Cảm hứng sử thi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm

Một phần của tài liệu Hình tượng đất nước và con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Trang 28)

5. Kết cấu của luận văn

1.3.Cảm hứng sử thi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm

Văn học chống Mỹ mang bản chất của thời đại. Khuynh hướng sử thi là dòng văn học nổi bật mà không có nhà văn, nhà thơ nào không hòa vào dòng chảy ấy. Hơn ai hết các nhà thơ chống Mỹ hiểu sứ mệnh, đóng góp của thơ. Cũng như mọi thể loại khác, thơ đã trở thành vũ khí tinh thần, một sức mạnh tham gia vào cuộc chiến đấu, gắn bó với vận mệnh của dân tộc, Nhân dân. Thơ bám sát hiện thực sôi động của cuộc kháng chiến ghi lại những giây phút hào hùng của lịch sử: “Những năm tháng chống Mỹ là những năm tháng đầy ắp những sự kiện và những nhân vật anh hùng…Hơn lúc nào hết thơ phải mở lòng ra đón nhận lấy cuộc sống , bắt lấy được hơi thở, nhịp điệu phong phú của cuộc chiến đấu và sản xuất. Phải biết lắng nghe, cảm thụ, ghi chép, tích lũy để phản ánh được phẩm chất anh hùng của dân tộc với những nét tươi mới nhất, điển hình nhất” [44, 173].Dù thế nào chăng nữa, thì đối với các nhà thơ chiến sĩ - cái giá trị thiêng liêng và cuối cùng vẫn thuộc về Tổ Quốc.

Với tất cả nhận thức ấy về giá trị thơ ca đối với cuộc sống, về vai trò của người cầm bút đối với thời đại, thơ ca kháng chiến giai đoạn chống Mỹ gắn bó

mật thiết với những bước đi của cách mạng, với vận mệnh của dân tộc và đời sống của Nhân dân. Thơ giai đoạn này đã phản ánh hầu như mọi mặt của cuộc sống, cuộc chiến đấu dũng cảm của Nhân dân ta - điều đó cũng có nghĩa là nó giữ được vai trò và chức năng xã hội - lịch sử của mình. Thơ ca phục vụ cách mạng đã được các tầng lớp văn nghệ sĩ chấp nhận một cách tự giác và tự nguyện, bởi vì họ cho rằng đó cũng chính là trách nhiệm của một công dân. Hơn nữa mỗi người đều nhận thức về lẽ sống của thời đại nên càng ra sức cống hiến:

Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/ Ta hiểu vì ai ta hiến máu (Chào xuân 67 - Tố Hữu). Đó cũng chính là sự vượt thoát khỏi cuộc đời riêng của mỗi nhà thơ khi cảm nhận sâu sắc thời điểm lịch sử hào hùng: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm… Các nhà thơ đồng thời là những chiến sỹ ấy đều mang đến cho không khí thơ chất sử thi hào hùng của thời đại.Hình tượng về Tổ quốc, về Nhân dân, về các tầng lớp, thế hệ con người Việt Nam vừa được các nhà thơ khắc họa vừa thấm đẫm phẩm chất truyền thống lại vừa thấm sâu tinh thần của thời đại bằng cái nhìn của người trong cuộc. Rời trường đại học, Nguyễn Khoa Điềm từng lăn lộn mười năm với phong trào học sinh, sinh viên trên con đường đấu tranh nên tiếng thơ của ông thấm đẫm tinh thần thời đại và tâm tư của thế hệ trẻ. Khởi nguồn từ những suy nghĩ nung nấu lớn lao về dân tộc, Đất Nước và con người, thơ Nguyễn Khoa Điềm, cất lên tiếng hát ngợi ca Đất Nước và Nhân dân. Là một thành viên của đội quân nhà văn chiến sỹ, ngay từ đầu Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức được trách nhiệm nặng nề đối với nhân loại trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh: Bởi vì Việt Nam hôm nay/ Là Việt Nam đánh Mỹ/ Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ/ Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa tự do [12, 46]. Chính từ sự nhận thức đúng đắn trách nhiệm nặng nề của một thế hệ “gánh Đất Nước trên vai”, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được tiếng nói vừa đồng thanh vừa đại diện thế hệ nhà thơ trẻ chống Mỹ hòa vào dàn đồng ca nhưng cũng tự tách mình ra để đắm mình trong cảm hứng về Đất Nước con người. Nếu như Phạm Tiến Duật mang niềm vui hăm hở của tuổi trẻ ra chiến trường, Nguyễn Khoa Điềm lại mang vào cho thơ chất suy tư, chiêm

