Khái niệm hình tượng nghệ thuật (chỉnh thể nghệ thuật)

Một phần của tài liệu Hình tượng đất nước và con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Trang 40)

5. Kết cấu của luận văn

2.1.1.Khái niệm hình tượng nghệ thuật (chỉnh thể nghệ thuật)

Hình tượng là hình thức đặc thù của tư duy nghệ thuật, là sự phản ánh hiện thực trong tính toàn vẹn, sinh động, cảm tính, cụ thể theo qui luật của cái đẹp. Hình tượng là cơ cấu hài hoà của những yếu tố chủ quan và khách quan, cảm tính - lí tính, cụ thể - khái quát, cá biệt - phổ biến. Hình tượng là một cơ cấu hài hòa tinh thần - vật chất, trong đó nội dung của hiện thực được trình bày theo những thủ pháp và phương tiện trực quan, gợi cảm, ẩn dụ, đa nghĩa của quá trình hư cấu nghệ thuật, nhằm miêu tả và biểu hiện. Trong tất cả các yếu tố tạo thành hình tượng nghệ thuật nói trên, thì yếu tố cảm xúc - cá biệt mang tính cách cá nhân của chủ thể sáng tạo là quan trọng nhất là cơ sở để hình thành tác phẩm nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật là một phương tiện đặc thù của nghệ thuật để phản ánh hiện thực dưới một hình thức cảm tính - lí tính, cụ thể - khái quát, cá biệt - phổ biến để con người cảm thụ, đánh giá, sáng tạo theo qui luật của cái đẹp.

“Phương thức chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực riêng biệt, vốn có và chỉ có ở nghệ thuật. Bất cứ hiện tượng nào được xây dựng lại một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật, đều là hình tượng nghệ thuật; thông thường và quan trọng nhất là hình tượng con người (hình tượng nhân vật) [3, 142]. Trong sáng tác văn học, bất kỳ cái gì cũng là chỉnh thể nghệ thuật. Cũng như vậy, nói đến hình tượng người ta thường nghĩ tới hình tượng con người. Nói đến con người là nói đến thế giới tâm hồn. Ngoại hình cuối cùng cũng đi đến tâm hồn. Con người không ai giống ai. Văn học không phản ánh mọi người trong đời sống xã hội mà văn học phản ánh bằng sự khái quát trên cơ sở hiểu biết của nhà văn về cuộc sống. Những nhân vật đối với từng nhà thơ, nhà văn là rất khác nhau tùy thuộc vào khả năng của nhà thơ, nhà văn. Nói đến con người cũng là nói đến tư tưởng. Để tạo ra một thế giới nghệ thuật nhà văn phải sáng tạo ra quan hệ. Quan hệ

giữa các nhân vật là quan hệ tư tưởng. Bởi vì các nhân vật bao giờ cũng là nhân vật mang tưởng. Nếu phá vỡ nó không còn là nó nữa. Đặc trưng của hình tượng nghệ thuật được xác định qua hai lĩnh vực: thế giới khách quan và thế giới tinh thần.

Bao giờ hình tượng nghệ thuật cũng mang đặc điểm của thế giới khách quan. Hình tượng có chiều kích, đường nét hình khối. Ví dụ hình tượng con đường trong thơ Tố Hữu có chiều dài, chiều rộng, có không gian vật chất, có kích thước “Đường ta rộng thênh thang tám thước”(Ta đi tới - Tố Hữu). Hình tượng có thể nhìn thấy bằng cảm quan, có không gian, thời gian và có tính hoàn chỉnh, tồn tại như một vật thể. Ví dụ: nhác trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao (Truyện Kiều - Nguyễn Du) thì có đặc điểm thế giới khách quan, có chiều kích, màu sắc mặc dù chủ quan là Nguyễn Du ghê sợ loại người sống trong bóng tối. Không có đặc điểm thế giới khách quan, chúng ta không nhận ra hình tượng nghệ thuật. Nhờ đó ta biết chị Dậu khác Chí Phèo, khác anh Pha như thế nào! Nhưng hình tượng nghệ thuật không phải là bản sao của hiện thực. Nó mang đặc điểm của thế giới khách quan để chúng ta phân biệt, nhận ra và cảm thụ được nó. Nhờ đặc điểm của thế giới khách quan mà chúng ta định dạng được hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật tái hiện đời sống nhưng không phải là những hiện tượng nguyên bản của đời sống. Trong hiện thực cuộc sống, các hiện tượng sự vật như núi sông, cây cỏ chỉ đơn thuần là những sự vật hiện tượng. Nhưng khi đi vào tác phẩm nó trở thành hình tượng nghệ thuật có khả năng và sức gợi to lớn. Ví dụ hình tượng Tổ quốc trong nhiều tác phẩm là hình ảnh một gốc sim, một mái nhà gianh, một con sông quê hương, một không gian sinh tồn...Có nghĩa chúng ta định dạng được nó nhưng không can thiệp được, không sửa được. Nếu không ta đã phá vỡ tính chỉnh thể nghệ thuật của nó. Chúng ta đọc, con cháu chúng ta đọc muôn thuở nó vẫn là tác phẩm. Nhà văn viết ra như thế nào, nó tồn tại như thế ấy. Nó vừa mang đặc điểm khách quan nhưng nó thuộc về phạm trù tinh thần. Như vậy hình tượng là sự thống nhất giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ. Hình tượng nghệ thuật tồn tại như một chỉnh thể thống nhất biện chứng giữa cái chung và cái riêng,

