IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG: 1.Những kết quả đạt được:
1.1.1. Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản:
Kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Hà Nội luôn là địa chỉ tiếp nhận ở mức cao nguồn vốn quan trọng này và luôn khẳng định vị thế đứng hàng đầu về ĐTNN cùng một số tỉnh, thành bạn. Tính chung, đến đầu năm 2008 Hà Nội đã thu hút được gần 14,6 tỷ USD vốn ĐTNN, đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Vốn đầu tư đã thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 5 tỷ USD. Với vị trí là trung tâm đồng bằng sông Hồng, đầu tàu kinh tế của cả nước nói chung và vùng phát triển kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hà Nội ngày càng trở nên hấp dẫn hơn nhờ những chính sách, cơ chế hợp lý và quyết tâm mời gọi nhà ĐTNN trên cơ sở phát huy tất cả tiềm năng và kết quả đã đạt được trong những năm qua...
Riêng năm 2007, Hà Nội thu hút thêm 344 dự án ĐTNN mới cấp phép và bổ sung tăng vốn, với tổng vốn đăng ký hơn 2,5 tỷ USD, tăng tới 2,3 lần về vốn so với mức thực hiện của năm 2006 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có những siêu dự án đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Đáng chú ý là những dự án xây dựng khách sạn trị giá lớn như dự án tổ hợp khách sạn - thương mại- văn phòng- căn hộ Công viên Thiên niên kỷ Keangnam- Hà Nội trị giá 500 triệu USD của Hàn Quốc, dự án xây dựng tòa nhà Landmark với chiều cao 70 tầng và nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, điện-điện tử, dịch vụ. Ngay những ngày đầu năm 2008 này, UBND thành phố đã trao giấy Chứng nhận đầu tư cho dự án Xây dựng công viên Yên Sở, với tổng vốn đăng ký lên tới 846 triệu USD cho Cty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc tập đoàn Gamuda Berhad của Malaixia. Đây là dự án thuộc lĩnh vực bất động sản có quy mô lớn, kết hợp với cải tạo môi trường.. Tất cả những điều này là kết quả tất yếu của một quá trình nỗ lực, phấn
đấu liên tục, gạt bỏ những trở ngại, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để ngày càng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hơn của Thủ đô nhằm ngày càng phát triển thị trường bất động sản.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn ĐTNN đã khẳng định được vai trò là kênh cấp vốn, bổ sung hữu hiệu cho nhu cầu đầu tư và tăng trưởng của kinh tế Thủ đô trong những năm qua. Tính chung, từ năm 2002 đến nay, vốn ĐTNN chiếm tỷ trọng 13- 15% tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn. Các doanh nghiệp ĐTNN đã thu hút khoảng 90 ngàn lao động trực tiếp. Đặc biệt, 20 năm qua khu vực ĐTNN đã đóng góp hơn 1,8 tỷ USD cho ngân sách Thành phố. Ước tính tổng số vốn đầu tư và cam kết đầu tư của nước ngoài vào bất động sản từ năm 2004 cho đến năm 2010 lên tới khoảng 8-9 tỷ USD trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng cao dẫn đầu là Hàn Quốc, kế đến là Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan...