III. Thực trạng thực hiện các chính sách điều tiết thị trường bất động sản của Hà Nội:
5. Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng:
Hiện nay quỹ đất trống của Hà Nội còn lại rất ít, hầu hết đất đã được người dân sử dụng hoặc xây dựng công trình trên đó. Vì vậy để gia tăng lượng cung đất
cho thị trường bất động sản không có cách nào khác ngoài việc thu hồi đất của người đang sử dụng và bồi thường, hỗ trợ cho họ ổn định cuộc sống ở một địa điểm khác. Có thể nói “Không có giải phóng mặt bằng thì không có xây dựng”, không có thêm quỹ đất sạch nào cho xây dựng, Hà Nội khi đó không thể phát triển hay mở rộng thêm được. Do vậy để điều tiết thị trường bất động sản từ phía cung, Thành phố Hà Nội rất chú trọng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sao cho vừa có thêm đất sạch cung vào thị trường bất động sản, vừa đảm bảo được lợi ích và cuộc sống sau khi bị thu hồi đất của người bị thu hồi đất.
Giá đất đền bù là vấn đề quan trọng nhất và cũng được quan tâm nhất trong các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội. Mức giá đất đền bù phải đảm bảo sao cho người bị thu hồi đất có thể dùng số tiền này để ổn định cuộc sống của mình ở một địa điểm khác. Đối với những trường hợp không lấy tiền thì thành phố phải đảm bảo cho họ có được một chỗ ở tương tự trong khu tái định cư và các khu này khi xây dựng không chỉ quan tâm tới hạ tầng kỹ thuật mà những hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... cũng phải chu đáo thì cuộc sống của người dân mới đảm bảo được. Ngoài ra trong chính sách đền bù vấn đề bố trí việc làm cho người bị thu hồi đất để họ đảm bảo cuộc sống trong tương lai cũng rất quan trọng đặc biệt là đối với trường hợp Nhà Nước thu hồi đất nông nghiệp – một tư liệu sản xuất quan trọng của người nông dân.
Vì vậy để việc thu hồi đất diễn ra thuận lợi, kịp tiến độ, không bị khiếu kiện UBND Thành phố Hà Nội cần phải xây dựng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hợp lý, đảm bảo hài hòa được cả lợi ích của người bị thu hồi đất và cả quyền sở hữu đất của Nhà Nước.
Hiện nay để thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội nhằm giám sát, quản lý, triển khai thực hiện các chính sách, dự án giải phóng mặt bằng
của Thủ đô. Theo Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội cho biết, năm 2000-2007, trung bình mỗi năm thành phố đã giải phóng mặt bằng được khoảng 1.000 ha đất. Tính đến đầu năm 2007 đất của 1.048/1.830 dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư với diện tích thu hồi tổng cộng khoảng gần 7000 ha và số hộ dân bị thu hồi đất lên đến gần 170 nghìn người. Như vậy tuy lượng cung đất sạch cho các dự án rất cao nhưng bên cạnh đó vấn đề ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất cũng đặt nhiều áp lực khó khăn lên chính quyền Thành phố. Không những thế hiện nay Thành phố còn tồn đọng rất nhiều các dự án giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện được, chủ yếu là do vướng mắc ở khâu giá đền bù cho người dân quá thấp so với giá thị trường và các chính sách hỗ trợ cuộc sống cho người dân chưa được đảm bảo do vậy dẫn đến tình trạng khiếu nại tố cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng liên tục gia tăng làm nhiều dự án xây dựng bị chậm lại có khi đến 2,3 năm gây ảnh hưởng đến chủ trương phát triển thị trường bất động sản của Thành phố.
Các chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện tốt trong thực tế. Đầu tiên phải kể đến là việc công khai minh bạch mọi chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, ở từng dự án khác nhau lại được thực hiện khác nhau vì thực tế vẫn chưa có quy định cụ thể nào về điều này, về những người có trách nhiệm công khai minh bạch các chính sách, cơ chế này. Chính vì vậy, mỗi nơi làm một kiểu, tùy theo “cảm hứng” do đó khiến người dân thiếu tin tưởng và trở nên khó thỏa thuận. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến có nhiều đơn thư khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng ở Hà Nội trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư và chuyển đổi nghề cho những người nông dân không còn đất sản xuất là những vấn đề cần thiết yêu cầu phải được thực hiện tốt nếu thành phố muốn công tác giải phóng mặt bằng trôi chảy. Nhưng hiện nay, nhà tái định cư ở Hà Nội tính chung thì không thiếu nhưng lại xảy ra tình trạng thiếu “cục bộ”. Chẳng hạn, dự án A thì thừa hàng trăm căn hộ tái định cư,
nhưng dự án B do nằm ở quận khác nên thiếu nhà tái định cư. Nhưng để san sẻ giữa hai dự án, để giải quyết tình trạng thiếu nhà tái định cư thì hiện nay Hà Nội chưa có cơ chế. Đó là chưa kể, nhiều khu tái định cư đã xây xong nhà rồi nhưng cơ sở hạ tầng như điện nước, đường giao thông lại thiếu, trong khi hạ tầng xã hội như trường học, chợ, trạm y tế... lại chưa có. Về vấn đề giải quyết việc làm cho người dân sau khi thu hồi đất, đến nay Hà Nội vẫn chưa có quy định cụ thể mà mới chỉ quy định chung chung. Việc tổ chức dạy nghề cho người dân mất đất gần như giậm chân tại chỗ hoặc có nơi làm được thì cũng có vấn đề. Ngoài ra, theo quy định thì mỗi doanh nghiệp được giao hoặc cho thuê đất thì phải thu nhận một số người ở địa phương vào làm việc, số lượng người này tương ứng với diện tích mà doanh nghiệp được giao hoặc thuê. Nhưng đến nay, hàng ngàn dự án đã được giải phóng mặt bằng ở Hà Nội thì số doanh nghiệp thực hiện yêu cầu trên chỉ đếm được trên đầu ngón tay vậy mà chính quyền Thành phố vẫn chưa có chế tài gì để xử lý các doanh nghiệp chưa thực hiện. Đã vậy, trình độ, năng lực và phẩm chất ở một bộ phận cán bộ làm công tác GPMB, nhất là ở cấp xã phường, còn hạn chế và tồn tại không ít sai phạm...Như vậy do còn rất nhiều yếu kém trong việc thực thi các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng mà hiện nay Hà Nội đang đứng trước số lượng quy hoạch treo đứng đầu cả nước.