1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích việt nam và truyện cổ tích đức

114 14 5

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Nhân Vật Kì Ảo Trong Truyện Cổ Tích Việt Nam Và Truyện Cổ Tích Đức
Tác giả Lê Thị Lan Hương
Người hướng dẫn TS. Ôn Thị Mỹ Linh
Trường học Đại học Thái Nguyên
Chuyên ngành Ngôn ngữ văn học và văn hóa Việt Nam
Thể loại luận văn thạc sĩ
Năm xuất bản 2021
Thành phố Thái Nguyên
Định dạng
Số trang 114
Dung lượng 1,19 MB

Nội dung

Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu đã đi sâu vào nghiên cứu về nhân vật thần kì nhƣ luận án tiến sĩ về Yếu tố thần kì trong truyền thuyết và truyện cổ tích người Việt ở Nam Trung

Trang 1

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

LÊ THỊ LAN HƯƠNG

NHÂN VẬT KÌ ẢO TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM

VÀ TRUYỆN CỔ TÍCH ĐỨC

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN - 2021

Trang 2

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

LÊ THỊ LAN HƯƠNG

NHÂN VẬT KÌ ẢO TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM

VÀ TRUYỆN CỔ TÍCH ĐỨC Ngành: Văn học Việt Nam

Mã số: 8.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS Ôn Thị Mỹ Linh

THÁI NGUYÊN - 2021

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn này được cá nhân tôi thực hiện Mọi kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung thực và không trùng lặp với các

đề tài khác

Nội dung của luận văn có sử dụng tài liệu, thông tin được đăng tải trên các tạp chí, các trang web theo danh mục tài liệu tham khảo của luận văn

Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm

Thái Nguyên, tháng 10 năm 2021

Tác giả luận văn

Lê Thị Lan Hương

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đến TS Ôn Thị Mỹ Linh -

người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi về tri thức, phương pháp và kinh nghiệm nghiên cứu trong suốt quá trình thực hiện luận văn

Xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, quý thầy cô giáo khoa Ngữ văn, phòng đào tạo Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu tại trường

Tôi cũng xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã động viên, quan tâm chia sẻ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi hoàn thành tốt khóa học này

Thái Nguyên, tháng 10 năm 2021

Tác giả luận văn

Lê Thị Lan Hương

Trang 5

MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN i

LỜI CẢM ƠN ii

MỤC LỤC iii

MỞ ĐẦU 1

1 Lí do chọn đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 2

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4

5 Phương pháp nghiên cứu 4

6 Đóng góp 5

7 Kết cấu luận văn 5

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 6

1.1 Cuộc đời người sưu tầm, bối cảnh thời đại và văn hóa 6

1.1.1 Cuộc đời người sưu tầm và hành trình sưu tầm truyện cổ tích 6

1.1.2 Bối cảnh thời đại 10

1.1.3 Văn hóa 13

1.2 Giới thuyết về nhân vật kì ảo và văn học so sánh 23

1.2.1 Giới thuyết về nhân vật kì ảo 23

1.2.2 Giới thuyết về văn học so sánh 25

Tiểu kết chương 1 27

Chương 2: HỆ THỐNG NHÂN VẬT KÌ ẢO TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM VÀ TRUYỂN CỔ TÍCH ĐỨC 28

2.1 Nhóm nhân vật thần linh 29

2.1.1 Các vị thần thượng giới 30

2.1.2 Các vị thần địa giới 33

2.1.3 Các vị thần thủy giới 35

Trang 6

2.1.4 Các vị thần cõi âm 37

2.1.5 Mối liên hệ giữa các cõi và các vị thần 39

2.2 Nhóm nhân vật yêu ma quỷ quái 41

2.2.1 Nhân vật quỷ 41

2.2.2 Nhân vật ma 44

2.2.3 Nhân vật quái 45

2.3 Nhóm nhân vật kì ảo là người 47

2.4 Một số kiểu nhân vật kì ảo đặc trưng ở mỗi kho tàng truyện cổ tích 49

2.4.1 Nhân vật kì ảo đặc trưng trong truyện cổ tích Việt Nam 51

2.4.2 Nhân vật kì ảo đặc trưng trong truyện cổ tích Đức 55

Tiểu kết chương 2 63

Chương 3: CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN SỰ KÌ ẢO VÀ SỰ PHẢN ÁNH CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA QUA NHÂN VẬT KÌ ẢO TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM VÀ TRUYỆN CỔ TÍCH ĐỨC 64

3.1 Các phương thức biểu hiện sự kì ảo 64

3.1.1 Nhân vật kì ảo và tặng phẩm thần kì 64

3.1.2 Nhân vật kì ảo với sự biến hình và di chuyển giữa các không gian 69

3.1.3 Nhân vật kì ảo sử dụng phép thuật để làm hại nhân vật khác 73

3.2 Các giá trị văn hóa phản chiếu qua nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức 78

3.2.1 Phản ánh ước mơ của con người 78

3.2.2 Phản ánh quan niệm về thế giới 81

3.2.3 Phản ánh đời sống xã hội của con người 84

Tiểu kết chương 3 87

KẾT LUẬN 88

TÀI LIỆU THAM KHẢO 91 PHỤ LỤC

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Lí do chọn đề tài

Trong kí ức của mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng có kỉ niệm về những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ Đó là những câu chuyện thể hiện ước mơ của con người về một thế giới tươi đẹp, về niềm tin cái thiện luôn thắng cái ác Nó

là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ con trẻ, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của mỗi con người Chính vì vậy, nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh đã khẳng định: “Truyện cổ tích quen thuộc với mỗi người nhiều khi ngay từ thuở nhỏ Truyện cổ tích có sức hấp dẫn đặc biệt với tuổi thơ,

và thường để lại những dấu vết không phai mờ trong tư tưởng và tình cảm” [15,

tr 452] Cho đến nay, truyện cổ tích vẫn là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm

Truyện cổ tích được chia ra làm ba nhóm chính là truyện cổ tích sinh hoạt, truyện cổ tích loài vật và truyện cổ tích thần kì Khảo sát hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích không thể không nhắc đến tuyến nhân vật kì ảo Đây là tuyến nhân vật này đã góp phần hình thành nên đặc trưng của truyện cổ tích

Truyện cổ Grimm là một tập hợp các truyện cổ tích Đức lần đầu tiên được xuất bản năm 1812 bởi anh em nhà Grimm - Jacob Grimm và Wilhelm Grimm Ảnh hưởng của nó rất sâu rộng, đặc biệt là với văn hóa phương Tây Đến nay, nó đã được dịch ra 160 thứ tiếng và là tập truyện quen thuộc đối với trẻ em trên toàn thế giới Ở Việt Nam, nó được dịch và giới thiệu lần đầu cách đây khoảng 60 năm Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu về truyện cổ Grimm lại khá ít ỏi

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, xu hướng nghiên cứu so sánh truyện cổ giữa các quốc gia để tìm ra những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc ngày càng được chú trọng Vì thế nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam dưới góc nhìn so sánh với truyện cổ các quốc gia khác là một hướng nghiên cứu tiềm năng

Đó là những lí do để chúng tôi đi vào tìm hiểu đề tài “Nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức”

Trang 8

2 Lịch sử vấn đề

Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến lực lượng thần kì, nhân vật phù trợ hay nhân vật kì ảo Nhìn chung, các công trình nghiên cứu này mới chủ yếu dừng lại ở các lực lượng thần kì hoặc nếu có đề cập đến nhân vật thần kì cũng chỉ thông qua việc liệt kê, chỉ ra một vài đặc điểm khái quát để nhận diện

về nhân vật đó Các công trình dừng lại ở mức độ khái quát về đặc trưng thể

loại như: Khảo sát những đặc điểm trong cách cấu tạo cốt truyện cổ tích thần

kỳ dân tộc Việt Nam (Dưới ánh sáng lý thuyết của V Ia-Prốp về hình thái học) [19] của Tăng Thị Kim Ngân năm 1992, Truyện cổ tích thần kì Việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích V.A Propp [27] của Đỗ Bình Trị xuất bản năm

2006 hay Thi pháp truyện cổ tích thần kì người Việt [9] của Nguyễn Xuân Đức

xuất bản năm 2011

Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu đã đi sâu vào nghiên cứu về

nhân vật thần kì như luận án tiến sĩ về Yếu tố thần kì trong truyền thuyết và truyện cổ tích người Việt ở Nam Trung Bộ [8] của Nguyễn Định hay Thế giới nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích thần kì các dân tộc Việt Nam [6] của

Nguyễn Thị Dung, công trình đã xác lập được một số vấn đề lí thuyết về thế giới nhân vật kì ảo Bước đầu xây dựng hệ thống nhân vật kì ảo trên các tiêu chí trong mối quan hệ hữu cơ như: Nguồn gốc, tính chất, chức năng, hành động, lí do thực hiện hành động của nhân vật kì ảo, số lần nhân vật xuất hiện trong truyện và kết thúc của truyện Thông qua đó đã rút ra được những kết luận cơ bản về mô hình, phương thức phán ánh thế giới, quan niệm nghệ thuật thông qua thế giới nhân vật thần kì trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam Bên cạnh đó, tác giả cũng đã liên hệ và chỉ ra một vài điểm khác biệt trong phương thức phản ánh thế giới và quan niệm nghệ thuật được phản ánh trong truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích Nga và Đức

Việc nghiên cứu so sánh các khía cạnh về nhân vật, type của truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích các quốc gia, dân tộc khác cũng được chú ý

Trang 9

trong nhiều nghiên cứu như: Luận án của Park Yeon Kuan năm 2002 về Nghiên cứu so sánh một số típ kể truyện cổ tích Việt Nam và Hàn Quốc [21], luận văn thạc sĩ văn học của Nguyễn Thị Bích Thủy năm 2011 về So sánh một số kiểu truyện cổ tích của các dân tộc người sử dụng ngữ hệ Nam đảo ở Việt Nam và Indonesia [26], luận văn thạc sĩ Ngữ văn của Nguyễn Thị Nhung năm 2018 về

So sánh truyện cổ tích thần kì người Khmer Nam Bộ với truyện cổ tích thần kì người Việt [20] hay luận án tiến sĩ Văn học của Vương Đại Liên năm 2019 về

