Tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của người tày (cao bằng)
Trang 1TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN CHỮA BỆNH CỦA NGƯỜI TÀY (CAO BẰNG)
Triệu Quỳnh Châu*
Trường THPT Dương Tự Minh - Thái Nguyên
TÓM TẮT
Tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng thực chất là sự kết hợp giữa kiến
thức y học dân gian (châm cứu, chữa bệnh bằng thực vật…) với những thủ thuật mê tín (cúng
bái,chữa bệnh bằng phù phép) Đây là những kinh nghiệm chữa bệnh cổ truyền của người Tày ở
Cao Bằng nói riêng và của các dân tộc thiểu số nói chung Việc bảo tồn và phát huy những giá trị
tích cực trong lĩnh vực y học là việc làm cấp thiết để phục vụ cho cuộc sống hiện tại của đồng bào
các dân tộc thiểu số
Từ khóa: Tín ngưỡng, chữa bệnh, người Tày, Cao Bằng
Tín ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của
người Tày ở Cao Bằng thực chất là sự kết hợp
giữa tri thức y học dân gian (châm cứu, chữa
bệnh bằng thực…) với những thủ thuật mê tín
tín đoan (cúng bái, chữa bệnh bằng phù
phép) Đây là những kinh nghiệm chữa bệnh
cổ truyền của người Tày ở Cao Bằng nói
riêng và của các dân tộc thiểu số nói chung
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị tích
cực trong lĩnh vực y học là việc làm cấp thiết
để phục vụ cho cuộc sống hiện tại của đồng
bào các dân tộc thiểu số
Như chúng ta đã biết, trong cuộc sống hàng
ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số trước
đây có những tín ngưỡng liên quan đến việc
chữa bệnh (mà ta hiểu đó là y học dân gian
kết hợp với nhiều thủ thuật mê tín), đã làm
thay đổi một phần chính bản thân sự chữa
bệnh - đó là việc sản sinh ra các hình ảnh vật
linh (thần chữa bệnh), hình thành các nghi lễ
đặc biệt, với những bài khấn, sách cúng khá
phổ biến,
Trong đời sống thực tiễn, có một số bệnh tật
mà đồng bào dân tộc thiểu số có thể chữa trị
bằng những kinh nghiệm dân gian cổ truyền
(như châm cứu hoặc những dược liệu khai
thác tại chỗ rất hiệu nghiệm ) và cho đến nay
vẫn phát huy tác dụng, góp phần xây dựng và
phát triển nền y học dân tộc mới của đất
nước Tuy nhiên, cách chữa bệnh này có
những nhược điểm sau:
- Bên cạnh việc chữa được những căn bệnh
ngoại khoa thông thường, còn có nhiều căn
bệnh hiểm nghèo (nhất là đối với bệnh nội
khoa) đã vượt ra ngoài khả năng chữa chạy
của họ;
Tel:
-Trong xã hội cũ, giai cấp thống trị không chú
ý khai thác, giúp đỡ, khuyến khích cho nền y học dân tộc phát triển, mà lại lợi dụng sự kém hiểu biết và lòng tin vào thần linh của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho những tín ngưỡng, mang nặng tính chất mê tín dị đoan phát triển (liên quan đến việc chữa bệnh) Do
đó, đây là một phương pháp chữa bệnh có rất nhiều hạn chế, cần được xem xét ở nhiều góc
độ, để đánh giá một cách khách quan, khoa học, phục vụ cho việc nghiên cứu và ứng dụng trong đời sống y học dân tộc hiện nay
Liên quan đến việc nghiên cứu vấn đề “Tín
ngưỡng liên quan đến chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng” – cho đến nay chúng tôi vẫn
chưa phát hiện ra có một công trình nào đề cập trực tiếp đến vấn đề này Tuy nhiên, trong một số sách viết về con người cùng với những
phong tục, tập quán của Cao Bằng như: “Cao
Bằng thực lục” (1811) của tác giả Bế Hữu
Cung, “Cao Bằng tạp chí nhật tập” (1920)
của tác giả Bế Huỳnh có nhiều chi tiết viết
về các phong tục, tập quán của các dân tộc Tày, Nùng, Hoa trong đó có đề cập đến vấn
đề này, nhưng chỉ ở mức độ điểm qua hoặc mô
tả sơ lược Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn
đi sâu vào phân tích, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, hy vọng sẽ chỉ ra được những cơ sở thực tiễn và khoa học của vấn đề này!
Trước hết, chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu một số khái niệm liên quan trực tiếp đến vấn
đề này như sau:
BIỂU TƯỢNG LINH VẬT Theo quan niệm của đồng bào thì ở trong mỗi
con người có hai phần: hồn và xác Hồn là
yếu tố quyết định sự sống và mọi hoạt động của con người, sở dĩ con người bị ốm đau hay
chết chóc là do: hồn lìa khỏi xác trong một
Trang 2thời gian hay mãi mãi Hồn rời khỏi xác có
thể là do hoảng sợ, giật mình do ma quỷ, thần
thánh, hay hồn của một người nào khác khoẻ
hơn đã bắt giữ; cũng có thể do mải mê vui thú
với cảnh đẹp trên cõi trần hoặc cõi trời mà
hồn không muốn quay trở lại với xác nữa
Đối với đồng bào dân tộc Tày cũng có quan
niệm như vậy, họ cho rằng: Trong vũ trụ có
nhiều lực lượng siêu nhiên cư ngụ, ví dụ như:
có loại ngụ ở trên trời hay ở biên giới giữa
trời và đất (Đó là: Thiên thần, bà mụ, tổ tiên
, những người cai quản cõi trời và nắm vận
mạng của con người cùng muôn vật); Có loại
ở dưới đất gọi là “Phj đin” (người Tày chịu
ảnh hưởng của Đạo giáo nên có ý niệm có
một Diêm Vương cai quản thế giới âm ty
Cho nên, sau khi chết hồn luôn bị giam giữ ở
trong địa ngục chờ xét xử (và sự xét xử ấy
căn cứ vào những việc làm thiện, ác lúc sống
của con người) do đó phải qua lễ “siêu đàn
phá ngục” mới có thể giải cứu hồn ra khỏi
chốn âm ty địa ngục này); Có loại ở ngay
trên mặt đất hoặc ngụ ở dưới nước thường
xuyên có tác động đến con người Ví dụ như:
Vua thuồng luồng được coi là thần sông
nước, thường ở khúc sông có vực sâu cho
nên trước đây ở nhiều vùng người Tày sinh
sống gần sông, suối thường có đền, miếu thờ
thần sông nước
Ví dụ: Đền thờ thần sông Gâm ở Bảo Lạc,
Cao Bằng (vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ
XX) cứ 3 năm đồng bào nơi đây lại làm lễ tế
trâu trắng một lần, vì người ta cho rằng: làm
như vậy trời đất mới được mưa thuận gió hoà,
mùa màng bội thu, cuộc sống bản mường mới
ổn định, dịch bệnh mới bị đẩy lùi
Còn Ma thần trong quan niệm của người Tày
nói chung có thể chia làm hai loại: loại ma
lành (hay phúc thần) và loại ma dữ
Ma lành (hay phúc thần) là các loại ma: Ma tổ
tiên, ma mụ, ma bếp, ma mường, ma bản, thổ
công, thổ địa, thần nông Đó là các linh
thần bảo vệ người, gia súc, gia cầm, mùa
màng, giúp người trừ các tà ma, ác quỷ
Trong số này, nhiều vị linh thần được lập bàn
thờ, có bài vị riêng ở trong nhà hay trong các
đền, miếu của làng bản (như miếu và đền thờ:
thổ địa, thần nông, thành hoàng, ); và
thường được thắp hương cầu khấn khi dân
làng có việc hay vào những dịp cúng lễ định
kì trong năm Nhưng cũng có thể vì một lý do
nào đó (như cúng bái không chu đáo, động
chạm đến nơi cư ngụ của các thần) làm các
thần tức giận thì ma lành cũng có thể gây nên
sự bất an trong cuộc sống của con người Có
thể kể đến các loại ma sau đây: “Phj cang
cói” sống ở vùng sâu, có tiếng kêu như tiếng
lợn lòi kêu, thường nhảy múa dưới ánh trăng;
“Phj le kín” có hình dạng thấp bé, cao bằng
đầu ngón tay, sống dưới gầm sàn nhà (người