trong đó cái chung đã được cá biệt hóa, cái cá biệt đã được khái quát hóa. Mỗi hình tượng nghệ thuật là một cái riêng độc đáo, là sự không lặp lại bất kỳ cái riêng nào khác được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau: hư cấu, tưởng tượng, ước lệ…

Hình tượng nghệ thuật là khách thể tinh thần nghệ thuật (tồn tại của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học). Khi đi vào tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật bị cắt lìa khỏi thế giới thực tại bởi nó thuộc về thế giới tinh thần, tồn tại trong tư duy và tư tưởng của con người. Hình tượng lúc này mang tính biểu tượng. Thông qua hình tượng, người nghệ sỹ phản ánh, lí giải, nghiền ngẫm hiện thực, và sáng tạo ra một thế giới khác hoàn toàn khác thế giới vật chất hữu cơ. Đó là một thế giới mới mang tính hư cấu. Khi ta bắt gặp một hình tượng nghệ thuật chúng ta phải cắt nghĩa được nó tồn tại như thế nào. Đọc một câu Kiều: Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn (Truyện Kiều - Nguyễn Du) từ ấy đến nay, sắc đẹp nàng Kiều vẫn tồn tại trong câu thơ ấy. Chúng ta cũng không biết Kiều đẹp như thế nào. Bởi vì Kiều đã trở thành khách thể tinh thần. Vẻ đẹp của Kiều không có gì cụ thể vì được so sánh với thiên nhiên. Hình thức tồn tại này như một sự tất yếu đối với người đọc. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận, tiếp thụ nó như nó đã có. Hình tượng nghệ thuật là khách thể tinh thần vì nó được chắt lọc thông qua trái tim của người nghệ sỹ. Hình tượng nghệ thuật không còn là cái có thực nữa mà nó sáng tạo ra một thế giới khác. Hình tượng nghệ thuật là kết quả của tưởng tượng nhằm tạo ra một thế giới tinh thần ứng với nhu cầu của con người. Các tình cảm và cảm xúc tâm lí chứa đựng trong hình tượng nghệ thuật thể hiện là thế mạnh riêng của sự phản ánh cuộc sống hiện thực. Người nghệ sỹ chọn lựa, sáng tạo và thổi cảm xúc vào hình tượng để hình tượng thật sự sinh động hấp dẫn, truyền cảm gợi được ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc. Hơn nữa hình tượng nghệ thuật là những khái quát của người nghệ sỹ về cuộc sống. Vì thế hình tượng nghệ thuật nó ở tầm cao hơn, sâu hơn và cụ thể, độc đáo hơn đời sống : “Nghệ thuật là cái chỉ để ngắm, để thưởng thức từ phương diện tinh thần, không có giá trị thực dụng như một đồ vật. Từ cách hiểu này có thể hiểu rộng ra về tính hình tượng.

Bất cứ một sự vật nào tồn tại chỉ để người ta nhận ra một cái khác nó, vượt ra ngoài nó thì đó là hình tượng” [ 54, 51]. Ví dụ mùa xuân trong thực tế luôn tươi đẹp, tràn trề nhựa sống và sinh lực. Từ hiện thực đó mùa xuân trong thơ Xuân Diệu không những có những nét trên của thực tại mà đó còn là cả một thế giới xuân tình có đủ hoa lá cây cỏ, ong bướm yến anh; mùa xuân của tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc. Thông qua đó nhà thơ bộc lộ niềm yêu đời, ham sống đến mãnh liệt. Những hình tượng như phong cảnh, nhân vật... chỉ là một yếu tố của hình tượng nghệ thuật. Rộng hơn, hình tượng nghệ thuật là “nền tảng của ý thức nghệ thuật, là phạm vi hoạt động thẩm mỹ của con người. Hình tượng nghệ thuật là cái tính chất làm cho tác phẩm trở thành tác phẩm nghệ thuật. “Chất văn”, “tính văn học” mà các nhà cấu trúc đề ra như là phẩm chất thiết yếu của tác phẩm văn học, chỉ khi nào gắn với hình tượng nghệ thuật thì mới thể hiện đặc trưng văn học.” [54, 55].

Hình tượng nghệ thuật là hình thức nhận thức cuộc sống (chủ thể sáng tạo). Trước hết nó là nhận thức cuộc sống của nhà văn. Nó kết tinh tình cảm trí tuệ của nhà văn trước cuộc sống như là một hình thức nhận thức cuộc sống.

“Hình tượng nghệ thuật trong tính chỉnh thể thể hiện thành thế giới nghệ thuật”

[54, 55]. Nhìn vào hệ thống hình tượng, người đọc nhận ra hình thức nhận thức cuộc sống của văn học một thời đại như thế nào. Trong văn học dân gian hệ thống hình tượng khá đơn thuần thậm chí rất đơn giản. Bao giờ nó cũng có những mẫu đề: “Hôm qua”, “đôi ta”, “ra đi”.... Từ đó triển khai nhiều hình thức của tình cảm. Văn học 1930-1945 mẫu đề biến mất, mỗi người một kiểu. Nhờ thế văn học 1930-1945 phức tạp. Bứt khỏi từ trường mang tính chất của quan niệm văn học trung đại, văn học giai đoạn 1930-1945 đã mang tinh thần tự do dân chủ. Hình thức nhận thức cuộc sống không có gì xa lạ. Ngày xưa Thôi Hiệu viết: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (Lầu Hoàng Hạc - Thôi Hiệu). Thôi Hiệu xưa kia nhìn khói hoàng hôn trên sông nước mà nhớ đến quê hương phải gợi để thấy tình quê sâu nặng. Huy Cận viết: Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

quê hương thầm kín, sâu nặng. Cảm xúc được bộc lộ trực tiếp theo phong cách của cái tôi cá nhân của con người hiện đại. Hai thời đại khác nhau có hai hình tượng khác nhau, hai quan niệm khác nhau. Khi Trương Kế viết: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang tâm ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn San tự/ Dạ bán chung thanh đáo mãn thuyền (Phong Kiều dạ bạc - Trương Kế), hình tượng tiếng chuông gợi nỗi buồn mênh mang. Sau này Hồ Chí Minh có ý thơ tập cổ: Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Nguyên tiêu - Hồ Chí Minh). Tiếng chuông và ánh trăng mãn thuyền cũng như nhau về bản chất nghệ thuật. Nhưng nó là hình thức nghệ thuật nên ánh trăng trong thơ Hồ Chí Minh tươi tắn hơn. Một tiếng chuông cô lẻ khác ánh trăng tràn cả thuyền như niềm vui hạnh phúc. Như vậy hai nhà thơ ở hai thời đại khác nhau sáng tạo ra những hình thức nhận thức cuộc sống đã khác nhau. Qua hình tượng nghệ thuật ta có thể hiểu được tư tưởng tình cảm, suy nghĩ thái độ của nhà thơ, nhà văn trước cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ nhìn thấy văn bản mà không nhìn thấy hình tượng nghệ thuật thì không thể hiểu được tư tưởng của nhà thơ, nhà văn.

“Hình tượng là cái thuộc về thế giới tinh thần, tác phẩm là cái thống nhất giữa cái tinh thần và cái vật chất, giữa cái được biểu đạt và cái biểu đạt. Hình tượng có trước tác phẩm trong ý thức của nhà văn, được khách thể hóa trong tác phẩm, rồi lại được khách thể hóa lần thứ hai trong cảm nhận của công chúng” [68, 113]. Tác phẩm văn học là những suy tư, chiêm nghiệm, khái quát của nhà thơ, nhà văn về cuộc sống. Qua đó giúp chúng ta trải nghiệm đời sống, cảm nhận thế giới xung quanh, khám phá những ý vị muôn hình vạn trạng của thế giới, làm giàu hơn đời sống tâm hồn của mỗi người. Nhưng khác với những nhà khoa học khác, các nhà văn, nhà thơ không trực tiếp diễn đạt ý nghĩ tình cảm của mình bằng các định luật, định lí mà bằng hình tượng nghệ thuật. Thông qua hình tượng nghệ thuật nhà thơ, nhà văn làm sống dậy, gợi cảm những hiện tượng, sự vật tác động đến nhận thức, suy nghĩ và tình cảm của người đọc.

Như vậy, hình tượng nghệ thuật là kết quả của hoạt động tưởng tượng nhằm tạo ra một thế giới ứng với những nhu cầu và định hướng về tinh thần con người, ứng với hoạt động có chủ đích, với lí tưởng của con người.

Một phần của tài liệu Hình tượng đất nước và con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Trang 40)