So sánh mô típ sinh đẻ thần kỳ trong truyện cổ Trung Quốc và Việt Nam [16]…Có thể thấy truyện cổ tích Việt Nam chủ yếu được nghiên cứu so sánh

với truyện cổ của một số nước châu Á

Việc nghiên cứu truyện cổ tích Đức và truyện cổ tích Việt Nam từ góc

nhìn so sánh văn hóa từng được đề cập đến trong cuốn sách Nhân vật nữ trong truyện cổ và các mã giá trị xã hội: phân tích so sánh một số truyện cổ Đức và Việt Nam (Female Characters in Folktales and the Code of Social Values: A

comparative Analysis of German and Vietnamese Tales (2013) [17] của tác giả

Ôn Thị Mỹ Linh hay trong luận văn thạc sĩ Nhân vật thông minh trong truyện

cổ tích Đức và Việt Nam [24] của Lăng Thị Thảo đã phần nào cho ta thấy

những điểm tương đồng và khác biệt trong truyện cổ tích Việt Nam và Đức

Có thể thấy đặc điểm chung của các nghiên cứu trên là mới dừng lại ở việc khảo sát nhân vật kì ảo trong nội hàm của nó, việc mở rộng ra so sánh với các đối tượng cùng loại ở truyện cổ tích các quốc gia khác để tìm ra những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc mới chỉ là những gợi dẫn Vì vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, việc so sánh nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức là nhiệm vụ nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và góp phần vào việc nhận diện điểm tương đồng, gặp gỡ cũng như các giá trị nội dung, nghệ thuật độc đáo của từng tác phẩm và giá trị văn hóa, xã hội riêng biệt của từng dân tộc

Trang 10

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Khi thực hiện đề tài này, mục đích của chúng tôi là khảo sát và phân tích truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ Đức để chỉ ra các kiểu nhân vật kì ảo, nhận diện đặc điểm của kiểu nhân vật này trong sự tương đồng và khác biệt; từ

đó thấy được những phương diện văn hóa được phản ánh trong truyện cổ tích của hai dân tộc

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Trong luận văn này chúng tôi đề ra nhiệm vụ trước tiên là khảo sát và phân loại hệ thống nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức Sau đó đi sâu vào phân tích những đặc điểm của nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức, chỉ ra một số nhân vật chỉ xuất hiện ở mỗi truyện cổ tích Cuối cùng là nhận diện các giá trị văn hóa thông qua các điểm tương đồng và khác biệt được phản ánh trong truyện cổ tích Việt Nam

và truyện cổ tích Đức

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng chúng tôi hướng tới là nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức

Trong luận văn này, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu trên 02 văn bản: + Jacob & Wihelm Grimm (người dịch Lương Văn Hồng) (2016),

Truyện cổ Grimm, NXB Văn học

+ Nguyễn Đổng Chi (2017), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, NXB Trẻ

5 Phương pháp nghiên cứu

Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh

- loại hình, khảo sát các nhân vật kì ảo có trong truyện cổ tích Đức và Việt Nam, từ đó nhận diện các đặc điểm của các kiểu nhân vật kì ảo này Đồng thời, chúng tôi cũng soi chiếu loại nhân vật kì ảo này từ góc nhìn xã hội - văn hóa để phân tích các điểm tương đồng, khác biệt trên cơ sở đặc trưng văn hóa dân tộc

Trang 11

Việt Nam và dân tộc Đức Một số thao tác nghiên cứu cũng được sử dụng trong luận văn này như thống kê, phân tích, tổng hợp…

6 Đóng góp

Với việc hệ thống, so sánh, phân tích, đối chiếu đặc điểm và giá trị văn hóa được phản chiếu thông qua các nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích Việt Nam và truyện cổ tích Đức, chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm một tiếng nói trong nghiên cứu truyện cổ tích Việt nam từ góc nhìn so sánh; đồng thời, thấy được

vẻ đẹp văn hóa của mỗi dân tộc

7 Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn của chúng tôi gồm ba chương:

Trang 12

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1.1 Cuộc đời người sưu tầm, bối cảnh thời đại và văn hóa

1.1.1 Cuộc đời người sưu tầm và hành trình sưu tầm truyện cổ tích

Truyện cổ tích là những câu chuyện truyền miệng có từ rất lâu đời Nó là một thể loại lớn của loại hình tự sự dân gian, có quá trình phát sinh, phát triển lâu dài, bắt đầu từ cái “ngày xửa ngày xưa” và liên tục được tái tạo trong các thời đại sau Tuy nhiên, để lưu giữ và lưu truyền được lâu dài, các học giả đã bắt tay vào sưu tầm và ghi chép các truyện cổ, sau đó phân loại chúng ra thành các thể loại và tiểu loại khác nhau Ở đây, chúng tôi sẽ không đề cập đến các đặc điểm chung của truyện cổ tích vì đó đã là một vấn đề rất quen thuộc với mỗi nhà nghiên cứu mà đi vào tìm hiểu về đặc điểm cũng như yếu tố ảnh hưởng đến hai

bộ truyện mà chúng tôi khảo sát là truyện cổ tích Đức sưu tầm bởi anh em nhà

Grimm và truyện cổ tích Việt Nam sưu tầm bởi Nguyễn Đổng Chi

Trước tiên, chúng ta cùng đi vào tìm hiểu một số thông tin cơ bản về người sưu tầm truyện cổ Grimm - Jacob và Wilhelm Grimm Jacob và Wilhelm Grimm chào đời vào năm 1785 và 1786 trong một gia đình tri thức với bố làm luật sư ở thành phố Hanau miền Tây nước Đức Nhưng hai ông lại trưởng thành

ở Steinau - một thị trấn gần Kassel do sáu năm sau, người bố được cử làm thẩm phán ở đây Gia đình Grimm có sáu người con, họ sống một cuộc sống khá sung túc trong một ngôi nhà rộng với nhiều người hầu ở một thị trấn nhỏ gần gũi với thiên nhiên, những người nông dân và những phong tục thôn quê Đó chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng sưu tầm truyện cổ tích của Jacob và Wilhelm sau này

Một biến cố lớn xảy đến với gia đình nhà Grimm khi người cha - trụ cột gia đình đột ngột qua đời vì bệnh viêm phổi Điều đó đã khiến cả gia đình suy sụp cả về vật chất và tinh thần Họ buộc phải chuyển ra khỏi ngôi nhà lớn và đối mặt với cuộc sống túng thiếu Là anh lớn trong gia đình Jacob đã buộc phải

Trang 13

trở thành trụ cột gia đình để làm chỗ dựa cho mẹ và các em Sau đó, với sự giúp

đỡ của người dì, hai anh em Jacob và Wilhelm vẫn tiếp tục được đi học và học lên đại học chuyên ngành luật Mặc dù có tài năng và học tập chăm chỉ nhưng hai anh em vẫn phải nếm trải sự phân biệt đối xử về giai cấp xã hội ở trường khi mà các giáo viên luôn có sự thiên vị với những học sinh xuất thân quý tộc hay có vị thế trong xã hội, còn với những học sinh xuất thân trong gia đình thường dân như hai anh em Grimm thường không được chú ý đến Chính những trải nghiệm đó đã khiến hai anh em nhà Grimm đồng cảm hơn với tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ, với những ước mơ về sự thay đổi cuộc sống của họ Ngoài việc là những người sưu tầm và biên soạn truyện cổ tích đơn thuần, anh em Grimm còn được biết đến là những nhà khoa học trong lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, dân tộc học, ngôn ngữ học và phê bình văn học Với vốn hiểu biết phong phú cùng những trải nghiệm thực tế đã giúp ích rất nhiều cho việc sưu tầm truyện của hai anh em

Truyện cổ tích là một loại hình tự sự dân gian ra đời vào khoảng thời gian xã hội bắt đầu phân chia giai cấp Vì là một thể loại thuộc loại hình dân gian nên sự truyền bá của nó cũng trên cơ sở truyền miệng Sự truyền miệng các sáng tác nghệ thuật ngôn từ của nhân dân đã trở thành tập quán sinh hoạt, một nhu cầu văn hóa tự nhiên Ta thường nghe những truyện cổ tích bắt đầu bằng “ngày xửa, ngày xưa” qua lời kể của bà, các cao niên trong làng Mãi đến sau này, khi việc in ấn phát triển, việc sưu tầm văn bản văn học dân gian nói chung và truyện cổ tích nói riêng mới được chú trọng nên các nhà sưu tầm

đã tìm đến những người có vốn truyện dân gian phong phú để ghi chép lại lời

kể của họ

Lúc đầu, hai anh em Grimm chỉ coi việc sưu tầm truyện cổ tích như là một thú vui trong lúc nhàn rỗi nhưng rồi dần dần nó trở thành công việc nghiêm túc đi cùng với hai ông trong suốt cuộc đời

Trang 14

Về quan điểm sưu tầm truyện cổ tích, ban đầu, Jacob Grimm đã đưa ra nguyên tắc khoa học cứng đờ của một nhà nghiên cứu trong việc xuất bản cuốn sách đó là nghe được như thế nào thì để nguyên như vậy và cho in Hai anh em tưởng tượng người đọc cũng hiểu những truyện cổ tích ấy như mình hiểu nó Nhưng Brentano - người lúc đầu hợp tác với hai anh em nhà Grimm để sưu tầm truyện cổ tích đã viết thư gửi Arnim tỏ ý không hài lòng, thậm chí có phần thất vọng với văn phong của tập sách, bởi từ quan điểm của Brentano, tập sách của anh em nhà Grimm quá đề cao việc trung thành với lời kể khiến cho các truyện trở nên rời rạc và buồn tẻ Trong khi trong tưởng tượng của Brentano nó sẽ phải vui hơn, hấp dẫn hơn Sau đó cả Brentano và Anim có trao đổi thư từ với anh em Grimm về vấn đề này Tiếp thu những đóng góp của hai người bạn, trong lần xuất bản sau của tập truyện, anh em nhà Grimm đã bỏ công biên tập lại khiến cho văn phong sinh động, tế nhị, trau chuốt hơn, những rườm rà được cắt gọt, câu văn được mài dũa kĩ lưỡng nhưng vẫn giữ được lối kể chuyện dân gian