ta cho rằng đũa rơi xuống gầm sàn tìm không
thấy là do ma này lấy về làm cột nhà); “Phj
Slao” do hồn những cô gái trẻ chưa chồng
chết biến thành, vì thế trong những đêm trăng
trong gió mát các “Phj” này thường nhảy múa
ca hát với nhau và thường chòng ghẹo các chàng thanh niên mới lớn
Ma dữ là các loại ma như: ma rừng, ma rú,
ma thuồng luồng, phj slương (hồn của những
người chết bất đắc kì tử biến thành), ma yêu
tinh, ma gà, ma sản phụ (chết cả mẹ lẫn con),
ma của những người chết đường chết chợ, ma
những người chết không ai thờ tự, phải sống vất vưởng ở thế giới bên kia, trở thành những
cô hồn nên thường hay tìm mọi cách để hại người, gia súc, gia cầm
Theo quan niệm của người Tày thì mỗi loại
ma, loại thần linh đều có tác động vào cuộc sống con người một cách khác nhau Ví dụ:
Thần thổ địa (hay sơn thần) bảo vệ làng bản,
núi rừng, đất đai, cây trồng, gia súc Vị thần này có quyền uy tuyệt đối ở lãnh thổ bản làng,
do đó nhiều địa phương có câu: Thổ địa
không mở miệng, hổ không dám vào làng!
Một số vùng người Tày còn coi vị thần này là
thần nông dạy người cày cấy làm ăn Còn tộc
người Bố Y - một tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tày – Thái cho đây là vị thần trông coi cả ngọn lửa, ngăn trở không cho những oan hồn biến thành ma làm hại người!
Có những loại ma làm cho con người có bệnh
tật, ốm đau hoặc làm cho mùa màng thất bát,
ví dụ như: Loại “Phj tốc nặm” (do người chết
đuối, đắm thuyền biến thành) hay làm hại
người chết đuối; “Phj thai khả” (do bị chết chém) hay làm người bị nhức đầu; “Phj pai”
(do đàn bà đẻ chết biến thành) hay làm hại
đàn bà khi chửa đẻ; “Phj bụt” thì hay làm
người ta mê muội không làm chủ được hành động của mình nhất là đối với những người rất muốn làm then, mo nhưng chưa tìm
được thầy về để học làm bụt, làm then; “phj
nặm”, “phj ngược” làm cho người bị sốt rét
Trang 3hay tê phù; “phj pá” ở các cây to trong rừng
làm cho người đau mê man; “phj Luông” ở
núi cao, rừng sâu, khi tác động đến người thì
rất khó chữa; “phj bó cáp” làm cho người ta
đau bụng, đau chân; ma rừng, ma rú làm cho
người ta sốt rét, ngã nước, “phj cấy”,
“phjslư” hay làm hại trẻ sơ sinh và gia súc
mới nở, mới đẻ vì chuyên đi hút máu sinh vật
sống; ma những người chết vì thương tích
làm cho người bệnh nhức óc, buốt chân tay,
Chính từ những quan niệm về thế giới ma như
vậy mà người Tày cho rằng: Những loại ma
quỷ thường nhập vào xác hay vào áo của người
đương sống, nó đánh bật hồn ra khỏi xác và
gây ốm đau cho người Vì thế, muốn tìm thủ
phạm gây nên bệnh tật và muốn chữa khỏi
bệnh thì con người phải nhờ thuật bói toán, cầu
cúng bên cạnh việc dùng thuốc lá rừng
BÓI TOÁN VÀ CẦU CÚNG
Như ta đã biết, người đảm nhiệm việc bói
toán của đồng bào dân tộc Tày là mo, then,
pụt - đó là những người có khả năng và có
chức năng chính là cầu cúng, chữa bệnh, giải
hạn cho mọi người Các tộc người ở nước ta
có nhiều cách bói toán khác nhau và tuy có
cùng một cách thức bói và cúng - nhưng ở
từng dân tộc lại có những nét, những chi tiết
