc trưng của vùng miền núi
Trang 23Phía Bắc xã Phúc Chu có địa hình tương đối phức tạp với nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn Điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc sản xuất và đi lại của người dân nơi đây Độ cao trung bình trong khu vực từ 50 - 60m so với mực nước biển Phía Nam xã địa hình bằng phẳng hơn bao gồm những đồi bát úp xen lẫn những cánh đồng rộng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp Hướng dốc
từ phía Tây Bắc về phía Đông Nam, do địa hình có khác biệt như vậy nên hạn chế rất lớn đến sản xuất nông lâm nghiệp và đi lại của nhân dân trong xã, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung
Rừng và đất rừng chiếm 60% diện tích tự nhiên là thế mạnh của xã để phát triển cây chè, cây ăn quả, cây lấy gỗ, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc Từ năm 1970 trở về trước, nơi đây là những cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật đa tầng, đa dạng, những cây cổ thụ vươn cao phủ kín núi đồi, nhưng từ năm 1970 đến năm 1990 do sức ép của sự gia tăng dân số và ý thức bảo vệ rừng của người dân chưa được nâng cao, việc quản lí của cơ quan chức năng chưa thật chặt chẽ, các loại gỗ quý bị khai thác đến cạn kiệt, rừng bị thu hẹp Các loại muông thú quý di đi nơi khác vì không còn môi trường sinh sống Những năm gần đây, Nhà nước có nhiều cơ chế chính sách, quản lí, bảo vệ rừng cùng với việc triển khai các dự án trồng rừng, những khu đất trống, đồi núi trọc được phủ kín bằng những giống cây mới, hệ sinh thái rừng dần dần được khôi phục, độ che phủ rừng được tăng lên đáng kể Hiện nay, toàn xã có 962,44 ha rừng
Phúc Chu có 6 con suối đều bắt nguồn từ địa bàn xã Con suối lớn bắt nguồn từ khu rừng Đin Đăm điểm mút phía tây xã chảy về phía đông và đổ vào suối Chợ Chu ở khu vực Đồng Phủ là một nhánh thượng nguồn của sông Cầu, còn 5 con suối nhỏ bắt nguồn từ các khe rạch: Pá Vang, Pá Chao, Đồng Kè ở phía Bắc xã chảy theo hướng bắc nam đổ vào suối lớn ở các điểm Đồng Dọ, làng Hoèn, Đồng Kè, Đồng Uẩn, làng Mới và Khuổi Lếch Hệ thống khe suối được phân bố khá đồng đều trên khắp vùng đất ở Phúc Chu, vì vậy việc xây dựng các hồ, đập trữ nước đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt được thuận lợi
Trang 241.1.2 Đặc điểm kinh tế xã hội
Phúc Chu, Định Hoá không chỉ là mảnh đất có vị trí chiến lược về quân
sự mà còn là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội Là địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, hơn nữa mỗi dân tộc lại mang đặc điểm và bản sắc riêng, chính điều đó đã tạo nên một Phúc Chu đa màu sắc văn hóa
Tổng diện tích tự nhiên của Phúc Chu là 1292.8 ha nên xác định một trong những thế mạnh chính của xã là sản xuất nông – lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại Đất đồi rừng tại Phúc Chu rất thích hợp với cây chè đã và đang được trồng phổ biến tại Định Hoá với năng suất và sản lượng lớn Nơi đây cũng cũng có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, phù hợp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ
Với vị trí địa lí thuận lợi, tiếp giáo với thị trấn Chợ Chu – trung tâm của huyện Định Hoá, Phúc Chu ngày càng được chú trọng đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ, thương mại và du lịch
Về giao thông, do địa hình xã tương đối phức tạp có nhiều dãy núi cao,
độ dốc lớn nên rất hó khăn cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân Độ cao trung bình trong khu vực từ 50 cho đến 60m so với mực nước biển, phía Nam
xã địa hình bằng phẳng hơn bao gồm những đồi bát úp xen lẫn những cánh đồng rộng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp Trên địa bàn xã không có đường liên huyện chạy qua, chỉ có một tuyến đường liên xã đó là tuyến Phúc Chu - Bảo Linh, còn lại là toàn bộ đường liên thôn 35 bản Do có sự hỗ trợ của Nhà nước nên đến nay hệ thống giao thông của xã đã được cải thiện Tuy nhiên hiện nay, các trục đường giao thông của xã chưa được cứng hoá toàn bộ nên việc đi lại của nhân dân rất khó khăn, mùa mưa thì lầy lội, ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển và đi lại Trung tâm xã đã có trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân Các trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp
Dân cư ở Phúc Chu phân bố thành thôn, bản Xã gồm có 9 thôn Nhà ở phân bố không theo quy hoạch Hầu hết là dân bản xứ với nhiều dân tộc nhưng chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, nghề nghiệp làm ruộng, nương rẫy, một số ít sống ở các triền núi cao làm nghề trồng rừng Nhìn chung, đời sống kinh tế ổn
Trang 25định, trình độ dân trí còn thấp nhưng nhân dân có truyền thống cách mạng, trật
