Một vài nét về bệnh nội tiết và bệnh viện Nội tiết Trung Ương

Một phần của tài liệu Phân tích hoạt động sử dụng thuốc tại bệnh viện nội tiết trung ương năm 2013 (Trang 26)

1.4.1.Vài nét về tình hình bệnh nội tiết

Bệnh nội tiết là các bệnh rối loạn của hệ thống nội tiết. Hệ thống nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết. Tuyến nội tiết tiết ra các chất ngấm thẳng vào máu rồi được vận chuyển tới các cơ quan và ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan. Các tuyến nội tiết trong cơ thể người gồm có vùng dưới đồi, tuyến tùng, tuyến yên, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy và tuyến sinh dục [4], [15].

Các bệnh nội tiết đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. Theo WHO, năm 2012, trên thế giới có 347 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trong đó hơn 80% số bệnh nhân sống tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Dự đoán trong 10 năm tới, tổng số người chết do ĐTĐ sẽ tăng thêm 50% và ĐTĐ trở thành nguyên nhân thứ 7 dẫn tới cái chết trên thế giới vào năm 2030 [38].

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng. Bệnh không chỉ xuất hiện ở thành phố lớn mà ở hầu khắp mọi miền của cả

nước. Rất nhiều người bệnh và gia đình cũng như các cơ sở y tế đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế do chi phí rất lớn để điều trị căn bệnh này. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh tỷ lệ ĐTĐ trên toàn quốc là 5,7% dân số (theo kết quả điều tra năm 2012). Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh ĐTĐ nhanh nhất thế giới (khoảng 8 - 10% /năm). Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, tình hình bệnh ĐTĐ, thừa cân béo phì đang ở mức báo động và là tiền đề cho việc gia tăng nguy cơ các bệnh mãn tính không lây khác như tim mạch, ung thư... So sánh giữa số liệu thống kê của năm 2002 và năm 2012 cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở Việt Nam tăng tới 211% [35].

ĐTĐ là bệnh mạn tính yêu cầu sử dụng thuốc hàng ngày. Vì vậy số người mắc bệnh đái tháo đường tăng mạnh trong những năm qua trở thành gánh nặng lớn cho bảo hiểm y tế nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Riêng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chi phí điều trị cho bệnh đái tháo đường hàng năm là 75 tỉ đồng. Nếu tất cả bệnh nhân đái tháo đường được điều trị thì chi phí hàng năm ước tính lên tới 12.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 25% kinh phí dành cho khám chữa bệnh nói chung ở Việt Nam. Sử dụng thuốc hợp lý ở bệnh nhân ĐTĐ nói riêng và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nói chung đang là một yêu cầu cấp thiết trong xã hội để đảm bảo sức khỏe cho người dân và giảm gánh nặng cho nền kinh tế [37].

1.4.2.Vài nét về bệnh viện Nội tiết Trung Ương

Bệnh viện Nội tiết Trung ương là Bệnh viện tuyến cuối về điều trị các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa. Bệnh viện được thành lập ngày 16/9/1969 có tên là bệnh viện Nội Tiết và được đổi tên thành Bệnh viện Nội Tiết Trung Ương vào 7/12/2009. Trong những năm qua, ngoài thực hiện công tác khám, điều trị theo chỉ tiêu Bộ Y tế giao, Bệnh viện Nội tiết còn đảm

nhiệm 02 chương trình Phòng chống các rối loạn thiếu hụt iod và Phòng chống đái tháo đường.

Do tốc độ phát triển bệnh rất nhanh chóng dẫn tới số lượng bệnh nhân ngày càng đông. Để giảm quá tải, bệnh viện đã triển khai thêm cơ sở Tứ Hiệp-Thanh Trì đi vào hoạt động vào 11/2012 song song với cơ sở 1 ở Thái Thịnh. Bệnh viện hiện có 34 khoa phòng với 463 cán bộ, viên chức đang làm việc [2].

Một phần của tài liệu Phân tích hoạt động sử dụng thuốc tại bệnh viện nội tiết trung ương năm 2013 (Trang 26)