nghiệm không hề hời hợt của tuổi trẻ những năm tháng xuống đường, biến mặt đường thành mặt trận. Nhà thơ đã lựa chọn một cách sống của mình, chỗ đứng của mình khi đã thấm nhuần sâu sắc mục đích cuộc chiến đấu. Ông đã có mặt và đi suốt chiều dài cuộc chiến tranh, đứng trên điểm tựa lịch sử ghi lại thời kỳ đau thương mà hào hùng của dân tộc. Sống hết mình cho cuộc chiến đấu, cảm hứng bao trùm trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là cảm hứng về quê hương Đất Nước, con người lồng trong cảm hứng lịch sử. Nguyễn Khoa Điềm mạnh dạn đi vào những chủ đề lớn dựng lên chân dung Đất Nước và con người Việt Nam trong một thời bi tráng, hào hùng. Cảm hứng lịch sử của Nguyễn Khoa Điềm có độ sâu và chín của cảm xúc từ một trái tim dào dạt say mê lí tưởng và cái tôi trải nghiệm cá nhân. Ông đã xây dựng thành công những hình tượng nghệ thuật trong không khí sử thi của thời đại. Thơ Nguyễn Khoa Điềm đưa ta thực sự sống lại một thời oanh liệt của dân tộc. Cảm hứng anh hùng, cảm hứng dân tộc đã nâng thơ Nguyễn Khoa Điềm lên một tầm vóc mới. Không chỉ phản ánh không khí của thời đại mà nhà thơ còn tái hiện cả chiều dài, chiều sâu của lịch sử. Thơ ông đã cất lên những bản anh hùng ca bi tráng về những năm tháng hào hùng của một dân tộc anh hùng. Ông ghi lại một thời bằng những tráng ca, những khúc bi hùng, những tiếng thét xung trận, những bước chân xuống đường. Trước yêu cầu thể hiện một hiện thực phong phú, lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn thể trường ca. Đó cũng là xu hướng chung của thơ ca trong việc hướng tới những vấn đề mang tầm vóc lớn lao của thực tế cách mạng khi những cảm xúc về những năm tháng hào hùng vượt lên trên những bài thơ nhỏ lẻ. Thơ không thể chỉ tự bằng lòng đóng khung trong phạm vi nhỏ hẹp mà còn có khát vọng mở rộng để khám phá và biểu hiện tầm sử thi của cuộc sống. Ở những đề tài lớn, những vấn đề có ý nghĩa khái quát sâu rộng, trường ca có nhiều thế mạnh trong việc thể hiện cuộc sống cách mạng trong bước đi kì vĩ của nó, trong việc mở rộng tầm suy nghĩ, tầm nhận thức của thơ. “Hơn nữa, với các thể trường ca, ta có thể thấy số đông các trường ca ta có thể nói đến một thứ trữ tình lịch sử, ví nó ca hát và ngâm ngợi trên những vấn đề dù của hiện tại nhưng thuộc về cái mốc lớn trên con đường lịch sử của dân tộc” [77, 76]. Nhiều

trường ca như Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển - Thanh Thảo, Trường ca Sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu... chủ yếu thể hiện những suy tưởng, những cảm xúc của chủ thể trữ tình mang đậm chất sử thi, giàu tư tưởng và tầm khái quát thể hiện cảm hứng sử thi hào hùng. Cũng như vậy, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn trường ca để tái hiện tinh thần thời đại thể hiện từng mảng hiện thực và cảm xúc lớn. Nguyễn Khoa Điềm là người rất thành công với giọng thơ trữ tình chính luận thể hiện rõ những tâm tư của thế hệ trẻ đô thị miền Nam. Trường ca Mặt đường khát vọng (1974) là tiếng vọng tâm tình của một hồn thơ hòa cùng mạch cảm xúc của dân tộc đứng trước dòng thác lũ thời đại: Trong tiếng cồng không dứt/ Trong tiếng chiêng không tắt/ Ta đi/ Trong âm vang yêu nước [12, 40].

