Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tuy nhiên đang trong xu hướng hội nhập quốc tế và dần dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phải quyết tâm đẩy mạnh Công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, từ một nền kinh tế tập trung bao cấp trở thành một nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, sớm đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, kém phát triển với rất nhiều thành công rực rỡ. Theo báo World Bank: “Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu, chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương”. Để đạt được những thành tựu đó bên cạnh việc phải tận dụng các nguồn lực vốn có thì Đảng ta đã có tư duy đổi mới đúng đắn, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế. Đó là một quá trình cấp bách và khó khăn nhưng nó cũng thể hiện sự đổi mới về tư duy, ngày càng hoàn thiện cả về lí luận cũng như thực tiễn xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để tìm hiểu và nghiên cứu thêm thật nhiều những chính sách, giải pháp và hướng đi của Đảng và Nhà nước trong quá trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam. Chúng em đã chọn đề tài: “Quá trình đổi mới quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta trong thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay” làm chủ đề thảo luận nhóm với mục đích làm rõ sự hình thành và phát triển nhận thức mới của Đảng, đường lối chính sách và những thách thức sắp tới.