Các nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN VIỆT NAM.PDF (Trang 32)

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc cần phải đẩy mạnh khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM thời kỳ hội nhập, trong thời gian qua đã có một số tác giả trong nước quan tâm nghiên cứu về vấn đề này, nhưng hầu hết những nghiên cứu này chủ yếu tiếp cận theo phương pháp phân tích định tính truyền thống. Chẳng hạn trong nghiên cứu “Nâng cao hiệu quả đầu tư của các NHTM Việt Nam” của Lê Thị Hương (2002) tác giả chỉ mới đưa ra một số dữ liệu thống kê về thị phần, tổng dư nợ tín dụng cũng như đóng góp của các NHTM trong nền kinh tế để từ đó nhận định về thực trạng của hệ thống NHTM và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. Còn trong nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống NHTM Việt Nam trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế” của Phạm Thanh Bình (2005) cũng chỉ chủ yếu dừng lại ở sử dụng ma trận SWOT để phân tích thế mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức đối với ngân hàng để từ đó để xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và đồng thời phạm vi nghiên cứu cũng chỉ tập trung phân tích vào nhóm các NHTM nhà nước cụ thể ở đây là ngân hàng BIDV. Sau đó cũng có các nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam” của Đặng

Hữu Mẫn (2010) đã mở rộng phạm vi phân tích ra cả hệ thống NHTMCP nhưng cũng chỉ sử dụng phương pháp thống kê mô tả.

Các nghiên cứu định lượng về đo lường hiệu quả hoạt động của các NHTM nhìn chung ở trong nước là còn ít, mặc dù gần đây có nghiên cứu của Bùi Duy Phú (2002) đánh giá hiệu quả của NHTM qua hàm sản xuất và hàm chi phí, tuy nhiên hạn chế cơ bản của nghiên cứu đó là (i) chỉ đơn thuần dừng lại ở việc xác định hàm chi phí và ước lượng trực tiếp hàm chi phí này để tìm các tham số của mô hình, do vậy mà không thể tách được phần phi hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng; và (ii) phạm vi nghiên cứu chỉ giới hạn trong phân tích cho Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (VBARD). Nguyễn Thị Việt Anh (2004) tuy có áp dụng phương pháp hàm biên ngẫu nhiên và ước lượng hiệu quả kỹ thuật dưới dạng hàm chi phí Cobb-Douglas, nhưng hạn chế chính của nghiên cứu là chỉ định dạng hàm và nghiên cứu cũng chỉ dừng lại đánh giá cho một NHTM nhà nước (VBARD). Gần đây cũng có nghiên cứu của Trương Quang Thông (2010) áp dụng mô hình S-C-P đánh giá các yếu tố tác động lên hiệu năng hoạt động của NHTM Việt Nam với biến phụ thuộc là hiệu năng được đo lường bằng ROA và các biến phụ thuộc bao gồm thị phần cho vay, thị phần huy động vốn, thị phần (cơ cấu) tài sản, tỷ lệ nợ xấu, dự trữ thanh khoản trên tổng tài sản, tiền gởi không kỳ hạn trên tiền gởi có kỳ hạn, cho vay trên huy động, cơ cấu thu nhập lãi trên tổng thu nhập, cho vay trung và dài hạn trên tổng cho vay, cho vay bằng ngoại tệ trên tổng cho vay, tài sản có ngoại tệ trên tổng tài sản và tài sản nợ ngoại tệ trên tổng nguồn vốn nhưng lại chia hệ thống ngân hàng thành từng nhóm để nghiên cứu. Trong nghiên cứu của mình, Nguyễn Thị Ngân (2013) đã sử dụng phương pháp DEA để đánh giá hiệu quả hoạt động của 34 NHTM Việt Nam trong khoảng thời gian 2009- 2011, kết quả cho thấy hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm cụ thể từ 66,1% năm 2009 xuống 44,9% năm 2011 và từ đó nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng.

Như vậy, mặc dù vấn đề đánh giá hiệu quả hoạt động của các NHTM ở trong nước đã được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, đa phần các nghiên cứu này đều tiếp cận theo phương pháp phân tích định tính truyền thống và phạm vi nghiên cứu chỉ bó hẹp trong phân tích cho một hoặc một vài NHTM nhà nước. Trong khi đó các nghiên cứu định lượng còn ít và hạn chế nhiều về phương pháp tiếp cận.

Tóm lại, qua tổng quan các công trình nghiên cứu ở trên cho thấy, hiện nay việc xem xét một cách tổng thể và xác định những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM ở Việt Nam là hết sức quan trọng và có giá trị. Bởi vì, nó sẽ hỗ trợ cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính chính sách, các nhà quản trị ngân hàng và các nhà đầu tư trong việc ra quyết định. Qua đó nó cũng là cơ sở để hoàn thiện được một khung chính sách hợp lý trong quá trình quản lý hoạt động của các ngân hàng ở Việt Nam thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên thực tế cho thấy có rất ít các nghiên cứu đưa ra một mô hình định lượng khái quát các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở Việt Nam. Vì vậy, luận văn này sẽ có những điểm khác biệt so với các nghiên cứu trước đây về nội dung mô hình cũng như mẫu nghiên cứu.

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN VIỆT NAM.PDF (Trang 32)