Thông qua tài liệu mà Hermann Grimm - con trai Wilhelm Grimm công

bố về di sản của bố và bác mình ta mới biết những ai đã kể truyện cổ tích cho anh em Grimm nghe Những người kể chuyện đến từ nhiều tầng lớp trong xã hội, đó không chỉ là những nông dân mà còn có những người thuộc tầng lớp trung lưu và các học giả Đó là người chăn cừu trên đỉnh núi Brunsberg ở Hoexter, bác giữ ngựa Johann Friedrich Krause ở một làng gần Kassel, bà chủ quán Dorothea Viehmann, bà quản gia Marie Mueller, các quý cô nhà Hassenpflug những người Huguenot gốc Pháp và một số người thân quen của anh em Grimm Những người đó nhớ rất rõ các chi tiết trong truyện cổ tích họ,

kể say sưa những mẩu chuyện ấy, và mọi người phải há hốc mồm ra nghe

Nguyễn Đổng Chi sinh năm 1915 ở Phan Thiết nhưng lớn lên ở Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho yêu nước Cha ông là một thầy đồ có nhiều uy vọng, từng dạy ở trường Quốc học Huế và tham gia phong trào Duy Tân ở Nghệ Tĩnh Sau khi học xong trung học, ông cùng anh trai lên Kom Tum

Trang 15

nghiên cứu và viết sách về người Ba Na rồi viết báo ở Vinh Sau đó ông tham gia cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan văn hóa của Nhà nước lúc bấy giờ Mặc dù sinh trưởng trong một gia đình tri thức có truyền thống cách mạng, bản thân có nhiều cống hiến cho nền khoa học xã hội nước nhà Nhưng ông lại là một người rất chân chất, sống gần vũi với nhân dân lao động và yêu họ với những tình cảm đôn hậu, xuất phát từ đáy lòng Ông là người biết nói chung một thứ ngôn ngữ với nông dân Không phải ông cố tập cái giọng “bình dân” như một vài người nào đấy Có thể nói trong khi tiếp xúc với mọi người, ông vẫn không hề thay đổi cách nói năng, suy nghĩ, thậm chí vẫn giữ nguyên cả phong thái “con nhà” vốn có của mình Vậy mà ông lại hòa nhập thoải mái được với người đang cùng mình đối thoại, y như đã biến thành một người nông dân thực thụ, một người “thợ cày” chất phác, hiền lành… Với cách sống giản dị, những cuộc “điền dã” đã từng bước tạo nên cái vốn thúc đẩy ông đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian mà sau này sẽ là nguồn yêu thích lâu dài nhất, là nơi ông kết hợp hài hòa giữa tình yêu cách mạng, tình yêu văn hóa

và tình yêu khoa học sâu đậm

Cũng như hai anh em nhà Grimm, ban đầu Nguyễn Đổng Chi cũng chỉ coi việc sưu tầm truyện cổ tích là một thú vui lúc rảnh rỗi, nhưng không biết từ bao giờ nó đã trở thành công việc gắn bó máu thịt với ông Là một người làm văn hóa nhưng đồng thời cũng là một nhà khoa học nên khi tìm tòi và xây dựng

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi đã luôn trăn trở làm sao

để dựng lại kho tàng truyện cổ dân tộc sao cho hợp lí, không khiên cưỡng, bịa đặt Ông cũng đã tham khảo nhiều quan điểm sưu tầm trong đó ông tâm đắc nhất với quan điểm của anh em nhà Grimm trong khi xây dựng hệ thống truyện

cổ Với những trăn trở và tìm tòi đã giúp ông có một hướng đi đúng đắn khi không bị sa vào quan điểm máy móc hay hiện đại hóa một cách lộ liễu Qua việc sàng lọc, chỉnh sửa, Nguyễn Đổng Chi đã cho ra đời tập truyện gồm 200 truyện Ở đây nổi bật lên là một phong cách ngôn ngữ riêng, giản dị, truyền

Trang 16

cảm, với sự khảo dị so sánh rất dày công kho tàng truyện cổ đồ sộ trên thế giới Làm rõ nét được tâm hồn Việt Nam, kết tinh những gì tiêu biểu cho tư duy nghệ thuật tự sự dân gian Việt Nam qua phong cách kể truyện truyền cảm, sinh động và dí dỏm Nhà nghiên cứu dân tộc học Lê Văn Hảo đã nhận xét như sau:

“Ông có cái tư chất của một nhà văn biết ghi lại trung thành niềm hứng khởi, nét ngây thơ và sự cảm động của người kể chuyện và nhà thơ dân gian Một số truyện, dưới ngòi bút của ông, đã trở thành những kiệt tác ngắn gọn và tinh khiết, ở đó sự hiện diện của chất thơ và chất hiện thực hòa tan vào nhau trong một thể thống nhất” [25]

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam ra đời bên cạnh những kết quả của

những chuyến đi điền dã, Nguyễn Đổng Chi còn kết hợp với những tài liệu sưu tầm truyện cổ tích của những học giả đi trước, như ông đã từng bộc bạch:

“Phần lớn những truyện tiêu biểu này đã được nhiều thế hệ nhà văn tiếp nhận

và ghi lại trong sách vở” [1, tr.70] Không chỉ vậy, ông còn dày công tìm tòi, nghiên cứu các truyện cổ tích trên thế giới và của một số dân tộc khác của Việt Nam Từ đó tạo nên một hệ thống khảo dị, giúp người đọc hình dung rõ nét hơn

về những motif truyện trong nước và trên thế giới Đặt truyện cổ tích Việt Nam trong dòng chảy folklore thế giới

Có thể nói, quan điểm và quá trình sưu tầm của anh em nhà Grimm và Nguyễn Đổng Chi có rất nhiều điểm tương đồng Họ đều lựa chọn cách sưu tầm trung thành với những truyện kể sao cho vẫn giữ lại những nét mộc mạc, nguyên sơ của truyện cổ tích, chỉ gọt giũa một chút về cách dùng từ, diễn đạt ở những phần quá khó hiểu

1.1.2 Bối cảnh thời đại

Con người luôn chịu ảnh hưởng của thời đại mà họ đang sống và những ảnh hưởng đó có tác động không nhỏ đến việc sưu tầm của các học giả

Trước tiên là bối cảnh thời đại của hai anh em Jacob và Wilhelm Grimm

Họ ra đời vào năm 1785 và 1786 Sau đó khoảng 29 năm (năm 1814), với sự

Trang 17

miệt mài sưu tầm, họ đã lần đầu tiên cho ra mắt bộ truyện của mình và lấy tên

là Truyện cổ tích kể cho trẻ em và trong gia đình Như vậy, thời đại mà hai anh

em sinh sống cũng như bộ truyện ra đời là vào khoảng thế kỉ cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX

Vào cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX, châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng hoàn toàn bị phủ bóng bởi Napoleon Trên đà các cuộc chinh phục cách mạng từ năm 1789, nước Pháp đã phát triển sức mạnh của mình rất nhanh khi đội quân của Napoléon chinh phục được phần lớn châu Âu Trong khi Pháp

đã trở thành những quốc gia tập trung thì nước Phổ (tên gọi lúc bấy giờ của Đức) vẫn còn là một nước phong kiến cát cứ Vào thời điểm đó, chế độ phong kiến ở Đức đã bộc lộ những ung nhọt, yếu kém của mình, như Friedrich Engels

đã viết “Đấy chỉ là một đống thối tha và đang tan rã một cách đáng tởm… Mọi cái đều mục nát, lung lay, sắp sụp đổ và ngay cả đến một tia hi vọng về sự thay

đổi có lợi cũng không có nữa” [14, tr 429] Hệ quả là quốc gia này không đủ

sức chống chọi với cuộc càn quét của đế chế Pháp và đã chịu thua cuộc Trong thời gian chiếm đóng các vùng lãnh thổ của nước Đức, Napoleon đã nỗ lực thống nhất các bang này từ hàng trăm bang xuống còn ba mươi chín bang Nhưng do thời gian chiếm đóng không dài (Napoleon buộc phải rút quân sau thất bại ở Nga) nên Napoleon chỉ kịp thống nhất về mặt địa lí, chính trị, nhưng văn hóa vẫn còn rời rạc, lỏng lẻo Mặc dù vậy chiến tranh Napoleón đã dẫn đến

sự tan rã của Đế quốc La Mã Thần thánh, gieo mầm cho chủ nghĩa dân tộc hình thành tại Đức và là sự chuẩn bị cho sự trỗi dậy của giai cấp tư sản ở và thúc đẩy

sự phát triển của chủ nghĩa lãng mạn ở Đức “Theo Tully, vào kì đầu của chủ nghĩa lãng mạn Đức, các học giả mong muốn tái thiết lại một bối cảnh ổn định thống nhất bằng cách tạo ra sự thống nhất văn hóa dân tộc Để làm được điều

đó, chủ nghĩa lãng mạn chủ trương khôi phục tinh thần dân tộc toàn vẹn đã bị đánh mất bằng việc quay trở lại với các giá trị cổ xưa và các tín ngưỡng truyền thống” [17, tr.36] Vì thế bộ phận mà chủ nghĩa này quan tâm hướng đến để lấy

Trang 18

làm đề tài sáng tác chính là là văn học trung cổ, các bài hát và đặc biệt là truyện

cổ - những phương tiện giúp khẳng định sức mạnh của truyện thống dân tộc Việc sưu tầm truyện cổ từ đó mà cũng nổi lên như một phong trào sâu rộng ở nước Đức Người khởi nguồn cho trào lưu đó là Johann Gottfried Herder với việc sưu tầm thơ ca dân gian Ông coi đó là nơi quy tụ trí tuệ nhân dân, quay về với mạch nguồn trữ tình dân gian là điều vô cùng quan trong cho sự phát triển của nền văn học quốc gia và sự thể hiện ý thức về cá tính và bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Tiếp nối tinh thần đó của Herder, một số nhà sưu tầm như Archim von Arnim và Clemens Brentano đã cho ra đời bộ sưu tầm ca dao Đức Ngoài sưu tầm thơ ca dân gian, việc sưu tầm truyện cổ dân gian cũng rất được chú trọng Ở mảng này, anh em nhà Grimm nổi lên như là một điểm sáng Nhưng khác với những nhà sưu tầm thơ ca, chủ yếu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Anh em nhà Grimm tiếp nhận tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn và ý thức hệ tư sản Ngoài việc vẫn tuân theo mục đích tìm về các tác phẩm dân gian cổ xưa nhằm hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống và hi vọng giữ gìn những vết tích còn lại của giá trị nhân văn chưa bị xã hội làm tha hóa của chủ nghĩa lãng mạn thì anh em Grimm cũng đưa vào truyện của mình

hệ giá trị tư sản bằng cách nhấn mạnh vào các quy tắc ứng xử trong gia đình

Nguyễn Đổng Chi, người sinh năm 1915, cùng với 25 năm (1957 - 1982) dày công sưu tầm truyện cổ tích và mất vào năm 1984 là con người trọn vẹn của thế kỉ XX Giai đoạn này ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng là một giai đoạn đầy biến động khi hầu hết các quốc gia đều phải chịu sự xâm lược của các nước tư bản phương Tây Riêng với Việt Nam, đất nước đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh với hai cường quốc lớn là Pháp và Mĩ Trong khoảng thời gian đó, nhân dân cả nước phải dồn toàn lực để chiến đấu với hai

kẻ thù có sức mạnh được đánh giá vào top đầu thế giới Mỗi người dân khi đó đều là một người chiến sĩ, họ có thể cầm súng trên chiến trường, lao động sản xuất ở hậu phương, sáng tác văn nghệ cổ vũ chiến đấu… Bên cạnh việc chú

