Hình tượng Đất Nước trong thơ ca

Một phần của tài liệu Hình tượng đất nước và con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Trang 45)

5. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Hình tượng Đất Nước trong thơ ca

Hình tượng thơ vừa là công cụ tư duy của nhà thơ vừa là mục đích của thơ. Hình tượng thơ là là sự thống nhất giữa giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ, được thể hiện trong mối liên hệ hữu cơ, toàn vẹn của những yếu tố như âm thanh, vần điệu, được nhà thơ sử dụng. Hình tượng được xây dựng từ hình ảnh. Tự thân hình ảnh khi đạt đến trình độ điển hình hóa cao có thể là hình tượng. Thông thường hình tượng là hình ảnh được lặp đi lặp lại ở những góc độ và trạng thái khác nhau để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc, đầy đủ về đối tượng. Hình tượng thơ còn có nghĩa rộng hơn đặt trong thời đại: “Hình tượng thơ là kết quả chủ yếu của một tác phẩm, sự nghiệp của một tác giả và cho cả một nền thơ , một giai đoạn thơ” [65, 38].

Hình tượng thơ đặc sắc trong giai đoạn thơ kháng chiến là hình tượng Đất Nước và con người. Hình tượng Đất Nước mang đặc điểm của thế giới khách quan. Đất và Nước là hai sự vật lớn lao, bền vững, tươi đẹp có trong thiên nhiên.

“Nước” là khái niệm thuần túy của người Việt có từ xa xưa, xuất phát từ địa lí tự nhiên vùng sông nước và từ điều kiện canh tác đặc thù của việc trồng lúa nước. Cùng với từ “Đất”, từ “Nước”“Đất Nước” dần dần được dùng với nghĩa bóng quan trọng hơn, là để chỉ vùng đất, khu vực thuộc về một cộng đồng sinh sống, cư trú, làm chủ. Đất Nước, hay Tổ quốc, Quốc gia… đều mang hàm nghĩa chung như vậy. Chúng có quan hệ mật thiết với đời sống tinh thần của con người. Mối quan hệ giữa con người và Đất Nước có tính chất một chiều. Con người là chủ thể, còn Đất Nước là đối tượng của tình cảm yêu thương. Đất Nước có nhiều ảnh hưởng tới tâm hồn, tình cảm con người và gắn bó với con người. Hình tượng Đất Nước xuất hiện trong văn học là một tất yếu. Từ xưa đến nay, hình tượng Đất Nước luôn chiếm một vị trí quan trọng trong thơ ca. Hình tượng Đất Nước là cách gọi tên Đất Nước một cách trang trọng thiêng liêng vừa trìu mến về Đất Nước Việt Nam. Đất Nước chính là nước Việt Nam được gọi lên một cách bình dị thân thương. “Hình tượng Tổ quốc chiếm một vị trí trang trọng trung tâm thơ cách mạng Việt Nam (1945-1975). Đó là những bài thơ về Tổ quốc, về Việt Nam, về làng quê, quê mẹ, về những con sông, cánh đồng, con

đường, về Nhân dân, về người mẹ, về lịch sử, về cha ông...Tổ quốc không chỉ là không gian cư trú, làm ăn sinh sống mà còn là truyền thống văn hóa, lịch sử, là tình cảm thiêng liêng, là tất cả những gì thân thuộc tạo thành cuộc sống Việt Nam.” [7, 31]. Hình tượng Đất Nước là tượng đài cao đẹp hùng vĩ. Đất Nước là hiện thân cho con người Việt Nam. Đất Nước và con người thường gắn bó với nhau tạo nên hình tượng chung: Đất Nước.

Hình tượng Đất Nước được các nhà thơ thể hiện qua nhiều biểu tượng. Hình tượng Đất Nước được nhìn nhận qua lăng kính làng quê với những hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, dòng sông, cánh đồng, cánh cò… Những vần thơ về Đất Nước qua những biểu tượng này có sức gợi cảm đặc biệt vì làng quê vốn là không gian gần gũi, ấm áp thân thiết của mỗi người dân đất Việt. Đất Nước hiện lên tươi đẹp qua chiều kích của không thời gian và những giá trị văn hóa:

Việt Nam Đất Nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều. (Bài ca Hắc Hải - Nguyễn Đình Thi).