tự an ninh tốt
1.2 Đặc điểm văn hóa của người Dao ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên
1.2.1 Đời sống văn hóa vật chất
Về nhà cửa: Theo quan niệm của tất cả những người dân tộc sinh sống ở
vùng miền núi, nhà của người Dao bao giờ cũng xây dựng ở nơi cao ráo, vừa để tránh thú dữ, vừa cho phép người dân quan sát được khoảng không gian rộng Nhà họ của luôn có hai gian, gian trên để sinh hoạt, gian dưới để đồ đạc, để các dụng cụ làm ruộng nương và là nơi để buộc trâu bò
Khi làm nhà, người Dao chọn hướng theo tuổi của gia chủ Từ khâu chọn đất, xem ngày, chuẩn bị các vật liệu cho ngôi nhà đến việc xây nhà, dựng cửa ra sao, họ đều mời thầy cúng khấn vái thần linh, thổ địa, nếu được thần linh cho phép thì mới được sinh sống ở đây
Ngày dựng nhà được chọn theo tuổi của gia chủ, người Dao kị làm nhà trùng với ngày mất của cha mẹ, trùng ngày có sấm đầu năm, ngày kiêng của dòng họ, kiêng làm nhà vào tháng ba âm lịch Từ khi làm nhà cho đến khi nhà hoàn thành, người Dao có nhiều nghi lễ quan trọng nhưng quan trọng nhất là lễ vào nhà mới Trong lễ vào nhà mới nghi thức quan trọng và không thể thiếu là nghi thức đốt lửa Sau khi làm lễ đốt lửa họ dọn đồ đạc, trước tiên là đưa ống nước, cum thóc, bát đĩa, nồi xoong chảo vào nhà mới
Về trang phục: Trang phục truyền thống của đồng bào Dao rất đa dạng
gồm quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ… với kiểu dáng, hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm hương sắc của thiên nhiên như hoa rừng, thế núi Con gái người Dao ai cũng phải tự tay may cho mình bộ trang phục truyền thống thật đẹp, chính vì thế mà ngay từ khi lên 6, lên 7 bé gái dân tộc Dao đã được bố mẹ dạy thêu thùa, khâu vá
Phụ nữ Dao ăn mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, mang hoa văn, họa tiết được thêu rất sặc sỡ Bộ y phục của người phụ nữ Dao
là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối Cổ áo được thiết kế theo hình chữ
V có thêu hoa văn, lưng áo cũng được thêu họa tiết như phần gấu áo; Chiếc
Trang 26yếm hình tam giác có 2 đuôi dài kéo ra phía sau lưng, mỗi phần đuôi được đính
2 đồng tiền xu ở phía trong, vừa là để yếm được phẳng, vừa là để khi mặc sẽ phát ra âm thanh vui tai đặc trưng của người Dao Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở áo của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không Cách thêu cũng đặc biệt tỉ mỉ, thêu ở mặt trái vải nhưng hoa văn lại hiện lên mặt phải đều tăm tắp và rất tinh
tế Người phụ nữ Dao chỉ dựa vào bàn tay khéo léo của mình tạo những đường kim mũi chỉ mà không cần sử dụng bất kì loại phấn hay dụng cụ nào hỗ trợ để đánh dấu
Người Dao chỉ thêu một kiểu hoa văn duy nhất, ở gấu áo, gấu quần, lưng
áo, cổ áo của người phụ nữ và túi áo của người đàn ông - những chú chim hạc đậu trên những cành cây hay những nhánh hoa rừng bởi đó là hình ảnh rất gần gũi trong đời sống hàng ngày của người Dao Bên cạnh đó, trang phục của người Dao cũng mang ý nghĩa tâm linh, lí giải vì sao mà người Dao phải sắm sửa cho mình ít nhất một bộ trang phục truyền thống
Về ẩm thực: Mặc dù sống xen kẽ hoặc rất gần gũi với các tộc người anh
em khác trên cùng địa bàn nhưng người Dao ở các tỉnh thành trên cả nước có những cách chế biến món ăn, có tập quán ẩm thực khá độc đáo Trong đó, họ rất coi trọng món cơm ở từng bữa ăn của gia đình Cơm mèn mén từ giống ngô
tẻ của người Dao cơ bản cũng được chế biến như mèn mén của người Mông Nếu cơm tẻ là món cơm ăn hàng ngày thì món cơm nếp cũng được người Dao rất ưa chuộng Vì thế, hàng năm bà con thường cấy khá nhiều lúa nếp Gạo nếp chủ yếu dùng để làm các loại bánh, xôi trong các dịp lễ, tết Ngoài ra, gạo nếp cũng có thể được nấu, chế biến thành món cơm hoặc bánh đặc biệt để thưởng thức trong những dịp sum họp gia đình hoặc thết đãi khách quý Món xôi nếp của người Dao gồm có các loại: xôi trắng, xôi xanh, xôi vàng, xôi đỏ, xôi tím Xôi màu trắng thì gạo không nhuộm màu, chỉ cần ngâm đủ thời gian là
đồ lên ăn Nhưng thông thường người ta ít khi đồ xôi trắng mà hay làm xôi màu
để ăn
Trang 271.2.2 Đời sống văn hóa tinh thần
Về tín ngưỡng
Phúc Chu có 2 ngôi đình lớn là đình Ỏ và đình Tạng Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân thường tổ chức hội
“Lồng tồng” ở Đình Ỏ và ngày mùng 3 tháng Giêng, đình Tạng vào ngày mùng
6 tháng Giêng, những ngày tế thần chiêng, trống, cờ thần, hương án bày đặt linh đình, người dân từ các làng bản trong xã và các nơi khác kéo đến trẩy hội, đặt lễ cầu tài, cầu lộc, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, xin thần linh che chở Trong ngày hội, sau nghi lễ tế thần linh là các trò chơi vui xuân như tung còn, đấu vật, kéo co, múa rối tắc kè của phường rối Ru nghệ, gái trai hát lượn hát Pả dung Sau hội xuân, nhiều đôi trai gái thành vợ, thành chồng Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức của một giai đoạn lịch sử, những nét văn hoá độc đáo này chỉ còn lại dấu tích của quá khứ