Trang 19

trọng đến phát triển quân sự, chính trị để đánh giặc Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa, văn nghệ Đặc biệt với sự ra đời của

Đề cương về văn hóa Việt Nam - 1943 đã có những chỉ dẫn cụ thể về phát triển văn hóa dân tộc với ba nguyên tắc: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch

và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái

gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)” [3] Cũng phải kể đến ở giai đoạn này đó là sự giao lưu và tiếp biến văn hóa phương Tây tiếp tục được phát triển và nở rộ mạnh mẽ, các tư tưởng, tác phẩm của các nước phương Tây được dịch ra tiếng Việt ngày một nhiều Cùng với những chỉ hướng, khuyến khích của Đảng và Nhà nước thì việc tham khảo các tư liệu của các nước khác, các nền văn hóa khác cũng giúp ích rất nhiều cho các nhà văn hóa, nhà khoa học Việt Nam lúc bấy giờ Đồng thời những điều đó cũng là động lực để các học giả tìm tòi, nghiên cứu, cho ra những công trình văn hóa mang đậm chất Việt Một trong những phương tiện để phát triển văn hóa dân tộc chính là tìm về nguồn cội văn hóa dân gian

Trước Nguyễn Đổng Chi đã có một số nhà nghiên cứu sưu tầm truyện cổ tích thành các tuyển tập như Lưu Văn Thuận, Phạm Văn Phương, Nguyễn Bính Ngoài ra những truyện khác thường được đăng lẻ tẻ trên báo hay được các nhà xuất bản in nhỏ giọt thành từng truyện hoặc vài ba truyện Nhưng chỉ đến khi tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi ra đời, chúng ta mới được đón nhận

một công trình sưu tầm khảo cứu đầy công phu và khoa học

1.1.3 Văn hóa

Văn hóa là khía cạnh quan trọng của đời sống xã hội ảnh hưởng lên truyện cổ tích Tìm về nguồn cội văn hóa sẽ giúp mở khóa được những mã văn hóa ẩn mình trong mỗi nhân vật, chi tiết của truyện cổ tích

Trang 20

Lịch sử hình thành nước Đức gắn với sự hình thành của bộ lạc German Sau này, bộ lạc dần dần đã không ngừng bành trướng lãnh thổ, sau này trở thành trung tâm của đế quốc La Mã thần thánh - cái nôi văn hóa của châu Âu thời đó Mặc dù suy yếu vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nước Đức lại dần lấy lại vị thế của mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn châu Âu Cho đến ngày nay, lãnh thổ hoàn thiện của Đức là một quốc gia ở trung Âu, với phần lớn lãnh thổ là lục địa, có khí hậu ôn hòa

Nước Đức cũng mang trong mình nhiều nét của văn hóa phương Tây khi thiên về tư duy phân tích, đặc biệt coi trọng vai trò của các yếu tố khách quan Khi xử lí các vấn đề thường dựa vào tư duy duy lí, ứng xử theo nguyên tắc, tôn trọng pháp luật

Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, nước Đức chịu ảnh hưởng của nền văn minh cổ đại phương Tây Đất nước này được coi là vùng đất của những nhà thơ và những nhà tư tưởng nên thấm đượm trong truyện cổ tích là những bài học triết lí sâu xa

Nhiều trường phái triết học ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới bắt nguồn từ nước Đức và có tầm quan trọng lịch sử như: các đóng góp về cho chủ nghĩa duy lí của Leibniz; triết học khai sáng của Kant; chủ nghĩa duy tâm Đức cổ điển được lập ra và phát triển bởi Fichte, Hegel và Schelling; chủ nghĩa bi quan trừu tượng của Schopenhauer; Karl Marx và Friedrich Engels xây dựng lí thuyết cộng sản; Friedrich Nietzsche phát triển chủ nghĩa quan điểm; Gottlob Frege là người đặt nền móng cho triết học phân tích; Martin Heidegger có các tác phẩm về sự tồn tại,… Do triết học có ảnh hưởng sâu rộng trong đất nước nên người Đức thường là những người có tư duy logic, biện chứng, có khả năng phản biện các vấn đề tốt

Văn học Đức phát triển với khá nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới từ thời trung cổ cho đến hiện đại, một trong số đó có thể kết đến như: Johann Wolfgang von Goethe, Friedrich Schiller, Gotthold Ephraim Lessing và

Trang 21

Theodor Fontane, Gerhart Hauptmann, Thomas Mann, Hermann Hesse, Heinrich Böll và Günter Grass Chính vì thế văn hóa đọc cũng được coi là một văn hóa lâu đời ở Đức Điều đó vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay Bằng chứng là thị trường sách của Đức lớn thứ ba trên thế giới Hội chợ Sách Frankfurt có vị thế quan trọng nhất trên thế giới về giao dịch và mua bán quy mô quốc tế, có truyền thống kéo dài hơn 500 năm Hội chợ Sách Leipzig cũng duy trì một vị thế quan trọng tại châu Âu

Tìm về ngọn nguồn của truyện cổ tích, chúng ta thấy rằng, một phần trong gia tài các truyện cổ trên toàn thế giới có nguồn gốc từ tôn giáo và bị ảnh hưởng rất nhiều từ tôn giáo Thế giới quan tôn giáo bằng cách này hay cách khác đã xuất hiện và thâm nhập sâu vào trong các cơ tầng văn hóa cùng tồn tại trong các câu chuyện kể tự sự dân gian Đó là một trong những phương thức đặc biệt khiến tôn giáo vừa thể hiện sự hiện diện của mình, vừa chi phối đời sống của các cư dân bản địa Từ lâu, người ta đã nhận định rằng giữa truyện cổ tích, việc cúng bái và tôn giáo có một mối liên hệ mật thiết Thường thì một thể chế được biểu hiện qua các chế định Chế định tôn giáo được thể hiện qua các hành động thờ cúng Vì vậy, mối liên hệ giữa truyện cổ tích và tôn giáo chỉ có thể xác định như một vấn đề phát sinh từ mối liên hệ giữa truyện cổ tích và thể chế xã hội

Trong cuốn Chống Đuyrinh, F Engels định nghĩa hoàn toàn chính xác về

tôn giáo: “Mọi tôn giáo không phải là gì khác ngoài sự phản ánh mang tính huyễn hoặc của tư tưởng con người về các lực lượng bên ngoài thống trị họ và cuộc sống hằng ngày của họ, là sự phản ánh mà ở đó các thế lực trần gian có được hình thức siêu nhiên Trong phần đầu các câu chuyện, các chủ thể được phản ánh trước hết là các lực lượng thiên nhiên nhưng rất nhanh sau đó, cùng với các thế lực tự nhiên xuất hiện các thế lực xã hội Các thế lực xã hội này đối nghịch với con người chẳng kém gì các thế lực tự nhiên Những hình tượng huyễn tưởng ban đầu phản ánh các thế lực tự nhiên, giờ đây có các thuộc tính

xã hội và trở thành đại diện cho các thế lực lịch sử” [10, tr 57]

Trang 22

Có thể nói rằng, khi nghiên cứu truyện cổ tích, đặc biệt là tìm hiểu về các nhân vật kì ảo, chúng ta không thể không kể đến sự ảnh hưởng của tôn giáo đến nhóm nhân vật này

Đức là một quốc gia chủ yếu chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo Trong quá khứ, Giáo hội đã từng là một trong những thế lực có tiếng nói trong

xã hội, trong chính quyền và tín đồ phân bố dày đặc trên khắp cả nước Khi thống nhất vào năm 1871, khoảng 2/3 dân số Đức theo Tin Lành và 1/3 dân số theo Công giáo Theo điều tra nhân khẩu Đức vào năm 2016, có gần 60% dân

số Đức theo Cơ đốc giáo, 5,5% theo Hồi giáo và 34,4 % không theo tôn giáo

Từ số liệu trên có thể nói, mặc dù là một nước có tỉ lệ dân nhập cư đứng thứ hai thế giới, nước Đức ngày nay là một cộng đồng đa sắc tộc, đa tôn giáo, nhưng Kito giáo vẫn là một tôn giáo ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa xã hội của người dân Chính vì thế mà không chỉ trong quá khứ mà ngay cả ở trong hiện tại Thiên Chúa giáo vẫn là tôn giáo chủ đạo ở Đức

Thiên Chúa giáo ở Đức chia ra làm hai nhánh chính là Cơ Đốc giáo và Tin Lành Cơ Đốc giáo được biết đến như là một tôn giáo độc thần, với đức tin Jesus - con của Thiên Chúa giáng sinh làm người và chịu khổ hình để loài người được hòa giải với Thiên Chúa vì tổ tông của chúng ta - Adam và Eva đã

ăn trái cấm ở vườn địa đàng Ban đầu Cơ Đốc giáo hoạt động dưới sự điều hành của giáo hội Công giáo, với người đứng đầu là giáo hoàng Tín hữu tuyên xưng Giáo hội Công giáo là giáo hội duy nhất do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập dựa trên các tông đồ của Chúa Giêsu, giáo hoàng là người kế vị tông đồ trưởng Pétrus, còn các giám mục là những người kế vị các tông đồ khác Dưới

sự lãnh đạo của Giáo hoàng, Giáo hội Công giáo xác định nhiệm vụ của họ

là truyền bá Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô, cử hành các bí tích - đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và thực hành bác ái

