Các nghiên cứu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Sự phát triển một số chỉ số hình thái, trí tuệ và tình trạng dinh dưỡng ở trẻ từ 3 5 tuổi tại thành phố vinh (Trang 41)

4. Ý nghĩa khoa học của đề tài

1.7.2. Các nghiên cứu ở Việt Nam

Ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu đầu tiên về thể lực con người cũng được tiến hành từ sớm.

Từ 1954 đến nay đã có nhiều công trình của các tác giả nghiên cứu về các đặc điểm sinh học của người Việt Nam. Đến năm 1975, cuốn “Hằng số sinh học cả người Việt Nam” [39] do GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng, nguyên chủ nhiệm bộ môn sinh lý trường Đại học Y Hà Nội làm chủ biên được xuất bản đầu tiên ở nước ta. Đó là một công trình nghiên cứu tương đối công phu, khá hoàn chỉnh về các chỉ số sinh học, sinh lý, sinh hóa của người Việt Nam. Các chỉ số sinh học của trẻ em Việt Nam từ sơ sinh đến 15 tuổi được nghiên cứu tương đối toàn diện và được coi là mốc đánh dấu trong lịch sử nghiên cứu Sinh

học người Việt Nam. Sách được dùng làm tài liệu tham khảo cho nhiều công trình khoa học trong nước và nước ngoài.

Năm 1989, Thẩm Thị Hoàng Điệp và cs [11], đã nghiên cứu chiều cao, vòng đầu, vòng ngực, chỉ số dài chi dưới... trên 8000 người Việt Nam từ 1 đến 55 tuổi ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Các tác giả nhận thấy có quy luật gia tăng về chiều cao của người Việt Nam, sau 20 năm đã tăng được 4cm. Và chiều cao của nam tăng nhanh đến 18 tuổi, của nữ tăng nhanh đến 14 tuổi.

Trong hai năm 1995 - 1996, Hàn Nguyệt Kim Chi và cs nghiên cứu trên 10339 trẻ em từ 1 - 36 tháng tuổi và 11985 trẻ em từ 37 - 72 tháng tuổi tại Hà Nội, Hà Tây, Hà Bắc, Ninh Bình, Nam Hà. Kết quả cho thấy từ 5 đến 72 tháng tuổi, mức tăng chiều cao nhanh hơn so với mức tăng cân nặng [6].

Đến năm 2005, Hàn Nguyệt Kim Chi nghiên cứu 543 trẻ em từ 37 – 72 tháng tuổi ở một số trường mầm non tại Hà Nội. Kết quả cho thấy cân nặng của trẻ em nam 6 tuổi của hằng số sinh học chỉ xấp xỉ bằng trẻ 4 tuổi rưỡi (54 tháng) của tác giả [7].

Gần đây, theo nghiên cứu của Trần Thị Minh Hạnh [24] trên học sinh phổ thông ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2004 - 2009 cho thấy, chiều cao của học sinh nam đã tăng 1,2 - 2,4 cm nhưng chiều cao của học sinh nữ lại không có sự thay đổi đáng kể. So với học sinh ngoại thành, học sinh nội thành cao hơn 3 - 4 cm và nặng hơn 8,5 - 10 kg, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp hơn nhưng tỉ lệ thừa cân lại cao hơn gấp 2 - 5 lần.

Năm 2008, cuốn “Giáo trình Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non”, do GS. Tạ Thuý Lan và PGS.TS. Trần Thị Loan làm chủ biên được xuất bản. Trong đó có bảng số liệu “Các giá trị sinh học người Việt Nam bình thường thập kỉ 90 – thế kỉ XX” cho thấy thể lực người Việt Nam cuối thế kỉ XX đã được nghiên cứu khá toàn diện. Khối lượng cơ thể của trẻ em lúc mới sinh bằng khoảng 3,0 – 3,2kg; so với lúc mới sinh đến 3 tuổi thì tăng gấp 4

lần. Từ 3 – 6 tuổi, khối lượng cơ thể của trẻ tăng chậm hơn, chỉ tăng trung bình khoảng 1,5kg/năm nhưng tốc độ tăng tương đối đồng đều [23].

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về các chỉ số thể lực trên người Việt Nam khá phong phú. Các công trình có ít nhiều khác nhau nhưng cùng xác định được hình thái thể lực phụ thuộc vào điều kiện sống, địa bàn nghiên cứu, thời gian nghiên cứu...và có sự biến đổi theo lứa tuổi, theo giới tính.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu về sự phát triển thể lực, thể chất của trẻ em, còn có rất nhiều đề tài đi sâu nghiên cứu sự phát triển trí tuệ, tư duy của trẻ gắn liền với quá trình phát triển sinh lý, đặc biệt là sự phát triển của bộ não của trẻ.

Ở Việt Nam, từ những năm 80 trở lại đây, các công trình nghiên cứu về trí tuệ ngày càng nhiều. Trần Trọng Thủy là người đầu tiên nghiên cứu sự phát triển trí tuệ của học sinh Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chiều hướng, cường độ và chất lượng phát triển trí tuệ của học sinh qua các lứa tuổi khác nhau.