Người Dao ở Phúc Chu cũng như người Dao ở các vùng khác có hai hình thức thờ cúng chính là cúng tổ tiên và cúng Bàn Vương Trong cúng tổ tiên, người ta cúng đến 9 đời và bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi tôn nghiêm nhất và họ cho rằng tổ tiên không ở thường trực trên bàn thờ mà chỉ ghé thăm họ vào ngày mồng một hoặc ngày rằm; cúng Bàn Vương là cúng một nhân vật huyền thoại Thờ Bàn Vương, không cần lập bàn thờ riêng mà khấn chung với tổ tiên, tông tộc trong các dịp lễ tết Người Dao tin rằng, Bàn Vương có liên quan đến số phận từng gia đình, từng tông tộc, nên có cúng bái tốt thì mọi người mới khoẻ mạnh, gia tộc mới hưng thịnh
Đặc biệt, nghi lễ Cấp sắc của người Dao là một thủ tục không thể thiếu
để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao Con trai khi lớn được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm với rất nhiều nghi lễ như Lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên
Lễ Cấp sắc của người Dao ở Phúc Chu hay hay ở các địa phương khác thường gọi là lễ trưởng thành của người con trai Tuy nhiên, không phải người
Trang 28con trai nào cũng được thực hiện nghi lễ này, phải là người con trai đủ từ 18 tuổi trở lên đã có vợ thì mới được phép làm lễ trưởng thành, có nghĩa là được cấp sắc Quy định này hoàn toàn khác biệt với lễ Cấp sắc của người Dao ở địa phương khác, họ thường tổ chức cho con trai từ độ tuổi khá sớm như người Dao ở Sơn La thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên, người Dao ở Lai Châu khi con trai đến 13 tuổi có thể tổ chức nghi lễ này; người Dao Đỏ, Dao Tiền ở Hà Giang thường làm lễ từ độ tuổi 12-30, có khi đến già, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11-19 tuổi… Đối với người Dao ở Phúc Chu, họ cho rằng, 18 tuổi mới là độ tuổi người con trai đủ chín chắn để từ đây có thể gánh vác chuyện gia đình Hơn nữa, họ còn có thêm quy định với được người làm lễ: người đó phải sống tốt, có mối quan hệ tốt với mọi người, anh em làng xóm, không được phạm vào bất cứ lỗi lầm gì thì khi cấp sắc các thầy thánh mới chấp nhận và ban phước lành cho
Nghi lễ Cấp sắc của người Dao được tiến hành gồm 4 bước:
Bước 1: Gia đình, vợ chồng, con cái, bố mẹ cùng nhau họp bàn, tất cả ý kiến đều đồng thuận thì mới báo cho tổ tiên biết là người con trai này đã có đủ điều kiện được trưởng thành, mong các cụ tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu luôn được bình an, mạnh khỏe Việc họp bàn này phải diễn ra từ đầu năm, gia đình tiến hành khấn vái, được tổ tiên cho phép thì cuối năm chọn được ngày lành tháng tốt là tổ chức Sau khi xin ý kiến tổ tiên, họ bắt đầu nuôi lượn, gà để chuẩn bị cho nghi lễ cuối năm
Bước 2: Gia đình tiến hành đi nhờ thầy xem ngày tháng bài tốt Thầy cả xem được ngày, gia đình tiếp tục đi mời thầy, gồm 7 thầy và người hộ việc là
10 người, 6 nam, 4 nữ Hẹn đến ngày nào đó là đến hộ gia đình Khi thầy vào nhà thì người nhà không được làm gì hết từ nấu ăn đến chăn nuôi gà lợn trong mấy ngày đó (3 ngày 3 đêm) Lễ nghi khi mời thầy không cần phải cầu kì, chỉ 1 gói muối trắng nhỏ Từ giai đoạn đầu đi nhờ ông thầy cả, thầy cả nhận lời rồi thầy cả dặn đi nhờ ai, lúc đó người chủ chỉ cần đi mời Các thầy nhận lời rồi về mới quyết định làm việc
Trang 29Bước 3: Khi thầy vào nhà Thầy cả đến trước Lúc thầy cả đến là người
hộ đám đó phải có trống, kèn, chiêng rước thầy vào nhà Khi làm lễ, thầy cả phải có 12 tờ tranh mà người Dao gọi là “pham sing” thầy cả phải quẩy đeo đem theo Thầy hai thì phải có 3 tờ gọi là “hàng shay” Khi các thầy vào nhà xong thì người hộ việc múc nước cho thầy rửa mặt, rửa chân tay, xong nghỉ ngơi uống nước Nhà bếp làm cơm mời các thầy và cùng người nhà mà được cấp sắc đó dùng bữa Ăn cơm xong các thầy mặc quần áo để làm lễ Thầy bắt đầu thỉnh các thánh tướng và treo các tờ tranh lên Treo tranh xong, thầy chính thức thực hiện các nghi lễ của buổi cấp sắc, thầy và người hộ gọi là trò cùng nhảy theo tiếng trống kèn, thổi liên hồi cho đến khi hết đoạn
Bước 4: Cấp đèn Sau khi nhảy, thầy và trò chuyển sang đoạn cấp đèn