Nhưng đến khoảng đầu thế kỉ XVI, tu sĩ Martin Luther - người Đức tuyên bố 95 luận đề, thách thức Giáo hội Công giáo La Mã và khởi xướng Cải

Trang 23

cách Kháng nghị nhằm phê phán giáo hội và giáo hoàng Nên từ đó, một cộng đồng giáo hội mới được hình thành, mà ngày nay chúng ta thường quen gọi với cái tên là Tin Lành Vì thế, không giống như hầu hết các quốc gia châu Âu, có

xu hướng phần lớn theo Công giáo (ví dụ như Ireland, Tây Ban Nha) hoặc phần lớn theo đạo Tin Lành (ví dụ: Thụy Điển, Vương quốc Anh), các Kito hữu ở Đức được chia gần như đồng đều cho hai giáo phái này Nhìn chung, bên cạnh một số khác biệt trong quan niệm về vai trò của Đức mẹ Maria, các thánh, các phép thánh, hình thức cầu nguyện… thì cả hai giáo phái này đều vẫn lấy kinh Cựu Ước và Tân Ước làm nền tảng

Do là một tôn giáo độc thần nên thông thường, người theo Thiên chúa giáo chỉ có bàn thờ Chúa ba ngôi hoặc chỉ một mình Chúa trên cây thánh giá

Họ tin rằng, con người sau khi chết, tùy vào những việc làm ở đời mà sẽ được lên thiên đàng hay đày xuống địa ngục

Vì thế, các hình tượng quen thuộc trong truyện cổ Grimm mà ta vẫn hay bắt gặp như Thượng đế, Chúa, thánh Pétrus, Đức bà Maria, thiên thần, quỷ…; các cõi thiên đàng, địa ngục đều xuất phát từ sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu đời của của Thiên Chúa giáo

Việt Nam là một quốc gia nằm ở Đông Nam Á, có điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, có những con sông lớn, đường bờ biển dài, những vùng đồng bằng trù phú, phì nhiêu thích hợp cho nghề trồng trọt phát triển Do nghề trồng trọt buộc con người phải sống định cư, phải lo tạo dựng cuộc sống lâu dài nên ngược lại với văn hóa gốc du mục, con người làm trồng trọt hạn chế việc di chuyển, thích ổn định để yên tâm canh tác Họ thường mang tâm lí đề cao tính cộng đồng sự gắn kết, liên kết sức mạnh không chỉ do cuộc sống nông nghiệp, phụ thuộc vào tự nhiên, buộc cư dân phải sống định cư mà còn vì canh tác nông nghiệp thường cần nhiều nhân lực hơn làm chăn nuôi Do cuộc sống cộng đồng, gắn kết với nhau nên con người sống trọng tình nghĩa, thái độ ứng xử mềm dẻo, linh hoạt Tư duy duy tình chính là một đặc trưng của văn hóa phương Đông - trái ngược với tư duy duy lý của văn hóa phương Tây

Trang 24

Thêm vào đó, do nghề trồng trọt phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên “Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm” nên

cư dân rất tôn trọng và sùng bái thiên nhiên, với mong muốn sống hòa hợp với thiên nhiên Điều này kết hợp với tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” đã khiến cho mỗi mảnh đất, con sông, cây trái… đều là đối tượng để con người thờ cúng Vì thế mà trái ngược với thái độ coi nhẹ tự nhiên của văn hóa gốc du mục, con người văn hóa gốc nông nghiệp đều thiêng hóa các đối tượng tự nhiên xung quanh con người và thường có thái độ nể sợ, tôn thờ để mong được sự giúp đỡ, bảo hộ của các đối tượng đó Việt Nam là một trong những quốc gia cho đến ngày nay còn bảo lưu được rất nhiều tín ngưỡng bản địa như: tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các vị thần tự nhiên, thờ cúng tổ tiên

Tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên là tín ngưỡng lâu đời của nhiều quốc gia trên thế giới Tuy nhiên, ngày nay nó đã bị mai một rất nhiều, đặc biệt là các quốc gia phương Tây Việt Nam là một trong số ít các quốc gia cho đến ngày nay còn bảo lưu được tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên trong văn hóa dân gian Việc này có thể lí giải là do Việt Nam là một quốc gia có văn hóa gốc nông nghiệp nên phần lớn phải nương tựa và phụ thuôc vào tự nhiên Từ đó nảy sinh việc sung bái tự nhiên Các đối tượng của tự nhiên đều có thể được đưa ra thờ cúng từ động vật (cá voi, rồng, rắn, chim, hổ…), thực vật (cây đa, cây gạo, cây lúa…) đến hiện tượng tự nhiên (thờ Tứ Pháp - Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp

Vũ, Pháp Điện)

Tục thờ Mẫu có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước - trọng tĩnh trọng phụ nữ Nó ra đời trong thời gian chế độ Mẫu hệ của Việt Nam Tín ngưỡng này lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người Trong tục thờ Mẫu có 4 màu đặc trưng cho bốn miền: Màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ - miền trời Màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ - miền nước Màu vàng tượng trưng cho Địa phủ - miền đất Màu xanh tượng trưng cho Nhạc phủ - miền rừng Từ đó cũng

Trang 25

nảy sinh việc thờ cúng Tứ phủ và Tam phủ Tứ phủ thờ Đệ nhất Mẫu Thượng Thiên, Đệ Nhị Mẫu Thượng Ngàn, Đệ Tam Mẫu Thoải phủ và Đệ Tứ Mẫu Địa phủ Còn thờ mẫu Tam phủ chỉ thờ Thiên - Địa - Thoải Các vị thánh mẫu thường là những nhân vật có công với dân với nước, được nhân dân tôn thờ và được ghi chép trong các truyện dân gian, thần tích, thần phả Sau này, khi kết hợp với một số tôn giáo ngoại lai, việc vinh danh các vị anh hùng dân tộc nên trên bàn thờ mẫu xuất hiện thêm nhiều các nhân vật khác như Ngọc Hoàng, ngũ

vị tôn quan, tứ phủ thánh bà, tứ phủ thánh hoàng… Hầu hết trong các chùa ngày nay, đều có riêng một khu để thờ Mẫu Còn các vị thánh Mẫu, thánh bà, thánh cô, thánh câu, tôn quan… cũng được lập đền thờ riêng ở nơi mà họ sinh

ra hoặc nơi họ lập nhiều công trạng hay hóa thánh

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt được biết đến là một tín ngưỡng lâu đời, phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng nhất, nó còn gần như trở thành một tôn giáo - Đạo ông bà Nếu người phương Tây coi trọng ngày sinh thì người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng coi trọng ngày mất nên việc giỗ chạp rất quan trọng với mỗi gia đình, dòng tộc Con người khi còn sống luôn tin rằng khi người chết đi sẽ đi đến một cõi nào đó và ở nơi đó họ sẽ dõi theo con cháu mình, âm thầm bảo trợ cho họ Ở cõi đó, con người sinh hoạt như lúc bình thường còn sống nên theo phong tục truyền thống người nhà thường đốt cho người cõi âm những thứ đồ vàng mã y hệt như trên cõi trần Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức một tôn giáo độc thần như Thiên Chúa giáo khi du nhập vào Việt Nam cũng phải chịu thích ứng Nếu người theo đạo Thiên Chúa giáo chỉ có bàn thờ Chúa ba ngôi thì những người theo đạo ở Việt Nam bên cạnh bàn thờ Chúa sẽ có thêm cả bàn thờ tổ tiên

Các tín ngưỡng đi vào trong truyện cổ tích thông qua hình ảnh các vị thần tự nhiên, địa phương, sự nữ tính hóa hình ảnh một số vị thần, sự thờ cúng hay hiện về của những người đã mất

Trang 26

Bên cạnh các tín ngưỡng bản địa, một số tôn giáo cũng được du nhập vào Việt Nam Nhưng do tính linh hoạt trong tiếp nhận, nên các tôn giáo đến với quốc gia này đều được người dân bản địa dung nạp và tiếp biến phù hợp Trong quá khứ, có ba tôn giáo phát triển ở Việt Nam đó là Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo Ba tôn giáo này phát triển hài hòa với nhau, trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh "Tam giáo tổ sư" với Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt

Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, được sáng lập bởi Siddhārtha Gautama (Thái tử Tất Đạt Đa) vào khoảng thế kỉ 6 TCN Phật giáo được truyền bá trong khoảng thời gian 45 năm khi Đức Phật còn tại thế ra đến nhiều nơi, nhiều dân tộc nên lịch sử phát triển của Phật giáo khá đa dạng về các bộ phái cũng như các nghi thức, nghi lễ hay phương pháp thực tập, tu học Sau này, Phật giáo bị đàn

áp ở Ấn Độ nên đến khoảng thế kỉ thứ 7 Phật giáo gần như biến mất trên đất Ấn

Độ Cho đến ngày nay, Phật giáo cũng không phải là một tôn giáo có quy mô và sức ảnh hưởng ở đất nước này Tuy nhiên, nó lại rất phát triển ở các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam Giáo lí của Phật giáo hướng con người đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi vô thường, khỏi vòng luân hồi sinh tử bằng chính năng lực tu tập của bản thân mỗi người theo sự hướng dẫn của tam tạng kinh điển Cơ sở tư tưởng và cốt lõi của Phật giáo được đúc kết trong Tứ thánh

đế và Bát chánh đạo Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, nhưng

từ hai nguồn khác nhau Một là từ nơi khởi thủy của nó do các tu sĩ Ấn Độ truyền vào và hai là từ Trung Quốc truyền qua Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo có vai trò trong việc định hướng con người đi theo con đường thiện bằng việc chăm làm các điều lành, tránh xa các điều ác và tin vào luật nhân quả Luật nhân quả của Đạo Phật đã được phản ánh trong truyện cổ tích dưới một số triết lí quen thuộc như “Ở hiền gặp lành”, “Ác giả ác báo”, “Gieo nhân nào gặp quả nấy”, hay việc con người có kiếp sau, sự tái sinh của con người…

Trang 27

Trong quá trình tiếp nhận, Phật giáo tại Việt Nam có những tiếp biến để phù hợp với văn hóa bản địa - văn hóa thờ mẫu Khi cấu trúc chùa, đặc biệt là các chùa ở miền Bắc bao giờ cũng là “Tiền Phật, hậu Mẫu” Hình ảnh phật cũng được nữ tính hóa khi không chỉ có “Phật ông” như trong nguyên mẫu của Phật giáo mà còn có cả “Phật bà” Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam với những giáo lí về nhân quả, nghiệp báo, luận hồi… dễ thâm nhập vào đời sống

xã hội nên đã được người dân đón nhận rất nhiệt tình Vì thế mà ở bất kì đâu trên dải đất hình chữ “S” ta cũng có thể bắt gặp gặp hình ảnh ngôi chùa cổ kính thân thương Cho nên, tuy không ra đời ở Việt Nam nhưng người dân Việt luôn coi hình tượng Đức Phật là người Việt, của dân Việt Chữ Phật theo phiên âm tiếng Phạn gọi là Buddha, và người Việt nghe trại âm gọi là Bụt đà, hay còn gọi cái tên thật gần gũi thật quý kính là ông Bụt Từ đó đi vào trong cổ tích có hình ảnh mà chúng ta rất thân quen là ông Bụt

Nho giáo được sáng lập bởi Khổng Tử và được phát triển bởi các học trò của ông ở Trung Quốc Mục đích chính của Nho giáo là xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, đất nước thái bình, thịnh vượng Giáo lí của Nho giáo được đúc kết ở trong Tứ thư, Ngũ kinh Nho giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia ở Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam Đây là một học thuyết chính trị, đạo đức được hầu hết các vị vua thời phong kiến ở Trung Quốc và một số quốc gia Đông Á chọn làm hệ tư tưởng chính thống trong đất nước của mình nhằm củng cố quyền lực, duy trì trật tự xã hội Giáo dục Nho học giữ vị trí chủ đạo trong nền giáo dục đất nước Các kì thi quan trọng đều có nội dung của Tứ thư, Ngũ kinh

Nho giáo du nhập vào nước ta vào đầu công nguyên cuối thế kỷ thứ hai, đến thế kỷ thứ VII - VIII thì thịnh hành Một số tư tưởng của Nho giáo phổ biến ở Việt Nam như thuyết Thiên mệnh (thuyết này cho rằng mỗi người sinh

ra đều đã có một số mệnh định sẵn, không thể cưỡng lại với số mệnh được); hình tượng người quân tử - những người học đạo thánh hiền, là con người

Trang 28

gương mẫu, lí tưởng trong xã hội; tam cương - ngũ thường đó là những quan hệ ràng buộc con người (vua - tôi; cha - con; vợ - chồng) và những đức tính mà con người cần giữ là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; hay tam tòng, tứ đức đây là những quy định về một người phụ nữ mẫu mực trong xã hội xưa, họ không được độc lập mà luôn phải gắn cuộc đời mình khi “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và luôn phải giữ được công, dung, ngôn, hạnh

Thuyết thiên mệnh của Nho giáo được phản ánh trong truyện cổ tích ở chỗ con người và vạn vật cũng như quỉ thần có sự liên hệ với nhau Mỗi hành động của con người đều có sự đồng thanh tương ứng Một tư tưởng kiêu căng

tự cao hay một lời bất kính của con người đối với quỉ thần thì chư vị khuất mặt nầy đều biết hết Vì sự tương ứng đó nên con người trọng quỉ thần, chỉ trọng chớ không thờ, vì những vị nầy là những nhân vật ở cõi vô hình cũng có những tánh tầm thường như con người vậy Con người chỉ tin ở số mệnh an bài sẵn Ngoài ra các quan hệ đạo đức, đặc biệt là về chữ hiếu được đề cập khá nhiều trong truyện cổ tích và nhấn mạnh vào việc con cái phải hiếu kính với cha mẹ

Đạo giáo có từ rất lâu đời, nhưng không được tập hợp hành một học thuyết hay giáo lí mà chỉ là những hoạt động riêng lẻ con người truyền tay nhau thực hành mãi cho đến khi nó được khởi xướng bởi Lão Tử ở Trung Quốc, sau này được phát triển bởi Trang Tử thì tôn giáo này mới được biết đến rộng rãi hơn Giáo lí của Đạo giáo chủ yếu được đề cập trong Đạo Đức kinh (Lão Tử) và Nam Hoa kinh (Trang Tử) Nội dung chủ yếu mà Đạo giáo

để cập đến là mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên và trạng thái

vô vi của con người

Đạo giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng cuối thế kỉ II Tư tưởng cao siêu của thuyết vô vi của Đạo giáo khi truyền sang Việt Nam lại biến đổi thành một thứ đạo Thần Tiên, huyền bí, giống như những truyện thần thoại cổ tích sẵn có ở thời cổ sơ Dấu vết văn hoá và tín ngưỡng còn sót lại ngày nay là mỗi làng thờ một ông Thần, những đồng bóng, thầy pháp Thuở xưa người ta đã

Trang 29

thần thánh hóa và huyền thoại hóa những vị tu sĩ tu Tiên Những vị có những phép thần thông do sự tu luyện để khai mở những quyền năng tiềm tàng trong con người

Không chỉ vậy, Đạo giáo còn xây dựng trong tâm thức người Việt những hình ảnh về thế giới thần tiên Nơi mà con người có tuổi thọ vô hạn và cuộc sống sung túc đầy đủ

Như đã nói từ đầu, khi được du nhập vào Việt Nam, các tôn giáo có sự dung hòa với nhau và biến đổi phù hợp với văn hóa bản địa Sự hòa hợp của tam giáo đầu tiên phải kể đến cả ba tôn giáo này đều có chung mục đích ra đời

để cứu thế, chống loạn, đề cao cuộc sống và giá trị sinh mệnh con người Từ gốc chung đó, mặc dù tam giáo có con đường thực hiện, phương pháp thực hành, cách thức tu tập khác nhau, nhưng điểm cuối cùng hướng tới lại giống nhau đó là làm cho tâm tính con người hướng thiện, hành thiện Vì thế Tam giáo được phát triển hòa hợp với nhau, điều đó được thể hiện trong việc những giáo lí của các tôn giáo được hòa kết vào với nhau; các công trình văn hóa tín ngưỡng đặc biệt là ở miền Bắc mang đậm có sự hòa hợp của tam giáo khi mà trong một ngôi chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ thánh, thờ thần và thờ mẫu

Đi vào trong truyện cổ tích ta cũng thấy hệ thống các vị thần, thánh, phật sống hòa hợp với nhau, tương trợ lẫn nhau với một mục đích lớn nhất là cứu độ, trợ giúp con người vượt qua sự hiểm nghèo

1.2 Giới thuyết về nhân vật kì ảo và văn học so sánh

1.2.1 Giới thuyết về nhân vật kì ảo

Theo Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa “nhân vật văn học là một đơn

vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người thật trong cuộc sống” [11, tr 235]

Trong các kiểu nhân vật vật thì nhân vật trong các tác phẩm dân gian là nhân vật chức năng, đây là “nhân vật có các đặc điểm, phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối, không có đời sống nội tâm, sự tồn tại và hoạt động của

Trang 30

nó chỉ nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện và trong việc phản ánh đời sống Nhân vật đồng nhất với vai trò mà nó đóng trong tác phẩm” [11, tr 228]

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên

có định nghĩa kì ảo như sau: kì lạ, tựa như không có thật mà chỉ có trong tưởng tượng [22, tr 518]

Nguyễn Xuân Đức trong Thi pháp truyện cổ tích thần kì xếp nhân vật có

phép thuật, quyền năng vào hệ thống nhân vật phụ: “nhân vật phụ trong truyện

cổ tích thần kì là bộ phận không thể thiếu của bức tranh chung, có tính chất phụ trợ, bổ sung làm nổi bật nhân vật chính Các nhân vật phụ trong truyện cổ tích thần kì còn góp phần thể hiện nhận thức, khát vọng của người xưa về một xã hội công bằng, dân chủ, thiện thắng ác Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết truyện cổ tích đều có nhân vật Bụt, Phật, Tiên Rõ ràng, cùng với nhân vật chính, nhân vật phụ trong truyện cổ tích thần kì đã phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của nhân dân, thể hiện thái độ của tác giả dân gian về các vấn

Theo Đỗ Thị Mỹ Phương trong Nhân vật mang màu sắc kì ảo trong truyện truyền kì trung đại Việt Nam thì “những nhân vật mang màu sắc kì ảo là cách gọi

để chỉ hai nhóm đối tượng: nhân vật kì ảo (kiểu nhân vật siêu nhiên, có năng lực thần kì, không tồn tại trong đời sống thật như thần, tiên, ma, quỷ…); nhân vật là con người nhưng hành trạng cuộc đời có chứa đựng những yếu tố kì lạ (tiền thân khác thường, sinh đẻ thần kì, được tái sinh, …)” [23, tr 1]

Trang 31

Tóm lại, tổng hợp từ quan điểm của một số nhà nghiên cứu và quan điểm của người viết, nhân vật kì ảo là một loại nhân vật chức năng trong truyện cổ tích, đó là những nhân vật có năng lực thần kì, có hành trạng khác thường (có thể là thần tiên, ma quỷ, con người) Như vậy, nhân vật kì ảo có thể là bất kì nhân vật nào, phạm vi hoạt động rộng khắp trong các truyện cổ tích

1.2.2 Giới thuyết về văn học so sánh

Không một sự kiện riêng lẻ nào, không một nền văn học riêng lẻ nào được hiểu đầy đủ nếu nằm ngoài liên hệ với các sự kiện khác, với các nền văn học khác Chính vì thế văn học so sánh ra đời để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu

về sự tương đồng và khác biệt giữa nền văn học của các quốc gia với nhau Cho đến nay, trên thế giới đã có hàng trăm định nghĩa về văn học so sánh ra đời

Theo đại diện của các nhà nghiên cứu văn học so sánh Mĩ, Henry H.H Remark nhận định như sau: “Văn học so sánh là sự nghiên cứu văn chương bên ngoài giới hạn của một xứ sở riêng biệt, và là sự nghiên cứu mối liên hệ giữa văn chương một bên với các lĩnh vực tri thức và tín ngưỡng khác, như nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc), triết học, lịch sử, các khoa học

xã hội (chính trị, xã hội học, kinh tế học), các khoa học, tôn giáo v.v một bên khác Tóm lại đây là sự so sánh một nền văn chương với một hay nhiều nền văn chương khác và sự so sánh văn chương với các lĩnh vực biểu đạt khác của con người” [7, tr.1]