Trường ca Mặt đường khát vọng đã nói hộ thanh niên thế hệ trẻ chống Mỹ những cảm xúc nồng nàn cháy bỏng với quê hương Đất Nước. Trong những năm tháng chống Mỹ, tiếng nói trữ tình tha thiết của tuổi trẻ được nói bằng tiếng nói của người trong cuộc: “Sống giữa cuộc chiến đấu, nhận thức những vấn đề cấp thiết mà cuộc chiến đấu đang đặt ra, thơ Nguyễn Khoa Điềm là tiếng nói chiến trường của tuổi trẻ” [36, 481]. Cuộc kháng chiến chống Mỹ dồn nén ý chí từ hàng ngàn năm lịch sử. Đó là thời đại Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng/ Cả dân tộc đều trên mình ngựa thép/ Ba mươi mốt triệu cháu con đều có dáng ông cha (Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng- Chế Lan Viên). Mỗi trường ca trong giai đoạn này đều lấy đề tài lịch sử, dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm cảm hứng, chiều sâu của nhận thức. Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện trọn vẹn con người Đất Nước với tất cả chiều sâu lịch sử. Con người trong văn học chống Mỹ nói chung và con người cá nhân trong thơ Nguyễn Khoa Điềm nói riêng xa lạ với những nét đau thương mềm yếu. Đó là gương mặt của người quyết chiến quyết thắng. Đó là con người của cuộc sống lớn có lí tưởng lớn: từ kiên trì quật khởi từ căm thù đau thương đến đứng lên chống lại kẻ thù.

Nhiều nhà thơ trong giai đoạn này có những đặc tả về chân dung thế hệ mình. Gương mặt họ xuất hiện trong thơ với tất cả những nét chân thật nhất: Thế

hệ chúng tôi đi như gió thổi./ Áo quân phục xanh đồng sắc với chân trời ( Đất Nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo). Thế hệ trẻ trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm nói riêng, trong các trường ca nói chung đều luôn ý thức, tự nguyện trong sự chọn lựa, gánh trên vai sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử cao cả. Cũng như các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm nguồn cảm hứng về hiện thực đời sống chiến đấu là không bao giờ vơi cạn. Họ muốn tổng kết, nhận diện lại lịch sử một cách sâu sắc, trọn vẹn hơn bằng thể loại trường ca có ưu thế trong việc chiếm lĩnh hiện thực. Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu, Những người đi tới biển của Thanh Thảo đã tái hiện không khí chiến trường oanh liệt, hào hùng nhưng cũng không thiếu những hy sinh mất mát thậm chí là những đau thương của chiến tranh khốc liệt. Có độ lùi về thời gian, các trường ca này không né tránh hiện thực đau thương, không ngại nói về sự thật khốc liệt nhất của chiến trường. Hình ảnh Những chiếc võng mục giữa rừng nguyên thủy/ Còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng (Những người đi tới biển - Thanh Thảo) là hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Nhưng trên tất cả người lính sống với sự lựa chọn đó: Người ta không thể chọn được nơi sinh ra/ Nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy (Những người đi tới biển - Thanh Thảo). Có thời gian nhìn lại những chặng đường đã qua, cùng với những trải nghiệm của chính bản thân trong cuộc chiến tranh, các nhà thơ thế hệ thứ ba đã có một cái nhìn khá sâu sắc trong việc tổng kết và nhận diện lịch sử. Lịch sử được nhìn nhận trong cuộc chiến, có chiến công nhưng cũng có máu và nước mắt. Còn Trường ca Mặt đường khát vọng được viết năm 1971 giữa lúc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, nên nếu có đau thương cũng chỉ là một nét nhỏ để tôn lên tính chất sử thi của cuộc chiến. Chất sử thi trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong thể loại trường ca với cảm hứng phát triển theo các sự kiện lớn lao, kì vĩ gắn với những vấn đề trọng đại của dân tộc.

Mặt đường khát vọng là những mảng lớn của hiện thực dựng lại không khí quyết liệt của cuộc chiến đấu đưa người đọc nhập cuộc vào không khí chiến trường sục sôi của tuổi trẻ. Nhà thơ đã khái quát hiện thực lịch sử, dựng lên bức tranh hiện thực phong phú của cuộc kháng chiến huy động sức mạnh toàn dân tộc: “Nguyễn Khoa Điềm đã nói được cái gay gắt, cái dữ dội quyết liệt của cuộc

