Khái niệm về quản trị rủi ro doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ theo hướng nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn TP (Trang 29)

Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, các công cụ được xây dựng để lúc đầu phục vụ cho nhu cầu của các nhà đầu tư và sau đó áp dụng cho các hoạt động trong doanh nghiệp. Ngoài ra cùng với sự phát triển của kỹ thuật máy tính doanh nghiệp có nhiều nguồn dữ liệu và công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đo lường và phân tích các rủi ro, từ đó phục vụ tốt hơn cho việc quản lý.

Đầu những năm 1950, lý thuyết về danh mục đầu tư của Harry Markowits đề cập đến việc đo lường và quản trị rủi ro. Theo đó, có sự liên hệ giữa rủi ro và lợi ích kỳ vọng của một phương án và nhà đầu tư nên kết hợp nhiều phương án khác nhau để tối đa hóa lợi ích của mình. Đến đầu những năm 1970, công cụ bảo hiểm và tái bảo hiểm được các doanh nghiệp sử dụng rộng rãi và xuất hiện các công cụ phái sinh được các doanh nghiệp sử dụng để dự phòng cho các biến động về giá cả của thị trường. Sự kết hợp các công cụ bảo hiểm dẫn đến việc áp dụng hình thức dịch vụ thuê ngoài ở các doanh nghiệp lớn nhằm chuyển giao rủi ro cho các đối tác bên ngoài khi doanh nghiệp thấy việc thực hiện không còn hiệu quả.

Mặt khác, trong những năm 1980, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin các doanh nghiệp có những phương tiện cần thiết để lưu trữ, tiếp nhận những thông tin khổng lồ và phức tạp phục vụ cho việc ra quyết định. Ngoài ra, với sự phát triển của kỹ thuật máy tính, các doanh nghiệp cũng có những phương tiện đắc lực để đo lường và phân tích rủi ro phục vụ ngày càng hiệu quả cho công tác quản trị rủi ro tại doanh nghiệp.

Trên cơ sở Báo cáo COSO năm 1992, Ủy ban Basel ban hành Báo cáo Basel năm 1998 về kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Năm 2000, Ủy ban Basel ban hành báo cáo bổ sung liên quan đến kiểm soát nội bộ, quan hệ giữa kiểm toán viên và ngân hàng. Nội dung Báo cáo Basel nhằm xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu, chủ yếu kiểm soát các rủi ro liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu tương tự như Báo cáo COSO năm 1992 và các rủi ro liên quan đến tín dụng. Báo cáo Basel chỉ giới hạn trong phạm vi ngân hàng và các tổ chức tín dụng chứ chưa mở rộng phạm vi ra các loại hình doanh nghiệp khác trong việc quản trị rủi ro.

James Lam là người đề xuất vị trí trưởng bộ phận rủi ro (CRO), ông được xem là CRO đầu tiên trên thế giới. Năm 1993 ông giữ chức vụ CRO cho công ty GE Capital. Từ năm 1995 đến 1998, ông là CRO của công ty quản lý quỹ đầu tư Fidelity Investment. Trong thời gian này, ông được tạp chí The Economist và Price Waterhouse Review đánh giá là người quản trị rủi ro tốt nhất. Năm 1999, Ông tham gia công ty tư vấn Oliver, Wyman & Company và đồng sáng lập ra công ty Erisk, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn về quản trị rủi ro và đầu tư. Hiện nay, ông là nhà tư vấn độc lập và là chủ tịch của công ty James Lam & Associates. Các khách hàng lớn được ông trực tiếp tư vấn bao gồm : The World Bank, Salomon Smith Barney, Allied Capital,... Theo James Lam, rủi ro là tất cả các sự kiện tác động tiêu cực đến công ty, và mỗi rủi ro chịu tác động của nhiều yếu tố. Giữa lợi nhuận của công ty và mức độ rủi ro có sự tương quan. Ở mức độ ban đầu, mức độ rủi ro mà công ty tham gia càng nhiều thì lợi nhuận càng lớn. Tuy nhiên, khi mức độ rủi ro mà công ty tham gia

đến một giới hạn nào đó thì lợi nhuận sẽ giảm khi rủi ro tăng lên. Vấn đề là công ty phải xác định tham gia rủi ro ở mức độ nào để có lợi nhuận cao nhất. Một chu trình để quản lý hữu hiệu rủi ro gồm các bước sau: ý thức về rủi ro, đo lường rủi ro và kiểm soát rủi ro. Chu trình quản lý rủi ro giúp mọi người liên quan thực hiện những nhiệm vụ của mình liên quan đến rủi ro trong công việc hảng ngày. Để quản trị rủi ro một cách hữu hiệu, đòi hỏi chu trình cần có các yếu tố cơ bản liên quan. Mỗi yếu tố phải có sự liên kết với các yếu tố khác và các yếu tố phải kết hợp với nhau như một thể thống nhất. Các yếu tố cơ bản của một chu trình quản trị rủi ro bao gồm: ban lãnh đạo, các cấp quản lý trung gian, mức rủi ro có thể chấp nhận, chuyển giao rủi ro, phân tích rủi ro, cơ sở dữ liệu và kỹ thuật, thông tin về rủi ro.

Theo Báo cáo của COSO năm 2004 thì quản trị rủi ro doanh nghiệp là một quá trình do hội đồng quản trị, các cấp quản lý và các nhân viên của đơn vị chi phối, được áp dụng trong việc thiết lập các chiến lược liên quan đến toàn đơn vị và áp dụng cho tất cả các cấp độ trong đơn vị, được thiết kế để nhận dạng các sự kiện tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến đơn vị và quản trị rủi ro trong phạm vi chấp nhận được của rủi ro nhằm cung cấp một sự đảm bảo hợp lý về việc đạt được các mục tiêu của đơn vị. Các mục tiêu của đơn vị bao gồm:

 Mục tiêu chiến lược: liên quan đến các mục tiêu tổng thể và phục vụ cho sứ mạng của đơn vị.

 Mục tiêu hoạt động: liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực một cách hữu hiệu và hiệu quả.

 Mục tiêu báo cáo: liên quan đến sự trung thực và đáng tin cậy của các bao cáo liên quan đến đơn vị

 Mục tiêu tuân thủ: đảm bảo hợp lý việc chấp hành luật pháp và các quy định

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ theo hướng nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn TP (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)