Hay theo như Jirmumsky một nhà nghiên cứu người Nga đã đưa ra quan điểm rằng: “Văn học so sánh lịch sử là một phân nhánh của văn học lịch sử, nó nghiên cứu những mối liên hệ và quan hệ quốc tế, nghiên cứu những chỗ dị đồng trong những hiện tượng văn nghệ của các nước trên thế giới Những chỗ giống nhau trên thực tế văn học, một mặt có thể là do sự xúc tiếp về văn học giữa các nước, mặt khác có thể do sự tương đồng về sự phát triển xã hội và văn hóa của dân tộc Tương ứng với chúng có thể phân thành tương đồng loại hình của những quá trình văn học, cùng những mối liên hệ và ảnh hưởng qua lại về

Trang 32

văn học; thông thường cả hai thông dụng lẫn nhau, nhưng không nên lẫn lộn” [18, tr.63]

Ở Việt Nam, văn học so sánh bắt đầu được nghiên cứu từ khoảng thế kỉ

XX, khi có sự du nhập và ảnh hưởng của các lí thuyết nước ngoài, đặc biệt là từ Pháp Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã không ngừng, tìm tòi, học hỏi, đúc kết các lí thuyết về văn học so sánh Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân, “văn học so sánh có thể được định nghĩa như là một bộ môn khoa học nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn học dân tộc” [4, tr 59]

Như vậy, văn học so sánh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lẫn nhau của các nền văn học khác nhau Trong khi đối chiếu, so sánh, các nhà nghiên cứu sẽ chỉ ra các đặc điểm ảnh hưởng hoặc các điểm tương đồng, khác biệt, đồng thời phân tích các nguyên nhân cho sự tương đồng, khác biệt này Trên cơ sở đối sánh, bản sắc, cá tính dân tộc, phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả sẽ được khẳng định và thấy được vị trí, vai trò của mỗi nhà thơ, nhà văn trong hành trình phát triển của văn học dân tộc, văn học thế giới

Trang 33

Tiểu kết chương 1

Trên đây là một số tiền đề lí thuyết về truyện cổ tích Đức (do Jacob Grimm và Wilhelm Grimm sưu tập) và truyện cổ tích Việt Nam (do Nguyễn Đổng Chi sưu tập) để triển khai các chương tiếp theo của luận văn Ở đây, chúng tôi đề cập đến một số yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành mỗi tập truyện cổ tích như cuộc đời người sưu tầm, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, một số yếu tố tự nhiên, văn hóa, tôn giáo ảnh hưởng đến truyện cổ tích nói chung và nhân vật kì ảo trong truyện nói riêng Qua đó thấy được điều kiện hình thành phát triển của việc sưu tầm truyện cổ tích cũng như những giá trị văn hóa, tôn giáo truyền thống lâu đời thấm đượm vào từng trang truyện cổ Và sự phản ánh thế giới quan của con người ở mỗi quốc gia

Ngoài ra, chương 1 còn cung cấp giới thuyết về nhân vật kì ảo và văn học so sánh, tổng hợp một số định nghĩa khác nhau cùng với quan điểm của cá nhân người viết, chúng tôi cũng đã đưa ra được khái niệm về nhân vật kì ảo và quan điểm thống nhất về văn học so sánh

Trang 34

Chương 2

HỆ THỐNG NHÂN VẬT KÌ ẢO TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM VÀ TRUYỂN CỔ TÍCH ĐỨC

Nhân vật kì ảo trong truyện cổ tích vô cùng phong phú, từ người đến thần tiên ma quỷ với địa bàn hoạt động vô cùng rộng lớn, khắp bốn cõi trời, đất, nước và cả âm phủ Qua khảo sát cả hai truyện cổ tích, chúng tôi chia nhân vật kì ảo ra thành ba nhóm chính đó là nhóm nhân vật thần linh, nhóm nhân vật yêu ma quỷ quái và cuối cùng là nhóm nhân vật kì ảo là người Số liệu cụ thể như sau:

Chúng tôi khảo sát 200 truyện cổ tích Việt Nam, trong đó tổng số truyện

có nhân vật kì ảo là 84/200 truyện, chiếm tỉ lệ 42% Trong 84 truyện có tổng số

137 nhân vật kì ảo xuất hiện và được chia vào các nhóm với số lượng cụ thể như sau:

Trang 35

nhân vật kì ảo ở truyện cổ tích Việt Nam thì số lượng nhân vật kì ảo ở truyện

cổ tích Đức ít hơn Trong các nhóm nhân vật được khảo sát ở cả hai truyện cổ tích, kiểu nhân vật kì ảo thuộc nhóm thần linh chiếm số lượng nhiều hơn cả Mặc dù ở cả hai truyện cổ tích, nhóm nhân vật thần linh đều có số lượng nhiều hơn cả so với các nhóm nhân vật khác Tuy nhiên, số lượng cụ thể ở mỗi kho tàng truyện cổ tích cũng có sự chênh lệch đáng kể Nếu số lượng nhân vật thần linh ở truyện cổ tích Việt Nam chiếm đến hơn hai phần ba (73%) tổng số nhân vật được khảo sát thì trong truyện cổ tích Đức, nhóm nhân vật này chỉ chiếm chưa đến một nửa (45%) tổng số nhân vật được khảo sát Ở hai nhóm nhân vật còn lại là nhóm nhân vật người và nhóm nhân vật yêu ma quỷ quái, ta thấy có

sự khác biệt giữa hai tập truyện cổ tích Cụ thể là, nếu ở truyện cổ tích Việt Nam, số lượng nhân vật ở nhóm yêu ma quỷ quái chiếm số lượng nhiều hơn nhóm người thì ngược lại, trong truyện cổ tích Đức, nhóm nhân vật là người mang yếu tố kì ảo lại nhiều hơn nhóm nhân vật là yêu ma quỷ quái Tỉ lệ phân chia các hai nhóm nhân vật này cũng có sự chênh lệch nhiều khi ở truyện cổ tích Đức có đến 1/3 (33%) nhóm nhân vật là người thì ở truyện cổ tích Việt Nam, nhóm nhân vật này chỉ chiếm 1/8 (12,4%)

2.1 Nhóm nhân vật thần linh

Khi nhắc đến nhân vật kì ảo, chắc chắn không thể không nhắc đến nhân vật kì ảo là thần linh Thần linh là một lực lượng siêu nhiên linh thiêng, họ có quyền năng để ban phước, giáng họa cho con người Thông thường, nhân vật thần linh trong truyện cổ tích có chức năng giúp đỡ, đem lại sự may mắn, điều tốt đẹp cho nhân vật thiện và sẽ trừng phạt những nhân vật có suy nghĩ, lời nói, hành động không thiện Như bảng khảo sát ở trên, nhóm nhân vật thần linh chiếm một số lượng nhiều hơn hẳn với nhóm nhân vật là yêu ma quỷ quái và nhóm nhân vật là người Tuy nhiên, có sự chênh lệch về số lượng nhân vật giữa hai truyện cổ tích Nếu truyện cổ tích Việt Nam có sự xuất hiện của nhân vật thần linh nhiều hơn (100/137 nhân vật, chiếm tỉ lệ 73%) thì ở truyện cổ tích

Trang 36

Đức, con số này có phần khiêm tốn, chỉ bằng hơn một nửa so với truyện cổ tích Việt Nam (49/109, chiếm tỉ lệ 45%) Các nhân vật thần linh trong truyện cổ tích Việt Nam cũng mang bóng dáng của nhiều tôn giáo, tư tưởng, tín ngưỡng dân gian đa dạng, khác nhau, trong khi ở tập truyện cổ tích Đức, các nhân vật thần linh mang màu sắc của một tôn giáo duy nhất - Thiên Chúa giáo

Tuy số lượng có khác nhau, nhưng chức năng, đặc điểm của nhóm nhân vật này trong truyện cổ tích nên có khá nhiều điểm tương đồng Ở đây, chúng tôi dựa vào nguồn gốc cũng như nơi cư ngụ chủ yếu của các nhân vật để phân tách nhóm nhân vật kì ảo là thần linh vào bốn cõi là thượng giới (cõi trời), địa giới (mặt đất), âm giới (cõi người chết) và thủy giới (cõi nước)

2.1.1 Các vị thần thượng giới

Thượng giới hay chính là cõi trời, đây được xem là nơi ngự trị của những

vị thần, thánh có quyền năng cao nhất

Trong truyện cổ tích Việt Nam, ở vị trí cao nhất và có quyền năng cao nhất ở cõi này là đức Phật, bên cạnh đức Phật còn có Phật bà Quan âm cũng là một đối tượng có quyền năng tương đương nhưng ở một giới tính khác Họ có thể xuất hiện dưới hình ảnh nguyên gốc hoặc cũng có khi cải trang thành người thường Xuất hiện ít hơn và giúp việc cho các vị ấy là các Tôn giả hay La Hán,

họ xuất hiện dưới sự chỉ đạo của đức Phật hoặc Phật bà Nhóm nhân vật này chủ yếu là nhân vật phụ, có chức năng trợ giúp nhân vật chính vượt qua thử thách, trừng phạt những nhân vật có hành động không thiện hoặc đôi khi là đưa

ra thử thách để thử lòng nhân vật chính Nếu nhân vật chính vượt qua thử thách

thì sẽ ban thưởng những điều kì diệu và ngược lại sẽ nhận trừng phạt Trong

truyện Sự tích con khỉ, đức Phật đã hóa thành một ông lão với dáng vẻ mệt

nhọc đến xin ăn của cô gái Cô gái đã nhiệt tình giúp đỡ ông lão bằng tất cả khả năng của mình Đức Phật đã ban làm cho cô gái đã trở nên xinh đẹp hơn Thấy vậy, người nhà trưởng giả cũng bắt chước làm theo, nhưng tất cả đều đã biến thành một bầy khỉ với bộ dạng xấu xí phải ẩn nấp trong rừng sâu không dám ra

Trang 37

Hoặc như trong truyện Sự tích con nhái kể về một vị hòa thượng trẻ tuổi

nổi tiếng chân tu Phật bà muốn thử xem coi người đó thế nào, nếu thật như lời đồn sẽ đưa về Tây Trúc độ cho thành Phật Phật bà biến thành một cô gái, ra sức quyến rũ hòa thượng nhưng chín lần thì cả chín đều vô hiệu Chỉ đến lần thứ mười, sự kiên trì và giới hạnh của hòa thượng trẻ tuổi đã bị sụp đổ khi ngài đưa tay lên người cô gái Không hài lòng với vị hòa thượng nên Phật bà đã ném anh ta xuống sông và biến anh ta thành con nhái

Ở tầng bậc thứ hai của cõi trời các vị thần dưới sự cai quản của Ngọc Hoàng Các vị thần dưới quyền cai quản của ngài như các vị thần có tên tuổi (Đế Thích, Lã Động Tân), các vị thần thiên nhiên (Sấm, Sét, Mưa ), các vị tiên nói chung với những nhiệm vụ khác nhau… Vai trò của Ngọc Hoàng cũng tương tự với Phật, thực hiện chức năng ban thưởng, hay trừng phạt Khác với Phật hay Bồ tát thường xuyên đi sâu vào nhân dân để giúp đỡ, thử thách hay trừng phạt, Ngọc Hoàng thường chỉ ngồi ở thiên cung quan sát và đưa ra các mệnh lệnh của mình Có lẽ vì đặc điểm đó nên khi kêu cầu giúp đỡ, các nhân vật cần giúp đỡ trong truyện cổ tích thường kêu cầu Phật độ trì, cứu giúp

Chẳng hạn như trong truyện Đứa con trời đánh hay truyện tiếc gà chôn

mẹ, có một người vì mẹ làm chết con gà quý (bà nhận tội thay cho vợ anh ta vì

nghĩ con sẽ không làm gì mình) mà nhẫn tâm mang mẹ lên núi chôn Ngọc Hoàng ở trên thiên đình thấy toàn bộ hành động của người con bất hiếu đó, nên

đã sai Thần Sét đánh chết hắn

Sự trừng phạt không chỉ diễn ra đối với con người dưới hạ giới mà ngay

cả ở cõi trời cũng có một số vị thần mải chơi nên phạm phải lỗi lầm như người thường và bị trừng phạt hoặc xảy ra những câu chuyện đáng tiếc Trong truyện

Sự tích cái chổi, bà nấu bếp trên trời vì dẫn người mình yêu vào trộm đồ của

Ngọc Hoàng và bị ngài phát hiện nên đã bị đày xuống trần gian và làm cái chổi

Hoặc trong truyện Miếu thần hay sự tích chuột và mèo, miêu thần và thử thần

vì phạm lỗi nên bị đày xuống trần gian làm chuột và mèo

Trang 38

Không chỉ trừng phạt mà Ngọc Hoàng cũng sẽ giúp đỡ những số phận éo

le, gặp hoàn cảnh khó khăn Trong truyện Ả Chức chàng Ngưu, hôm đó các

nàng tiên hạ phàm chơi đùa, nhưng có một nàng tiên bị lấy trộm cánh không thể trở về trời Thế là nàng phải ở lại hạ giới và kết duyên cùng người phàm Một thời gian sau, nàng tìm được đôi cánh và bay về trời Chồng con nàng vì quá thương nhớ nàng nên đã đi tìm Được một bà tiên giúp đỡ, họ đoàn tụ, nhưng chưa được bao lâu lại phải chia xa Trên đường hai cha con trở lại trần gian, vì vô tình mà cả hai đã rơi xuống biển mà chết Nàng tiên rất buồn và Ngọc Hoàng đã động lòng thương nên cho hai cha con lên trời để chăn trâu và hàng năm gia đình nàng tiên sẽ được đoàn tụ với nhau trong một ngày

Trong truyện cổ tích Đức, Thượng đế, Chúa trời, thánh Pétrus là những nhân vật thần linh quen thuộc, đại diện cho quyền lực siêu nhiên, tối cao ở thiên đàng (cõi trời), thực hiện chức năng ban thưởng hay trừng phạt

Trong truyện Cô dâu đen và cô dâu trắng, Thượng đế đã cải trang thành

người đàn ông nghèo đi xuống trần gian Trên đường đi, người gặp ba mẹ con nhà kia, ông hỏi đường họ thì hai mẹ con không những không chỉ đường mà còn cư xử khiếm nhã với ông lão Ngược lại, người con riêng lại nhã nhặn, ân cần chỉ đường cho ông lão Không hài lòng với cách hành xử của mẹ con nhà kia nên Thượng đế đã đọc thần chú biến hai mẹ con thành xấu như quỷ và đen như chó mực; còn người con riêng, vì cách hành xử đúng mực của cô nên Thượng đế đã ban cho cô ba điều ước

Bên cạnh sự xuất hiện của Thượng đế, Chúa trời thì một nhân vật cũng thường xuất hiện chính là nhân vật thánh Pétrus - tông đồ trưởng trong mười hai tông của Chúa Nhân vật này thường là cầu nối đưa con người đến thiên đàng hoặc đem lời thỉnh cầu của họ đến nhờ Chúa giúp đỡ Thỉnh thoảng, cũng như Chúa, ông sẽ cải trang và đi thử lòng người dân

Trong truyện Nguồn gốc loài khỉ, hôm đó thánh Pétrus cùng Chúa cải

trang đi vào nhà một người thợ rèn để xin ngủ nhờ Đúng lúc đó thì có một cụ

Trang 39

già lưng còng đi qua, ông chìa tay xin người thợ rèn, thánh Pétrus động lòng thương nên đã thỉnh cầu Thượng đế cứu nhân độ thế cứu cho kẻ kia thoát khỏi cảnh bần hàn khổ cực, đủ sức để tự kiếm sống Và thế là Thượng đế đã mượn

lò của người thợ rèn, cùng với sự giúp sức của thánh Pétrus, đã cải lão hoàn đồng cho ông già

Nếu như ở truyện cổ tích Việt Nam, các vị tiên là người giúp việc cho Ngọc Hoàng thì trong truyện cổ tích Đức, người giúp việc cho Chúa chính là các thiên thần Nhân vật này thường đưa ra các chỉ dẫn, sự giúp đỡ cho các nhân vật đang phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó

Trong truyện cổ tích Sự tích hoa cẩm chướng, có một hoàng hậu đã

nhiều năm rồi mà vẫn chưa có con Ngày ngày bà đều hướng về phía mặt trời cầu xin Thượng đế ban cho bà một mụn con Và rồi một ngày kia có thiên thần

từ trên trời xuống báo tin hoàng hậu sẽ sớm sinh con trai, không những vậy hoàng tử còn có phép lạ Quả thật như vậy, hoàng hậu có thai và sinh một người con trai Nhưng có một bác đầu bếp biết hoàng tử có phép lạ nên đã giấu hoàng tử đi và báo rằng hoàng tử đã chết Thế là nhà vua nổi giận vì nghĩ rằng hoàng hậu lơ là trách nhiệm để mất con, nên đã nhốt bà vào một tòa tháp kín Tưởng chừng như cuộc đời hoàng hậu kết thúc ở đây nhưng Thượng đế đã cho hai thiên thần hóa thành hai chú bồ câu trắng ngày ngày mang thức ăn đến cho hoàng hậu Sau đó, hoàng tử cũng tìm đường trở về cung điện, chàng lập tức giải oan và cứu hoàng hậu ra, nhưng hoàng hậu cũng chỉ sống được thêm ba ngày rồi mất Khi đưa đám hoàng hậu có hai con chim bồ câu trắng bay theo,

đó chính là hai thiên thần vẫn luôn âm thầm giúp đỡ bà

Như vậy, các vị thần thượng giới ở vị trí tối cao với quyền năng tối thượng

là những vị thần có ảnh hưởng lớn nhất trong hệ thống nhân vật thần linh

2.1.2 Các vị thần địa giới

Trong truyện cổ tích Việt Nam, địa giới chính là nơi con người sinh sống, không chỉ vậy, đây cũng là nơi ngự trị của khá nhiều vị thần, chủ yếu là

Trang 40

các vị thần địa phương, thường được nhân dân tôn lên để cai quản một địa phương để làm vị thần bảo hộ cho vùng đất đó như là thần làng, thần núi địa phương, thổ công, thần nhân, mụ thiện, Táo Quân (thần bếp), thần đền hoặc vị thánh cai quản một nghề nghiệp nào đấy Các vị thần này thường là những người dưới quyền của Ngọc Hoàng

Trong truyện Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng có thần làng về báo mộng cho người giữ đền Trong truyện Miếu thần hay sự tích chuột và mèo ta

thấy sự xuất hiện của thổ công là người cai quản đất đai, đưa lời khẩn cầu của

người dân lên Ngọc Hoàng Còn trong truyện nợ Nợ như Chúa chổm, có Mụ

Thiện và Thần nhân đã lần lượt về báo mộng cho vị quan về vị trí cũng như đặc

điểm của vị vua mà ông đang tìm kiếm Hoặc trong truyện Người thợ đúc và anh học nghề có đức Thánh Khổng Lồ chuyên bảo trợ cho nghề đúc và nghề

rèn ở dưới hạ giới Ngài nhận thấy đám đệ tử của mình còn những kẻ có thói lừa lọc điên đảo nên quyết đi một phen để trừng trị hết bọn chúng Và sau lần

đó, những người làm nghề đúc ai cũng sợ đức thánh Khổng Lồ, không một ai dám gian trá khi hành nghề

Trong truyện cổ tích Đức, các vị thần “thường trú” ở địa giới tương đối ít

và rải rác so với trong truyện cổ tích Việt Nam Một số vị thần có thể được kể đến như Bà Chúa tuyết, thần đèn, bà mụ…

Nếu ở Việt Nam các vị thần thiên nhiên thường xuất hiện đó là thần sét,

thần mưa, thần sấm… thì trong truyện cổ tích Đức đó là Bà Chúa Tuyết trong

truyện cùng tên Trong truyện, Bà Chúa Tuyết trú ngụ dưới một cái giếng, trong đó là cả một vùng đất rộng lớn không thiếu thứ gì Rồi có một ngày, có một cô gái, đi xuống giếng tìm ống sợi của mình và vô tình gặp Bà Chúa Tuyết, nhờ làm việc chăm chỉ, vâng lời Bà Chúa Tuyết nên cô gái đã có được phần thưởng hậu hĩnh khi quay trở về nhà Thấy vậy, chị của cô gái cũng tìm đường xuống giếng, nhưng vì lười biếng và xấu tính, nên chẳng những không được thưởng gì mà ngược lại cô còn bị trừng phạt

Ngày đăng: 20/02/2024, 21:09

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w