sống chiến đấu, những trấn động lớn lao, những trăn trở không yên trong lòng người” [42, 386]. Sống trọn vẹn với cuộc chiến đấu, tác giả đưa ta đến với những đêm không ngủ của tuổi trẻ miền Nam “nói cho đồng bào tôi nghe” [12, 67]và “nghe đồng bào tôi nói” [12, 67]. Cảm hứng và cấu tứ vận động theo quá trình thức tỉnh của một tầng lớp thanh niên thành thị miền Nam trước thực tại Đất Nước, nhìn rõ bản chất của kẻ thù, thấu hiểu sức mạnh, vai trò của Nhân dân, từ đó gắn bó với sự nghiệp cứu nước. Trường ca Mặt đường khát vọng

không dừng lại ở phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh và nhận thức của tuổi trẻ mà còn mở rộng đến nhiều vấn đề về lịch sử, Đất Nước, con người xoay quanh cuộc đời tập thể của những anh hùng vô danh - Nhân dân. Từ hiện thực cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên, nhà thơ lồng vào những vấn đề của thời đại, của thế hệ và những suy tư về Nhân dân, Đất Nước, về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta. Ông viết: “Tôi cũng vậy, luôn thường trực ý nghĩ mình viết cái gì, mỗi một từ ngữ hình ảnh giản dị bình thường nhất thì cũng phải có lợi cho cuộc chiến đấu” [61, 267]. Cảm xúc của nhà thơ viết về cuộc kháng chiến chủ yếu là cái ta cộng đồng. Ông viết: “Lúc bấy giờ cảm xúc về anh hùng, sự vươn lên trong chiến đấu, hi sinh là có thật đối với mỗi người, đặc biệt là những người làm văn học” [28, 122]. Bàn về không khí trong trường ca ông viết: Chính hiện thực vỹ đại của lịch sử đã tạo nên cảm xúc hoành tráng của trường ca. Từ những “đêm không ngủ”, “những ngày xuống đường”, lăn lộn trong phong trào sinh viên, học sinh Nguyễn Khoa Điềm đã tích lũy cho mình những trải nghiệm trong cảm hứng thời đại tạo ra nhiều bài thơ đặc sắc mang cảm hứng trữ tình sử thi. Cái tôi trữ tình trong thơ ông một mặt ca ngợi Đất Nước hào hùng, mặt khác đó là cái tôi thế hệ với tuổi trẻ sục sôi giàu lí tưởng và nhiệt huyết. Thơ ông đã ghi lại một thời sôi nổi, giục giã của những khát khao hành động. Mặt đường khát vọng thể hiện một sự cảm nhận hết sức mới mẻ, một cách định nghĩa hết sức sáng tạo về Đất Nước, những suy nghĩ về Nhân dân bằng giọng điệu triết lí - trữ tình - chính luận. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã biến mệnh lệnh lịch sử thành tiếng nói trái tim nên thơ ông thấm đẫm cảm xúc. Nhà thơ cắt nghĩa sâu xa về cội nguồn Đất Nước để tuổi trẻ miền Nam nhận thức sâu xa về dân tộc: Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và

san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước của muôn đời [12, 32]. Như một lời tự nhủ, tự dặn mình chân thành, nhà thơ thức tỉnh tuổi trẻ miền Nam đứng về phía Nhân dân, Đất Nước xuống đường đấu tranh để giải phóng dân tộc cũng là con đường tìm về với Nhân dân, dân tộc: Hỡi tuổi trẻ như một rừng cây lớn/ Hãy đến đây làm người lính trung kiên [12, 29]. Lí tưởng của Nguyễn Khoa Điềm là lí tưởng cao đẹp về hiện thực vĩ đại của thực tế chiến đấu của Nhân dân miền Nam đưa ta sống lại một thời oanh liệt.

Lịch sử đặt Việt Nam vào cuộc đối đầu chưa từng có giữa một dân tộc nhỏ bé với một tên đế quốc khổng lồ. Hiện thực chiến tranh đâu chỉ có chiến trường ác liệt, đâu chỉ là lửa đạn bom rền. Đó còn là những mảnh đời trôi nổi, những âm thanh đớn đau giữa lòng đô thị. Cái tôi tự nghiệm đi sâu vào cuộc sống loạn lạc. Khi viết về chiến tranh, với tư thế của người nhập cuộc, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa vào thơ hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh rất nhiều hy sinh. Sự tàn ác của kẻ thù được phản ánh cụ thể, rõ nét trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Những bài thơ của ông lách con dao trí tuệ vào

Một phần của tài liệu Hình tượng đất nước và con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Trang 28)