Hình tượng Đất Nước còn được khắc họa như là những giá trị tinh thần bền vững. Đó là truyền thống dựng nước và giữ nước, đó là những nét văn hóa, tâm linh, phong tục tập quán của người Việt. Hình tượng Tổ quốc được khắc họa từ bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Quá khứ Đất Nước hiện lên ở nhiều mặt chủ yếu là những dấu tích văn hóa về một Đất Nước Lạc Hồng : Ai về đất Bắc ta đi với/ Thăm lại giang sơn giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long (Nhớ Bắc - Huỳnh Văn Nghệ). Các nhà thơ thường sử dụng những hình ảnh hào hùng khơi gợi cảm hứng lịch sử qua những biểu tượng: Lửa Phù Đổng, hồn Thánh Gióng: Một tấm lòng cũng trứng Âu Cơ/ Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng (Bài thơ của một người yêu nước - Trần Vàng Sao). Hình ảnh Lạc Long Quân, Âu Cơ, Đống Đa, Bạch Đằng là những chứng tích lịch sử và nền văn hóa của dân tộc Việt cũng là một hình tượng thơ về Đất Nước. Hình tượng Đất Nước đằm thắm giàu tính nhân văn trong sức sống và nét đẹp văn hóa của dân tộc: Mái đình cong cong như bàn tay em giữa đêm chèo/ Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả/ Cái đôn

hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo (Thời sự hè 72, Bình luận - Chế Lan Viên). Những di tích lịch sử và nền văn hiến dân tộc góp phần làm sâu sắc hình tượng Đất Nước. Những hình ảnh mang sắc thái văn hóa dân gian góp phần làm đẹp hơn giá trị nhân văn của Đất Nước.

Hình tượng Đất Nước còn hiện lên qua các biểu tượng về con người. Đất Nước là những con người. Những con người ấy tiêu biểu cho tâm hồn khí phách dân tộc. Biểu tượng bà mẹ - Đất Nước là một hình ảnh đẹp trong thơ. Biểu tượng người mẹ là một trong những biểu trưng đẹp nhất, sáng chói nhất, tượng trưng sâu sắc nhất về hình tượng Đất Nước. Người mẹ thầm lặng mà mãnh liệt, dịu dàng, thủy chung mà anh dũng, kiên trung, giản dị; đau thương, vất vả mà đôn hậu nhân từ. Những bà mẹ Việt Nam tần tảo giàu hy sinh và lòng thương yêu được khái quát thành bà mẹ Đất Nước. Người mẹ cuộc đời, người mẹ Đất Nước được khắc họa với đầy đủ những phẩm chất trong lao động và trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường. Người mẹ trong cuộc sống đời thường gắn liền với hoàn cảnh chung của Đất Nước, luôn che chở cho con:

“sáng chắn bão dông chiều ngăn nắng lửa”( Lời bài hát Đất Nước - Tạ Hữu Yên). Điểm nổi bất của hình ảnh người mẹ là luôn gắn với tư thế chiến đấu. Đó là hình ảnh bà mẹ Tà Ôi địu con lên rẫy, đạp núi băng rừng, tham gia kháng chiến: Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội/ Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ). Đó là mẹ Suốt Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày (Mẹ Suốt - Tố Hữu). Đó là những bà mẹ đánh giặc: Mẹ ơi mẹ đi ra chặn giặc…/ Truyền đơn lẫn bó rau xanh (Mẹ ra trận có gì). Trong tư thế của bà mẹ chiến đấu, người mẹ Việt Nam sáng ngời những phẩm chất yêu nước, thương con.

Hình tượng Đất Nước còn được thể hiện qua biểu tượng người lính. Hình tượng người lính đã từng xuất hiện trong ca dao, cổ tích, trong văn học trung đại (thơ văn Nguyễn Trãi, trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...). Từ sau cách mạng tháng Tám, hình tượng người lính đã trở thành hình tượng trung tâm của văn học cách mạng. Hình tượng người lính là một hình tượng tiêu biểu cho ý chí quật cường của Đất Nước. Người lính chiến đấu cho lí tưởng đẹp nhất cho nên