Năm 1996, Tạ Thúy Lan và Trần Thị Loan đã nghiên cứu đánh giá sự phát triển trí tuệ của học sinh thành phố và học sinh nông thôn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh thành phố có mức trí tuệ cao hơn học sinh nông thôn [32].

Lê Minh Hà sử dụng test Raven màu nghiên cứu mức độ phát triển trí tuệ của trẻ mẫu giáo từ 5 - 6 tuổi ở Hà Nội và Yên Bái cho thấy, điểm test Raven trung bình xấp xỉ bằng điểm chuẩn, mức độ phát triển trí tuệ của trẻ mẫu giáo ở Hà Nội cao hơn của trẻ ở Yên Bái [34].

Đối với trẻ em lứa tuổi mầm non, vấn đề dinh dưỡng là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Trong điều kiện của nền kinh tế chưa phát triển, thì trẻ em lứa tuổi mầm non là đối tượng có nguy cơ cao nhất của thiếu dinh dưỡng.

Năm 2008, Nguyễn Thị Ngọc Bảo đã nghiên cứu thực trạng thiếu dinh dưỡng, một số yếu tố liên quan và đề xuất giải pháp can thiệp ở trẻ em dưới 5 tuổi tại huyện Việt Yên - Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các thể lần lượt là 34,7% thể thấp còi; 24,6% thể nhẹ cân và 9,2% thể gầy còm [2].

Năm 2011, theo báo cáo của Viện dinh dưỡng, Tỉnh Khánh Hòa giai đoạn năm 2006 – 2010 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm từ 22,2% đến 15,7%, thể thấp còi từ 29,6% đến 27,2% [43].

Năm 2011, Trần Quang Trung đã nghiên cứu thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi và hiệu quả cải thiện khẩu phần cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng ven biển Tiền Hải - Thái Bình. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở các thể lần lượt là 26,9% thể thấp còi; 11,1% thể nhẹ cân; 4,5% thể gầy còm [40].

Năm 2012, theo báo cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ SDD thể thấp còi ở Việt Nam chiếm 26,7% ở trẻ dưới 5 tuổi; năm 2013, trẻ em dưới 5 tuổi trong cả nước có tỷ lệ SDD nhẹ cân là 15,3%, tỷ lệ SDD thấp còi là 25,9%, tỷ lệ trẻ SDD gầy còm là 6,7%; tại TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ SDD thể nhẹ cân của trẻ dưới 5 tuổi là 4,1%, thấp còi là 6,7%; tại Nghệ An tỉ lệ SDD nhẹ cân chiếm 19,3% (đứng thứ 27/63 tỉnh thành) [61].

Năm 2012, Huỳnh Văn Dũng và cộng sự nghiên cứu trên 318 trẻ em dưới 5 tuổi tại tỉnh Hưng Yên. Kết quả cho thấy số lượng trẻ em suy dinh dưỡng ở các thể lần lượt là 6,0% thể nhẹ cân; 11,6% thể thấp còi; 4,4% thể gầy còm. Ngoài ra còn có 2,8% trẻ thừa cân, béo phì. [10].

Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới công bố Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi [62].

Năm 2013, Dương Thị Huế đã nghiên cứu 466 trẻ em dưới 5 tuổi của dân tộc Tày tại tỉnh Lạng Sơn. Kết quả cho thấy số lượng trẻ em suy dinh dưỡng ở các thể lần lượt là 15,5% thể nhẹ cân; 14,6% thể gầy còm và 29% thể thấp còi [17].

Năm 2013, Trần Thị Tuyết Mai nghiên cứu trên trẻ em từ lúc sinh ra cho đến 36 tháng tuổi tại tỉnh Khánh Hòa , cho thấy số lượng trẻ em suy dinh dưỡng ở các thể lần lượt là 22,2% thể thấp còi; 13,6% thể nhẹ cân [31].

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về thể lực, sinh lý và trí tuệ của người Việt Nam khá phong phú, nhưng chủ yếu là ở học sinh, sinh viên, thanh niên. Ở trẻ em lứa tuổi mầm non, các nghiên cứu mới chỉ được tiến hành về các chỉ số hình thái như chiều cao, cân nặng, vòng đầu, vòng ngực hay chức năng của một số hệ cơ quan. Còn các công trình nghiên cứu về trí tuệ và mối tương quan giữa năng lực trí tuệ với một số chỉ số sinh học khác của trẻ em lứa tuổi này chưa nhiều. Việc nghiên cứu một số chỉ số thể lực và trí tuệ của trẻ em lứa tuổi mầm non là cần thiết. Nó góp phần xây dựng các chỉ số sinh học người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bổ sung số liệu cho hướng nghiên cứu về thể lực, trí tuệ của trẻ em, đồng thời là dẫn liệu cho quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học sư phạm mầm non và là dẫn liệu cho công tác nuôi dạy trẻ em mầm non được tốt hơn.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Sự phát triển một số chỉ số hình thái, trí tuệ và tình trạng dinh dưỡng ở trẻ từ 3 5 tuổi tại thành phố vinh (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)