1. Tình cảm và xúc cảm
1.1. Tình cảm là gì?
+ Xúc cảm là quá trình rung động của tâm lý có kèm theo sự rung động của cơ thể được nảy sinh khi chủ thể của nhu cầu gặp sự vật, hiện tượng liên quan đến nhu cầu của mình.
+ Tình cảm là những thái độ cảm xúc ổn định đối với những sự vạt hiện tượng trong thế giới khách quan của con người, phản ảnh ý nghĩa của chúng trong mối liên hệ với nhu cầu và động cơ của họ.Tình cảm là sản phẩm cao cấp của sự phát triển các quá trình xúc cảm trong những điều kiện xã hội.
+ Phản ánh tâm lý trong tình cảm là một dạng tâm lý phản ánh mới - phản ánh cảm xúc. Sự phản ánh cảm xúc có những điểm giống với sự phản ánh nhận thức (đều là sự phản ánh hiện thực khách quan, đều mang tính chủ thể và có bản chất xã hội - lịch sử). Tuy nhiên, chúng có những
đặc điểm khác về căn bản với sự phản ánh nhận thức.
(Hình đính kèm bên dưới)
1.2. So sánh xúc cảm và tình cảm
+ Xúc cảm và tình cảm đều biểu hiện mặt thái độ của con người đối với hiện thực, vì vậy, chúng có sự giống nhau nhưng đây là hai mức độ có khác biệt căn bản trên ba mặt: tính ổn định, tính xã hội và cơ chế sinh lý - thần kinh. Sự phân biệt xúc cảm và tình cảm có ý nghĩa quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn.
(Hình đính kèm bên dưới)
+ Mối liên hệ giữa xúc cảm và tình cảm:
- Xúc cảm là cơ sở nảy sinh tình cảm và là trạng thái biểu hiện của tình cảm.
- Tình cảm là sản phẩm của sự tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát hóa các xúc cảm đồng loại. Tình cảm chi phối các xúc cảm.
+ Người ta thường xác định các loại xúc cảm, tình cảm dương tính và xúc cảm, tình cảm âm tính. Xúc cảm, tình cảm dương tính nảy sinh, tồn tại gắn với sự thỏa mãn nhu cầu của chủ thể. Xúc cảm, tình cảm âm tính nảy sinh, tồn tại gắn với cản trở thỏa mãn nhu cầu của chủ thể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là xúc cảm, tình cảm âm tính là tiêu cực và xúc cảm, tình cảm dương tính là tích cực. Muốn xác định một xúc cảm, tình cảm nào đó là tích cực hay tiêu cực thì phải đặt nó trong mối quan hệ với hoạt động cải tạo thế giới và hoàn thiện bản thân của chủ thể. 2. Vai trò của tình cảm trong đời sống
+ Xúc cảm và tình cảm có vai trò to lớn trong đời sống của con người cả về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Con người không có xúc cảm thì không thể tồn tại được, trừ những người bị bệnh tâm thần, bị chứng vô tình cảm. Sự “đói tình cảm” cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và cơ thể con người như là sự “đói cảm giác” vậy.
+ Xúc cảm, tình cảm thúc đẩy con người hoạt động, giúp con người khắc phục những khó khăn, trở ngại gặp phải trong quá trình hoạt động. Sự thành công của bất kỳ của một loại công việc nào phần lớn cũng đều phụ thuộc vào thái độ của con người đối với công việc đó.
+ Tình cảm có một ý nghĩa đặc biệt trong công việc sáng tạo. “Nếu không có “những xúc cảm của con người” thì xưa nay không có và không thể có những tìm tòi chân lý” (V.I. Lênin). + Trong công tác giáo dục, tình cảm giữ một vị trí vô cùng quan trọng: nó vừa là điều kiện, vừa là phương tiện, vừa là nội dung của giáo dục.
3. Các mức độ của đời sống tình cảm
Tình cảm thường được phân loại thành tình cảm cấp thấp và tình cảm cấp cao.
+ Tình cảm cấp thấp là những tình cảm có liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu sinh lý. Những tình cảm cấp thấp có ý nghĩa sinh học to lớn: nó báo hiệu về trạng thái sinh lý của cơ thể.
+ Tình cảm cấp cao là những tình cảm mang tính chất xã hội rõ ràng và nó nói lên thái độ của con người đối với những mặt và hiện tượng khác nhau của đời sống xã hội.
Tình cảm cấp cao gồm có tình cảm đạo đức, tình cảm trí tuệ, tình cảm thẩm mĩ và tình cảm hoạt động.
- Tình cảm đạo đức là những tình cảm có liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn những nhu cầu đạo đức của con người.
- Tình cảm trí tuệ là những tình cảm nảy sinh trong quá trình hoạt động trí óc, nó liên quan đến những quá trình nhận thức và sáng tạo, liên quan đến sự thoả mãn hay không thoả mãn những nhu cầu nhận thức của con người. Tình cảm trí tuệ bao gồm: sự ham hiểu biết, sự hoài nghi, sự tin tưởng, sự hài lòng.
- Tình cảm thẩm mĩ là những tình cảm có liên quan đến nhu cầu thẩm mĩ, nhu cầu về cái đẹp. Tình cảm thẩm mĩ biểu hiện thái độ thẩm mĩ của con người đối với hiện thực (tự nhiên, xã hội, lao động, con người).
- Tình cảm hoạt động là sự thể hiện thái độ của con người đối với một hoạt động nhất định, liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu thực hiện hoạt động đó.
Các tình cảm cấp cao kể trên có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, chúng không tồn tại một cách riêng rẽ, tách rời.