Số đèn được cấp là 7 cái, người được cấp và trò phải làm theo lời các ông thầy bảo, ngồi đứng ra làm sao phải theo quy định Người được cấp đèn ngồi lên một cái ghế bằng gỗ mà khi các thầy đến mới làm ghế đó Khi ngồi ghế thì có một đoạn tre chiều dài khoảng 1,5m và có 7 chiếc lồng nhỏ được đan thủ công bằng tre để khi các thầy đặt lên đó 7 chiếc nến đốt cháy sẵn Sau đó 7 thầy lần lượt đặt nến cháy đó vào lồng gắn với đoạn tre để người được cấp đèn giữ lấy cao hơn đầu người Đặt đèn vào đó xong các thầy lần lượt đi, thầy cả đi trước, vòng quanh cây đèn đó khoảng 20-30 phút rồi bắt đầu lấy xuống Từng thầy thực hiện tiếp theo y như vậy, đèn của mình cái nào thì lấy xuống theo thứ tự, đặt lên bàn thờ của từng thầy đó Cấp đèn xong, 3 thầy mặc áo thầy cúng với người được cấp đèn múa theo nhịp trống, kèn Có một hoặc hai người ngồi đọc sách Sau khi múa, nhảy xong thì các thầy nghỉ ăn cơm Ăn xong, các thầy tiếp tục làm lễ Thầy xin các vua thánh trong nhà để ra sân chuẩn bị cho lễ Cấp sắc Trước khi ra ngoài cửa thì người hộ việc đã làm sẵn một chỗ ngồi được khoảng
10 người ngồi, lấy phản về kê sẵn rồi đặt xếp một mâm trên mâm có 10 cái chén, 10 đôi đũa, 1 đĩa đậu phụ rán Khi các thầy xin âm dương được cho phép tthì bắt đầu ra ngồi vào mâm uống rượu Trước khi ăn uống các thầy cúng và thổi tù và mời Ngọc hoàng xuống để chứng kiến cho cuộc cấp sắc Hai vợ chồng người được cấp sắc cùng ra thỉnh các thầy Ăn xong mâm đó, thầy cả vào trong nhà, người hộ việc lấy một cái chiếu trải xuống nền nhà
Trang 30Thầy cả làm phép, yểm bùa Xong xuôi, các thầy ở ngoài mâm mới đưa người được cấp sắc vào cho nằm xuống chiếu đó Tự nhiên, người nằm chiếu ngất xỉu đi, không còn biết gì nữa Khi đó các thầy mới cấp sắc lên âm cho Một lúc sau, các thầy làm hết thủ tục rồi mới làm cho người cấp sắc hồi tỉnh lại, cho ngồi dậy, các thầy mới cấp phép lên dương cho người đó
Người cấp sắc dậy thì cùng thầy nhảy múa với nhau Khoảng 1 tiếng sau thì nghỉ ăn cơm Ăn xong người hộ việc bắt đầu thịt lợn để cúng Bàn Vương, thịt 2 con lợn khoảng hơn 2 tạ Một con để cả con cúng Bàn Vương, con còn lại chia làm bốn phần để vào một cái bạt đem cúng tổ tiên Cúng xong hết công việc rồi mới được xẻ ra chia nhau, cho thầy và tất cả mọi người hộ việc Đến khi kết thúc đám đó, được phép của các thầy ăn bữa cơm tổng kết thì người nhà mới được làm việc của mình như dọn dẹp, rửa bát, làm các công việc thường ngày
Khi các thầy ra cửa đi về vẫn phải có trống, kèn tiễn chân Đến đây là kết thúc một đám Cấp sắc của người Dao Xuyên suốt đám Cấp sắc đó phải có những câu hát Pả dung
Về phong tục cưới xin: Sau khi cúng tổ tiên, người Dao sẽ tổ chức lễ tơ
hồng Đây là nghi thức quan trọng công nhận đôi trai gái chính thức trở thành
vợ chồng Với người Dao, chỉ khi nào thực hiện xong nghi lễ này, thần linh, tổ tiên đã chứng giám và công nhận thì đôi trai gái mới thành vợ chống, mới được sống hạnh phúc cùng nhau đến trọn đời, không gì có thể chia tách
Trước khi vào làm lễ tơ hồng, cô dâu trang điểm thật đẹp, đội nón có thêu hoa văn sặc sỡ, tay và cổ đeo nhiều vòng bạc, chú rể mặc áo đỏ, đầu đội khăn xếp Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ quỳ trước bàn thờ, lần lượt các nghi thức của lễ tơ hồng được thầy cúng thực hiện Đầu tiên là nghi thức xua đuổi những điều không may đối với đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được ở bên nhau mãi mãi
Lễ tơ hồng là một nghi thức có từ lâu đời, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Dao Đây là một nét văn hóa đẹp cần được lưu giữ và bảo tồn Ngày nay, do có sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa giữa các dân tộc với nhau nên
Trang 31lễ cưới của người Dao có nhiều thay đổi, cùng với đó lễ tơ hồng cũng mất đi những nét độc đáo, nhiều nghi thức trong buổi lễ dần mai một theo năm tháng
Phong tục tang ma: Đồng bào Dao quan niệm rằng, con người có phần
hồn và phần xác, khi nào phần xác bị hại nặng quá thì người bị chết Một đám tang của người Dao thường có các các nghi lễ sau: Lễ khâm niệm, lễ xôi gà và lập bàn thờ (lễ cấp thủy và dâng rượu, gia súc); lễ làm chay, lễ nhập quan yểm bùa, lễ đưa đám, lễ hạ huyệt và lễ cúng cơm Hầu hết, các nhóm người Dao không có tục cải táng người chết Đồng bào rất kiêng kị việc dựng vợ gả chồng cho con hay làm nhà mới, trồng cấy, gieo hạt giống trùng với ngày mất của người thân Lễ làm chay cho người chết diễn ra sau nhiều năm, thường được kết hợp với lễ Cấp sắc cho một người đàn ông nào đó đang sống trong gia đình
Về văn nghệ dân gian: Dân tộc Dao có một nền văn hóa rất phong phú
và đậm đà bản sắc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống Nhu cầu của họ chủ yếu là ca hát Người Dao thường cất lên lời ca và trổ tài sáng tác vào các dịp trai gái đến chơi làng, trong đám cưới, dịp vào nhà mới, những ngày hội và chợ phiên Hình thức hát của họ cũng rất phong phú, lúc thì hát đơn, khi thì hát đôi, hát theo nhóm nhưng thông dụng hơn cả vẫn là hát đối đáp Lối hát đối đáp này thể hiện rõ nhất khi trai gái làm quen, tìm hiểu nhau Trai gái sẽ đứng làm hai bên, một bên là nam, một bên là nữ, ít nhất mỗi bên phải có một người Họ
