1. Trang chủ
  2. » Tất cả

16 Nguyen Duc Dong 120-127

8 282 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 322,56 KB

Nội dung

ĐẤT ĐAI VÀ THẢM THỰC VẬT VÙNG VỊNH THÁI LAN - MỘT SỐ QUAN ĐIỂM SỬ DỤNG ĐẤT CÓ HIỆU QUẢ TS. Nguyễn Đức Đồng Viện nghiên Phát triển cứu bền vững vùng Bắc Bộ Vùng Vịnh Thái Lan bao gồm hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nằm ở cực Nam và Tây nam của Việt Nam. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên 1.154.119 ha, dân số 2.878.000 người. đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của đất nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Vịnh Thái Lan cũng đóng góp một phần to lớn cùng với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long về sản lượng lúa gạo và các loại thuỷ sản. Vùng Vịnh Thái Lan có vị trí địa lý: - Phía Bắc giáp: Nước Campuchia; - Phía Đông: Các tỉnh Cần Thơ, An Giang và Bạc Liêu; - Phía Nam và Đông - Nam giáp: Biển Đông; - Phía Tây giáp: Vịnh Thái Lan (Biển Tây). 1. Đất đai vùng Vịnh Thái Lan Vùng Vịnh Thái Lan có 9 loại đất và đặc điểm nổi bật của đất vùng này là bị nhiễm mặn và nhiễm phèn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. 1.1. Nhóm đất mặn Tổng diện tích đất mặn toàn vùng Vịnh Thái lan có 271.352 ha, chiếm 23,51% diện tích đất tự nhiên. Đất mặn phân bố chủ yếu ở khu vực Bán đảo Cà Mau (huyện An Minh, huyện An Biên), phía ven biển Tây thuộc huyện Kiên Lương, Hòn Đất, thị xã Hà Tiên, huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang và phân bố trên toàn bộ các huyện thành thị của tỉnh Cà Mau do ảnh hưởng mặn của biển Đông và biển Tây. Đất mặn được hình thành và phát triển trên các trầm tích biển, sông biển hỗn hợp và trầm tích biển - đầm lầy, tuổi Helocence. Đất chịu ảnh hưởng mặn của nước biển do thuỷ triều hoặc mặn ngầm mao dẫn. - Đối với đất mặn nhiều và mặn sú vẹt đước: đất bị nhiễm mặn cả tầng sâu và tầng mặt đất, do đó không thích hợp cho canh tác nông nghiệp. Hướng sử dụng thích hợp là làm muối, nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ và trồng rừng phòng hộ với các loại cây rừng chịu mặn như Mắm, Đước. Hiện nay 70% diện tích đất mặn nhiều bà con nông dân đã sử dụng để nuôi tôm, phần còn lại là rừng tự nhiên và rừng trồng mà phần lớn là rừng phòng hộ ven biển. Đây là loại đất rất thích hợp cho nuôi tôm nước mặn, vì vậy ngoài diện tích bố trí trồng rừng phòng hộ ven biển ra nên bố trí nuôi chuyên tôm hoặc kết hợp tôm - rừng. Ở vùng sâu trong nội địa nếu có điều kiện đắp bờ bao ngăn mặn và có hệ thống kênh mương cung cấp nước ngọt vẫn có thể trồng lúa hoặc mô hình lúa - cá. Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 120 - Đối với đất mặn trung bình và ít: Chiếm diện tích lớn trong nhóm đất mặn, hàm lượng chất dinh dưỡng khá, chỉ bị nhiễm mặn vào mùa khô trong thời gian ngắn, nên thích hợp cho canh tác nông nghiệp, bố trí trồng lúa và rau màu các loại. Đất có nền cứng, ổn định, tầng đất mặt ảnh hưởng mặn đã được giảm đáng kể do hệ thống đê bao ngăn mặn và được rửa mặn vào mùa mưa, do đó vẫn thích hợp cho canh tác các loại cây trồng nông nghiệp. 1.2. Nhóm đất phèn Nhóm đất phèn có diện tích lớn nhất: 623.116 ha, chiếm 53,99% diện tích đất tự nhiên. Đất phèn hình thành và phát triển trên các trầm tích Đầm lầy - Biển và Sông - Biển hỗn hợp, có đặc điểm bồi tụ chậm, vật liệu trầm tích chứa nhiều hữu cơ và chất sinh phèn (FeS2). Các loại đất phèn bị hạn chế bởi yếu tố chua phèn hoặc bị khống chế đồng thời bởi cả hai yếu tố phèn và mặn, do đó thường có diễn biến nhanh theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất và sử dụng đất, vì vậy trong sử dụng và cải tạo đất cần chú ý hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi này. - Đối với đất phèn tiềm tàng dưới rừng ngập mặn: phân bổ ở vùng ven biển hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, đất chịu ảnh hưởng cả hai yếu tố phèn và mặn nặng, nên không có khả năng canh tác nông nghiệp. Hướng sử dụng chủ yếu là nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng phòng hộ. - Đất phèn tiềm tàng - mặn: chủ yếu có ở ven biển Tây thuộc các huyện Kiên Lương và Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang; hầu hết các huyện của tinht Cà Mau. Đất có độ phì tiềm tàng khá cao, đất bị nhiễm mặn không nặng, tính chất vật lý của đất đã tương đối thuần thục và phát triển xuống sâu, nền đất khá ổn định thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp canh tác cho sử dụng đất trồng trọt các loại cây nông nghiệp. Hướng sử dụng đất là trồng dứa và nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Tuy nhiên do đất này phân bố ở địa hình thấp trũng và sâu trong nội địa nên dễ bị ảnh hưởng bởi nước chua phèn trong kênh rạch từ phía An Giang dồn xuống. Do đó trong canh tác nông nghiệp đòi hỏi điều kiện đủ nước ngọt tưới vào mùa khô và tiêu thoát nước phèn nhanh vào đàu mùa mưa. - Đối với các loại đất phèn hoạt động: Tập chung phía trong kênh Rạch Giá - Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang và phân bổ hầu hết ở các huyện tỉnh Cà Mau. Do hệ thống đê bao ngăn mặn và kênh tưới tiêu nội đồng được tu bổ nạo vét và xây dựng mới trong những năm gần đây nên mức độ ảnh hưởng mặn đối với đất phèn hoạt động giảm đáng kể, nhiều khu vực đã thoát khỏi ảnh hưởng của mặn. Tuy nhiên, khi yếu tố mặn giảm xuống thì độc tố phèn lại là một hạn chế lớn đối với cây trồng được canh tác trên loại đất này. Hướng sử dụng thích hợp là canh tác nông nghiệp, trồng lúa 1 hoặc 2 vụ với các giống chịu phèn, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như dứa, mía . và các loại rau màu thích hợp khác. Đồng thời có thể kết hợp nuôi cá, các loại thuỷ sản nước ngọt và nước lợ. Trong cải tạo đất cần chú ý đến độ sâu xuất hiện của tầng phèn kết hợp với các biện pháp cải tạo đất phù hợp để tránh đưa tầng sinh phèn từ dưới lên trên mặt đất, gây độc tố cho cây trồng. Tiêu phèn và tưới đủ nước ngọt là biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo các loại đất này, tuy nhiên đòi hỏi chi phí đầu tư cao. 1.3. Nhóm đất cát Do sự phá huỷ đá bởi sóng biển và bồi tích cát từ các dòng chảy dốc, ngắn, đát Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 121 cát được hình thành theo những dải dài dọc Duyên hải của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và ở khu vực bãi Khai Long, xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tổng diện tích đất cát vùng Vịnh Thái Lan là 9.277 ha, chiếm 0,80% diện tích đất tự nhiên. Đất này có tỷ lệ cát cao, rời rạc, độ liên kết và co dãn kém, thấm nước nhanh, không giữ được nước, thoáng khí, khả năng giữ mùn kém, hàm lượng SiO2 giàu, các chất dinh dưỡng rất nghèo. Thực vật trên đất này chủ yếu là tràm, ổi, bùng, khẳng khiu phân nhánh sớm không có khả năng tạo rừng. Đất cát có yếu tố hạn chế là thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cát cao, mùn, đạm và các chất dinh dưỡng khác thấp, khae năng giữ nước kém. Nhưng cũng có yếu tố thuận lợi là đất tơi xốp, dễ thoát nước, ít bị nhiễm mặn và có địa hình cao, thuận lợi cho việc trồng các loại cây trồng cạn, rau màu và nhất là các loại cây ăn quả có giá trị nếu có khả năng đầu tư tốt. 1.4. Nhóm đất phù sa Đất phù sa toàn vùng Vịnh Thái Lan có 78.460,81 ha, chiếm 6,80% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở địa hình vàn thấp ở huyện đảo Phú Quốc, huyện Giồng Riềng, Châu Thành tỉnh Kiên Giang. Đất được hình thành từ các trầm tích trẻ Aluvi, có nguồn gốc Sông - Đầm lầy không chứa vật liệu sinh phèn. Đất phù sa có độ phì tiềm tàng khá cao, thành phần cơ giới nặng, điều kiện tưới tiêu thuận lợi do đó rất thích hợp cho trồng lúa cao sản, thâm canh tăng vụ và trồng xen các loại hoa màu và cây ăn quả khác. Mặc dù đất phù sa có nhiều ưu điểm là không bị phèn, không bị mặn nhưng đa phần đất phù sa ở Vịnh Thái Lan (Kiên Giang) bị glây mạnh. Vì vậy cải tạo đất phù sa là cải tạo độ chua, glây và thành phần cơ giới. Nâng cao độ pH bằng hình thức bón vôi, bón phân Apatic. Cày sâu, phơi ải để tăng khả năng ôxy hoá cho đất. Sử dụng phân chuồng, phân xanh bón cho đất để cải tạo thành phần cơ giới và nâng cao nguồn dinh dưỡng cho đất. 1.5. Nhóm đất than bùn Tổng diện tích nhóm đất than bùn có 24.553,37 ha, chiếm 2,13% diện tích tự nhiên, tập trung ở khu vực U Minh Thượng (huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận) và vùng tứ giác Long Xuyên (huyện Kiên Lương, huyện Hòn Đất) của tỉnh Kiên Giang và khu vực rừng tràm phía nam huyện U Minh và phía bắc huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau. Đất này phát triển trên địa hình thấp khó thoát nước, có hệ thống kênh rạch thông với biển nên vừa nhiễm mặn lại vừa nhiễm phèn. Các vùng trũng than bùn phèn mặn cũng là nơi phát triển rừng Tràm, tạo thành vùng sinh thái ngập nước khá đặc trưng như rừng tràm U Minh Thượng. Do đó các vùng đất này cần được duy trì và bảo vệ để bảo tồn tính đa dạng sinh học của dạng đất ngập nước điển hình của Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc khai thác than bùn cho các mục đích sử dụng khác cần được hạn chế tối đa, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ chống cháy rừng và cố gắng bảo đảm mực thuỷ cấp cao trong vùng. 1.6. Nhóm đất xám Đất xám (sialit - feralit) được hình thành tại chỗ trên mẫu đất phù sa cổ hoặc đá mẹ (đá cát hoặc macma axit) có diện tích 25.659,55 ha, chiếm 2,22% diện tích đất tự nhiên, phân bổ ở huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên và ở huyện đảo Phú Quốc thuộc Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 122 tỉnh Kiên Giang (ở tỉnh Cà Mau không có loại đất này). Lượng mưa hàng năm lớn, hầu hết các cation kiềm, kiềm thổ (Ca2+ , Mg2+ , Mn2+ , .) và các chất dinh dưỡng khác bị rửa trôi, vì vậy sialit được tích luỹ một cách tương đối, sự tích luỹ sắt, nhôm xảy ra yếu. Nhìn chung trên đất xám, thực vật kém phát triển, nhiều nơi có hiện tượng bạc màu. Đất hình thành trên sản phẩm phù sa cổ có độ phì cao hơn. Đất chua (pH < 4,0), nghèo dinh dưỡng, tầng đất > 70 cm, thành phần cơ giới cát pha, thịt nhẹ đến trung bình, cấu tượng rời rạc, đất có màu xám sáng, hơi