dù phải nếm trải mọi khó khăn thậm chí cái chết cũng không làm họ sờn lòng. Đẹp biết bao những con người biết gác lại riêng tư cá nhân để hướng tới những chân trời lớn lao của dân tộc: giành độc lập cho Đất Nước. Tiếp tục làm nhiệm vụ của người lính chống Pháp năm xưa, anh giải phóng quân trong thời đại chống Mỹ lại gửi lại quê hương, người yêu ở hậu phương mà ra đi “Xẻ dọc Trường Sơn cứu nước” (Theo chân Bác - Tố Hữu). Để từ đó họ nổi bật lên một dáng hình xứ sở của dân tộc Việt Nam: Anh là chiến sỹ giải phóng quân/ Ôi anh giải phóng quân!/ Tên anh đã thành tên Đất Nước/ Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân. (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân).

Đất Nước chúng ta có những lúc chìm trong đói nghèo tăm tối, đau khổ:

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi (Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên). Đêm trước của Cách mạng tháng Tám Đất Nước chìm trong bóng đêm nô lệ đói nghèo đến kiệt quệ. Hai triệu người đã chết đói, nạn mù chữ và giặc giã hoành hành. Đất Nước trăn trở tìm hướng đi cho mình: Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao? Nụ cười sẽ ra sao?/ Ơi độc lập. Xanh biết mấy là màu xanh Tổ quốc/ Khi tự do về chói ở trên đầu (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên). Cách mạng tháng Tám đem lại độc lập hòa bình cho Đất Nước. Đất Nước có tâm hồn diện mạo mới: Trời thu đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa (Đất Nước - Nguyễn Đình Thi). Từ hoài niệm tươi sáng về mùa thu nay, cảm hứng về Đất Nước đổi mới là cảm xúc của nhiều nhà thơ. Mùa thu của thiên nhiên đất trời gợi nhớ về mùa thu Đất Nước rạng ngời niềm vui và bao xúc động tự hào khi Đất Nước được độc lập tự do.

Ngay từ buổi sơ khai, trong ca dao hình tượng Đất Nước nổi bật với những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp non sông Đất Nước. Đất Nước trong ca dao là tình cảm biết bao yêu mến, chan chứa tự hào. Đó là quê hương quê nhà với những kí ức đẹp tươi: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/

Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao (Ca dao). Đất Nước trong ca dao gắn liền với những vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương xứ sở: Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

(Ca dao).

Hình ảnh quê hương Đất Nước trong ca dao là hình ảnh Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hà Nội là kinh đô Thăng Long xưa là nơi tích tụ những vẻ đẹp của cảnh vật và văn hiến: Thăng Long Hà Nội đô thành/ Nước non ai vẽ lên tranh họa đồ/ Cố đô rồi lại Tân Đô/ Ngàn năm văn vật bây giờ là đây (Ca dao).

Vẻ đẹp tráng lệ của Đất Nước đươc ngợi ca qua tình yêu mến, tự hào, gắn bó với quê hương: Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư đông đúc như hình con long/ Nhờ trời hạ kế sang đông/ Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi (Ca dao).

Hình tượng Đất Nước trong ca dao là những vùng đất giàu văn hóa: cố đô, Thăng Long; là những lũy tre, cây đa, bến nước, mái đình của làng quê được thể hiện qua những hình ảnh mang tính biểu trưng như ruộng lúa, cánh cò, con sông...

Hình tượng Đất Nước trong văn học trung đại gắn với tư tưởng trung quân ái quốc. Đất Nước là sơn hà, gian sơn gắn liền với các vị vua hay các triều đại. Đất Nước do vua chúa cai quản. Trong bài Nam quốc sơn hà, Lí Thường Kiệt khẳng định: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở. Nước Nam là của Vua Nam, đó là ý Trời, kẻ nào xâm lược nước Nam là trái nghịch ý trời, là chống lại xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, tất sẽ bại vong. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng khẳng định: Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương. Như vậy cả hai bài thơ được cho là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc đều khẳng định Đất Nước là núi sông bờ cõi, có chủ quyền lãnh thổ và của vua cũng như các triều đại đã từng gây dựng. Ngay cả trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dùng hình ảnh ước lệ tượng trưng về Đất Nước để nói về nghĩa tình lớn lao sâu nặng: Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn/ Đệ lời thệ hải minh sơn/ Làm con trước phải đền ơn sinh thành (Truyện Kiều -

