5. Ý nghĩa khoa học thực tiễn của luận án
1.2.4. Trong công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy
Trong công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, nguyên liệu ban đầu được nghiền cơ học và xử lý hóa học để các sợi gỗ được tách riêng khỏi nhau chuyển thành bột giấy chứa các sợi và bột mịn. Trong quy trình sản xuất giấy cần loại bỏ lignin khỏi bột giấy, còn cellulose thì được giữ lại. Phương pháp thông thường là bổ sung dung dịch chlor hoặc chlordiocide. Đây là một phương pháp tốn kém và thường gây ô nhiễm môi trường do thành phần chlor tồn dư trong nước thải. Vì thế, trong những năm gần đây một giải pháp mới được đưa ra để thay thế phương pháp truyền thống, đó là sử dụng các chế phẩm enzyme trong đó có glucanase để xử lý bột giấy [23].
Glucanase thường được bổ sung vào công đoạn nghiền bột giấy để làm thay đổi nhẹ cấu hình của sợi cellulose, tăng khả năng nghiền và tiết kiệm khoảng 20-40% năng lượng cho quá trình nghiền cơ học [107]. Đồng thời xử lý glucanase trước khi xử lý hóa chất nghiền bột hóa học sẽ làm phá vỡ lớp vỏ ngoài của gỗ, làm tăng khả năng khuếch tán của hóa chất vào phía trong gỗ, tăng
hiệu quả khử lignin [22], [23]. Đặc biệt trong công nghệ tái chế giấy, glucanase được sử dụng để tẩy mực in bám trên giấy. Kỹ thuật này đã mở ra triển vọng đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy tái sinh [83].
1.2.5. Ứng dụng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa và công nghệ xử lý rác thải
Cùng với protease, lipase, amylase, cellulase và hemicellulase được ứng dụng để sản xuất chất tẩy rửa. Cellulase có khả năng làm thay đổi cấu trúc sợi cellulose để thay đổi giá trị cảm quan và độ sáng màu của sợi vải. Cellulase sẽ thủy phân các tơ sợi của sợi vải là nơi bám của các phân tử bụi bẩn, loại bỏ chúng khỏi quần áo [107]. Tính đến năm 2002 đã có nhiều cellulase được sản xuất dùng cho bột giặt như: endoglucanase và exoglucanase từ Thermomyces lanuginous [132].
Sử dụng enzyme trong xử lý chất thải, công nghệ tái sử dụng phế thải, chuyển các phế thải thành sản phẩm có ích là một hướng quan trọng trong xử lý chống ô nhiễm môi trường. Trong nhiều năm qua trên thế giới và cả ở Việt Nam, các chủng vi sinh vật sinh tổng hợp enzyme phân hủy cellulose đã được ứng dụng rất có hiệu quả để xử lý rác thải sinh hoạt. Nguyễn Lan Hương và Hoàng Đình Hòa (2003) đã phân lập và tuyển chọn được các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn có hoạt tính cellulase, sau đó bổ sung vào bể ủ rác thải đã rút ngắn được chu kỳ xử lý rác thải sinh hoạt từ 5-7 ngày [10]. Nhiều chủng vi khuẩn, xạ khuẩn và nấm đã được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả trong quá trình xử lý rác thải ở Việt Nam. Nhiều chế phẩm vi sinh trong đó chứa hệ sinh vật sinh tổng hợp cellulase đã được nghiên cứu và sản xuất để xử lý rác thải. Trong đó, chế phẩm Micromix 3 khi bổ sung vào bể ủ rác thải có thổi khí đã rút ngắn được 15 ngày ủ, giảm một nửa thời gian lên men so với đối chứng. Đồng thời, lượng mùn tạo thành khi xử lý rác bằng chế phẩm Micromix 3 cao hơn 29% và các chất dinh dưỡng cao hơn 10% so với đối chứng. Sản phẩm của quá trình xử lý rác thải được phối trộn và bổ sung một số vi sinh vật có ích cố định đạm tạo thành
phân bón vi sinh, được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu được nguồn và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường [1], [5], [8], [15], [22].