vàng nhạt. - Hướng sử dụng đối với đất xám trên đá macma axít hình thành trên những triền núi, đồi núi dốc thì tốt nhất nên trồng các loại cây lâu năm như tiêu, dừa và một số loại cây ăn quả khác để chống hiện tượng xói mòn. - Đất xám trên phù sa cổ thì có thể phát triển các loại cây họ đậu, bón vôi để làm giảm độ chua của đất, tăng lượng cation trao đổi trong đất, giảm sự cố định lân, làm cho đất có kết cấu tốt, thuận lợi cho một số vi sinh vật hoạt động. - Chống xói mòn bằng cách trồng cây và làm luống theo đường bình độ, làm ruộng bậc thang . Tăng nguồn phân hữu cơ bồi dưỡng đất. Sử dụng nguồn phân chuồng, trồng cây phân xanh phủ đất vừa có tác dụng chống xói mòn. 1.7. Nhóm đất đỏ vàng Đất đỏ vàng toàn vùng Vịnh Thái Lan có 15.856 ha, chiếm 1,37% diện tích tự nhiên, phân bổ chủ yếu ở các dãy núi sót dọc Vịnh Thái Lan thuộc huyện Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, huyện đảo Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải của tỉnh Kiên Giang và ở các đảo nhỏ như Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Bương, Hòn Seo, Hòn Go và Hòn Đá Bạc ở tỉnh Cà Mau. Bao gồm : + Đất đỏ vàng trên đá macma axít (ký hiệu Fa): 4.495 ha + Đất đỏ vàng trên đá cát (ký hiệu Fq): 11.361 ha Nhóm đất này hình thành từ sự phong hoá đá cát và đá macma axít, sự phá huỷ kèm theo rửa trôi các cation kiềm bởi nhiệt độ, lượng mưa và các axít hữu cơ, sự di động theo mùa của sắt, nhôm . theo chiều từ trên xuống và từ dưới lên phụ thuộc nhiều vào quá trình ôxy hoá khử, độ pH. Trong quá trình phát triển của thực vật, tầng mặt chứa một lượng axít hữu cơ mặt đáng kể làm hoà tan Ca2+ , Mg2+ , Fe3+ , Al3+ và trôi xuống sâu. Fe, Al đã được tích luỹ tại tầng B, ở đó điều kiện ôxy hoá và pH thuận lợi cho chúng kết tủa, bởi thế đất có màu vàng đỏ của Fe. Hướng sử dụng: ở vùng đồi núi huyện Phú Quốc có lượng mưa lớn, quá trình bào mòn và rửa trôi mạnh nên việc đưa vào sản xuất cây trồng ngắn ngày thường gặp khó khăn, có nơi chỉ sau 2, 3 năm canh tác đất đã trở nên kiệt quệ. Vì vậy đối với loại đất này trồng cây lâu năm có ý nghĩa hơn, có thể sử dụng một cách triệt để nguồn thức ăn đã được rửa trôi xuống tầng sâu và đó cũng là biện pháp chống xói mòn khá hiệu quả. Trồng tiêu cho năng xuất cao, chất lượng tốt, một số nơi có thể trồng cây ăn quả, tiêu, dừa . Đối với các khu vực khá bằng phẳng, ít bị xói mòn có thể trồng hoa màu (lạc, rau, đậu .). Hướng cải tạo loại đất này là chống xói mòn, trồng cây theo đường bình độ, tu bổ, trồng mới rừng, ngăn chặn tình trạng cháy, đốt rừng. Cháy rừng gây một tác hại vô cùng to lớn, làm cho đát khô, chai cứng, huỷ diệt các vi sinh vật có lợi cho đất, khả năng giữ ẩm của đất kém. Bón vôi để nâng cao độ pH của đất. Bón phân chuồng, phân Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 123 xanh để nâng cao độ phì cho đất. 1.8. Nhóm đất bãi bồi (Bb) Đất bãi bbồi chỉ có ở Cà Mau với diện tích 3.525 ha, chiếm 0,68% diện tích toàn tỉnh và 0,31% diện tích toàn vùng Vịnh Thái Lan. Phân bố tập trung ở vành mép bờ biển phía tây nam Mũi Cà Mau, tạo thành giải đất hẹp kéo dài song song với mép nước Biển Tây thuộc các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Phú Tân. Bãi bồi ở Cà Mau là một đơn vị đất rất non trẻ, mới nhô lên khỏi mức trung bình của mực nước biển trong vòng mươi năm trở lại đây. Toàn bộ cột đất là lớp bùn non chưa thuần thục, mềm yếu, thành phần chủ yếu là thịt pha cát mịn, lẫn nhiều xác bã hữu cơ và mảnh vỡ của sinh vật giáp xác. Đúng ra chưa đựoc gọi là đất, mà chỉ là các lớp mẫu chất chưa biến đổi. Trong những năm 1988 - 1990 khu vực bãi bồi này đã được bà con nông dân địa phương khai phá bằng tầu quốc để tạo thành các vuông nuôi tôm, tuy nhiên do nền đất còn yếu nên bờ đắp dễ bị sóng biển phá vỡ, mặt khác khu vực bãi bồi nằm trong vành đai phòng hộ ven biển nên UBND tỉnh đã ra Quyết định cấm khong cho nuôi tôm mà thay vào đó là trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái Mũi Cà Mau. 1.9. Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá Nhóm đất này chỉ có ở Kiên Giang với diện tích 5.571 ha, chiếm 0,89% diện tích toàn tỉnh và 0,48% diện tích tự nhiên toàn vùng Vịnh Thái Lan. Tập trung nhiều ở Phú Quốc thuộc các xã Hàm Ninh và Dương Tơ. Trong quá trình sử dụng đất, việc khai thác quá mức làm mất đi lớp phủ thực vật đã thúc đẩy tình trạng xói mòn cơ học và hoá học của hầu hết các vùng đất đồi núi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đất bị suy thoái dần và nhiều nơi mất hẳn độ phì nhiêu tự nhiên do tầng đất mặt đã bị rửa trôi mất, đất chỉ còn đá lẫn, đá lộ đầu, không có tầng đất. Đất trở nên chua, chai cứng và khô hạn. Dạng đất này không có ý nghĩa nhiều đối với canh tác nông nghiệp, nhưng cần hết sức quan tâm trong vấn đề tạo lớp phủ thực vật, chống xói mòn nhằm giữ nguồn nước ngầm trên đảo. 2. Thảm thực vật vùng Vịnh Thái Lan Thảm thực vật rừng phong phú là thế mạnh của vùng Vịnh Thái Lan với tổng diện tích 244.917 ha ( Kiên Giang: 122.722ha, Cà Mau 122.195 ha), chiếm 21,22% diện tích đất tự nhiên toàn vùng. Ngoài các giá trị về bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế, nhiều khu vực còn có giá trị rất cao về du lịch và di tích lịch sử như U Minh, Phú Quốc, Hòn Đất, Hòn Chông ở Kiên Giang hay Xóm Mũi ở Cà Mau. Lớp phủ thực vật tự nhiên nguyên thuỷ đã góp phần cố định và tạo điều kiện bồi đắp lớp phủ thổ nhưỡng. Ở các khu vực thấp trũng sâu trong nội địa, sự tích luỹ lớp xác bã thực vật trong đất diễn ra trong điều kiện môi trường thích hợp đã hình thành các vùng đất phèn rộng lớn với sự hiện diện các tầng đất chứa vật liệu sinh phèn. Tuy tỷ lệ đất có rừng là không cao nhưng vùng Vịnh Thái Lan vẫn là nơi có nhiều rừng nhất so với các khu vực khác của Đồng bằng Sông Cửu Long, kiểu rừng còn duy trì được lại có tính chất đặc trưng cho thảm thực vật của miền sông nước, đó là rừng ngập mặn và rừng ngập lợ chua phèn, chúng phân bố trên các khu vực khác Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 124 nhau, có biểu hiện rõ nét về điều kiện môi trường sống, đặc biệt là chế độ thuỷ văn và loại hình thổ nhưỡng: + Rừng ngập mặn (rừng đước Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi .), gọi là rừng ngập mặn nên chúng chỉ có ở những nơi địa hình thấp và còn chịu ảnh hưởng của thuỷ triều ngập tràn bề mặt. Về thực vật rất đa dạng về chủng loài, có tới 64 loài thực vật thuộc 27 họ khác nhau. Tuy nhiên chiếm ưu thế vượt trội hơn hẳn vẫn là các loài: Đước (rhizophora), kế đến là Vẹt (bruguiera), Mắm (avicennia), Dà (ceriops), Giá (excoecaria agallocha), Cóc Kèn (derris trifolia), Cóc Trắng (lumnitzera racemosa), Cóc Đỏ (lumnitzera littorea), Trang (kandelia candel), . Các cá thể thực vật trong một loài ở rừng ngập mặn hầu như đồng đều về kích thước, chúng có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, năng suất sinh học được xếp vào bậc nhất, tuỳ vào tuổi cây, phần lớn là những rừng cây cao 10 - 15 m, đường kính thân cây 15 - 20 cm, mọc dày đặc, ngăn cản hầu như ánh nắng mặt trời chiếu xuống mặt đất. + Rừng ngập lợ chua phèn (rừng U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình .). Khác với rừng ngập mặn, rừng ngập lợ chua phèn hầu như vắng bóng trên những vùng ngập thuỷ triều mặn, ngoài ra dưới chân chúng, đất ít nhiều đều có phèn. Về quần thể thực vật, cây Tràm (melaleuca leucadendron) là cây chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, xen dưới tán chàm, không kể những loài thực vật bặc thấp, chủ yếu ở khu vực bìa rừng, có mấy loài thảo mộc dây leo như: Bờn (scolopia mocrophilla), Choại (stenochloena palustris), Dớn (blechnum serrulentum), Ráng (asplenium confusium), Mua (melastoma affine), Dừa Nước (nipafruticous), . Tràm trong rừng ngập lợ chua phèn cũng có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, chỉ 5 -7 tuổi đã có chiều cao 8 - 12 m, đường kính thân cây 8 - 10 cm. Rừng ngập mặn hay ngập lợ chua phèn, ngoài nhiệm vụ che phủ, giữ gìn cho đất còn non yếu dưới chân mình mà còn có vai trò to lớn trong việc phòng hộ che chắn cho vùng nội địa, điều tiết môi trường và bảo tồn những hệ sinh thái đa dạng và quý hiếm, ngoài ra với năng suất sinh học cao nên còn có giá trị kinh tế rất lớn. Chính vì vậy bảo vệ rừng là nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà và mọi ngành. Riêng đối với rừng Tràm, là loại cây có dầu rất dễ cháy, phần lớn chúng lại phủ trên kho nhiên liệu là than bùn, nên chúng ta đặc biệt phải coi trọng đến công tác phòng chống cháy rừng. 3. Một số quan điểm sử dụng đất có hiệu quả Với quan điểm sử dụng đất vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp với tập quán canh tác của bà con nông dân trong vùng, đồng thời bảo vệ ổn định môi trường sử dụng bền vững. Đề nghị hướng bố trí sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp vùng Vịnh Thái Lan như sau: 1. Không chuyển mục đích sử dụng các loại đất rừng hiện có, kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng, rừng ngập mặn, ngập lợ - chua phèn hay rừng trên cạn; 2. Ưu tiên khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, nhất là ở khu vực bãi bồi, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng đặc dụng nội địa, đặc biệt là các khu rừng đặc dụng trên đất than bùn; Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 125 3. Giữ nguyên hiện trạng các khu vực cây lâu năm vì hầu hết diện tích cây lâu năm hiện có là trên những vùng đất có địa hình tương đối cao, thuộc loại đất tốt đến rất tốt, hoặc trên những đất kém hơn song nằm trong khu vực ngọt hoá, hoặc nằm xen kẽ trong khu vực đất ở nông thôn; 4. Ưu tiên bố trí các loại hình sử dụng đất chuyên canh lúa hoặc lúa màu trong vùng ngọt hoá của hệ thống kênh dẫn nước như Quản Lộ, Phụng Hiệp, Vĩnh Tế…; 5. Bố trí các đất thuộc loại A (đất có hạn chế ít) và đất loại B (đất có hạn chế trung bình), có địa hình bằng, thấp hoặc trũng trong khu vực nội đồng nằm ngoài vùng ngọt hoá, cho nuôi trồng thuỷ sản nước mặn theo hình thức nuôi thâm canh. Dành các loại đất thuộc loại C (đất có hạn chế nhiều), không còn rừng và nằm ngoài khu vực rừng phòng hộ ven biển, cho