Nguyễn Du). Đất Nước trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là: Từ có vũ trụ đã có gian san/ Quả là trời đất cho nơi hiểm trở/ Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc trị an (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu). Hình tượng Đất Nước trong thơ trung đại mang nặng tính chất ước lệ, trừu tượng. Đất Nước thường là những hình ảnh mang tầm vóc giang san, sơn hà, Bách Việt. Quan niệm về Đất Nước trong thơ văn xưa hạn chế trong ý thức hệ phong kiến nên giang san là của những người đại diện cho các triều đại phong kiến. Các nhà tư tưởng phong kiến đều quan niệm Đất Nước là của vua, vua là người làm chủ Đất Nước:“Trong nước không có mảnh đất nào không phải của vua. Không có người dân nào không phải bề tôi của vua” (Biện giải việc từ chối sang chầu - Trần Thánh Tông).

Trong phong trào Thơ mới, Đất Nước là cảnh trí non sông, làng quê thân thuộc. Thơ mới phá bỏ hệ thống cổ điển ước lệ của thơ cũ, vượt thoát khỏi những quan niệm trung quân ái quốc nên hình tượng Đất Nước trong thơ mới chân thật và gần gũi quen thuộc. Đó là một thôn Vỹ Dạ đẹp trong hoài niệm của Hàn Mặc Tử, là Chiều xuân của Anh Thơ, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Tràng giang của Huy Cận,... Quê hương Đất Nước thân thương đã trở thành cảm hứng trong nhiều bài thơ. Đó là hình ảnh Chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp (Em đi Chùa Hương); hình ảnh làng sơn cước vùng Hương Sơn Hà Tĩnh trong thơ Huy Cận (Đẹp xưa); hình ảnh làng chài nơi cửa biển quê hương trong thơ Tế Hanh (Quê hương) v.v… Các thi sĩ đã mang đến cho thơ cái hương vị đậm đà của làng quê, cái không khí mộc mạc quen thuộc của ca dao: Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, … Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông, mái đình, gốc đa, bến nước, làn nắng ửng, khói mơ tan, mái nhà tranh đã gợi lên sắc màu quê hương bình dị, đáng yêu trong tâm hồn mỗi người Việt Nam yêu nước. Mỗi bài thơ là một nét mặt của Đất Nước. Có lúc Đất Nước hùng vỹ, tráng lệ qua hình ảnh “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” (Tràng giang - Huy Cận); có lúc êm đềm hiền hòa trong thiên nhiên mùa xuân của vùng đồng bằng Bắc Bộ :

Ngoài bờ đê cỏ non tràn biếc cỏ/ Đàn trâu bò thong thả cúi ăn mưa (Chiều xuân - Anh Thơ).

Nhưng sống trong thời đại “nước đi đi mãi chưa về cùng non” (Thề non nước - Tản Đà), nên hình tượng Đất Nước trong thơ mới được cảm nhận qua tâm trạng u buồn như là một nét đặc trưng, vấn đề tâm bệnh của thời đại.

“Trào lưu thi ca này như một tâm hồn trĩu nặng ưu tư và xao động trong tình cảnh buồn vui xót xa. Những tình cảm này gắn liền với từng cuộc đời thơ, nhưng cũng mang hơi thở chung của thời đại. Đó là tiếng nói tâm tình của các tầng lớp tiểu tư sản thành thị trước một thực tại không như mình mong muốn.” [22, 11]. Trước phong trào thơ mới, Phan Bội Châu xót thương cho đất Việt với tâm trạng có phần bi quan: Hồn mê mẩn, tỉnh chưa chưa tỉnh/ Anh em ta phải tính sao đây! (Đề quốc dân ca - Phan Bội Châu). Sau đó hình tượng Đất Nước thấp thoáng trong thơ Tản Đà cũng với cảm xúc u uất của một người “Tài cao phận thấp, chí khí uất” (Thăm mả cũ bên đường- Tản Đà). Tổ quốc xa xôi trong hoài niệm qua biểu tượng nước và non: Nước non nặng một lời thề,/ Nước đi, đi mãi chưa về cùng non. (Thề non nước - Tản Đà).

Một phần của tài liệu Hình tượng đất nước và con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (Trang 45)