1. Định nghĩa
+ Ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn.
Ý chí được xem là mặt năng động của ý thức bởi lẽ ý chí chỉ xuất hiện khi chủ thể gặp những hoàn cảnh, tình huống có chứa đựng những trở ngại mà bằng hành động có ý thức thông thường chủ thể chưa thể giải quyết ngay được, cần phải có ý chí để vượt qua những trở ngại đó.
Ý chí không phải cái sẵn có. Nó mang tính chủ thể cao. Có những cá nhân có ý chí phi thường nhưng cũng có những cá nhân hầu như không có ý chí. Vì vậy, ý chí được xem là một thuộc tính, một phẩm chất của nhân cách.
Ý chí thể hiện năng lực ý thức của con người. Vì vậy nó cũng là cái riêng có của loài người. Sự thích nghi mang tính thụ động của con vật trước hoàn cảnh cho dù có “nỗ lực” thì cũng không đồng nhất với hoạt động có ý thức của con người với sự tham gia của ý chí.
+ Giá trị chân chính của ý chí không phải chỉ ở chỗ cường độ ý chí đó mạnh hay yếu mà còn ở chỗ nó được hướng vào cái gì, phục vụ lợi ích xã hội nào. Vì vậy, khi đánh giá ý chí của một cá nhân cần phải xem xét đồng thời cường độ ý chí và nội dung đạo đức của ý chí.
2. Vai trò của ý chí
Trong hoạt động của con người, ý chí có vai trò vô cùng to lớn, trước hết nhờ ý chí mà con người có thể tổ chức mọi hoạt động của mình một cách có ích và hợp lý nhất. Nhờ ý chí mà con người có thể cải tạo được tự nhiên và xã hội, sáng tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, có được những phát minh khoa học kỹ thuật và đạt được những chiến công hiển hách.
Nhờ ý chí mà các hoạt động tâm lý của con người mang một nội dung hoàn toàn mới. 3. Các phẩm chất ý chí của nhân cách
Trong khi thực hiện những hành động ý chí, con người sẽ hình thành cho mình những phẩm chất ý chí vừa đặc trưng cho họ với tư cách là một nhân cách, vừa có ý nghĩa rất to lớn cho đời sống và lao động. Những phẩm chất này làm cho đời sống và lao động của con người trở nên tích cực hơn, có những phẩm chất lại được thể hiện trong sự ức chế, kìm hãm, đè dẹp các quá trình tâm lý và các hành động mong muốn.
a. Tính mục đích:
Là một phẩm chất rất quan trọng của ý chí, đó là kỹ năng của con người biết đề ra cho hoạt động và cuộc sống của mình những mục đích gần, xa, biết bắt hành vi của mình phục tùng các mục đích ấy.
Tính mục đích của người lớn trước hết phụ thuộc vào thế giới quan và nguyên tắc đạo đức của họ. Tính mục đích mang tính chất giai cấp. Bởi vậy cần phải xem xét phẩm chất ý chí không phải ở mặt hình thức, mà ở mặt nội dung.
Ý chí của kẻ ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, của bọn lưu manh hoàn toàn khác ý chí của chiến sĩ cách mạng kiên cường, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phòng dân tộc.
b. Tính độc lập:
ai. Tính độc lập không loại trừ việc con người tự giác nghe theo những ý kiến của người khác và chấp nhận những lời khuyên của họ nếu đồng tình với lời khuyên đó. Đồng thời người có ý chí phải là người không dễ bị ám thị tính dễ bị ám thị là một phẩm chất xấu. Nó khiến người ta dễ dàng từ bỏ ý kiến của mình, vui vẻ phục tùng người khác.
Tính độc lập chân chính khác với tính bướng bỉnh, nghĩa là bất luận đúng sai đều chồng lại những ảnh hưởng bên ngoài, thúc đẩy con người có những hành động không suy nghĩ, trái ngược với người khác một cách vô nguyên tắc. Đó là một ý chí yếu đuối.
Tính độc lập giúp con người hình thành niềm tin vào sức mạnh của mình. c. Tính quyết đoán:
Đó là khả năng đưa ra được những quyết định kịp thời và cứng rắn mà không có những sự giao động không cần thiết. Tính quyết đoán thể hiện không phải trong những hành động thiếu suy nghĩ, thiếu phán đoán mà là trong những hành động có cân nhắc, có căn cứ chắc chắn.
Con người quyết đoán là con người tin tưởng vào mình. Tiền đề của tính quyết đoán là tình dũng cảm. Người không có tính dũng cảm thì không thể quyết đoán được, vì quyết đoán phải luôn luôn hành động có suy nghĩ, nhưng đồng thời phải nhanh chóng, đúng lúc không được giao động và hoài nghi.
d. Tính kiên trì:
Phẩm chất này được thể hiện ở kỹ năng đạt được mục đích đề ra dù cho con người đạt tới chúng có lâu dài và gian khổ đến đâu chăng nữa. Tính kiên trì được thể hiện ở sự khắc phục những trở ngại bên ngoài và bên trong, có khả năng duy trì sự nỗ lực một cách không mệt mỏi, hơn nữa khó khăn chỉ làm chậm sự mong muốn tiếp tục công việc của con người.
Tính bền bỉ khác với sự lì lợm, lì lợm thể hiện ở người không có khả năng từ bỏ quyết định sai lầm do tính tự ái, nhỏ nhen của mình. Người lì lợm thường ý thức được mình sai, hiểu được hành động của mình là không đúng, nhưng vẫn ngoan cố tiếp tục giữ quan điểm đó.
e. Tính tự chủ:
Đó là khả năng làm chủ được bản thân. Trong khi duy trì được sự kiểm soát đầy đủ đối với hành vi của mình, người tự chủ thắng được những thúc đẩy không mong muốn, những tác động có tính chất xung động (sợ hãi, giận dữ) ở trong mình. Tính tự chủ làm cho con người tự phê phán mình giúp họ tránh được những hành vi không suy nghĩ.
Trong sinh hoạt hàng ngày khái niệm “tính tự chủ” được thu hẹp lại: người ta chỉ dùng nó đối với mặt cảm xúc của con người khi muốn nhấn mạnh khả năng tự kiềm chế những cảm xúc của bản thân, được gắn liền với những phản ứng chân tay. Sở dĩ có sự eo hẹp là vì phẩm chất của ý chí này được thể hiện rõ rệt nhất trong phạm vi điều chỉnh các cảm xúc.