có hát đối đáp nhau từ lúc sáng sớm cho đến khi mặt trời khuất núi mà không biết mệt mỏi Và cũng từ đây, những làn điệu dân ca say đắm lòng người nảy sinh và phát triển
Ngoài ca hát, người Dao còn thích và có tài sáng tác thơ ca với nhiều thể loại đa dạng Những câu tục ngữ, ca dao đúc kết các kinh nghiệm sản xuất và sinh hoạt xã hội sâu sắc của người dân Câu đối cũng rất phong phú, đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống lao động và thiên nhiên xunh quanh con người
Nhạc cụ dân tộc của người Dao chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, gồm có trống, thanh la, chũm choẹ, chuông nhạc và tù và
Ngoài ra, người Dao còn có các loại nhạc cụ khác như nhị, sáo, đàn môi
Trang 32Trò chơi của người Dao cũng rất đa dạng, gồm nhiều thể loại khác nhau;
có trò mang tính nghi lễ như trò tập lên đồng, tập bói, nhảy múa ; có trò chơi trong lúc uống rượu như trò chỉ ngón tay, hát đối đáp ; có trò chơi trong ngày tết và những lúc rảnh rỗi khác như trò bắt dây bằng các ngón tay, đu dây, đánh quay, đánh còn
1.3 Diện mạo hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
1.3.1 Khái niệm
Ở Phúc chu, Định Hoá, Thái Nguyên, người Dao gọi làn điệu dân ca của
dân tộc mình là “hát Pả dung”, ngoài ra cũng với hình thức hát này ở một số địa phương khác còn gọi là “Pá dung”, “Páo dung”, “Sấng cọ”, “Xình ca” hay “hát
Pả dung Lưu Tam”
Trong tiếng Dao “pả dung” nghĩa là ca hát Đây là hình thức sinh hoạt văn nghệ đời thường đặc sắc của đồng bào người Dao Hát Pả dung được biểu diễn trên cơ sở giai điệu, chỉ sử dụng cách luyến láy tạo nên nhạc điệu mà không sử dụng bất kì nhạc cụ gì Chính vì vậy mà người Dao có thể diễn xướng Pả dung vào bất kì thời gian, hoàn cảnh nào Hầu hết các lời hát Pả dung có ca từ mang màu sắc trữ tình nhẹ nhàng, duyên dáng, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng và thế giới tâm hồn của người Dao
Do những mục đích và hoàn cảnh khác nhau, Pả dung được chia thành nhiều thể loại: hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than ); hát trong nghi lễ (hát trong lễ Cấp sắc, tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng )
Lời ca Pả dung mang ý nghĩa phong phú, sâu sắc, đề cập đến nhiều nội dung như ca ngợi về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, truyền thống đạo đức, ngoài ra còn có những lời ca răn dạy các thế hệ người Dao phải sống lương thiện, phải thường xuyên làm việc tốt cho đời Có thể nói, mỗi lời
ca Pả dung là một thông điệp truyền tải tâm tư, tình cảm, đời sống, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao
Trang 331.3.2 Nguồn gốc và quá trình phát triển
1.3.2.1 Nguồn gốc
Hát Pả dung được ra đời từ rất lâu, bắt nguồn từ trong lao động sản xuất, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, làn điệu Pả dung đã gắn bó với cộng đồng dân tộc Dao, phản ánh hiện thực đời sống xã hội của họ Thông qua hát Pả dung, người Dao gửi gắm tâm tư tình cảm, ước nguyện của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn
Theo lời kể của nghệ nhân Bàn Thị Hồng (Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên) - người duy nhất ghi chép, lưu giữ những lời hát Pả dung nơi đây thì nguồn gốc của hát Pả dung bắt nguồn từ lễ Cấp sắc mà nghi lễ này cũng có nguồn gốc rất huyền bí Xưa kia, gốc của người Dao từ Trung Quốc Một năm
nọ, dòng họ Bàn của một làng không biết vì lí do nào đó không muốn sống ở Trung Quốc nữa mới rủ nhau xuống một con thuyền rất to để tìm nơi sinh sống, làm ăn mới Trong đoàn người ấy có cụ bà 80 tuổi đem theo một bát hương 8kg xuống thuyền Bà vừa xuống thuyền, bỗng một cơn bão ập đến, con thuyền lênh đênh trên biển 8 ngày 8 đêm Đi mãi mà không thấy bờ ở đâu, tất cả mọi người đều sợ hãi bèn khấn trời đất phù hộ độ trì cho rằng nếu con thuyền mà được dạt vào đất liền, con người sống sẽ trả ơn cho trời đất Sau khi họ khấn xong, trời bỗng nhiên tối sầm lại, một cơn bão nữa đến cuốn họ dạt vào đất liền Từ đó, họ an cư lạc nghiệp, sinh con đẻ cái rất đông, vùng đất ấy là tỉnh Bắc Giang bây giờ Sau khi an ổn, họ nhớ lại những giờ phút lênh đênh trên biển, họ quyết định trả ơn bằng lễ Cấp sắc theo phong tục tập quán và thờ Bàn Vương Cho đến tận bây giờ, người Dao không bao giờ quên ơn nên người con trai đến 18 tuổi có vợ phải làm lễ này để tạ trời đất và thờ Bàn Vương suốt đời
