Biện pháp trung gian hòa giải

Một phần của tài liệu Áp dụng Điều 33 Hiến chương của Liên hợp quốc nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế (Trang 26)

Trung gian hòa giải là một trong những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế có sự tham gia của bên thứ ba nhằm giúp các bên tranh chấp giải quyết có hiệu quả các tranh chấp giữa họ với nhau. Bên trung gian hòa giải có thể là các quốc gia, các tổ chức quốc tế hoặc cá nhân có uy tín lớn trên trường quốc tế làm trung gian hòa giải với sự tự nguyện hoặc do một trong các bên tranh chấp đề nghị.

Biện pháp trung gian hòa giải đã được đề cập trong Công ước La Hay 1899 và Công ước bổ sung La Hay 1907. Theo đó, các quốc gia là các bên ký kết có quyền đề nghị môi giới hoặc trung gian hòa giải ngay cả trong thời kỳ chiến tranh. Công ước cũng buộc các bên tranh chấp, trong trường hợp có thể, phải áp dụng biện pháp môi giới, trung gian hòa giải trước khi sử dụng vũ lực.

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, có rất nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết với sự đóng góp rất lớn của bên trung gian hòa giải, điển hình như nhóm “Bộ tứ” bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên bang Nga và Mỹ; hoặc năm 1963-1964 tranh chấp lãnh thổ biên giới giữa Angiêri với Ma Rốc, các nước láng riềng là Ma Li và Êtiôpia là hai quốc gia làm trung gian hòa giải để giải quyết tranh chấp này. Đồng thời, tiếp đó hai quốc gia này còn đóng vai trò là quan sát viên giám sát việc ngừng bắn giữa hai nước Angiêri và Ma Rốc; hoặc cuộc khủng hoảng vùng vịnh caribe năm 1962 giữa Mỹ và Liên Xô có khả năng đe dọa an ninh cho Cuba, và thế giới, Liên Xa đã đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ là ông U Than người Myanma đóng vai trò trung gian hòa giải, kết quả là vụ việc đã được Mỹ và Liên Xô giải quyết một cách hòa bình, nguy cơ xung đột, chiến tranh hạt nhân đã được tháo gỡ kịp thời [5].

Về bản chất, bên trung gian hòa giả thực chất là bên đứng ra hòa giải, vì vậy họ không có thầm quyền quyết định các biện pháp giải quyết tranh chấp. Mặt khác, những giải pháp do bên trung gian hòa giải đưa ra chỉ có giá trị tham khảo, không mang tính chất bắt buộc và bên trung gian hòa giải không phải là cơ quan tài phán quốc tế có thầm quyền giải quyết tranh chấp của các quốc gia.

Thực tế, bên trung gian hòa giải có thể đóng vai trò là nước chủ nhà để các bên tranh chấp tổ chức hội nghị. Ví dụ, năm 1982, tại trại David, Mỹ đã làm trung gian hòa giải cho Ixraen và Ai Cập giải quyết tranh chấp về bán đảo Sinai mà Ixraen đã chiếm đóng của Ai Cập trong cộc chiến tranh sáu ngày năm 1967. Theo đó, Ixraen đã cam kết trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập với điều kiện Ai Cập cũng phải cam kết phi quân sự hóa của bán đảo này. Hoặc từ năm 1968 đến năm 1973, Cộng hòa Pháp là quốc gia chủ nhà của Hội nghị Pari giữa các bên liên quan trong cuộc chiến tranh Việt Nam gồm Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (Hội nghị Pari ngày 27/1/1973) [5].

Bên trung gian hòa giải đóng vai trò chủ tọa trong các cuộc đàm phán, đưa ra giải pháp giúp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp. Thế nhưng, dù với tư cách nào, bên trung gian hòa giải cũng phải tuân thủ vai trò trung gian hòa giải của mình, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ tranh chấp cũng như không được lợi dụng để can thiệp vào vụ tranh chấp

Một phần của tài liệu Áp dụng Điều 33 Hiến chương của Liên hợp quốc nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế (Trang 26)