không giống nhau Đối với dân tộc Tày
thường có các hình thức bói toán sau đây:
Bói áo (pỏi slửa), trước hết người nhà phải
mang áo bệnh nhân và một bát gạo, vài nén
hương tới nhà thầy nhờ bói hộ Thầy bói đốt
hương phẩy quạt, rồi lấy vài hạt gạo hơ vài
lượt lên áo bệnh nhân, rồi thầy gọi ngay tên
con ma hoặc vị thần nào đã ám vào người
bệnh [1,tr.38] Sau đó, gia đình người bệnh
sẽ mời thầy đến nhà cúng để giải trừ ma, chữa
bệnh cho người nhà mình
Bói gạo (pỏi khẩu): Người nhà bệnh nhân
mang đến nhà thầy Mo (Bà Then) một ống
gạo, đổ vào bàn thờ thần chủ và thắp ba nén
hương cắm vào bát hương trên bàn thờ Sau
đó: + Thầy Mo ngồi trước bàn thờ thần chủ,
miệng khấn cầu các thần chủ trợ giúp và gọi
tên từng loại ma Tay cầm một “bộ quái” (một
thớt gỗ hình chữ nhật và hai mẩu gỗ thon), lâu
lâu gõ “quái” vài tiếng rồi gieo hai mẩu quái
cùng sấp hoặc cùng ngửa trùng với tên gọi
(hoặc hiện tượng nào đó) thì sẽ biết rõ ràng
loại ma nào đã tác động vào người ốm Thầy
mo sẽ hỏi ma thần muốn gì? và sẽ thông báo
cho gia chủ biết để chuẩn bị lễ cúng theo yêu
cầu của ma thần đòi hỏi
+ Bà Then: Khi bói cũng ngồi trang nghiêm
trước bàn thờ thần chủ, tay cầm một cái quạt, miệng lẩm bẩm cầu khấn và gọi tên từng loại
ma (thần), lâu lâu lại rũ quạt xoè ra, tay nhúm
vài hạt gạo trải trên quạt Qua việc xem xét các hạt gạo trải ra trên các góc cạnh của quạt
mà đoán định loại ma nào đã làm cho người ốm? và ma đó yêu cầu gì? rồi thông báo cho
gia đình chuẩn bị làm lễ cúng
Bói bằng trứng (pỏi slẩy):
Người nhà bệnh nhân mang đến nhà thầy Mo
(định nhờ cúng) một quả trứng và một chiếc
áo của người bệnh Trước bàn thờ thần chủ,
thầy Mo cầm quả trứng nâng ngang miệng để
niệm thần chú và gọi tên các loại ma Sau đó,
mang trứng luộc chín ra để quan sát các dấu vết hiện trên lòng trắng trứng mà đoán bệnh
do ma nào làm? Chẳng hạn có một chấm nhỏ
mầu vàng đậm tiếp liền với vân hình bóng
cây, ý chỉ do “phj pò” (ma núi) gây ra; còn
nếu có chỗ lõm mà ở giữa điểm thêm chấm vàng nhỏ là điều báo mộ của một người thân
bị sạt lở theo đó mà gia đình sẽ phải sửa lễ dâng cúng hoặc tổ chức việc san lấp lại mộ phần cho đầy đặn
Bói xem gương (pỏi chiếu kiếng):
Đầu tiên phía trước đàn tràng phải có đặt một chiếc gương (chiếu yêu) để chiếu Nghi lễ này
thường phải có sự phối hợp giữa bà Then và
Cô Đồng (phù thuỷ), cụ thể diễn ra như sau:
Bà Then tay gẩy đàn tính, miệng hát các bài
hát cúng điểm qua tên các loại ma và thần linh theo hồn người bệnh đến những khu vực mà hồn lai vãng tới,… Đồng nhìn vào gương sẽ
phát hiện ra loại ma (thần) gây bệnh tật hoặc
hồn người bệnh đang bị giam hãm, hoặc mải
mê vui thú ở một cõi nào đó, theo đó mà đi tìm
đón về để hồn nhập vào xác như cũ
Khảo sát các hình thức bói này có thể thấy:
Việc tổ chức bói là việc các thầy Mo, bà Then
đi tìm ra căn bệnh do một thế lực siêu nhiên
nào đó đã gây ra cho người bệnh - để từ đó
gia chủ phải làm lễ dâng cúng (lễ đơn giản thì
do gia đình tự làm, hoặc là những lễ lớn, phải