Từ đó, hát Pả dung có mặt trong tất cả những nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp của người Dao như: cúng thóc giống, cúng nương, cúng cơm mới, cúng hồn lúa, cầu mưa, cúng núi rừng Có những bài hát phải học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ cùng với thanh âm của tiếng chuông Những câu hát, giai điệu phải tuân theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng, nội dung giảng giải về nguồn gốc tổ tiên dòng họ như: kể về sự tích Bàn Vương, quá
Trang 34trình thiên di gian nan, vất vả của người Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, khuyên răn đạo lí… phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể Hát trong nghi lễ được coi là một nhịp cầu gắn kết thế giới con người với thế giới thần linh Hiện nay, do đời sống ngày một phát triển, dần dần một số nghi lễ không còn phù hợp và đã được xoá bỏ, chỉ duy nhất lễ Cấp sắc vẫn được họ duy trì Trong nghi lễ này, người Dao bắt buộc phải cất lên lời hát nói về nguồn gốc của lễ Cấp sắc, lời cảm tạ với đất trời, cảm ơn thầy cúng… Đó cũng là nguồn gốc của lời hát
“Dung đáo” trong làn điệu Pả dung nơi đây
1.3.2.2 Quá trình phát triển
Từ thuở ấu thơ, đồng bào dân tộc Dao đã gắn bó với câu hát Pả dung trong những lời ru của mẹ, lời dặn của bà Những lời ca ấy theo dòng thời gian ngấm sâu vào máu thịt của họ Trong trí nhớ của bà Bàn Thị Hồng – nghệ nhân hát Pả dung ở Phúc Chu thì từ khi bà lên 7, 8 tuổi đã được theo mẹ bắt đầu đi học hát Pả dung của một bà cụ trong làng Người Dao lúc ấy ở trên các triền núi cao Cứ vào tháng 10 âm lịch hàng năm, sau vụ thu hoạch, thanh niên nam
nữ trong làng lại xuống núi, đi từ làng nọ sang làng kia để tìm nhau đối hát Họ hát theo từng nhóm, giữa hai người với nhau hoặc tự hát, hát dọc đường đi, con trai hát theo về đến nhà con gái hoặc sẽ cùng nhau hát thâu đêm đến sáng Câu hát sẽ giúp người hát ý nhị nói về tình trạng của bản thân và tìm hiểu về hoàn cảnh người trước mặt Từ những làn điệu Pả dung mà nhiều đôi đã nên vợ thành chồng Ban đầu, hát Pả dung xuất phát từ trong nghi lễ Cấp sắc, sau đó theo sự phát triển đời sống của người dân, những câu hát Pả dung cất lên phản ánh tâm tư, tình cảm và phản ánh mọi mặt trong cuộc sống người dân nơi đây
1.3.2.3 Số lượng lời ca
Khi nghiên cứu về hát Pả dung của dân tộc Dao ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên, chúng tôi chủ yếu nghiên cứu các lời hát qua tư liệu điền dã từ các nghệ nhân Các lời hát này được bà Bàn Thị Hồng - trưởng Câu lạc bộ hát
Pả dung ở thôn Làng Gày, xã Phúc ghi chép lại trong cuốn sổ tay Chúng tôi đã
Trang 35sưu tầm được 100 lời hát bằng tiếng Dao, trên cơ sở các lời hát này, chúng tôi
đã cùng với nghệ nhân Bàn Thị Hồng dịch sang tiếng phổ thông
Thông qua ý nghĩa các lời hát đã được dịch nghĩa sang tiếng phổ thông, chúng tôi nhận thấy rằng, hát Pả dung của người Dao nơi đây được chia làm
bốn dạng thức: các bài ca nghi lễ, phong tục, các bài ca giao duyên, các bài ca
sinh hoạt Cụ thể: có 62 lời hát Pả dung phản ánh tín ngưỡng (cụ thể là lễ Cấp
sắc) của người Dao; 08 lời hát phản ánh đời sống phong tục (2 lời hát mừng năm mới, 02 lời hát mừng nhà mới, 04 lời hát trong đám cưới); 25 lời hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ đã mang lại cuộc sống mới cho người dân Phúc Chu và 05
lời hát Pả dung ca ngợi tình yêu đôi lứa
Biểu 1.1 Phân loại lời hát Pả dung
Theo hình thức diễn xướng, có thể chia làm hai dạng thức là hát đơn ca
và hát đối đáp Những lời hát trong nghi lễ Cấp sắc tuyệt đối chỉ được diễn xướng bằng đơn ca do bà thầy (người được thần linh chọn) còn những lời hát phản ánh đời sống sinh hoạt và tinh thần người Dao tùy vào thời điểm, bối cảnh
mà người hát có thể lựa chọn hình thức diễn xướng khác nhau
Nội dung và hình thức thể hiện của các loại hát Pả dung này, chúng tôi
sẽ tiếp tục triển khai cụ thể ở chương 2 và chương 3 của luận văn
1.3.3 Thực trạng hát Pả dung ở Phúc Chu, Định Hóa, Thái Nguyên
1.3.3.1 Trong đời sống cộng đồng của người Dao
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên người dân ở xóm Làng Gày, xã Phúc Chu, với tổng số phiếu phát ra và thu vào
là 90 phiếu, kết quả cụ thể như sau: Số người nhận thấy hát Pả dung có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Dao chiếm 40,1%, số người thỉnh thoảng
Trang 36nghe nói tới, biết tới hát Pả dung của dân tộc Dao chiếm 26,0%, số người rất mong muốn tìm hiểu và sử dụng hát Pả dung chiếm 17,5%, số người biết diễn xướng hát Pả dung chiếm 3,2%, số người diễn xướng hát Pả dung thành thạo trong đời sống sinh hoạt chiếm 2,7%, nơi sinh sống của người dân có Câu lạc
bộ hát Pả dung được thành lập từ năm 2020, tuy nhiên câu lạc bộ hoạt động không thường xuyên do các thành viên còn bận lo toan cuộc sống
Biểu 1.2 Thực trạng hát Pả dung ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên
Từ đó, có thể thấy được thực trạng về hát Pả dung của dân tộc Dao trong cộng đồng dân cư như sau: Hầu hết, người dân đều đánh giá hát Pả dung có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng người Dao, điều này có nghĩa là mọi người đều nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của hát Pả dung trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao Bên cạnh đó, việc nghe nói và biết tới hát Pả dung của dân tộc Dao thì đa phần người dân Dao đều biết tới hát Pả dung - làn điệu dân ca của dân tộc mình Một số dân tộc khác như Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay… sống lân cận cũng biết đến làn điệu dân ca này, chỉ có một
số ít thế hệ trẻ Dao, dân tộc khác và những người từ nơi khác tới là không biết đến hát Pả dung Quan trọng hơn cả, số người có nhu cầu muốn tìm hiểu và diễn xướng hát Pả dung ngày càng nhiều, đa phần là người Dao đặc biệt là thế
hệ trẻ Nhưng vấn đề đặt ra là giới trẻ Dao ngày nay không còn thông thạo tiếng mẹ đẻ nên việc tiếp cận các bài hát Pả dung còn gặp nhiều khó khăn
Một vấn đề rất đáng quan tâm trong thực trạng hát Pả dung của dân tộc Dao là số người biết diễn xướng hát Pả dung và sử dụng diễn xướng hát Pả dung trong đời sống sinh hoạt là rất ít, đa phần số này là những nghệ nhân Dao mới diễn xướng được, còn lại phần lớn người dân Dao có biết tới hát Pả dung,
Trang 37biết tiếng dân tộc nhưng cũng không thể diễn xướng được Đặc biệt là, nơi sinh sống của người dân có một Câu lạc bộ hát Pả dung ở Làng Gày mới được thành lập gồm 10 thành viên nhưng không hoạt động thường xuyên Ngoài xóm Làng Gày địa bàn chúng tôi khảo sát mà thì toàn xã Phúc Chu và huyện Định Hóa nói chung không có một Câu lạc bộ nào Đây là một hạn chế rất lớn để người dân tiếp xúc và diễn xướng hát Pả dung đặc biệt là thế hệ trẻ
Như vậy, từ thực trạng hát Pả dung của người Dao tại xóm Làng Gày, Phúc Chu chúng tôi thấy rằng, người dân có biết tới hát Pả dung và ý thức được giá trị của hát Pả dung trong đời sống tinh thần của dân tộc mình Họ cũng có mong muốn tìm hiểu và được diễn xướng hát Pả dung nhưng họ chưa có môi trường để tiếp xúc, tìm hiểu, thực hành và diễn xướng hát Pả dung Để giải quyết được những vấn đề về thực trạng hát Pả dung của người dân ở Làng Gày, Phúc Chu nói riêng cũng như ở các nơi khác trên địa bàn huyện Định Hoá nói chung phải có sự góp sức, chung tay của các ngành, các cấp và đặc biệt là chính người dân Dao tại địa phương đó
1.3.3.2 Trong đời sống của nghệ nhân Dao
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên các nghệ nhân ở xóm làng Gày, xã Phúc Chu, với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 10 phiếu, kết quả cụ thể như sau: Tất cả các nghệ nhân đều mong muốn truyền dạy hát Pả dung cho thể hệ trẻ và họ đều đánh giá hát Pả dung có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng Dao Họ luôn ý thức tầm quan trọng về giá trị của hát Pả dung trong đời sống văn hóa tinh thần người Dao, muốn gìn giữ, bảo tồn hát Pả dung thông qua việc truyền dạy cho thế hệ trẻ Về vấn đề diễn xướng hát Pả dung trong đời sống sinh hoạt của các nghệ nhân Dao ở Làng Gày, Phúc Chu cũng còn nhiều hạn chế Số nghệ nhân thỉnh thoảng diễn xướng hát Pả dung trong đời sống sinh hoạt chỉ chiếm 10% Đa số các nghệ nhân thường tổ chức diễn xướng hát Pả dung với nhau trong những lúc nông nhàn, còn trong hoạt động sinh hoạt văn hóa tại địa phương hầu như không được địa phương quan tâm, tổ chức thường xuyên Thực tế là sau khi hát Pả dung được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia thì chính quyền địa phương có một số bài phóng sự, truyền
Trang 38hình, bài báo về hát Pả dung Câu lạc bộ chỉ hoạt động khi có phóng viên đến quay phim, phỏng vấn bởi họ không có kinh phí để hoạt động cũng như không
có thời gian Chính vì vậy mà cũng không có bất cứ một Câu lạc bộ nào truyền dạy hát Pả dung cho thế hệ trẻ
Như vậy, từ thực trạng trên có thể thấy rằng, tuy số lượng nghệ nhân về hát Pả dung Dao tương đối ít so với tổng số dân cư trong địa bàn thôn, xóm nhưng đây chính là lực lượng nòng cốt để khôi phục, bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy những giá trị văn hóa tốt đẹp của hát Pả dung đến thế hệ tương lai Nhưng thực trạng đáng buồn là, nghệ nhân Dao ở Làng Gày, Phúc Chu nói riêng và nghệ nhân Dao ở Định Hoá nói chung chưa được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức, định hướng để họ phát huy hết khả năng vào việc giữ gìn, bảo tồn hát Pả dung của cộng đồng Dao
1.3.3.3 Trong môi trường giáo dục
* Thực trạng dạy Văn học địa phương ở Định Hoá, Thái Nguyên
Để tìm hiểu về thực trạng dạy Văn học địa phương tại Định Hoá, Thái Nguyên chúng tôi đã tiến hành khảo sát giáo viên tại hai điểm trường với tổng
số phiếu phát ra và thu vào là 40 phiếu (Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hoá: 25 phiếu, THCS Phúc Chu: 15 phiếu), kết quả thu được như sau: Cũng như các nghệ nhân, tất cả các thầy cô được khảo sát đều đánh giá hát Pả dung
có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Dao Các thầy cô thỉnh thoảng nghe nói tới hát Pả dung của dân tộc Dao chiếm 25%, chỉ có một số ít khoảng 5% thầy cô không nghe nói tới
Biểu 1.3 Nhu cầu tìm hiểu về hát Pả dung của giáo viên
Về vấn đề dạy học văn học địa phương, các thầy cô cho biết, hát Pả dung Dao được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 6,7 nhưng chỉ dừng lại ở mức độ
Trang 39giới thiệu, khái quát chung Chính vì thực trạng này mà tất cả các thầy cô đã rất mong muốn đưa hát Pả dung vào trong chương trình văn học địa phương để dạy cho học sinh đặc biệt là học sinh người Dao bởi số học sinh người Dao trong nhà trường cũng chiếm tỉ lệ khá cao Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cho biết, nhà trường không có Câu lạc bộ nào về hát Pả dung của dân tộc Dao được thành lập và học sinh người Dao hoàn toàn không biết diễn xướng hát Pả dung
* Tại trường THCS Phúc Chu
Học sinh tại trường Phúc Chu không biết diễn xướng hát Pả dung, Nhà trường cũng không thành lập Câu lạc bộ nào về hát Pả dung của dân tộc Dao Đặc biệt, nói về vấn đề dạy học văn học địa phương tại trường, các thầy cô cho biết chương trình Giáo dục địa phương chỉ khái quát về hát Pả dung của người Dao có ở huyện Định Hóa, ở huyện Phú Lương của Thái Nguyên, có bài học giới thiệu về nội dung, ý nghĩa và hình thức nghệ thuật hát Pả dung được đưa vào giảng dạy cho học sinh nhưng cũng chỉ mang tính chất giới thiệu Xuất phát từ thực trạng này, 100% các thầy cô tham gia khảo sát rất mong muốn hát
Pả dung được đưa vào gảng dạy cho học sinh với số lượng tiết học nhiều hơn, nội dung cụ thể, sâu sắc hơn, ngoài ra cần có những tiết học hoạt động trải nghiệm học sinh được nghe diễn xướng và được diễn xướng Pả dung
Như vậy, qua thực trạng dạy học văn học địa phương tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hoá và trường THCS Phúc Chu, chúng tôi nhận thấy những vấn đề sau: Trong chương trình Giáo dục địa phương tại các trường này các bài học nào về thể loại dân ca, nhất là dân ca dân tộc thiểu số chỉ mang tính chất giới thiệu khái quát Học sinh chỉ biết đến qua kênh thông tin từ sách vở, lí thuyết mà không được tiếp xúc trực tiếp Như vậy, chúng tôi thấy rằng, đây là một hạn chế trong việc tiếp xúc với hát Pả dung của học sinh Dao Bên cạnh đó, các nhà trường cũng không có Câu lạc bộ nào về hát Pả dung của dân tộc Dao được thành lập cũng là hạn chế trong việc tìm hiểu, thực hành diễn xướng hát Pả dung của học sinh Dao Nếu như hát Pả dung vào chương trình văn học địa phương để dạy cho học sinh nhất là với học sinh
Trang 40người Dao thì sẽ là một thuận lợi rất lớn cho học sinh Dao trong việc học tập, tìm hiểu để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình Nhưng để thực hiện được vấn đề này cần có sự quan tâm, phối hợp của ban, ngành các cấp cùng với lãnh đạo, giáo viên và học sinh đặc biệt là học sinh Dao trong mỗi trường học
* Thực trạng nhu cầu tìm hiểu hát Pả dung ở trường phổ thông
Về vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên đối tượng là học sinh người Dao của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hoá và trường THCS Phúc Chu với tổng số phiếu phát ra và thu vào là 50 phiếu (PTDTNT: 30 phiếu, THCS Phúc Chu: 20 phiếu), kết quả thu được như sau:
* Tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hoá
Tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Định Hoá, số học sinh đánh giá hát Pả dung có giá trị quan trọng trong đời sống cộng đồng Dao biểu thị chiếm 40% Điều này cho thấy, các em đã ý thức được giá trị của hát Pả dung trong đời sống văn hóa cộng đồng Dao Số học sinh rất mong muốn tìm hiểu và diễn xướng hát Pả dung chiếm 30%, đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành những giải pháp để gìn giữ, bảo tồn hát Pả dung Bên cạnh đó là số học sinh có thỉnh thoảng nghe nói tới, biết tới hát Pả dung người Dao nhưng không muốn tìm hiểu thêm chiếm 20% Đặc biệt, học sinh Dao hoàn toàn không biết diễn xướng hát Pả dung, và do đó không thể diễn xướng hát Pả dung trong hoạt động ngoại khóa của Nhà trường
Biểu 1.4 Nhu cầu tìm hiểu hát Pả dung của học sinh trường PTNDNT
THCS Định Hóa