Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế theo đó, các quốc gia là các bên tranh chấp sẽ thỏa thuận trao cho một hoặc một số cá nhân (Trọng tài viên) thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có liên quan.
Trong thực tiễn quan hệ quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế, hình mẫu Trọng tài hiện đại được ghi nhận lần đầu tiên là Tòa trọng tài quốc tế được thành lập
theo Hiệp ước JAY (Hiệp định hữu nghị về thương mại và hàng hải) giữa Anh và Mỹ, ký ngày 19/11/1974 để giải quyết các vấn đề liên quan giữa hai nước sau cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ. Theo hiệp định này, Hội đồng trọng tài được thành lập gồm 3 thành viên nhằm xác định đường biên giới trên song Sainte Croix, và xem xét những kiến nghị của từng quốc gia phát sinh trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Từ đó đến nay, có rất nhiều Tòa trọng tài được thành lập để giải quyết tranh chấp như Trọng tài hành chính của tổ chức lao động thế giới, Trọng tài hành chính của ngân hàng thế giới, Trọng tài về Li Bi, Tòa trọng tài Luật biển, Trọng tài về truy cứu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ruanda; Tòa trọng tài thường trực La Haye…
Nghiên cứu mô hình tổ chức hoạt động, thẩm quyền của các Trọng tài quốc tế, có thể phân loại Trọng tài quốc tế thành các loại sau đây:
Thứ nhất, căn cứ vào số lượng trọng tài viên, Trọng tài quốc tế được phân thành Trọng tài cá nhân và trọng tài tập thể hay còn gọi là Hội đồng trọng tài (từ 3 thành viên trở lên).
Thứ hai, căn cứ vào thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Trọng tài quốc tế được phân thành Trọng tài có thẩm quyền chung như Trọng tài thường trực quốc tế La Haye và Trọng tài có thẩm quyền chuyên môn như Trọng tài về Luật biển, Trọng tài của tổ chức thương mại thế giới WTO…
Thứ ba, Căn cứ vào tính chất hoạt động, Trọng tài quốc tế được phân thành Trọng tài vụ việc (Ad Hoc) và Trọng tài thường trực (Trọng tài quy chế).
Tuy nhiên, so với Tòa án công lý quốc tế học viên cho rằng, Trọng tài quốc tế không tạo ra một thực tiễn xét xử ổn định như Tòa án công lý quốc tế vì nó chỉ được thành lập ra hoặc thừa nhận để giải quyết các vụ việc cụ thể theo sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Trọng tài quốc tế không có chức năng đưa ra kết luận tư vấn pháp lý và chi phí Trọng tài do các bên tranh chấp gánh chịu [5].
Về thẩm quyền, cũng giống như Tòa án công lý quốc tế, trọng tài quốc tế không có thẩm quyền đương nhiên giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Chính vì vậy, các quốc gia là các bên tranh chấp có quyền thỏa thuận xây dựng thủ tục Trọng
tài để giải quyết tranh chấp bằng việc ký kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về Trọng tài (compromise d’arbitrage obligatoire) hoặc các điều khoản về Trọng tài (clauses compromissoires). Nội dung các điều ước quốc tế hoặc các điều khoản về thành lập trọng tài Ad Hoc phải chứa đựng các nội dung cơ bản sau:
+ Các bên tranh chấp;
+ Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài; + Đối tượng tranh chấp;
+ Trình tự, thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp; + Nguồn luật áp dụng giải quyết tranh chấp; + Phương thức thi hành phán quyết của Trọng tài.
Cũng như Tòa án công lý quốc tế, phán quyết của Trọng tài có giá trị chung thẩm,bắt buộc thi hành đối với các bên tranh chấp. Tuy nhiên, phán quyết của Trọng tài có thể được xem xét lại khi có những tình tiết, điều kiện mới làm ảnh hưởng đến nội dung của phán quyết mà trước đó Tòa trọng tài chưa biết đến.
Mặt khác, phán quyết Trọng tài sẽ bị coi là vô hiệu nếu điều ước quốc tế hoặc điều khoản về Trọng tài mà các bên ký kết vô hiệu hoặc Trọng tài giải quyết vượt quá thẩm quyền được các bên thỏa thuận hoặc thành viên hội đồng Trọng tài bị mua chuộc hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc, Trọng tài đã vi phạm thủ tục tố tụng.
Qua nghiên cứu biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng trọng tài quốc tế chúng ta có thể rút ra một số ưu điểm và hạn chế sau đây:
Về ưu điểm, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng Trọng tài quốc tế là biện pháp giải quyết tranh chấp linh hoạt và mềm dẻo. Bởi lẽ, biện pháp này cho phép các bên tranh chấp có quyền lựa chọn trọng tài viên, thỏa thuận xây dựng quy chế trọng tài và các vấn đề liên quan khác trong quá trình chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quốc tế (đặc biệt là Trọng tài Ad Hoc)
Mặt khác, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quốc tế sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp. Thời gian giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài nhanh hơn so với Tòa án quốc tế nên sẽ tránh được những tác động chủ quan và khách quan từ bên ngoài. Với cơ chế “giải quyết bí mật”, Trọng tài quốc tế sẽ giữ
được bí mật cho các bên tranh chấp. Do đó, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quốc tế sẽ bảo đảm được danh dự và uy tín của các bên tranh chấp (đặc biệt là các bên thua kiện)
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nói trên, biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng Trọng tài cũng có điểm hạn chế về cơ chế đảm bảo thực thi, tuân thủ phán quyết của Trọng tài không mạnh như cơ chế thực thi, tuân thủ phán quyết của Tòa án công lý quốc tế. Thực tế cho thấy, việc thực thi, tuân thủ phán quyết của trọng tài quốc tế hoàn toàn tùy thuộc vào sự tận tâm, thiện chí của các bên tranh chấp. Bởi lẽ, trọng tài quốc tế không phải là cơ quan tư pháp của Liên hợp quốc nên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ không thể bảo đảm việc thực thi các phán quyết của Trọng tài quốc tế, đặc biệt là các phán quyết của các Trọng tài Ad Hoc.
2.2.4. Giải quyết tranh chấp tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982
Tòa trọng tài về Luật biển là cơ quan tài phán có chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế về biển theo Công ước 1982. Theo đó, bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp cũng có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bằng thủ tục trọng tài với một thông báo bằng văn bản gửi cho bên kia hoặc các bên liên quan trong vụ tranh chấp. Thông báo này phải kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó.
2.2.4.1. Thành phần - tổ chức của Tòa trọng tài
Theo quy định tại Điều 3, Phụ lục VII Công ước năm 1982, một Tòa trọng tài được thành lập gồm năm thành viên. Trong đó, bên nguyên đơn sẽ cử một thành viên có tên trong danh sách trọng tài viên và người đó có thể là công dân của mình. Bên bị đơn trong vụ tranh chấp, trong thời hạn 30 ngày, tính từ ngày nhận được thông báo giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của bên nguyên đơn cũng có quyền chọn một trọng tài viên, người này có thể là công dân của nước mình.
Nếu bên bị đơn không cử người trong thời hạn nói trên (30 ngày) bên nguyên đơn có thể yêu cầu tiến hành việc cử thành viên đó trong vòng 2 tuần sau khi hết thời hạn 30 ngày.
Ba thành viên còn lại được các bên thỏa thuận cử ra. Họ được các bên tùy ý chọn trên bản danh sách trọng tài viên và là công dân của các quốc gia thứ ba, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Các bên cử Chánh tòa của Tòa trọng tài trong số ba thành viên đó. Nếu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của bên nguyên đơn, các bên tranh chấp không thể thỏa thuận về việc chỉ định một hay nhiều thành viên của Tòa mà họ phải cử theo thỏa thuận chung hoặc liên quan đến việc cử Chánh tòa, thì theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp, Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển sẽ thực hiện việc này, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Nếu Chánh án bận hoặc Chánh án là công dân của một trong các bên trong vụ tranh chấp, thì việc cử trọng tài viên sẽ được giao cho thành viên có thâm niên cao nhất của Tòa án quốc tế về Luật biển cử và không phải là công dân của một trong các bên tranh chấp
Các trọng tài viên nói trên phải có quốc tịch khác nhau, không được làm việc cho một bên nào trong vụ tranh chấp, không phải là công dân của một trong các bên tranh chấp, không cư trú thường xuyên trên lãnh thổ của quốc gia tranh chấp [13].
2.2.4.2. Xác lập thẩm quyền của Tòa trọng tài
Tuân thủ Điều 287 Công ước 1982, Tòa trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, khi một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà
không được một tuyên bố còn hiệu lực bảo vệ thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài (khi gia nhập chưa tuyên bố về việc lựa chọn phương thức, thủ tục giải quyết tranh chấp nào);
Thứ hai, nếu các bên không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó sẽ giải quyết theo thủ tục trọng tài. Như vậy, cách thức xác lập thẩm quyền của Tòa trọng tài theo Công ước năm 1982 có điểm khác biệt so với Tòa án quốc tế về Luật biển. Sự khác biệt này thể hiện ở chỗ, các bên đương nhiên được xem là đã lựa chọn Tòa trọng tài nếu thuộc một trong các trường hợp trên. Điều này có nghĩa là, sẽ không có biện pháp nào khác có thể thay thế một Tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII Công ước 1982 được áp dụng để giải quyết tranh chấp.
2.2.4.3. Thủ tục tố tụng trọng tài
Thủ tục tố tụng trọng tài được bắt đầu bằng một thông báo bằng văn bản của một bên gửi tới bên kia. Thông báo có kèm theo bản trình bày các yêu sách và các lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó.
Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Tòa trọng tài tự quy định thủ tục của mình bằng cách cho mỗi bên có khả năng bảo vệ quyền và căn cứ của mình. Cũng như Tòa án về Luật biển, khi có cơ sở pháp lý để khẳng định thẩm quyền của Tòa trọng tài cũng như đơn kiện có cơ sở thực tế và lý lẽ thi Tòa trọng tài sẽ xử và ra phán quyết.
Khi một bên tranh chấp không ra Tòa hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có yêu cầu Tòa tiếp tục trình tự tố tụng và ra phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay không trình bày được lý lẽ của mình không cản trở trình tự tố tụng của Tòa trọng tài.
2.2.4.4. Giá trị phán quyết Tòa trọng tài
Phán quyết của Tòa được thông qua theo đa số các thành viên của Tòa. Sự vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng của dưới nửa số thành viên không cản trở Tòa ra phán quyết (tức là số trọng tài viên có mặt phải hơn nửa số trọng tài của Tòa, tối thiểu là 3/5 trọng tài viên). Trường hợp phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì phiếu của Chánh tòa có ý nghĩa quyết định.
Phán quyết của Tòa trọng tài có giá trị chung thẩm và không được kháng cáo, trừ khi các bên có thỏa thuận về thủ tục này.
2.2.4.5. Lệ phí của Tòa trọng tài
Trừ khi Tòa trọng tài có quyết định khác, vì có hoàn cảnh đặc biệt của vụ việc, lệ phí của Tòa, kể cả thù lao cho các thành viên của Tòa do các bên tranh chấp chịu ngang nhau.
Cũng như biện pháo giải quyết tranh chấp quốc tế nói chung, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng Tòa trọng tài quốc tế có ưu điểm là các bên tranh chấp sẽ chủ động trong việc lựa chọn thành phần trọng tài viên cũng như các quy định có liên quan đến nhiệm vụ và thủ tục xét xử của trọng tài. Trong trường hợp cần thiết, các
bên tranh chấp sẽ dễ dàng trong việc thỏa thuận để sử đổi, bổ sung thể thức làm việc, thành phần của Tòa trọng tài. Như vậy, so với thủ tục tố tụng tại Tòa án quốc tế về Luật biển, thủ tục tố tụng tại Tòa trọng tài Luật biển linh hoạt và mềm dẻo hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc giải quyết vụ tranh chấp sẽ nhanh chóng, kịp thời và do vậy sẽ hạn chế được các yếu tố tác động từ bên ngoài. Mặt khác, giải quyết tranh chấp tại Tòa trọng tài Luật biển sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp. Cuối cùng, giải quyết tranh chấp tại Tòa trọng tài biển sẽ bảo đảm được danh dự và uy tín của các bên tranh chấp, nhất là bên thua kiện.
Bên cạnh những ưu điểm nói trên, Tòa trọng tài Luật biển cũng có những hạn chế sau đây:
Mặc dù phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm nhưng cũng giống như Tòa án quốc tế về Luật biển, việc thực thi phán quyết này chủ yếu dựa trên sự thiện chí hợp tác của bên thua kiện. Bởi vì, không có bất kỳ biện pháp bảo đảm thực thi phán quyết nào theo Công ước 1982. Mặt khác, nếu các bên có thỏa thuận về thủ tục kháng cáo trong quy trình giải quyết tranh chấp sẽ làm cho tranh chấp trở nên phức tạp hơn.
Cuối cùng, theo quy định tại Phụ lục VII của Công ước 1982, trọng tài viên được chọn có thể là công dân của các bên tranh chấp, do đó khi giải quyết tranh chấp sẽ rất khó đảm bảo được tính khách quan, vô tư vì trọng tài viên có thể bị chi phối bởi quyền và lợi ích của quốc gia mà họ mang quốc tịch.