5. Kết cấu của luận văn
3.1. Hình tượng con người trong văn học
Hình tượng con người luôn gắn với hình tượng Đất Nước: “Nếu con người bao giờ cũng là trung tâm của nghệ thuật, thì nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước một đối tượng rực rỡ và phong phú nhất: Con người Việt Nam” [34, 783]. Sống trong một trạng thái sử thi của thời đại, tinh thần dân tộc cùng ý thức cộng đồng đưa mọi người đến đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ở phương diện này, con người thường được khắc họa là những con người đại diện cho cộng đồng. Những con người nhận thức được tất yếu của lịch sử chiến đấu cho quyền lợi của giai cấp. Ý thức cộng đồng trong sử thi xưa đã hồi sinh trong trong hình ảnh những con người mang tinh thần Đăm Săn, Xinh Nhã. Chính thời đại anh hùng đã tạo ra những con người anh hùng. Họ là cá nhân, cộng đồng, là con người mới trong thời đại bão táp.
Và nói đến một dân tộc, một Đất Nước là nói đến những con người đã làm nên Đất Nước. Thơ cổ điển để lại cho văn học hình tượng người quân tử với lí tưởng nho gia. Đó là con người có lí tưởng, hoài bão và khát vọng cao cả :Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải); Cảm hoài (Đặng Dung); Ngôn hoài của Dương Không Lộ. Văn học trung đại hình tượng Đất Nước gắn liền với những con người có “chí lớn nuốt trôi trâu” sánh ngang tầm trời đất, vũ trụ. Phạm Ngũ Lão trong bài thơ Thuật hoài đã xây dựng hình tượng người tráng sỹ đời Trần cầm ngang ngọn giáo trong tư thế kích thước của Đất Nước: Hoành sóc giang san cáp kỷ thu/ Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu (Thuật hoài -Phạm Ngũ Lão). Đó còn là con người gắn bó trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc: Chiếu dời đô
(Lí Công Uẩn); Hịch tướng sĩ văn (Trần Quốc Tuấn); Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)… Đây cũng chính là hình tượng của những con người gắn liền với cảm hứng yêu nước trong dòng chảy của văn học Việt Nam trung đại. Hình tượng con người công dân gắn với những nhân vật anh hùng hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc. Những con người công dân ấy xuất hiện trong Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn), Hịch tướng sĩ văn
(Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Chiếu cầu hiền (Ngô Thì Nhậm). Ở thể loại sử ký hình tượng con người công dân cũng in đậm nét. Đó là một Trưng vương, một Ngô Quyền, một Thái sư Trần Thủ Độ, một anh hùng Trần Quốc Tuấn, … qua những trang sử của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên… cho đến hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đều mang dáng dấp của con người công dân. Thời kỳ trung đại con người công dân xuất hiện với tư tưởng trung quân ái quốc.
Thơ cuối thế kỷ XIX nổi bật với hình tượng người dân yêu nước xả thân vì nghĩa lớn. Phong trào thơ mới nổi bật lên hình tượng con người khao khát tự do yêu nước thầm kín nhưng chưa tìm được lối đi cho mình. Hình tượng con người yêu nước hiện lên với nỗi buồn đau phảng phất của người nghệ sĩ không được tự do và bất lực trước thời cuộc. Thế nên hình tượng con người trong thơ mới rất lạc lõng bơ vơ. Họ là những con người ngơ ngác giữa thời cuộc: Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô (Tiếng thu - Lưu Trọng Lư). Nhiều người với nỗi băn khoăn chưa tìm ra sự chọn lựa. Ngay cả nhà thơ Tố Hữu cũng có lúc
“băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” (Nhớ đồng - Tố Hữu) và tự hỏi: Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi? (Lời Tổ quốc - Tố Hữu). Đó là nỗi phân vân khắc khoải “con cò trên ruộng cánh phân vân” (Thơ duyên - Xuân Diệu). Với Chế Lan Viên đó là “Nỗi buồn thương nhớ tiếc dân Hời” (Cái sọ người - Chế Lan Viên). Để rồi họ bất lực nhìn Đất Nước: “Trước mắt tôi như có hào sâu ngăn lại/ Đất Việt Nam, người Việt Nam không sao bước tới/ Mắt mải nhìn mòn hết nửa con ngươi/ Thân đứng đây thân chết nửa con người (Sóng vỗ cửa Tùng - Lưu Trọng Lư).
Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra một chân trời mới bao la cho con người biến những cá nhân nhỏ bé, yếu đuối trở thành con người của đoàn thể, của dân tộc, của sự nghiệp chung. Trong thời chống Pháp, nổi bật là hình tượng những con người quần chúng: “Lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc, quần chúng được nhận thức và lí giải đúng đắn như là người chủ nhân của Đất Nước, người trực tiếp tham gia sáng tạo nên lịch sử của mình. Họ là nhân vật chính diện và là nhân vật trung tâm của văn học. Họ được miêu tả với những phẩm
chất tốt đẹp của Nhân dân: yêu nước, căm thù giặc, tự giác tham gia cách mạng, thương yêu nhau, lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, hy sinh tất cả vì sự nghiệp chung.” [43, 52-53]. Thơ kháng chiến khắc họa được nhiều hình tượng mới mẻ trong đó tập trung khắc họa hình tượng Nhân dân từ những con người quần chúng: “Thành tựu nổi bật của văn học kháng chiến là phát hiện sáng tạo hình tượng con người quần chúng ở nhiều bình diện. Đó là con người số đông thuộc động lực cách mạng.” [54, 233]. Trong những hoàn cảnh nghiệt ngã quyết liệt như đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, con người buộc phải đề cao ý thức cộng đồng hơn ý thức cá nhân cho nên hy sinh lớn cũng là hạnh phúc lớn.Con người cộng đồng ý thức rất rõ trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc. Con người quần chúng gắn liền với con người kháng chiến được hiện lên với những phẩm chất tiêu biểu cho cộng đồng. Hình tượng nhân vật con người cộng đồng được mở rộng bao gồm nhiều loại thuộc nhiều tầng lớp: lãnh tụ, người phụ nữ, anh bộ đội, anh vệ quốc, em bé liên lạc, bà bủ, bà bầm, thanh niên xung phong, dân công... Ở phương diện nào, hình tượng nhân vật này cũng được nhìn từ góc độ bổn phận, trách nhiệm công dân với tư cách chiến sỹ là chủ yếu.
Hình tượng người lính từ anh vệ quốc đến anh bộ đội, giải phóng quân là hình tượng người lính kiểu mới khác hẳn hình ảnh người trai đời xưa: “ Giã nhà đeo bức chiến bào/ Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”. (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn). Hình tượng người lính cách mạng là những con người bình thường mang phẩm chất anh hùng. Họ đều là những người nông dân mặc áo lính. Văn học kháng chiến con người được thể hiện trong cái tương quan cái riêng hòa tan vào cái chung, xuất hiện trong các hình tượng tập thể quần chúng. Con người quần chúng là con người cộng đồng, cá nhân chỉ tìm thấy sự tồn tại đích thực của mình trong cộng đồng. Bởi vì trong thời đại: Cả nước đều có chung một tâm hồn, một gương mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau (Con mắt Bạch Đằng con mắt Đống Đa - Chế Lan Viên) thì: Một ngôi sao chẳng sáng đêm/ Một thân lúa chín chẳng nên mùa màng/ Một người đâu phải nhân gian/ Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi (Tiếng ru - Tố Hữu).
Nhân vật đám đông biểu tượng cho sức mạnh quần chúng. Con người quần chúng là con người của dân tộc, của đoàn thể của sự nghiệp chung. Mọi người dân sống trong một cuộc sống chung duy nhất của sự nghiệp kháng chiến trong guồng máy chung của cách mạng. Con người quần chúng khác hẳn con người trượng phu trong văn học trung đại khi thì chọc trời khuấy nước khi thì sống hết mình với cương thường đạo lí.
Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau khi các nhà thơ, nhà văn đã sáng tạo ra những hình tượng con người cá nhân hài hòa trong con người cộng đồng. Quan niệm mình vì mọi người, mọi người vì mình chi phối cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Hình tượng con người cá nhân có xu hướng hòa nhập cùng cái ta rộng lớn của dân tộc. Với ý thức cộng đồng, con người cá nhân là con người chủ yếu được khai thác và thể hiện trên phương diện con người chính trị, con người công dân, mỗi cá nhân được thể hiện như là biểu hiện tập trung của ý chí, khát vọng và sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, thậm chí của thời đại, của nhân loại…Đó là con người có lí tưởng cao cả, khát vọng độc lập tự do, ý thức sâu sắc về tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc kháng chiến dân tộc, sẵn sàng hi sinh mọi cá tính, sở thích riêng tư. Cao nhất là họ sẵn sàng xả thân cho cộng đồng. Họ là bộ đội, là thanh niên xung phong, hay họ là những người mẹ sống lặng lẽ nơi quê nhà; họ là người làm ruộng vườn, người buôn bán... họ là bất kỳ ai, nhưng những con người ấy đều có một điểm chung nổi bật là gắn bó với Đất Nước dân tộc. Số phận của họ tương đồng với số phận của dân tộc.
Con người trong văn học kháng chiến chống Mỹ là những con người anh hùng: “Văn học mười năm chống Mỹ cứu nước là giai đoạn nở rộ của nghệ thuật biểu hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Con người quần hùng và con người hiện thân cho ý chí độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội được thể hiện tập trung với một chiều sâu mới, trong sự gắn bó với Đất Nước, trời biển Việt Nam, trong chiều sâu của bốn ngàn năm lịch sử với ý thức tự giác cao độ trong cuộc đụng đầu lịch sử chưa từng có giữa dân tộc Việt nam anh hùng và đế quốc Mỹ xâm lược. Con người cầm súng lấn át con người bình thường; con người tinh
thần ý chí nổi lên con người vật chất, con người vì nghĩa lớn lấn át con người riêng tư…Tính chất sử thi, tầm vóc dân tộc là đặc điểm cơ bản của hình tượng con người trong văn học chống Mỹ cứu nước.” [54, 235]. Con người được tập trung nhìn nhận ở hai phương diện cống hiến và lí tưởng: Còn một giọt máu tươi còn đập mãi/ Không phải cho em cho lẽ phải trên đời/ Cho quê hương/ Cho Tổ quốc loài người (Người con gái Việt Nam - Tố Hữu). Con người quên mình vì tập thể, coi hy sinh cũng là một hạnh phúc đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Con người anh hùng không chỉ được kế thừa từ truyền thống dân tộc mà được rèn rũa trong cách mạng. Anh Trỗi, chị Lí, chị Sứ, chị Tư Hậu, chị Võ Thị Sáu là những con người kết tinh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó. Các nhà thơ đã đem đến cho thơ chống Mỹ hình ảnh của những người lính, những cô gái thanh niên xung phong thật trẻ trung mà rất đỗi anh hùng: Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng / Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười (Nấm mộ và cây trầm - Nguyễn Đức Mậu). Cô gái thanh niên xung phong trong Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ: Đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom (Khoảng trời và hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ). Tiêu biểu cho con người anh hùng là người chiến sỹ giải phóng quân: Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh tuôn theo lửa đạn cầu vồng (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân). Các nhà thơ trong giai đoạn này dành nhiều tình cảm khắc họa những con người đại diện cho tinh hoa, khí phách và phẩm chất của toàn dân tộc: Yêu biết mấy những con người đi tới/ Hai cánh tay như đôi cánh bay lên/ Ngực dám đón những phong ba dữ dội/ Chân đạp bùn mà không sợ những loài sên/ (Ta đi tới -Tố Hữu ). Đó là những con người sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương Đất Nước, nhân danh cộng đồng mà hy sinh, kể cả hy sinh những hạnh phúc riêng tư: “chúng tôi đi không tiếc đời mình”(Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Con người trong thời kỳ này cũng là những con người tươi trẻ đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, khao khát được cống hiến và đóng góp: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Theo chân Bác - Tố Hữu). Ngoài những người lính ở mặt trận, thơ kháng chiến khắc họa thành công hình tượng
những con người hậu phương. Người hậu phương trong thơ kháng chiến là những cô gái, bà mẹ, những người em, đoàn dân công, o du kích… đảm đang , dũng cảm. Trong kháng chiến họ trở thành những “nàng tiên” của Đất Nước. Người mẹ, người chị, người em, người vợ trong thơ của Tố Hữu, Nguyễn Mỹ, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm là biểu tượng cho cái đẹp cao thượng, lòng nhân hậu, đức hy sinh. Họ đã sống trong một thời đại hào hùng mà bi thương: Họ đã sống một thời khắc nghiệt/ Muốn sống bình thường thôi cũng phải sống anh hùng/ Nuôi sống người là cây lá trên rừng/ Vầng trăng đẹp nhưng bóng đêm cần cho người vượt lộ/ Đường nhiều địch không kịp nhìn hoa nở/ Thắng trận về chim báo đã sang xuân/ Cái thời khắc ngàn năm qua mới có một lần/ Ngàn năm sau chưa dễ gì có lại…(Sông núi trên vai- Anh Ngọc).
Nhìn chung, có thể nói văn học chống Mỹ thể hiện tầm vóc con người dân tộc yêu nước trong chiều rộng không gian và chiều sâu thời gian. Ý tưởng độc lập tự do, tâm lí tập thể cộng đồng, chủ nghĩa anh hùng tự giác là đặc điểm chủ yếu của con người đó. Con người cá nhân là những kết tinh cao độ những phẩm chất tiêu biểu của cả cộng đồng. Lí tưởng sống của những nhân vật này luôn gắn liền với vận mệnh của cả cộng đồng tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh của cả cộng đồng. Vì thế, tất cả số phận của cá nhân thống nhất với nhau, thống nhất với số phận của cả cộng đồng. Điều đó cũng thể hiện rõ nét tính sử thi văn học thời kỳ này.