nuôi trồng thuỷ sản nước mặn theo hình thức bán thâm canh hoặc thâm canh; 6. Ngoài ra, trong khu vực ngập thuỷ triều nằm ngoài vành đai phòng hộ nghiêm ngặt, nên bố trí mô hình rừng - tôm hoặc tôm - rừng. Đặc biệt chú ý không được khai thác trắng khu vực ngập thuỷ triều để nuôi tôm và các loại thuỷ sản nước mặn khác nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bên cạnh phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Muốn có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, cần phải phân ra các vùng sinh thái thích hợp với các loại cây trồng, vật nuôi. Cơ sở của việc phân vùng sinh thái nông nghiệp dự trên các yếu tố về khí hậu, địa hình, đất đai, nguồn nước, thảm thực vật… Yếu tố quan trọng nhất cho việc phân chia các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp vùng Vịnh Thái Lan chính là yếu tố đất (thổ nhưỡng): + Đất cát: Thích hợp cho rau màu và trồng cây ăn quả, dừa,…, bãi biển du lịch; + Đất mặn sú vẹt đước: Thích hợp cho rừng ngập mặn, nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ; + Đất mặn nặng: Thích hợp cho nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, làm muối; + Đất mặn trung bình và ít: Thích hợp cho canh tác 1 - 2 vụ lúa, lúa - màu, lúa - tôm; + Đất phèn nông - mặn: Thích hợp nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, lúa - tôm, trồng dứa; + Đất phèn sâu - mặn: Thích hợp cho các mô hình lúa - tôm, lúa - màu (mùa mưa); + Đất phèn nông: Thích hợp cho trồng mía, dứa, bạch đàn, tràm; + Đất phèn sâu: Thích hợp trồng mía, dứa, lúa 2 vụ hay lúa màu (nếu có tưới); + Đất phù sa: Thích hợp cho canh tác 2 - 3 vụ lúa - màu, lúa - thuỷ sản nước ngọt (cá đồng, tôm càng xanh). Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 126 Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Xuân Bao, Trần Đức Lương, Huỳnh Trung, 1994, Báo cáo chú giải bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000. 2. Tôn Thất Chiểu, Bảng phân loại đất dùng cho bản đồ tỷ lệ trung bình và lớn. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp 1978. 3. Tôn Thất Chiểu, Trần An Phong và các cộng tác viên, 1990, Bản đồ đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ 1/250.000. 4. Hội khoa học đất Việt Nam, NXBNN Hà Nội 2000, Đất Việt Nam. 5. Phạm Quang Khánh, Nguyễn Xuân Nhiệm, Nguyễn Quang Thường, 1998, Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Cà Mau thời kỳ 1997 - 2010. 6. Nguyễn Xuân Nhiệm, Trần Văn Huệ, Nguyễn Quang Thường, 2000 - 2001, Báo cáo đánh giá tài nguyên đất tỉnh Cà Mau. 7. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 1995. Dự án phát triển nông nghiệp vùng Bán đảo Cà Mau. 8. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 1978, Báo cáo thuyết minh bản đồ đất tỉnh Kiên Giang tỷ lệ 1/25.000. 9. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 2000, Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2000 - 2005 - 2010. 10. Số liệu thống kê - Cục thống kê tỉnh Kiên Giang qua các năm 2000 - 2005. 11. Số liệu thống kê - Cục thống kê tỉnh Cà Mau qua các năm 2000 - 2005. Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT 127 . trồng nông nghiệp. 1.2. Nhóm đất phèn Nhóm đất phèn có diện tích lớn nhất: 623. 116 ha, chiếm 53,99% diện tích đất tự nhiên. Đất phèn hình thành và phát triển

Ngày đăng: 29/01/2013, 16:34

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w