lập đàn tràng thì mời thầy Mo, bà Then về
làm chủ lễ, mang theo âm binh đi giải cứu)
Ví dụ: trẻ em ốm đau hay vì giật mình mà hồn rời khỏi thể xác, hoặc vì một lực lượng siêu nhiên nào đó bắt mất hồn đi, hoặc vì gặp
người xấu vía quở trách thì gia đình phải
Trang 4làm lễ cúng mụ, nếu không khỏi thì phải nhờ
đến thầy Mo, bà Then làm lễ giải cứu Nếu là
các loại ma tà, linh thần ở trong rừng hoặc ở
gốc cây to làm hại thì gia đình phải sắp đặt
mâm cỗ, tiền bạc mang đến nơi đó khẩn cầu
Nếu trường hợp bị ma thuật làm hại thì phải
nhờ đến thầy pháp cao tay mới giải cứu được,
hoặc làm thoả mãn yêu cầu của ma để chúng
siêu thoát trở về với chủ của chúng
MA THUẬT CHỮA BỆNH
Có thể thấy những cách thức chữa bệnh nêu
trên là các cách chữa bệnh mang tính duy
tâm, thần bí Ma thuật chữa bệnh là một loại
ma thuật khá phổ biến, bên cạnh yếu tố duy
tâm huyền bí biểu hiện bề ngoài, thì cơ sở bên
trong của nó là yếu tố y học dân gian mà
trong đó có dùng các lời phù chú, phép thuật
để trợ lực cho tác động của thuốc Bởi xuất
phát từ quan niệm cho rằng như vậy sẽ có
hiệu nghiệm hơn trong việc chữa bệnh Ví dụ:
Các phép thuật (niệm chú, nín thở, những
“tabu” (kiêng kỵ)) trong việc tìm kiếm thuốc,
hái thuốc, pha chế thuốc, cách chữa trị theo
từng bài thuốc, vị thuốc thường được các thầy
thuốc dân gian hoặc ở những người hành
nghề tôn giáo chuyên nghiệp có nắm bắt được
nhiều kiến thức y học dân gian, dân tộc thực
hiện Chẳng hạn như việc chữa bệnh “phong
thấp” của người dân tộc Tày: Người chữa
bệnh lấy một bát nước trắng, một nén hương,
mồm niệm chú, tay vẩy hương trên bát nước
rồi ngậm nước phun đều, cầm hương hơ qua
hơ lại nhiều lần trên chân người bệnh, sau đó
mới đắp thuốc lá cây; Hay khi đi hái thuốc
bắt đầu hái những lá đầu tiên người hái có nín
thở hay không? hái tay phải hay tay trái? có
niệm chú hay không? đều được quy định rõ
ràng Đối với người dân tộc thiểu số phép ma
thuật không chỉ dùng vào việc chữa bệnh cho
người, mà còn dùng cả vào chữa bệnh cho gia
súc Ví dụ: Chữa ung nhọt cho trâu, người ta
dùng lá cây “mạy cụ” bằng cách tay trái cầm
vài lá cây, nín thở niệm chú, đứng ngoài cửa
chuồng trâu, thả trâu ra và nhìn vết chân trâu,
sau đó cho vài chiếc lá xuống vết chân, lấp
đất lại và để vài lá cài dưới sàn bếp Nghi
thức này chỉ làm một lần và sâu bọ trong vết
thương sẽ bị tiêu diệt - vết thương sẽ khỏi
dần Việc chữa bệnh cho súc vật kiểu này –
theo đồng bào khẳng định là rất hiệu nghiệm
Nghiên cứu vấn đề chữa bệnh bằng ma thuật, Tôcarép - nhà dân tộc học Liên Xô cũng đã
viết: “một điều rõ ràng là cơ sở của sự chữa
bệnh bằng ma thuật là y học dân gian, tức là toàn bộ những thủ đoạn chữa bệnh ít nhiều hợp lý do kinh nghiệm tự phát hàng nghìn năm của nhân dân tạo ra Nhưng từ lâu, hoà lẫn vào những thủ đoạn hợp lý đó, hay nói cho đúng hơn, xuất hiện trên cơ sở của nó, là những biểu tượng ma thuật mê tín đã làm thay đổi chính bản thân sự chữa bệnh đó và đến lượt mình, đã sản sinh ra những hành động phù phép lừa bịp hoàn toàn phi lý”[2,tr.126]
Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu chúng tôi nhận thấy rằng: những tín ngưỡng dân gian liên quan đến việc chữa bệnh - cho đến nay ở nhiều dân tộc mà nơi đó nền y học hiện đại chưa phát triển - thì nó vẫn tồn tại một cách khá phổ biến! Loại hình tín ngưỡng này đối với dân tộc Tày ở Cao Bằng nói riêng cũng như đối với các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung - đã có một sự ảnh hưởng khá rõ từ những quan niệm của Đạo giáo (có nguồn gốc
từ Trung Quốc) Bởi như chúng ta biết, Đạo giáo là một loại tôn giáo rất trọng pháp thuật, xính việc cúng bái quỷ thần, vì thế các đồ đệ của giáo phái này (Tào, Mo,Then hay Pụt) đã
sử dụng nhiều phép thuật đuổi tà ma phối hợp với việc dùng thuốc dân gian để chữa bệnh cho người bệnh
Ngày nay, với trình độ khoa học ngày càng nâng cao, mạng lưới y tế cộng đồng đã phát triển rộng khắp, do đó - mặc dù ý niệm về hồn
ma, quỷ, thần chính là nguyên nhân của mọi bệnh tật - vẫn còn tồn tại trong tâm thức của nhiều người dân tộc thiểu số, nhất là đối với lớp người già cả sống ở những nơi xa xôi, hẻo lánh - nhưng không còn nặng nề và mù quáng như trước nữa Người dân khi bị ốm đau, bệnh tật đã biết đến trạm xá, bệnh viện
để khám và chữa bệnh Do đó, tình trạng tốn kém vì bị lợi dụng (xuất phát từ sự mê tín, dị đoan) để cúng bái, chữa bệnh đối với đồng bào cũng đã giảm hẳn, thậm chí có nhiều nơi không còn có hiện tượng này nữa! Tuy nhiên,
để tìm hiểu một cách sâu sắc sự liên quan giữa tín ngưỡng dân gian với việc chữa bệnh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng nói riêng vẫn là rất cần thiết đối với các nhà
Trang 5nghiên cứu dân tộc học, văn hoá học và y học
dân tộc Chúng tôi cũng muốn góp thêm một
tiếng nói đối với lĩnh vực nghiên cứu còn mới
mẻ này không ngoài nhằm mục đích trên!
Trang 648
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bế Huỳnh, Cao Bằng tạp chí nhật tập, Kí hiệu D136, Tài liệu đánh máy Viện Dân tộc học
[2] X.A Tô- Ka-rep (1956), Vấn đề nguồn gốc và những hình thái đầu tiên của tôn giáo Những vấn đề Triết học,
số 6 (Bản dịch của phòng tư liệu khoa Sử, Đại học Tổng hợp, Hà Nội)
[3] Tài liệu điền dã tại các huyện trong tỉnh Cao Bằng
SUMMARY
BELIEF AND ITS RELATION TO THE DISEASE TREATMENT OF ETHNIC TAY (CAO BANG)
Trieu Quynh Chau
Duong Tu Minh High school – Thai Nguyen
A study of religion and its relation to the disease treatments of Tay people in Cao Bang is to reveal the fact
of the combination between the traditional medicine (acupuncture, trements by plants, etc.) and the superstitious tricks (making offerings and worship and treatments by magic) This is the traditional
experiences in disease treatments of Tay people in Cao Bang, in particular, and of the ethnic minority, in general The action of preserving and developing the positive values in medicine is very urgent and necessary to serve the community of the ethnic minority groups
Key words: Religion, Disease treatment, Tay, Cao Bang
Tel: